Về học vị tiến sĩ

Vietsciences-Nguyễn Văn Tuấn         10/05/2007
 

Những bài cùng tác giả

Trong một bài viết trước, tôi có viết rằng học vị tiến sĩ (Doctor of Philosophy, thường viết tắt là Ph.D) là một văn bằng cao nhất trong hệ thống văn bằng đại học.  Xã hội kính trọng những người có học vị tiến sĩ và gọi họ bằng danh xưng “Doctor”.  Ở nước ta ngày xưa, họ là những “ông nghè” được xã hội rất trân trọng.

 

          Ngày nay ở nước ta, có nhiều sinh viên có ý định theo học chương trình tiến sĩ.  Đó là một phát triển đáng mừng, vì các vị tiến sĩ là những người đóng vai trò rường cột cho nền khoa học nước nhà, và là một lực lượng giảng dạy tương lai.  Thế nhưng có vài dấu hiệu cho thấy động cơ của việc theo học tiến sĩ hình như không phải để đi tìm sự thật khoa học hay mở mang trí tuệ, mà chỉ để có cái danh “tiến sĩ” trước tên mình.  Một số khác thì vì lí do thăng quan tiến chức nên tìm mọi cách theo học và “lấy cho được” học vị tiến sĩ.  Thiết tưởng đây là những ngộ nhận nguy hiểm về học vị tiến sĩ cần phải được giải thông. 

 

          Trong bài viết này tôi sẽ nêu ra một số câu hỏi để thí sinh trả lời xem mình có phải là người thích hợp và xứng đáng để theo học tiến sĩ hay không.

 

Những câu hỏi thí sinh cần hỏi trước khi đệ đơn xin học tiến sĩ

 

Thứ nhất, mình có muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học không?  Trước khi đệ đơn xin theo học chương trình tiến sĩ, thí sinh nên cẩn thận cân nhắc mục tiêu lâu dài của mình.  Bởi vì để có được học vị tiến sĩ thí sinh phải làm nghiên cứu; do đó, thí sinh phải tự hỏi: nghiên cứu khoa học có phải là sự nghiệp mình muốn dấn thân hay không?  Nếu câu trả lời là “muốn” thì học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” cho con đường tiến thân.  Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hp ngoại lệ.  Nếu câu trả lời là “không”, thì học vị tiến sĩ không phải dành cho thí sinh.

 

Thứ hai, mình có muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng hay không?  Học vị tiến sĩ là một cái “chứng từ” để bước vào hay được “kết nạp” vào sự nghiệp khoa bảng (academic career).  “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.  Cố nhiên, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao.  Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến sĩ.  Tại sao?  Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này phải làm nghiên cứu khoa học.  Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng không phải ai có bằng tiến sĩ đều có thể trở thành giáo sư.

 

          Nếu mục tiêu của thí sinh là dấn thân vào quản trị thương trường, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ (mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính, MBA – Master of Business Administration), bởi vì cốt lõi của học vị tiến sĩ (và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác) là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.  Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn luyện Tiến sĩ quản trị hành chính (Doctor of Business Administration), nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư.

 

Tự đánh giá mình: có hội đủ điều kiện để trở thành tiến sĩ hay không?

 

Thật là khó tự đánh giá khả năng của mình, nhưng những đề mục sau đây có thể giúp cho thí sinh tự hỏi và trả lời:

 

·         Khả năng học vấn.  Trong khi theo học chương trình cử nhân, thí sinh thường hay đạt điểm cao hay thường đứng đầu lớp hay đứng sau cùng trong lớp?  Kì thi trung học thí sinh đạt bao nhiêu điểm?  Ở các đại học Úc, thí sinh theo học tiến sĩ thường có bằng cử nhân hạng danh dự (honours) hay có bằng thạc sĩ.

 

·         Thời gian.  Thí sinh có sẵn sàng giải quyết một dự án nghiên cứu hay một vấn đề khó khăn mà mình chưa bao giờ làm trước đây hay không?  Chương trình học tiến sĩ thường kéo dài nhiều năm (tối thiểu là 3 năm, thường là 4-6 năm) với lao động cật lực.  Thí sinh có sẵn sàng hi sinh và bỏ qua các hoạt động và sinh hoạt thường ngày khác để theo đuổi nghiên cứu khoa học hay không?

 

·         Sáng tạo.  Khám phá trong nghiên cứu khoa học thường xảy ra khi (i) nhà nghiên cứu nghĩ ra một vấn đề mới; hay (ii) nhà nghiên cứu thẩm định một vấn đề cũ bằng một phương pháp mới.  Vì thế trước khi theo học tiến sĩ thí sinh nên tự xét mình có cảm hứng giải quyết vấn đề (problem solving) hay không?  Thí sinh đã chuẩn bị cho những kì “nặn óc”, động não và những suy nghĩ trừu tượng hay không?  Thí sinh có thích học toán học cao cấp không?

 

·         Tính tò mò cao độ.  Nghiên cứu đòi hỏi tính tò mò, nghi ngờ, và chất vấn.  Có khi nào thí sinh cảm thấy như bị cưỡng bách để tìm hiểu cho được thế giới chung quanh và tìm hiểu sự việc hoạt động hay xảy ra như thế nào?  Tính tò mò làm cho nghiên cứu khoa học dễ dàng hơn.  Thí sinh có đáp ứng được những tò mò riêng tư của mình hay không?

 

·         Thích ứng.  Kinh nghiệm người viết bài này cho thấy rất ít thí sinh sẵn sàng chuẩn bị cho một chương trình học tiến sĩ.  Họ cảm thấy chương trình học hoàn toàn khác biệt với các chương trình cử nhân và thạc sĩ.  Phần lớn thí sinh cảm thấy như mình bước vào một thế giới mới, một thế giới mà cái gì cũng có vẻ bất định, và hình như chẳng ai biết được câu trả lời.  Vì thế, câu hỏi thí sinh cần phải tự trả lời là: mình có khả năng thích ứng với một môi trường như thế hay không?  Thí sinh có chịu đựng nỗi tình huống mà hành trình đi tìm lời giải đáp cho vấn đề dù không ai biết chắc câu hỏi chính xác là gì hay không?

 

·         Năng động.  Đến lúc thí sinh xong chương trình cử nhân hay thạc sĩ, thí sinh thường quen với hệ thống thang điểm trong mỗi kì học hay kì thi.  Trong một chương trình huấn luyện tiến sĩ, thí sinh không có thi cử như thời cử nhân, việc nghiên cứu cũng ít khi nào được phân chia một cách rành rọt, giáo sư hướng dẫn không phải lúc nào cũng bên cạnh để chỉ bảo từng việc, và thí sinh không nhận điểm gì cả.  Thí sinh có năng động để tự mình làm việc với sự hướng dẫn và giám thị tối thiểu của giáo sư hay không?

 

·         Cạnh tranh.  Khi theo học tiến sĩ, thí sinh phải chấp nhận cạnh tranh cùng các thí sinh khác, không những tại trường mình đang nghiên cứu, mà còn cạnh tranh với các thí sinh khác trên thế giới.  Cạnh tranh để hoàn tất nghiên cứu trước, để được giải thưởng, để được công bố nghiên cứu trước … Một luận án mà không có một giải thưởng nào hay không có một bài báo nào trên tập san khoa học thế giới là một luận án tầm thường.  Thí sinh có sẵn sàng tham dự vào một cuộc thi đua như thế hay không?  Trong vài ngành thực nghiệm, vì cạnh tranh, thí sinh phải làm việc ngày và đêm trong phòng thí nghiệm hay trong phòng máy tính (có khi đến 12 giờ khuya) để hoàn tất nghiên cứu trước “đối phương”.  Thí sinh có sẵn sàng cho một cuộc chạy đua như thế không?

 

·         Tính chín chắn.  So với chương trình cử nhân và thạc sĩ, chương trình tiến sĩ là một chương trình không có cấu trúc chặt chẽ.  Thí sinh có tự do để theo đuổi mục tiêu nghiên cứu của mình đề ra, tự do hoạch định việc làm hàng ngày cho chính mình, và tự do theo đuổi các ý tưởng khác (nhưng không thể bỏ qua mục tiêu của mình).  Thí sinh có sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm cho chính mình hay không?  Sự thành công hay thất bại trong việc theo học tiến sĩ tùy thuộc một phần lớn vào thí sinh.

 

Một vài cảnh báo

 

Một số thí sinh theo học tiến sĩ vì những lí do và động cơ sai lầm.  Điều này dẫn đến hiện tượng thí sinh cảm thấy thất vọng sau một thời gian theo học, vì yêu cầu lớn quá.  Do đó, trước khi dấn thân vào chương trình học tiến sĩ, thí sinh cần phải nhận thức rõ ràng rằng:

 

·         Học vị tiến sĩ không có nghĩa là sẽ tự động đem lại thanh thế hay uy danh cho cá nhân.  Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu.  Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ.  Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, nó chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị.

 

·         Học vị tiến sĩ không tự động nâng giá trị ý kiến của thí sinh.  Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ.  Niềm tin này hoàn toàn sai.  Nhiều người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác.  Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.

 

·         Học vị tiến sĩ không phải là mục tiêu sau cùng trong học hành, nghiên cứu.  Học vị tiến sĩ chuẩn bị thí sinh vào sự nghiệp nghiên cứu.  Nếu thí sinh chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không nên theo đuổi học vị tiến sĩ.  Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác.  Thí sinh sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính thí sinh tiến hành và hoàn tất.

 

·         Học vị tiến sĩ không bảo đảm thí sinh sẽ có công ăn việc làm ngay.  Có khi ngược lại: sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ có thể khó tìm việc làm hơn là sinh viên tốt nghiệp cửa nhân hay thạc sĩ, bởi vì như nói trên tiến sĩ là những nhà nghiên cứu.  Một số công ti không muốn và không thích mướn những người với văn bằng tiến sĩ cho những việc không dính dáng vào nghiên cứu.  Thêm vào đó là một khi nền kinh tế bị suy yếu, tất cả thành viên trong xã hội đều chịu chung số phận.  Thật vậy, một số công ti giảm thiểu nghiên cứu trước khi giảm thiểu sản xuất, và tình trạng này có thể là một mối nguy cơ cho những người có văn bằng tiến sĩ. 

 

·         Học vị tiến sĩ không phải để gây ấn tượng trong gia đình hay bạn bè.  Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai.  Nhưng văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội.  Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”.

 

·         Học vị tiến sĩ không phải là cái cớ để thí sinh thử xem mình thông minh cỡ nào.  Có một vài thí sinh nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi trò thách thức xem xem tri thức của mình cỡ nào.  Rất tiếc, quan điểm này sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân não hay để thử khả năng tri thức.  Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”.  Như nói trên, thí sinh phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.

 

·         Học vị tiến sĩ không phải để kiếm nhiều tiền.  Thí sinh tốt nghiệp tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng.  Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc.  Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu.  Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.

 

·         Học vị tiến sĩ không có nghĩa là một lựa chọn tốt nhất trong đời.  Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn.  Có lẽ thí sinh sẽ ngạc nhiên khi đọc câu phát biểu này, nhưng đó là một thực tế.  Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một sự nguyền rủa!  Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường.  Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.

 

Vài điều tích cực về tiến sĩ

 

Mặc dù những cảnh báo trên là hoàn toàn sự thật và có thể xảy ra cho thí sinh, nhưng tôi phải công bằng mà nói rằng cũng có một vài “an ủi” cho thí sinh nào cảm thấy mình có đủ khả năng và đức tính để theo học tiến sĩ.  Thứ nhất, thí sinh có thể tự hào rằng mình đã hoàn tất chương trình học, hoàn tất nghiên cứu, và được trao văn bằng tiến sĩ.  Nếu thí sinh có khả năng và đam mê, sự nghiệp nghiên cứu khoa học có thể đem lại cho thí sinh nhiều phần thưởng vật chất và tinh thần có giá mà các ngành nghề khác không có được. 

 

Thứ hai, trong khi theo học tiến sĩ hay sau khi tốt nghiệp, thí sinh có thể sẽ gặp gỡ và làm việc với những người thông minh nhất trên hành tinh này.  Thí sinh sẽ tiếp cận và tiến dần đến những lí tưởng và ý tưởng không nằm trong tầm tay của mình, và để làm việc đó, thí sinh sẽ cảm thấy tri thức mình trưởng thành thêm.  Thí sinh sẽ giải quyết nhiều vấn đề mình chưa bao giờ gặp trước đó.  Thí sinh sẽ khám phá các khái niệm chưa bao giờ được nghe đến.  Thí sinh sẽ phát hiện những nguyên lí có thể làm thay đổi xã hội và con người.

 

Thứ ba là lí tưởng sống của người làm nghiên cứu khoa học rất có ý nghĩa.  (Tôi có thể nói lại câu này mà không sợ bị chê là “nói ngoa”.)  Nói về niềm hân hoan trong nghiên cứu, có một “chân lí” mà có lẽ bất cứ nhà khoa học nào cũng đồng ý: trong các hoạt động của con người nghiên cứu khoa học là lẽ sống có ý nghĩa nhất.  Tại sao nhà khoa học phải tiêu ra nhiều giờ trong phòng nghiên cứu, mài mò sách vở, bận tâm với từng con số, quan tâm đến từng biểu đồ, trong khi họ có thể tiêu thì giờ với gia đình để làm cỏ trong vườn, hay tiêu ra thì giờ với bè bạn trong quán cà phê, quán nhậu ?!  Đúng là nhà khoa học cũng có thể có một cuộc sống gia đình như hàng triệu triệu người khác, tức là làm những việc trong gia đình như bao nhiêu người khác trên thế giới này, nhưng cái khác nhau là thay vì làm những việc đó, nhà khoa học có thể làm việc trong một phòng thí nghiệm, trong phòng máy tính, trong thư viện, bên giường bệnh với bệnh nhân, hay thậm chí trong chuồng … chuột, v.v… nơi mà họ có thể khám phá những điều thú vị nhất trên đời mà chưa có người nào biết đến.  Có thể nói nghiên cứu khoa học là một niềm vui tuyệt đối.  Còn gì vui hơn khi khám phá của mình đem lại lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới, như khám phá vi khuẩn H. pylori của giáo sư Marshall, người vừa được giải Nobel y học vừa qua. 

 

Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội.  Bằng cấp không phải dùng để đo những kết quả trên, mà chỉ là những phân chia đẳng cấp khoa bảng rất tương đối.  Bằng cấp, dù là học vị cao nhất như tiến sĩ, chỉ là một bước đầu trong hoạt động khoa học, và tự nó chưa nói đủ về khả năng chuyên môn của nhà khoa học.  Tương tự, một học hàm cao nhất như giáo sư cũng không phản ánh chính xác được mức độ đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại.  Người trí thức chân chính chỉ nghĩ đến những đóng góp có giá trị nhằm đem lại phúc lợi thực sự cho nhân loại, và không bao giờ phụ thuộc vào học vị, học hàm hay các danh xưng phù phiếm để gây ảnh hưởng trong cộng đồng.

 

Xin mời đọc Trang Nguyễn Văn Tuấn

 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org ²