Việc gì cần và có thể làm ngay?

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng             17/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Tôi hoan nghênh bài viết của tác giả Chu Hảo (KH&TQ,tháng 5/ 2008). Tuy nhiên trước khi thực hiện được các biện pháp nêu lên trong bài viết này tôi thấy có một việc rất cần làm ngay và có thể làm được ngay. Đó là giao trách nhiệm và kinh phí cho các Hội khoa học chuyên ngành soạn thảo những Chương trình giáo dục phổ thông theo từng môn học. Chương trình này sẽ được đưa ra để lấy ý kiến của đông đảo các thầy cô giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông. Chương trình là cái cốt tử trong giáo dục. Giảng day theo chương trình, thi cử theo chương trình. Sách giáo khoa ở hầu hết các nước là sản phẩm đa dạng của từng nhóm tác giả, từng nhà xuất bản. Có thể có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng phải có chỉ một chương trình và chương trình đó phải được sử dụng ổn định nhiều năm và không có lý gì khác biệt quá nhiều so với đa số các nước trên thế giới, không có lý gì tách rời với đặc điểm của thời đại Internet (có thể tìm kiếm dễ dàng thông tin chi tiết về mọi lĩnh vực qua mạng). Chúng ta thống nhất đào tạo những bộ óc chứ không phải những tủ sách. Điều gì cần học, cần hiểu để làm cơ sở kiến thức trước khi vào đời thì phải dạy. Điều gì quá chi tiết , quá chuyên sâu thì hãy để dành cho các giáo trình ở bậc Đại học.

Một nước tiên tiến như Pháp mà học sinh không học môn Sinh học (Biologie) ở trường phổ thông (!). Chỉ học môn Khoa học về Sự sống và về Trái đất (Sciences de la Vie et de la Terre) . Chương trình ở cấp II rất nhẹ, rất hấp dẫn. Kênh chữ rất ít, chủ yếu là kênh hình màu. Bên cạnh đó là các ô Giải thích thuật ngữ , Câu hỏi tự trả lời, Tự khám phá, Tóm tắt... Tôi nghĩ nếu trẻ em chúng ta được học theo chương trình này thì hứng thú biết bao. Khoa học về sự sống có nghĩa là chỉ học các nguyên lý chung cho mọi sinh vật mà thôi. Không cần học kỹ về cấu tạo chi tiết của từng nhóm sinh vật riêng biệt. Hãy tưởng tượng một cháu 12 tuổi ở nước ta mà phải nhớ Sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như Vỏ, Tầng sinh vỏ, Thịt vỏ, Mạch rây, Tầng sinh trụ, Mạch gỗ… ( !). Một cháu 13 tuổi phải nhớ các bộ phận Thùy khứu giác,Thùy thị giác, Não trước, Tiểu não , Hành tủy, Tủy sống của con…thằn lằn ( !). Cháu bé 14 tuổi phải nhớ các Cung phản xạ với các bộ phận Rễ sau, Rễ trước, Sừng bên, Sừng trước, Sừng sau, Hạch giao cảm, Hạch đối giao cảm, Lỗ tủy, Sợi cảm giác, Sợi trước hạch, Sợi sau hạch, Dây phế vị, Thụ quan áp lực… ( !). Đố có cháu nào học xong vài năm mà còn nhớ nổi. Bố mẹ các cháu cũng chả hiểu gì, mà cũng chả cần nhớ làm gì các thứ này. Học sinh Pháp học hai buổi, điều kiện sống rất tốt, giáo cụ trực quan rất nhiều mà học nhẹ hơn học sinh còn rất nghèo và rất khó khăn lại học 1 buổi với số giờ Sinh học rất ít như ta ! Thật khó lòng có thể thông cảm được là với bộ Chương trình và bộ sách giáo khoa như hiện nay mà Bộ GD&ĐT dự định tiếp tục sử dụng ổn định trong 15 năm tới (!)

Về Chương trình Sinh học cấp III (tôi vẫn thích dùng khái niệm này vì không thể đồng tình với chuyện bậc Phổ thông lại cao hơn bậc Cơ sở !) thì tại Hoa Kỳ chỉ có một chương trình Sinh học với một cuốn sách giáo khoa duy nhất dày khoảng 1100 trang. Đây mới là lúc đi sâu vào Sinh thái học, Tế bào học, Di truyền học,Tiến hóa luận, và đi sâu vào từng nhóm Vi sinh vật, Thực vật, Động vật không xương sống , Động vật có xương sống và Cơ thể người.

Tôi thật sự kinh ngạc khi sang Népal và được mua hai cuốn sách Sinh học cho lớp 11và lớp 12. Sách lớp 11 dày 627 trang khổ 24 x 16 với nội dung như sau : Khái niệm về sự sống, Sinh học tế bào, Các phân tử của sự sống, Nguồn gốc và tiến hoa của sự sống,, Phân loại học, Giới Khởi sinh, Giới Nguyên sinh, Giới Thực vật, Hình thái học thực vật hiển hoa, Một số đại diện của cây một lá mầm và hai lá mầm, Giới Nấm, Giới Động vật, Động vật có xương sống, Virút, Sinh thái học và Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên. Cuốn Sinh học lớp 12 dày 696 trang khổ 22 x 14 với nội dung: Giải phẫu học thực vật, Mô động vật, Mối liên hệ với nước, Sự thoát hơi nước của thực vật, Quang hợp, Hô hấp, Các chất điều hòa sinh trưởng thực vật, Sự chuyển động ở thực vật, Di truyền và biến dị, Vật liệu di truyền (DNA và RNA) Mã di truyền và Vốn gene, Sự biểu hiện di truyền và điều hòa, Các định luật Mendel về di truyền, đặc điểm và bản chất Sự liên kết và trao đổi chéo, Liên kết giới tính và di truyền, Đột biến và Đa bội thể, Sinh sản và phát triển của thực vật hạt kín, Sự hình thành giao tử ở thực vật, Sự thụ phấn , thụ tinh và phát triển của phôi, Sự phát triển của Ếch, Dinh dưỡng, Hệ thống tiêu hóa, Hệ thống hô hấp, Hệ thống tuần hoàn, Hệ thống bài tiết Điều hòa áp suất thẩm thấu, và tính nội cân bằng, Hệ thống thần kinh, Hệ thống nội tiết, Các giác quan, Hệ thống sinh sản, Sự tăng dân số và các vấn đề liên quan, Bệnh tật ở người: Xác suất xã hội về bệnh tật, Các bện xã hội, Bệnh không liên nhiễm: Ung thư, Đại cương về Công nghệ sinh học, Nuôi cấy tế bào thực vật, Khái niệm về kỹ thuật chọn giống và những dòng kháng bệnh của cây trồng, Phân xanh, Chất kháng sinh và Vắcxin, Cấy ghép mô và cơ quan , Sự chọc ối và Em bé ống nghiệm, Kỹ thuật Di truyền, Kỹ thuật lên men.

Khoan bàn về chuyện hai cuốn sách này đều bằng tiếng Anh (vì ở có hai hệ, một hệ học bằng tiếng mẹ đẻ nhưng mỗi ngày có 1 tiết tiếng Anh và 1 hệ học tiếng Anh hoàn toàn từ lớp 1). Cả hai hệ học cùng một chương trình Sinh học như nhau. Câu hỏi đặt ra là một nước được coi là thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới tại sao lại có thể học Sinh học được sâu như vậy được . Câu trả lời thật đơn giản. Họ coi học hết 10 năm phổ thông là đủ kiến thức phổ thông rồi (thế hệ chúng tôi cũng chỉ học có 9 năm thôi mà đâu có… dốt nát !). Cấp III chỉ có 2 năm nhưng chia ra 4 phân ban để phân luồng đào tạo. Đó là các phân ban Quản trị kinh doanh, KH Xã hội & Nhân văn, Vật lý (để phục vụ công nghiệp và kỹ thuật) và Sinh học (để phục vụ nông lâm nghiệp và y dược). Mỗi phân ban chỉ học có 4 môn học thôi cho nên đủ thời gian để học rất sâu. Chúng ta lại chuẩn bị sát nhập hai kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông với Thi Đại học thì còn phân ban sao nổi ?. Cho nên bàn chuyện Chương trình và Sách giáo khoa đâu có đơn giản, vì liên quan đến cả vấn đề Hệ thống giáo dục đã được xác định trong Luật Giáo dục. Tuy nhiên nếu thật sự muốn chấn hưng giáo dục thì không thể không xem xét cặn kẽ tất cả các khía cạnh này.

Đành rằng thay Chương trình và thay sách lúc này là rất khó vì chúng ta đã chi quá nhiều tiền và quá nhiều công sức cho công việc này, đã cuốn chiếu thay mỗi năm một cuốn sách giáo khoa. Với điều kiện kinh tế của các gia đình có mấy con đi học thì đây là chuyện không hề đơn giản. Nhưng không thể không bắt tay ngay vào việc biên soạn một Chương trình mà mọi người có thể yên tâm coi là chuẩn và có thể sử dụng ổn định lâu dài trong nhiều năm và không chênh lệch mhiều so với các nước trên thế giới. Chuyện in sách giáo khoa sẽ là cuộc thi đua của nhiều nhóm nhà giáo , nhà khoa học khác nhau , nhiều nhà xuất bản khác nhau. Nhà nước không cần bỏ tiền ra để tổ chức biên soạn, in ấn mà chỉ nên mua cho Thư viện của các trưởng phổ thông , sau đó để cho học sinh mượn miễn phí như ở nhiều nước khác. Em nào làm hư hỏng, làm bẩn hay đánh mât thì mới phải trả tiền. Tất nhiên cần sửa lại điều khoản chỉ có duy nhất một bộ sách giáo khoa như đã ghi trong Luật Giáo dục.

Tóm lại cần bàn ngay hai chuyện có phân ban hay không phân ban. Theo tôi là muốn giảng dạy sâu về từng môn ở cấp III như mô hình Népal thì phải phân ban. Nếu không phân ban thì chỉ nên có một chương trình duy nhất và có thể rút bậc học phổ thông xuống chỉ còn 10 năm mà thôi. Có quyết định được chuyện này rồi thì mới có thể bắt tay ngay vào việc xây dựng chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông. Không nên sửa đổi từng tiểu tiết về chương trình và sách giáo khoa như kế hoạch dự kiến của Bộ GD&ĐT từ nay đến năm 2010. Cần thấy rằng Chương trình hiện nay rất bất cập và được biết là xây dựng sau khi đã viết sách giáo khoa ( !). Chương trình chưa ổn thì bàn về cải tiến sách giáo khoa là chuyện vô lý và lại sẽ rất tốn kém khi chương trình buộc phải sửa đổi.

Tôi tin rằng các Hội khoa học chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam sẵn sàng cộng tác mật thiết với Bộ GD&ĐT trong việc cải cách giáo dục một cách triệt để nhưng với tinh thần khẩn trương và tiết kiệm nhất.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org B