Sadim

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu        09/03/2010

 

Những bài cùng tác giả

Ai vậy ?

Theo truyền thuyết, Midas là vua xứ Phrygie ở Cận Đông (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) khoảng thế kỉ thứ VIII trước Công Nguyên 1. (Đã là truyền thuyết thì có nhiều dị bản. Xin độc giả đừng ngạc nhiên). Một bữa, thần Bacchus 2 vì một ân huệ riêng, muốn trả ơn Midas, nên cho vua này được quyền hưởng một lời ước. Midas xin được hưởng phép tất cả những gì tay mình đụng tới đều biến thành vàng. Bacchus đồng ý. Midas đụng vào đồ ăn thức uống thì tất cả đều biến thành vàng, không sao ăn uống được nữa. Ngài này hoảng quá, cuống queo xin thần “giải” cho lời ước này. Bacchus nghĩ rằng đùa đã dai, bèn bảo Midas đi rửa tay ở sông Pactole, cát ở đó có tiếng lắm vàng 3. Vàng và cát luôn luôn đi đôi với nhau trong truyền thuyết này. Giá mà có những ai đụng vào gì thì thứ ấy biến thành cát, thì tôi sẽ gọi là những Sadim – do chữ M-I-D-A-S xếp ngược lại thành S-A-D-I-M. 4

Nhưng mục đích của tôi không phải là kể chuyện lẩm cẩm về ông vua Midas, mà là để ví von 5 với nền Giáo dục Đào tạo Việt Nam.

Trải qua mấy thế kỉ theo Hán học, đọc mượn viết nhờ, lòi ra được thứ chữ Nho mà đọc lên thì Tàu cũng chẳng hiểu, ta cũng chẳng hiểu, trừ một lũ hủ Nho – ngoại trừ 2 giai đoạn ngắn ngủi định cải cách của Hồ Quí Ly và của Nguyễn Huệ. Rồi khi bị Pháp đô hộ, phải học tiếng Pháp ; chữ quốc ngữ cũng nhờ đó mà nhen nhúm lên.

Nhưng thực sự chỉ bắt đầu từ tháng 3 năm 1945, tiếng Việt Nam với chữ quốc ngữ, mới được dùng làm chuyển ngữ chính thức. Công lao của các vị Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, và cộng tác viên, cùng với các trí thức thời đó 6 thật là lớn, và trong khoảng mấy chục năm, dù là trong chiến tranh chống Pháp, rồi chiến tranh chống Mỹ, với những khó khăn thiếu thốn, nền Giáo dục Đào tạo đúng là “vàng mười” của Việt Nam. Mấy vị đó chính là những Midas trong việc quản lý điều hành, và đóng góp cho nền Giáo dục Đào tạo của Việt Nam.

Hồi sau, những người làm trái ngược lại, thì là những Sadim. Những Sadim này ở đâu xuất hiện ra, và họ kết nạp nhau như thế nào mà quyền to chức trọng, thì là chuyện thiên tào. Tôi ở hạ giới không thể biết được.



Chú thích

1 Tất cả các tên gọi trong bài này đều dùng tên gọi trong nền văn hóa La Mã tuy ăn cóp của nền văn hóa Hy Lạp cổ hơn nhiều.

2 Thần “rượu chè be bét”.

3 Tôi định cư ở Pháp, nên quen dùng ngôn ngữ Pháp, rất hợp với sự chơi chữ trong nội dung bài. Thí dụ tên sông “Pactole”, ngày nay tiếng Pháp nghĩa là “nguồn tiền bạc lớn”. Dịch ra tiếng Việt, e không lột được đủ mọi ý. Tôi không biết trong các ngôn ngữ khác thì như thế nào.

4 Tôi xin cám ơn anh KV đã gà cho tôi cái ý viết ngược này.

5 Cũng có lần có độc giả trẻ chửi tôi là chỉ nói ví von, mà chẳng nêu giải pháp. Hồi đó, tôi đã phải thưa rằng trước khi chửi tôi, thì cũng nên mở đọc mấy cuốn sách tôi viết đã, có bằng chứng hẳn hoi. Sách đã xuất bản tại trong nước, cũng có bán ở nước ngoài, nhưng có thể đọc trên mạng của tôi, http://www.buitronglieu.net, không mất tiền mua đâu !

6 Tôi kể từ khi chính quyền thực dân Pháp bị Nhật lật đổ.


 

Đã đăng trên Diễn Đàn
 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu