Đổi Mới Giáo Dục Bằng Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông

 

Quách Tuấn Ngọc          29 tháng 08 năm 2004
   

Thưa các bạn,
GS Quách Tuấn Ngọc, một nhà hoạt động tích cực về giáo dục trong nuớc có đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Vietsciences xin giới thiệu với các bạn các ý kiến cuả GS.

I.       HOÀN CẢNH MỚI

Toàn cầu hoá, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, nền kinh tế điện tử … đang làm thay đổi mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi trong xã hội loài người tới mức chóng mặt trong đó kĩ năng toàn cầu, hiểu biết quốc tế, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tri thức mới và sự uyên thâm mới làm nên sự khác biệt giữa các chủ thể (quốc gia, con người). Không như trước đây, sự khác biệt được quyết định bởi tiền vốn và vật tư, bởi  đất đai và năng lượng.

Sự xuất hiện nền kinh tế toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức đang đưa xã hội loài người tới kỉ nguyên mới và nó cũng đòi hỏi một hệ thống giáo dục mới với nội dung giáo dục mới và phương pháp giáo dục mới để sao cho thích nghi được với môi trường xã hội thay đổi và chuyển dịch mô hình theo trục đo lường là chất lượng con người chứ không phải là bằng cấp. (Chẳng thế Bill Gate giầu nhất thế giới học đại học dở dang song vẫn được Bill Cliton tôn làm Vua của các tổng thống !?).

Cái gọi là kĩ năng toàn cầu là gì ? Đó là kĩ năng máy tính, là kĩ năng sử dụng ngoại ngữ, là sự hiểu biết quốc tế như các kiến thức cơ bản về địa lí, văn hoá và truyền thống của mỗi nước… Kĩ năng toàn cầu này đã làm cho người Philipine kiếm được khá nhiều tiền. Thí dụ ở sân bay Dubai đa phần những người làm dịch vụ ở đây là người Philipine vì họ có một lợi thế nổi trội: tiếng Anh rất tốt. Philipine là nước hàng năm thu ngoại tệ nhờ xuất khẩu lao động khoảng 6 – 8 tỉ USD. Trong khi ta tự hào là nước đang nổi tiếng về xuất khẩu gạo thu về 1,5 tỉ USD song suy ngẫm lại thì phải nói là ta đang nai lưng ra xuất khẩu gạo vì tỉ lệ lãi ròng rất thấp (chia cho 40 triệu nông dân). Sự dẫn giải nói trên làm chúng ta phải suy ngẫm về một chiến lược đào tạo con người chất lượng cao để làm giầu bằng chất xám với tỉ trọng lãi lớn trong một kỉ nguyên mới.

Ấn độ cũng là một nước nghèo và đang phát triển. Tuy nhiên Ấn độ lại là nước xuất khẩu phần mềm lớn nhất sang các nước phương Tây. Mỗi năm cũng được tới 7-8 tỉ USD. Ấn độ có tới 5 Viện đại học công nghệ và quản lí, được người Ấn độ gọi là bản sao của MIT để đúc ra mỗi năm hàng nghìn kĩ sư chất lượng cao. Một lần nữa cũng cần phải nhắc lại là người Ấn độ cũng có kĩ năng tiếng Anh cực tốt và đây là một ưu điểm làm nên sự khác biệt của Ấn độ trong việc xuất khẩu phần mềm trong bối  cảnh toàn cầu hoá.

Vì sao phải đổi mới tư duy ? Đơn giản là vì xem xét lại mình so với người ta, so với thiên hạ (như Đài loan, Thái lan, Singapore…), thấy người ta đi được 10 bước hoặc làm được 10 việc mà mình thì chỉ đi được hoặc làm được có 1-2. Hoặc đơn giản là vì thấy việc mình làm không đạt được như mình muốn. Suy nghĩ sâu sắc hơn, tổng thể hơn về đổi mới tư duy, xin quí vị tham khảo bài viết của GS. TS Phan Đình Diệu (7/2001).

Chúng tôi còn nhớ tháng 12/1997, Ban CNTT của Bộ ta đi thăm Trung quốc. Phía bạn có kể lại chuyện đổi mới tư duy (rethingking): Trước đây khẩu hiệu của bạn là Giáo dục con người toàn diện. Sau một thời gian, Tổng bí thư ĐCS TQ nói: Làm gì có con người toàn diện (tuyệt đối), vì vậy chúng ta phải đổi mới tư duy, chuyển thành Giáo dục toàn diện con người. Tư duy thay đổi kéo theo thay đổi vị trí hai từ trong khẩu hiệu và tiếp theo kéo theo sự đổi mới của cả nền giáo dục TQ về nhiều mặt chủ trương và biện pháp để được hiệu quả hơn và không duy ý chí. Đổi mới tư duy rồi mới đổi mới đến hành động và cách làm.

 

Song đổi mới cái gì và bằng cách nào ?

 

Trong báo cáo này, chúng tôi đề cập chủ yếu ở khía cạnh đổi mới giáo dục bằng việc phát triển và ứng dụng CNTT và TT, là con đường, là biện pháp tất yếu và là quan trọng nhất hiện nay mà tất cả các nước đều quan tâm thực hiện. Cụ thể là đổi mới về quản lí giáo dục, về chương trình đào tạo mọi ngành, về phương pháp dạy và học, về đào tạo và sử dụng CNTT và TT, nhận thức và tư duy về CNTT và TT…

Bảng 1: Xu thế giáo dục trong tương lai
 

ĐIỂM YẾU CỦA
 HỆ THỐNG GIÁO DỤC HIỆN TẠI

HỆ THỐNG
GIÁO DỤC
TRONG TƯƠNG LAI

 ĐẶC ĐIỂM

Đóng kín, cứng nhắc

Mở, mềm dẻo.
E-learning: học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi thứ, ai học cũng được.

- Thay đổi tâm lí
Phân mảnh rời rạc các trường và các ngành

- Nối mạng giáo dục/móc xích các trường với nhau

- Sự hội tụ, giao thoa của các ngành với nhau và với CNTT và TT

- Cấu trúc hoá lại cả về hệ thống giáo dục lẫn nội dung

- Giáo viên trở thành người hướng dẫn hơn là người dạy dỗ

Học trong một khoảng đời

Học suốt đời

- Tiêu chuẩn chất lượng mới
Tập trung vào chuyện thi cử Tập trung vào chất lượng con người, nâng cao dân trí - Quốc tế hoá và hợp tác quốc tế.

 

 

II. THUẬT NGỮ  MỚI: CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Xin điểm qua sự thay đổi thuật ngữ qua các thời kì khác nhau: 

Điện tử + Toán tính (Điện toán) è Máy tính èTin học è CNTT è CNTT và TT

 Thời kì đầu, điện tử và toán tính là hai ngành nghiên cứu độc lập. Cũng nên kể đến công lao của ngành vật lí chất rắn đã phát minh ra chất bán dẫn. Hiện nay ngành công nghiệp vi điện tử với các hãng nổi tiếng Intel, Motorola… đóng vai trò then chốt trong sự phát triển CNTT và TT của cả thế giới với các bộ vi xử lí (CPU) ngày càng tinh vi, siêu nhanh và cũng … rẻ.

Cuối những năm 70, nước Pháp phát minh ra từ Informatique – Tin học, còn nước Mĩ vẫn quen dùng thuật ngữ truyền thống là Computer Science.

CNTT (tiếng Anh: IT) là thuật ngữ đã trở thành quen thuộc ở Việt nam sau khi có Nghị quyết 49 CP  (4/8/1993) về phát triển CNTT ở nước ta trong những năm 90. Có thể kể lại rằng thuật ngữ CNTT lúc đó do Hội đồng Chính phủ quyết định trong khi các chuyên gia thì lại bảo thủ hơn: họ vẫn muốn tiếp tục dùng thuật ngữ Tin học. 

Song bắt đầu từ năm 2000, thế giới lại bắt đầu dùng phổ biến thuật ngữ ICT: Information and Communication Technology, CNTT và Truyền Thông (xin viết tắt là CN4T), hoặc trong chừng mực nào đấy có thể coi là sự giao nhau của Điện tử – Tin học – Viễn thông. Sự thay đổi thuật ngữ cho thấy sự thay đổi về bản chất quá trình tư duy và nhận thức: vai trò hiển nhiên của viễn thông (tele-communication), của thông tin liên lạc (communication) trong đó Internet là điển hình.

Hình1: Thông tin và quá trình trao đổi thông tin (truyền thông)
(Information and Communication)

Năm 1932, thuật ngữ tele-communication ra đời với các công nghệ tele-phone, tele-gram, tele-graph, rồi tele-vision … Còn bây giờ thế giới dùng e thay cho tele làm tiếp đầu ngữ. Đầu tiên là e-mail, sau đến e-government, e-commerce, e-service … và e-education, e-learning. Tất cả các e nói trên tạo nên một e chung: e-culture (văn hoá số hay văn hoá điện tử). eelectronic, song nghĩa sâu xa của nó là communication, là Internet, là digital, nghĩa là mọi công việc được thực hiện trên mạng Internet để trao đổi thông tin với nhau bằng công nghệ số. Một khi đã lên Internet, việc đó đồng nghĩa với việc công khai hoá 24/24, mở ra cho tất cả mọi người. Người ta nhấn mạnh vào khía cạnh communication hơn là tele vì khoảng cách không còn là vấn đề mấu chốt nữa. Communication có nghĩa là truyền thông (tin), là trao đổi thông tin, là giao lưu, liên lạc với nhau, nói chuyện với nhau ….

Thế còn công nghệ truyền thông ? Xin lấy thí dụ minh hoạ là việc chuẩn bị 1000 cái trống cho lễ hội Thăng long. Công nghệ làm trống rất cao siêu: gỗ mít cao tuổi, da trâu mộng … để mong có được tiếng trống âm vang, ròn rã, oai hùng. Tuy nhiên khi xem và nghe truyền hình (quá trình truyền thông) thì tiếng trống chỉ là bập bùng vì người ta quên mất việc tín hiệu tiếng trống có tần số rất thấp nên phải dùng microphone tần số thấp và được bố trí thích hợp.     

III. MÔ HÌNH THÔNG TIN CHUNG

Mô hình chung để chuyển dữ liệu đi đến quyết định là

Dữ liệu, số liệu thống kê  è Thông tin è Tri thức è Ra quyết định

Hình2: Con đường tiến tới mọi quyết định

Nói ngược lại sẽ là: lãnh đạo hay bất cứ ai muốn ra quyết định thì phải có tri thức, muốn có tri thức thì phải có thông tin, muốn có thông tin thì phải có dữ liệu, và  dữ liệu có chính xác hay không thì phải tốn công sức tiền của và còn phải biết cách làm. Xưa nay công tác thống kê và lập báo cáo số liệu là một công tác tẻ nhạt, không mấy ai thích làm. Vì vậy chúng ta phải nghĩ đến giải pháp dùng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề nói trên. Cũng phải nói luôn rằng công tác thông tin phục vụ quản lí giáo dục ở Việt nam  là một công tác còn có nhiều hạn chế và yếu kém.

Thời gian qua chúng ta đã có lúc bàn đến kinh tế tri thức song với mô hình trên và trên thực tế, chúng ta phải giải quyết thông tin và dữ liệu trước khi nói đến tri thức, nghĩa là phải xây dựng xã hội thông tin như Nghị quyết 49 CP đã nêu ra trước khi vươn tới xã hội có nền kinh tế dựa trên tri thức.

2- Nước ta hiện nay cơ bản vẫn là một nước lạc hậu về thông tin: chưa thiết lập được hệ thống thông tin tin cậy và chưa đáp ứng kịp thời cho quản lý và điều hành của bộ máy Nhà nước từ trung ương tới địa phương; thiếu thông tin từ trong nước cũng như từ nước ngoài cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của xã hội. (Trích Nghị quyết 49 CP)

Sự lạc hậu về CN4T được thế giới dùng đến với một thuật ngữ rất nổi tiếng digital divide.

Giá trị của thông tin rất lớn. Thông tin và tri thức có đặc điểm giống ánh sáng: không mùi, không vị, không khối lượng, không sờ thấy được song ta cảm giác được. Chúng cũng đem ánh sáng và văn minh tới mọi người. Lớn lao tới mức không có thì sẽ không tồn tại được vì sự lạc hậu.

IV.  SỰ LẠC HẬU VỀ VĂN HOÁ SỐ – DIGITAL DIVIDE

Digital divide theo nghĩa đen là sự ngăn cách, tụt hậu về công nghệ số. Đây là một khái niệm được dùng để chỉ sự lạc hậu về CN4T của các nước đang phát triển, của các vùng miền, của một số lớp người ở ngay trong một nước. Chúng tôi đề xuất dịch là sự lạc hậu về văn hoá số. Khắc phục sự lạc hậu về văn hoá số (Bridging the digital divide) là một chủ đề được thế giới thường xuyên bàn đến hiện nay và thường hay cho tiền tài trợ. Digital divide là việc mua máy tính về làm cảnh, là việc mua máy tính thì nhanh (nặng về tư duy vật chất) song không hiệu quả vì không biết triển khai ứng dụng (kém về tư duy trí tuệ), là không biết dùng e-mail, là không biết dùng word…

Thực tế này được thế giới công nhận và họ đã đưa đến công thức từ 15 tuổi:

            e Skills x Age = Const

Tạm dịch:

Kĩ năng văn hoá số  x Tuổi = Hằng số

Nói đến kĩ năng sử dụng, ta thấy trong khi Internet đã trở thành phổ cập đến mức các quán Cafe Internet mọc ra như nấm và trẻ em học Internet, học sử dụng máy tính trong nháy mắt, ham mê chatting với cả mớ địa chỉ e-mail trong đầu để dùng mỗi nơi mỗi lúc một cái thì nhiều nhà quản lí, nhiều nhà khoa học cao cấp đến giờ vẫn chưa biết dùng Internet, vẫn chưa có địa chỉ e-mail cho riêng mình. Liên lạc giữa Bộ và các trường, các sở chủ yếu vẫn là … điện thoại đường dài và nói chuyện dài dài.

Sự lạc hậu về văn hoá số này sẽ dẫn đến tầm nhìn và tầm hiểu biết hạn chế nên kéo theo quyết định không được chuẩn về nhiều vấn đề, không riêng gì lĩnh vực tin học. Thí dụ như xây dựng chương trình, giáo trình, trung học chuyên ban, soạn giáo án ... đều phải cần đến Internet hỗ trợ để tham khảo.

V. CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC

Công nghệ Thông Tin và Truyền Thông (CN4T) đã trở thành một yếu tố then chốt làm thay đổi thế giới nói chung và đặc biệt cho giáo dục. CN4T đã trở thành hạ tầng và động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá và giáo dục. CN4T đang làm nên một cuộc đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, tạo ra Công nghệ giáo dục (Educational Technology) với nhiều thành tựu rực rỡ bao gồm: 

 1.      Công nghệ dạy và học (Teaching and Learning Technology): Làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy và phương pháp học với nhiều hình thức phong phú. Mối giao lưu giữa máy và người đã trở thành tương tác hai chiều với nhiều phương tiện truyền thông (multimedia) là âm thanh, tiếng nói, hình ảnh, phim… mà đỉnh cao là học trên mạng Internet (e-learning). Nội dung phần này đã được trình bày trong một báo cáo riêng. Nhờ có công nghệ mới mà giáo dục đã có thể thực hiện những tiêu chí mới: học mọi nơi (anywhere), học mọi lúc (anytime), học mọi thứ (on anythings), học một cách mở và mềm dẻo suốt đời (open and flexible lifelong learning)… nhờ tổ chức việc học trên mạng Internet (e-learning).

Như vậy về bản chất, quá trình Dạy và Học là quá trình 4T: Thông Tin và Truyền Thông. Thông tin là nội dung bài giảng và tri thức cần truyền đạt. Quá trình trao đổi thông tin (truyền thông) là quá trình trao đổi giữa thầy và trò, giữa người học với các nguồn tư liệu học tập.

2.      Công nghệ quản lí giáo dục (Education Management Technology): Làm thay đổi cung cách điều hành và quản lí giáo dục, hỗ trợ công cuộc cải cách hành chính để làm việc hiệu quả hơn (kinh tế, thời gian, thông tin, tri thức) và quản lí quá trình học tập (Learning management). Đây cũng là nội dung chính sẽ được đề cập đến trong bản báo cáo này.

Như vậy về bản chất, quá trình quản lí giáo dục cũng là 4T: Thông Tin và Truyền Thông. Khi này các thông tin phản ánh hình ảnh thực trạng của giáo dục. Quá trình tìm hiểu nắm bắt hình ảnh gốc qua các báo cáo là quá trình trao đổi thông tin để ra các quyết định.

Công nghệ dạy và học sẽ hỗ trợ trực tiếp quá trình học tập của người học trong khi đó công nghệ quản lí giáo dục là phần hỗ trợ gián tiếp cho quá trình học tập. Song cả hai đều ảnh hưởng đến kết quả của người học. Đơn cử là nếu tổ chức và quản lí thi, đánh giá không tốt thì mọi nỗ lực học tập của người học cũng như nỗ lực dạy học của thầy sẽ có thể trở thành vô nghĩa khi điểm của người nọ ráp vào người kia (chuyện đã từng xẩy ra).

Đa số các trường đại học trên thế giới đều có Trung tâm Công nghệ giáo dục. Còn ta …  thuật ngữ Công nghệ giáo dục đôi lúc còn bị hiểu theo một nghĩa khác trong giáo dục phổ thông thông qua Trung tâm Công nghệ giáo dục.

Chúng ta cũng phải đổi mới nhận thức về vai trò của CN4T đối với giáo dục. Từ chỗ chỉ quan tâm hẹp đến:

  • CN4T là một ngành học. (Hiển nhiên).

Song vấn đề không còn đơn giản như vậy mà cần phải thấy rộng ra:

  • CN4T là công cụ cho mọi cuộc đổi mới giáo dục, cho mọi ngành, mọi bậc học. (Kể cả ngành xã hội nhân văn, kể cả bậc học mẫu giáo).
  • CN4T đã đem đến một tài nguyên giáo dục cho tất cả mọi người, làm cho vai trò của giáo viên thay đổi (thiên về phía người hướng dẫn), người học có thể phát huy tính tích cực tự truy cập vào nguồn tài nguyên học tập vô cùng phong phú ở trên mạng Internet (e-learning) mọi lúc, mọi nơi, mọi thứ, cho mọi loại hình giáo dục chính qui hay không chính qui, ngoại khoá … Đó là các tiêu chí mới của giáo dục mà từ trước tới nay chưa bao giờ có thể đạt được.

Vì vậy từ chỗ nghe thấy CN4T là chúng ta nghĩ đến việc mở khoa CNTT, mở khoa Điện tử – Viễn thông, là mở Trung tâm đào tạo, là đào tạo nguồn nhân lực CNTT thì nay chúng ta sẽ phải nhìn CN4T bằng con mắt khác: quyền được hưởng thành quả cách mạng CN4T của tất cả mọi người, mọi ngành và do đó tất cả đều phải sử dụng đến CN4T. Nên thay đổi cách nghĩ là bị ép buộc phải dùng mà nên nghĩ là quyền được hưởng, quyền được dùng.

VI.  ĐỔI MỚI QUẢN LÍ GIÁO DỤC - CÔNG NGHỆ QUẢN LÍ

1)    Một thời tụt hậu của tư duy quản lí

Một hiện thực là các nhà quản lí các cấp nói chung (không riêng gì giáo dục) cho đến nay thường không bắt kịp sự tiến bộ của công nghệ, đặc biệt là CN4T. Sự lạc hậu thể hiện trên cả hai phương diện: tư duy quản lí kĩ năng sử dụng.

Thí dụ việc mở Internet: chúng ta đã áp dụng khẩu hiệu “Quản lí tới đâu thì cho mở (Internet) tới đấy” (Nghị định 22, kí 1997). Đây là cách suy nghĩ ấu trĩ của những ngày ban đầu vì các nhà quản lí đều nhìn Internet như con ngáo ộp với những dư luận xấu, chưa phải bằng cách mắt thấy, tai nghe, tay dùng thử. Ngày 23/8/2001 vừa rồi, Chính phủ khẳng định qua Nghị định 55 với một khẩu hiệu rất đổi mới, rất cách mạng: “Năng lực quản lí phải theo kịp sự phát triển công nghệ” vì mọi việc đã rõ ràng: Internet là hạ tầng của sự phát triển. Tuy nhiên mong muốn Internet ngày càng trở phổ biến vẫn đang gặp rào cản khác: giá cước ở Việt nam quá cao trong khi thu nhập cực thấp, hạ tầng kĩ thuật (băng thông đường truyền) cũng còn thấp. Thế độc quyền bưu điện cũng đang được tháo bỏ dần qua Nghị định 55. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự lạc hậu về văn hoá số của các nhà quản lí. Khẩu hiệu nói trên của Chính phủ không chỉ đúng cho việc phát triển Internet mà còn đúng cho nhiều ngành ở Việt nam.

Một số thực tế khác ở Việt nam do nhận thức sai lệch của các nhà quản lí:

-         Phòng máy tính được quản lí chặt chẽ tới mức chỉ được mở ra ở những giờ có môn tin học. Các giờ khác ngay cả giáo viên tin học cũng không được phép vào.

-         Cho giáo viên tin học (phổ thông) đi dạy giáo dục công dân vì thấy thừa ?!

 2)    Quản lí giáo dục và sự đổi mới

Quản lí giáo dục hiện nay có thể nói còn khá vất cả: thu thập thông tin còn thủ công, tìm kiếm thông tin cũng thủ công, mang tính mệnh lệnh giấy tờ hành chính. Thí dụ sinh viên tốt nghiệp khi ra trường phải chạy đi xin chữ kí các phòng ban để chứng nhận không nợ gì, thông báo điểm tuyển sinh đại học cũng chỉ dừng ở mức dán lên tường, chưa chính thức đưa lên mạng Internet.

Kì tuyển sinh đại học vừa qua, Bộ GD và ĐT (Vụ đại học, TRUNG TÂM TIN HọC) đã hợp tác cùng Công ty VDC bắt đầu chính thức đưa thông báo kết quả điểm tuyển sinh đại học lên mạng Internet, lên bảng web của Bộ và của VDC.  Điều này đã được xã hội hoan nghênh, giải toả được những bất cập của cách làm cũ: tốn kém thời gian, công sức, tiền của, giải đáp được sự khắc khoải chờ tin  của thí sinh và gia đình. (Tuy việc này làm có chậm chạp một chút). Trong năm tới, chúng tôi mong rằng đích thân Hiệu trưởng các trường quan tâm tới việc đưa kết quả lên mạng Internet, coi đó là điều bắt buộc.

Một thí dụ khác về in đề thi phổ thông và đại học: trước đây học sinh phải chép tay mất 30 phút, còn Bộ thì phải in đề mỏi tay vì quay roneo và ngồi lo sợ lộ đề trong quá trình di chuyển phân phát. Nhờ một chút công nghệ hỗ trợ, học sinh đi thi mỗi người một đề cầm trong tay, còn Bộ thì chỉ gửi đĩa mềm mã hoá cho các sở.

Việc quản lí trên mạng đã đem lại lợi ích to lớn: tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả và chính xác, tránh phình to bộ máy hành chính. Chúng ta không thể tiếp tục cử nhiều đoàn thanh tra tới các trường, các đơn vị… tra cứu từng núi hồ sơ để tìm văn bằng giả. Chúng ta không thể buông lỏng quản lí du học tự túc nhưng cũng không thể tạo ra những thủ tục phiền hà cho người đi học … Áp dụng CN4T cho quản lí là một con đường đúng và cần đẩy mạnh triển khai.

 

3)    Các công việc cần làm để đổi mới quản lí giáo dục gồm

a)      Xây dựng hạ tầng cơ sở:

-         Mạng máy tính nội bộ (LAN),

-         Mạng truyền thông kết nối giữa các đơn vị ở xa, kết nối Internet.

-         Đăng kí tên miền riêng và thiết lập hệ thống e-mail riêng.

b)     Tin học hoá công tác điều hành hàng ngày: quản lí công văn, theo dõi công việc, lập lịch công tác, lập báo cáo, tổng hợp, trao đổi bằng thư điện tử …

c)     Xây dựng các Hệ thống thông tin quản lí giáo dục (EMIS: Education Management Information System) bao gồm nhiều EMIS chứ không chỉ cần có một. Mỗi Vụ bậc học, mỗi đơn vị trong Bộ quan tâm tới một EMIS của mình.  EMIS tiểu học, EMIS trung học, EMIS đại học, EMIS nghiên cứu khoa học, EMIS cơ sở vật chất, EMIS giáo viên … song tốt nhất phải là e-EMIS.

d)     Nâng cao nhận thức, hiểu biết của đội ngũ quản lí và chuyên viên thông qua huấn luyện, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ.

e)     Tiếp thu chuyển giao công nghệ, triển khai thực tế hệ thống nói trên đi đôi với việc nhập dữ liệu, bảo dưỡng hệ thống … thường xuyên hàng năm

 Trên thực tế các dự án tin học hoá quản lí thường hay thất bại vì sự yếu kém của mục d và mục e. Khi tiếp xúc với các đơn vị, chúng tôi sợ nhất là mục mua máy thì nhanh, xây dựng phần mềm và triển khai nhập tin hàng ngày thì lờ đi. Hệ thống máy tính đắt tiền trở thành đống máy chữ.

 4)    Và công nghệ để đổi mới quản lí giáo dục ở Việt nam

Mấu chốt chính là các hệ thống phần mềm quản lí mọi hoạt động như  đào tạo, NCKH, hành chính, tài chính … do Trung tâm Tin học của Bộ  thiết kế và triển khai. Đặc điểm cơ bản và nổi bật là cực kì dễ dùng, chạy cả trên mạng nội bộ cũng như trên mạng Internet, có thể hiểu như là e-EMIS. Chúng tôi đề xuất một hệ thống quản lí mới trong đó danh sách mọi lớp học (cả phổ thông lẫn đại học) khi bắt đầu hình thành lớp học phải được đưa vào quản lí trên máy tính của trường và Bộ. Làm được điều này thì thật sự là cả một cuộc cải cách về quản lí giáo dục. 

a)      Hệ thống quản lí đào tạo đại học, quản lí sinh viên. Mô hình quản lí sẽ là danh sách mọi lớp học được lập ra ngay khi mở khoá đào tạo và được chuyển lên hệ thống mạng quản lí giáo dục. Sinh viên ra trường ? Vô cùng đơn giản: một cửa và máy tính sẵn sàng in ra luôn cả hồ sơ, học bạ, kể cả ảnh. Quản lí mọi loại hình đào tạo: Chính qui, tại chức …

b)     Hệ thống quản lí hoạt động khoa học, quản lí các đề tài NCKH,

c)     Hệ thống quản lí đào tạo sau đại học,

d)     Hệ thống quản lí nghiên cứu sinh, kể cả công bố và lưu trữ luận án,

e)     Hệ thống quản lí công chức và giáo viên,

f)      Hệ thống tuyển sinh đại học, cao đẳng (bản mới)…

g)     Hệ thống quản lí tài chính, kế toán.,

h)     Quản lí hợp tác quốc tế,

i)       Quản lí du học bằng ngân sách nhà nước,

j)       Quản lí văn bằng chứng chỉ,

k)     Quản lí việc du học bằng ngân sách nhà nước (niêm yết chỉ tiêu, nội dung thi tuyển, danh sách trúng tuyển, các nơi nhận đào tạo…),

l)       Sổ tay quản lí sinh viên của một giáo viên trên mạng.

m)   Xây dựng hệ thống e-mail riêng, hệ thống thông tin tựa web (web based) riêng.

 

Các phần mềm trên đã triển khai cho một số Vụ như KHCN, SĐH …và phát huy được tác dụng.

Ngoài ra chúng tôi cũng đã xây dựng thành công hệ thống thông tin cho giáo dục phổ thông:

n)     Hệ thống mạng của Sở GD và ĐT: e-mail và website với tên miền riêng, hệ thống thông tin cho toàn sở…

o)     Phần mềm quản lí các trường phổ thông,

p)     Phần mềm hỗ trợ và giúp tự xếp thời khoá biểu phổ thông

q)     Niên giám điện tử về thống kê tổng hợp số liệu giáo dục ở mọi cấp trường, phòng, sở, bộ.

… 

Chúng tôi đang tiến tới làm các phần sau:

r)      Quản lí các trung tâm làm dịch vụ du học tự túc (niêm yết giấy phép, các hoạt động tuyển sinh, nơi học, chương trình học, kinh phí đào tạo…),

s)      Quản lí các hoạt động liên doanh, liên kết đào tạo …  

Mấy dòng trên giới thiệu không chỉ là các sản phẩm công nghệ mà còn là sự thể hiện những việc làm cụ thể, đi trước một bước của công nghệ: làm trước, nói sau. Trăm hay, trăm thấy không bằng một lần dùng thử ! Quí vị có thể thăm quan chi tiết hoặc dùng thử  các phần mềm quản lí giáo dục đại học nói trên. 

5)     Cải cách giáo dục với CN4T

Đề xuất về một cuộc cải cách giáo dục ở Việt nam trong giai đoạn này mà không có CN4T góp phần (theo nghĩa những người thiết kế, thực hiện chương trình cải cách cần biết khai thác CN4T để tham khảo thế giới, để mở rộng tầm nhìn, để coi đó là phương tiện đổi mới nội dung và phương pháp…) thì có thể coi là cầm chắc lấy sự lạc hậu vì thiếu thông tin.

Chương trình  hoạt động của APEID (Asia and the Parcific Progamme of Educationnal Innovation for Development) của UNESCO được chuẩn bị cho giai đoạn 2002-2007 đã có chủ đề Sử dụng CN4T để đổi mới giáo dục (Use of Information and Communication Technologies for Educational Innovations). Việt nam  chúng ta cũng đang bàn đến cải cách giáo dục song liệu có tính đến CN4T ?

VII.        ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC – CÔNG NGHỆ DẠY - HỌC

Đổi mới phương pháp dạy và học là một trong những mục tiêu lớn được ngành giáo dục và đào tạo đặt ra trong giai đoạn hiện nay và là một mục tiêu chính đã được Nghị quyết TW2, khoá VIII chỉ ra rất rõ ràng và cụ thể:

"Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục - đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học. Từng bước áp dụng các phương pháp tiến tiến và phương tiện vào quá trình dạy và học, bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu của học sinh, nhất là sinh viên đại học. Phát triển mạnh phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân, nhất là thanh niên".

Một ý kiến khác: "Phương pháp giảng dạy ở các Trường đại học hiện nay rất lạc hậu, cách truyền thụ kiến thức bằng độc thoại vẫn là phổ biến. Phương pháp của  sinh viên rất thụ động".

CN4T với công nghệ multimedia, với Internet, với đĩa CD, và đặc biệt là e Learning (học qua mạng) đang làm thay đổi cách thức dạy và học. Từ chỗ thầy dạy suông, trò học thụ động theo kiểu công nghệ chép lấy chép để bài giảng trên lớp phổ biến như hiện nay, công việc dạy và học đã  thay đổi với phương châm mới:

o       Học tập mềm dẻo suốt đời thay cho học để thi cử trong một đoạn cuộc đời.

o       Học để nâng cao chất lượng cuộc sống, để nâng cao trí tuệ hơn là vì học để thi cử lấy bằng cấp.

o       Tích cực hoá quá trình dạy và học qua các việc làm cụ thể của giáo viên thay vì lí luận nhiều.

Tính tích cực hoá trong quá trình học tập sẽ làm cho quá trình học hứng thú, hưng phấn hơn, hiệu quả hơn, hiểu bài nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn. CN4T làm được điều đó vì: sử dụng các loại phương tiện nghe và nhìn trong multimedia, tạo ra các tình huống học tập khác nhau, tạo ra các nguồn tài nguyên phong phú trên mạng.

o       Vận dụng linh hoạt việc áp dụng CN4T vào từng hoàn cảnh, không áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc.

-         Giáo viên tâm đắc với phần mềm nào thì quá trình giảng dạy mới đạt hiệu quả. Mọi sự áp đặt từ cấp trên đưa xuống sẽ trở nên vô nghĩa. Phương pháp giảng dạy tốt là do giáo viên trực tiếp đứng lớp quyết định, không phải ai đó ở các viện nghiên cứu sáng tác ra để áp đặt cho họ.

-         Không cứng nhắc trong việc xây dựng chương trình đào tạo về CN4T, trong việc xây dựng nội dung bài giảng.

o       Giáo viên tự xây dựng công cụ giảng dạy nhờ hợp tác của chuyên gia  CN4T

Chúng ta cần phải chuyển giao công nghệ làm phần mềm dạy học tới mọi giáo viên đại học cũng như phổ thông để họ … tự làm. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên sẽ tự làm trang web của mình, tự sản xuất phim chiếu overhead để dạy học. Đây là một chủ trương cần phải nhân rộng để tạo ra một bình diện mới, một phong trào mới. Các chuyên gia CN4T không thể làm hết các phần mềm dạy học, một phần do thời gian có hạn, một phần chủ yếu là họ không hiểu bài giảng như các giáo viên chuyên môn. Vì vậy cần có sự kết hợp giữa chuyên gia CN4T và các nhà chuyên môn khác.

Vì vậy tại Hội nghị giám đốc Sở GD và ĐT tại Đà nẵng, 7/2001, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã có lời nhận xét phê bình về đổi mới phương pháp giảng dạy lâu nay ta đã nói nhiều, nhưng làm thì ít.

Chúng tôi cũng đã thử nghiệm công nghệ dạy môn tin học đại cương tại trường ĐHBK Hà nội và dạy toán lớp 2 trên CD và mạng Internet với công nghệ Multimedia.

o       E-learning: đỉnh cao của công nghệ dạy và học

Các cua học được tổ chức trên mạng Internet đã đáp ứng được mọi tiêu chí: học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi thứ và học mềm dẻo, học một cách mở và học suốt đời.  Đó là quyền được hưởng của nền giáo dục cho mọi người. Với mạng giáo dục EduNet, chúng ta có thể tổ chức e-Learning.

E Learning cấu thành bởi 3 phần:

-         Công cụ gồm

o       Các phần mềm tạo bài giảng (Authoring tools)

o       Các phần mềm quản lí dạy và học (Learning Management Systems, LMS).

o       Phần máy móc: webcam, camera, server…

-         Nội dung: giáo viên tạo ra các bài giảng, cua học… Cần tổ chức đào tạo tập huấn để họ tự làm lấy bài giảng.

-         Dịch vụ: đưa bài giảng đến với sinh viên, học sinh qua đĩa CD, hoặc trực tuyến. Có thể thu lệ phí. Có thể tổ chức khoá học ảo.

Trung tâm Tin học sẽ tư vấn, triển khai, chuyển giao, đào tạo  để  có công nghệ e Learning thích hợp, dễ dùng, thiết thực, hiệu quả. Không nên “chạy đua” sắm các hệ thống phức tạp tốn cả triệu USD, mua về không dùng được do đội ngũ cán bộ chưa cân xứng với công nghệ.

 

VIII.     ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO VÀ ỨNG DỤNG VỀ CN4T 

Hiện nay nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT được Chính phủ giao cho Bộ GD và ĐT. Trong báo cáo này chúng tôi chủ yếu đề cập đến một số vấn đề đổi mới tư duy và giải pháp cần quan tâm. 

1. Đổi mới hoạt động của giáo viên với CN4T:

o       Huy động, động viên tất cả giáo viên ở tất cả các bộ môn và khoa để dạy một số môn tin học hoặc ứng dụng CN4T. Thí dụ giáo viên các khoa kĩ thuật nên trực tiếp dạy tin học đại cương, tin học ứng dụng chuyên ngành, ngôn ngữ lập trình PASCAL, C/C++… Như vậy vừa đỡ tải cho khoa CNTT, vừa phát huy được năng lực về CNTT của các khoa. Ngay cả các khoa xã hội nhân văn, giáo viên có thể trực tiếp dạy các môn như Soạn thảo văn bản với phần mềm word, khai thác word xử lí tiếng Việt (thí dụ thống kê tần suất từ tiếng Việt…).

o       Hiệu ứng sao đổi ngôi: Trên thế giới, nhiều lúc sinh viên, học sinh phổ thông sẽ làm thầy về CNTT cho thầy của mình ở các môn học khác.

o       Tất cả giáo viên phải được khai thác Internet vào công tác chuyên môn của mình.

o       Tất cả các khoa nên có phòng máy tính riêng, không bị lệ thuộc vào khoa CNTT hay Trung tâm máy tính của trường vì hiện nay việc sử dụng máy tính là việc thường xuyên hàng ngày của mọi người.

 

2. Đổi mới xây dựng chương trình giáo trình

-         Thay đổi quan điểm và cách làm theo nguyên tắc: mềm dẻo hoá. Cần để mỗi khoa, mỗi bộ môn CNTT tự bỏ công sức ra xây dựng chương trình của mình, tự biên soạn sách giáo trình. Bỏ đi cách làm cũ lâu nay vẫn thực hiện là Bộ đứng ra làm chương trình chung để dùng cho các trường. Mỗi đơn vị đào tạo đại học cần phải là một chủ thể trưởng thành, độc lập và tự chịu trách nhiệm. Sự phân công triệt để trong quản lí cũng cần được thể hiện trong công việc này. Cơ chế mềm dẻo này có thể ví như kẹp tài liệu đục 2 lỗ để có thể thay đổi dễ dàng tài liệu kẹp bên trong trong khi đó cuốn sách giáo khoa thể hiện sự cứng hoá, không thay đổi. Cơ chế mềm dẻo cho nhiều cấp Bộ, trường, khoa, bộ môn và giáo viên có thể ví như cách tay có bắp tay, khuỷu tay, bàn tay và từng ngón tay, đốt ngón tay. Nhờ có độ tự do riêng của mỗi bộ phận và các khớp nối mà cánh tay có thể làm được mọi việc.

-         Thời lượng học: Tiến tới cần xây dựng các môn tin học và ứng dụng CNTT có thời lượng như Vật lí đại cương, toán cao cấp với nhiều modun khác nhau tuỳ thuộc vào chuyên ngành, tuỳ thuộc vào mỗi trường để vận dụng. Đã đến lúc phải làm như vậy.

Chấp nhận việc áp dụng một số chương trình đào tạo về CN4T của nước ngoài để tham khảo, thậm chí dùng nguyên xi để không bị tụt hậu

Hình3: Triết lí của sự mềm dẻo và sự cứng nhắc

-         Dùng trực tiếp tiếng Anh: như đã phân tích, tiếng Anh là rất quan trọng. Vì vậy tiến tới chấp nhận việc dùng ngay giáo trình bằng tiếng Anh để giảng dạy và mời thầy dạy trực tiếp bằng tiếng Anh cho một số môn chuyên ngành để sinh viên tập nghe.

 

-         Thêm thời gian (2 tháng ?) để sinh viên viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh bên cạnh việc đã bảo vệ bằng bản tiếng Việt. Đây cũng là một biện pháp nâng cao chất lượng, chủ yếu là luyện nói vì phần văn viết khá phong phú do tư liệu tham khảo qua Internet rất nhiều. Tất nhiên cần có các biện pháp để khuyến khích sinh viên: chứng chỉ, suất học bổng...

-         Một điều quan trọng hơn cả là cần đổi mới tất cả các chương trình, giáo trìnhmọi bậc học, mọi môn học, mọi ngành học dưới sự soi rọi và góp phần đắc lực của CN4T. Y khoa, khoa học xã hội và nhân văn … ? Rất cần đến CN4T! Thời lượng về CN4T trong các môn học cũng tăng lên.

 

3. Xây dựng chương trình NCKH về CN4T để đổi mới giáo dục

Chúng ta cần có một chương trình nghiên cứu về CN4T để đổi mới giáo dục phổ thông và đại học với nhiều chủ đề và trên nhiều phương diện: quản lí, dạy, học, tâm lí, mạng giáo dục, e-learning, tài nguyên học tập, tích hợp trong các môn học, giao diện tựa web, mô hình cấp sở, cấp trường phổ thông, cấp đại học, multimedia, hypertext, authoring, mô phỏng quá trình học, môi trường phân tán, học từ xa qua mạng ... Đây là một việc cần làm trong công tác nghiên cứu khoa học ở nước ta.

 

IX.        XÂY DỰNG MẠNG GIÁO DỤC EduNet

 Mạng giáo dục đều được các nước tiên tiến xây dựng.  Tuyên bố chung của Bộ trưởng các nước thành viên APEC cũng đề ra việc xây dựng EduNet ở mỗi nước. Chỉ thị 58 chỉ rõ: “Đặc biệt tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối Internet tới tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo”. Mạng giáo dục  đóng vai trò là cột xương sống (backbone) của sự đổi mới và cải cách giáo dục.

Trung tâm Tin học được Bộ giao cho chủ trì dự án xây dựng Trung tâm điều khiển mạng giáo dục. 

Ngày 4/4/2003, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển và Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá đã kí kết bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển mạng giáo dục EduNet. Theo đó, Bộ BC-VT chỉ đạo các đơn vị doanh nghiệp viễn thông cung cấp hạ tầng kết nối mạng tới công trường. Các đơn vị của Bộ GD và ĐT có trách nhiệm đầu tư mạng LAN, thiết bị đầu cuối, phát triển nội dung, đào tạo cán bộ… Trung tâm Tin học là đơn vị chủ trì mạng giáo dục (Chỉ thị 29 phân công).

8/2003, Bộ GD và ĐT đã kí tiếp bản ghi nhớ với Tổng Công ty Điện lực về việc hợp tác phát triển và khai thác hạ tầng viễn thông phục vụ mạng giáo dục. Theo đó, Tcty Điện lực nhận rải cáp quang miễn phí đến các trường. Có cáp quang, băng thông đường truyền đủ lớn, việc dạy và học qua mạng sẽ thuận lợi hơn.

7/2003: Dịch vụ ADSL (Internet băng thông rộng) đã được triển khai ở Việt nam với giá khoán 1 triệu/tháng. Sự kiện này đã đánh dấu sự thay đổi về chất và giá cả.

Đến 25/12/2003: đã có 96% các trường cấp 3 trong cả nước được nối mạng Internet.

Cánh cổng của mạng giáo dục EduNet đã bắt đầu mở. Chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhất là đào tạo cán bộ và phát triển nội dung.

Đề xuất một số ý tưởng:

-         Bước đầu xây dựng dự án mạng campus nối Trung tâm Tin học của Bộ với ĐHBK-HN, ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Y khoa … cùng một số trường phổ thông xung quanh. Hạ tầng kĩ thuật sẽ là một vòng cáp quang băng thông cực lớn, có thể nối thẳng cổng Internet và cổng vệ tinh ?

-         Cho phép các trường ĐH lớn và mạng giáo dục nối thẳng vào vệ tinh như SaiGon Software Park (SSP) đã làm.

-         Tiếp tục giảm giá ADSL để có thể mỗi khoa, mỗi bộ môn, mỗi trường có một đường kết nối. Các nước khác giá kết nối ADSL khoảng 20-29 USD.

 

X.    YẾU TỐ CON NGƯỜI

 Trong tất cả các hệ thống mạng thông tin  máy tính thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Để có thể khai thác một cách có hiệu quả các trang thiết bị, các ứng dụng phần mềm thì song song với việc triển khai hệ thống mạng và các phân hệ thông tin, chúng ta cũng cần phải  có các yếu tố sau:

 

¨      Sự quyết tâm đổi mới phương thức làm việc của lãnh đạo các cấp trong Bộ, trường đại học, sở qua việc tin học hoá. Chính phủ đã có Quyết định 112 phê duyệt Chương trình Tin học hoá quản lí hành chính nhà nước. Bên cạnh đó việc bổ nhiệm chức danh mới là CIO (Chief Information Officier) đang được Ban Tổ chức Chính phủ gấp rút chuẩn bị.  (Xin xem phụ lục C). 

¨      Sự hiểu biết về CN4T và vai trò CN4T trong quản lí của các nhà quản lí giáo dục. Chúng ta cần hiểu là: Thời gian là vàng, là tài sản.  Việc chậm trễ thực hiện tin học hoá là mất đi cơ hội sinh lợi và làm giầu, mất đi cơ hội thăng tiến, mất đi cơ hội được hưởng thụ thành quả vĩ đại của CN4T.

¨      Có đội ngũ cán bộ được đào tạo các kiến thức cần thiết về CN4T. Phải tính đến việc tổ chức các lớp, khoá đào tạo cơ bản và nâng cao cho cán bộ, nhân viên trong ngành để họ có thể đáp ứng được các yêu cầu của công việc trong một môi trường làm việc mới.

¨      Có đội ngũ chuyên gia CN4T tinh nhuệ, nhiệt tình và tận tâm với công việc để quản trị hệ thống mạng, để thiết kế hoặc triển khai phần mềm.

¨      Sự phối hợp chặt chẽ giữa Văn phòng Bộ, các Vụ, Sở GD và ĐT, Trường ĐH với Trung tâm Tin học.

Việc tin học hoá nên xuất phát từ nhu cầu thực tế và nên làm sao cho thực sự có hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy:

-         Lãnh đạo các cấp không quan tâm tới tin học hoá quản lí thì mạng sẽ “chết”: chẳng có thông tin trên mạng, chẳng có ai cập nhật thông tin. Các nhà quản lí cần hiểu rằng tin học hoá quản lí là để giúp cho các nhà quản lí tăng thêm thông tin và tri thức, ra các quyết định chính xác nên họ phải là người cần dùng đầu tiên chứ không phải là nhân viên và càng không phải là các chuyên gia CNTT. Một lần nữa cho thấy chức danh CIO bị khiếm khuyết.

-         Hệ thống phần mềm đóng vai trò quyết định sự thành công của công tác tin học hoá.

-         Không nên mua sắm thiết bị quá nhiều khi không hình dung ra nhu cầu về phần mềm kèm theo cùng hiệu quả sử dụng của hệ thống.

-         Chuyển giao công nghệ trọn gói là phương án nhanh nhất, hiệu quả nhất và đạt kết quả chắc chắn nhất.

 

Tỉnh Hoà bình mặc dù là tỉnh miền núi và nghèo song lại là tỉnh đầu tiên trong cả nước có hệ thống thông tin giáo dục hoàn chỉnh trên mạng Internet, có ứng dụng các phần mềm dạy học tiểu học… Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thành công là nhận thức, nhiệt tình và quyết tâm của trực tiếp lãnh đạo Sở, của cán bộ, giáo viên. Nguyên nhân thứ hai là được Trung tâm Tin họcchuyển giao toàn bộ các loại công nghệ một cách trọn vẹn, đầy đủ.

 

XI. PHƯƠNG HƯỚNG TRIỂN KHAI VÀ KHẢ NĂNG HỢP TÁC

Với tư cách là một Trung tâm đầu mối nghiên cứu, sản xuất, đào tạo về CNTT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Tin học đã sản xuất và cung cấp các loại phần mềm, các hệ thống thông tin, chuyển giao công nghệ về CNTT. Trung tâm Tin học đã được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ chủ trì dự án mạng giáo dục (EduNet), chủ trì triển khai tin học hoá quản lí nhà nước…

Chúng tôi có thể hợp tác và chuyển giao công nghệ trên nhiều phương diện:

-         Các phần mềm quản lí giáo dục như đã nêu trên.

-         Triển khai hệ thống e Learning hiệu quả, thiết thực, nhanh chóng.

-         Các phần mềm dạy học, kể cả việc hợp tác xây dựng phần mềm mới với các ý tưởng kịch bản của giáo viên ở các trường, các sở.

-         Công nghệ đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học.

-         Xây dựng hệ thống thông tin hoàn chỉnh, trang web cho mỗi trường, mỗi sở.

-         Thiết kế và thực hiện mạng máy tính.

-         Đào tạo chuyên gia quản trị mạng, chuyên viên CNTT, bồi dưỡng giáo viên…

-         Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo và ứng dụng tin học phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mỗi địa phương, mỗi trường với các modun tin học khác nhau. 

Trung tâm Tin học đã sẵn sàng chuyển giao Công nghệ giáo dục tới mọi đơn vị giáo dục một cách có hiệu quả về kinh tế, thời gian, công sức cũng như hiệu quả sử dụng.

        PHỤ LỤC

ĐÁNH GIÁ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SỰ  YẾU KÉM VỀ CNTT TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Chính phủ đã có đánh giá về yếu kém trong nhận thức về thông tin và CNTT, một căn bệnh phổ biến ở nước ta trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay:

- Cát cứ thông tin xuất hiện. Nhiều Bộ, ngành coi thông tin quản lý của mình là thông tin riêng của ngành, không coi đó là tài sản quốc gia hoặc cung cấp dữ liệu tổng hợp không đầy đủ để các cơ quan khác có đủ thông tin phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ra quyết định. Nhiều cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước ở cấp Trung ương và địa phương có thói quen tích lũy thông tin riêng, nên khi có thông tin thuộc phạm vi mình phụ trách đã không cập nhật vào mạng tin học để sử dụng chung.

- Dữ liệu trên mạng tin học: Hệ thống kỹ thuật hạ tầng công nghệ thông tin đã được xây dựng ở một trình độ nhất định, cho phép thực hiện việc truyền, nhận thông tin đa chiều. Thông tin phát sinh trong quá trình hoạt động quản lý  hành chính có nhiều, nhưng việc tích luỹ thông tin dưới dạng điện tử chỉ mới dừng ở mức thấp; đến nay mới tích luỹ trên mạng ở một số loại thông tin cơ bản. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là các cấp, các ngành chưa kiên quyết gắn việc ứng dụng công nghệ tin học với xử lý công việc hàng ngày, chưa thực hiện tốt kỷ cương hành chính trong việc cập nhật thông tin điện tử, chưa cải cách hành chính đủ mạnh để đưa hệ thống ứng dụng tin học vào guồng máy hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

 - Về tổ chức bộ máy: cho đến nay vẫn chưa có quy định chung về vị trí, chức năng, nhiệm vụ đối với các đơn vị chủ trì các Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; thậm chí không có ngạch công chức, không có chức danh cho cán bộ làm công tác tin học. Vì lý do này, các cơ quan hành chính nhà nước đã không thu hút được chuyên gia kỹ thuật giỏi, do đó, việc tiếp thu chuyển giao công nghệ, chỉ đạo triển khai các dự án ứng dụng rất bị hạn chế; các nguyên tắc của hệ thống mở, các chuẩn chung về công nghệ và thông tin không được giám sát chặt chẽ.

  (Trích đề án Tin học quản lí hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 do Thủ tướng Chính phủ kí phê duyệt ngày 25/7/2001).

QUÁCH TUẤN NGỌC
Trung tâm Tin học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

(04) 8693715 và 0913208044
qtngoc@moet.edu.vn

 

 http://vietsciences.free.fr  -