“Yêu độn” thời nay

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu       23/05/2008

 

Những bài cùng tác giả

18 năm trước đây, tôi có viết bài báo mang tên “Yêu độn” (đăng trên Đoàn Kết số tháng 5/1990). Tôi trích đoạn mở đầu bài đó:

« Một anh bạn sống trong nước tâm sự: Trong những năm tháng gian khổ, người Việt Nam đã phải “ăn độn”, cơm lẫn ngô, khoai, mì. Ngô, khoai, mì mà ngon, thì cũng nhiều người thích ăn tự nguyện; chữ “độn” chỉ dùng trong trường hợp không ngon mà buộc phải ăn lẫn vào. Nhưng khó sống hơn nữa, là phải “yêu độn”, nghĩa là yêu nước phải ghép với yêu xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội nhân ái, thì nhiều người yêu tự nguyện; nhưng đừng buộc người khác phải “yêu độn’”, nghĩa là phải giả yêu một thứ chủ nghĩa xã hội nào đó để được yêu nước ».

Tất nhiên, ngày nay chuyện nói trên không còn là thời thượng nữa. Nhưng lại có những chuyện khác; tôi tạm dẫn thí dụ của ngành giáo dục đào tạo.

Tôi vốn là một nhà giáo. Tôi mơ nghề này từ thuở còn thơ ấu, và đã chịu mọi khổ ải để đạt được mức độ hành nghề và đã thực sự hành nghề trong 40 năm. Vì thế tôi mà tôi nghĩ là tôi đồng cảm với đa số nhà giáo trong nước, những thày cô đã chọn nghề này vì sứ mạng của nó. Nhưng khi một nền giáo dục đào tạo – thay vì “bình thường” như ở các nước đã phát triển hay ở một số nước đang phát triển – đang bị một khuynh hướng “ưu tiên lợi nhuận” áp đảo, thì sự yêu nghề giáo phải chăng cũng là một thứ “yêu độn” ? Các thứ “độn” đây – buộc lòng phải “nuốt” để có thể hành nghề – là những tình trạng bất cập, thí dụ như : sự bất bình đẳng giàu nghèo trong việc học ; công tư lẫn lộn, học phí và các khoản “phí” khác nặng nề ; bạo lực trong trường học ; vệ sinh trong trường học ; bệnh thành tích ; sự buộc lòng nhà giáo phải tìm cách kiếm thêm để có thể nuôi mình và gia đình mình vì lương không đủ trong khi ngân quĩ của bộ giáo dục chưa được giải thích chi tiêu rõ ràng ; sự chịu đựng những ngôn từ và “triết lý” mà một số nhân vật chế biến ra để che đậy ý đồ của mình – như “xã hội hóa” giáo dục , kỳ thật ra để đẩy gánh nặng lên vai người dân ; “cổ phần hóa ” trường học ; giáo dục là hàng hóa (thuận mua vừa bán) ; có “cầu” (kỳ thật ra là muốn có bằng cấp mà không cần trình độ tương xứng) thì phải có “cung ” ; sự tồn tại của sự “học tại chức ” (và nếu “bận” thì gửi người học thay) cũng được phát bằng như hệ chính qui ; học giả bằng thật ; trường đại học mở tràn lan mặc dù chưa có đội ngũ nhà giáo tương xứng ; sự nhà giáo lương thiện đành chung sống trong đội ngũ của mình với những kẻ đạo văn, kẻ giả mạo bằng cấp, kẻ tiếm xưng, vv… (Tôi có phát biểu và viện dẫn chi tiết qua sách báo : nếu cần, xin mời mở xem trang mạng : http://www.buitronglieu.net).

Tôi không rõ đối với nhà giáo, về mặt cá nhân, “yêu độn” ngày nay có dễ hơn “ăn độn” thuở kinh tế khó khăn không ? Nhưng về mặt lợi ích của tập thể, của đất nước, của dân tộc nói chung, thì sự “yêu độn” này là nỗi đau xót cho nhà giáo lắm, nhất là khi đa số các gia đình học sinh – « muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy » – và dư luận nói chung, cũng chia sẻ sự đau xót này.
 

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Bùi Trọng Liễu