Thử tìm hiểu đâu là giới hạn của “Xã hội hóa” Giáo dục phổ cập ở nước ta

Vietsciences-Hồng Lê Thọ       01/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người, ở mọi lứa tuổi,mọi trình độ được học thường xuyên, học suốt đời. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và tạo điều kiện để toàn thể xã hội tham gia phát triển giáo dục”                               

(Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001)

 

Học phí tăng là “Xã hội hóa” lại bùng lên

    Từ hơn năm năm nay cứ mỗi lần vấn đề tăng học phí được đặt lên bàn nghị sự của cấp lãnh đạo Bộ GD ĐT là một lần các bậc phu huynh xôn xao về chủ trương “Xã hội hóa” của nhà nước thể hiện qua các thông tư của chính phủ năm 1999/2005, trong đó cho phép nhà trường các cấp được phụ thu để chia sẻ khó khăn và tăng cường cơ sở vật chất (là chủ yếu) cho giáo dục kể cả cấp Tiểu học được miễn phí theo Hiến Pháp.

Ở nước ta chỉ có cấp Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) là giáo dục bắt buộc nhưng việc nhà trường thu phụ phí như các cấp khác vẫn được thực hiện theo điều kiện của mỗi trường, tức là  lãnh đạo trường tổ chức thu phụ phí tùy theo sự thỏa thuận với phụ huynh học sinh, bao nhiêu, cho mục gì…còn tùy, là khe hở để thu phí tràn lan dưới danh nghĩa “xã hội hóa”, có khi còn cao hơn cả học phí mà nhà nước đã miễn.Vì thế tìm hiểu việc “xã hội hóa” ở cấp tiểu học nầy vô cùng khó khăn, nếu không nói là “mò kim đáy biển” vì không có trường nào công bố các khoản thu, nêu ra đầu năm cho các phụ huynh rồi cứ thế mà “đóng”, thử hỏi nếu gia đình nào khó khăn không đóng nổi các khoản phụ thu thì con em của họ có được vào lớp hay phải “chạy” sang trường khác hoặc bỏ học ? Đây là vấn đề cần trao đổi vì vấn đề thu phụ phí đã tồn tại trong nhiều năm, càng ngày càng tăng theo “thị trường” trong khi cấp quản lý ở Bộ  biết vẫn làm ngơ mặc dù trên văn bản của Bộ cũng như UBND, Sở ngành vẫn “cấm thu” ngoài những hạng mục đã qui định.(!).

Thử nghĩ xem cảnh một cháu không vào lớp được vì cha mẹ có tiền đóng phụ thu nầy, liệu đây là “vết thương đầu đời”của một thân phận nghèo hèn? Lúc đó cái gọi là “miễn phí” của Hiến pháp có được tôn trọng và thực thi hay không ?

Muốn nhập học vào một trường tiểu học—là trường điểm—trong quận mà trái tuyến thì Cha mẹ học sinh có con em vào cấp 1 nầy phải đóng bao nhiêu dưới danh nghĩa là “hỗ trợ” cho nhà trường? khoản thu nầy không hề nhỏ, “tự nguyện’ hay “bắt buộc” không phân định rạch ròi, là số tiền mà phụ huynh “xin được” đóng góp ? Ông Nguyễn Văn Ngai, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP HCM, cho biết: “Không thể kết luận việc các trường sử dụng bao nhiêu phần trăm Quỹ cha mẹ học sinh chăm lo giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường. Việc sử dụng quỹ này như thế nào cho hợp lý đang là vấn đề vô cùng nhạy cảm". Thế thì…Một cái lệ không thành văn như vậy có thể nhà trường có thể thu đến hàng trăm triệu đồng/năm vào thời điểm nhập học mà không phải khai báo, xin phép…kể chi đến đóng thuế thu nhập. Các trường nổi tiếng ở TPHCM như Lương Định Của (Q.3 ), Minh Đạo(Q.5), có khoản thu nầy không dưới 5 triệu đồng/em, có khi được tính bằng đô la(?!) 500 USĐ theo lời đồn trong giới phụ huynh. Chi ít là 2-3 triệu đồng/em ở những trường “điểm” ở quận Bình Thạnh, còn tỉnh lớn ở địa phương thì 500,000-1 triệu đồng/em. Hơn thế nữa, trước khi bước vào năm học mới, ban giám hiệu công bố danh sách mà phụ huynh phải nộp như tiền học, ăn bán trú từ 300,000-350,000 đồng/tháng, Bảo hiểm học sinh 105,000 đồng/năm, cơ sở vật chất 500,000 đồng/năm (vì lớp học có gắn máy lạnh như trường tiểu học Trần quốc Toản)…và bao nhiêu mục “lẻ tẻ” khác đồng phục, tập vở, sách giáo khoa, đội, khuyến học, nước uống, vi tính….) lên đến 7-12 hạng mục tùy theo trường và tổng số tiền phải đóng đầu năm học lên vượt cả  triệu đồng (1*). Qua đó chúng ta có thể thấy chế độ “miễn phí” cho tiểu học chỉ còn là hình thức ở những thành phố lớn, phí phụ thu nầy lớn hơn gấp bội, không dừng lại ở mức 4-8%  thu nhập như quan chức của Bộ phát biểu. Nhiều con số nghiên cứu hay điều tra đã được công bố, xác định rằng ngân sách nhà nước chi cho mỗi học sinh tiểu học là 2,5 triệu đồng/năm và phí phụ thu của trường là 580,000 đồng/năm nghĩa là chỉ bằng ¼ ngân sách nhà nước bỏ ra, hay học phí chỉ 6% và tiền ngân sách là 94%, trong khi con số thực tế khác xa (2*). Phải chăng đây là cách tính bình quân “thấp nhất” để tăng học phí ? Trong phiên họp báo chiều ngày 8/11/2007, Bộ trưởng Nguyễn thiện Nhân khẳng định ”Một đất nước mà có 22 triệu học sinh, sinh viên (HS,SV) đi học thì có 7 triệu HS phổ thông và tiểu học không phải đóng tiền (không biết Ông Nhân có nhầm nữa không, vì cấp phổ thông vẫn phải đóng học phí cơ mà!). Trong số 22 triệu đi học thì 10,5 triệu được miễn giảm học phí, chiếm 53%.” . Có thật như vậy không, đặc biệt là cấp phổ thông lại càng phải đóng tiền học như qui định và nhiều hạng mục hơn thế, sao có thể “hạnh phúc”như vậy được. Rằng “Còn sắp tới chỗ nào tăng hay giảm, sẽ căn cứ trên thu nhập bình quân. Đã đóng học phí theo thu nhập thì không có chuyện đắt hay rẻ.”. Thật vô cùng rối rắm không biết căn cứ trên “thu nhập bình quân” nầy sẽ dựa trên cơ sở nào, thu nhập bao nhiêu kilogram gạo/tháng như Bộ trước đây đã tính ? Ông cam kết “tới đây, người học chỉ phải đóng 1 lần, không đóng lung tung nhiều khoản như hiện nay nữa. Như vậy, khi công bố, họ sẽ biết ngay là chỉ phải "đóng một cục". Các trường sẽ không có quyền đòi hỏi phải đóng thêm, lúc đó mới kiểm soát được”.

 

Những con số chồng chéo, ngổn ngang

 Ngày 7/11/2007 Bộ GD DT lại đưa ra những con số cho cấp học khác (THCS và THPT) trong những năm 2001-2006 cho biết chi phí học tập gấp 2,2-2,7 lần so với học phí, nhấn mạnh tỷ lệ nầy không quá 7%, riêng ở đô thị có nơi còn dưới 4% (?!). Đây là những con số đáng ngờ vì cách tính thu nhập bình quân của người dân rất mơ hồ, và phần tính học phí (theo qui định của nhà nước) quá thấp, phi thực tế. Tuy nhiên điều đáng để ý là theo báo cáo nầy thì Chi phí học thêm của 2 cấp nầy chiếm tỷ lệ khá cao 16-20% và chi phí GD khác cũng từ 14-21% trong khi học phí là 27-32%. Những con số chồng chéo và “đá” nhau mà người ngoài cuộc không thể lý giải nổi.

Điều thú vị là nếu lấy con số năm 2006 thì Bộ chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ  tương đương với 5% (tương đương với 2,750 tỷ đồng) tổng ngân sách nhà nước chi cho ngành giáo dục, trong khi số tiền chuyển về bộ ngành khác chi là 21,2% tương đương với 11,550 tỷ đồng, phần lớn nhất đã được chuyển thẳng về địa phương (tỉnh, thành phố…) là 40,458 tỷ đồng(73,8%). Liệu Bộ tài chính-giáo dục sẽ phải giám sát việc thu-chi khoản “bao cấp”( theo trách nhiệm của nhà nước) nầy như thế nào, trong đó tỷ lệ phân phối cho cấp Tiểu học là bao nhiêu trong khi phần phụ thu gấp nhiều lần hơn ngân sách, ngày càng tăng theo xã hội hóa như đã nói ở trên.

Phần chi theo ngân sách của nhà nước cho ngành GDDT mỗi năm một tăng, riêng trong năm 2007 tăng so với năm 2006 là 11.400 tỷ đồng (so với năm 2005 thì năm 2006 đã tăng 33%!), năm 2008 dự kiến tăng thêm so với năm 2007 là 9.430 tỷ đồng. Theo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi lên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH về tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách năm 2008, ước chi cho giáo dục và đào tạo trong năm này là 76.200 tỷ đồng, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 14,1% so với ước thực hiện năm 2007. Riêng phần ngân sách cho chi thường xuyên của năm 2006 là 42.625 tỷ đồng, của năm 2007 là 51.860 tỷ đồng (chiếm 80% tổng kim ngạch cho Giáo dục 67,000 tỷ đồng). Mức tăng nầy cao hơn mức trượt giá(7-8%) của giá cả hàng tiêu dùng, gánh nặng của chi phí giáo dục chiếm xấp xỉ 20 % tổng thu chi của nhà nước (tương đương 8,3% GDP), lấy từ thuế và thu theo ngân sách là tiền của người dân  đóng góp và tài sản quốc gia , vậy mà vẫn không đủ. Đây là cơ sở để Bộ GDĐT chủ trương tăng học phí như mọi khi, nghĩa là mọi cái khó về tiền vẫn qui về người dân trong khi việc chi thu thì hoàn toàn rơi vào bóng tối tù mù ! Theo báo cáo của ngành GD&ĐT trình Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội ngày 2/10/2007, cơ cấu chi về lương và các khoản phụ cấp có tính chất lương thường chiếm khoảng 85 - 90% (trong khi thông kê của Ngành thì tổng quĩ lương chỉ chiếm 61,60%--chênh lệch hơn 10,000 tỷ đồng), chi cho các hoạt động giảng dạy, học tập, mua sắm, sửa chữa, hành chính quản lý chỉ khoảng 10 - 15%(báo cáo của Bộ là 38,4%). Những con số càng đọc càng rối! Hàng chục nghìn tỷ đồng nầy lẫn hút đi đâu, vào quĩ “đen”hay quĩ “xóa mù” ?! Hơn thế nữa, kim ngạch vay mượn để chấn hưng giáo dục của các cơ quan tài trợ nước ngoài (ADB, World bank…) cũng đã trên mức 1,3 tỷ đô la (tương đương với vài chục nghìn tỷ đồng) nầy đã được thực hiện như thế nào, quả là điều “bất khả tri” .

Nhìn chung, ở các địa phương nghèo như tỉnh Quảng Trị thì Sở GDDT qui định mức thu bình quân bắt buộc (2*) khá lạ lùng, cao hơn ở tiền “đóng góp”công khai nhưng so với phần phụ phí ở Thành phố HCM  thì vẫn thấp hơn. Điều nầy có nghĩa là tốc độ “xã hội hóa” ở khu vực kinh tế phát triển, cao hơn hẳn, có khi “tích cực” đến mức mà bản thân TPHCM—là nơi có điều kiện—cũng phải ngán ngẫm như ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GDĐT xin hạ chỉ tiêu “xã hội hóa” mặc dù số trường ngoài công lập như dân lập, tư thục, quốc tế ngày càng nhiều. Như vậy, thông qua việc “xã hội hóa” chúng ta thấy đã hình thành sự “đẳng cấp hóa” giàu nghèo, về thầy giáo, nội dung học tập, thành phần học sinh… ngay trong một thành phố phát triển, sự phân hóa giàu nghèo trong giáo dục cưỡng bách là điều đi ngược lại với tôn chỉ “tạo công bằng”, “xây dựng một mặt bằng dân trí cơ bản” chung cho cả nước. Ngay ở cấp tiểu học đã như vậy thì liệu các cấp khác  sẽ còn được “thương mại hóa” đến mức nào ?

 Nếu giáo dục cấp 2,3 hoặc đại học biến thành “sản phẩm” trên thương trường, cạnh tranh nhau về chất lượng, phương pháp giảng dạy thì còn có thể hiểu được nhưng cạnh tranh về giá học phí, phân chia đẳng cấp  theo kiểu như vậy trong xã hội thì ý nghĩa thiêng liêng của Giáo dục nằm ở đâu, vị trí của trường công lập còn hay không khi nhà nước chỉ điều tiết về mặt chính sách hay phân bổ ngân sách hạn hẹp còn lại trong miếng bánh “giáo dục” vốn xem giáo dục phổ cập chiếm 30% ngân sách giáo dục là cơ bản mà vẫn chưa đủ ? Vì thế như chúng ta đã nghe thấy, chủ trương của Bộ GD hiện nay là tăng học phí ở cấp 2,3 và tăng mạnh ở đại học là điều tất yếu , giao cho nhà trường “quyền tự chủ về tài chính”, nghĩa là đầu ra và đầu vào nhà trường phải tự cân đối thu và chi cho đủ duy trì hoạt động(kinh doanh) của nhà trường, vai trò giám quản của nhà nước ở đây rất mờ nhạt, chỉ còn lại là báo cáo hay thông tư chỉ đạo hành chính, có chăng là sự chủ động phân phối các khoản nhận viện trợ,cho vay từ nước ngoài to tát cho giáo dục và xóa đói giảm nghèo trong đó có giáo dục , kèm theo biết bao nhiêu chuyến công du nước ngoài, bổng lộc và “lại quả”?.

 

“Xã hội hóa” bị chệch hướng hay lạm dụng ?

 Trước chủ trương xã hội hóa giáo dục của chính phủ và thực tế diễn ra ở cấp Tiểu học hiện nay cho thấy việc thực hiện đã   bị lệch hướng, không nhằm nâng cao dân trí, công bằng trong giáo dục phổ cập hay những mục tiêu cao đẹp đã đề ra(tăng cường thể chất,nội dung học tập,đời sống giáo viên…) mà về thực chất đã từng bước “tư thục hóa” trong chi thu, đi ngược lại với hiến pháp, ngày càng chất lên vai người thu nhập thấp (đa số)những chi phí về giáo dục mà lẽ ra học sinh tiểu học không phải đóng cho nhà trường. Việc chuẩn hóa cơ sở vật chất, trường học, giáo viên, sách giáo khoa…của các trường tiểu học trên cả nước phải nâng dần, cùng đạt tiêu chuẩn ngang nhau,dù là địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa để mặt bằng dân trí tối thiểu trong nhân dân đồng đều chứ không phải “nơi nào có tiền” đóng góp thì “vận dụng” gắn thêm máy lạnh, quạt máy, đèn điện sáng choang, thầy cô giáo đi xe đời mới…còn nơi nào nghèo thì vẫn “mái tranh vách đất”. Việc nầy phải là chính sách từ trung ương, phân phối ngân sách từ Bộ GDĐT chứ không “khoán trắng” cho địa phương với khả năng hạn chế vì phát triển thấp. Nhà nước cần phải xác định “mức độ xã hội hóa” giáo dục cho từng cấp, đặc biệt là cấp phổ cập, không thể đồng hóa cấp “cưỡng bách”giáo dục với các cấp khác để thực hiện triệt để những gì mà nhân dân yêu cầu: “công bằng cơ hội học tập” cho tất cả các cháu, ít nhất và đầu tiên là cấp mầm non và tiểu học. Không có lý gì cấp Tiểu học thì miễn phí(dù là ít oi) nhưng lại bỏ qua lớp mầm non, bước đầu đời của trẻ con mà việc thu phí ở cấp nầy lại càng khủng khiếp hơn khi “chạm vào những con số” thực tế mà cha mẹ phải cắn răng chịu đựng!...

”Xã hội hóa” trong ngành giáo dục hiện nay không có “chuẩn” và thực tế nầy sẽ đưa đến tình trạng “người nghèo thì kiếm trường nghèo” hoặc cho con em mình nghĩ học tìm việc làm để trợ giúp gia đình, còn con người khá giả thì đeo đuổi mức “xã hội hóa” (theo kinh tế thị trường) của nhà trường hay cao hơn là cho con em mình du học, vào trường quốc tế hay dân lập. Mặt bằng của dân trí như vậy sẽ phân thành nhiều đẳng cấp ngay từ tấm bé, điều mà ngay các nước tư bản cũng không thấy hiện hữu. Các nước trong khu vực ASEAN như Thái lan, Malaysia hay láng giềng Trung quốc...cũng đã có chính sách miễn phí đến cấp 9 hoặc 12 trong khi Việt Nam thì ngược lại với cấp 6 đã đẩy mạnh “xã hội hóa” như đã nêu, liệu chúng ta có đi ngược chiều không, dù hiện nay có khuynh hướng học tập kinh nghiệm Hoa kỳ trong vấn đề thương mại hóa Giáo dục nhưng ngay bản thân nước Mỹ cũng đã áp dụng chế độ giáo dục cưỡng bách(đến lớp 12) từ lâu!

Chưa bao giờ nhận thức về xây dựng một nền giáo dục công bằng, trình độ dân trí nâng cao để đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế tốc độ khá nhanh …lại được mọi tầng lớp trong xã hội quan tâm, bàn bạc và góp ý một cách tích cực; Mối lo về “người” trong vài chục năm tới với hậu quả của nền giáo dục khập khiểng hiện nay đã làm cho nhiều nhà giáo, trí thức trong cũng như ngoài nước lên tiếng cần được lắng nghe và thấu hiểu để có những giải pháp trung-dài hạn hợp lý ? Xoay chuyển một tình thế không mấy dễ dàng vì tư duy giáo dục còn phân tán, mất định hướng, chạy theo cơ chế thị trường trong giáo dục là một thực tế cần được nhìn thẳng để có giải pháp đồng bộ hơn thay vì chỉ “tăng học phí” theo lối so sánh khập khiểng.Trong bài viết về giáo dục ngày 6/9/2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ:

“nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí. Nhiều nước tư bản cũng đã bỏ học phí ở cấp phổ thông, có nước bỏ học phí ở cấp đại học. Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì thực hiện học tập và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, không lý gì ta lại chủ trương tăng học phí tràn lan . Phải kiên quyết thực hiện không thu học phí đối với giáo dục phổ cập theo đúng tinh thần của Hiến pháp. Mặt khác, cần nghiên cứu kỹ chế độ học phí theo hướng không tăng mà giảm dần, tiến tới bỏ học phí ở cấp phổ thông rồi tiến đến bỏ học phí ở cấp đại học. Ở cấp mẫu giáo, mầm non, không nên hình thành một loại trường cho các cháu con nhà giàu và một loại trường cho các cháu con nhà nghèo”. Thiết nghĩ những điều cơ bản nầy phải được thể hiện một cách nghiêm túc,không vì “xã hội hóa” mà đánh mất ý nghĩa cao cả và trách nhiệm giáo dục của nhà nước.

 

12/2007

 


Chú thích:

 Thực tế ở TPHCM


(1**)Trong năm học 2007-2008 sẽ có ba trường tiểu học và hai trường THCS trên địa bàn quận Phú Nhuận được thu khoản tiền "xã hội hóa" nói trên theo mức 15.000 đồng/tháng đối với bậc THCS và 10.000 đồng/tháng đối với bậc tiểu học.

Ngoài Trường THCS Độc Lập, còn có Trường tiểu học Cổ Loa, Tiểu học Đông Ba, Tiểu học Nguyễn Đình Chính và Trường THCS Cầu Kiệu. Hẳn nhiên khi được cấp trên đồng tình, các trường hoàn toàn yên tâm khi thông báo khoản tiền thu thêm đã được "hợp thức hóa" này. Nhưng chính vì thế sự đóng góp của cha mẹ HS trong trường hợp này đã không còn đúng nghĩa là sự tự nguyện.

"Theo đúng tuyến được phân, con tôi được vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du, Q.1. Đầu năm học, tôi thật sự chóng mặt với tổng số tiền phải lo đóng cho con nhập học lên đến gần 5 triệu đồng. Số tiền này cao gấp ba lần lương công chức như tôi", một PH bức xúc. Ngoài các khoản thu theo đúng qui định, PH sẽ đóng thêm 2 triệu đồng tiền đầu tư phòng máy tính cho nhà trường.

Cô Nguyễn Thanh Nhân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết khoản tiền này do PH khối lớp 6 nhất trí sẽ đóng góp để trang bị phòng máy tính với 40 máy cho con em mình học trong bốn năm, sau đó tặng lại nhà trường. Nhưng đây quả là khoản tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình, và khoản đóng góp này có lẽ được xếp vào hàng cao nhất so với các trường khác.

Xu hướng vận động đóng góp của PH để trang bị phòng máy tính, máy chiếu... đang trở nên phổ biến ở nhiều trường, nhiều quận. Rất nhiều "dự án" đã được ban giám hiệu các trường lên kế hoạch từ trước, đến kỳ họp đầu năm đại diện PH chỉ việc thông báo số tiền và thời hạn nhận tiền. Không chỉ có tiền quĩ hội, các khoản tiền thông báo trong cuộc họp PH còn mang nhiều tên gọi khác, mục đích khác: ủng hộ nhà trường mua đầu máy, quĩ sửa chữa trường lớp, quĩ làm đường, quĩ khen thưởng... Ngoài ra còn có hàng tá những khoản thu thêm (ngoài các khoản thu theo đúng qui định): tiền tăng tiết, tiền bồi dưỡng HS giỏi, tiền nước uống...

 

Tham khảo:

Họp PH: khi đi nhớ mang theo tiền!

Câu nói đùa của một PH có con học lớp 5 Trường tiểu học Trần Văn Ơn (Gò Vấp) khiến ai nghe thấy cũng không khỏi chạnh lòng. Hẳn nhiên đây không phải là tiền để dằn túi đi đường mà là tiền chuẩn bị nộp tại lớp ngay sau cuộc họp đầu năm. Ít thì vài mươi ngàn đồng quĩ lớp, nhiều có khi đến hàng trăm ngàn. Theo kinh nghiệm của các bậc PH, học phí, tiền cơ sở vật chất, bảo hiểm, tiền áo quần, sách vở, bút mực... chưa phải là tất cả. Còn phải chờ đến sau cuộc họp PH đầu năm mới biết rốt cuộc mình sẽ phải chạy lo bao nhiêu tiền.

Một PH có con học lớp 9 Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết ngay trong buổi họp PH đầu tiên, bà chi hội trưởng yêu cầu mỗi PH đóng ngay tại chỗ 500.000 đồng (300.000 quĩ trường và 200.000 quĩ lớp). Trên lý thuyết, quĩ hội PH là tự nguyện, không bắt buộc nhưng thực tế không đóng không được! Vị PH này cho biết: "Trong năm học vừa rồi gia đình anh không đóng tiền quĩ. Hậu quả là đến khi họp, mỗi người nhận được một tờ giấy ghi rõ tên PH, tên HS cùng các khoản thu chi, trong đó tên những ai chưa đóng tiền sẽ được in đậm như một cách nhắc khéo. Nhiều bạn trong lớp biết con tôi chưa đóng tiền, nó xấu hổ về nhà cằn nhằn mình cả năm".

Ông Phan Văn Tấn, có con học lớp 8 Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Trong cuộc họp PH tuần rồi, chi hội PH lớp yêu cầu mỗi người đóng 100.000 đồng quĩ lớp và 140.000 quĩ trường. Anh dè dặt hỏi chi hội trưởng: "Nhà tôi cũng eo hẹp quá, tôi không đóng quĩ trường có được không?". Đáp lời anh chỉ là thái độ lạnh lùng của người đại diện cha mẹ HS lớp: "Con anh học ở trường này mấy năm rồi chứ đâu phải mới. Khoản này năm nào cũng thu, mấy năm trước anh cũng đóng mà... Tùy anh thôi!".

PHÚC ĐIỀN

 

Ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:

Không được sự ủng hộ của PH mà vẫn thu tiền là sai!

"Theo điều lệ nhà trường (do Bộ GD-ĐT ban hành) và Luật giáo dục, hội phụ huynh HS không còn tồn tại nữa. Thay vào đó, hoạt động của cha mẹ HS trong nhà trường được điều động bởi ban đại diện cha mẹ HS. Ban đại diện này sẽ được bầu công khai, dân chủ tại đại hội cha mẹ HS đầu năm của mỗi trường. Không còn tồn tại như một tổ chức Hội, Đoàn nên năm học 2007-2008, các trường trên địa bàn TP.HCM không được thu quĩ hội PHHS.

Tuy nhiên, để thực hiện xã hội hóa giáo dục và vận động phụ huynh chung tay đóng góp với nhà trường trong quá trình giáo dục HS, đại hội cha mẹ HS đầu năm sẽ xác định những "công trình" cần hỗ trợ nhà trường. Trên cơ sở những công trình cụ thể ấy, đại hội sẽ tính toán cần có bao nhiêu tiền, mỗi phụ huynh HS đóng góp bao nhiêu, đối với phụ huynh nghèo thì như thế nào... Tất cả những điều ấy phải được các phụ huynh đồng tình, nhất trí (thể hiện tại đại hội cha mẹ HS) mới được thực hiện. Những trường nào không tổ chức đại hội cha mẹ HS đầu năm hoặc có tổ chức đại hội nhưng không nhận được sự ủng hộ của PH mà vẫn tiến hành thu tiền đóng góp cho nhà trường là sai qui định…. ".

H.HG. ghi

 

Và một vài  thực tế ở Hà nội:

Hiệu trưởng Tiểu học Quỳnh Mai Trần Lưu Hoa cho biết, trường đã đề nghị hội phụ huynh lớp công khai quỹ sao cho thu đủ chi và không quá 150.000 đồng/học sinh/học kỳ, quỹ phụ huynh học sinh trường cũng không quá 50.000 đồng/năm. Có lớp phụ huynh còn nhất trí 100% và cùng ký tên. Những năm trước trường cũng áp dụng mức thu tương tự.

Bà Triệu Thị Thu, trưởng ban đại diện cha mẹ hoc sinh trường, cho biết, do trường đang xây dựng nên chủ trương thu quỹ phụ huynh cao hơn nhằm hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và những người liên quan đến lớp (nhân viên lao công, y tế...). Phụ huynh các lớp sẽ thỏa thuận để đưa ra mức thu này nhưng không quá 150.000 đồng/ học kỳ.

Cô Hoa thừa nhận, do các em học tại các điểm thuê nên thày cô vất vả hơn. Việc phụ huynh muốn giúp đỡ thày cô là ý tốt. Mỗi tháng một lớp sẽ trích 250.000 đồng tiền quỹ hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm "mỗi ngày một cốc nước cam".

Hiệu trưởng Tiểu học Thành Công A Trương Thị Minh Hoài, cũng khẳng định, hiện vẫn cần có khoản thu đầu năm. "Nếu ngân sách đảm bảo, sẽ không cần tới khoản thu này", bà Hoài nói.

Trước phản ánh của một phụ huynh có con học lớp 2 phải đóng 200.000 đồng quỹ lớp học kỳ 1 (năm ngoái, khoản thu này là 390.000 đồng), cũng như sự nhập nhèm của ban đại diện phụ huynh trong việc chi tiêu, bà Hoài cho biết, sẽ kiểm tra lại thông tin này.


 

Thực tế ở Quảng Trị (tỉnh nghèo)

2) Chi phí cho năm học 2007-2008, UBND tỉnh Quảng trị qui định:
1. Học phí mẫu giáo, tiểu học hay trung học ... bất kể là Hiến pháp nói miễn phí tiểu học. Trường công tiểu học đóng 20,000 đồng, trường bán công và tư thục 80,000 đồng.
2. Tiền xây trường: ai cũng đóng kể cả tiểu học 100,000 đồng. Bán công và tư thục 120,000 đồng
3. Phí tuyển: thi tuyển vào lớp 1 đóng 5,000 đồng, vào lớp 6 (tiểu học) đóng 10,000 đồng....

Tuy nhiên đây cũng chỉ là Chi Phí theo qui định, còn những khoản ngoài qui định (?!) thì chưa có con số nào được liệt kê.


Tóm tắt và so sánh phí giáo dục ở Đồng Nai và Quảng Trị (Vũ quang Việt))

 Quyết định của hai sở Giáo dục cho thấy là Đồng Nai tuân thủ Hiến pháp. Họ không thu học phí tiểu học, không thu tiền xây dựng trường. Đồng Nai là tỉnh giầu, thu phí ít hơn nhiều so với với  Quảng trị là tỉnh nghèo.

Nếu chỉ nhìn 2 tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai ta thấy là:

     - Cùng một hệ thống giáo dục nhưng chính sách về thu phí trong giáo dục rất khác nhau: Chỗ nghèo thu học phí nhiều chỗ giầu thu ít vì nơi giầu có thể được cấp ngân sách  từ địa phương cao hơn? hoặc là việc cấp ngân sách từ trung ương không hợp lý? Điều này cần điều tra.

                                 Năm học 2006/07

 

Đồng Nai

Quảng Trị

Học phí trường công/tháng

Công

Bán công

Công

Bán công

 Mẫu gíao

38.000 (bán trú)

120.000

50.000

80.000

Tiểu học

0

 

    20,000(?)

80.000

Trung học cơ sở

12.000

 

20.000

120.000

Trung học phổ thông

22.000

 

35.000

120.000

 

 

 

 

 

Tiền xây trường/năm

 

 

 

 

 Mẫu gíao

không

không

100.000

120.000

 Tiểu học

không

không

100.000

120.000

 Trung học cơ sở

không

không

120.000

150.000

 Trung học phổ thông

không

không

150.000

180.000

Tư liệu và lời bình của TS Vũ Quang Việt (10/2007)

 

 

***Thực tế ở Xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị:

 

Học sinh tiểu học nộp 20 khoản thu đầu năm

 

 

(LĐ) - Ngày 23.10, phụ huynh HS lớp 1 ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong phản ánh: Trường tiểu học tại địa phương đã thu nộp tiền đóng góp năm học 2007-2008 với 20 khoản thu trên tổng số tiền là 603.000 đồng/1 HS.

Theo đó, ngoài những khoản thu như "xây dựng đầu cấp: 50.000đ, xây dựng theo quy định: 80.000đ..." còn có nhiều hạng mục thu rất... lạ tai như "hoạt động dạy và học: 15.000đ, nền nếp: 20.000đ, sao nhi đồng: 15.000đ, thuê đồ dùng: 20.000đ...".

                                                              (Lao Động số 247 ngày4/10/2007) 

 

2** Gần đây BT Nguyễn thiện Nhân lại phát biểu :”Học phí ở phổ thông chỉ chiếm 10% thôi, 90% là Nhà nước cấp. 10% đó yêu cầu là phải đảm bảo chất lượng”(họp báo ngày 8/11) .

 

 

 

             http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ