Suy nghĩ về hội chứng thi vào đại học

Vietsciences-Trần Văn Thọ          10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Năm nay hai đợt thi đại học và cao đẳng vừa được tổ chức trong thượng tuần tháng 7 vừa qua. Mỗi đợt có khoảng 600 ngàn lượt thí sinh dự thi, tranh nhau chen vào các “khung cửa hẹp” gây nên một hiện tượng xã hội đã quen thuộc mà nhiều năm nay các phương tiện truyền thông khác ở Việt Nam mô tả khá rõ nét. Năm nào cũng thấy dư luận đặt lại vấn đề “Có phải vào đại học là con đường tiến thân duy nhất?” nhưng vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

Được biết hằng năm có độ 15% số thí sinh được trúng tuyển. Con số khoảng 85% thi trựợt thật ra không phải là hiện tượng dị thường. Vấn đề ở chỗ là những người không vào được đại học không tìm thấy con đường nào khác để tiến thân, hoặc là tiến thân theo một con đường miễn cưỡng, gây nên tâm lý bi quan trong đông đảo lớp thanh niên nam nữ và do đó xã hội đã vô tình để phí phạm nguồn nhân lực to lớn nầy. Để giải quyết tình trạng nầy, tôi cho là có 3 vấn đề cần thay đổi.

Một là, phải có sự chuyển hướng mạnh mẽ về chíến lược công nghiệp hoá để tạo ra nhu cầu lớn về nghề nghiệp, về lao động có trình độ phổ thông trung học. Nước ta có lợi thế về nguồn lao động nầy nhưng rất tiếc chưa được tận dụng. Kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ khá cao trong 10 năm qua và công nghiệp đã đóng vai trò đầu tầu (Công nghiệp luôn phát triển với tốc độ trên 10% mỗi năm và tỉ trọng của công nghiệp trong tổng sản phẩm trong nước tăng từ 23,5% vào năm 1990 lên đến 34,5% năm 1999). Tuy nhiên, công nghiệp mới chỉ thu hút 10% lao động và tỉ lệ nầy không thay đổi trong thời gian qua. Nguyên nhân của tình trạng nầy là cơ cấu đầu tư công nghiệp của ta cho đến nay nghiêng về các ngành ít dùng lao động như sắt, thép, xi măng, hoá chất, và các ngành nầy lại thiếu cạnh tranh trên thị truờng thế giới nên quy mô sản xuất quá nhỏ. Mặt khác, những ngành dùng nhiều lao động mà chủ yếu do các xí nghiệp vừa và nhỏ sản xuất như linh kiện, bộ phận, phụ tùng và nhiều sản phẩm trung gian khác, gọi chung là những ngành yểm trợ công nghiệp (supporting industries) của Việt Nam chưa phát triển. Do đó, hàng may mặc, giày dép xuất khẩu phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Thêm vào đó, những ngành lắp ráp các loại máy móc điện, điện tử gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, nồi cơm điện, TV, tủ lạnh, hoặc các loại máy móc thuộc công nghệ thông tin phần cứng như điện thoại di động, máy tính cá nhân,.. cũng chậm phát triển vì những ngành yểm trợ công nghiệp quá yếu không cung cấp đủ các sản phẩm trung gian với chất lượng và giá thành có sức cạnh tranh. Tóm lại, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp yểm trợ sẽ tạo ra một nhu cầu lao động ngày càng lớn. Nhu cầu cao, tiền lương cao sẽ thu hút sự quan tâm của những người không vào được đại học.

Thứ hai, bộ máy quản lý quá lớn hiện nay cần phải được tinh giản nhanh để vừa giảm chi phí gían tiếp nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế vừa giảm bớt sự kỳ vọng không lành mạnh của một bộ phận trong giới trẻ muốn vào biên chế quản lý nầy để có được cuộc sống ổn định mà không phải vất vả như những người làm các nghề khác. Bộ máy nầy hiện nay rất lớn bao gồm nhiều tầng lớp từ trung ương đến địa phương và trải rộng từ cơ quan nhà nước, kể cả công ty quốc doanh, đến cơ quan Đảng và các đoàn thể quần chúng. Dĩ nhiên nếu không có bằng tốt nghiệp đại học thì hầu như không thể chen vào biên chế nầy. Khi bộ máy đã được tinh giản đến một quy mô hợp lý và nhân tài được tuyển dụng khách quan và công khai thì những bạn trẻ có năng lực và hoài bão muốn ra tranh tài để gánh vác việc nước thì là một hiện tượng đáng được khuyến khích. Tuy nhiên hiện thực cho thấy ta chưa đạt đến giai đoạn lý tưởng đó.

Một điểm nữa cũng liên quan đến vấn đề thứ hai nầy là xã hội Việt Nam hiên nay ngày càng đi xa nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội “làm theo năng lực và hưởng theo lao động”. Ở VN hiện nay, nói một cách tổng quát, có hai giai tầng: Một là nhữnng người kiếm tiền và tiêu tiền quá dễ dàng, hoàn toàn không tương xứng với sức lao động và khả năng của họ. Trong cơ chế xin cho hiện nay, đa số những người ở giai tầng nầy là những người nằm trong bộ máy quản lý nói trên. Giai tầng thứ hai là những người làm việc rất vất vả mới đủ sống, và đa số phải làm nghề tay trái. Giai tầng nầy dĩ nhiên là số đông, gồm đủ mọi trình độ học vấn, kể cả những người đã tốt nghiệp đại học hoặc cao hơn. Trong tình hình như vậy, nhiều nguời trong giới trẻ muốn chen chân vào giai tầng thứ nhất là điều dễ hiểu và để vào trong biên chế của bộ máy quản lý, như đã nói ở trên, cần phải có bằng đại học. Điểm nầy phải được nghiên cứu thêm nhưng có lẽ là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của hội chứng thi vào đại học. Dĩ nhiên ta không thể cho rằng tất cả những người muốn thi vào đại học đều có động cơ như vừa phân tích. Vẫn có nhiều người có hoài bão phải học lên cao hơn để cống hiến được cho xã hội nhiều hơn. Tuy nhiên cuộc sống quá vất vả trong hiện tại và viễn ảnh tương lai chưa thấy sáng sủa của những người mà trình độ học vấn chỉ dừng lại ở bậc trung học phổ thông đã góp phần vào hội chứng thi đại học hiện nay.

Thứ ba, khi hai vấn đề vừa trình bày được giải quyết, chuyện còn lại là cổ vũ mọi người trở lại với tinh thần “nhất nghệ tinh nhất thân vinh” như ông cha ta đã từng nói. Làm sao để trong xã hội ai cũng thấy hạnh phúc khi chọn được một nghề hợp với khả năng của mình, được xã hội trân trọng và tay nghề càng cao càng được thù lao xứng đáng. Kinh nghiệm của Nhật cho thấy, trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, cơ cấu lao động lúc nào cũng theo hình tháp ứng với trình độ giáo dục của các tầng lớp trong cơ cấu đó, nhưng tầng lớp nào cũng đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của đất nước và cuộc sống của mọi tầng lớp ngày càng được nâng cao. Lý Quang Diệu, Cựu Thủ ng Singapore, trong cuốn hồi ký From Third World to First -The Singapore Story: 1965-2000 (HarperCollins Publishers, 2000) có dành 2 chương phân tích các bài học về kinh nghiệm phát triển của Nhật. Quan sát trực tiếp sự lành nghề và thái độ yêu nghề của người đầu bếp tại một khách sạn ở miền Tây Nam nước Nhật nhân chuyến đi thăm vùng nầy vào những năm đầu của thập niên 1970, Lý Quang Diệu trầm trồ cho đó là “sự diễn xuất tuyệt vời”. Tôi cũng đồng ý với nhận xét của ông cho rằng người Nhật dù làm nghề gì cũng hãnh diện về nghiệp của mình và luôn mong muốn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình do đó mà ở Nhật năng suất lao động cao và hàng công nghiệp sản xuất ra đạt được sự hoàn hảo về phẩm chất.

Đọc Lý Quang Diệu đến đoạn nầy tôi nhớ lại câu chuyện của người đầu bếp của Khách sạn Imperial, một trong 3 khách sạn cao cấp nhất ở Tokyo. Người nầy đã đạt đựoc sự toàn diện về mọi mặt của người phụ trách ẩm thực của một khách sạn bậc nhất thế giới và đã trở thành thành viên của Ban giám đốc khách sạn nầy. Không những thế, xã hội nói chung cũng trân trọng và đánh giá rất cao tài năng nầy. Ông ta được báo Kinh tế Nhật Bản (Nikkei) , nhật báo kinh tế lớn nhất tại Nhật, chọn viết trong mục
Lý lịch của tôi ở trang văn hoá của báo nầy. Mục nầy, được thực hiện liên tiếp trong một tháng cho một người, thường chỉ dành cho những chính trị gia, những học giả, nhà văn hoá, nhà kinh doanh kiệt xuất sau khi về hưu viết về cuộc đời hoạt động của mình để người đi sau học hỏi.

Chừng nào ở Việt Nam chưa có sự chuyển hướng rõ rệt về 3 vấn đề nói trên thì hội chứng thi vào đại học sẽ còn tiếp diễn./.

(Tokyo, mùa Hè 2002)

Bài đã đăng ở Tuổi trẻ chủ nhật, 4/8/2002

http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org