Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, giáo dục đại học Việt Nam cần nhìn lại mình

Vietsciences- Nguyễn Đăng Hưng     16/01/2007

 

Những bài cùng tác giả


Cuối cùng thì Việt Nam cũng hoà nhập với thế giới, trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức Mậu dịch Quốc tế (WTO), bước lên thuyền có động cơ để đi ra biển lớn của xu thế toàn cầu hoá. Đây là một thành quả đáng khích lệ về những nỗ lực kiên trì không mệt mõi của Chính phủ Việt Nam qua những cuộc bàn thảo song phương và đa phương kéo dài 11 năm nay. Đây là bước ngoặc quyết định của công cuộc đổi mới, món quà quí báu nhất cho toàn thể dân tộc Việt Nam trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới 2007. Thật vậy, việc hội nhập vào thị trường toàn cầu là bước đi đúng hướng, là quyết định đột phá có tính chiến lược cho việc phát triển đất nước. Thế nào chăng nữa, rồi dân tộc Việt nam sẽ gặt hái được thành quả cuối cùng có lợi cho tương lai, đặc biệt cho thế hệ trẻ.


Khung cảnh cạnh tranh toàn cầu sẽ thúc đẩy các chủ trương sửa đổi, cải tổ mà Việt nam đang rất cần. Hướng đi đã rõ, dân tộc Việt nam, vốn thông minh quả cảm, sẽ vượt qua được những thử thách mới để vươn lên chung vai sát cánh cùng thế giới. Đó là những cơ hội, nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với những khó khăn nhất định và những khó khăn này sẽ ngày càng trở nên bức thiết.

Đặc biệt, trong ký kết, giáo dục đào tạo được coi là một dịch vụ. Các tổ chức, cơ cấu quốc tế có thể ký kết hợp đồng với các tổ chức Việt nam về tổ chức giảng dạy và đào tạo những lĩnh vực cho phép như khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ… Đây là những lĩnh vực chủ đạo mà đất nước phải có nhiều nỗ lực để tiến lên. Bản cam kết cũng nói rằng, sau năm 2008 các tổ chức quốc tế có thể đến Việt nam đặt cơ sở về giáo dục đào tạo với vốn 100%. Đến lúc đó dịch vụ giáo dục đào tạo Việt nam coi như toàn diện mở cửa.


Trước bối cảnh toàn cầu hoá như vậy ta nên ứng xử thế nào? Ta biết toàn cầu hoá là quá trình không cưỡng lại được. Ngay cả những nước tiên tiến nhất cũng có mất mát vì công việc làm và tiền đầu tư bị chuyển đi chỗ khác, và có thể, họ sẽ bị những hậu quả xã hội nhất định. Đối với một nước trên đường phát triển như nuớc Việt Nam, chúng ta cũng phải chuẩn bị để những hậu quả được giảm thiểu. Đây chính là cái giá phải trả cho việc toàn cầu hoá. Một câu hỏi thường được đặt ra: Chúng ta đã chuẩn bị thế nào, nỗ lực làm sao để thích ứng thực tại mới này?


Chúng ta đang đứng ở đâu?


Tại Việt Nam, tôi cho rằng trong tất cả lĩnh vực dịch vụ thì lĩnh vực giáo dục đào tạo ta sẽ phải khởi đầu như một đối tác khó có thể yếu hơn. Và có lẽ công việc chuẩn bị của Việt Nam trong lĩnh vực này cũng là kém nhất. Ngay từ ngày ký kết chúng ta đã không có được 50% thị phần. Chúng ta không có gì để xuất khẩu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Thật vậy, chúng ta có gì đâu để trình làng, để có cơ may vươn ra thế giới? Trừ một ít sinh viên Lào, trừ vài ba sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tiếng Việt hay nghiên cứu văn hoá Việt Nam, thử hỏi thành phần học sinh, sinh viên nào sẽ đông đảo qua Việt Nam du học trong tình trạng giáo dục rất tụt hậu hiện nay? Cũng nên đặt câu hỏi có mấy giáo sư Việt Nam được quốc tế mời đi thỉnh giảng?


Thế vậy 50% còn lại là gì? Đó là thị trường Việt nam. Làm gì để giữ chân được con em mình học tập ngay tại đất nước mình. Phải nói, trải dài qua mấy thập kỷ, chúng ta liên tục đi chệch hướng để ngày nay dẫn đến tình trạng cùng cực nhất. Người dân Việt Nam đã mất hết niềm tin vào hệ thống giáo dục Việt Nam. Con em những gia đình khá giả, những gia đình trí thức, những gia đình quan chức đổ xô đi học ở nước ngoài. Một nguồn vốn lớn lẽ ra rất cần cho việc đầu tư cho ngành giáo dục lại chạy tụt khỏi tầm tay !


Vậy chúng ta phải làm gì?

Vấn đề là phải bắt đúng mạch, đoán đúng bệnh mới có cơ may chữa trị

Trước hết theo tôi nền giáo dục cần phải nỗ lực hết mình để lấy lại lòng tin của nhân dân. Làm thế nào để tài sản trí tuệ không chảy ra xứ người mà giữ lại Việt nam để củng cố các cơ sở đào tạo hiện có. Ta phải bình tâm nhận định rõ ràng hơn, từ đâu mà giáo dục Việt nam lại tụt hậu trầm trọng và chệch hướng như hôm nay? Theo tôi, nguyên nhân sâu sắc nhất là ở tư duy giáo dục của ta có những sai lầm mãn tính, những căn bịnh trầm kha từ nhiều thập kỷ. Cơ chế giáo dục của ta quá cũ kỹ, cồng kềnh, một mảng lớn của bộ phận nhân sự quản lý không có tầm mà cũng chẳng có tâm.


Chúng ta đề cao thành tích, đề cao bằng cấp nhưng lại quên mất truyền thống “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Hệ thống tổ chức quản lý giáo dục lại tạo ra những kẽ hở, những hướng đi, những cách giải quyết không giống ai để thực học càng ngày càng tàn lụi và học ảo càng ngày càng lấn át.


Chúng ta chưa chấp nhận cơ chế mềm đầu vào và cứng đầu ra. Một mặt tổ chức thi cử quá cứng nhắc, quá phức tạp ở đầu vào, mặt khác lại không đảm bảo được chất lượng đào tạo ở đầu ra. Chúng ta chưa ý thức hay cố tình lờ đi cốt lõi của vấn đề: cấp bằng cho người không đạt trình độ là cố ý làm tác hại đến tương lai xã hội…


Phong cách, lề lối quản lý giáo dục còn quá lạc hậu. Thói ôm đồm, gom tóm, thu vén đã thâm nhập sâu đậm vào các cấp, trước hết tại cơ quan đầu ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” đã vô hiệu hoá các cơ chế thanh tra. Bộ muốn nắm hết quyền, nhưng bộ không thực thi có hiệu quả quyền hành của mình và trên thực tế, Bộ đã tạo điều kiện cho những đường dây tiêu cực thoải mái hoành hành như báo chí những tháng qua đã đề cập đến, và đưa ra những bằng chứng không chối cải được!

Chúng ta nên chấm dứt những hệ đào tạo mà ta khó kiểm soát và chủ động tổ chức đánh giá đúng chất lượng.

Hệ thống giáo dục của ta rất tràn lan, không giống ai. Từ một hệ chính quy ta lại thêm một hệ tại chức, rồi chuyên tu, rồi nhiều thứ khác, rất lung tung… Tại Việt Nam từ nhiều năm ta đã cấp bằng tương đương với người học chính quy cho những người học tại chức. Như thế thì có khác gì ta đã tự ta phá ta. Không chấm dứt những sai lầm nội tại này thì làm sao có thể vươn lên được? Tôi đã nhiều lần phát biểu là các hệ lung tung đã vô tình hay hữu ý biến những người thầy giáo thành người đi bán bằng, người đi học thành người đi mua bằng! Tôi rất vui là gần đây việc này đã được Quốc Hội quan tâm. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu là chưa nên đụng tới vì đây là nồi cơm của các trường đại học, có nhiều trường đại học thu qua hệ tại chức có được đến 90% tiền doanh thu! Nhưng theo tôi, thứ nhất, nồi cơm của các trường phải có cách giải quyết riêng chứ không thể để như thế được. Thứ hai, tôi đồng ý với ký giả Hà Thạch Hản trên báo Tuổi Trẻ là nồi cơm của dân tộc phải quan trọng hơn nồi cơm của các trường. Một thực tế đang tồn tại là hệ tại chức đã đào tạo ra những người có bằng thực mà học giả. Điều này ngoài những tác hại đã nói ở trên, còn làm cho nhuệ khí của các con em đi học bị sa sút. Và như thế, vô tình chính sách Nhà nuớc không khuyến khích tuổi trẻ học hành tử tế, đề cao thực học. Từ đó đẩy tới xu hướng giả dối.


Xin minh định rõ là tôi đồng ý là phải duy trì giáo dục thường xuyên vì đó là nhu cầu của xã hội của một bộ phận đáng quý của nhân dân. Hệ giáo dục thường xuyên luôn luôn có mặt tại các nước phát triển. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc cấp bằng tương đương với hệ chính quy mà trên thực tế thời gian theo học cũng như chương trình đào tạo không thể so sánh được. Để khuyến khích việc bổ túc hiểu biết thường xuyên cho mọi lứa tuổi, cho những nguời có thiện chí trau dồi kiến thức hay chuyên môn, chỉ nên cấp chứng chỉ. Còn bằng cấp thực thụ thì chỉ nên dành cho những ai có trình độ, đạt tiêu chuẩn mà thôi. Cả nước cần trở về một hệ giáo dục duy nhất: hệ chính quy. Bãi bỏ hệ tại chức sẽ chấm dứt được thãm trạng bán bằng, mua bằng, học giả bằng thật, chạy đua theo bằng cấp, kiếm bằng để giữ ghế…


Ta không thể nói không với tiêu cực cùng một lúc đứng ra chính thức tổ chức một hệ đào tạo từ đó phát sinh ra cái nôi của tiêu cực trong học vấn thi cử!


Đổi mới tư duy dạy học.


Giáo dục phải toàn hoàn khách quan và phải tôn trọng thói quen thảo luận, trao đổi, khuyến khích tinh thần tự nghiên cứu, khai phá, của người học.

Trong cơ chế giáo dục, chúng ta đang nhầm lẫn giữa giáo dục và tuyên truyền. Giáo dục phải toàn hoàn khách quan và phải tôn trọng thói quen thảo luận, trao đổi, khuyến khích tinh thần tự nghiên cứu, khai phá, của người học. Phải dứt khoát đoạn tuyệt với lề lối giáo dục áp đặt và nhồi nhét hiện nay. Chúng ta đã thấy rất nhiều những hậu quả không lường, những phản ứng ngược của tuổi trẻ hôm nay: kết quả các cuộc thi toàn quốc những năm gần đây về các môn sử và văn… Cho nên cần cải tiến phương thức giảng dạy để làm sao có sự tham gia suy nghĩ, tự học của các đối tượng, tạo tinh thần dân chủ giữa thầy và trò để cho học sinh thói quen bảo vệ ý kiến của mình trước đám đông. Tuổi trẻ cần có bản lĩnh, có tự tin mới thành công trong hoà nhập và cạnh tranh trong xu thế toàn cầu. Phải đào tạo cho được ngoài khả năng chuyên môn còn phải có khả năng sáng tạo, khả năng phản biện, khả năng giao tiếp, khả năng sinh hoạt nhóm… Ngoài ra, phương thức giảng dạy phải sinh động và chân thực, không tuyên truyền một chiều, mà phải khách quan vô tư. Ngay cả bức tranh hiện thực cũng cần phải có cả bóng tối và ánh sáng. Nhưng với tuổi trẻ cũng cần phải có những bức tranh khác, những bức tranh lãng mạn, những bức tranh ấn tượng và siêu thực, những giấc mơ, những hoài bão… Giáo dục chân chính là tạo điều kiện để tuổi trẻ có kiến thức chân thực, có tự do chọn lựa, có thông tin đa chiều…


Hội nhập vào nền kinh tế tri thức


Khi gia nhập WTO thì thế mạnh của Việt nam là phát triển lên mức cao hơn, nền kinh tế thị trường. Nhưng hiện nay hàng hoá ta xuất cảng ra thế giới, thặng dư về trí tuệ gần như ta chưa có gì cả. Lẽ ra một nước mà truyền thống hiếu học của người dân đã ngấm sâu vào huyết quản từ ngàn xưa thì thặng dư trí tuệ phải là thế mạnh. Buồn thay, chúng ta chưa tạo tiền đề để khai thác cơ may này. Phải ý thức đây chính là tiềm lực quý hiếm để hội nhập vào nền kinh tế tri thức. Tiềm lực này chưa được khai thác đúng mức!

 

Kết hợp nghiên cứu khoa học với giảng dạy.

Một việc cần làm ngay trong hệ thống giáo dục Đại học, đặc biệt tại các trường khoa học công nghệ trọng điểm là kết hợp nghiên cứu với giảng dạy. Những người làm nghiên cứu nên tham gia giảng dạy để bớt giờ các thầy ở các trường. Các thầy ở các trường chạy sô nhiều quá nên không có thì giờ để nghiên cứu. Kết hợp các trung tâm nghiên cứu với các trường đại học. Trừ những trung tâm nghiên cứu có tính chất chiến lược đối với quốc gia, những trung tâm khác có thể sát nhập vào các trường để các trường chủ động được, để những kết quả nghiên cứu có chất lượng được truyền bá cho sinh viên thông qua bài giảng, hoặc seminar. Những người làm nghiên cứu có hiệu quả mà không phổ biến được cho những người đi sau những thành quả đạt được thì quả là phí phạm. Ngược lại, các giáo sư giảng dạy không có thì giờ nghiên cứu sẽ dẫn đến chất lượng bài giảng xuống cấp. Thông thường ở các nước phát triển cứ 3 năm là thay đổi giáo trình vì công nghệ, khoa học phát triển như vũ bão, trong khi đó giáo trình của ta hơn 30 năm nay không đổi!


Để nâng cao chất lượng giáo dục phải có yếu tố quốc tế


Muốn có chất lượng giáo dục tốt thì phải quốc tế hoá các hệ giá trị ở Đại học. Các luận án tiến sĩ ít nhất phải có mặt một giáo sư quốc tế trong hội đồng chấm luận án. Nếu người chấm luận án đó không về nước được thì cũng phải thẩm định được bằng cách gửi luận văn qua internet để họ thẩm định rồi gởi về. Và ít nhất cũng phải có hai giáo sư tham gia hội đồng chấm luận án không phải xuất phát từ trường của nghiên cứu sinh để bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, luận án đó phải được công bố trước và sau khi trình để mọi người cho ý kiến. Như vậy, hễ có quay cóp thì sẽ phát hiện nhanh chóng. Việc quốc tế hoá này nên dựa vào nguồn nhân lực Việt kiều. Giới trí thức Việt kiều mong có sự tín nhiệm để làm việc. Tôi nghĩ là Việt kiều đang tham gia giảng dạy ở đông đảo các trường đại học trên thế giới sẽ sẵn sàng tham gia vào công việc này nếu có được một cơ chế vừa hợp lý vừa thông thoáng. Chúng ta cũng cần quốc tế hoá hội đồng tuyển chọn Giáo sư. Không nhất thiết phải ở cấp Bộ, mà cấp các trường Đai học vẫn có thể trực tiếp tuyển chọn Giáo sư. Vấn đề là phải công khai quá trình tuyển chọn. Hồ sơ các ứng viên phải được công bố và việc xếp hạng các ứng viên phải dành cho cơ sở bao gồm những nhà chuyên môn trong lĩnh vực. Hội đồng tuyển chọn cũng phải có mặt những nhà khoa học được quốc tế công nhận. Dĩ nhiên là tiêu chuẩn tuyển chọn phải khách quan và minh bạch.


Nhận thức về tính đẳng cấp quốc tế sẽ rất sai lầm khi cho rằng chỉ cần mang giáo trình của MIT, Havard về rồi dùng để đào tạo là xong. Thú thật tôi rất buồn khi đọc trên báo chí đâu đó cách nhìn này. Nó quá hạn hẹp và cục bộ. Những gì thuộc về đẳng cấp thì không thể học lõm được. Càng không thể lấy bài giảng của người khác làm của mình khi mình không can qua nghiên cứu khoa học thực thụ. Một giáo sư có đẳng cấp quốc tế thường viết ra giáo trình sau khi bõ ra hàng chục năm nghiên cứu miệt mài trong ngành đó, có thời gian dài hạn cọ xát với mảng khoa học tiên tiến ấy. Đào tạo đẳng cấp thì phải có người đẳng cấp dạy. Các trường ĐH có đẳng cấp quốc tế họ tìm mọi cách để câu cho được giáo sư đẳng cấp về dạy. Đẳng cấp của họ được đánh giá thông qua quá trình nghiên cứu, số công trình đã công bố quốc tế và qua ảnh hưởng khoa học của giáo sư đó. Để có được khoa học công nghệ có đẳng cấp quốc tế, ta phải bắt trúng người, phải tìm cho được những đầu tàu như thế. Trung Quốc và Singapore làm rất tốt điều này.


Và muốn thẩm định đẳng cấp của một trường, phải chờ 10 đến 20 năm sau. Phải chờ xem khi sinh viên ra trường họ có tiếp tục nghiên cứu khoa học không, họ công bố các bài báo quốc tế trên báo nào, họ vào công ty, xí nghiệp làm những công việc gì?…


Đi tắt đón đầu để hội nhập vào sân chơi giáo dục toàn cầu cần thu hút chất xám Việt kiều


Sức mạnh của dân tộc Việt nam là ở nhân dân Việt nam. Trong thời kháng chiến chúng ta thấy rõ, nhưng trong thời bình chúng ta lại chưa phát huy có hiệu quả. Các hoạt động phải phong phú hơn nữa để khai thác các tiềm lực của dân tộc Việt nam. Chúng ta phải mở rộng tổ chức hội dân sự để xã hội Việt nam hoà nhập với quốc tế. Con người Việt nam rất sáng kiến, con người Việt nam rất năng động, cần cù và thông minh, nhưng phải có đất dụng võ. Chúng ta phải biết đề bạt người tài ba đúng chỗ. Chúng ta phải đổi mới tư duy về quản lý con người chứ không nên chỉ dựa vào lý lịch, hành chánh. Đừng quên khi chúng ta vào WTO là chúng ta vào sân chơi của thế giới tư bản. Nhưng đây không phải là tư bản hoang dã nữa, mà là tư bản có điều tiết, có tính xã hội. Bởi vậy mới có khái niệm và xu huớng ổn định chính trị, phát triển bền vững.


Phải tin tưởng vào Việt kiều. Chúng ta thấy rằng, không một dân tộc nào có tấm lòng yêu nước nồng nàn như dân tộc Việt. Chúng ta cũng phải chọn lựa Việt kiều theo những tiêu chuẩn đánh giá về năng lực. Chúng ta phải thu hút cho được những Việt kiều có năng lực. Nhưng thông thường những người thuộc loại này lại không có nhiều thì giờ. Vì vậy nên thu hút những Việt kiều có trình độ nhưng sắp về hưu. Chúng ta muốn so đo trong thị trường quốc tế ngày nay thì phải có yếu tố quốc tế vào trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là đào tạo tiến sỹ, đào tạo thầy, xây dựng những trường trọng điểm. Chúng ta phải quốc tế hoá mạnh mẽ. Cách đi nhanh nhất là vận dụng một lợi thế vô cùng to lớn là chất xám Việt kiều. Phải nói là Việt Nam vẫn chưa có chính sách hợp lý và hữu hiệu để thu hút nguồn chất xám Việt kiều. Kỳ vọng phát xuất từ nghị quyết 36 của Bộ chính trị đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn là kỳ vọng trên những trang giấy.


Tổ công tác về xây dựng một trường ĐH đẳng cấp tại Việt Nam, không có bóng dáng một thành viên Việt kiều, nay đã giải thể. Tân bộ trưởng Bộ GD&ĐT đang năng nổ tổ chức lại. Tôi hy vọng rằng lần này, thiếu sót ấy sẽ không xảy ra nữa.


Văn hào Miguel Angel Asturias (người Guatemala, giải Lénine năm 1966, giải Nobel năm 1967) có lần đã nói: “Tôi sáng tạo vì tôi có lòng tin, người có lòng tin mới có sáng tạo”. Đổi mới là một sáng tạo của Việt Nam, tiếp tục đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cần nhiều lòng tin ở con người Việt Nam, trong ấy có người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.


GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Giáo sư danh dự trường ĐH Liège, Bỉ
(Bỉ quốc, ngày 9/1/2007)


Đã đăng  trên Người Viễn Xứ
 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Đăng Hưng