Khả năng của người thầy trong nền đại học Việt Nam, một câu hỏi lớn

RFA phỏng vấn  GS Hoàng Tụy           27/04/2007
 

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Việc dạy và học tại Việt Nam luôn luôn là đề tài bức xúc cho người có ít nhiều quan tâm đến. Bên cạnh thi cử, bệnh thành tích, sách giáo khoa, lương bỗng ...là khả năng của người thầy trong nền đại học Việt Nam.

Đây là một dấu hỏi lớn đang được dư luận đặt ra khi phát hiện một loạt sinh viên tốt nghiệp không có khả năng làm việc theo đúng ngành mà mình được đào tạo, Mặc Lâm phỏng vấn Giáo Sư Tiến Sĩ Hoàng Tụy về vấn đề này, mời quý vị theo dõi

Mặc Lâm: Thưa giáo sư, dư luận cho rằng nền giáo dục đại học Việt Nam đang gặp rất nhiều vấn đề mà một trong những vấn đề này là khả năng của các giảng viên. Giáo sư có nhận xét gì về vấn đề này?

Giáo sư Hoàng Tuỵ: Vấn đề ở đại học trước hềt là vấn đề ông thầy. Có nhiều người có lập luận buồn cười cho rằng chất lượng đại học của chúng ta không phải do ông thầy mà do chương trình giảng dạy. Và nếu những người này nói đúng thì chỉ cần bê cái chương trình giảng dạy của các nước vào thì tự nhiên khắc phục được mọi khuyết điểm.

Trước đây cũng có nhiều quan chức cao cấp phát biểu như vậy, Riêng tôi thì cho rằng vấn đề chủ yếu trước nhất là người thầy. Những vấn đề này không thể giải quyết trong một thời gian ngắn được.

Riêng việc giải quyết như thế nào thì tôi cũng đã có nhiều ý kiến phát biểu, Hiện nay điều kiện làm việc, sinh hoạt của họ...làm thế nào để họ yêu nghề và sống được bằng cái nghề của họ cũng như họ có thể thăng tiến trong nghề nghiệp. Phải đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học của họ nữa

Hiện nay các quan niệm đại học trên thế giới cho rằng phải kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu và hầu như mọi người đều đồng ý với quan điểm này

Mặc Lâm: Nhưng làm cách nào để vừa giảng dạy và nghiên cứu trong khi ngân sách và hạ tầng còn quá yếu kém như hiện nay?

Giáo sư Hoàng Tuỵ: Tôi đã phát biểu nhiều lần, thay vì hiện nay cái đồng lương chỉ cho người ta 1/4 cái nhu cầu còn 3/4 cái nhu cầu còn lại thì họ phải bươn chải để kiếm sống thì làm sao người ta có thể giảng dạy tốt được? Bên cạnh đó việc phong hàm giáo sư phó giáo sư lại làm một cách tùy tiện muốn phong ai thì phong thì làm sao có một đội ngũ giảng viên giỏi cho được?

Mặc Lâm: Thưa giáo sư, làm cách nào để đối phó với tình trạng này về lâu về dài?

Giáo sư Hoàng Tuỵ: Tôi đã có đề nghị với Thủ Tướng Phan Văn Khải là mở một cái trường mới có thể sánh ngang tầm với những trường quốc tế bằng cách nhờ sự giúp đỡ của Mỹ hay những nước khác và lấy cái trường này làm cửa ngỏ để liên hệ với các nền giáo dục của thế giới, hai là để những anh em Việt kiều có trình độ về nước để giúp và đây cũng là nơi để trí thức trong nước có chỗ làm việc không phải chạy vạy ra nước ngoài để kiếm chỗ va 2 là hoa tiêu cho nền đại học Việt Nam để những trường đại học trong nước noi theo.

Nhưng sau khi Thủ Tướng Khải đi Mỹ và bàn thảo rồi về nước nhưng không thấy có một động thái nào thúc đẩy cho việc này cả.

Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Hoàng Tụy về cuộc phỏng vấn hôm nay.