Sách giáo khoa của ta chẳng giống ai ?

Vietsciences-Nguyễn Xuân Chánh     01/05/2008

 

Những bài cùng tác giả


Vừa đá bóng vừa thổi còi
Càng cho mình đúng, càng lòi cái sai

Năm 2006, sau khi nghe tân Bộ Trường Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tuyên bố là chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) đổi mới sẽ dùng ổn định trong 15-20 năm tới, đồng thời Viện chiến lược và chương trình giáo dục (CL&CTGD) hết sức ca tụng SGK đổi mới tôi có viết một số bài nói về SGK Vật lý, thí dụ “Có phải là SGK Vật lý độc quyền sai, độc quyền không sửa vì độc quyền xuất bn hay không? đăng ở edunet ngày 18/11/2006, “Sách giáo khoa Vật lý sai không sửa hay không sửa được” đăng ở Văn nghệ trẻ số ra ngày 10/12/2006.
Có lẽ vì những bài viết đó nên vào dịp Noel 2006 có một cuộc họp kỳ lạ ở Bộ GD&ĐT, tham dự có đầy đủ: Vụ giáo dục phổ thông (cấp cao nhát cỡ Vụ phó) Viện chiến lược và chương trình giáo dục (2 Viện phó), Nhà xuất bn Giáo dục (2 phó giám đốc), Hội đồng thẩm định sách giáo khoa Vật lý (ông nguyên chủ tịch), nhiều chuyên viên và đặc biệt là có đông đủ các chủ biên, các tác gi SGK Vật lý Trung học cơ sở (THCS) Tôi được ban biên tập Vật lý của Nhà xuất bản giáo dục mời dự, trước khi đi tôi cũng chưa thật rõ nội dung và mục đích cuộc họp.
Qua diễn biến ở cuộc họp tôi mới rõ phía “đối lập” chỉ có một mình tôi là người được phát biểu và có những bài viết nói là SGK Vật lý THCS có nhiều chỗ sai. Thành phần còn lại của cuộc họp là những người có trách nhiệm viết, thẩm định, biên tập, xuất bản SGK Vật lý THCS. Những người đó lên án những bài viết của tôi, các tác giả SGK Vật lý nói rằng những chỗ ở SGK tôi nhận xét là sai đều là đúng, không sai. Thậm chí có tác giả còn nói rằng tại sao tôi lại viết về sai sót ở sách giao khoa Vật lý cho một tờ báo không khoa học như tờ Văn nghệ trẻ và cho rằng những điều tôi viết là “láo toét”. Nói chung đó là những người đá bóng tự đứng ra thổi còi luôn khẳng định rằng đội của mình luôn luôn đúng luật. Tôi chủ trương bình tĩnh lắng nghe, không tranh luận ở một hội nghị như vậy, tuy rằng càng nghe nói là không sai, tôi thấy họ càng sai nặng hơn. Khi người chủ trì cuộc họp đề nghị tôi phát biểu, tôi chỉ nói vắn tắt là tôi hoàn toàn không ân hận một chút nào về những bài tôi đã viết, những chỗ tôi đã nói là ở SGK viết sai đều là sai cả. Cuối cùng người cán bộ chủ trì cuộc họp đọc dự tho kết luận của hội nghị với nội dung chính là “Sách giáo khoa Vật lý THCS không sai về mặt khoa học”. Người chủ trì cuộc họp rất “dân chủ” đề nghị riêng tôi ghi ý kiến của mình vào kết luận hội nghị. Tôi ghi: “ý kiến của tôi là SGK Vật lý THCS có nhiều chỗ sai và đều là sai về mặt khoa học” và ký tên. Tôi không rõ thâm tâm của những người dự họp hôm đó như thế nào nhưng về hình thức thì tất cả những người dự họp đó đều nhất trí là SGK Vật lý THCS không sai về mặt khoa học, chỉ có một người không liên quan gì đến trách nhiệm viết, duyệt, xuất bản bộ SGK đó là tôi, rất thiểu số, không đồng ý.
Có một chuyện hay nữa là gần cuối cuộc họp có ý kiến nói rằng các tác giả SGK Vật lý THCS nên viết bài phản bác lại những ý kiến cho là SGK Vật lý sai thì các tác giả nói rằng việc sách không sai đã rõ, không cần phải viết bài trả lời rồi đưa quả bóng cho Vụ Giáo dục phổ thông, yêu cầu Vụ Giáo dục phổ thông họp báo để ra tuyên bố là SGK Vật lý THCS không sai.
Tôi rời hội nghị, cứ ngẫm nghĩ tại sao những người cầm cân nẩy mực về SGK ở Bộ lại có cách hành xử kỳ lạ như vậy, sai sót ở SGK Vật lý cả xã hội đều biết và đang giấy trắng mực đen rõ ràng ở hàng triệu bản in chứ có phải lời nói gió bay đâu, cả vú lấp miệng em thế nào được. Một mặt tôi chờ đợi xem Bộ có họp báo, công bố không, một mặt tôi viết ngay bài “Có thể sách giáo khoa Vật lý THCS sai nhiều quá hoá thành không sai” đăng ở edunet.vn trước cuối năm 2006 và tạp chí Vật lý ngày nay đăng lại vào đầu năm 2007. ở bài này tôi nhắc lại vắn tắt một số sai sót ở SGK Vật lý đã nói trước đây bằng những câu lục bát quê mùa (mỗi sai sót 2 câu) và nêu tiếp một số sai sót mà trước đây chưa nói. Đề bài lục bát hai mươi câu đó là: “Đôi điều thắc mắc của học sinh khi đọc sách Vật lý THCS, hai câu đầu và hai câu cuối là:
 

Thưa thầy viết sách giáo khoa
Vẩy trắng ở tắc kè hoa thế nào?
…..
Thầy như ngọn núi Thái Sơn
Xin thầy giảng giải giúp con học bài.

(Hai câu đầu nhắc lại việc ở SGK các thầy viết là con tắc kè hoa ở cây nào thì có màu sắc của lá cây cây đó vì da nó có các vẩy màu trắng).
Chờ đợi mỏi cả năm 2007 không thấy Bộ họp báo công bố là SGK Vật lý không sai về mặt khoa học, cũng không thấy thầy nào giải đáp những thắc mắc để chứng tỏ là không sai về mặt khoa học. Thật ra trong thâm tâm tôi nghĩ Bộ cũng khó họp báo, các tác giả cũng không dễ giải đáp, rồi có lúc Bộ sẽ nghĩ lại.

Lẽ nào:
 

Trăm quan có mắt như mờ
Để cho sai sót sờ sờ ở sách giáo khoa
2.
Trắc nghiệm mà không khách quan
Càng thêm bảo thủ, càng oan học trò.
 

Giữa năm 2007 những người đã chán nói về sai sót ở SGK Vật lý lại bị kích thích bởi kiểu cấp tốc cải tiến thi THPT theo cách thi trắc nghiệm khách quan nhiều môn trong đó có môn Vật lý.
Tình cờ đọc báo sau hôm thi đăng đề thi trắc nghiệm môn Vật lý và đáp án tôi chú ý ngay đến đề thi số 9.
 

Hãy chọn và đánh dấu vào câu đúng trong 4 câu A, B, C, D dưới đây:
Nguyên tắc hoạt động của máy quang phổ dựa trên hiện tượng:
A. Tán sắc ánh sáng
B. Khúc xạ ánh sáng
C. Phản xạ ánh sáng
D. Giao thoa ánh sáng
Cuối bài công bố đáp án đúng là A. Như vậy có nghĩa là học sinh nào đánh dấu vào B, C hay D đều bị 0 điểm.

 

Tôi đã phân tích đề thi đó, gửi cho edunet.vn ngay ngày hôm sau với mong mỏi là phải bổ sung ngay đáp án kẻo oan cho học sinh. Nội dung tôi viết tóm tắt như sau:

Đáp án A (tán sắc) là đúng nhưng đáp án B (khúc xạ) và đáp án D (giao thoa) cũng là đúng. Không những thế, học sinh đánh dấu vào B hoặc C là học sinh giỏi, hiểu bài sâu hơn. Đó là vì đề thi, chỉ nói đến máy quang phổ, nếu là máy quang phổ dùng lăng kính thì tia sáng qua lăng kính do bị khúc xạ (nhiều hay ít phụ thuộc ?) nên mới có hiện tượng tán sắc. Còn nếu đó là máy quang phổ dùng cách tử (phần lớn máy quang phổ hiện nay là dùng cách tử thay cho dùng lăng kính, SGK Vật lý thí điểm đã dạy cho học sinh như vậy) thì trả lời hiện tượng giao thoa (đáp án C) là đúng hoàn toàn. Ra một đề thi trắc nghiệm đáng lẽ trong 4 đáp án chỉ có 1 đáp án là đúng thì ở đây ngược lại: chỉ có 1 đáp án là sai, 3 đáp án còn lại đều đúng.
 

Nhưng điều oái ăm là ngay sau khi đã có ý kiến về đề thi Vật lý có vấn đề, báo mạng (edunet.vn), báo in (Thanh niên, Tiền Phong) lên tiếng trước khi chấm thi nhiều ngày thì sau khi bố trí cho vài giáo viên phát biểu nói rằng học sinh phải làm bài theo SGK (theo tôi nói rất không chính xác, xem phần 3), ông Cục trưởng Cục khảo thí tuyên bố chắc nịch (đăng ở báo Thanh niên) rằng chỉ có đáp án A là đúng! Vậy là Cục khảo thí và những người viết SGK tận dụng tối đa quyền lực của mình để chứng tỏ rằng mình luôn luôn đúng. Tuy chỉ là một câu trắc nghiệm nhưng cách hành xử của Cục khảo thí là một cách đe doạ: Phải theo đúng câu chữ trong SGK mà làm bài. Sách viết có sai, có sót thì cũng cứ phải theo đúng sách.

Sách sai thì mặc sách sai
Trò phải làm bài theo sách giáo khoa

Nhưng có phải là cứ nhắm mắt làm bài theo SGK là được điểm hay không? Xin xem phần sau để thấy không dễ gì nhắm mắt đưa chân như vậy.


Thầy sai em cũng theo thầy
Thầy tự mâu thuẫn theo ai bây giờ?

Tôi chờ xem và mong mỏi những tác giả viết SGK tuy đã cố coi là mình không sai nhưng chắc là sẽ rút kinh nghiệm cho những sách mới viết. Tháng 12/2007 tôi ra nhà sách Giáo dục ở phố Lý Thường Kiệt mua quyển sách Vật lý 11 ban cơ bản (tức là sách không đề thêm hai chữ nâng cao) do ông Lương Duyên Bình làm tổng chủ biên và ông Vũ Quang là chủ biên cùng 4 tác giả nữa. Cuối sách có đề là sách in 150.000 bản, nạp lưu chiểu tháng 6/2007. Đây là sách mới in dùng cho năm học 2007-2008 và theo kế hoạch sẽ dùng cho nhiều năm sau.
Tôi quan tâm đến phần nội dung liên quan đến đề thi trắc nghiệm vừa rồi. Lật trang 178 phần nói về máy quang phổ, sách viết:

1/ Máy quang phổ

Lăng kính là bộ phận chính của máy quang phổ (hình 28.6)
Máy này phân tích ánh sáng từ nguồn phát ra thành các thành phần đơn sắc, nhờ đó xác định được cấu tạo của nguồn sáng.
Máy quang phổ có thể gồm một hoặc hai lăng kính.
Và ngay ở dưới hình 28.6 có câu: Ghi chú: Ngày nay phần lớn máy quang phổ dùng cách tử thay vì dùng lăng kính.
Đọc đến đây quả thật tôi không thể lý giải nổi: Vậy tác giả muốn cho học sinh hiểu bộ phận chính của máy quang phổ là gì? Là lăng kính như tác giả khẳng định ở câu đầu hay là cách tử như tác giả khẳng định ở chú thích.
Hay là tác giả muốn cho học sinh suy luận tổng hợp: Bộ phận chính của máy quang phổ ngày nay là cách tử, có máy quang phổ dùng lăng kính nhưng là máy quang phổ ngày xưa, nay còn lại rất ít. Nhưng hình như các thầy ra đề thi trắc nghiệm vừa rồi lại không suy luận tổng hợp được như vậy! Và ông Cục trưởng Cục khảo thí nghe nói cũng là một nhà Vật lý cũng không thèm suy luận phức tạp. Tôi lại càng hoang mang khi ở trang 179 có 4 câu chữ đậm, mục đích để học sinh chốt lại nội dung bài giảng, trong đó câu chữ đậm thứ tư là:


Lăng kính là bộ phận chính của máy quang phổ.

 

Thế đấy! Chỉ gói gọn trong chưa đầy hai trang sách giáo khoa mà biết bao điều mâu thuẫn. Thầy chủ quan chỉ nhớ ý ở câu cuối (lăng kính là bộ phận chính của máy quang phổ) và chủ quan cho rằng ở lăng kính chỉ có hiện tượng tán sắc, không có hiện tượng khúc xạ thì mới ra đề thi trắc nghiệm khách quan với đáp án A là duy nhất đúng như ông Cục trưởng Cục khảo thí khẳng định. Trò lại chú ý đến câu chú thích “Phần lớn máy quang phổ dùng cách tử thay cho dùng lăng kính” và chọn đáp án đúng là D (giao thoa) thì bị giáng ngay không điểm. Hơn nữa nếu nghĩ rằng ở lăng kính gốc của hiện tượng tán sắc là hiện tượng khúc xạ phụ thuộc vào bước sóng mà chọn đáp án là B thì vẫn bị đánh trượt vì thi trắc nghiệm khách quan mà không đoán được hoàn toàn suy nghĩ chủ quan của thầy ra đề thi!
Tình hình này học sinh nào thi kiểu trắc nghiệm mà đạt điểm cao thì ta phải thán phục.


Khen cho con mắt tinh đời
ý thầy đoán giữa trần ai mới tài!


* *
*
 


Tôi viết những dòng này không phải là để nói đến sai sót ở SGK Vật lý, vấn đề này nói đã nhiều rồi. Tôi muốn xâu chuỗi một số sự kiện cụ thể dính dáng với nhau liên quan đến SGK để thấy những người chủ trì việc viết, in xuất n bộ SGK đổi mới, ít nhất là đối với môn Vật lý, hiện nay rất quyết tâm bảo vệ “thành tích” của mình. Và bất cứ ai, dựa vào bộ SGK đó mà tổ chức dạy, thi cử, kiểm tra kiến thức của học sinh bồi dưỡng kiến thức cho thầy giáo thì mặt này hoặc mặt khác thế nào cũng gặp phải rất nhiều điều bất cập, không gỡ nổi.

Cái gốc của vấn đề không phi là ở khả năng của những người viết SGK mà là ở cách làm rất ngược đời chỉ có ở Việt Nam: Những người đứng đầu dự án đổi mới giáo dục phổ thông đã chủ trương ban đầu chỉ làm một cái chương trình khung khá sơ sài cho các môn học rồi tổ chức ngay việc viết SGK, mỗi sách nhiều người viết, mỗi người viết một vài chương. Kéo dài gần 10 năm, khi sách viết theo kiểu cuốn chiếu cơ bản đã xong, từ những quyển sách viết rất lủng củng nhiều sai sót đó, các tác giả sách lại nặn ra một cái gọi là chương trình có tầm cỡ quốc gia, dùng cho nhiều thế hệ! Và những SGK đã viết ra, những người làm dự án đánh giá là rất “phù hợp” với chương trình đã công bố nên nói là sẽ dùng ổn định trong 15-20 năm như ông tân Bộ trưởng đã tuyên bố. Bộ SGK vừa đưa ra sử dụng thì vấp ngay rất nhiều ý kiến nhận xét, phê bình, nêu cụ thể ra nhiều sai sót không chấp nhận được. Nhưng những người có trách nhiệm làm ra SGK thì cứ cương quyết: SGK rất tốt, không có sai sót gì, mà trường hợp SGK Vật lý THCS nói trên là một ví dụ.

Gần đây giáo sư Hoàng Tuỵ có bài “Không để sức ì kéo lùi giáo dục” (Vietnam Net 4/01/2008). Phải chăng ở Bộ có một sức ì rất lớn về vấn đề CT và SGK. Lại có người tin tưởng: Năm 2008 giáo dục nước nhà sẽ có nhiều chuyển biến.

Tôi thuộc diện lạc quan nghĩ rằng có lẽ Bộ không chờ đợi gì nữa mà trong năm 2008 sẽ làm những việc trong tầm tay:

- Công nhận rằng cách làm CT&SGK ở nước ta vừa qua là không giống ai, bộ SGK đổi mới không đạt yêu cầu, phải làm lại hoàn toàn.

- Sưu tầm CT và SGK của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nhỏ ở châu Á có công nghiệp phát triển, huy động những nhà giáo dục, những nhà khoa học có tâm huyết tham kho để làm một chương trình giáo dục phổ thông hiện đại, phù hợp với Việt Nam, hoà nhập với quốc tế và khu vực.

- Khi đã có chương trình, tổ chức việc viết SGK theo chương trình một cách xã hội hoá như đa số các nước đã làm. Chắc chắn là qua thực tế chọn lọc sẽ có những SGK phù hợp với chương trình, cơ bản và hiện đại thích hợp với phổ thông, học sinh dễ học, giáo viên dễ dạy nhưng thi cử, kiểm tra kiến thức thì cứ theo chương trình.
Nếu không làm ngay, làm sớm những việc trên thì có lẽ phải cứ ung dung ngồi chờ đến năm 2020 với bộ SGK lỗi thời này.

 

Bài đăng ở Báo Thời Đại, Số 9, ra ngày 27-2-2008,
thuộc cơ quan Liên hiệp Hội các tổ chức hữu nghị Việt Nam
Tạp Chí Vật Lý Ngày Nay,
Tập XVIII-Số 2 (85) tháng 4 năm 2008 trang 19-22,(được in ra và phát hành)
Tạp chí của Hội Vật Lý Việt Nam

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Chánh