Cần khẩn trương hiện đại hoá giáo dục

Gs. Hoàng Tụy                    ngày 27 tháng 07 năm 2004
 

 

Vừa qua môt số chúng tôi (1) hoạt động trong các  lĩnh vực giáo dục, văn hoá, khoa học trong nước hoặc ở nước ngoài, đã trình lên TƯ Đảng và CP một bản kiến nghị về chấn hưng, cải cách, hiện đại hoá giáo dục. Bản kiến nghị ấy là kết quả thảo luận qua 5 buổi xêmina nghiêm túc trong 3 tháng 3-4-5, nhưng thật ra là tổng hợp những điều đã trăn trở, suy nghĩ, nghiền ngẫm nhiều năm về giải pháp cho những vấn nạn của nền học nước nhà  đứng trước các yêu cầu bức thiết của công cuộc hội nhập và phát triển.

Theo cảm nhận của chúng tôi, ngôi nhà giáo dục của ta hiện đã quá cũ, chật chội,  qua nhiều lần sửa chữa cơi nới vẫn bất cập trước yêu cầu cuộc sống, càng sửa chữa càng tốn kém mà vẫn lạc hậu xa so với thiên hạ. Đã đến lúc cần cương quyết xây dựng lại ngôi nhà ấy từ móng, thì mới có thể hội nhập thành công và tồn tại trong thế giới ngày nay. Điều đó có nghĩa không phải chỉ cải cách chương trình như hiện nay đang làm mà trước hết cần duyệt lại tận gốc quan niệm, tư duy cơ bản về mục tiêu giáo dục, từ bỏ những gì không thích hợp với thời đại mới và có thể cản trở công cuộc hiện đại hoá và phát triển đất nước, trên cơ sở đó xem xét lại nội dung, chương trình, phương pháp, tổ chức và quản lý cho phù hợp. Đó sẽ là một cuộc cải cách sâu rộng, cũng có thể gọi là một cuộc cách mạng, tuy phải khẩn trương nhưng không thể vội vã, phải kiên quyết nhưng thận trọng, để tránh những xáo trộn căng thẳng không cần thiết. Muốn thế, cần xuất phát từ một quan niệm bao quát về các phương hướng chủ đạo của nền giáo dục hiện đại để thấy rõ con đường dài ta phải đi, trên cơ sở đó nghiên cứu một kế hoạch tổng thể cải cách toàn bộ hệ thống theo hướng hiện đại hoá. Việc nghiên cứu này phải nghiêm túc, đòi hỏi ít nhất vài ba năm,  nhưng trong thời gian chuẩn bị kế hoạch đó, cần giải quyết dứt điểm một số vấn đề cấp bách để trả lại cho giáo dục môi trường hoạt động bình thường, tạo điều kiện thuận lợi chuyển dần sang cải cách. Trong bản kiến nghị chúng tôi có nêu ra 3 vấn đề cấp bách cho giáo dục phổ thông: thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan, sách giáo khoa, và 7 vấn đề cho giáo dục đại học: thi cử, chỉnh đốn việc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, chấn chỉnh công tác chức danh GS, PGS, cải thiện chính sách sử dụng giảng viên đại học, đổi mới việc đào tạo giáo viên, xây dựng một đại học mới làm hoa tiêu, và tăng đầu tư thích đáng cho đại học, với ý thức rằng hiện nay đại học ta tụt hậu so với khu vực còn xa hơn phổ thông.

Sau đây tôi xin phát biểu thêm vài suy nghĩ về một số vấn đề cơ bản.

1. Nên nhận thức như thế nào đối với các xu hướng thương mại hoá giáo dục ?

Chỗ này có nhiều sự hiểu lầm, nhất là từ khi có các trường tư và dân lập.  Có người cho rằng ngày nay cả thế giới đều đã coi giáo dục là một hàng hoá thì ta cũng không nên cấm thương mại hoá giáo dục. Theo tôi, điều đó không đúng, chỉ có một số ý kiến chứ không phải cả thế giới, coi giáo dục là hàng hoá và chủ yếu để biện minh việc rao bán giáo dục của họ cho các nước kém phát triển. Ở Mỹ, châu Âu hay Nhật bản, các đại học tư  đều là những tổ chức phi lợi nhuận, nghĩa là lợi nhuận chỉ cho phép trong một giới hạn nhất định và trong giới hạn đó phải được dùng để phát triển đại học, chứ không phải để làm giàu cho một số cá nhân nào. Trong điều kiện của ta hoàn toàn chưa nên đặt vấn đề xem giáo dục là hàng hoá, mà cần phải lên án việc thương mại hoá giáo dục. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quay về nền giáo dục bao cấp quan liêu, tuyệt đối không chấp nhận những hình thức hợp tác quốc tế mang tính chất it nhiều thương mại, hay không chấp nhận cho trường tư được có lợi nhuận trong một phạm vi nhất định.  Vì chúng ta đang cần, nên phải chấp nhận, nhưng không vì thế mà nâng lên thành lý luận, xem đó là quy luật tất yếu. Ngay trên diễn đàn quốc tế về giáo dục VN vừa qua đại diện UNESCO vẫn khẳng định UNESCO xem giáo dục đại học là một dịch vụ công, một public good. (2)  Còn kinh nghiệm của ta là hầu hết những căn bệnh tiêu cực của giáo dục mà xã hội đang rất bất bình đều có nguyên nhân sâu xa là sự chi phối nặng nề của việc chạy theo đồng tiền, đôi khi rất trắng trợn.  Vì sao trong giáo dục đầy rẫy những sản phẩm dỏm, giả, từ cấp cơ sở cho đến tiến sĩ, giáo sư, và gần đây cả viện sĩ, không một thứ gì không mua được, không bán được, không một thứ gì không làm ẩu được ?  Một phần vì cái bệnh bằng cấp, hư danh, chạy theo các loại mác, không phải chỉ phổ biến trong đám dân thường mà thật ra nặng nhất và kém gương mẫu là từ một số không ít trí thức cao cấp. Nhưng nguyên nhân chủ yếu theo tôi là do chính quyền chưa bao giờ nghiêm đối với tệ nạn này. Từ cả chuc năm nay đã nói đến việc chống bằng giả, và cơ quan công an phải đi đầu trong việc này, thế nhưng theo tin trên báo gần đây thì chính Bộ CA có chủ trương không chỉ làm lơ cho những cán bộ chiến sĩ trong ngành mình đã sử dụng bằng giả mà còn công khai tạo cơ hội cho họ thi lại để hợp pháp hoá.  Thế thì còn ai tin được những tấm bằng thật đã giành được bằng công sức học tập nghiêm chỉnh ?  Điều này rất nguy hại, vì khi có tiền là có danh, có bằng, rồi có quyền nữa, thì con đường dẫn tới băng hoại không còn xa.  Nhiều người đã gióng tiếng chuông báo động, thiết tưởng không phải là quá sớm.

2. Điểm yếu nhất của chất lượng giáo dục là gì ?

Dĩ nhiên đó là sản phẩm của giáo dục còn quá bất cập đối với yêu cầu công cuộc xây dựng kinh tế xã hội. Con người được đào tạo ra không chỉ yếu kiến thức, kém thực hành, mà phần khá đông còn kém bản lĩnh, thiếu sáng kiến chủ động, ít chịu khó suy nghĩ độc lập, thích làm theo, bắt chước, hơn là sáng tạo. Nghiêm trọng hơn nữa, thói gian dối trong nhà trường thả sức phát triển, dẫn đến sự ra đời cả một công nghiệp hỗ trợ học đường kỳ quái bằng sản xuất  phao, làm thuê luận văn, thi thuê, v.v..., nghĩa là giúp cho một số người học giả mà vẫn có bằng thật.  Đã có câu chuyện đăng trên báo về một bà giáo sư người nước ngoài năm 1975 đến VN có ấn tượng hết sức tốt đẹp về một dân tộc có giáo dục, thế mà 27 năm sau trở lại, có dịp vào thăm một lớp học đang thi, bà ấy kể lại chưa bao giờ trong đời được chứng kiến nhiều sự gian trá trong một không gian hẹp và một thời gian ngắn như vậy. Bây giờ nhiều học sinh không biết xấu hổ về chuyện quay cóp, thầy giáo cũng không it người thản nhiên chấp nhận việc ấy. Toàn cầu hoá đưa đến cạnh tranh quyết liệt, nhưng luật chơi trong cạnh tranh này đòi hỏi không được lừa dối, không được gian, và kẻ thắng bao giờ cũng là người có nhiều ý tưởng mới, nhiều sáng tạo.  Cho nên hai đức tính chủ yếu mà nhà trường, hay đúng hơn, cả xã hội ta, rất thiếu sót trong việc giáo dục lớp trẻ là tính trung thực và đầu óc sáng tạo. Một dân tộc thiếu hai đức tính ấy sẽ không thể nào cạnh tranh nổi với ai trong thời đại này.

3. Yếu tố gì quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục

Hiển nhiên điều kiện vật chất, tổ chức quản lý, chương trình, sách giáo khoa, ... cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây trên quốc tế đã phát hiện một điều bất ngờ: dù là trong thời kỹ thuật số, yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng giáo dục vẫn là người thầy. Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù lấp nổi. Thầy giỏi ở đây là thầy có tầm và có tâm, và có điều kiện thi thố cả tâm và tầm của mình. Vì vậy bí quyết nâng cao chất lượng giáo dục có thể nói ngắn gọn là: chăm lo cho có nhiều thầy giỏi và tạo mọi điều kiện cho thầy thi thố hết tài năng và tâm huyết của mình. Hiện nay, chính vì không nhận ra điểm cơ bản này nên ta cứ loay hoay nhiều giải pháp đâu đâu mà ít quan tâm vấn đề bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ thầy giáo.  Đã thiếu thầy giỏi, mà phần lớn thầy giỏi lại bị chính sách sử dụng bất cập làm cho mòn mỏi dần cả tâm lẫn tầm. Thầy không ra thầy, không có lời phê nào nặng hơn đối với một nhà giáo, một nhà trường, hay cả một nền giáo dục, thế nhưng, tiếc thay, chính đó là một nét khá phổ biến của thực trạng giáo dục hiện nay.

Nhưng vì sao thầy không ra thầy ? Có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân it được nói đến vì lý do tế nhị tuy rất quan trọng là: lương không ra lương. Đương nhiên mọi ngành đều như vậy, song đặc biệt đối với giáo dục, lương không ra lương thì tất yếu dẫn đến giáo dục không ra giáo dục, giáo dục mà phản giáo dục. Cho nên để nâng cao chất lựơng giáo dục thì cấp bách là phải sửa chế độ lương, không phải sửa như đề án cải cách lương đã được thông qua và nay rõ ràng sắp phá sản, mà cần làm sao đưa mọi khoản thu nhập thực tế từ công quỹ vào lương và điều chỉnh sự phân phối sao cho công bằng để tiền lương “thực tế” (lương+mọi phụ cấp) tạo điều kiện cho thầy giáo tập trung tâm sức vào nhiệm vụ chính mà không phải lo toan dạy thêm, luyện thi, viết sách nhảm nhí để kiếm thêm thu nhập. Cái điều phi logic hiển nhiên mà chúng ta đều biết quá rõ là: ai cũng kêu lương thấp nhưng ai cũng sống đường hoàng. Mọi sự bắt đầu chính là ở sự giả dối đó, nó cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy cả xã hội đến những sự giả dối khác, đặc biệt là tham nhũng tràn lan. Nhiều người nói rằng khả năng tài chính không cho phép Nhà nước trả lương đàng hoàng, vậy thì cái khoản bù thêm lương để sống đàng hoàng đó ở trên trời rơi xuống hay sao ?

4. Đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào ?

Ta phê phán lối dạy độc thoại, thầy giảng trò ghi, đề cao nguyên tắc giảng dạy lấy hoc sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động tích cực của học sinh, v.v.. Rất đúng, nhưng xin thưa: thi cử như thế này, sách giáo khoa như thế này, chương trình như thế này, và giáo viên phải dạy thêm lu bù như thế này, thì chỉ có phép thần thông biến hoá mới thực hiện được nghiêm chỉnh một phương pháp dạy nào khác với cách dạy phổ biến hiện nay ở nước ta, là dạy không phải nhằm khai sáng trí tuệ mà chỉ cốt nhồi nhét vào đầu học sinh tất cả những gì có trong chương trình, trong sách giáo khoa, dù chỉ là những kiến thức chết, lạc hậu với cuộc sống 30-40 năm. Vì vậy muốn đổi mới phương pháp trước hết phải giải quyết 3 vấn nạn: thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan, sách giáo khoa. Điều quan trọng nữa là phương pháp sư phạm khi lên lớp đã được nghiên cứu không phải hàng trăm năm mà hàng nghìn năm nay rồi, cho nên những lời khuyên nói trên thật ra chẳng có gì mới cả. Cái mới cần thực hiện hơn nhưng chúng ta ít chú ý là bớt giờ lên lớp nghe giảng, tăng giờ tự học, tham khảo tài liệu, viết tiểu luận, thảo luận, thuyết trình, sinh hoạt xêmina, làm việc nhóm, v.v., và trong chương trình học cần bỏ hoặc thay đổi hẳn nội dung những môn có tính chất kinh kệ, thay vào đó những môn rèn luyện tư duy và đầu óc phê phán. Hiện nay trên thế giới đều làm như vậy, chỉ có ta còn làm khác, dành 15-20% thời lượng cho những môn này mà kết quả trái ngược hẳn mong muốn của chúng ta.

Thi cử đến nay như thế đã quá đủ rồi, xin hãy dừng lại cách thi cử cổ lỗ này, đừng tìm cách cải tiến 3 chung 2 chung gì nữa, mà nên áp dụng sớm cách thi cử và đánh giá văn minh của các nước: thi, kiểm tra nghiêm túc từng học kỳ, từng môn, cuối cấp đạt yêu cầu thì cho tôt nghiệp; thay kỳ thi tuyển sinh đại học bằng một kỳ sát hạch nhẹ  để loại bớt những người quá rõ chưa đủ sức học đại học, rồi giao quyền tuyển chọn cụ thể cho từng đại học. Như thế không chỉ ảnh hưởng tốt đến cung cách dạy và học, giảm hẳn áp lực thi cử  và những hệ lụy tiêu cực của nó mà còn tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm để làm nhiều việc cần kíp hơn.

Điều quan trọng là có cải cách thi cử và đánh giá thì mới có điều kiện xoá bỏ chuyện dạy thêm học thêm tràn lan là một hiện tượng nhức nhối, nói lên tính chất cực kỳ phản giáo dục, đôi khi rất tàn nhẫn mà chỉ riêng VN mới có. Để biện hộ, một số người nói Hàn Quôc, Nhật bản cũng còn học thêm, nhưng xin thưa: học thêm của họ khác, chỉ lẻ tẻ và thường là học những điều ngoài chương trình nhà trường, mục đich chỉ để đua chen vào một số rất ít đại học nổi tiếng, chứ không ở đâu có kiểu tràn lan và chỉ học lại kỹ chương trình chính khoá như ở ta.

Điều nguy hại nhất là cách làm giáo dục như ta hiện nay hết sức lãng phí, làm cho chúng ta sa lầy vào những hoạt động không chỉ tốn kém mà còn có hại vì không cho phép chúng ta còn sức đầu tư vào đại học, mà sự lạc hậu của đại học so với thế giới và khu vực còn nghiêm trọng hơn gấp nhiều lần sự tụt hậu của giáo dục phổ thông. Không kể những sự lãng phí công quỹ mà nhiều báo như Tuổi trẻ, An ninh thế giới đã từng nêu, những sự lãng phí ấy dù to lớn vẫn không không thấm gì so với những sự lãng phí đáng sợ hơn: lãng phí công sức của hàng vạn thầy giáo vì phải dạy thêm lu bù, lãng phí tài năng và tuổi trẻ quý giá của hàng triệu học sinh vì phải hoang phí sức lực vào những giờ học thêm, luyện thi vô bổ. Sự tổn thất vô hình này mới thật đáng kể nhất vì nó ảnh hưởng lớn đến năng lực sáng tạo, sự thông minh và tính năng động của toàn xã hội trong thời đại mà ai cũng biết các đức tính ấy cực kỳ quan trọng.

       Vì thời gian không cho phép tôi chỉ xin nêu vài điểm để thấy rằng những bất cập, hay có thể nói sai lầm, trong giáo dục chỉ phản ảnh một thực trạng xã hội và không phải chỉ là những khuyết điểm sai lầm về điều hành, quản lý của riêng ngành giáo dục (tuy phần trách nhiệm của ngành không nhỏ), mà đó là những sai lầm hệ thống, những sai lầm thiết kế, cấu trúc, sai lầm từ quan niệm, tư duy cơ bản cần phải sửa chữa từ gốc. Và vì vậy, muốn giáo dục có sự chuyển biến mạnh mẽ trước hết cần có sự chuyển biến quan niệm, tư duy và quyết tâm từ trên cao nhất.

 

(1)  Lê Văn Cường, Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Văn Đạo, Phạm Huy Điển, Nguyễn Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Đăng Hưng, Ha Huy Khoái, Phan Huy Lê, Bùi Trọng Liễu, Nguyên Ngoc, Hoàng Xuân Phú, Việt Phương, Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Trần Văn Thọ, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Dũng Tráng, Lê Ngọc Trà, Trương Nguyên Trân, Nguyễn Đình Trí, Ngô Việt Trung, Hoàng Tuỵ.

 

(2) Taì liệu “Các báo cáo tham luận, Diễn đàn quốc tế về giáo dục VN”, Hà Nội, 06-2004, trang 76.

 

 

(1)  Lê Văn Cường, Phan Đình Diệu, Hồ Ngọc Đại, Nguyễn Văn Đạo, Phạm Huy Điển, Nguyễn Xuân Hãn, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Duy Hiển, Nguyễn Đăng Hưng, Ha Huy Khoái, Phan Huy Lê, Bùi Trọng Liễu, Nguyên Ngoc, Hoàng Xuân Phú, Việt Phương, Tôn Thất Nguyễn Thiêm, Trần Văn Thọ, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Dũng Tráng, Lê Ngọc Trà, Trương Nguyên Trân, Nguyễn Đình Trí, Ngô Việt Trung, Hoàng Tuỵ.

 

(2) Taì liệu “Các báo cáo tham luận, Diễn đàn quốc tế về giáo dục VN”, Hà Nội, 06-2004, trang 76.

 

 

    http://vietsciences.free.fr