Vì sao học sinh vùng cao, vùng sâu có điểm quá thấp?

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng     19/06/2007
 

Những bài cùng tác giả

         Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc. Chúng ta thấy ngay thành công của một kỳ thi chống gian lận và chống bệnh thành tích.

Nếu như trước đây năm nào tỷ lệ tốt nghiệp của mọi tỉnh , thành phố hầu như đều đạt trên 90% thì năm nay hầu như chỉ có TP Hồ Chí Minh (95,1%) và Nam Định (90,31) là đạt được tỷ lệ này. Đạt tỷ lệ trên 70% còn có Thái Bình (86,39%) ,Hà Nội (86,26%), Tiền Giang (83,69%), Lâm Đồng (80,79%), Vĩnh Phúc (79,54%), Cần Thơ (79,54%), Đà Nẵng (76,2%), Phú Yên 70,85%)... Những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 60% là  Hà Tây (57%), Lào Cai (56,01%), Kon Tum (55,48%),Sóc Trăng (51,27%), Đắk Lắk (50,93%), Điện Biên (45,97%), Hòa Bình (33,01%), Yên Bái (26,68%), Tuyên quang (14,04%)....

        Đáng buồn đến mức không thể nào hiểu nổi là có những trường tỷ lệ đỗ tốt nghiệp là dưới 10% : THPT Tủa chùa (13,18%),THPT Mường Luân - Điện Biên(13,01%), THPT tư thục Phó Cơ Điều , Kiên Giang (12,16%), THPT Mường Nhè (6,86%)...Thậm chí  có gần chục trường tỷ lệ tốt nghiệp là....0% (!).

Phóng viên báo Tuổi trẻ đã về thăm một trong số các trường này. Đó là trường PTTH Đinh Tiên Hoàng (Sơn Dung, Sơn Tây, Quảng Ngãi). Tại đây 6/6 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 78% các hộ dân thuộc diện đói nghèo, 80% học sinh THPT thuộc về đồng bào dân tộc thiểu số, trên 30% học sinh lớp 12 đã có vợ hoặc chồng (!). Đáng ngạc nhiên là cũng trường này niên học 2004-2005 đã có tỷ lệ tốt nghiệp là...99% (!). Không thể nói là học sinh “đột biến” dốt đi, chỉ có thể nói kỳ thi trước các thầy cô đã thương tình cho đỗ gần hết.

         Xét đến hệ THPT bổ túc văn hóa thì thật sự đáng buồn. Trừ một vài tỉnh, thành phố có tỷ lệ đỗ khá cao như TP Hồ Chí Minh (64,83%), Nam Định (59,73%) còn hầu hết đều có tỷ lệ tốt nghiệp rất thấp. Ngay Thủ đô Hà Nội mà chỉ có 42,7% tốt nghiệp. Tỷ lệ này ở các nơi khác là Tiền Giang (30%), Ninh Thuận (30%),Vĩnh Phúc (29,28%), Đà Nẵng (24,98%), Lâm Đồng (24,37%), Điện Biên (23,85%), Hà Tây (20%)Phú Yên (12,7%), Quảng Nam (9,25%), Đắk Lắk (8,89%),Gia Lai (3,6%)... Tôi đã hỏi một công nhân  tốt nghiệp năm ngoái hệ THPT bổ túc văn hóa  về tang, cotang, sin, cosin và cháu cho biết là chưa nghe thấy bao giờ các khái niệm này (!). Tôi hỏi thêm thế cháu có hiểu bài giảng của thầy hay không. Cháu trả lời hồn nhiên: Cả lớp hầu như chỉ chép chứ chả hiểu gì cả!. Tôi hỏi tiếp: Thế sao cháu lại đỗ được tốt nghiệp? Cháu bảo: Các thầy thương học sinh lắm , cho dở sách thoải mái (!).

Kiểu đào tạo hàng loạt theo kiểu như vậy không hiểu để làm gì? Vô hình chung đã làm cho mảnh bằng Bổ túc văn hóa trở nên vô giá trị đối với nhà tuyển dụng lao động. Đã đến lúc cần xem lại mục tiêu của ngành Bổ túc văn hóa và có lẽ cần chuyển sang hình tức tín chỉ để người lao động có thể học dài hay ngắn tùy điều kiện của từng người, nhưng phải học và thi nghiêm chỉnh để cùng có bằng THPT nghiêm chỉnh như các học sinh khác.

         Lại bàn về học sinh vùng cao, vùng sâu. Có nhiều lý do: Các em quá nghèo nên phải tham gia lao động giúp đỡ gia đình và rất ít thời gian để học. Không có điều kiện mua đầy đủ sách giáo khoa và các sách tham khảo tốt. Các thầy cô giáo dạy tại các vùng này thường không giỏi và có nhiều thầy cô chưa yên tâm (vì đến tuổi lập gia đình rồi mà không được thuyên chuyển cho nên rất khó tìm đối tượng). Tôi đến thăm một trường ở cách Sa Pa không xa lắm. Các cô giáo từ vùng xuôi lên, ở chung trong một phòng không có điện, còn nước thì phải xách từ chân núi lên rất xa. Các cô cười rất hồn nhiên: “Gian khổ mấy chúng cháu cũng chịu được, chúng cháu rất thương các em học sinh nhưng chả có anh trai nào thương chúng cháu, có mỗi một anh bộ đội thì chị Hiệu trưởng...lấy mất rồi”.  Chuyện như đùa mà lại là sự thật. Đã đến lúc phải đặt nghĩa vụ luân chuyển giáo viên để nâng cao trình độ giảng dậy cho vùng cao và cũng để các cô giáo không bị nhỡ nhàng.

         Chuyện đột nhiên chuyển sang thi trắc nghiệm mà học sinh không đủ thời gian làm quen cũng gây khó khăn không nhỏ cho học sinh nông thôn, nhất là học sinh vùng cao, vùng xa. Trong báo cáo công tác của đoàn cán bộ Bộ GD&ĐT sau khi khảo sát tại Trung Quốc đã cho thấy: Bạn có quan điểm cho rằng cần hạn chế thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, vì việc này không phản ánh đúng trình độ học sinh; hơn nữa, nhiều vấn đề thực tiễn, xã hội có nhiều phương án giải quyết đòi hỏi phải trình bày cả tư duy, suy nghĩ sáng tạo, ý kiến cá nhân của người giải quyết chứ không phải là sự lựa chọn một hoặc một số phương án cho sẵn khi tiến hành theo trắc nghiệm.

Vì vậy, cần tăng cường hình thức thi tự luận, vừa tránh được việc học vẹt, học máy móc theo SGK, GT, học tủ, vừa kiểm tra được tính sáng tạo, khả năng tổng hợp, ứng dụng của học sinh. Đối với các môn học có liên quan đến thực hành (như Lý, Hóa, Sinh), học sinh còn phải qua kiểm tra thực hành tại phòng thí nghiệm.

Ngoài ra, còn có hình thức đề thi mở, công bố trước kỳ thi cho học sinh biết để chuẩn bị, khi thi học sinh được mang tài liệu vào phòng thi và trình bày bài làm trong một khoảng thời gian quy định những hiểu biết của mình về vấn đề đề bài ra. Thí dụ, ở tỉnh Cát Lâm, học sinh được công bố đề thi trước một tháng đề bài: "Em hãy trình bày hiểu biết của em về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong năm 2002". Trong tháng đó, học sinh phải thu thập, phân tích tư liệu, cập nhật số liệu mới để có thể làm bài và trình bày với giám khảo.

 
         Thực tế hiện nay có khoảng 1/3 thí sinh đã trượt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nghĩa là có khoảng 320 000 em đang lao vào ôn thi cấp tốc để thi lại vào tháng 8 tới. Đã học 12 năm mà vẫn dốt, không hiểu có cách gì để sau hơn 2 tháng bỗng nhiên biến thành giỏi. Nếu kỳ thi này có đề thi tương đương đề thi kỳ đầu  (thầy Văn Như Cương đã bình luận là môn Toán quá dễ!) và cũng coi thi, chấm thi nghiêm túc như kỳ đầu thì chắc là chỉ có rất ít các em đỗ thêm. Ngược lại nếu cố tình “vớt” bằng đề thi dễ, coi thi không nghiêm, chấm thi nâng đỡ thì lại rơi vào bệnh thành tích như những năm trước, và mọi cố gắng Hai không tự triệt tiêu hết. Vậy trên dưới 300 000 học sinh sẽ đi đâu, và làm gì ? Học lại thì đâu có đủ thầy cô,  phòng học, kinh phí. Vào đời thì không đâu tiếp nhận. Chuyện này đúng là gây sốc cho cả xã hội nhưng không kiên quyết từ năm nay thì không bao giờ có thể chấn hưng được nền giáo dục.
 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Lân Dũng