Việc học

Vietsciences- Dien Tran     05/02/2006
 

Tác giả cám ơn các cháu:  Angel Ốc Sên, (đang làm việc ở Hà nội), Anh Thư, (đang thực tập Cao học Luật ở Rome), Liên N. P.Eng, (đang làm việc ở Hamilton, ON.) và  Mai Hiên, (đang học Cao học ở Trieste)  đã đọc và góp ý.

 I. Việc học ở Âu Mỹ ngày nay
    1. Học hỏi (Learning and inquiring):
    2. Học hiểu (Learning and understanding):
    3. Học hành (Learning and implementing):
    4. Kinh nghiệm làm việc
II. Những điều nên giữ trong việc học ngày trước ở Á đông
    1. Biết những điều cần học
    2. Biết chọn điều và chỗ để học
    3. Biết ngành nghề để học
    4. Biết dùng sự học
III. Thay lời kết

 

Ở Bắc Mỹ cũng như ở Âu châu, ba kỹ năng được chú trọng nhất trong quá trình học tập là "học hỏi," "học hiểu," và "học hành". Học xong, ra trường, "kinh nghiệm làm việc" trở nên yếu tố được chú trọng nhất. Những người đã theo học hết bậc trung học ở Bắc Mỹ đều biết các yếu tố gần như là căn bản này, nên bài viết chủ yếu dành cho các sinh viên Việt Nam sửa soạn vào bậc đại học hay cao đẳng ở Bắc Mỹ, mà không qua bậc trung học ở nơi đây.

 

I.          Việc học ở Âu Mỹ ngày nay

1.        Học hỏi (Learning and inquiring):

Trước khi đến lớp, sinh viên phải đọc các sách và bài viết (học ba tín chỉ, có thể phải đọc khoảng 150 trang, giòng đơn, chữ nhỏ) theo danh sách giáo sư đưa ra trước buổi học, để thảo luận khi vào lớp. Khi đọc, sinh viên cần xem xét các bài này ở từng điểm quan trọng, dùng óc phê phán để nhận định những gì các tác giả đưa ra đúng hay sai. Ðiều này đòi hỏi sinh viên phải đọc kỹ mà nhanh (để có thể đọc hết toàn bộ), nhớ các điểm cần thiết (biết phân tích để biết và nhận ra các điểm quan trọng), và có óc phê bình đúng đắn.

Khi vào lớp, sinh viên không chỉ nghe giáo sư giảng suông rồi ghi chép để về học thuộc lòng, mà phải biết đặt câu hỏi, đào rộng và sâu hơn các bài đã đọc. Nên đặt câu hỏi với giáo sư, và cả với bạn học cùng lớp, để xem những người này suy nghĩ ra sao. Nhưng hỏi không chỉ để hỏi, nên chúng tôi đã không dùng chữ "questionning."  Hỏi để dựa vào câu trả lời mà tìm hiểu và tra cứu thêm, thành ra chúng tôi dùng chữ "inquiring" để nói đầy đủ hơn ý nghĩa của việc học hỏi.

Đặt câu hỏi là một kỹ năng cần rèn luyện. Trong bước đầu, câu hỏi có thể còn vụng về, thiếu chiều sâu, không nêu được một cách chính xác những điểm mình thắc mắc. Nhưng nếu sinh viên cố gắng hỏi nhiều, sẽ quen dần và rồi sẽ tìm được cách hỏi tốt nhất để  hiểu rõ vấn đề hơn, để tìm thêm dữ kiện, hoặc để thảo luận, phục vụ cho mục đích học tập của mình. Để làm được điều này, sinh viên cần vượt qua mặc cảm là "sao mình lại hỏi những câu ngớ ngẩn thế ?" hoặc "chắc chỉ có một mình  mình không hiểu nên mới hỏi." Không nên xấu hổ, mà nên mạnh dạn hỏi, sau đó sẽ quen dần dần. Từ đó, sinh viên sẽ nhận thấy việc đặt câu hỏi giúp nhận thức thêm được các điều quan trọng, biết rõ thêm vấn đề đang học, đặc biệt là đối với những người đang phải học bằng một ngôn ngữ xa lạ, không phải tiếng mẹ đẻ của mình.

Khi nhận được câu trả lời, sinh viên cũng cần xem xét liệu câu trả lời có đáp ứng những điều mình đang thắc mắc hay không. Nếu còn vướng mắc, sinh viên nên chọn lời, chọn lúc mà hỏi thêm và hỏi một cách thành thật. Tốt nhất, nên đặt những câu hỏi ngắn gọn mà đầy đủ những ý muốn hỏi. Ðôi khi, có người đặt câu hỏi (nhất là trong các buổi hội thảo) chỉ nhằm phô cái hiểu biết của mình chứ không hỏi để được giải đáp. Một câu hỏi dài, có thể làm loãng đi vấn đề mấu chốt cần được giải đáp. Nên trong lúc học, cần tránh cách đặt câu hỏi như thế.

Hầu hết các giáo sư ở Bắc Mỹ và Âu châu không nghĩ là học trò đang cố gắng “truy” mình, nên thường không thấy khó chịu khi học trò đặt câu hỏi. Họ sẵn sàng trả lời:  "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này - vấn đề sinh viên nêu ra - để tôi suy nghĩ, và trả lời sau."  Và họ sẽ  tra cứu để tìm ra câu trả lời. Nhiều giáo sư thậm chí còn vui mừng khi nhận các câu hỏi như thế, vì nhờ chúng mà biết thêm được một khía cạnh mới của vấn đề chưa hề thấy hay nghĩ đến. Do đó, các giáo sư hay thầy, cô rất quý trọng những sinh viên tham gia tích cực vào việc học bằng cách đặt nhiều câu hỏi và biết lắng nghe câu trả lời.

 

2. Học hiểu (Learning and understanding):

Là việc tìm hiểu đến nơi, đến chốn một cách đúng đắn những điều đang học, chứ không chỉ nhằm thuộc lòng mà thôi. Một khi đã hiểu được vấn đề, sinh viên sẽ nhớ lâu hơn. Thêm nữa, sinh viên có thể dựa trên sự hiểu biết này để phân tích, tìm hiểu những vấn đề khác có liên quan đến điều đã học. Từ đó phát huy khả năng nghiên cứu và tự học, vốn là những khả năng rất có ích cho bản thân khi ra làm việc.

Hiểu một vấn đề có nhiều trình độ, thứ bậc khác nhau. Có thể hiểu đại khái, hiểu sơ sơ, đến hiểu để áp dụng được, rồi hiểu rõ, hay hiểu thấu đáo để giảng dạy lại được. Tùy vào sự liên quan của một vấn đề với việc học của mình, mà người học có thể tìm hiểu đến một trình độ nào đó. Có người chỉ cần tìm hiểu môn “xác suất trong thống kê” đến mức áp dụng được để dùng trong việc khảo cứu nền giáo dục cấp tiểu học ở một nơi nào đó. Nhưng người học ngành bảo hiểm lại cần hiểu thấu đáo về xác suất thống kê. Người học để ra làm chuyên viên du lịch  và người học để lái tàu cận duyên đều cần hiểu về thời tiết, nhưng chắc chắn là sự đòi hỏi về trình độ hiểu biết thời tiết của hai người khác hẳn nhau.

Ở Bắc Mỹ, vì các đại học thường áp dụng hệ thống tín chỉ, nên sinh viên học chung một lớp, có thể có nhiều trình độ khác nhau: người gần đầy đủ số tín chỉ để ra trường, người mới vào học. Nên trong lớp học Kinh tế nhập môn (Introduction to Economy) bên cạnh những người sẽ chuyên về kinh tế (Major in Economy), học rất hăng say, lại có những người chỉ lấy môn kinh tế là chuyên môn phụ (Minor in Economy) và cũng có những sinh viên chọn môn này như một tín chỉ tự chọn (elective credit) để có đủ số tín chỉ ra trường. Vì thế người học cũng nên tìm hiểu bạn cùng lớp, nhằm định cho mình trình độ cần hiểu cho môn đang học, không phải tự thúc hối phải học hết sức mình một môn học phụ, hay học cầm chừng như người khác, để rồi cuối cùng không hiểu được đúng mức cần thiết. Ðiều quan trọng cần ghi nhớ là học để hiểu, và đúng mức mình cần, chứ không phải chỉ học thuộc lòng mà thôi.

 

3.        Học hành (Learning and implementing): 

Là việc đem đời sống vào trong việc học và đồng thời đem việc học ứng dụng vào đời sống. Không phải đến khi học xong, sinh viên mới có thể đem những điều đã học ra ứng dụng vào công việc làm, vào đời sống hàng ngày, để nhờ vào áp dụng lý thuyết đã học, mới hiểu thêm ra, và mới lãnh hội được cái hay, cái đặc biệt của điều đã học. Ngay trong quá trình học, sinh viên đã phải có những va chạm thực tế với đời sống. Ví dụ, ngay trong chứng chỉ nhập môn về Thương mại (như Introduction to Business) tại nhiều đại học, nhiều bài tập đã cho sinh viên các dữ kiện hết sức thực tế và cập nhật như: lãi suất ngân hàng, tiền thuê bao điện thoại thương mại, giá tiền quảng cáo của từng  đài truyền hình… trong ngay thời điểm đó. Khi làm bài, đôi lúc sinh viên phải đến một công ty đang hoạt động để tìm hiểu những vấn đề như: đường lối cùng mục tiêu, phương pháp quản trị, cung cách làm việc, quá trình vận chuyển nguyên liệu và hàng hoá trong công ty đó. Trong quá trình học, sinh viên còn có cơ hội đi tham quan các công ty thương mại, các hãng xưởng trong thành phố, và còn được khuyến khích trao đổi với ban giám đốc hay các nhân viên để tìm hiểu thêm.

Nhiều đại học còn đi xa hơn, đưa ra một chương trình kết hợp giữa học và làm (co-op). Sinh viên học ở trường trong vòng 8 tháng, sau đó đi thực tập (có lương) trong 4 hay 8 tháng. Chỗ thực tập có thể gần nhà, gần trường, hay ở một thành phố khác. Trong thời gian thực tập, sinh viên được quy định làm một số việc thường ngày như một nhân viên bình thường trong công ty đó. Thời gian đầu, có người hướng dẫn để sinh viên học thêm. Nhưng trong các lần thực tập sau, sinh viên phải tự mình làm được việc. Trong lúc thực tập, sinh viên được chấm điểm theo khả năng nhận thức, theo tinh thần làm việc chung; và điểm này được tính vào khóa học. Sinh viên cứ vừa học vừa thực tập như thế trong bốn hoặc năm năm, và thường có viêc làm ngay sau khi ra trường, đúng theo ngành nghề chuyên môn đã học. Nhiều gia đình nhờ có con theo chương trình này mà không phải lo lắng đến học phí, và chi phí lúc theo học.  Khi trở về trường sau mỗi lần đi thực tập, sinh viên phải nộp một bài viết khoảng một ngàn chữ, ghi lại kết quả đã thu được ở nơi làm việc. Trong bài này, sinh viên có thể nêu lý do để đề nghị trường nên hay không nên tiếp tục gởi sinh viên khác đến nơi làm việc này để thực tập.

      Một số trường danh tiếng thường tổ chức cho sinh viên năm cuối một thời gian thực tập trong nước hoặc ngoài nước. Sinh viên học luật trường Ðại học Montréal, muốn tốt nghiệp Cao học Luật về quốc tế công hay tư pháp có thể đi thực tập ở Luxembourg, La Haye (Hà Lan), hay Rome (Ý). Sinh viên Cao học thương mại ở đại học Western Ontario (Richard Ivey School of Business) được sang một số nước Ðông Âu để thực hiện các đề án kinh doanh nhằm trau dồi kiến thức và trao đổi kinh nghiệm làm việc. Nhờ điều này mà ngay  khi ra trường, sinh viên đã có sẵn một kinh nghiệm làm việc phong phú.

Trong những chương trình dạy sinh ngữ như Pháp văn, các trường  đại học British Columbia, Saskatoon, Western Ontario, Windsor v.v.. có tổ chức các lớp hè ở Nice, ở Aix en Provence, và ở Strasbourg nhằm giúp sinh viên có dịp sống ngay trong môi trường nói tiếng Pháp. Trường cao đẳng Humber ở Toronto, tổ chức lớp Pháp văn ở La Pocatière, dành cho học sinh cuối năm trung học; đại học Western Ontario tổ chức ở Trois Pistoles, cho sinh viên và người lớn, nhằm trau dồi Pháp văn, nghe, viết và nói. Cả hai thành phố này nằm trong tỉnh Québec. Các học sinh, sinh viên tham dự các lớp học này có thể được chính phủ đài thọ toàn bộ học phí và chi phí ăn ở trong sáu tuần lễ của khóa học. Ðổi lại, người tham dự phải cam kết dùng toàn tiếng Pháp trong suốt thời gian theo học. Tất cả những điều trên cho ta thấy rõ mức độ chú trọng đến thực hành trong khi học, và những người có trách nhiệm về công tác giáo dục tạo mọi điều kiện thực hành cho sinh viên và học sinh.

Đôi khi muốn đạt được những tiêu chuẩn để được chọn vào một trường dạy ngành nghề mong muốn, sinh viên phải làm một số công việc thiện nguyện để có thêm kinh nghiệm. Đối với sinh viên học xong cử nhân muốn dạy trung học hay tiểu học thì phải học thêm một năm ở trường Sư phạm để lấy bằng Cử nhân Giáo dục. Nhiều sinh viên đã tình nguyện xin làm việc không nhận thù lao ở các trường trung học hoặc tiểu học trong vùng, với vai trò là trợ giáo, hoặc phụ tá huấn luyện viên thể thao, để tự tạo điều kiện hầu được nhận vào trường sư phạm. Sinh viên muốn vào học ngành dược thường tìm việc làm thêm ở  nhà thuốc trong siêu thị, hay phòng phát thuốc ở bệnh viện. Ngay trước khi vào đại học, học sinh năm cuối trung học cũng tìm việc làm trong ngành, nghề mà họ dự định theo học.

         Ở Việt nam, có sinh viên phải học hai năm đại học ngành Thương mại, mới biết Ngoại thương là gì. Có sinh viên học ba năm Y Dược mới thấy ngành không hợp với mình…  Thành ra giúp học sinh tham gia thực hành sớm từ bậc phổ thông sẽ giúp các em hiểu được thấu đáo những đặc điểm và khó khăn thực tế của ngành muốn theo đuổi, từ đó đánh giá được mức độ phù hợp và lòng yêu thích của mình đối với ngành nghề, để có quyết định đúng đắn.

 

4.        Kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm giúp ta hoàn thành một công tác hay một nhiệm vụ trong thời gian thích hợp, và giúp ta thấy trước những khó khăn có thể sẽ gặp; từ đó có thể dự trù thời gian, tính toán cách làm, nhằm giúp công việc giao phó được hoàn thành đúng thời hạn, không bị vấp váp và không tạo ra những khó khăn, trở ngại, cho các khâu khác... Những người đi làm hãng xưởng cũng có thể thâu thập những kinh nghiệm áp dụng được trong công việc văn phòng như: biết ứng phó với những khó khăn, biết suy nghĩ và tính toán để khỏi phạm những lỗi lầm có thể tránh được.

Nếu hiểu được tính trọng thực dụng của Âu Mỹ (pragmatism), ta sẽ thấy kinh nghiệm làm việc quan trọng không kém bằng cấp có được từ việc học.  Kinh nghiệm làm việc được xem xét và nhận định một cách rộng rãi, để cho thấy cá tính của người đi tìm việc. Thí dụ, một người học Quản trị Kinh doanh có kinh nghiệm đi làm chiêu đãi ở nhà hàng hay quán ăn trong thời gian còn đi học. Trong công việc này, có phần giới thiệu món đặc biệt trong ngày với khách, đó là cách ứng xử với người khác, nói thế nào, cử chỉ thế nào để khách cảm thấy vui vẻ, hài lòng, và tin mình. Tập cách trả lời sao cho những khách khó tính không gây gổ, không giận dữ. Khi làm việc chính thức trong ngành, các kinh nghiệm này sẽ được đem ra áp dụng để thuyết phục đồng nghiệp (hay người cộng sự) chấp nhận đề nghị của mình, hoặc để trình bày ý kiến, ý tưởng của mình môt cách minh bạch, và có hiệu quả. Nếu chỉ chú tâm vào việc học, lo học thật giỏi, đậu cao, lấy bằng, mà không có kinh nghiệm làm việc, có thể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc.

      Khi làm việc trong lúc còn đi học, sinh viên, học sinh nên để ý tìm người, thường là cấp điều hành trực tiếp của mình, để sau này có thể xác nhận công việc mình đã làm, và có thể chứng nhận khả năng hay tính tình của mình ở nơi làm việc. Thông thường các nơi nhận đơn xin việc đòi hỏi phải có hai hay ba người như thế (gọi là references) và  các nơi này sẽ tiếp xúc với những người đó khi họ thấy có thể thu nhận mình vào làm cho họ. Vì vậy cần cập nhật hóa thông tin về những người đó như phương vị, số điện thoại, địa chỉ điện thư, để khỏi bị bất ngờ. Nên cẩn thận liên lạc trước với những người này và xin phép để tên của họ vào thư hay đơn xin việc.

Học hỏi, học hiểu, và học hành cộng với kinh nghiệm làm việc sẽ giúp người đi học có được việc làm thích hợp với khả năng và nguyện vọng của mình, cũng như được hưởng mức thù lao tương xứng. Tuy nhiên, những điều này vẫn có thể chưa giúp được người đi học cảm thấy đã làm trọn vẹn thiên chức của mình, nhất là những người đã hấp thụ phần nào nền văn hóa Á Đông, vốn trọng sự hài hòa trong cuộc sống và việc làm. Đối với những người này, ngoài những yếu tố trong gia đình riêng, nhỏ của mình và đại gia đình (ông, bà, cha, mẹ và anh em đôi bên) người học nên biết thêm cách học, chọn điều và chỗ phải học, ngành nghề học, và  lựa cách áp dụng những điều hay, điều phải đã học và tìm hiểu được.

 

II.      Những điều nên giữ trong việc học ngày trước ở Á đông

1.        Biết những điều cần học

       Chuyện xưa kể về Công Minh Tuyên, ba năm ở nhà thầy mà không mấy khi thấy đọc sách. Thày Tăng tử hỏi tại làm sao, Công Minh Tuyên thưa:

-  Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy thầy đối với song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã; đối với bạn bè hết sức cung kính, lễ độ; ở chỗ làm việc, thầy nghiêm trọng mà rất khoan dung kẻ dưới. Con luôn luôn ráng theo học các điều ấy mà vẫn chưa được. Con đâu dám cứ ở cửa nhà thầy mà lười biếng không chịu học. (Thiết Uyễn, theo Cổ học Tinh hoa, I, trang 118)

Như thế, tự đời trước cũng đã có người biết cái cần phải học và học cốt để làm người, chứ không chỉ nhắm vào việc đi thi, ra làm quan. Ngoài ra còn gương Doãn Thuần, bỏ thi mà về, vì đề thi "Chu Nguyên Hựu chư thần" (giết những kẻ bề tôi đời Nguyên Hựu) không phù hợp với luân lý và lẽ công bằng. Người biết học như thế cũng nhờ có bà mẹ đã dám nói "ta muốn con lấy điều phải mà nuôi ta ..."  (Tống sử Doãn Thuần truyện, theo Cổ học Tinh hoa, II, trang 22).

 

2.   Biết chọn điều và chỗ để học

      Thầy Mạnh tử được người theo Nho giáo suy tôn là một bậc đại hiền. Khi còn nhỏ, nhà ở cạnh nghĩa địa, thấy đám tang, về nhà cũng bắt chước đào, chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy vậy, mới dọn nhà ra gần chợ. Tại đây, thấy người ta buôn bán, thầy Mạnh cũng tập chơi trò buôn bán điên đảo. Bà mẹ lại phải dọn nhà đến ở cạnh trường học. Hằng ngày trông qua trường, thầy Mạnh cũng bắt chước học trò, mang sách, vở để học và học tập lễ phép. Nhờ bà mẹ biết tạo khung cảnh tôn trọng việc học mà về sau thầy Mạnh trở nên bậc đại hiền. (Liệt nữ truyện, theo Cổ học Tinh hoa, I, trang 146-147)

Nhưng  không chỉ nhắm vào việc học ở trường học hay trường đời. Phải có can đảm như Từ Tuân Minh, sau khi bôn ba theo học không biết bao nhiêu bậc thầy tiếng tăm lừng lẫy, mà vẫn thất vọng vì không tìm được một người thầy nào quán triệt nghĩa lý. Cuối cùng phải bỏ về. Bạn đồng học là Ðiền Mãnh Lược khuyên nên gia tâm và trì chí, chứ đừng nay mới đến, mai lại đi, không sao học cho thành được. Từ Tuân Minh chỉ vào "tâm" mà trả lời "ta nay mới biết chỗ ở đích thực của ông Thầy."  Từ đó hết sức tự suy nghĩ và chuyên chú tự học lấy một mình. Sau trở thành một bực danh nho. (Ngụy thư Từ Tuân Minh truyện, theo Cổ học Tinh hoa, II, trang 72-74).

 

3.    Biết ngành nghề để học

      Khi vua Nghiêu đi thăm đất Hoa, viên quan coi đất chúc nhà vua có lắm con trai. Vua Nghiêu trả lời: "Xin đừng chúc thế, lắm con trai có nhiều nỗi lo sợ!"  Viên quan nói :

- Nhà vua nói như thế, thật là một bậc chí nhân. Nhưng trời sinh ra người, mỗi đứa cho làm một việc, thì còn lo sợ gì?  (Trang tử tuyết, theo Cổ học Tinh hoa, I, trang 141-143).

Suy ra thì đời trước, người ta vẫn hiểu là trong thiên hạ, mỗi người làm một việc. Chu toàn việc của mình thì xã hội yên vui. Không phải ai cũng làm bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên điện toán, hay cố vấn tài chính. Có người vui nghề nông, người chuộng ngành mộc, kẻ ưa xây cất nhà cửa, hoặc thích sửa chửa điện lạnh, máy sưởi. Trăm nghìn ngành nghề.

      Ngay ở Paris, muốn học thành thợ làm bánh mì, bánh ngọt cũng mất từ hai đến bốn năm sau bậc trung học. Ở Trung quốc, có Ðại học Nông nghiệp Quốc gia nằm trong Viện đại học Hồ Nam dạy tất cả công việc đồng áng, từ cá thể đến qui mô cả nước. Tại Canada, các ngành nghề cắm hoa, làm tóc, buôn bán nhà đất ... đều phải học ở trường cao đẳng, học trình từ hai đến bốn năm, vừa học, vừa làm, thi cử theo đúng quy trình. Có nhiều người tốt nghiệp ngành làm tóc, hành nghề ba, bốn năm, đi dự các cuộc thi quốc tế, nhận huy chương, giải thưởng, bằng khen ... Thành ra bậc làm cha mẹ, nhiều khi muốn con học ngành này nghề nọ, chắc cũng nên khuyên con chọn ngành nghề nào, mà sau này, mỗi sáng thức dậy, đều hăng hái, vui vẻ đi làm việc. Như thế mới thật là mong điều phải cho con cái.

 

4.   Biết dùng sự học

      Khổng Miệt và Bật Tử Tiện học chung với nhau và ra làm quan cùng thời, cùng phương vị. Khổng tử đến thăm Khổng Miệt và hỏi "từ khi ra làm quan, được những gì và mất những gì?"  Khổng Miệt mất ba điều mà không thêm được gì: việc quan bận rộn, không ôn tập nên quên đi các điều đã học; lương bổng ít, không đủ để chu cấp người thân nên mất đi họ hàng; thời giờ eo hẹp, không thăm viếng được ai, nên xa dần bạn bè. Khổng Tử nghe nói không bằng lòng. Khi qua thăm Bật Tử Tiện, cũng hỏi như thế. Bật Tử Tiện vui mừng mà thưa:

- Từ khi ra làm quan, chưa mất điều gì mà đã được ba điều. Có cơ hội áp dụng điều đã học, nên việc học càng thêm rõ ràng. Bổng lộc không nhiều, nhưng cũng dôi ra được chút ít để chia sẻ với họ hàng, nên ngày càng thêm thân. Thời giờ eo hẹp, nhưng cũng nhín được đôi chút, thăm người đau, viếng người chết, nên bạn bè thân hơn. (Gia ngữ, theo Cổ học Tinh hoa, I, trang 25)

      Cũng cùng hoàn cảnh, nhưng hai thái độ, hai cách ứng xử trái ngược hẳn nhau. Người được, người mất, khác nhau ở chỗ biết hay không biết áp dụng việc học vào đời sống. Ðiều này, có phải do thầy hay cô giáo dạy không ?  Hay là do nơi người học, biết cách học, biết cách áp dụng, và đã dùng việc học đúng chỗ ?  Nên có học, có biết, mà cần phải tùy lúc, tùy việc, và tùy chỗ mà dùng việc học, áp dụng cái hiểu biết của mình, không nhất thiết phải lệ thuộc vào lời người xưa, hay kinh điển cũ. Cũng như người nước Lỗ, biết chuyện ông Lỗ Trọng Liên, muốn học theo điều phải, không bắt chước cách làm, mà vẫn làm được. (Lã thị Xuân Thu, theo Cổ học Tinh hoa, I, trang  171-172)

 

III. Thay lời kết

Việc học tiên tiến ở các nước Âu Mỹ đòi hỏi sinh viên phải có những kỹ năng học hỏi, học hiểu và học hành. Những điều này giúp người học thành công trên đường đời, tạo dựng sự nghiệp, có được cuộc sống sung túc, và có khả năng cũng như cơ hội đóng góp như một thành viên tích cực của xã hội. Ngoài ra, người học còn phải biết ứng dụng đúng đắn tinh thần của sự học tập truyền thống (của thời trước), đòi hỏi người đi học phải biết cách học, và còn phải biết dùng sự học đúng chỗ. Làm được như thế, người có học vấn sẽ giữ được trí tuệ vừa nhẹ nhàng lại vừa phong phú, giữ cho tinh thần được an vui, thoải mái, xây dựng cùng gìn giữ hạnh phúc cho cuộc sống của mình cũng như của mọi người trong gia đình và trong xã hội. Biết học và biết dùng sự học tiên tiến lẫn truyền thống như thế mới thực sự đúng với chức năng con người và chu toàn bổn phận làm người.

 

 Dien Tran, Ph.D.

 

Tài liệu trích dẫn từ:

Nguyễn văn Ngọc và Trần Lê Nhân. 1962. Cổ học Tinh hoa. Tập I và tập II. Sài gòn: Nhà Xuất Bản Thọ Xuân. Cơ sở Xuất bản Ðại Nam in lại, không đề năm.

 

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Dien Tran