Sử dụng cán bộ khoa học dưới góc nhìn của người trong cuộc

Vietsciences-Đặng Hữu Chung         08/03/2008

 

Những bài cùng tác giả

Quan niệm xưa và nay

Từ lâu, vấn đề sử dụng nhân tài đã được xem như là một nền tảng chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển của một đất nước. Thậm chí nó có thể được xem như thước đo để đánh giá sự thịnh suy của một triều đại trong xã hội phong kiến. Do đó đây cũng chính là vấn đề gây được sự chú ý mạnh mẽ của mọi tầng lớp trong toàn xã hội. Có thể nói rằng nó sẽ vẫn luôn đồng hành với thời gian, duy chỉ có điều cần phải có những thay đổi về chuẩn mực để thích ứng với nhu cầu của mỗi thời đại. Lịch sử của dân tộc Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm, do đó cách đánh giá việc sử dụng người tài trong quá khứ thường được chiếu theo cách vận dụng binh pháp trong việc điều binh khiển tướng. Trong thời đại ngày nay, cả nhân loại đang sống trong kỷ nguyên phát triển đỉnh cao của khoa học và công nghệ thì việc sử dụng người tài càng phải được chú trọng hơn, bởi lẽ người ta không thể bước vào thế giới khoa học hiện đại của công nghệ na-nô (nanotechnology) với cái đầu rỗng tuếch ngoài sự vâng dạ và dốt nát.
Thoảng đâu đó vẫn còn vọng lên câu nói ” Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Chúng ta hãy thử cùng nhau nhìn lại trong lĩnh vực khoa học, nơi ấy người tài và đặc biệt là các tài năng trẻ đã được nuôi dưỡng và sử dụng như thế nào?

Điêu đứng chốn quan trường

Tư tưởng học để ra làm quan, để được vinh thân, phì gia đã hình thành trong mỗi chúng ta từ lúc còn tấm bé. Như Nguyễn Công Trứ đã từng viết:

Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Đành rằng thành đạt là mong muốn rất chính đáng, là khát vọng cháy bỏng trong mỗi con người chân chính, là điều đáng được ngưỡng mộ và ngợi ca. Tuy nhiên con đường dẫn đến “thành đạt” của từng con người cụ thể đôi khi không diễn ra theo xu hướng tích cực, do đó nó sẽ trở thành nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra sự thất vọng, hoài nghi và đố kỵ lẫn nhau. Trong cơ quan khoa học, một lãnh đạo yếu tài đức thường cất nhắc những người “cùng kiểu nghiên cứu” vì sợ rằng người có tài thật sự sẽ lấn lướt mình trong công việc và sẽ mất đi “bảo ghế” vào một ngày không xa. Chưa hết, người ta lại còn lo xa hơn nữa là làm sao nắm được quyền điều khiển từ xa một khi phải rút lui về trụ chốn hậu trường. Trong hoàn cảnh như thế phương thức “cha truyền con nối” sẽ là lựa chọn hàng đầu. Ghế chỉ có ít, nhưng số ứng cử viên lại đông do đó những kẻ cơ hội phải dùng đến các thủ đoạn kém văn minh để công kích lẫn nhau bằng đủ hình thức kể cả thư nặc danh, miễn sao đẩy lùi đối thủ về tận phía sau. Và như thế cả người ngay lẫn kẻ gian đều chịu nhiều thiệt hại và thiệt hại sau cùng sẽ là nền khoa học nước nhà. Chúng ta thừa hiểu rằng tài năng sẽ không bao giờ phát triển được trong môi trường cạnh tranh không lành mạnh như thế và sự chảy máu chất xám là điều không tránh khỏi, vì họ không còn cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Đào tạo một nhân tài là việc rất khó, nhưng giữ được nhân tài là việc còn khó hơn. Từ việc dùng người không đúng chỗ trong cơ quan khoa học sẽ dẫn đến xu thế hình thành hai nhóm người theo cách chọn lọc tự nhiên: nhóm về hùa trục lợi và nhóm thầm lặng làm việc theo hướng đi riêng.
Để triệt bỏ tận gốc sự tham quyền, ích kỷ, hẹp hòi của những kẻ lợi dụng chức vụ lãnh đạo khoa học, sự ganh ghét đố kỵ của các đồng nghiệp xấu tính, tôi nghĩ rằng nhà nước cần nhanh chóng luật hóa công tác bổ nhiệm cán bộ cũng như các chức danh khoa học và xem việc chấp hành pháp luật là chuẩn mực đạo đức duy nhất trong xã hội nhằm tránh những khái niệm mơ hồ và mỗi người hiểu theo một kiểu khác nhau, đó là chưa kể đến đạo đức giả. Ở các nước văn minh người ta không xem các đơn thư nặc danh như là một chứng cứ luận tội, do đó chúng ta cũng nên xóa bỏ vấn đề này để cho công cuộc đấu tranh vì lẽ phải trở nên lành mạnh và trong sáng hơn. Đó cũng là cách giáo dục cho mỗi con người có trách nhiệm hơn đối với mỗi lời nói của mình.

Danh và Lợi

Hiện nay chúng ta có quá nhiều chức danh trong khoa học nào là Phó Giáo sư, Giáo sư, Nghiên cứu viên chính, Nghiên cứu viên cao cấp với đủ các loại bằng cấp Thạc sĩ, Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học, nhưng khốn thay danh không đi đôi với năng lực chuyên môn chiếm tỷ lệ khá lớn nếu không muốn nói là rất lớn. Và trong những năm gần đây do sự bùng nổ việc thành lập các trường đại học mà có nơi được xem như là sân sau của các “cây đa cây đề” cho nên nó cũng hình thành thêm một thứ chức danh chỉ sau một đêm ngủ dậy, đó là Giáo viên kiêm nhiệm. Thực ra việc gắn liền công tác giảng dạy với việc nghiên cứu khoa học là cách làm của nhiều Viện nghiên cứu trên thế giới. Điều đáng nói ở đây là thứ danh vay mượn, nhặt nhạnh, chắp vá và được ban phát cho những người mà cả đời chưa bao giờ đặt chân lên bục giảng, còn những người có đóng góp công sức thực sự qua nhiều năm trong việc giảng dạy cũng như biên soạn đề cương, giáo trình, sách tham khảo thì lại bị đặt ra ngoài danh sách. Lý do của sự ngược đãi này xuất phát từ sự hẹp hòi, ích kỷ và vô trách nhiệm của người có quyền thế và người bị hại thường là những ai can tội không chấp nhận chiêu bài “con lạc đà và củ cà rốt”. Thử hỏi sự công bằng ở đâu khi mà những chuyện trái ngược như thế vẫn ngang nhiên tồn tại và đôi khi đó còn là sự thách thức? Khi Danh đã có thì Lợi cũng theo cùng, đây là “cặp phạm trù triết học” và đang được khai thác triệt để bởi những kẻ có quyền tước thiếu công tâm. Chúng ta ai cũng biết rằng Danh có xứng thì Lợi mới chính. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc xuyên suốt từ cổ chí kim. Thế nhưng quy trình bổ nhiệm, sử dụng cán bộ khoa học và bố trí công việc chuyên môn ở một số nơi đôi khi còn chưa được công khai, thiếu công bằng và các chuẩn mực hợp lý. Do đó nó sẽ tạo thành một chuỗi tiêu cực mà có thể được khái quát hóa như cấu trúc mạch vòng khép kín:

Lãnh đạo chuyên môn kém. Tiêu chuẩn lọc thấp chức danh dm đào tạo tồi. Lãnh đạo chuyên môn kém.

Với cấu trúc này còn chỗ nào dành cho người tài không? Những cán bộ khoa học chân chính thường sẽ trải qua hai giai đoạn trong cuộc đời, đó là bắt đầu sự nghiệp bằng tình trạng “quá trẻ” và sau đó tiến thẳng lên giai đoạn “quá già” nếu diễn giải bằng tiếng Anh thì có thể nói “too young/old to do something”. Một khi văn hóa ngồi chưa được đưa vào nề nếp thì cơ hội làm sao đến được với người trẻ. Ở các nước tiên tiến mọi người không phân biệt nam nữ, bằng cấp đều có quyền làm việc đến tuổi 63 và nếu muốn ở lại thêm thì lương sẽ không còn được hưởng 100% như trước, trong khi đó ở ta ngồi càng lâu lương-lậu cứ thế càng lớn. Nếu lương đã vượt trần thì cứ vai vế tăng theo phần trăm. Nhưng khổ thay việc nâng lương trước thời hạn cũng không dựa trên nguyên tắc logic nhằm thúc đẩy khoa học phát triển, cho nên mới có chuyện công việc chuyên môn chẳng ra gì nhưng hệ số lương vẫn cao ngất ngưởng so với nhiều người khác. Từ nghịch lý này dẫn đến nghịch lý khác trong cái vòng luẩn quẩn. Tình thế về các vị trí trong các hội đồng khoa học, hiệp hội khoa học hay các ban biên tập tạp chí khoa học chuyên ngành cũng không có gì sáng sủa hơn. Mặc dầu vẫn thừa nhận rằng cho đến nay chúng ta đã có được nhiều thế hệ bậc thầy khả kính, tuy nhiên vẫn còn không ít những kẻ hám danh, trục lợi và không oan uổng để nói rằng nên chuyển đổi cụm từ “cây đa cây đề” thành “cây chùm gửi”, bởi vì nó có tính năng đời sống tương tự.

Từ đây ta cũng dễ thấy rằng khái niệm “đại học đẳng cấp quốc tế” hãy còn xa lắm. Cho dù chuẩn mực phân loại hãy còn khác nhau tùy thuộc vào các tổ chức đánh giá khác nhau, nhưng tất cả phải tuân theo một tiêu chuẩn tối thiểu, đó là năng lực đội ngũ các Giáo sư, Tiến sĩ luôn đi kèm với các công trình khoa học được công bố trên các tạp chí có uy tín. Về vấn đề này, trong thời gian qua chúng ta đã nghe thấy rất nhiều tranh luận sôi nổi nhưng rất tiếc vẫn chưa có hồi kết. Theo tôi, điểm xuất phát áp dụng quy chế công bố quốc tế nên bắt đầu từ các giáo sư và phó giáo sư. Một khi đã có được đội ngũ khoa học trình độ cao thì việc đào tạo ra các Tiến sĩ theo chuẩn mực của thế giới sẽ trở nên hết sức bình thường và hiển nhiên. Và như thế có thể mục tiêu đào tạo 20 vạn tiến sĩ sẽ lùi lại chậm hơn sau khi bước cải tổ chức danh khoa học được thực hiện, ít ra áp dụng với việc đào tạo nghiên cứu sinh trong nước.

Điều đáng mừng là chúng ta không cô độc mà đã có được sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, đặc biệt là những góp ý thẳng thắn, chân thành từ nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Tôi luôn hy vọng rằng những người có khuynh hướng canh tân tích cực trong khoa học – giáo dục – công nghệ sẽ tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình một cách thuyết phục mới mong tháo gỡ được mắc xích mạch vòng nêu trên đã tồn tại trong nhiều năm qua để đưa nền khoa học nước nhà đi đúng quỹ đạo vốn có của nó. Việt Nam chắc chắn sẽ là nơi quy tụ các bậc hiền tài.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Đặng Hữu Chung