Năm kiến nghị về Giáo dục Việt Nam

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng         
 

Những bài cùng tác giả

i
Để chuẩn bị báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đã vài lần trực tiếp nghe ý kiến của nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hoá. Các cuộc hội thảo được tổ chức với quy mô lớn tại Thủ đô và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cũng chưa bao giờ báo chí lại dành nhiều chỗ như thời gian vừa qua để đăng tải ý kiến của các tầng lớp nhân dân về giáo dục. Có thể coi đây gần như một Hội nghị Diên Hồng để lấy ý kiến của nhân dân về hiện trạng của giáo dục nước ta và phương hướng đổi mới trong những năm tới.

Trong kỳ họp lần này Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục và thảo luận về Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Nhân dân ta không ai phủ nhận những thành tích đáng tự hào của nền giáo dục nước ta trong những năm qua. Là một nước nghèo mà có tới ¼ dân số đang đi học (số HS,SV năm học này là 22,7 triệu người). Truyền thống hiếu học thể hiện rõ ở chỗ dù nghèo khó đến đâu bố mẹ cũng hy sinh để con em mình có thể đến trường và có thể học tiếp lên các bậc cao hơn. Hàng năm số tiền các gia đình bỏ ra cho con em mình đi học tự túc ở nước ngoài có lẽ không thấp hơn 100 triệu USD (!). Cả nước đã hoàn thành Phổ cập Tiểu học và đến nay đã có 20 tỉnh thành được công nhận là Phổ cập Giáo dục TH cơ sở. Gần 1 triệu giáo viên từ Mầm non đến Đại học đã giữ vững được tâm huyết yêu nghề mến trẻ để vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống và gắn bó với sự nghiệp Trồng Người.

Nhưng chính vì mọi gia đình đều quan tâm đến giáo dục cho nên hầu như mọi người đều không bằng lòng với thực trạng giáo dục hiện nay, nó thực sự chưa tương xứng với niềm mong đợi của nhân dân và với yêu cầu Quốc sách hàng đầu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Theo Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội thì chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập, yếu kém; lối học khoa cử vẫn còn nặng nề, giáo dục chỉ chú ý đến truyền đạt kiến thức nhằm ứng phó với các kỳ thi, chưa chú trọng đến việc xây dựng tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, xem nhẹ việc hình thành nhân cách, giáo dục lý tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan và giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc. Kiến thức chuyên ngành ít được cập nhật, trình độ ngoại ngữ, cũng như tin học yếu, hai yêu cầu cơ bản về rèn luyện tư duy phương pháp luận và cung cấp kiến thức đều chưa đạt mục tiêu giáo dục. Sự tụt hậu của giáo dục nước ta so với thế giới đang là một thách thức lớn, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là ở bậc đại học. Năng lực của hệ thống giáo dục chưa thích ứng được với yêu cầu đổi mới kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế và phát triển con người ở thế kỷ XXI.

Tôi cho rằng đánh giá như vậy là nghiêm khắc và chính xác, chắc rằng đa số đại biểu QH sẽ đồng tình. Tuy nhiên, vấn đề cần thảo luận nhiều hơn là cần làm gì để vượt qua thách thức này trong khi đầu tư về giáo dục đã lên đến 17,1% so với tổng chi ngân sách Nhà nước và do đó khó có thể tăng thêm hơn nữa.

Qua tiếp xúc với cử tri, với các bạn đồng nghiệp, với HS,SV và phụ huynh, tôi dự kiến sẽ tham gia đề xuất với Quốc hội năm kiến nghị sau đây:

 
  1. Xây dựng lại một cách công phu và tương đối ổn định Chương trình Giáo dục phổ thông. Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có hẳn Điều 25 về Sách Giáo khoa (SGK) mà không có riêng một điều nào về Chương trình. Thực ra ở phần lớn các nước khác Chương trình mới là pháp lệnh còn SGK thì tư nhân cũng có quyền biên soạn và phát hành. Mọi chuyện giảng dạy và thi cử đều căn cứ vào Chương trình từng môn học do Nhà nước quy định. Chúng ta dự kiến có Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK mà không đưa vào Luật việc thành lập HĐQG thẩm định Chương trình môn học. Theo suy nghĩ của tôi, Chương trình các môn KHTN không có lý gì chúng ta phải chịu thua kém hơn so với các nước khác, càng không có lý gì để nặng nề hơn các nước khác. Ngày nay với hệ thống Internet phổ cập khắp nơi thì việc tìm kiếm một số liệu cụ thể (biến hoá hàng năm) đâu có khó khăn gì, sao lại nhồi nhét vào đầu HS những con số vô hồn mà ngay thầy cô cũng chả ai nhớ nổi (!). Không làm thật chu đáo việc này thì sau khi in cuốn chiếu hết SGK cải cách đến lớp 12 tôi quả quyết sẽ còn phải tiếp tục phải cuốn chiếu lại.

     
  2. Phải mở rộng nhiều hơn nữa lối thoát cho hàng triệu HS tốt nghiệp PTTH hàng năm. Nếu mỗi môn thi bình quân 9/10 điểm (27 điểm) mà vẫn không lọt được vào cửa của Đại học Y Hà Nội thì bao giờ mới có BS giỏi về phục vụ cho bà con nông thôn? Một tỉnh nhiều dân tộc ít người nhất Trung Quốc, lại là tỉnh vùng cao, vùng sâu ,vùng xa, mà có tới 60% học sinh tốt nghiệp THPT sẽ được học tập tiếp thì nhẽ nào ta chịu thua? Nếu học hết lớp 12 mà quay về đi cày thì HS nông thôn sẽ bỏ học ngay từ lớp 9, điều này hết sức nguy hiểm cho sự nghiệp HĐH,CNH đất nước. Muốn làm được điều này phải đa dạng hoá các trường ĐH,CĐ, THCN, trường dạy nghề (ngắn hạn và dài hạn), trường ngoại ngữ thực hành, trường tin học thực hành... Có trường nhằm đào tạo nhân tài, có trường chỉ nhằm phục vụ kinh tế xã hội cho địa phương, có trường chỉ cốt nâng cao dân trí và giúp thanh niên có thể tự lập trong cuộc sống. Tôi đã đến thăm Trường Đại học tư thục phụ nữ ở Tokyo. Đây là một trường rất có giá, nhưng chủ yếu chỉ nhằm đào tạo ra những người vợ, người mẹ có văn hoá và có nghiệp vụ gia chánh, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan (!). Nếu có trường ĐH tương tự như vậy ở nước ta tôi tin rằng không thiếu gì thiếu nữ muốn theo học.

     
  3. Nên bỏ bớt lối tôn sùng bằng cấp và loại trừ hẳn mọi hành vi gian dối trong giáo dục. Bằng cấp chỉ là cái mốc để đánh dấu một quá trình đào tạo. Khi tuyển dụng nên học tập các Doanh nghiệp nước ngoài, đó là phỏng vấn trực tiếp và làm thử. Có người nói đùa là hãy nhốt các ứng viên GS, PGS vào một căn buồng có 4 cửa ra vào. Mỗi cửa có một người nước ngoài (Anh, Pháp, Nga, Hoa) canh giữ, ai trả lời được các câu hỏi (phù hợp với yêu cầu về ngoại ngữ) thì mới được ra. Làm như vậy thì khối anh sẽ chết đói trong buồng đó (!). Nên phát triển lối học theo chứng chỉ để ai cũng có thể học tập tiếp lên các bậc cao hơn. Giỏi thì học nhanh. Kém hoặc vừa làm vừa học thì thời gian kéo dài hơn. Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân tuyển sinh HS nông thôn tốt nghiệp lớp 12 vào học những lớp dạy nghề làm giàu tại chỗ với thời gian học chỉ có...10 ngày (!) nhưng phải thi tốt nghiệp hẳn hoi. Cái chứng chỉ tốt nghiệp này rất quý, vì không có nó không được mua giống tốt (cây trồng, vật nuôi, nấm ăn, nấm dược liệu) và không được bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra. Học phí cực thấp nên thanh niên nông thôn đua nhau theo học (!).

     
  4. Nên bỏ đi các khái niệm Trường Dân lập, Trường Bán công mà chỉ còn lại hai loại trường: Trường Công lập và Trường Tư thục như hầu hết các nước trên thế giới. Tôi vẫn thường nghĩ cái gì mình làm trái với đa số các nước khác thì nên nghĩ là mình sai chứ không phải các nước khác sai! Thương hiệu của các trường được xác định bởi chất lượng đào tạo của từng trường và sự hấp dẫn nhận sinh viên tốt nghiệp tại các trường đó. Phải có sự ganh đua như vậy thì mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo. Thiếu thầy thì thuê giảng viên nước ngoài, trong khi nỗ lực cử cán bộ trẻ đi đào tạo ở nước ngoài. Nên chấm dứt tình trạng yêu cầu học sinh phải có tay nghề cao mà bản thân thầy cô vẫn chưa làm nổi điều đó.

     
  5. Bộ GD&ĐT hãy bỏ hết đi các việc sự vụ để chăm sóc những vấn đề có tính chiến lược và quản lý về mặt Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Tại sao nước Nhật đông dân như thế, phát triển như thế mà một ông Bộ trưởng quản được rất tốt tất tần tật đủ các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, thông tin, thể dục-thể thao? Hãy trao quyền tự chủ cho các trường và chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường.

 

Trong hoàn cảnh hiện nay tôi không thấy có khó khăn gì lớn lắm khi triển khai năm kiến nghị nói trên.

đã đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số ra ngày 1.11.2004

 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng