Giáo sư Viện sĩ Nguyễn
Văn Đạo -sponsor của Vietsciences- đã gởi tặng cho chúng ta những bài
viết trước khi vĩnh viễn ra đi. Những lời nhắn nhủ đó sẽ đưa Ông đến
với chúng ta khi ta xót xa thương tiếc Ông. Vị
giáo sư tài giỏi, nhân cách lớn, "không trả lời 'không'
với người cần đến mình" sẽ bất tử.
Đoàn cán bộ của Hội đồng Khoa học Tự nhiên của Việt Nam đến
thăm viện
KIST vào giữa mùa đông lạnh giá, nhưng đã được đón tiếp rất nồng nhiệt.
Chủ tịch Kim Youseung đã ân cần tiếp đón chúng tôi và giới thiệu những
nét chính về những thành tựu mà Viện đã đạt được trong thời gian gần
đây. Sự phát triển của KIST là một điển hình tốt không chỉ đối với Hàn
Quốc mà cho cả các nước đang trong quá trình phát triển.
Một nhiệm vụ rõ ràng, một Viện trưởng tài năng, một Tổng thống sáng suốt
là kết luận của chúng tôi về những nhân tố dẫn đến thành công củaViện.
KIST là tên viết tắt của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (The Korea
Institute of Science and Technology), được thành lập vào năm 1966 với
nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng
Hàn Quốc đến một xã hội phát triển trên nền tảng của các công nghệ hiện
đại. Ngày nay, đáp ứng niềm mong đợi và mơ ước của nhân dân Hàn Quốc,
KIST đặt mục tiêu phấn đấu để trở thành một trong mười viện nghiên cứu
tốt nhất thế giới trong những lĩnh vực chiến lược của công nghệ trong
tương lai, đóng vai trò động lực cho sự phát triển kinh tế và hiện đại
hoá nền công nghiệp phát triển của Hàn Quốc. KIST đã từng có vai trò
chính trong việc thu hút chất xám của các nhà khoa học giỏi của Hàn Quốc
đã rời đất nước đi làm việc ở các nước phương Tây, giải quyết nạn chảy
máu chất xám một hiện tượng phổ biến ở tất cả các nước đang phát triển.
Vào năm 1966, để hoàn thành sứ mạng của KIST, việc đầu tiên là phải tìm
được một Viện trưởng tâm huyết, tài đức song toàn. Tiến sĩ Choi Huyng
Sup - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc -
đã được Tổng thống Park đích thân lựa chọn. Ông đã lọt vào mắt xanh của
Tổng thống sau khi phát biểu phản bác lại một ý kiến của Tổng thống.
Việc này xảy ra trong một buổi chiêu đãi các Viện trưởng của các viện
quốc gia. Tại đây, Tổng thống rất hào hứng khoe với mọi người về kỷ lục
xuất khẩu áo len, đạt tới 20 triệu đô la Mỹ. Tiến sĩ Choi lập tức phản
ứng:'' Kỷ lục này thật đáng biểu dương, nhưng chúng ta còn phải bám lấy
mặt hàng này bao lâu nữa? Nhật Bản đã xuất khẩu đến một tỷ đô la Mỹ các
sản phẩm điện tử, sức mạnh này từ đâu ra? Câu trả lời là phải phát triển
công nghệ, chúng ta phải phát triển công nghệ!.
Hàn Quốc phải phát triển công nghệ là một quyết định dứt khoát sau đó
của Tổng thống Park. Để làm được việc này nhất thiết phải xây dựng viện
KIST và ngày 3/2/1966 Tổng thống đã giao cho tiến sĩ Choi đảm nhiệm chức
vụ Viện trưởng sáng lập của Viện này. Trong tay tiến sĩ Choi chỉ có mỗi
một tờ giấy quyết định làm Viện trưởng, không có tiền, không có cán bộ,
không có cả chỗ ngồi làm việc. Song ông có một trái tim đầy nhiệt huyết
và một ý chí phi thường.
KIST khởi nghiệp từ một phòng bệnh nhân mượn tạm của một bệnh viện, rồi
được chuyển sang nhờ một văn phòng không vách ngăn đầy ruồi vì ở bên
cạnh một chợ cá. Bù lại, KIST đã được Tổng thống Park đặc biệt quan tâm:
Trong suốt ba năm liền sau khi được thành lập, mỗi tháng Tổng thống đến
thăm viện hai lần để tìm hiểu công việc của Viện, giải quyết những vướng
mắc, khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Viện phát triển nhanh. Ông
yêu cầu Viện trưởng hai điều: 1- Không phải lo nghĩ gì về ngân sách hoạt
động của KIST. 2- Trong việc lựa chọn các nghiên cứu viên vào làm việc
tại KIST không được chấp nhận bất cứ yêu cầu của cá nhân nào (thời đó,
nhiều đại biểu Quốc hội mong được đưa con cháu vào làm việc tại Viện).
Tổng thống đã khiển trách kịp thời người lãnh đạo Uỷ ban Kế hoạch - Kinh
tế Hàn Quốc khi định cắt giảm ngân sách xây dựng viện KIST, được phê
duyệt chỉ 8 tháng sau khi thành lập; đã chấp nhận việc tăng lương cho
các cán bộ nghiên cứu của KIST lên bằng 1/4 mức lương họ có thể nhận
được ở Mỹ và vượt xa mức lương của cán bộ các viện khác, bất chấp sự
phản đối của nhiều cơ quan, trong đó có cả Bộ Khoa học và Công nghệ.
Nghiên cứu nghiêm túc kinh nghiệm của các viện nổi tiếng thế giới, đồng
thời bám sát thực tiễn của Hàn Quốc, Viện trưởng Choi đã đề ra đường lối
phát triển riêng cho KIST, đặc biệt quan tâm đến mục tiêu phục vụ cho sự
phát triển kinh tế của Hàn Quốc. KIST tập trung nghiên cứu những vấn đề
theo hợp đồng với các cơ sở sản xuất. Viện trưởng Choi yêu cầu các thành
viên trong Viện phải tập trung nghiên cứu các vấn đề có ích cho thực
tiễn, ngay cả khi chúng không thú vị đối với các nhà khoa học, phải xây
dựng được những kế hoạch nghiên cứu có khả năng thu hút các nhà doanh
nghiệp để nhận được đơn đặt hàng nghiên cứu từ họ. Trình tự thông thường
ở Hàn Quốc lúc đó khi tổ chức một viện nghiên cứu là 1- Thành lập viện;
2- Hình thành các dự án nghiên cứu; 3- Tìm khách hàng để ứng dụng các
kết quả nghiên cứu. Còn đối với KIST thì trình tự ngược lại 1- Cùng
khách hàng lựa chọn vấn đề nghiên cứu 2- Nghiên cứu với sự tham gia của
khách hàng sau khi nhận được tiền hợp đồng. Tóm lại là nghiên cứu theo
đơn đặt hàng của người sử dụng kết quả. Đương nhiên là người đặt hàng sẽ
chi tiền cho nghiên cứu.
Những nguyên tắc làm việc của KIST đã thu hút được nhiều tài năng từ
trong và ngoài Hàn Quốc: 1- Quyền tự chủ của nhà khoa học trong nghiên
cứu; 2- Tạo điều kiện để nhà khoa học có cuộc sống ổn định và toàn tâm
toàn ý cho công việc; 3- Tạo môi trường nghiên cứu tuyệt vời. Hệ thống
hành chính phải hỗ trợ tuyệt đối cho công tác nghiên cứu. Nghiêm cấm
việc can thiệp, cản trở của các cán bộ hành chính vào công việc nghiên
cứu. Được vào làm việc ở KIST là mơ ước của thanh niên trí thức Hàn
Quốc.
Những nghiên cứu chính của KIST hiện nay được tập trung theo các hướng:
công nghệ của tương lai, khoa học và công nghệ vật liệu, công nghệ hệ
thống, công nghệ môi trường, xử lý môi trường và các khoa học về sự
sống.
Việc nghiên cứu công nghệ của tương lai được tiến hành tại Trung tâm
nghiên cứu các vi hệ, Trung tâm nghiên cứu các thiết bị nanô và Trung
tâm công nghệ các hệ nanô nhằm đạt được những thành tựu tiên tiến trong
lĩnh vực các thiết bị nanô bằng cách phát triển công nghệ mạng
(spintronic), các vi hệ thông minh, công nghệ các chíp sinh học và công
nghệ làm sạch nước.
Khoa học và công nghệ vật liệu được nghiên cứu trong các trung tâm
nghiên cứu về các vật liệu màng mỏng, vật liệu quang điện tử, cao phân
tử lai ghép, chế biến kim loại, kim loại cao cấp, vật liệu nanô, gốm đa
chức năng? với sự tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực về nanô như bột
nanô, vật liệu mới cho màng mỏng, vật liệu cao cấp dùng cho các thiết bị
điện tử và thông tin dựa trên những kết quả nghiên cứu đã tích luỹ được
trong suốt ba chục năm qua về gốm, kim loại, cao phân tử và vật liệu hỗn
hợp (Composites).
Công nghệ hệ thống là một ngành nghiên cứu về lĩnh vực đời sống điện tử
(lifetronics) như sự tương tác giữa máy tính và con người, các vi hệ,
công nghệ quang học thế hệ mới để tăng cường năng lực của các ngành công
nghiệp liên quan. Các vấn đề này được nghiên cứu trong các Trung tâm về
rôbốt thông minh, lưu biến (Tribology), CAD - CAM, quang dẫn?
Công nghệ môi trường và xử lý môi trường tập trung vào việc kiểm tra,
theo dõi, quản lý môi trường và các công nghệ kiểm soát cũng như việc
nghiên cứu hệ năng lượng thế hệ mới dựa trên các pin và ác quy hiện đại.
Chúng được tiến hành trong các trung tâm nghiên cứu về nguồn không khí,
về môi trường nước, sinh thái nanô, công nghệ làm sạch, pin nhiên liệu?
Các khoa học về sự sống có nhiệm vụ nghiên cứu về các hợp chất có hoạt
tính sinh học mới nhờ hoá tin học (Chemoinformatics), công nghệ màng
mỏng,? và được tiến hành nghiên cứu tại các trung tâm về hoá dược, sinh
hoá, phân tích và chuyển hoá sinh học, vật liệu sinh học?
Tại KIST, khẩu hiệu được mọi người luôn luôn nhớ tới là Biến những ước
mơ thành hiện thực. Đó là ước mơ trở thành một trong những viện nghiên
cứu hàng đầu thế giới. Chúng tôi tin chắc rằng các bạn đồng nghiệp ở
KIST sẽ thành công và KIST sẽ được xã hội thừa nhận như một tổ chức đi
tiên phong trong việc phục vụ cho sự phát triển của Hàn Quốc thông qua
công tác nghiên cứu về khoa học và công nghệ.
Rời viện KIST, trong đầu của chúng tôi vẫn âm vang câu chuyện kể rằng:
Vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước có một con người cứ mỗi lần đi
qua toà nhà của viện KIST đều giơ tay chào như một dấu hiệu cảm ơn. Đó
là Chủ tịch của một công ty lớn, suýt bị phá sản vì những sai sót về kỹ
thuật và đã được các nhà khoa học của KIST giúp giải quyết thành công.
GS. Nguyễn Văn Đạo
(Bản tin ĐHQGHN, số 181, tháng 3/2006)