Nhận định của Giáo sư Hoàng Tụy về hiện tình Giáo dục Việt Nam (phần 1)

Vietsciences- RFA    12/01/2007

 

Những bài cùng tác giả

2007.01.11

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Tại Hội nghị mới đây về Giáo dục do Vietnam Education Foundation, tạm dịch là (Quỹ Giáo dục Việt Nam) tổ chức từ ngày 27 đến 30-12 tại thành phố Houston - Hoa Kỳ, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng, tình trạng tụt hậu về Giáo dục ở Việt Nam đã ở mức báo động nghiêm trọng, trong khi hiện nay vẫn có lãnh đạo nghĩ rằng "thành tựu là cơ bản, là vĩ đại...". Những vấn đề đó ra sao? Việt Hùng hỏi chuyện Giáo sư Hoàng Tụy, từ Việt Nam sang Mỹ tham dự Hội nghị này.

Xin được nói thêm, Giáo sư Hoàng Tụy là cháu nội cụ Phó bảng Hoàng Diệu. Cùng với Giáo sư Lê Văn Thiêm, ông là một trong hai người khai sanh ra nên Toán học ở Việt Nam. Năm 1964, công trình nghiên cứu của ông là "Tuy’s cut", tạm dịch là "Lát cắt Tụy" đã được giới Toán học thế giới đánh giá cao và coi đó là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành Toán học mới đó là lý thuyết Tối ưu toàn cục. Trở lại câu chuyện với Việt Hùng, Giáo sư Hoàng Tụy trình bày:

Giáo sư Hoàng Tụy: Chính phủ Mỹ có một ngân khoản khoảng 20 triệu đô-la để giúp cho những nhà khoa học và giáo dục tại Việt Nam mỗi năm chi vài triệu đô-la từ ngân khoản đó tuyển chọn, cấp học bổng cho vài chục người mỗi năm. Từ 3 năm nay đã chọn và cấp học bổng cho khoảng trên dưới 300 người qua Mỹ tu nghiệp.

Tại Hội nghị này tôi chỉ nói chuyện về tình hình giáo dục Ðại học ở Việt Nam. Nói chung những người này thì học cũng biết về tình hình Ðại học ở trong nước như thế nào rồi vì họ từng học ở trong nước cũng mới đi độ 2 - 3 năm nay thôi.

Tôi thì tôi muốn nói, bởi vì họ biết từng nơi mà trước đây họ học thôi, nên tôi muốn nói chung tình hình, những vấn đề đặt ra cho Ðại học của Việt Nam và làm thế nào để có thể chấn hưng được nền Ðại học ở Việt Nam.

Việt Hùng: Khi Giáo sư trình bày về hiện trạng giảng dạy tại các đại học ở Việt Nam thì phản ứng của những sinh viên và nghiên cứu sinh này như thế nào?

Giáo sư Hoàng Tụy: Có lẽ đối với người Mỹ dự Hội nghị đấy thì có nhiều bất ngờ, nhưng có lẽ đối với anh em nghiên cứu sinh Việt Nam trong Hội nghị đấy thì họ không bất ngờ mà họ chỉ thấy rõ hơn thôi, bởi vì nhiệm vụ của họ là học tập xong rồi quay về Việt Nam để giúp cho Giáo dục và Khoa học Việt nam phát triển. Mục đích của tôi là tôi muốn cung cấp cho họ thông tin chỉ một phần thôi, tôi nói chủ yếu là những đánh giá cho họ thấy sự yếu kém và những vấn đề lớn...

Cái thứ hai nữa có thể do bị ảnh hưởng từ những nhận định ở trong nước cho nên có thể có nhiều yếu kém mà họ không thấy rõ được hết.

Việt Hùng: Tại Hội nghị giáo sư trình bày bức tranh toàn cảnh về tình hình giảng dạy tại các Ðại học ở Việt Nam, những vấn đề gì là những vấn đề giáo sư đề cập đến?

Giáo sư Hoàng Tụy: Tôi cung cấp cho họ một cái nhìn toàn cảnh để thấy mức độ lạc hậu, mức độ tụt hậu trong cách Giáo dục ở Việt Nam. Hiện nay ở trong nước, nói tụt hậu về Giáo dục thì ai cũng đồng ý, nhưng mà tụt hậu những điểm gì, phương diện gì, tụt hậu đến đâu... thì cái đó ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều cách nhìn khác nhau, bởi vì hiện nay cho đến bây giờ có nhiều người vẫn nghĩ rằng, thành tựu là cơ bản và vĩ đại...

Tôi thì tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định như vậy, tôi thấy rằng, phải nhìn cho sâu, nhìn cho kỹ những yếu kém của mình và nhất là không nên nói rằng, những yếu kém đấy là do mình nghèo, do mình không có tiền, do là chiến tranh trước đây và do là...

Tôi thì tôi nhận định những yếu kém đấy là do mình quản lý quá tồi. Thực ra mà nói đầu tư cho Giáo dục thì cũng không dồi dào gì vì đất nước cũng chỉ có vậy, nói về đầu tư so với sản phẩm của xã hội thì có thể nói chúng ta đầu tư rất nhiều so với các nước.

Ngoài tiền đầu tư của nhà nước thì phải kể đến phần tương đương như vậy là từ người dân đóng góp vào, nhưng mà sự đầu tư lớn như vậy nhưng sử dụng không tốt, thí dụ như tôi cũng nêu lên chế độ lương cho các thầy cô giáo ở tất cả các cấp.

Rốt cục lại tiền mà người dân đóng góp và tiền mà ngân sách chi ra cho các thầy cô giáo và những người làm khoa học nếu mà nói hiện nay thì cũng đủ để cho họ sống, đối với mức sống ngoài xã hội thì cũng không phải là quá tệ.

Nhưng mà chỉ có điều để đảm bảo mức sống ấy họ phải làm rất nhiều việc sử dụng rất ít năng lực thực tế của họ. Nếu chỉ trông vào lương cơ bản thì chỉ đáp ứng được một phần tư của cái nhu cầu. Còn ba phần tư còn lại thì phải dạy thêm, phải làm việc này, việc kia, phải làm những việc không phải là việc chính của mình.

Những việc không sử dụng đúng năng lực mà phải làm tất cả những việc khác thì mới có được một mức sống hợp lý và như vậy còn đâu thì giờ mà trao đổi chuyên môn và như vậy tâm trí đâu mà lo cho chuyên môn, hơn nữa công việc chính của mình lo cho khoa học chả được bao nhiêu...

Cho nên dạy Ðại học chẳng hạn, người ta phải lo dạy thêm, ở Việt Nam gọi là "dạy xô" tức là chạy chỗ này để dạy rồi chạy cho khác để dạy... rồi dạy ở Hà Nội lại chạy về các địa phương để dạy, rồi lại dạy liên kết tất cả những hình thức ấy và nhiều hình thức khác, công việc khác nữa, thành ra số tiền chi ra để mà nuôi sống giáo viên và các nhà khoa học đấy thêm với số tiền mà dân người ta đóng góp dưới hình thức tiền nộp đầu năm phân phối một cách rất tùy tiện và hơn nữa những chuyện tiêu cực trong giáo dục nó phát triển.

Việt Hùng: Phải chăng bức tranh mà giáo sư đưa ra là giáo sư muốn nói về hiện trạng giáo dục tại Việt Nam hiện nay?

Giáo sư Hoàng Tụy: Thì đấy nhận định về nền giáo dục thì ai cũng nhận thấy nhiều vấn đề yếu kém, nhưng tôi thì tôi cho rằng nó yếu kém quá mức có thể chấp nhận được. Cái lỗi là do quản lý chứ không phải là chúng ta nghèo, chúng ta thiếu tiền và không phải là vì cái gì cả, mà chỉ vì quản lý bậy bạ.

Còn nhiều người khác, nhất là một số quan chức vẫn nghĩ rằng "thành tựu là rất nhiều, cơ bản là chúng ta vĩ đại, còn những thiếu xót đấy thì cũng là cái thường tình", và họ gọi là "bất cập", thế thôi, chỉ có nâng cấp lên không có chuyện gì cả. Chúng tôi nghĩ phải thay đổi một cách cơ bản chứ không phải chỉ có nâng cấp.

Việt Hùng: Theo giáo sư, giáo sư cho rằng cần phải có sự cải tổ triệt để...

Giáo sư Hoàng Tụy: Vâng đúng thế!

Việt Hùng: Nhưng thưa giáo sư, ngoài chuyện quản lý kém, nhiều vị học giả cũng như các giáo sư tiến sĩ ở trong nước còn đề cập đến một vấn đề đó là phương các giảng dạy?

Giáo sư Hoàng Tụy: Tôi nói là yếu kém, nếu mà chỉ nâng cấp không thôi thì không biết đến bao giờ mới có thể đáp ứng được yêu cầu, phải sửa từ cái gốc, từ cái quan niệm, bởi vì bây giờ nhiều người vẫn quan niệm Ðại học bây giờ cũng giống như cách đây mấy chục năm, học ngành nào thì chỉ biết ngành đó thôi, không cho sinh viên có cơ hội vừa để học ngành chính nào đấy rồi học thêm những ngành khác...

Cho nên ra đời, ngoài chuyên môn của mình khi cần cộng tác với những người khác thì không thể hợp tác được gì cả, hay là học theo kiểu cứ lên lớp nghe giảng y như dưới phổ thông chứ không phải khuyến khích những suy nghĩ độc lập, tự học... mà lại cứ vào lớp là giảng, giảng rồi thì ghi, rồi cũng chẳng đọc thêm sách vở tài liệu gì nhiều, phần lớn là vậy. Cũng phải nói cho công bằng là vài ba năm đổ lại đây thì cũng có cải tiến, tình hình cũng có khá hơn, nhưng mà về cơ bản vẫn rất đáng lo.

Việt Hùng: Theo giáo sư Hoàng Tụy, vấn đề giáo dục nhất là tại các Ðại học ở Việt Nam cần phải có những thay đổi triệt để. Giải quyết ra sao. Nhiều vị giáo sư, tiến sĩ ở trong và ngoài nước cũng đã đưa ra những đề nghị cụ thể với các nhà lãnh đạo, nhưng vấn đề này còn khúc mắc ở đâu, mời quí vị đón nghe trong một buổi phát thanh tới