Nhận diện các địa phương "siêu thành tích"

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên              24/06/2010

 

Những bài cùng đề tài

 
Bệnh hình thức trong giáo dục có thể hiểu như là tình trạng thành tựu giáo dục được nâng cao hơn khả năng thực tế một cách có hệ thống (nhằm đáp ứng yêu cầu hay áp lực chính trị).

Trong vài năm gần đây, hầu như bất cứ một kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nào cũng để lại nhiều dấu hỏi trong công chúng. Kì thi năm nay, 2010, cũng không phải ngoại lệ, với nhiều ý kiến cho rằng tỉ lệ tốt nghiệp năm nay quá cao, và có lẽ bệnh thành tích trong giáo dục đang có nguy cơ quay lại hay đang tái phát.

Tuy nhiên, chưa ai tìm ra cách định lượng bệnh thành tích, và cũng chưa ai chỉ ra những địa phương nào có bệnh thành tích. Bài viết này sử dụng các số liệu về tỉ lệ tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên trong các năm từ 2006 đến 2010 (số liệu trích từ các nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ GD và ĐT, Báo VietNamNet, và Báo Dân trí 18/06/2010) để nhận ra những địa phương có dấu hiệu bệnh thành tích.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2010 có gì đáng chú ý?

Theo phân tích của chúng tôi, có 3 điểm đáng chú ý trong tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010: Tỉ lệ tăng nhanh từ năm 2007, độ dao động trong mỗi tỉnh cao hơn mức độ khác biệt giữa các tỉnh, và mối tương quan về kết quả của năm 2010 với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006 (năm được cho là đỉnh cao về bệnh thành tích).

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay xấp xỉ tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006. Theo số liệu mới nhất mà chúng tôi thu thập được (có thể tham khảo ở đây), thì tỉ lệ tốt nghiệp trung bình trên toàn quốc năm 2010 là 90,2%. Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ năm 2006 ( ~92%), nhưng cao hơn hẳn so với các năm 2009 đến gần 10%, năm 2008 khoảng 17%, và năm 2007 đến 27% (Biểu đồ số 1 và 2). Nếu lấy thời điểm 2007 làm điểm khởi đầu, thì số liệu năm 2010 có nghĩa là tỉ lệ tốt nghiệp tăng trung bình khoảng 9% mỗi năm trong thời gian 4 năm qua.

 

Biểu đồ 1: Tỉ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc 2006 - 2010

Tuy nhiên, tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010, cũng như các năm trước dao động rất lớn giữa các tỉnh thành và vùng (Bảng 1

 

Bảng 1 : Tỉ lệ (%) tốt nghiệp THPT tính từng vùng trong thời gian 2007-2010
Vùng

2006

2007

2008

2009

2010

Đông Bắc

93,8

44,0

65,1

79,0

92,7

Tây Bắc

88,6

37,9

62,3

69,5

87,5

ĐBSH

99,0

78,5

85,8

91,1

97,8

Bắc Trung bộ

95,8

60,0

71,8

84,4

97,7

Nam Trung bộ

92,9

72,3

75,4

81,4

93,5

Tây Nguyên

87,7

59,2

67,5

80,7

85,9

Đông Nam bộ

91,4

72,3

74,8

80,2

86,2

ĐBSCL

85,8

69,4

75,2

74,8

82,3

Toàn quốc

91,97

63,4

73,3

80,4

90,2

Độ lệch chuẩn

6,28

17,75

12,06

10,92

8,69

Một đặc điểm đáng chú ý khác là mức độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi tỉnh thành trong thời gian 2006 - 2010 rất caoo. Biểu đồ 2 dưới đây trình bày tỉ lệ tốt nghiệp trung bình cho 63 tỉnh thành. Có một số tỉnh (chủ yếu là vùng Đông Bắc và Tây Bắc) có tỉ lệ tốt nghiệp giảm rất nhanh giữa năm 2006 và 2007 (từ 90% năm 2006 xuống dưới 20% vào năm 2007), nhưng sau đó thì cũng tăng rất nhanh.

Trong khi đó, độ khác biệt giữa các tỉnh cho từng năm thì có xu hướng giảm theo thời gian. Điều này nói lên một nghịch lí là mức độ biến chuyển tỉ lệ tốt nghiệp trong mỗi tỉnh cao hơn mức độ khác biệt giữa các tỉnh!

 

Biểu đồ 2: Tỉ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc 2006 - 2010 của 63 tỉnh thành (mỗi đường biểu thị cho một tỉnh)

Căn bệnh luôn tái phát

Một cách có thể dùng để thẩm định xu hướng "bệnh thành tích" có tái phát hay không là xem xét đến mối tương quan về tỉ lệ tốt nghiệp giữa các năm, mà thước đo là hệ số tương quan (coefficient of correlation). Hệ số tương quan là một chỉ số đo sự tương đồng giữa hai biến số, hay trong trường hợp này là tỉ lệ tốt nghiệp giữa 2 năm.

Hệ số này dao động từ 0 (tức hoàn toàn không có liên quan) đến 1 (tức hoàn toàn tương quan). Khi hệ số tương quan giữa năm tt+1 gần bằng 1, điều đó có nghĩa là tỉ lệ tốt nghiệp của năm t+1 có thể tiên đoán từ tỉ lệ tốt nghiệp của năm t. Áp dụng khái niệm đó, chúng tôi đã phân tích tỉ lệ tốt nghiệp của tất cả các năm 2006 - 2010 (Biểu đồ 3)

Phân tích cho thấy một xu hướng rất thú vị và cũng có ý nghĩa. Mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp của năm 2010 với các năm 2009, 2008, 2007 giảm dần. Tỉ lệ tốt nghiệp giữa năm 2010 và 2009 là 0,59, giữa năm 2010 và 2008 là 0,26 ; và giữa năm 2010 và 2007 chỉ còn 0,11, thậm chí không có ý nghĩa thống kê.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010 và năm 2006 là cao nhất (r = 0,70). Kết quả này cho biết, những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2006 cũng chính là những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp cao trong năm 2010. Thật vậy, tỉ lệ năm 2006 có thể tiên đoán khoảng 50% độ dao động về tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010!

 

Biểu đồ 3: Hệ số tương quan về tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2006 - 2010 Cách đọc: Những ô trong cột thứ 5 (tính từ trái sang phải) thể hiện mối tương quan giữa tỉ lệ tốt nghiệp năm 2010 với các năm 2006 - 2009. Chẳng hạn như hệ số tương quan giữa tỷ lệ tốt nghiệp năm 2010 và 2009 là 0,59, giữa 2010 và 2008 là 0,26 (tức rất thấp), giữa 2010 và 2007 là 0,11 (không có ý nghĩa thống kê). Nhưng giữa năm 2010 và 2006 là 0,70 (tức cao nhất so với các năm khác). Cách đọc tương tự có thể áp dụng cho năm 2009 ở cột số 4.

"Bệnh thành tích" hay áp lực chính trị ?

Để định lượng bệnh thành tích, chúng ta cần một định nghĩa khả dĩ. Thật ra, cho đến nay, chúng ta chỉ hiểu ngầm bệnh thành tích, chứ chưa có ai định nghĩa nó như thế nào. Có tác giả như Huỳnh Bảo Sơn chẳng hạn, xem bệnh thành tích là một hậu quả của chủ nghĩa hình thức.

Theo tác giả này "Bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng và hiện tượng đào tạo hình ống của hệ thống đại học ở nước ta." Nhưng đó vẫn chưa phải là một định nghĩa của bệnh, mà chỉ là căn nguyên của bệnh.

Theo chúng tôi, bệnh hình thức trong giáo dục có thể hiểu như là tình trạng thành tựu giáo dục được nâng cao hơn khả năng thực tế một cách có hệ thống (nhằm đáp ứng yêu cầu hay áp lực chính trị). Chẳng hạn như, một trường trung học vùng sâu vùng xa, dù thiếu khả năng và phương tiện để nâng cao trình độ học sinh bằng các trường ở thành phố, nhưng vì địa phương (tỉnh) cần con số đẹp để báo cáo lên trung ương, nên phải gây áp lực cho giáo viên và hiệu trưởng nâng cao điểm cho học sinh sao cho tương đương với điểm của học sinh thành phố.

Chiếu theo định nghĩa trên, có ba vế: Thứ nhất là thành tựu giáo dục. Thứ hai là khả năng thực tế. Thứ ba là dùng cơ chế để đạt được thành tích ảo. Nếu dựa theo đó, chúng tôi có thể định lượng bệnh thành tích bằng các chỉ số cụ thể. Để định lượng bệnh, chúng ta cần một vài chỉ số thống kê để đo lường qui mô và xu hướng phát sinh của bệnh thành tích.

Trong bài phân tích này, chúng tôi sử dụng tỉ lệ tốt nghiệp như là một chỉ số đo lường một "thành tựu" giáo dục, bởi vì con số này phản ảnh tình hình chung liên quan đến đầu ra của một địa phương. Nói đến xu hướng là nói đến thời gian, cho nên chúng ta cần phải xem xét đến tỉ lệ tốt nghiệp THPT trong thời gian qua.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên