Tăng học phí: không thuyết phục

Vietsciences-TTOL    16/09/2007

 

Các tân SV đóng học phí trước khi nộp hồ sơ nhập học tại Khoa kinh tế (ĐHQG TP.HCM) sáng 7-9 Ảnh: NHƯ HÙNG

 

TTCT - Malaysia vừa biến nền giáo dục nước này thành một nền giáo dục miễn phí khi quyết định sẽ không thu tiền 5,7 triệu học sinh tiểu học và trung học.

Học sinh thuộc các gia đình có thu nhập dưới 1.000 ringgit/tháng (khoảng 448 USD) được miễn tiền giáo trình/tài liệu, đồng phục... Vào đầu năm học mới này, Trung Quốc cũng tuyên bố miễn học phí cho 12.000 sinh viên ngành sư phạm.

Những thông tin trên đi ngược lại hoàn toàn với câu chuyện học phí tại nước ta trong thời gian này khi Bộ GD-ĐT hình như vẫn theo đuổi đề án tăng học phí.

Liệu có phải vì chi cho giáo dục của nước ta hiện nay còn thấp nên cần tăng học phí? Câu trả lời là không, vì tỉ lệ chi cho giáo dục trong ngân sách của Malaysia trong năm 2007 là 21%, tức tương đương VN. Còn so với các nước phát triển hàng đầu trên thế giới, chi cho giáo dục trên GDP của VN cũng cao hơn.

Chẳng hạn tỉ lệ chi cho giáo dục trên GDP của VN là 8,3% trong khi của Mỹ 7,0%, Nhật 4,2%, Anh 5,7%, Pháp 5,6%, Đức và Ý 4,5% (nguồn: Comparative indicators of Education in United States and Other G-8 Countries: 2006, Part IV). Dù ngân sách giáo dục cao như vậy nhưng tỉ lệ đóng góp của người dân cho giáo dục của nước ta lại thuộc hàng cao nhất thế giới với hơn 40%, trong khi ở Mỹ chỉ là 26% và ở Pháp chỉ có 11,2%. Cụ thể các nguồn chi cho giáo dục ở Pháp như sau:

 

 

Như vậy có thể thấy rằng các nguồn chi cho giáo dục của chúng ta là không hề ít, do đó tăng học phí là điều không có cơ sở.

Lý do thứ hai thường được đưa ra là mức đầu tư trên một sinh viên của chúng ta hiện nay quá thấp. Học phí đại học của VN chỉ khoảng 200 USD/năm, trong khi ở Anh, Mỹ 10.000-15.000 USD/năm. Tuy nhiên so sánh như vậy hoàn toàn sai về phương pháp luận, vì trình độ phát triển của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển.

Thu nhập bình quân đầu người của VN chỉ khoảng 600-700 USD/năm, trong khi ở các nước phát triển thì con số này là 30.000-40.000 USD/năm. Như vậy tương đối mức học phí của VN không hề thấp so với thế giới. Cụ thể mức học phí là 200 USD/năm, nhưng so với thu nhập 650 USD/năm của VN thì tỉ lệ học phí đã chiếm đến 30,7% thu nhập; học phí ở các nước phát triển nếu là 15.000 USD cũng chỉ chiếm khoảng 30% thu nhập hằng năm của người dân mà thôi.

Hai lý do chính yếu biện hộ cho đề án tăng học phí đều không thuyết phục. Đúng là chúng ta cần tăng đầu tư cho giáo dục nhưng không phải bằng cách dễ nhất là “móc túi người học” mà phải bằng những biện pháp hợp lý. Trong đợt kiểm toán tại 32 tỉnh thành vừa rồi, đã có trên 7.000 tỉ đồng bị lãng phí/thất thoát, nếu kiểm đầy đủ 64 tỉnh thành thì con số đó sẽ không dưới 15.000 tỉ. Nếu thu lại được phần thất thoát này và đầu tư cho giáo dục thì chắc chắn chúng ta không cần phải tăng học phí.     

LÊ MINH TIẾN

 

       http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org