Vietsciences phỏng vấn GS TS Trần Văn Khê

Vietsciences-Gs Trần Văn  Khê        25/10/2004
 

1- Vietsciences: Thưa Giáo sư, xin Giáo sư cho biềt qua là Giáo sư bắt đầu yêu thích âm nhạc từ khi nào và do hoàn cảnh nào ?

GS Trần Văn Khê : Có thể nói là tôi yêu thích âm nhạc từ lúc còn trong bụng mẹ. Khi mẹ tôi mang thai, cậu Năm, anh ruột của mẹ tôi là Ông Nguyễn tri Khương đã  tới  nhà Ông nội tôi là nơi mẹ tôi làm dâu, để xin Ông nội tôi cho phép mẹ tôi về dưỡng thai tại làng Đông Hoà, vì nhà ở Vĩnh Kim, gần lò heo, sáng nào cũng nghe tiếng heo la khi bị thọc huyết, sợ bị ảnh hưởng không tốt cho bào thai, lấy tích Mẹ Thầy Mạnh Tử đã dời nhà đi vì nhà ở gần lò heo.

Ông nội tôi bằng lòng, và từ 2 tháng trong bụng mẹ, mỗi ngày cậu Năm tôi đến thổi sáo cho mẹ tôi và tôi trong bụng mẹ nghe. Tôi đã may mắn được cách "giáo thai" đặc biệt như vậy và lúc vừa lọt lòng mẹ, do mợ Năm tôi, cô mụ tại gia, đỡ đẻ, cậu Năm tôi đã đến bên giường cữ, thổi một điệu nhạc mừng cháu ra đời. Và mỗi ngày tôi có được một giờ nghe nhạc, khi đàn tranh, đàn kìm, lúc đàn cò, thổi sáo, cậu Năm tôi đã nuôi tôi lớn lên bằng âm nhạc truyền thống Việt Nam.

 Đúng một tuổi tôi trở về Vĩnh Kim sống với ông nội tôi, thì hằng ngày, ông nội tôi đàn tỳ bà, cha tôi đàn kìm, đàn độc huyền với bạn hay với khách tôi được nghe nhạc suốt ngày. Và chưa đứng chựng tôi đã nhảy theo nhịp đờn của ông nội tôi. Ai vịn cho tôi đứng, khi tôi nghe ông nội tôi đờn mau, tôi nhảy mau, khi đờn chậm tôi nhảy chậm. Khách nào đến thăm ông nội tôi đều được thuởng thức màn «em bé 1 tuổi nhảy theo nhịp đàn" .

Tóm lại, tôi đã bắt đầu yêu âm nhạc từ trong bụng mẹ, và nhờ được sanh ra trong gia đình hai bên nội ngoại đều thích âm nhạc từ mấy đời.

 

2- Vietsciences: Tính ra Giáo sư đã có bao nhiêu năm nghiên cứu về âm nhạc ? Xin Giáo sư cho biết sơ lược về những công trình nghiên cứu lớn mà Giáo sư đã làm.

GS Trần Văn Khê : Yêu thích nhạc, biểu diễn nhạc thì từ thuở bé : 6 tuổi đã biết đờn kìm (đàn nguyệt ), 8 tuổi biết đờn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đờn tranh, 14 tuổi học đành trống nhạc lễ,18 tuổi chỉ huy dàn nhạc trường Trung học Trương Vĩnh Ký, 19 tuổi chỉ huy dàn nhạc Scola Club của Hội SAMIPIC (Société pour l’Amélioration morale, intellectuelle et physique des indigènes de Cochinchine: Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ ) 20 tuổi chỉ huy dàn nhạc trường Đại học Hà Nội.

Bắt đầu nghiên cứu về âm nhạc, từ lúc ghi tên soạn luận án Tấn sĩ Văn khoa, môn Nhạc học tại trường Đại học Sorbonne năm 1952.

Và liên tục từ khi được bổ nhậm vào Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp, Khoa Âm nhạc học, năm 1959, sau khi bảo vệ luận án Tấn sĩ tại Đại Học Sorbonne năm 1958,  đến ngày nay, tính ra tôi đã được 52 năm nghiên cứu âm nhạc.

Tôi đã có những công trình nghiên cứu lớn sau đây :

1° Âm nhạc truyền thống Việt Nam

2° So sánh nhạc khí Việt Nam với các nhạc khí đồng loại trong các nước Đông Á.

3° So sánh ngôn ngữ âm nhạc càc nước Đông Á

4° So sánh ngôn ngữ âm nhạc trong các truyền thống lớn ở các nước châu Á, và tìm những nét đặc thù trong mỗi truyền thống. :

Âm thanh (độ cao tương đối, tuyệt đối, màu âm, )Thang âm, Điệu thức, Tiết tấu, Đơn điệu và Phức điệu

5° So sánh phong cách biểu diễn, nguyên tắc mỹ học, phương pháp cấu tạo nhạc khúc, biến tấu, ứng tác ứng tấu trong các truyền thống lớn tại châu Á.

6° So sánh nhiều bộ môn âm nhạc trong các nước châu Á :

     Nhạc thính phòng

     Nhạc sân khấu và kịch nghệ

     Nhạc tôn giáo: Khổng giáo, Phật giáo

     Nhạc cung đình ..

 

3- Vietsciences: Trong những công trình nầy đề tài nào làm cho Giáo sư vui lòng nhứt ?

GS Trần Văn Khê : Đề tài về Âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Khi tôi bắt đầu nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam chưa có ai viết về lược sừ âm nhạc Việt Nam. Tôi chịu khó học thêm chữ Hán với Cố Giáo sư Hoàng xuân Hãn để đọc những quyển viết bằng chữ Hán, có tại Thư Viện quốc gia Pháp, Trường Viễn đông bác cổ :  Đại Việt Sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Ức trai di tập, Lê triều Hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, Công dư tạp ký, Vũ trung tùy bút, và đọc được cà Sử Trung quốc, như Minh sử, Khâm định Đại Thanh Hội điển sự lệ,  Tứ thư Ngũ Kinh vừa đọc bản chữ Hán vừa xem bản dịch của Séraphin le Couvreur, James Legge, v.v… đọc cả quyển nầy sang quyển nọ để tìm dấu vết của âm nhạc, như người đi trong rừng rậm, lên núi cao để tìm những cánh hoa lan.

Về nhạc khí Việt Nam, tôi đã vào Bảo tàng Viện Con Người, theo chân Ông André Schaeffner,xem từng nhạc khí Việt Nam tàng trữ trên những kệ đầy bụi, nghe được tiếng đàn đá Ndut Lieng Krak, sang Bỉ xem và ghi lại hình dáng, kích thước của những nhạc khí Việt Nam được tàng trữ tại Bảo tàng Viện Bruxelles,

Vào các Bảo tàng Viện bên Pháp, Bảo tàng Viện Con Người, Guimet, Bô Pháp quốc hải ngoại, Đài Phát thanh Pháp quốc, nghe được những bản nhạc bài ca truyền thống ghi âm trong các dĩa Pathé, Béka, Columbia.

Lại may mắn được gặp các Thầy tận tâm dìu dắc, Cố Giáo Sư Emile Gaspardone tại Collège de France dẫn di ngược dòng lịch sử trong nước Việt và Trung quốc Cố chuyên gia André Schaeffner dạy cách nhìn, cách ghi nhận về nhạc khí Viêt Nam và của các nước khác, thầy Jacques Chailley dạy cách phân tích ngôn ngữ âm nhạc, hiểu được sự thành lập và biến đổi của ngôn ngữ âm nhạc.

Và nhờ vậy mà từ năm 1957 tôi đã soạn xong luận án Tấn sĩ với 3 chương chánh : lược sử âm nhạc ; miêu tả các nhạc khí chánh trong truyền thống Việt Nam ;  sơ khảo về ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam qua các tư liệu được nghe trong các Bảo tàng Viện và dựa trên truyển thống đã học trong gia đình.

Tuy còn nhiều thiếu sót và sai lầm, luận án đó là viên gạch đầu tiên để xây toà nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam sau nầy.

Và thú vị nhứt là khi hiểu rõ những đặc điểm, những cái hay trong nhiều bộ môn đang bị chìm lần trong quên lãng, tôi đã "dấn thân"  binh vực các truyền thống đó, tìm đủ cách để soi sáng cho mọi người trong nước và trên thế giới biết được cái hay dó, để có thái độ bảo tồn gìn giữ và phát huy, để cho các bộ môn đó được đem ra ánh sáng và thêm sức hồi sinh : như ca trù, chầu văn, múa rối nước miền Bắc, nhạc cung đình, nhạc Phật giáo miền Trung, hát bội miền Nam.

 

4- Vietsciences: Hiện tại Giáo sư còn có công trình nào Giáo sư đang làm?

GS Trần Văn Khê : Ở tuổi tám mươi tư, là tuổi phải dừng bước , tính sổ, sắp loại những tư lỉệu đã thâu thập từ mấy chục năm nay, phân tích nội dung nhiều tiết mục, hay bộ môn đã sưu tầm nhưng chưa kịp nghiên cứu. Công việc đó không phải một người làm được, mà phải nhờ một số chuyên gia trẻ tuổi tiếp tay.

Tôi đã viết và xuất bản hơn 200 bài đăng trong các tap chí chuyên môn tại nhiều nước trên thế giới. Tôi đang tuyển lựa những bài có thể bổ ích cho các nhà nghiên cứu hay các em sinh viên Đại học, hay cả người thường trong việc tìm hiểu để yêu thương âm nhạc Việt Nam, để dịch ra tiếng Việt những bài viết bằng tiếng nưóc ngoài.

Còn có những bài chưa viết về cách học và cách dạy học, theo kinh nghiệm bản thân của tôi.

Gần đây tôi đã nghiên cứu và thể nghiệm khá thành công về cách dạy nhạc truyền thống cho trẻ em cấp Tiểu học. Tôi đang cô đọng lại những suy tư của tôi lại thành những phuơng pháp sư phạm và Unesco có thể phổ biến trên nhiều nước để thể nghiệm và tìm một cách dạy nhạc hữu hiệu cho trẻ em trên các nước.

 

5- Vietsciences: Theo Giáo sư thì âm nhạc Việt Nam, có những điểm chính yếu nào khác biệt với âm nhạc cổ của các nước láng giềng, và âm nhạc cổ của thế giới ?   

GS Trần Văn Khê : Trong khuôn khổ của bài phỏng vấn, không thể trả lời đầy đủ được. Khác nhau rất nhiều. Từ cụ thể đến trừu tượng, từ nhạc khí đến nhạc ngữ.

 Như trong thanh nhạc thì cách “ém hơi, nhả chữ" , "đổ hột đỗ con kiến"  trong nghệ thuật ca trù, "ngữ khí" trong hát bội, tránh những lỗi «trại, bẹ, hớt chước», phải biết cách luyến láy như láy lệ, láy rút, láy đấp bờ, láy nhún trong nghệ thuật hát bội,  không có trong kỹ thuật thanh nhạc của các nước láng giềng, hay trong cả châu Á.

Trong cách đàn, "nhấn chùn"  trong đàn đáy không có ở bất cứ nước nào. Không tìm thấy được trong một nuớc nào trên thế giới một nhạc khí như cây đàn bầu, trong đó hai yếu tố vật lý được áp dụng để tạo cách đàn đặc biệt là khảy dây đàn trên nút giao động (nœud de vibration) để tạo ra bồi âm. Rối nhờ cần dẻo làm cho độ căng sợi dây dùng thẳng để làm thay đổi độ cao của bồi âm. Thử xem các đàn một dây I xian qin (Nhứt huyền cầm Trung quốc) Ichigenkin ( Nhứt huyền cầm Nhựt bổn ) Sadew (Xa điêu Dân tộc Khmer) Gopi Yantra (Ấn độ) không có đàn nào dùng bồi âm như đàn bầu cả.

Cách tạo thang âm điệu thức bằng những chữ đàn khi «  non «  (thấp hơn chữ đàn thường một chút ) hay «  gìà «  (cao hơn  chữ đán thường một chút) cách dùng những luyến láy đặc thù, cách học «  « chân phương «,  đàn «  hoa lá « , trọng cái « động «  hơn cái "tịnh" 

 Trong danh từ âm nhạc, câu hò, bài ca, đối ca nam nữ, trong âm nhạc thính phòng hay trong dán nhạc lễ, chúng ta đều có thể thấy hai yếu tố Âm, Dương xuất hiện , chen nhau hay bổ sung cho nhau.

 Người hò thì có Hò cái hò câu . Kể và Hò con phụ hoạ bằng câu Xô. Câu hò câu Trống, câu Mái. 

Bài ca Nam Xuân Nam Ai lớp Trống lớp Mái.

Hát quan họ liền anh, liền chị. Liền anh cầm dù (hình ảnh của dương vật linga), liền chị cầm nón quai thao  ( hình ảnh của âm vật Yoni).

Trong thế gian chỉ có trong Ca trù là Đào nương dùng cặp dùi gõ phách hình thức khác nhau, một dùi tròn, và một dùi chẻ làm hai, một Dương một Âm,một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng cao một tiếng thấp, một tiếng nặng một tiếng  nhẹ.

Trong dàn nhạc lễ có hai trống :Trống Văn, Trống Võ hay Trống đực Trống Cái.

Tiếng trống có tiếng Tong hay Táng là tiếng Sáng (tiếng Dương) tiếng Tịch là tiếng tối (tiếng Âm).

Trong cách láy khi Hát Nam Xuân trong Hát bội, phải dùng Láy trống kết thức câu thứ nhứt và câu thứ ba. Câu thứ nhì kết thúc bằng  láy mái.

Ngoài ra còn cách ngâm thơ trong truyền thống Việt Nam rất độc đáo. Thơ Việt Nam thường để đọc, đề bình, để nói và để ngâm.

Đọc thơ không phải như đọc văn xuôi. Không phải thật nhịp nhàng nhưng có nhiều chỗ phải kéo dài theo nhịp điệu của câu thơ.

Bình thơ thì đã bắt đầu cách điệu hoá các thanh giọng theo truyền thống của mỗi vùng., nhưng chưa kéo dài hơi, giọng không quá cao, quá thấp , có hơi ngâm nga vào cuối câu nhưng chưa hẳn là ngâm.

Nói thơ là phong cách đặc biệt miền Nam. Những người hành khất lấy những chuyện thơ được quần chúng ưa thích và thuộc lòng, thuật lại cả câu chuyện bằng lời thơ trong các chuyện Lục Vân Tiên , Sáu Trọng, và phụ hoạ bằng đờn độc huyền, hay đờn cò.

Ngâm thơ đi đến một mức cao hơn trong âm nhạc :

Ngâm thơ phải biết cách điệu hóa thanh giọng theo các bực của thang âm ngũ cung dùng trong âm nhạc. Phải biết rõ các đìệu thức dùng trong cổ nhạc, các nét nhạc, các quảng đặc thù để ngâm cho đúng lề lối  .

Ngâm thơ phải ngừng lại rất lâu trên những chữ quan trọng trong câu thơ, phải có khi đưa giọng lên thật cao hay chuyển giọng xuống thật thấp, âm vực trong cách ngâm thơ rộng hơn âm vực trong cách bình thơ nhiều.

Phải dùng nhiều kỹ thuật thanh nhạc, ém hơi, đổ hột, luyến, láy, ngân, đưa hơi lên mũi, để cho nét nhạc thêm duyên lời thơ thêm ý nghĩa.

Hai điểm quan trọng nhứt là phải giữ câu thơ nguyên vẹn, có thể lập lại câu thơ hay một đoạn trong câu thơ, mà không được thêm những chữ đệm có nghĩa hoãc vô nghĩa để biến câu thơ lục bát ra lục bát biến thể, và nét nhạc buông lơi, không tiết tấu. Vừa có tiết tấu là câu thơ ngâm trở thành lời ca của bài hát và người trong nghê sẽ không còn dùng được từ "ngâm thơ"  nữa. Thí dụ như câu thơ trong Kiều  Người đâu gặp gỡ làm chi, nếu hát "người đâu, đâu gặp gỡ, gỡ làm chi" thì cách thể hiện như vậy sẽ được gọi là Hát cò lả .

Có rất nhiều cách ngâm thơ trong 3 miền đầt nước. Đây không phải là một bài viết về âm nhạc học, tôi chỉ ghi lại những cách thường dùng nhứt trong nghệ thuật ngâm thơ mà không nói rõ về thang âm, điệu thức:

Miền Bắc có những cách: Ngâm xổng, Sa mạc, Bồng Mạc Ngâm Kiều, Lẫy Kiều, Kề chuyện Kiều

Miền Trung có cách ngâm thơ theo cấu trúc Hát ru hay Hò mái nhì, luyến láy kéo dài nhưng không có tiết tấuMiền Nam có cách ngâm thơ theo Hơi Xuân, Hơi Ai, Hơi Bán Xuân, Bán Ai.

Cả ba miền đều có cách ngâm rất được thông dụng trong vòng năm chục năm nay là ngâm Tao đàn. Từ khi nhạc sĩ Đinh Hùng phổ biến cách ngâm thơ đó trên chương trình "Ngâm thơ Tao Đàn"  trên Đài Phát thanh, Cùng một cấu trúc âm thanh, một hệ thống thang âm điêu thức, nặng về hơi Ai, Oán, nhưng thanh giọng phải giữ theo nét đặc biệt của mỗi vùng.

Tùy theo nội dung bài thơ, và ý thích của người ngâm, nghệ sĩ ngâm thơ có thể ngâm một bài thơ theo hơi Sa Mạc hay hơi Xuân, hơi Ai.

Trong các nước châu Á, ở Trung quốc ngày xưa có cách ngâm thơ. Ông Laurence Pickens có ghi âm cách ngâm thơ Đường. Ngày nay giới trẻ Trung quóc không còn biết ngâm thơ nữa.

Trong truyền thống Ấn độ, có nhiều bài thơ cỏ được phổ vào nhạc theo phong cách truyền thống. Và ngườI Ấn độ nói mình hát theo phong cách của Dhrupad ( Phái cổ điển dân tộc), hay Kheyal ( bán cổ điển ) hay Thumri (Lãng mạn, Phóng túng, Tình cảm ) mà không dùng từ Ngâm thơ.

Trong truyền thống Ba tư cũng vậy. Những bài thơ kiệt tác của các thi sĩ Hafez, Saadi, v.v.. được hát theo những điệu thức khác nhau Mahur, Shur, Ispahan v.v.. nhưng mang tên là bài hát Tasnif chớ không phải ngâm thơ theo tasnif, vì loại nầy có tiết tấu.

Bên phương Tây, một bài thơ được nhạc sĩ phổ nhạc để hát là mang tên bài thơ phổ nhạc, một bài hát – trong Tân nhạc Việt Nam cũng có rất nhiều bài thơ được phổ nhạc. -

Ngâm thơ là một nghệ thuật độc đáo của truyền thống Việt Nam.

 

6- Vietsciences: Xin Giáo sư cho biết nhận xét của Giáo sư về tình hình bảo tồn và phát triển văn hoá nghệ thuật dân tộc của nước ta hiện nay.

GS Trần Văn Khê : Việc bảo tồn và phát triển văn hoá nghệ thuật dân tộc trong nước ta đã thấy có ngay từ các chế độ trước, như Tỳ bà trang của Có Giáo sư Nguyễn Hữu Ba, hội Khuyến lệ cổ ca trong đó Cố chuyên gia về Hát bội miền Nam Đỗ văn Rỡ có vai trò quan trọng.

Sau khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà được thành lập, tuy đường lối và chánh sách nằm trong ba cụm từ Dân tộc, Khoa học Đại chúng, để tánh chất dân tộc thuộc về hàng đầu, tuy đã có những lần  tập trung các ả đào, các nghệ sĩ chèo để tìm hiểu và ghì chép những cái hay, những đậc điểm của các truyền thống ấy, nhưng cái chi là dân tộc, cái chi là ưu điểm, cái gì là nhược điềm trong truyền thống nghệ thuật dân tộc chưa được qui định rõ ràng.

 Vì thế đường lối văn nghệ có đúng, nhưng áp dụng, thi hành đường lối chưa thật đúng. Và có những cuộc thảo luận bàn cãi sôi nổi về những điểm như “Cấm hay không cấm ca bài Vọng cổ trong thời kỳ kháng chiến?” Có thời kỳ Ca trù bi xem là “đồi trụy “, chầu văn là “ mê tín “ nhạc cung đình là “phong kiến”, nên thái độ bảo vệ vôn cổ không thể “ giữ lại nguyên xi tất cả vốn cổ” mà “ bảo tồn “có phê phán”, có “ chọn lọc “. Nhưng ai “phê phán” ? ai “chọn lọc” ? Theo tiêu chuẩn nào ? nguyên tắc nào? Những điểm đó chưa đưọc qui định rõ ràng.

Lần lần, sau những buổi thảo luận, có khi tranh luận,  cách nhìn các truyền thống dân tộc có phần thay đổi. Và phong trào “ Về nguồn “,  có những chánh sách văn hoá căn cứ trên những nghị quyết của Trung ương như xây dựng một nền văn hoá hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc. Rất đúng!. Nhưng hiểu cho đúng hai danh từ “ hiện đại “ và “dân tộc“ thì chưa.

Thí dụ như có vài người hiểu rằng hiện đại là những gì được xem là “tiến bộ“ theo quan điểm phương Tây, như ký âm , xướng âm theo Hò xự xang là không hiện đại. Phải ký âm và xướng âm theo Do, Ré Mi mới hiện đại.

Dân tộc là những gì dân tộc Việt Nam dùng nhiều, hay được phổ biến nhiều nơi. Như cây đàn piano, khi được dân tộc dùng nhiều sẽ trở thành nhạc khí dân tộc.

Theo thiển ý, trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá nghệ thuật trong nuớc ta ngày nay, thiện chí, quyết tâm chẳng thiếu. Nhưng thi hành công việc đó còn cần phải xem xét lại .  

 

7- Vietsciences: Theo ý Giáo sư , chánh quyền và các cơ quan chức năng trong nuớc cần hay nên có những biện pháp hay hoạt động nào để giúp bảo tồn văn hoá dân tộc?

GS Trần Văn Khê : Ngày nay, trong nước đã có nhiều Cơ quan chuyên lo việc bảo tồn văn hoá dân tộc. Chỉ kể sơ lược:

Ngoài Bắc có Hội Văn Nghệ dân gian, có Viện Âm nhạc Việt Nam, Cục Di sản Văn Hoá của Bộ Văn hoá Thông tin, Trung tâm Bảo tồn, Nghiên cứu, phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam . Có Nhà Hát chèo, Nhà Múa rối.

Miền Trung có Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, có Đoàn ca múa Nhạc cung đình, có Trường dạy âm nhạc truyền thống.

Miền Nam có Trung tâm Văn hoá truyền thống. Sở Văn hoá và Thông tin Thành Phố Hồ Chí Minh đã hai lần tổ chức Liên hoan Dân ca Dân vũ trong nước Việt Nam, Liên hoan ca, vũ nhạc kịch tryền thống trong các nước Đông Nam Á, Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều Liên hoan Hát ru, và Hò tại Thành Phố, những cuộc thi liên tỉnh và Liên hoan về Ca nhạc tài tử.

 

8- Vietsciences Theo ý Giáo sư , chánh quyền và các cơ quan chức năng trong nuớc cần hay nên có những biện pháp hay hoạt động nào để giúp bảo tồn văn hoá dân tộc?

GS Trần Văn Khê Ngày nay, trong nước đã có nhiều Cơ quan chuyên lo việc bảo tồn văn hoá dân tộc.Chỉ kể sơ lược

Ngoài Bắc có Hội Văn Nghệ dân gian, có Viện Âm nhạc Việt Nam, Cục Di sản Văn Hoá của Bộ Văn hoá Thông tin, Trung tâm Bảo tồn, Nghiên cứu, phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam . Có Nhà Hát chèo, Nhà Múa rối.

Miền Trung có Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, có Đoàn ca múa Nhạc cung đình, có Trường dạy âm nhạc truyền thống.

Miền Nam có Trung tâm Văn hoá truyền thống. Sở Văn hoá và Thông tin Thành Phố Hồ Chí Minh đã hai lần tổ chức Liên hoan Dân ca Dân vũ trong nước Việt Nam, Liên hoan ca, vũ nhạc kịch tryền thống trong các nước Đông Nam Á, Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều Liên hoan Hát ru, và Hò tạiThành Phố, những cuộc thi liên tỉnh và Liên hoan về Ca nhạc tài tử.

Chánh quyền và các cơ quan hữu trách có thể giúp rất nhiều

Chúng ta đã thấy rằng chánh quyền đã vạch ra đường lối đúng đắn, đã kêu gọi dân chúng trở về nguồn. Nhưng các cơ quan thì hành chánh sách chưa được đúng. Dân chúng chưa ý thức được giá trị của văn hoá dân tộc.

Chánh quyền có thể cho quần chúng thấy rõ hơn sự quan trọng của việc bảo tồn văn hoá dân tộc bằng cách :

1° Cải tổ chương trình dạy nhạc bằng việc cho dạy âm nhạc dân tộc trong các trường từ cấp mẫu giáo, tiểu học đến trung học.

2° Giúp đỡ những sinh viên học nhạc dân tộc,những liên hoan âm nhạc dân tộc. 

3°Giúp đỡ các bộ môn âm nhạc kịch nghệ  nào có giá trị nghệ thuật trong việc bảo tồn, phát huy các bộ môn đó.Như bên phương Tây các nhà hát đại ca kịch ( Opéra) nếu không có sự tài trợ của Nhà nước thì không thể tồn tại được.

4°Tôn vinh những nghệ nhân suốt đờI phụng sự âm nhạc dân tộc.

Các Đài phát thanh và Đài Truyền hình nên mời những nghệ nhân, chuyên gia gìới thiệu những nét độc đáo của nhạc dân tộc trong những giờ có nhiều nguời nghe. Có hiểu những cái hay trong nhạc dân tộc, mới thương,có thương mới muốn học hỏi, tập luyện, thưởng thức biểu diễn và giữ gìn.

 

9- Vietsciences:Xin Giáo sư cho nhận xét riêng về trào lưu âm nhạc hiện đại của giới trẻ trong nước.

GS Trần Văn Khê Tôi không có ở trong nước, nhưng ngang qua các chương trình Nhạc trẻ trên truyền hình, tại các tụ điểm , hay trong các trang nhà trên Mạng, đa số giới trẻ không thích nhạc dân tộc, thích tân nhạc và các loại nhạc Âu Mỹ. Sở dĩ có tình trạng đó là như tôi đã viết trong bài Căn bịnh mãn tính của Âm nhạc truyền thống, vì các hoàn cảnh lịch sử, chánh trị, kinh tế trong nước ta từ lâu đã làm cho trẻ em không còn được bài giáo dục âm nhạc đầu tiên qua câu hát ru của mẹ, không nghe những câu hò điệu lý trong đống quê, qua những phuơng tiến truyền thông đại chúng gặp những loại nhạc trẻ từ phươngTây làm cho giới trẻ xa lần và không hiểu chi về nhạc dân tộc, tạo nên một mặc cảm tự ti, một tánh vọng ngoại trong cả nước và đặc biệt trong giới trẻ.

    Không thể đi ngược lại trào lưu của giớI trẻ iện nay, tôi chỉ nhắc cho các bạn trẻ nhớ rằng:

Người Việt Nam đã hy sinh bao nhiêu xưong máu để lấy lại chủ quyền trong nước. Nước Việt Nam, người Việt Nam làm chủ, thì văn hoá Việt Nam cũng phải có địa vị chủ nhà. Các văn  hoá khác là khách. Chúng ta hiếu khách, mời khách vào nhà và tiếp đãi nồng hậu. Nhưng khách đến chơi thì khách ở trong phòng khách. Khách chơi một thời gian rồi khách ra về, chớ khách không thể ở luôn trong nhà của ta, lại còn dẹp bàn thờ cúa ta thờ Ông bà, ngồi thế chỗ ấy mà thanh niên chúng ta lại quì lạy trước những thần tượng mới.

Âm nhạc Việt Nam, như tiếng nói Việt Nam cần thiết cho sự mất còn của dân tộc Việt Nam, như cơm chúng ta ăn, nước chúng ta uống. Âm nhạc nước ngoài có thể có sự hấp dẫn như ớt làm cho thức ăn thêm ngon, như rượu mạnh làm chúng ta ngây ngất. Nhưng có ai có thế đem ớt thế cơm, đem ruợu thế nước?

Nếu trong khi chơi nhạc nước ngoài để được kích thích như ăn ớt, hay uống rượu, gìới trẻ có thể vẫn nhớ và học nhạc nước nhà, biết ai là chủ ai là khách thì chơi nhạc ngoại chỉ là một thú vui mà không làm cho chúng ta quên bổn phận của chúng ta là phải giữ gìn vốn quí của Cha Ông để lại.

Những người hữu trách có phận sự giúp cho giới trẻ hiểu được cái hay, cái đệp trong nhac truyền thống thì có hiểu mới thương, mới chịu khó luyện tập để biểu diễn mới có thể thưởng thức được cái hay tàng ẩn trong nghệ thuật dân tộc.

Tôi có kinh nghiệm thấy nhiều em trẻ tuổi cảm động đến rơi nước mắt khi xem một trích đoạn hát bội sau khi nghe tôi phân tích cái hay trong hát bộI, say sưa nghe tiếng trống Võ song tấu với Kèn trung trong Nhạc cung đình, sau khi nghe tôi phân tích về cái tế nhị trong cách đánh trống của người Việt.

 

10- Vietsciences Theo Giáo sư thì giới trẻ hiện nay nên làm gì để giữ gìn vốn âm nhạc Việt?

GS Trần Văn Khê Giữ gìn vốn âm nhạc Việt là công việc của cả nước trong đó có giới trẻ. Theo tôi trước hết chánh quyền nên có một chánh sách rõ rệt về việc bảo tồn vốn cổ, ưu đãi nghệ nhân, đem âm nhạc dân tộc vào trường học từ cấp mẫu giáo , tiểu học lên các cấp trên.

Riêng giới trẻ, nên có ý thức tôn trọng bản sắc dân tộc, quan tâm đến âm nhạc dân tộc, tìm hiểu và  ủng hộ các công việc giải thích, phổ biến âm nhạc dân tộc, nên nhớ rằng giới trẻ có trách nhiệm trong việc gìn giữ hay làm mất đi vốn âm nhạc Cha Ông dã truyền lại cho cúng ta đến ngày nay.

 

11-  Vietsciences: Vừa qua , với sự đóng góp rất lớn của Giáo sư Nhã nhạc cung đình Huế đã được tổ chức Unesco công nhận là Kiệt tác của Di sản phi vật thể và truyền khẩu cua nhân loại. Theo Giáo sư về âm nhạc hay nghệ thuật chúng ta còn có những bộ môn nào có giá trị xứng đáng được công nhận nữa ?

    Về việc Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco tôn vinh, trước hết là bản thân Nhã nhạc có giá trị lịch sử và nghệ thuật rất cao. Sau nữa trong nước các chuyên gia và nghệ nhân đã chịu khó sưu tập tư liệu, sửa chữá hồ sơ ,tôi chỉ là một người trong số chuyên gia tham gia vào việc hoàn chỉnh hồ sơ, một bàn tay hiệp với những bàn tay trong nước mới "v nên bộp" 

Muốn được Unesco công nhận không phải là việc đơn giản. Vừa qua có trên 60 hồ sơ của nhiều nước đệ trình mà chỉ có 28 bộ môn nghệ thuật được công nhận.

Muốn  được xem xét , một bộ môn nghệ thuật cần phải có :

1.    bề dầy của lịch sử

2.    chiều sâu của nghệ thuật

3.    những nét độc đáo khó tìm thấy ở các nơi khác, nếu mất đi là mất một vốn quí không phải chỉ cho chúng ta mà cho cả nhân loại.

4.    Tuy có giá trị nghệ thuật rất cao, nhưng có thể bị chìm vào quên lãng, vì những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội

5.    Tuy là không còn được thông dụng, nhưng trong nước vẫn còn nghệ nhân có thể góp phần tạo một sinh lực cho bộ môn đó,bằng cách truyền nghề, chánh quyền cũng có chánh sách, những biện pháp để bảo tồn bộ môn đó, và trong nước cũng có nhiều người mong muốn giữ gìn vốn quí đó.

Trong nước chúng ta hiện có vài bộ môn đủ điều kiện để được Unesco xem xét. Còn kết quả thì tùy nhiều yếu tố khác.Ai là người trong ban giam khảo sẽ có trách nhiệm xem xét hồ sơ rồi báo cáo vá đề nghị cho cả Ban Giám khảo ? Hồ sơ có đủ tư liệu có tánh cách thuyết phục đa số thành viên của Ban giám  khảo hay khong ? v.v….    

Trong nước, đã có đưa ra một danh sách các bộ môn sẽ được nghiên cứu để dựng hồ sơ.Năm nay, trong nước đang lập hồ sơ Cồng Chiêng Tây Nguyên. Va sau đó tới Ca trù, Múa rối nước, Hát quan họ v.v..

Lẽ tất nhiên đối với chúng ta mỗi bộ môn đều có những đặc điểm của nó. Nhưng trước hết chúng ta phải xem bộ môn  dó có những điều kiện tất yếu để hồ sơ đưa ra được Ban Giám khảo quan tâm hay không.

Theo tôi, Ca trù có đủ những điều kiện tất yếu để được Unesco xem xét hồ sơ.

Bề dầy lịch sử.

Ca trù theo một số chuyên gia , có thể sinh ra từ đời Lý ( thế kỷ thứ 11) hay muộn nhứt cũng từ đời Lê (thế kỷ thứ 15) cách nay hơn 500 năm. Có nhiều sách sử ghi lại lịch sử của Ca trù. Trong quyển  « Góp phần tìm hiểu lịch sử Ca trù « của Nguyễn xuân Diện do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành từ năm 2000 , tác giả đã cho chúng gta biết rằng tại Viện Hán Nôm, có tàng trử 39 quyển sách viềt bằng chữ Nôm vể Ca trù , 78 văn bia về thể lệ, sinh hoạt Ca trù. Và còn có 93 sách báo viết bằng chữ quốc ngữ về Ca trù.

Chiều sâu của nghệ thuật.

Về mặt nghệ thuật thì Ca trù là một loại nhạc thính phòng vô vùng độc dáo.

Chỉ có 3 người mà nên đình nổi đám

Chỉ có 2 diễn viên một đào nương vừa ca vừa gõ phách, một người đàn đáy phụ hoạ và một người dánh trống chầu vừa tham gia vào buồi trình diễn bằng cách chấm câu , vừa phê phán khen thưởng bằng tiếng tom chát của trống để hướng dẫn người nghe biết tiếng ca lúc nào hay, tiếng phách lúc nào giòn, tiếng đàn lúc nào xuất sắc.

Nhạc và Thơ quyện nhau như bóng với hình

Người nghe một bài Ca trù thưởng thức được văn chương bóng bảy của câu thơ, thang âm, điệu thức dồi dào của nét nhạc, tiết tấu rộn ràng của tay phách, chữ đàn gân guốc hay bay bướm của nhạc công, không khí nghiêm trang hay rộn rã của buổi trình diễn nghệ thuật trong đó Thơ và Nhạc quyện vào nhau như bóng với hình.

Kỹ thuật hát tinh vi , độc đáo

Cách ém hơi, nhả chữ, đào nương không mở to miệng, gần như mím môi mà ca thì tròn vành rõ chữ,  luyến láy khi đổ hột , lúc đổ con kiến, hơi trong cổ theo kỹ thuật "ậm ự" làm cho lời ca những đoạn buồn, như có tiếng khóc chẳng khác tiếng hát đặc biệt của người Á rập nghe "khàn khàn mà nức nở" xoáy lòng người nghe, khéo biểu diễn thì người cầm chầu không thể dằn lòng, phải thưởng tiếng hát với khổ chầu   "xuyên tâm" , hay "song châu" .

Cổ phách, phách cái, phách con, cách gõ phách đặc biệt vô song

Đào nưong chẳng những hát hay mà tay phách phải vững : 5 khổ phách : sòng đầu, khổ đơn ( hay khổ giữa), khổ rải, khổ xiết, khổ lá đầu, cùng với tiếng đàn đáy đánh đoạn mở đầu. Lúc không hát, chỉ có tiếng đàn biểu diễn đoạn » lưu không «  tiếng phách lại phải róc giòn cho người đàn thêm hứng..

Phách ca trù có môt không hai trên thế giới : Phách là môt thanh gỗ hay thanh tre để trước mặt đào nương, gọi là cổ phách. Đào nương dùng hai dùi gỗ để gõ. Trong các nước trên thế giới, khi nhạc công gõ phách hay đánh trống, đều dùng hai dùi giống nhau.Chỉ có trong truyền thống ca trù hai dùi phải khác nhau. .

Hai dùi tròn dài, một dùi chuốc hơi nhọn ở phía đầu. Một dùi chẻ làm hai theo chiều dài nhưng cập lại để gỏ. Dùi tròn, và nhọn, tượng trưng cho dương vật, dùi chẻ hai ,là âm vật. Như vậy hai dùi là Dương Âm trộn hai tiếng khác nhau, một tiếng tròn, một tiếng dẹp, một tiếng cao, một tiếng thấp, một tiếng trong một tiếng đục, một tiếng nặng một tiếng nhẹ, một tiếng Dương một tiếng Âm, chen nhau, xen kẻ, pha trộn, khi gõ riêng từng dùi, khi gỏ hai dùi một lượt gọi là «  chát « làm cho tiết tấu có nhịp hẵn hòi mà nghe như không có nhịp, thực mà như hư, có mà như không ,hiện mà như ẩn. Có chỗ tiếng phách bao trùm tiếng hát như làn sóng lượn, lúc điểm đều đặn chấm câu, gõ cùng một lượt với tiếng đàn và tiếng trống chầu.

Cách gõ phách làm người nghe hứng thú, không phải nghe tiếng gõ đều đều làm chán tai, mà có tiếng mạnh tiếng nhẹ như cách đánh castagnettes của người Tây ban Nha trong diệu hát flamenco, tiếng trống tabla va bahya của Ấn độ hay cách đàn Rubato đặc biệt của Chopin, khi tay trái đánh đều theo nhịp một cách rõ ràng, tay mặt tha hồ lả lướt trên phím ngà như mây bay, nước chảy không cần theo nhịp, và mang tên là "Rubato chopinesqueé. Trên thế giới chỉ có bốn thí dụ tôi vừa kể trên trong trăm ngàn cách đánh nhịp. Người Ấn độ hãnh diện với cách đánh nhịp như thế, và đã nghĩ rằng trên thế gian chỉ có bên Ấn độ là có đuợc Tala là tiết tấu nhịp điệu rõ ràng và Laya là nhịp mà như không có nhịp. Có người nhạc sĩ nói với tôi : Tala như bước đi của một người phụ nữ, đều đặn . Còn Laya là chiếc váy phất phơ theo bưóc đi. Ngưới ta nghe rõ và đếm đươc bước đi  mà không đếm được cái phất phơ của chiếc váy.

Đàn đáy chỉ có trên đất nước Việt nam

Đàn đáy cũng là một nhạc khí độc dáo. Thùng đàn hình chữ nhựt hay hình thang. Mặt đàn băng cây ngô đồng, Mà đàn mặc dầu mang tên là đàn đáy mà không có đáy. Vì thế ngày xưa cũng có tên là "vô để cầm"  (đàn không đáy). Vì thế, khi cố thi sĩ Nguyễn Hải Phương làm mấy câu thơ vịnh đàn đáy đã viết :

                       Tên em như có mà không

             Ba dây dẫn sóng trăm sông về nguồn.

                       Ca trù đổ hột phách giòn

             Tuổi phai xanh, chạm tiéng đàn lại xanh.

Đàn có ba dây tơ, cần tht dài, 10 hay 11 phím thật cao. Phím đầu đặt trên cần giữa chỗ mắc dây và trục. Đầu đàn không có cầu đàn. Nhờ vậy mà nhạc công  có thể "nhấn chùn"  tức là nhấn trên phím cao hơn mà chữ đàn không cao hơn. Không cao hơn mà màu âm khác, nên cùng một độ cao mà một chữ gọi là Tinh, còn chữ kia gọi la Tang, cho thấy trong truyền thống âm nhạc Việt Nam, màu âm được để ý một cách đặc biệt. Phím đàn lại gắn theo cách đc biệt làm cho những chữ đàn không theo thang âm bình quân của piano đã đành, mà cũng không theo thang âm ngũ cung trong ca nhạc Huế hay đờn ca tài tử. Khi đàn, nhạc công phải nắn dây, và tay mât khi , khi vẫy, lúc lia lúc đánh hợp âm ra tiếng « Dinh « Nhờ dây dài mà chỉ dùng phân nửa dây phía gần thùng đàn, khi nhấn thường hay nhấn chùn, tiếng đàn đều nhờ độ rung nhẹ của dây làm cho ta nghe như tiếng dàn "mượn chữ", lung linh,  động mà không tịnh.

Đàn lại có một truyền thuyết. Tuy chưa được thống nhứt, nhưng theo tương truyền thì dưới triều Lê, trong gia đình của Đinh Lễ, theo sach của hai tác giả Đỗ bằng Đoàn và Đỗ trọng Huề, Đinh Dự theo các nghệ nhân ở Lỗ Khê, được tiên trao cho gỗ và mẫu cây đàn, nói rằng cây dàn nầy ở trên thượng giới có phép mầu, làm cho người nghe đàn, đang buồn thấy vơi sầu muộn, đang bịnh thấy người khoẻ ra. Nhờ nghe tiếng đàn mà Bạch Hoa tiểu thư đang bị bịnh câm, nói lại được để khen tiếng đàn hay. Bạch công cho hai trẻ vầy duyên cầm sắt Và đôi vợ chồng họ Đinh sau khi truyền lại cho môn sinh nghệ thuật của Ca trù, theo Thầy về Trời và còn được Vua nhà Lê phong cho chồng tước Thanh Xà Đại vương, và cho cờ tuớc  Mãn Đà hoa công chúa. Hai vị được thờ phụng tại Lỗ Khê như hai vị tổ trong truyèn thống ca trù Một cây đàn chỉ có trên đất nước Việt Nam mà không có trên bất cứ nước nào trên thế giới, ba dây mà khác hẳn San xian của Trung quốc, Shamisen của Nhựt bổn, San dze của Mông cổ. Có cách gắn phím, cách đàn, kỹ thuật , nghệ thuật độc đáo, được tạo ra trên đất Việt Nam theo một truyền thuyết Việt Nam, tiềng đàn nghe trầm ấm, gân guốc, chững chạc, trang nghiêm, sâu sắc. Tiếng đàn không theo tiếng ca từng chữ từng hơi, mà thuờng thì mở đường dẫn lối cho tiếng ca. Có lúc đi rất gần tiếng ca để hổ trợ, có khi vượt ra xa tiếng ca để gây sự chờ đợi đàn ca gặp lại ở cuối câu thơ. Có khi từng chữ, từng câu chân phương trang trọng, có khi hoa lá , bay bướm, phóng túng, trong đoạn lưu không để cho đào nương nghỉ hơi, cho người nghe thích chí.

Trống chầu cũng độc đáo vô song.

Trống chầu thật cũng tuyệt vời. Trống nhỏ như trống đế của chèo. Nhưng chỉ dùng một roi nhỏ mà dài. Khi đánh vào mặt trống, roi trống chầu phải sát trên mặt trống. Đánh trên mặt ra tiếng "Tom", đánh vào tang trống nghe tiếng "Chát" .

Người cầm chầu phải là người sành trong nghề, vừa biết văn chương,  thưởng thức lời thơ chuyển thành tiếng hát một cách nhuần nhị, ngọt ngào, đổ hột đúng chỗ đúng lúc, biết nghe tiếng phách chắc nhịp, đủ khổ, phách khoan phách dồn rõ nét, biết tiếng đàn đúng hơi đúng điệu, khi gân guốc, khi mượt mà, biết lúc nào phải chấm câu, lúc nào phải khen, tiếng thưởng không "bịt miệng ả đào"  mà phải gợi hứng cho kép đàn đào hát. Phải biết những khổ truyền thống trong trống chầu để thay đổi cách khen : chánh diện, xuyên tâm, thùy châu, song châu, thượng mã, hạ mã, lạc nhạn v.v.

Nhạc khí độc đáo, tinh vi, cách đàn ca cũng đặc biệt không chịu ảnh hưởng của bất cứ truyền thống nào trên thế giới.

Thang âm điệu thức rất đặc biệt.

Thang âm, điệu thức, tiết tấu cũng khác hẳn các bộ môn nhạc cổ Viêt Nam.

Đàn đáy gắn phím theo thang âm rất lạ : quảng 8 chia ra 7 cung đồng đều. Thang âm nầy chỉ gặp trong thang âm lý thuyết của hai dân tộc Thai và Khmer, tại Thái lan và Kampuchea ngày xưa. Ngày nay các mộc cầm Ranad Tháilan và Roneat Khmer đã bị các nhạc sĩ nước ngoài hay những nhạc sĩ trẻ vọng ngoại làm sai đi vì muốn cho các nhạc khí đó có thể dùng đề đàn được những bản phương Tây. Thang âm đó có trong điệu Hò mái nhì, nhưng cách rung nhấn khác hẳn.

Cấu trúc thang âm rất lạ : nguời học đàn đáy phải biết nét nhạc căn bản : Tính Tinh Tang Tình Tính Tinh Tang  . Cách chép nhạc, và xuớng âm cũng đặc biệt. Không dùng Đô Rê Mi, Không dùng Cung Thương Giốc Chủy Vũ, Không dùng Hò Xự Xang Xê Cống. Ngày xưa trong sách Vũ Trung tùy bút của Phạm đình Hổ còn ghi lại mấy chữ đán đáy Tính Tĩnh, Tình Tinh, Tung Tàng Tang.

Từ chữ Tính đến chữ Tinh hay Tang có một quảng ba trung bình, giữa quảng ba trưởng và thứ. Quảng ba đó trên thế giới chỉ có Ba tư , vác các nước thuộc tryền thống nhạc Á rập là có dùng thôi. Nhưng khác với truyến thống Á rập là người Việt miền Bắc nhấn vào bực dưới của quảng 3 trung bình trong khi nhạc sĩ Á rập nhấn bực trên của Quảng 3 trung bình.

Khi lời ca kết vào chữ Tang thì tiếng ca phải vuốt từ Tính xuống Tang.

Điệu thức có Hai Cung : Cung  Bắc, Cung Nam. Nhưng khác hẳn Điệu Bắc Đệu Nam trong ca nhạc Huế, hay đờn ca tài tử. Cấu trúc âm thanh, cách thể hiện hai Cung rất tế nhị.

Trong bài "Thỏng Tỳ bà" , đàn và hát phải theo 5 cung : Cung Bắc, Cung Nam, Cung Pha, Cung Nao Cung Huỳnh .

Trong truyền thống Ca trù không có bài bản như trong Ca Huế hay đòn ca tài tử, mà có những "Lối", hay "Thể"   theo danh từ dùng trong Ca trù biên khảo gần giống như Làn điệu trong Hát chéo và Hát bội.Lời thơ có trước Rồi nét nhạc tùy theo thanh giọng của câu thơ mà thể hiện. Nhưng cấu trúc âm thanh thì không thể sai.Thí dụ như có Ba thể điêu Bắc Phản , Mưỡu Hát nói mà có rất nhiều bài.  Hát nói do nhiều nhà văn nổi tiếng đạt ra. Sách Ca trù biên khảo của hai tác giã Đỗ bằng Đoàn và Đỗ trọng Huể co ghi lại  Dương Khuê,( 13 bài)  Nguyễn công Trứ(52 bài), Cao Bá Quát,(16 bài )  Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (12 bài) Vô Danh ( 38 bài)Trần Tế Xương (7 bài) Nguyễn Khuyến ( 6 bài)Nguyễn Quí Tân (5 bài)Nguyễn đức Nhu ( 6 bài)  , Nguyễn văn Bình (9 bài) Cụ Ưng Bình ( 2 bài : nhưng thật ra Ông Cụ đã sáng tác mấy chục bài mà Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khuơng ái nữ của Cụ đã sưu tập ) Gân đây các Cụ Nguyễn Linh Ngọc, Chu Hà ngoài Bắc có rất nhiều bài. Cũng như trong Nam Nuyễn Quảng Tuân trong tập Ca trù Thú Xưa Tao nhã đã sáng tác hơn 70 bài hát nói với nhiều đề tài hiện đại như Ba lê cảm tác, những bài Hát cảm tác khi sang Nhựt, lúc sang Trung quốc .

Các thể rất nhiều. Sách Ca trù biên khảo có ghi lại :

Khi Hát chơi tại nhà ả đào hay nhà quan viên  15 thể

Hát cửa đình 12 thể

Hát thi có 4 giai đoạn :

    Vãn chỉ cần vài câu Gửi thư, ngâm vịnh để tỏ ra đào nương biết hát Giám khảo chứng nhận và cho phép vào hát Chầu thi.

    Chầu thi có 28 khúc hát Giám khảo bảo hát khúc nào phải hát và sau khi trúng tuyển vào Chầu cầm ;

    Chầu cầm có 17 khúc hát.  Trúng tuyển Chầu Cầm mới đưọc vào giai đoạn chó là Hát lại hay Phúc hạch

Lúc thi giám khảo chấm hát, đàn ; Kỹ thuật xong mới đến nhan sac.

Và cuối cùng xét đến hạnh kiểm.

Giải nhứt là Thủ khoa ; Giải nhì Á nguyên

Đến đêm hát Giã đám, các đào nương trúng giải xếp hàng đôi :

Đứng đầu bên trái là Thủ khoa rội đền các cô giải ba, bớn, năm, sáu

Đầu hàng bên mặt là Á nguyên và tiếp theo giải bảy tám, chín mười

Sáng hôm sau đến lãnh thưởng :

 Thủ khoa lãnh 30 quan tiền 10 vuông nhiểu điều, 1 cân trà Tàu và 1 cái quạt Tàu

      Á nguyên lãnh 26 quan tiền 6 vuông nhiểu điều, nửa cân trà Tàu và một cái quạt Tàu

      Từ giải ba 24 quan tiền  trở xuống thì mỗi giải ít hơn giải trước 2 quan tiền 22, 20, 18 đến giải thứ 10 thì còn 10 quan tiền, không có nhiểu điều và trà Tàu mà chỉ có 1 quạt Tàu.

Xong rồi dự tiệc : ngoài các cổ cho chức sắc trong làng , Thủ khoa và Á nguyên ngồi một cổ, 8 cô từ giải 3 đén giải 10 chia ra ngồi 2 cổ. Thức ăn có giò, nem, ninh mộc,có sơn hào là hai con chim bồ câu hầm,và hải sãn là 1 con cua biển, 1 con cá trắm.

Mỗi c có 2 bánh chưng, 2 bánh dầy, một mâm bánh đồ đường

Lúc ăn có nhạc bát âm giúp vui.

 

Các lễ lớn và thể lệ trong truyền thống Ca trù.

Trong làng có nhiều họ. họp lại thánh Giáo Phường.Nguời kỳ cựu trong Giáo phuờng gọi là Trùm. Các ông Trùm cử một người có tín nhiệm làm Quản giáp..

Lễ Tề Tổ.

Mỗi năm các ông trùm họp định lễ Tế Tổ, chọn lựa nợi và định ngày trong tháng 11 hay tháng chạp.

Đào nương được lựa hát Tế tổ , tức là Bạch Hoa công chúa. Hát bài Non maiHồng Hạnh. rồi hát như Hát cừa đình..Các cô được lựa coi đó là một vinh hạnh .Giáo phường gọi là được Chầu cử.

 

 Lễ mở xiêm ào

Sau khi học một thời gian, cô nào thông minh lắm cũng phải 3 năm, mới cầm được lá phách ra hát.

Khi hát thuần thục ả đào đem trầu cau trình với Quản giáp.Quản giáp báo cho phường biết là có một cô đã thành nghề.. Phường tổ chức một buổi họp sát hạch.rồi công  nhận ? Sau đó cô ả dào trẻ chọn ngày lành tháng tốt làm lễ Cáo Tổ, mời quan viên sánh nghề nhát ca trù đến cầm chầu cho bưổi hát đầu tiên hôm đó đào nưong mặc áo các đào nương mặc khi ra hát cho quan viên nghe. Buổi hát đầu tiên đó Giáo phường gọi là lễ mở xiêm áo. Gia đình của dào nương thết tiệc đãi phường và bà con bạn bè.

Một truyền thống đã có bề dầy của lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật, có những tục lệ rất đẹp, từ nguồn gốc nhạc khí đến cách đàn cách hát, thang âm, diệu thức,tiết tấu,không có một yếu tố nào mang ảnh hưởng của nước ngoài, một điệu nhạc rất Việt Nam, hoàn toàn Việt Nam. Mất đi rất thiệt thòi cho Viêt Nam mà cho cả nhân loại.

Trong nước, chánh quyền đã có chánh sách tôn vinh những nghệ nhân ca trù. Cụ Quách thị Hồ đã đuợc phong Nghệ sĩ nhân dân.

Trong nước đang có chương trình tìm những nghệ nhân nào còn biết đàn hát ca trù, mời đến Hànội trình diễn và Viện Âm nhạc sẽ ghi âm, ghi hình giữ lại cho thế hệ mai sau.

Khi Cơ quan Ford Foundation tài trợ 40.000 mỹ kim để dạy ca trù cho những thanh niên nào muốn học đàn hát ca trù, mấy trăm thanh niên đã theo lớp học ngắn hạn đó.

Số nghệ nhân lão thành còn rất ít. Nhưng sinh hoạt ca trù bắt đầu khởi sắc.Gia đình Cụ Nguyễn Văn Mùi với hai người con trai Nguyễn Văn Khuê, và Ngiyễn Mạnh Tiến, con gái là Cô Thúy Hoà và hai cô bé cháu nội Kiều Anh và ThuThảo, Gia đình Bà Phó Kim Đức và cô chau nội của bà , Bà Phạm thị Mùi ở Lỗ Khê và cháu Nguyễn thị Lan,  và   Câu lạc bộ ca trù tại Hà nội dưới sự điều khiển của  nghệ sĩ Bạch Vân, có nhiều người già trẻ, hai lần trong một tháng họp lại để thưởng thúc, luyện tập ca trù.

Tất cả yếu tố đó cho chúng ta thấy rằng ca trù có đủ điều kiện lịch sử, nghệ thuật và xã hội để được Cơ quan Văn hoá Liên Hiệp quc Unesco xem xét hồ sô và có thể công nhận là một kiệt tác của Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

 

12-Vietsciences Theo Giáo sư thì tình hình giảng dạy và đào tạo về nghệ thuật cho gìới trẻ, và nhứt là về âm nhạc , có những điểm nào tốt và những điểm nào phải lưu ý ?

GS Trần Văn Khê:Tôi không thể trả lời về sự giảng dạy và đào tạo nghệ thuật, cho giới trẻ, vì quá bận trong việc sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt Nam và chau Á, tôi không biết chi nhiều về Hội hoa, điêu khắc.

Trong lĩnh vực âm nhạc thì tôi thấy rằng việc giảng dạy đào tạo âm nhạc , mặc dầu có nhiều cố gắng , chưa đạt được kết quả tôt vì chuơng trình, phương pháp dạy nhạc,quá nặng về phía nhạc Tây phương, bỏ mât những cái hay trong phương pháp truyền thống. Tôi đã đề cập vấn đề nầy trong chương trình đem nhạc dân tộc vào cấp tiểu học . Tôi đã quá dài dòng trong những câu trả lời trước. Tôi xin đước tóm tắt vài ý chánh.

1° Trên các nước Âu Mỹ, giảng dạy âm nhạc để đào tạo diễn viên, sáng tác gia,những nhà lý luận hay là nhà giáo dạy âm nhạc.

Trong nước ta chỉ có đào tạo diễn viên và sáng tác.

Diễn viên thì hơn 7O phần trăm học sinh được đào tạo thành nhạc công đànTây piano, violon, guitare, và các nhạc khí Tây phương . 30 phần trăm học nhạc Việt Nam theo phuơng pháp phương Tây :ký âm, xướng âm dều theo phưong Tây cả.

Không phải như trong cách dạy truyền thống : huấn luyện tai nghe cho rõ, trí nhớ cho nhạy mà dạy con mắt đọc cho lanh, tay và miệng phản xạ theo tín hiệu của chữ ghi âm cho mau,cho chính xác.

Sáng tác cũng theo luạt sáng tác phuơng Tây dạy hoà âm, đối vị tẩu pháp theo trường phái phương Tây.

Lý luận cũng theo cách dạy phuơng Tây : lãu thông lịch sử âm nhạc phuơng Tây mà không biết gì về nhạc sữ Việt Nam hay châu Á

Sư phạm cũng theo phương Tây, dạy đọc nhạc theo cách ký âm 5 dòng, dùng đàn ghi ta hay organ để đệm cho các em hát.Hát cũng lấy hơi, luyến láy theo phươngTây cả.

Về khoản nầy, tôi đã nhiều lần lên tiếng cần sửa đổi chương trình vá cách dạy nhạc trong cấp phổ thông và nhứt là trong các Nhạc Viện.

Phải đem âm nhạc dân tộc vào học đường từ cấp mẫu giáo  tiểu học đến Trung học Đại học.  

13- Vietscienes Xin Giáo sư cho biết những ao ước của Giáo sư cho tương lai.

GS Trần Văn Khê Ước mơ thì nhiều mà điều ưc nguyện cũng như một giấc mơ.

Giấc nam kha khéo bất bình

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Gần nhứt là trong lĩnh vực âm nhạc : ước mơ nhạc truyền thống Việt Nam có được một chỗ đứng xúng đáng trong xã hội và trong lòng ngưòi Việt Nam.

Rộng hơn một chút là ước mơ đất nước thực hiện được thật sự ba điều : dân Việt Nam được độc lập thật sự : về mặt chánh trị cũng như kinh tế và văn hoá

Tự do thật sư, tuy vẫn biết tự do của mình không thể làm người khác mất tự do, làm rối trật tự chung Nhưng không bị một quyền lực nào hạn chế một cách bất hợp pháp.

Hạnh phúc thật sự :không cần giàu có muôn hộ, nhưng tối thiểu :đói có cơm ăn , nóng lạnh có nhà ở, đau ốm có thuốc uống

Rộng hơn một chút nữa : hoà bình trong thế giới, hận thù tiêu tan, chỉ còn tình thương con người đối với con người.

Nhưng ưc mộng của tôi phải chăng là ảo mộng ?

© http://vietsciences.free.fr  Trần Văn Khê