Suy nghĩ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng    16/06/2008

 

Những bài cùng tác giả

Kết quả kỳ thi THPT năm nay đã được nhiều tỉnh công bố. Các đề thi hợp với chương trình và vừa sức với số đông học sinh. Trừ đề thi Vật lý có một phần trục trặc, phải đổi từ đáp án C sang đáp án B (dư luận chưa thống nhất vì cho rằng có tới 3 đáp án đúng!). Cuộc thi diễn ra nhìn chung là an toàn và nghiêm túc.
Với khối học sinh THPT kết quả tốt nghiệp năm nay tương đối khả quan và nhiều địa phương có kết quả cao hơn hẳn so với kỳ thi năm 2007. Theo dõi các số liệu công bố trên báo chí tôi thấy cao nhất là:

Nam Định-94,3% TP Hồ Chí Minh- 93,41%; rồi đến Thái Bình- 91,82%; Hà Nội- 91,78%; Hải Phòng-90,5%; Hà Tĩnh- 89,72%;Hải Dương-87,48%; Bắc Ninh- 87%;Quảng Ninh- 86,53%; TP Cần Thơ- 86,30% Vĩnh Phúc- 85,67%; Bến Tre- 83,33%; Đà Nẵng- 83,2%; Lâm Đồng-82,8%; Vĩnh Long- 82,72%; Tiền Giang- 82,45%; An Giang-80,06%; Bắc Giang- 82,3%; An Giang- 80,07%; Khánh Hòa-78,1%; Thái Nguyên-77,92%; Kon Tum-gần 76%; Đồng Nai- 75,91%; Bình Thuận- 75,87%; Ninh Thuận- 75,8%; Thanh Hóa- 75,2%; Điện Biên- 74,73%; Đồng Tháp- 73,91%; Cà Mau-73%; Quảng Nam- 72,7%; Quảng Trị-71,8%; Ninh Bình-71,52%; Thừa Thiên- Huế- 70,92%; Hậu Giang- 68,87%; Phú Yên-68,23%; Quảng Ngãi- 67,44%; Hà Tây- 66,83% Bạc Liêu- khoảng 65%; Bình Dương- 63,46%; Kiên Giang- 62,8%; Đắc Nông- 62,3%; Lai Châu-62,1%; Quảng Bình- 61,67%; Gia Lai- 60,65%; Thấp nhất có lẽ là các tỉnh : Bắc Kạn- 43%; Yên Bái-52,39%; Đắk Lắk- 55,8%; Sóc Trang-58,3%Tuyên Quang- 59,8%..
Tuy nhiên về kết quả thi BTVH (Giáo dục thường xuyên) thì rất đáng lo ngại. Cũng có những tỉnh tỷ lệ này tuy thấp hơn so với thí sinh THPT nhưng là những kết quả đáng khích lệ hoặc có thể chấp nhận được. Đó là các tỉnh, thành phố như Nam Định-82,6%; Thái Bình- 79,64%; Bắc Ninh-74%; Bắc Giang- 66,32%;Hà Tĩnh- 63,18%; TP Hà Nội-69,45%; Hải Dương-67,44%; Bắc Giang- 66,32%; Quảng Nam-63,18%; Hải Phòng-62,07%; Quảng Ninh-62%; TP Hồ Chí Minh- 59,86%; Cao Bằng- 55,23%; Yên Bái- 53,66%; Vĩnh Phúc- 52,83%. Số tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50% là quá nhiều: Thanh Hóa- 48,1%; Thái Nguyên- 47,36%; Hà Tây-46,31%; Đà Nẵng-38,2%; Cần Thơ- 33,41%;Thừa Thiên-Huế- 32,89% ; Điện Biên-32,32%; Bến Tre-32%; Bắc Kạn-30%; Lâm Đồng- 27,46; Quảng Bình- 27,45%; Khánh Hòa- 22,76%; Tuyên Quang- 22,16%; Vĩnh Long- 22%; Thật đáng buồn khi có những tỉnh mà tỷ lệ tốt nghiệp BTVH không có được tới 20%: Đó là Tiền Giang-19,6%; An Giang- 17,5%; Quảng Ngãi-15,78%;Đồng Tháp 15%; Hậu Giang-9,56%; Cà Mau- 8,88%; Bạc Liêu- 7,78%; Sóc Trăng- 6,5%.

Có tới 3 trường thuộc hệ BTVH không có em nào đỗ tốt nghiệp THPT (!) Đó là hai Trường GD thường xuyên ở Phú Lộc và A Lưới (Thừa Thiên –Huế) và Hệ BTVH của Trường Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang)

Học Bổ túc văn hóa trong hệ thống giáo dục thường xuyên là cơ hội rất tốt cho nhưng người vừa học vừa làm, những người có tuổi cao hơn tiêu chuẩn học tại các Trường THPT, kể cả các bậc cao niên. Đó là nét đẹp của xã hội chúng ta. Tuy nhiên đã đi học , dù là học buổi tối thì vẫn phải đạt yêu cầu tối thiểu về kiến thức. Có tới 8 tỉnh chưa đến 1/5 số học sinh BTVH thi đỗ tốt nghiệp và thật kỳ lạ khi có tới 3 trường không có học sinh nào thi đỗ(!). Thật khó giải thích, tại các trường đó các thày cô dạy dỗ thế nào và học sinh tiếp thu được bao nhiêu?

Tôi có dịp hỏi một số học sinh học Bổ túc văn hóa tại một trường ngay giữa Thủ đô. Tôi hỏi: Các cháu có hiểu bài giảng không? Đa số trả lời là : Hầu hết chỉ cắm đầu chép bài chứ chả hiểu gì đâu. Tôi lại hỏi : Có hiểu gì về sin, cosin, tang, cotang hay không? Tất cả bảo không được học gì về Lượng giác cả. Tôi hỏi tiếp: Thế thì thi làm sao được? Các bạn trả lời: Thầy cô bảo cứ yên chí, khi thi nhà trường sẽ…giúp đỡ (!).

Hèn gì mà trước khi phát động phong trào Hai không tỷ lệ đỗ BTVH đâu có kém gì so với khối THPT (!). Học là học cho mình, cho công việc của mình, cho kiến thức xã hội của mình, chứ đâu chỉ cốt để có được mảnh bằng. Mà mảnh bằng rồi sẽ trở nên vô nghĩa khi giờ đây các cơ quan tuyển dụng đều có thời gian thử việc hoặc có kiểm tra lại về kiến thức, về ngoại ngữ trước khi tiếp nhận để thử việc.. Đã đến lúc ta phải nghiêm túc xem lại hệ thống giáo dục thường xuyên. Có lẽ phải trở lại nguyên tắc Quý hồ tinh, bất quý hồ đa! Biết bao giờ mới xóa được ấn tượng mang tính “chụp mũ”: Dốt như Chuyên tu, Ngu như Tại chức?

Về chủ trương bỏ một kỳ thi trong hai kỳ thi (do quá gần nhau và quá tốn kém, quá vất vả như hiện nay) tôi mạnh dạn đề nghị Bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Đó là chuyện đánh giá của thầy cô giáo các Trường cấp III. Sau ba năm dạy dỗ, theo dõi, thường xuyên kiểm tra và thi học kỳ chắc chắn các thày cô sẽ nắm rất vững em nào đủ khả năng nhận bằng (hay chứng chỉ) tốt nghiệp THPT. Còn bỏ kỳ thi vào các Trường Đại học thì mình đâu có thể giống được với các nước đã có nền giáo dục rất quy củ như Mỹ và một số nước khác. Tôi không tin con số Bộ GD&ĐT đưa ra (sao lại theo thông tin của Báo Tiền phong?) là trên thế giới chỉ có 13 nước có kỳ thi vào Đại học. Tôi đã đi qua không ít nước và tôi thấy họ đều có kỳ thi vào các trường Đại học, nhất là với các Trường danh tiếng, các Trường trọng điểm thì tỷ lệ chọi cũng ghê gớm lắm. Hơn nữa họ thi theo Chứng chỉ nên những em học giỏi có thể kết thúc quá trình học Đại học rất nhanh, ngược lại không ít các em học kém hay vừa học vừa làm sẽ phải kéo dài thêm vài năm mới tốt nghiệp được Đại học. Hơn nữa vì lương của công nhân lành nghề là rất cao cho nên ngay các nước có bình quân thu nhập đầu người hàng vài nghìn USD họ cũng đâu có đổ xô vào học Đại học như tâm lý chung của thanh niên nước ta.

Đây là câu chuyện rất hệ trọng, đề nghị có thời gian nghiên cứu, thảo luận hoặc làm thử trong phạm vi hẹp chứ không nên vội vàng áp dụng đại trà ngay từ năm học tới như đề nghị của Bộ GD&ĐT. Kinh nghiệm cho thấy những thay đổi quá vội vã (làm Chương trình sau khi đã có sách giáo khoa, cuốn chiếu mỗi năm thay một sách giáo khoa khi Chương trình chưa được thẩm định kỹ càng, độc quyền soạn và in sách giáo khoa, phân ban theo nhiều phương án khác nhau, thi trắc nghiệm khi chưa có sự làm quen của cả thầy lẫn trò, thay đổi cách giảng bài một cách xa lạ với truyền thống…) đã gây nên biết bao khó khăn cho cả thày cô lẫn học sinh, dẫn đến tốn kém khá nhiều tiền bạc và mất ổn định trong tâm lý xã hội.

Xin rất thận trọng khi thay đổi về thi cử và điều cần thay đổi lớn nhất hiện nay theo tôi là phải có càng sớm càng tốt một nội dung Chương trình giáo dục phổ thông, sao cho vừa không cách biệt bao nhiêu với thế giới mà lại vẫn phù hợp với thực tế Việt Nam. Để làm được việc này xin khai thác cao nhất năng lực hợp tác với các Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng