Xin được đối thoại với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về vấn đề giáo dục

Vietsciences- Vũ Quang Việt      20/09/2007

Những bài cùng tác giả

I. Trao đổi về vấn đề trách nhiệm xã hội trong giáo dục cơ sở

Tôi không phải là nhà giáo, mà là người nghiên cứu kinh tế, chủ yếu là thống kê kinh tế, nhưng có quan tâm đến giáo dục Việt Nam, chỉ vì một lý do duy nhất là trong nhiều năm theo dõi các cuộc tranh luận về giáo dục, các phản ánh trên báo chí về chất lượng thấp và sự gian dối trong giáo dục quá ư là không chấp nhận được, do đó tôi đã cố gắng tìm hiểu vấn đề qua thống kê, nhất là thống kê so sánh.

Cho đến nay, nhiều số liệu ở Việt Nam đã được công bố, nhưng số liệu về thu chi cho giáo dục thì vẫn chưa được minh bạch hoá và có lẽ chưa được kiểm toán độc lập. Ngân sách cho giáo dục đã được Bộ công bố trên mạng, nhưng lại quá ư thiếu chi tiết. Dù thế nào thì những số liệu này cũng giúp tôi có một cái nhìn khách quan hơn. Cho đến nay, rất tiếc là chưa có một công trình đánh giá độc lập và đáng tin cậy của giới chuyên gia về chi thu của từng trường, từng tỉnh, và cả nước và loại học sinh được nhận vào trường (qua thi hoặc qua các cửa khác như tại chức, chuyên tu) để có thể phân tích cho rõ vấn đề, nhằm làm cơ sở cho việc cải cách, nâng cao chất lượng sử dụng đồng tiền của dân, qua đóng thuế và đóng học phí. Không thể đặt vấn đề tăng học phí khi chi tiêu chưa được minh bạch hoá, chưa được kiểm toán độc lập, chưa được phân tích đầy đủ. Vụ Kiểm toán mới đây của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy là đã có hiện tượng không tốt như việc sử dụng 53,6 tỷ đồng của kinh phí khoa học và công nghệ để làm chuyện khác, 14/32 tỉnh phân bổ và giao dự toán một số khoản chi cho sự nghiệp giáo dục và khoa học và công nghệ thấp hơn Trung Ương đự toán là 782 tỷ, cũng như lấy tiền từ chương trình kiên cố hoá trường học cho vay lãi hoặc dùng làm chuyện khác.

Chính vì lý do này mà tôi xin phép được đối thoại với ông Phó Thủ tướng về những điều ông phát biểu trên báo Sài Gòn Giải Phóng (10/9/2007) [http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2007/9/120193/] về vấn đề tăng học phí. Những số liệu tôi dùng là số liệu chính thức của nhà nước hoặc Việt Nam, Mỹ hay Trung Quốc. Những gì do tôi ước lượng tôi đều nói rõ và nếu yêu cầu tôi sẽ cung cấp.

Trao đổi về giải pháp cho giáo dục phải bắt đầu từ việc xác định quan niệm về giáo dục. Nếu không thế thì việc bàn về giải pháp sẽ không phù hợp vì quan niệm đã khác thì giải pháp tất khác. Trước tiên tôi xin bày tỏ về cách nhìn của hầu hết các nhà kinh tế thị trường về giáo dục. Giáo dục hay bất cứ dịch vụ nào cũng là hàng hoá theo cách nhìn của chúng tôi. Hầu hết các hàng hoá được trao đổi theo dạng “tiền trao cháo múc”. Có tiền thì mua, không thì thôi, và ai mua thì người đó hưởng. Nhưng dịch vụ bảo vệ an ninh quốc gia thì vô hình, không thể mua bán được, và nếu một người trả thì những người không trả cũng được hưởng an ninh. Do đó giải pháp là dân bị đóng thuế, bị bắt đi lính nếu cần để bảo vệ an ninh. Chính quyền thực hiện trách nhiệm xã hội này. 

Giáo dục cho trẻ em còn tuổi vị thành niên cũng gần như thế, chúng làm gì có tiền để “tiền trao cháo múc”, chúng được giáo dục thì cả xã hội được nhờ. Nếu có mua, thì cha mẹ chúng phải mua, chứ không phải chính đứa trẻ. Có thể ta cho rằng đứa trẻ không mua được thì bố mẹ chúng phải làm và do đó giáo dục là trách nhiệm gia đình. Nếu chấp nhập lập luận này thì xã hội đã từ nhiệm với con người vì xã hội nào cũng có rất nhiều cha mẹ nghèo dù họ có muốn mua cũng không có khả năng. Dịch vụ giáo dục lại cũng vô hình, không thể biết ngay chất lượng nên không thể dễ dàng xem xét chi phí có xứng đáng với kết quả nhận được không, và ảnh hưởng của giáo dục thì dài lâu cho toàn xã hội, do đó cần có vai trò của xã hội trong việc đặt ra tiêu chuẩn để kiểm tra.

Xã hội phải nhận trách nhiệm chi trả cho giáo dục trẻ em vị thành niên để tạo ra sự bình đẳng về điều kiện ban đầu cho mọi người trong xã hội bằng cách thu thuế. Và cũng vì lợi ích xã hội, không thể để trẻ em thất học.  Đây là điều cơ bản mà ta cần nhìn nhận. Ở nước nào cũng thế, dù là tư bản hay không, giáo dục cho thanh thiếu niên còn tuổi vị thành niên, chưa thể tự quyết định cho mình, thì nhà nước tổ chức trường công miễn phí, hoặc mới đây có hiện tượng là nhà nước trả phí tương đương và để cha mẹ học sinh tự chọn trường. Đây là đường hướng cơ sở, có thể gọi là là “định hướng xã hội chủ nghĩa” hay trách nhiệm xã hội mà nhà nước phải thực hiện. Nếu như nhà nước Việt Nam chỉ có khả năng chi trả cho giáo dục tiểu học, hay nhà nước Trung Quốc chỉ có thể chi trả cho giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, và do đó có thu học phí ở cấp khác, thì lộ trình vẫn đòi hỏi học phí cho giáo dục cơ sở cho đến hết cấp trung học phổ thông phải từ từ giảm cho đến khi có thể miễn phí toàn bộ.  Chính Trung quốc đã tuyên bố xoá thu học phí cho giáo dục cơ sở vào năm 2007 này, dù học phí của họ chỉ bằng 20% chi phí.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói rõ về trách nhiệm xã hội này (Sài Gòn Giải Phóng, 10/9/2007): http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2007/9/120017/ “…nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí. Nhiều nước tư bản cũng đã bỏ học phí ở cấp phổ thông, có nước bỏ học phí ở cấp đại học. Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì thực hiện học tập và chữa bệnh miễn phí.”        

 

II. Trao đổi về tính hợp lý khi so sánh chi phí giáo dục

 
Về chi phí cho giáo dục, Phó Thủ tướng phát biểu.

Ví dụ chi phí của quốc gia, từ ngân sách nhà nước và đóng góp trực tiếp của người dân (qua học phí và chi khác) cho giáo dục ở Mỹ là 2.880 USD/người/năm (năm 2004), còn ở Việt Nam là 50 USD/người/năm (2006). Tức là họ chi cho một người một năm bằng chúng ta chi cho một người 57 năm!”

 

Đối thoại lại: Đây là so sánh không hợp lý. Chỉ có thể so sánh một cách hợp lý bằng cách so sánh dựa trên tỷ lệ GDP chi cho giáo dục. Mỹ chi cho giáo dục 7,2% còn ta chi hiện nay ít nhất là 8,3% GDP, cao hơn cả Mỹ.

Con số 8,3% này từ đâu mà ra? Từ hai nguồn, nguồn ngân sách và nguồn ước lượng dân đóng cộng lại. Tổng chi cho giáo dục gần 4,8 tỷ $US vào năm 2006, trong đó 3,45 tỷ $US là từ ngân sách nhà nước (con số chính thức) và 1,3 tỷ do nhân dân đóng góp thêm, dựa theo ước đoán là 21 triệu học sinh bình quân đóng 63 $US hay 1 triệu đồng một năm (sinh viên đại học 150 $US/năm, mẫu giáo 100 $US /năm, phổ thông 50 $US/năm).

So sánh với Mỹ có thể vẫn khó chấp nhận dù là so qua tỷ lệ như thông lệ quốc tế, vậy ta hãy thử so sánh với Trung Quốc. Họ chi trung bình cho một học sinh là 332 $US một năm, so với Việt Nam là 227 $US. Tất nhiên so sánh này cũng còn khập khiễng vì thu nhập trên đầu người Trung Quốc gấp 3 Việt Nam (2.055 $US so với 643 $US), và giá cả mắc hơn Việt Nam khoảng 20%. Nhưng như vậy cũng cho thấy là về con số tuyệt đối, sau khi điều chỉnh giá, Việt Nam không thấp hơn nhiều so với TQ. Hơn thế, dân đóng góp qua học phí và phụ phí ở Trung Quốc chỉ khoảng 20% chi phí, so với 40% ở Việt Nam. Trung Quốc lại mới tuyên bố là sẽ xoá bỏ hoàn toàn học phí và phụ phí ở cấp phổ thông cưỡng bách.

Tỷ lệ ngân sách nhà nước Việt Nam chi cho giáo dục đã lên tới 6% GDP năm 2006. Không kể dân đóng thêm, nhà nước ta đã chi cho giáo dục với một tỷ lệ có thể so sánh với tỷ lệ trung bình của các nước phát triển cao trên thế giới.  Chi phí ngân sách cho giáo dục của ta lại tăng rất nhanh, năm 2007 bằng hơn bốn lần năm 2001, vì mỗi năm bình quân tăng 27%. Nếu so với Trung Quốc, ngân sách chỉ khoảng 2,8% GDP và tỷ lệ này vẫn chưa thay đổi, thì nhà nước Việt Nam đúng là đã đặt giáo dục lên hàng đầu, tất nhiên là chỉ trong vấn đề chi cho nó, chứ chưa phải trong vấn đề điều hành và quản lý nó để đạt hiệu quả. Trung Quốc chi ít hơn, nhưng không ai có thể nói là giáo dục Trung Quốc thua kém giáo dục Việt Nam. Vậy thì để cải cách giáo dục và tăng chất lượng giáo dục, hãy làm một cuộc đánh giá toàn diện về quản lý và chi tiêu trước đã, và điều này Bộ giáo dục cần minh bạch hoá toàn bộ chi phí về giáo dục. Việc đánh giá cần phải thông qua một uỷ ban gồm các chuyên gia về giáo dục, kinh tế và tài chính độc lập. Không có đánh giá thì không thể cải cách được. Chỉ nhằm tăng chi thì chỉ làm phí tiền của dân.

     

 

III. Trao đổi về trách nhiệm xã hội đối với giáo dục cơ sở


Về học phí cho giáo dục, Phó Thủ tướng phát biểu

 Tiểu học vẫn được miễn phí nhưng chúng ta cũng để một "kênh" để gia đình nào muốn trả tiền để được học tốt hơn so với tiểu học miễn phí. THCS, THPT đang đóng học phí nhưng điều kiện học hành vẫn rất kém, thiếu máy tính, cơ sở vật chất…Vì vậy, nếu không đầu tư thêm cho nhà trường từ nhiều nguồn thì không thể tăng chất lượng giáo dục cũng như góp phần đảm bảo đời sống của thầy cô giáo. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, bài toán tăng đầu tư cho giáo dục, trong đó có phương án tăng học phí vẫn phải đạt mục tiêu số người đi học tăng thêm. Vì vậy, sẽ huy động thêm nguồn lực của xã hội bằng nhiều cách như đóng học phí, đóng góp tự nguyện, mở trường tư thục, dân lập…

 

Đối thoại lại: Điều 59 của Hiến pháp ghi: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.” Cho nên điều Phó Thủ tướng phát biểu là hoàn toàn đúng đắn. Tất nhiên tôi còn băn khoăn một điều, tại sao Hiến Pháp lại không ghi là mẫu giáo là bắt buộc. Tôi chỉ có thể hiểu được nếu mẫu giáo là nhà trẻ. Và lớp 1 không phải là lớp đầu tiên học chữ. Nếu không thế, con nhà nghèo sẽ thua ngay từ lớp 1. Ngoài ra, còn có vấn đề cần thực hiện là xoá bỏ tất cả những biến chứng của học phí như các khoản đóng góp, từ lo xây dựng trường cho đến vệ sinh, v.v. Con tôi học ở trường công Mỹ, ở cấp cưỡng bách, cũng không phải đóng một đồng. Học sinh gia đình nghèo lại được cấp phiếu ăn trưa. Hoạt động của Hội phụ huynh hoàn toàn có tính cách đóng góp tự nguyện, bằng thì giờ chứ không bằng tiền, còn bằng tiền thì ai đóng bao nhiêu vào một hoạt động nào đó thì tùy, và hầu hết là không đóng. Vậy thì nên xoá bỏ trò ép đóng bằng cách nhân danh đa số.  Đây là chuyện nhỏ nhưng không hẳn nhỏ.

Chuyện lớn là đề nghị của Phó Thủ tướng lập ra các trường công cho gia đình nào muốn trả tiền để được học tốt hơn so với miễn phí.  Ý kiến này rõ ràng là phân biệt đối xử người nghèo và người giầu. Cũng là trường công cả, nhưng có tiền thì vào chỗ tốt không có tiền thì vào chỗ tệ. Công lý ở chỗ nào? Nhiệm vụ của nhà nước có tính xã hội là cố gắng tạo ra cơ chế bình đẳng cho mọi công dân.  Tôi chưa thấy một nước tư bản nào làm chuyện này. Đã là trường công của nhà nước thì mọi công dân phải được đối xử ngang nhau, và có cùng cơ hội giống nhau. Ở các nơi, cũng có trường công với chất lượng đặc biệt tốt, có thể gọi là trường chọn, nhưng mọi học sinh đều có quyền thi vào, và khi vào thì vẫn không bị đóng học phí. Ở thành phố New York nơi tôi đang ở cũng có một số trường như thế. Nguyên tắc bình đẳng trong Hiến pháp của ta không cho phép một nhà nước thực hiện điều ông chủ trương. Đây là điều vi hiến. Ông có phát biểu: “Khó khăn thứ 2 là những người có thu nhập cao hơn, muốn đóng tiền nhiều hơn để con họ đi học trong điều kiện tốt hơn thì nó lại vượt khung, trường không thu được.” Đây đâu có phải là điều khó khăn. Điều 36 Hiến pháp cho phép lập trường tư. Những người có tiền có thể lựa chọn học trường tư chất lượng cao.


Về tỷ lệ học phí Phó Thủ tướng phát biểu: Vì vậy, khi đặt vấn đề điều chỉnh đề án học phí, nguyên tắc căn bản là học phí phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Tức là, người có thu nhập thấp đóng ít, thu nhập cao hơn cũng đóng cùng 1 tỷ lệ nhưng giá trị tuyệt đối lớn hơn so với người nghèo. Khi nói đến đóng học phí theo khả năng chi trả thì ngay trong đó cũng đảm bảo tính công bằng.

 

Đối thoại lại: Đây là một ý kiến mà các nhà kinh tế không thể đồng ý với ông. Làm sao có sự công bằng và quyền tự do lựa chọn về giải pháp trả giá khác nhau cho cùng một sản phẩm. Nếu thế sao không triển khai ý kiến này đến mọi loại hàng hoá khác? Cái chính sách hai giá, hay rất nhiều giá, cho một sản phẩm như nhau như ông đề nghị thì các nhà kinh tế ở đất nước ta, kể cả tôi, đã mất gần 30 năm kể từ 1980 khuyến nghị lãnh đạo xoá bỏ. Bởi vì nó đã tạo ra biến chứng lợi dụng ăn chênh lệch. Và xin nói, cái giá để bảo đảm rằng không có “bịp bợm” rất cao. Làm sao mỗi trường học có thể theo dõi thu nhập của từng gia đình để thực hiện ý đồ của ông. Ông có nghĩ rằng mọi gia đình ở Việt Nam đều khai thu nhập? Ông giải quyết sao nếu gia đình có 1 con và gia đình có 2 hoặc hơn thế đi học? Và ai sẽ thực hiện việc trừng phạt? Sẽ có những người bình thường nếu gian dối được thì họ sẽ làm, như vậy ngay từ nhỏ đứa bé đã học được thói hư tật xấu vì chính cơ chế mà ông định cho ra đời. Thưa ông, các nước thị trường sẽ đánh thuế thu nhập, người giầu trả tỷ lệ cao hơn người nghèo, với một mục đích rõ ràng là phân bố lại thu nhập trong xã hội. Điều bất công này là nhằm tạo ra an sinh, kể cả hài hoà xã hội, và tạo ra cơ hội bình đẳng cho công dân.

 

Về dự kiến áp dụng học phí khác nhau, Phó Thủ tướng tuyên bố: Dự kiến sẽ có khoảng 20% người dân trong 1 địa phương có nhu cầu được miễn, giảm học phí. Với nhóm gia đình có thu nhập cao hơn mức bình quân của địa phương, mong muốn đóng góp mức học phí cao hơn để con em họ học ở những trường có chất lượng tốt hơn chuẩn tối thiểu thì nhà nước cho phép có trường chất lượng cao thu phí cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ các trường thu phí cao phải nhỏ và sẽ điều chỉnh tùy vào tín hiệu của cuộc sống, nếu có nhu cầu lớn hơn thì mở rộng.


Đối thoại lại: Như vậy là hình như ông không áp dụng biện pháp đóng học phí theo tỷ lệ thu nhập như ông giải thích ở trên mà là cho phép có trường công học phí cao cho con nhà giầu, có trường công cho con nhà nghèo, vẫn phải đóng học phí, nhưng nếu nghèo qúa thì được miễn giảm. Hệ thống tổ chức đề nghị này tôi chưa từng thấy ở nước nào trên thế giới. Nó bất công như tôi nói, lại phức tạp về kiểm tra thì tôi nghĩ có lẽ nhiều giáo viên trong trường, công chức của Bộ và sở phải học “làm công an” để theo dõi áp dụng cho đúng.    

 

 

IV. Trao đổi về sự cần thiết của học phí đại học

Về chi phí cho đại học, Phó Thủ tướng phát biểu:

Đối với giáo dục đại học, hiện ngân sách của bậc h