Giải pháp nào cho giáo dục Đại học?

Vietsciences-Gs. Hoàng Tụy       28/02/2005  

 

1. Từ khi ra đời, giáo dục đại học giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo dục vì nó trực tiếp tác động đến trình độ phát triển của khoa học và công nghệ. Đã có thời giáo dục phổ thông ở Mỹ bị chê là thua kém nhiều nước phương Tây, nhưng chưa bao giờ nền đại học Mỹ bị đánh giá thấp. Chỉ cần nhìn quỹ riêng của 5 đại học nổi tiếng của Mỹ (theo số liệu 2002, đơn vị tỉ USD): Havard 17.2; Yale 10.5, Princeton 8.3; Stanford 7.6; MIT 5.3 – đủ thấy xã hội Mỹ đầu tư cho các đại học như thế nào(1). Cái chiến lược lấy giáo dục đại học làm đòn bẩy đã đưa Hoa kỳ lên vị trí dẫn đầu trên phần lớn các lĩnh vực khoa học, công nghệ then chốt hiện đại.

 Cuộc cách mạng công nghệ và xu thế kinh tế tri thức từ vài thập kỷ lại đây càng nêu cao vai trò của  giáo dục đại học, không chỉ đối với các nước tiền tiến mà cả đối với các nước khác(2). Cho nên tuy hiện nay dư luận xã hội đang quan tâm nhiều nhất về chất lượng giáo dục phổ thông, tôi vẫn nghĩ giáo dục đại học mới là cái  đáng lo hơn cả.

 So với thế giới và các nước trong khu vực, giáo dục đại học của ta tụt hậu còn xa hơn giáo dục phổ thông, mà trước mắt triển vọng cũng chưa có gì sáng sủa. Năm 1996, Nghị quyết Hội nghị TƯ II (khoá VIII) từng xác đinh rất đúng đắn phải thực sự coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, thế mà từ bấy đến nay, đã 8 năm rồi, người dân vẫn chưa hết lo lắng về giáo dục.  Phải chăng, từ trên xuống dưới, chúng ta chưa nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết, hay là sức của ta chỉ đến vậy ? Thú thật, tôi chưa hiểu nổi vì sao ta có thể bỏ ra 3-4 trăm triệu đô la cho SEA games để tạo một bứt phá về thể thao mà chưa bao giờ dám chi một khoản tiền ngang như thế để tạo một bứt phá về giáo dục đại học hay khoa học, công nghệ. Vẫn biết ngay số tiền chưa nhiều đã bỏ ra cũng chưa được sử dụng đúng đắn (như dự án đại học mà vừa qua báo chí đã đưa tin), song dù có tính đến các lãng phí đó thì đầu tư cho giáo dục đại học vẫn còn quá khiêm tốn, hoàn toàn chưa đủ mức  tạo được những chuyến biến đột phá.

 Xét về tiềm năng so với trình độ thực tế  thì tình hình đại học khác phổ thông. Đối với giáo dục phổ thông  tôi  tin rằng trình độ của đội ngũ giáo viên, điều kiện tài chính, phương tiện vật chất không thiếu, nếu quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương, loại trừ mấy “khối u” dị dạng về thi cử, dạy thêm, và sách giáo khoa(3), đồng thời đổi mới cách quản lý, thì khả năng đuổi kịp các nước phát triển nhất của khu vực trong thời gian tương đối ngắn là hoàn toàn hiện thực.  Nhưng giáo dục đại học phức tạp hơn. ë đây, trình độ đội ngũ giảng viên, điều kiện tài chính, vật chất đều thiếu thốn nghiêm trọng mà sự đầu tư nhân, tài, vật lực, lại dàn trải, cho nên đổi mới đại học đòi hỏi phải cố gắng đầu tư vượt bậc để tăng mạnh các nguồn lực, đồng thời thay đổi chiến lược phát triển, phương thức quản lý, thì mới có thể bứt phá lên được. Cũng như trong mọi cải cách lớn, phải thay đổi tư duy, rà soát lại các quan niệm cơ bản về mục tiêu, nội dung, phương pháp, và tổ chức, quản lý, kiên quyết hiện đại hoá để hội nhập thế giới. Còn không, dù có cố gắng đầu tư cũng khó ngăn đại học tiếp tục tụt hậu trong nhiều năm tới. 

   2.  Giáo dục là một hệ thống phức tạp, xử lý một khâu thì động đến nhiều khâu khác, đòi hỏi tiếp cận các vấn đề giáo dục phải có cách nhìn tổng thể. Trước đây ta xây dựng đại học theo mô hình đại học Liên Xô, nền đại học ấy tuy nay không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhưng đó là một hệ thống có logic nội tại của nó. Thời gian qua ta sửa từng mặt, từng mảng mà không nhằm cả hệ thống, rốt cuộc biến nó thành ra đầu Ngô mình Sở. Điển hình là những sự lúng túng trong các vấn đề học vị, chức danh GS, PGS, xây dựng các đại học quôc gia, đại học sư phạm, đến nay vẫn chưa thể nói đã ổn cả.

 Cho nên, cứ lùng bùng vướng víu, còn luyến tiếc những giá trị cũ thì sẽ thất bại. Muốn hội nhập thành công, cần có thái độ thực tế hơn : hãy nhìn ra bên ngoài, xem các nước đang làm gì, chọn lấy một mô hình tốt được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, không phải để sao chép máy móc, mà lấy đó làm căn cứ để hiện đại hoá các đại học của ta. Theo nhận thức chung trên thế giới, mô hình đó là giáo dục đại học Hoa kỳ, một hệ thống đã hình thành và phát triển gắn chặt với nhu cầu của kinh tế tri thức cho nên tương đối phù hợp nhất với xã hội hiện đại. Ngay ở Châu Âu và Nhật bản, khi nói hiện đại hoá đại học, mục tiêu họ nhắm tới cũng là một nền đại học tương đồng với Hoa kỳ. Các nước ASEAN cũng đi theo hướng đó. Không lẽ gì chúng ta muốn hội nhập mà lại tự tách ra khỏi xu thế chung. Vì vậy cần dứt khoát định hướng việc hiện đại hoá  giáo dục đại học theo xu thế chung đó của thế giới và thời đại. Chỉ như thế mới có thể tranh thủ được kinh nghiệm của họ, nhanh chóng thanh toán sự tụt hậu và hội nhập thành công.  

3.  Hiện đại hoá giáo dục đại học thực chất là một cuộc cải cách toàn diện từ mục tiêu, đến nội dung, phương pháp và tổ chức, quản lý, để hướng tới một nền đại học tương đồng với thế giới theo xu thế chung đã nói ở trên. Những đặc điểm chủ yếu của xu thế đại học này là(4):

1)      Nhấn mạnh năng lực sáng tạo trong mọi khâu đào tạo; đặc biệt coi trọng nghiên cứu khoa học;

2)      Bảo đảm cho mọi công dân quyền bình đẳng về cơ hội học tập và thành công trong học vấn;

3)      Tôn trọng phát triển cá tính, mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ phát triển tài năng;

4)      Mở rộng cửa đại học cho số đông, rồi cho đại bộ phận dân chúng;

5)      Hết sức chú trọng tài năng, khắc phục bình quân chủ nghĩa trong đào tạo và sử dụng;

6)      Xây dựng giáo dục thường xuyên và xã hội học tập;

7)      Sử dụng công nghệ thông tin hiện đại vào mọi khâu giáo dục;

8)      Phi tập trung hoá quản lý, trao quyền tự chủ rộng rãi cho các đại học, xây dựng hệ thống đại học hội nhập vào mạng lưới đại học thế giới.

Như vậy hiện đại hoá giáo dục đại học là việc lớn, phải có kế hoạch toàn diện, chuẩn bị chu đáo, và phải được thực hiện mạnh mẽ, kiên quyết, theo những bước đi thích hợp. Trước mắt, để tạo điều kịên thuận lợi cho toàn bộ công cuộc hiện đại hoá, cần mạnh mẽ cải cách một số khâu then chốt tác động đến toàn bộ hệ thống đại học nhưng ở đó đang duy trì những kiểu quản lý tập trung quan liêu cản trở sự phát triển lành mạnh của giáo dục đại học.    

Thứ nhất là việc thi cử, đặc biệt là thi tuyển sinh đại học và cao đẳng. Học thì phải thi, đó là tất yếu, nhưng cần đoạn tuyệt với cách thi lạc hậu hiện nay, chuyển hẳn sang phương thức đào tạo theo tín chỉ và học phần đã được áp dụng phổ biến ở các nước tiên tiến, tăng cường kiểm tra nghiêm túc từng chặng của quá trình đào tạo thay vì tổ chức những kỳ thi  theo kiểu “thi quốc gia” ở các đại học Liên xô thời trước. Riêng đối với tuyển sinh đại học và cao đẳng  nên nhanh chóng bỏ kỳ thi tuyển sinh cực kỳ nặng nề, tốn kém mà bất cập, và tiến hành tuyển sinh theo hai bước: bước thứ nhất chỉ có một kỳ thi đơn giản, nhẹ nhàng, gíống như SAT (Scholastic Aptitude Test) ở Mỹ, chủ yếu bằng trắc nghiệm, mục đích chỉ để loại những người quá kém, không đủ điều kiện tối thiểu  theo học bất cứ đại học nào. Qua được kỳ thi này mới vào bước thứ hai là nộp hồ sơ dự tuyển vào các đại học. Còn việc tuyển chọn thì mỗi đại học tự làm lấy, có thể thi hay làm cách nào đó, lúc nào đó, tuỳ theo điều kiện và yêu cầu của từng trường.

Thứ hai là việc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Trên thế giới không ở đâu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ nhanh, nhiều, rẻ, và ẩu như ở nước ta. Có người nghĩ rằng cứ phóng tay cấp bằng tiến sĩ là vô hại, và càng nhiều tấm danh thiếp mang các học vị cao thì càng quảng cáo tốt, càng thể hiện trình độ văn hoá, khoa học cao của đất nước. Hoàn toàn sai lầm. Thật đáng xấu hổ khi đất nước còn nghèo và lạc hậu mà đã ra đời gần như một công nghiệp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ dỏm, với những chợ luận văn, với nghề viết thuê luận văn, với đủ thứ thủ đoạn phục vụ việc sản xuất ra những luận văn mà giá trị không hơn những mảnh giấy lộn. Ngay cả những luận văn được làm đứng đắn, thì trừ một số do những giáo sư trình độ cao hướng dẫn, còn chất lượng nói chung khá thấp. Chưa kể có   trường hợp thầy làm thay đến 90% luận văn mà nghiên cứu sinh cũng không   biết tận dụng thời gian học thêm kiên thức. Đó là kết quả khó tránh của ý muốn tập trung quan liêu: từ việc thi tuyển nghiên cứu sinh đến thành lập Hội đồng chấm luận văn, tổ chức phản biện các luận văn (có cả “phản biện kín”), v.v..., tất cả đều do Bộ trực tiếp quyết định, với ảo tưởng  như thế sẽ bảo đảm chất lượng đào tạo. Song thực tế không như vậy, nhiều tiêu cực phát sinh mà Bộ không tài nào kiểm soát nổi, và không ai biết đã có bao nhiêu bằng TS dỏm được sản xuất thời gian qua. Để chỉnh đốn từ gốc, cần rà soát lại để hạn chế chặt chẽ số đơn vị, số ngành được phép đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, ngành nào còn yếu thì cương quyết chấm dứt đào tạo trong nước để gửi ra đào tạo ở nước ngoài. Đồng thời trả lại cho các đơn vị được phép đào tạo quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm đầy đủ từ việc tuyển nghiên cứu sinh, lựa chọn chương trình đào tạo cho đến cấp bằng. Hơn ở mọi khâu khác, ở đây cần chú trọng chất lượng vì chạy theo số lượng rất nguy hiểm cho tương lai cả giáo dục lẫn khoa học. Chẳng hạn từ nay đến 2010 mà định đào tạo 15000 tiến sĩ thì thật quá liều.

Thứ ba là việc xét phong các chức danh GS, PGS. Không ít người đã bày tỏ lo lắng trước tình trạng lạm phát GS, PGS, TS, dẫn tới tuy số lượng GS, PGS, TS  của ta vượt nhiều nước, mà đại học của ta thì không lọt được vào số 60 đại học khá nhất ở khu vực. Việc đào tạo TS bừa bãi đi đôi với việc xét phong GS, PGS tuỳ tiện, lạc hậu, đã đẩy uy tín nền đại học ta xuống thấp chưa từng có(5).  Năm 1996 một vị lãnh đạo công tác học hàm huyênh hoang tuyên bố GS, PGS ta đã phong là hoàn toàn đạt trình độ quốc tế. Nay một vị lãnh đạo công tác này thừa nhận ngược lại, 80% số GS, PGS đã được phong chưa xứng đáng. Tuy nhiên việc đó được giải thích là do ta phải căn cứ vào trình độ thực tế trong nước !  Hoá ra GS, PGS, TS của ta là “hàng nội”, phải theo tiêu chuẩn “nội”, không thể theo tiêu chuẩn quốc tế, vì tiêu chuẩn này trên trời so với ta. Điều đáng nói là trong khi công nhận những giá trị khoa học đáng ngờ thì tiêu chuẩn “nội” ấy lại gạt ra nhiều người trẻ có năng lực. Với tầm nhìn thiển cận như vậy, tôi chỉ e rồi đây đại học VN sẽ đến lúc tụt dốc không phanh. Nguyên nhân tình trạng đáng lo đó lại cũng do tư duy quản lý: trong xã hội ta, hễ một cơ quan được lập ra để phụ trách một lĩnh vực công tác gì thì y như là nó phải bo bo ôm giữ hết mọi quyền, dù năng lực và trình độ bất cập. Mà có gì khó hiểu đâu: GS, PGS là những chức vụ cụ thể ở một đại học thì chỉ đại học đó mới biết rõ nên chọn GS, PGS theo cách nào phù hợp nhất với yêu cầu của mình. Lẽ ra Hội đồng chức danh chỉ nên tập trung lo sao cho GS, PGS của bất kỳ đại học nào cũng đạt một trình độ tối thiểu theo chuẩn mực quôc tế, việc gì phải dành quyền trực tiếp làm việc tuyển chọn GS, PGS,  trong khi thành viên Hội đồng đâu phải là chuyên gia giỏi nhất, và toàn năng đến mức quán xuyến được chuyên môn của từng đại học ?

Thứ tư là chính sách sử dụng giảng viên. Hiện nay có điều lạ là các thầy dạy đại học của ta tuổi trung bình cao, trình độ khoa học thấp, nhiều người đã hàng chục năm không có thói quen cập nhật kiến thức, mà phải dạy 25-30 giờ một tuần là phổ biến, thì tôi thật sự không hiểu ta định xây dựng đại học kiểu gì đây. Sự thật hiển nhiên là khi đồng lương quá thấp buộc ai cũng phải lo mưu sinh, thì đâu còn thì giờ và tâm trí chăm lo công việc chính của mình. Vì vậy,  chừng nào còn chế độ lương kỳ quặc này, lương không ra lương, thì sẽ còn nhiều thầy không ra thầy, và đại học sẽ còn nhếch nhác như một kiểu “đại học để học đại”. Ai cũng biết dạy quá nhiều thì làm sao nghiên cứu khoa học, thế nhưng theo báo cáo vẫn có 50% số giảng viên đại học tham gia nghiên cứu khoa học thì chắc chắn phải có nhiều công trình nghiên cứu theo tiêu chuẩn “nội”, tức là không đạt chuẩn mực quôc tế. Vài con số để thấy rõ sự tụt hậu của ta:  cả nước ta trong 5 năm 1998-2002 chỉ có 1629 công trình khoa học được công bố trên quôc tế, so với Thái lan là 6925 công trình, mà trước đây 30 năm Thái lan có hơn gì ta, thậm chí có phần kém ta, đủ biết  trong 30 năm qua ta đã tiến hay thoái như thế nào. Riêng năm 2002 cả nước ta chỉ có 368 công trình mà khoảng 1/6 trong số đó theo tôi biết, đã là của một viện nghiên cứu chuyên ngành, vậy còn lại cho các đại học và các chuyên ngành khác được bao nhiêu ?

  Đó là mấy vấn đề nhức nhối nhất bộc lộ rõ sự yếu kém, tụt hậu của giáo dục đại học, cần có biện pháp chấn chỉnh ngay để mở đường tiến lên hiện đại hoá toàn diện.  Chừng nào còn chưa chấn chỉnh được các khâu công tác đó thì giáo dục đại học VN còn là niềm tủi hổ của thế hệ chúng ta.


(1) GDP của VN chỉ vào khoảng 40 tỉ USD

(2) Chẳng hạn Singapore, HongKong, Hàn Quốc (lương giáo sư đại học ở HongKong cao nhất thế giới)

(3) Xem bài “Ba khối u dị dạng trên cơ thể giáo dục”, báo TIA SÁNG số 2, tháng 2, 2004

(4) Xem bài “Hiện đại hoá giáo dục để đi vào kinh tế tri thức”, báo VĂN NGHỆ số 41 (13/10/2001)

(5) Xem bài “Đã thật sự công bằng, hợp lý chưa ?”, báo NGƯỜI LAO ĐỘNG, cuối tuần 17/5-18/5/2003

 

http://www.ncst.ac.vn/HVGD/

© http://vietsciences.free.fr Hoàng Tụy