Nguyên nhân của mọi vấn đề trong giáo dục đại học hiện nay

Vietsciences-Nguyễn Khánh Trung     30/06/2007
 

Những bài cùng tác giả 

Đã từ lâu, những vấn đề trong giáo dục nói chung và đại học nói riêng luôn là đề tài nóng bỏng lôi kéo sự chú ý của báo giới, công luận xã hội cũng như các chuyên gia và các nhà lãnh đạo. Các nhà giáo dục đã phân tích các vấn đề và đề nghị nhiều hướng giải quyết, các lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp, nhiều chương trình cải cách, vv. Tuy nhiên cho đến nay, những căn bệnh của hệ thống giáo dục chẳng những không mấy thuyên giảm mà thậm chí còn ngày càng trầm trọng hơn. Những chương trình cải cách làm cho giáo dục thay đổi liên tục mà không mấy tiến bộ. Có vẻ chúng ta đang bí lối trong việc giải quyết những khó khăn và hoạch định một lộ trình cải cách thông suốt nhằm đưa giáo dục đi lên. Những vấn đề giáo dục nêu trên có nguyên nhân thực sự từ đâu ?  Chúng có mối liên hệ thế nào với những chuyển biến xã hội hiện nay ?  Bài viết này sẽ thử đưa ra những trả lời cho các câu hỏi này.

Reine Goldstein, nhà xã hội hoc giáo dục học người Pháp, cho rằng trong tất cả loại hình giáo dục mang tính tập thể hay cá thể, đều tồn tại ba chiều kích mang dấu ấn lịch sử, kinh tế xã hội và chính trị của xã hội trong đó nền giáo dục hiện hữu. Đó là sự liên hệ tương tác giữa “mô hình lý tưởng mong đạt tới”, những “phương tiện và phương cách được vận dụng” để đạt đến mục tiêu đó và “kết quả: sản phẩm đào tạo” chiếu theo mô hình lý tưởng chung mà xã hội mong đạt tới. Sự liên hệ tương tác giữa ba chiều kích này phải được phân tích trong “bối cảnh xã hội tổng quát”. Áp dụng vào giáo dục đại học nước ta hiện nay, chúng ta có mô hình như sau:


Ba chiều kích trong mô hình trên biểu diễn sự nối kết từ mục tiêu của xã hội đến mục tiêu và các phương cách thực hành trong trường đại học. Chúng ta lần lượt phân tích từng khía cạnh của mô hình này trong bối cảnh xã hội tổng quát hiện nay

 

 

a.     Mô hình lý tưởng nhắm tới

 

Trong các tài liệu chính thức, chúng tôi không tìm thấy một định nghĩa rõ ràng về mẫu hình lý tưởng trong xã hội hiện nay như hình ảnh “Con người mới Xhcn” trước đổi mới, hay mẫu “người quân tử” mà nền Giáo dục Nho giáo ngày xưa đã lấy làm mục tiêu đào tạo trong thời phong kiến. Thế nào là “Con người của nền kinh kinh tế thị trường định hướng xhcn” ? Thật khó có thể đem ra một định nghĩa khúc chiết hợp lý, làm hài hoà và cân bằng giữa “kinh tế thị trường” và việc định hướng “xhcn”. Theo từ điển Wikipédia, kinh tế thị trường là một hệ thống kinh tế dựa vào thị trường, tuân thủ theo quy luật của thị trường, nhất là quy luật cung cầu đề điều chỉnh các hoạt động kinh tế. Hệ thống kinh tế này là một hình thức, một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, nó vận hành trên cơ sở của đầu tư tư nhân. Một nền kinh tế hoàn toàn ngược lại với mô hình kinh tế kế hoạch tập trung của hệ thống Xhcn trước đây. Trong khi về mặt chính trị, khái niệm “Xhcn” mà các nhà lãnh đạo muốn định hướng hầu như vẫn mang đậm dấu ấn của Xhcn truyền thống, vốn chẳng mấy thiện cảm với kinh tế thị trường. Chúng ta vẫn lấy Chủ nghĩa Mác – Lê làm nền tảng tư tưởng, vẫn lấy Quốc doanh làm chỗ dựa mặc dầu có chấp nhận các thành phần kinh tế khác, vẫn áp dụng những cách thức và thói quen truyền thống trong lý luận và hành động, vv. Tóm lại, trên phương diện kinh tế, chúng ta đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ từ kinh tế tập trung bao cấp sang mô thức kinh tế thị trường, nhưng trên phương diện “xhcn” (phương diện chính trị) những cải cách được thực hiện không đáng kể mặc dầu các nhà lý luận tìm cách điều chỉnh, định nghĩa lại, giải thích lại một số khái niệm nhằm có thể rút ngắn những mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành, giữa ý thức hệ và thực tại xã hội.

Những do dự và mâu thuẫn giữa ý muốn kiên định xhcn truyền thống và việc chủ trương cải cách hệ thống kinh tế xã hội đã gây khó khăn trong việc đi tìm một mẫu người lý tưởng chung trong xã hội, làm đích đến cho nhà trường nói chung và đại học nói riêng. Con người của “xã hội kinh tế thị trường định hướng xhcn” phải hội đủ những tiêu chuẩn nào ? Phải mang chuẩn mực và giá trị của kinh tế thị trường hay của “xhcn” ? Những câu hỏi chưa có sự giải đáp một cách thoả đáng.

 

b. Kết quả: sản phẩm đào tạo

 

Đại học không có sẵn mẫu hình lý tưởng trong xã hội được định nghĩa chắc chắn đễ làm mốc tham chiếu nhằm đưa ra mục tiêu đào tạo cụ thể cho những hoạt động của mình. Qua những văn bản chính thức đề cập đến sản phẩm đào tạo của trường đại học hiện nay như luật giáo dục 2005, dường như các nhà lãnh đạo vẫn bảo lưu các giá trị của “hồng và chuyên” trong cách định nghĩa các chuẩn mực và giá trị về đạo đức về chuyên môn mà trường đại học phải nhắm tới. Đại học có hai nhiệm vụ chính: đào tạo “hồng” (đào tạo con người có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân) và đào tạo “chuyên” (có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ đào tạo). Đương nhiên, các cán bộ tư tưởng mới có thẩm quyền giải thích và quy định thế nào là phẩm chất chính trị, là đạo đức, là tinh thần phục vụ nhân dân. Việc đào tạo mặt “chuyên” hoàn toàn tuỳ thuộc vào từng trường, từng khoa đào tạo, còn những gì liên quan đến “hồng” đều do các nhà lãnh đạo độc quyền định nghĩa và phổ biến cho sinh viên của mọi ngành nghề ví như việc sinh viên của tất cả các trường buộc phải học các môn chính trị... Như thế, không phải chúng ta không có một nền tảng lý thuyết về mục tiêu đào tạo của trường đại học, nhưng một mặt, những điểm tựa lý luận hiện nay hình như không mấy ăn khớp với hiện thực xã hội, mặt khác chức năng chuyển tải “hồng” đang ảnh hưởng rất nhiều lên chức năng chuyển tải “chuyên” cũng như chức năng khoa học của trường đại học. Trường đại học nói chung và các đại học khxhnv nói riêng được đặt dưới các quyết nghị của Đảng, phải tuân thủ tính đảng trong tổ chức giảng dạy và nghiên cứu. Mục tiêu đào tạo của đại học là cụ thể hoá mục tiêu của các nhà lãnh đạo, hay nói cách khác, đại học phải chạy theo đường lối chính trị hơn là bám vào thực tiễn của xã hội để xây dựng mục tiêu, chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo.

Việc xác định mục tiêu đào tạo rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trên hầu hết các công đoạn trong quá trình đào tạo, nhất là việc xây dựng các chương trình và lựa chọn nội dung đào tạo. Chúng ta không thể xây dựng những chương trình tốt và thông suốt khi chúng ta không có một định nghĩa rõ ràng về mục tiêu đào tạo. Những nhập nhằng trong việc xác định quan điểm và mục tiêu đào tạo kéo theo sự lủng củng trong khi vận dụng các phương tiện cũng như áp dụng các phương cách trong quá trình đào tạo mà chúng ta sẽ phân tích dưới đây.   

 

b.     Phương tiện và phương cách vận dụng

 

Những khó khăn, những xung đột và mâu thuẫn trong việc đi tìm một mẫu người lý tưởng làm đích tới cho hoạt động giáo dục đại học cũng được tìm thấy trong phương cách mà các nhà lãnh đạo vận dụng trong trường đại học. Một mặt, để thoả mãn những đòi hỏi của thị trường lao động, chủ yếu là những đòi hỏi liên quan đến “chuyên” nơi sản phẩm đào tạo, các nhà lãnh đạo đã ban hành những chương trình cải cách nội dung chương trình cũng như hình thức quản lý của trường đại học. Mặt khác, để đảm bảo những phẩm chất đạo đức và chính trị theo chuẩn mực của mình nơi sản phẩm đào tạo, các nhà lãnh đạo chủ trương gia tăng mức độ “hồng” trong các chương trình, nội dung đào tạo, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Điều này thể hiện qua mọi khâu trong đào tạo từ quá trình xây dựng các chương trình, lựa chọn nội dung, cũng như cách thức tổ chức hành chánh, bố trí nhân sự mà ai cũng dễ dàng nhận ra khi chúng ta tìm phân tích mục tiêu và cách thức thực hiện trong quá trình tổ chức đào tạo của trường đại học. Nói chung, cũng như thời kỳ trước đổi mới, các nhà lãnh đạo sử dụng đại học như một công cụ làm tái tạo các giá trị và chuẩn mực của mình, trong khi những điều này chưa chắc đã phù hợp với những đòi hỏi và chuẩn mực của các nhà tuyển dụng, nhất là các nhà đầu tư tư nhân và ngoại quốc, những người đang sử dụng trên 60% lao động trong cả nước. Đại học chúng ta đang bị giằng co giữa một bên là những đòi hỏi chính trị của nhà cầm quyền và bên kia là những yêu cầu của thị trường lao động. Nhà cầm quyền luôn sử dụng đại học như công cụ làm “ổn định” trật tự về mặt chính trị, trong khi với tư cách là một nơi cung cấp nguồn nhân lực bậc cao cho xã hội, trường đại học không thể thoát khỏi những quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường.

Chức năng chính trị của đại học hiện nay cũng đụng chạm với chức năng sản xuất và chuyển tải tri thức khoa học - kỹ năng nghề nghiệp của trường đại học. Yếu tố chính trị luôn ảnh hưởng mạnh mẽ trên chức năng khoa học của trường đại học. Chủ trương chính trị hoá (politisation) và chính sách tập quyền (centralisation) cao độ đang áp dụng trong giảng dạy đại học nhằm củng cố và duy trì trật tự trên bình diện ý thức đang làm cho đại học thụ động, không kích thích được óc sáng tạo và chính kiến nhằm có thể có được những phát minh nơi giảng viên và sinh viên, làm cho đại học nước ta khó lòng có thể cạnh tranh với các đại học trên thế giới về mặt khoa học... Theo chúng tôi, sự giằng co này là nguyên nhân sâu xa của việc bí lối và luẩn quẩn trong cải cách đại học suốt mấy thập niên vừa qua.

  Như vậy, mấu chốt căn bản của tất cả mọi vấn đề trong giảng dạy đại học hiện nay bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa kinh tế thị trường và định hướng xhcn ngoài xã hội, những mâu thuẫn này ảnh hưởng trực tiếp đến trường đại học, làm cho trường đại học thiếu sự nhất quán trong việc vạch ra mục tiêu đào tạo, từ đó xây dựng các khâu còn lại trong quá trình đào tạo. Nói cách khác, những vấn đề trong giảng dạy đại học bắt nguồn từ sự khủng hoảng của một nền triết lý trong đào tạo, sự khủng hoảng này đến từ những mâu thuẫn giữa “kiến trúc thượng tầng” và “ hạ tầng cơ sở”, từ ý thức hệ đang thống trị và thực tại kinh tế xã hội. Chức năng của đại học là gì ? Đại học phải tổ chức thế nào? Phải hành động ra sao ? để vừa đáp ứng những đòi hỏi của khoa học, của nền kinh tế thị trường và những đòi hỏi chính trị của nhà lãnh đạo ? Những câu hỏi này đang chờ các chuyên gia giải đáp trong hội nghị về triết lý giáo dục sẽ diễn ra tại Hà Nội trong tháng 10/2007 tới đây.

 

© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Khánh Trung