Khoa học cơ bản (KHCB) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát
triển, mở mang trí tuệ của mỗi con người và của toàn xã hội; là nền móng
cho sự phát triển của khoa học công nghệ - lực lượng trực tiếp thúc đẩy
phát triển sản xuất. Vậy tình hình nghiên cứu KHCB của nước ta hiện nay
ra sao và chúng ta cần phải có những giải pháp nào để thúc đẩy sự phát
triển của các lĩnh vực này?
Thực trạng các ngành khoa học cơ bản
Trong số các nước đang phát triển, Việt Nam được đánh giá là một nước
có nền KHCB tương đối tốt. Đây là một hiện tượng hiếm có vì nước ta là
một nước nghèo, chậm phát triển, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh
giành độc lập dân tộc ác liệt, kéo dài và trước đây chưa có truyền thống
trong các lĩnh vực khoa học này.
Những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ 20 là thời kỳ thăng hoa của giáo
dục đại học, khoa học của Việt Nam. Mặc dù chiến tranh và những khó khăn
to lớn về kinh tế, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, Đảng và Chính phủ vẫn
đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục và khoa học, mở hàng loạt trường
đại học để đào tạo cán bộ có trình độ cao ở ngay trong nước, đồng thời
cử hàng chục nghìn thanh niên ưu tú đi đào tạo ở nước ngoài. Những học
sinh xuất sắc nhất đã theo học các ngành KHCB. Nhờ vậy, chỉ trong một
thời gian ngắn, nước ta đã có một lực lượng gồm hàng trăm tiến sĩ khoa
học (TSKH), hàng ngàn tiến sĩ về các ngành KHCB. Ở một số lĩnh vực KHCB,
cán bộ nước ta đã đạt tới trình độ quốc tế. Một số hội nghị, hội thảo
quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam và do các nhà khoa học Việt Nam chủ
trì đã rất thành công.
Giai đoạn đầu, khi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã
hội chủ nghĩa, trong các năm 1985-1993, các ngành KHCB của ta gặp nhiều
khó khăn. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, địa phương không quan tâm
đầu tư cho các nghiên cứu cơ bản. Nhà nước cũng ít đầu tư cho lĩnh vực
này. Cuộc sống khó khăn, nhiều cán bộ KHCB chuyển sang làm kinh tế, một
số rời đất nước ra nước ngoài, số học sinh theo học các ngành KHCB giảm
hẳn, giảng viên đại học thiếu việc làm, thu nhập thấp… Những tác động
tiêu cực của thời kỳ đã đến các ngành KHCB còn tiếp tục cho đến nay: Ít
học sinh giỏi theo các ngành KHCB (lí do sâu xa gắn với thu nhập thấp
của nghề giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học so với các ngành kinh
tế và đối ngoại). Sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi không muốn ở
lại trường làm công tác giảng dạy, vào viện nghiên cứu làm công tác khoa
học. Tuổi đời trung binh của các nhà khoa học có trình độ cao đã xấp xỉ
60. Hầu hết các nhà khoa học phải làm việc thêm để bù đắp những chi phí
ngày càng cao cho cuộc sống của bản thân và gia đình
Trước tình hình đó, việc ra đời của Chương
trình nghiên cứu cơ bản những năm 1990-1996 và Hội đồng Khoa học Tự
nhiên từ 1996 đến nay với kinh phí ngày một tăng có
một ý nghĩa quan
trọng, giúp chặn đứng được tình trạng suy
thoái của các ngành KHCB ở nước ta và đang làm sống động trở lại các
lĩnh vực khoa học này. Dành ra kinh phí 45 tỷ đồng một năm cho các ngành
khoa học tự nhiên là một sự ưu ái lớn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy
nhiên, nếu so với yêu cầu phát triển của các ngành khoa học tự nhiên, nhất
là đối với các ngành mới, các ngành thực nghiệm đòi
hỏi nhiều trang thiết bị đắt tiền, thì con số 45 tỷ đồng/năm quả là rất
khiêm tốn, chưa đạt mức tối thiểu để các ngành KHCB phát triển, để các
thành tựu nghiên cứu cơ bản có thể đưa được
vào sản xuất.
Giải pháp phát triển KHCB
Để đẩy mạnh phát triển KHCB ở nước ta, chúng ta cần phải giải quyết
tốt nhiều vấn đề, trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc tạo môi trường và
động lực cho các nhà khoa học để họ có thể cống hiến nhiều nhất sức lực
và trí tuệ của mình cho nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, chúng ta cũng
cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành, gắn
kết nghiên cứu và giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế.
Theo chúng tôi có sáu giải pháp phát triển KHCB.
Thứ nhất, tạo động lực cho nhà khoa
học. Như chúng ta đã biết, đối với nhà khoa học có 4 vấn đề quan hệ mật
thiết và tác động qua lại với nhau. Đó là: Niềm say mê và khát vọng sáng
tạo khoa học, điều kiện làm việc, thu nhập và
sự tôn vinh của xã hội.
Niềm say mê và khát vọng sáng tạo khoa học thuộc về bản chất của người
làm khoa học chân chính. Nó là đặc điểm phân biệt nhà khoa học, nghề làm
khoa học với những ngành, nghề khác. Điều này giải thích tính cách của
nhà khoa học trong cuộc sống hàng ngày và trong các mối quan hệ xã hội.
Điều kiện làm việc rất quan trọng đối với nhà khoa học, bởi những đặc
thù lao động trí óc: Cần tập trung tư tưởng cao độ, sự sáng tạo chỉ diễn
ra ở những thời điểm nhất định và trong độ tuổi nhất định. Do vậy, cần
tạo những điều kiện làm việc tốt cho nhà khoa học như các trang thiết
bị, phòng làm việc, người giúp việc…
Về thu nhập: Lao động trí óc là loại lao động phức tạp, mang đặc thù
riêng, đòi hỏi quá trình tích lũy kiến thức lâu, có khi đến hàng chục
năm, quá trình đào tạo dài nhưng có tác động lớn đến sự tiến bộ xã hội.
Vì vậy, thu nhập của nhà khoa học phải tương xứng với những đóng góp của
họ và cũng phải đủ để trang trải những nhu cầu tối thiểu. Có như vậy,
nhà khoa học mới toàn tâm, toàn ý cho công việc và sẽ không xảy ra sự
lãng phí hoặc trôi chảy chất xám.
Sự tôn vinh của xã hội là hệ quả tất yếu của sự thành đạt của nhà khoa
học. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng tích cực trở lại đối với người làm
khoa học, nhất là đối với những người có ý định theo con đường khoa học.
Ở đây, điều đặc biệt quan trọng đối với nhà khoa học là sự công bằng
trong đánh giá.
Thứ hai, Nhà nước cần đặc biệt quan
tâm việc đào tạo đội ngũ cán bộ đầu ngành thế hệ mới trong lĩnh vực KHCB
với một hệ thống các chính sách nhằm khuyến khích học sinh giỏi theo học
và làm việc trong các ngành KHCB (cung cấp học bổng, được học tại các
trung tâm chất lượng cao ở trong và ngoài nước, được bố trí công việc
ngay sau khi tốt nghiệp và được trả lương thoả đáng...). Tận dụng các
nhà giáo, nhà khoa học cao tuổi để bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục sự nghiệp
giảng dạy và nghiên cứu KHCB.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ việc nghiên
cứu khoa học và giảng dạy đại học, giữa viện nghiên cứu và trường đại
học. Mạnh dạn chuyển một số viện nghiên cứu về các trường đại học và cho
phép viện nghiên cứu mở các trung tâm đào tạo sau đại học.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực KHCB, thu hểt sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế
hàng đầu và trí thức Việt kiều trong việc phát triển KHCB ở Việt Nam.
Xúc tiến thường xuyên các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và cử
cán bộ tham gia các hội nghị khoa học quốc tế. Xây dựng tại Việt Nam một
số trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu của Đông Nam Á trong lĩnh
vực KHCB.
Thứ năm, thành lập Quỹ nghiên cứu cơ
bản thay thế cho hình thức Hội đồng Khoa học Tự nhiên hiện nay, nhằm cấp
phát kinh phí nghiên cứu trực tiếp đến người nghiên cứu.
Thứ sáu, tăng đầu tư cho các nghiên
cứu cơ bản, tiến tới đạt 10% tổng đầu tư quốc gia cho nghiên cứu khoa
học công nghệ.
GS. Nguyễn Văn Đạo
Đã đăng ở báo Nhân Dân 17/8/2006
|