Khi trò Tây viết về
thầy ta nhân ngày thầy lấy hưu trí
“Thật là một đặc ân và là niềm hạnh phúc cho tôi khi
được quen biết GS. Nguyễn Đăng Hưng. Thật vậy, trước
khi tôi trở thành người đồng nghiệp, ông chính đã là
người thầy, người hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiến
sĩ của tôi. Thầy Hưng là một người có lòng đam mê
đặc biệt và luôn luôn bận rộn trong nghiên cứu khoa
học. Chúng tôi thường tranh luận gay ngắt với nhau
về các chủ đề khoa học và chính trị nhưng luôn luông
trên cơ sở chân tình và thân thiện. Thầy cũng là một
người đã có công phát triển các chương trình tính
toán rất đặc sắc. Điều quan trọng Thầy đã dạy tôi là
luôn luôn nhận thức cơ sở lý thuyết cơ bản mợt cách
sâu sấc trước khi bước vào những lập trình ứng dụng.
Thầy còn là một nhà yêu nước đáng kính phục. Tôi có
cảm tưởng Thầy có khả năng chuyển hóa nhiệt huyết
của tuổi trẻ để hướng họ đến việc xây dựng cuộc sống
tốt đẹp hơn”. Lời của GS Géry de Saxcé.
1 Nhà nghiên
cứu, nhà giáo đại học
GS Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941 tại Việt Nam. Thầy
Hưng đã sống tuổi niên thiếu tại một làng quê nghèo
thuộc miền Trung Việt Nam, tỉnh Quảng Nam. Là một
học sinh xuất sắc của trường trung học Pétrus Trương
Vĩnh Ký, Sài-gòn, Thầy Hưng đã nhận được 1 học bổng
học ngành kỹ thuật tại Vương quốc Bỉ vào năm 1960.
Tình trạng nghèo khó của quê hương, cái chết của
người mẹ trong thời kỳ đen tối chống lại thực dân
Pháp và trên tất cả là tình thương của người cha đã
thúc đẩy Thầy Hưng đạt được những kết quả học tập
rất xuất sắc. Năm 1966, Thầy Hưng đã tốt nghiệp
ngành kỹ sư Vật lý tại phòng thí nghiệm Kỹ thuật
Hàng Không (L.T.A.S.), một trung tâm nghiên cứu được
Giáo sư Fraeijs de Veubeke thành lập tại Đại học
Liège rất nổi tiếng trong cộng đồng khoa học thế
giới.
Năm 1966, Thầy Hưng được giữ lại
làm kỹ sư nghiên cứu tại L.T.A.S. Được làm việc với
đội ngũ các chuyên gia hàng đầu, Thầy Hưng đã bị
cuốn hút vào niềm say mê nghiên cứu, Thầy Hưng đã
chưa bao giờ rời nó cho đến bây giờ. Chìm đắm trong
các nguyên lý biến phân và các phương pháp số của GS
Fraeijs de Veubeke, Thầy Hưng đã bắt đầu cống bố
những công trình khoa học của mình về phân tích đối
ngẫu giữa phương pháp chuyển vị và phương pháp cân
bằng. Đây chính là một trong những lĩnh vực chính
trong toàn bộ các công trình khoa học của thầy Hưng.
Thầy Hưng tâm sự: “Nhiều lúc sự đối ngẫu vượt quá
lĩnh vực khoa học và có thể hiểu một cách rộng hơn
dưới góc độ một qui luật của tự nhiên và cuộc sống
giống như các triết lý phương đông”. Ngoài ra,
sự nghiệp của Thầy Hưng cũng chuyển qua 1 ngã rẽ mới
quan trọng khi năm 1968, Thầy Hưng được triệu về làm
việc tại khoa Sức bền Vật liệu và Ổn định công trình
do GS Charles Massonnet làm trưởng khoa. GS Charles
Massonnet là một giáo sư nổi tiếng về chuyên ngành
Kỹ thuật Công trình tại Trường Kỹ Thuật thuộc Đại
học Liège.
Tuy nhiên , Thầy Hưng vẫn tiếp
tục bị cuốn hút bởi thuyết đối ngẫu và điều không
thể phủ nhận được là Thầy Hưng đã phát minh ra một
chuỗi các phần tử lai, một sự cống hiến khoa học rất
giới khoa học quan tâm, nhất là những năm gần đây.
Các phần tử lai tiếng Anh là “mongrel” tiếng Pháp là
“métis” là loại phần đem lại hội tụ rất nhanh và đơn
điệu, rất có hiệu quả trong tính toán so với các
loại phần tử thường. Các phần tử “lai” là loại phần
tử trung gian giữa những phần tử dị biến và những
phần tử thuần túy, có tốc độ hội tụ cao và có độ hội
tụ đơn điệu.
Nhưng không lâu sau đó, sự nhiệt
tình mãnh liệt của GS Charles Massonnet đã cuốn hút
Thầy Hưng vào 1 lĩnh vực mới, đó là phân tích giới
hạn dẻo. Được đào tạo về tính toán kết cấu, Thầy
Hưng đã phát triển chương trình CEPAO dùng để phân
tích giới hạn dẻo và tính toán tối ưu các kết cấu
công trình khung phẳng thép. Đóng góp nổi bật của
chương trình CEPAO so với các chương trình khác lúc
đó là khả năng tự động hóa việc phát sinh cơ cấu gãy
đổ.
Kết hợp với các thuật giải phức
tạp khác, CEPAO là bộ công cụ số rất mạnh trong việv
tìm tải trọng giới hạn của kết cấu công trình. Công
trình nghiên cứu khoa học tiên phong này là sự bắt
đầu cho các nghiên cứu nổi bật khác trong các lĩnh
vực liên quan của Thầy Hưng sau này.
Các mã chương trình tính toán số
nhanh chóng được phát triển thành mô-đun tính toán
tối ưu có kể đến chảy dẻo của vật liệu. Sự giới
thiệu các điều khiển thêm vào cho các luật ổn định
theo hướng dẫn của Âu châu ECCS là một bước cải tiến
đột phá, chuyển một chương trình học thuật sang một
công cụ tính toán thực tiễn cho kỹ sư trong quá
trình nghiên cứu, tư vấn. Trong các đặc điểm nổi bật
của CEPAO, chúng ta có thể kể đến sự mở rộng của
mô-đun khung bê tông cốt thép và mô-đun tối ưu hóa
shakedown dưới các loại tải trọng lập thay đổi.
Một chương trình tính toán khác
đã được Thầy Hưng phát triển trong những năm 70 và
80 là ADELEF. Thầy Hưng đã thoáng thấy được sức mạnh
của giải pháp qui hoạch toán học kết hợp với phương
pháp phần tử hữu hạn. Đây chính là trọng tâm trong
các hoạt động nghiên cứu khác nhau của Thầy. Sử dụng
xấp xỉ trường ứng suất dường như đặc biệt thích hợp
trong phân tích dẻo nhưng việc áp đặt các điều kiện
dẻo tại các vị trí bất kỳ là một công việc khó khăn.
Thầy Hưng đã đề nghị một phương pháp độc đáo dựa
trên tiêu chuẩn dẻo “trong trung bình” để dẫn đến
nguyên lý biến phân “thoải mái” (relaxed) cho phép
tính toán tải giới hạn của các kết cấu 2 chiều.
Phương pháp phân tích giới hạn đã vượt qua được
phương pháp lịch sử tải trọng hoàn chỉnh trước đó
khi tìm sự gãy đổ nhưng nó bị giới hạn trong các bài
toán với tải trọng tỉ lệ. Tuy nhiên, dạng tải trọng
tỉ lệ thường không thực tế trong nhiều ứng dụng.
Phương pháp này đã thể hiện tất
cả các sức mạnh khi áp dụng cho tải trọng lập thay
đổi: đây chính là các tiếp cận shakedown đã được đề
cập. Ngày nay, kiến thức được phổ biến trong các
tuyển tập và tạp chí khoa học nhưng đó không phải là
cách duy nhất. Trong cuộc đời của người nghiên cứu,
có nhiều sự kiện mang tính quyết định. Đó là lần
Thầy Hưng gặp Tiến Sỹ Jan König mợt nhà khoa học Ba
Lan tại Milan, người đã giải thích những ý tưởng chủ
đạo của phương pháp thích nghi chảy dẽo (shakedown).
Và họ cùng nhau viết bài báo khoa học về vấn đề “Làm
thế nào dùng phương pháp phần tử hữu hạn cho các vấn
đề shakedown” năm 1976 và đây cũng chính là điểm bắt
đầu của Thầy Hưng cho các công trình liên quan đến
kết cấu 2, 3 chiều, tấm, vỏ và ống gấp. Bằng chứng
đầu tiên của các nghiên cứu đỉnh cao này là sự tham
gia dự án LISA “Phân tích giới hạn và shakedown
bằng phương pháp phần tử hữu hạn cho thiết kế và
đánh giá tính toàn vẹn trong công nghiệp Âu Châu”
do BRITE-EURAM, Liên minh Âu Châu tài trợ
(1988-2002).
Từ lõi của chương trình ADELEF
ban đầu được phát triển cho các bài toán phân tích
giới hạn, các mô-đun khác đã đuợc phát triển để phân
tích bài toán nhớt dẻo và tiếp xúc. Tất cả các công
trình này đã đạt được bởi nhóm các nhà nghiên cứu
trẻ do Thầy Hưng đứng đầu.
Trong đó có thể kế đến P. Desir, P. Detroux, P.
Falla, D. Frangopol, R. Jospin, P. Morelle,
L. Palgen và Géry de Saxcé. Các thành quả khoa học
này được tập hợp và thể hiện trong luận văn tiến sĩ
đặc biệt về khoa học của Thầy Hưng.
Năm 1982, tại Liège Thầy Hưng tổ chức hội thảo
“Áp dụng các phương pháp qui hoạch toán học trong
phân tích và thiết kế kết cấu” thu hút hơn 40
diễn giả từ các quốc gia Âu châu tham gia. Cùng với
các thành quả khoa học, Thầy Hưng từng bước đạt các
vị trí học thuật: Trợ giảng năm 1968, Trợ lý giáo sư
năm 1972, Giảng viên năm 1978, Phó giáo sư năm 1984
và Giáo sư năm 1991.
Khoảng thời gian ngắn sau, Thầy
Hưng chuyển sự nghiên cứu sang 1 lĩnh vực mới có dấu
ấn sấu sắc trong sự nghiệp của Thầy: Cơ học Rạn Nứt,
là lĩnh vực chính trong ngành Hàng không, Không
gian. Đồng thời Thầy tập trung vào các công cụ số
trong phần mềm thương mại tính toán cơ học dùng
trong công nghiệp, SAMCEF. SAMCEF là chuơng trình
phần tử hữu hạn được phát triển bởi L.T.A.S. và được
thương mại hóa bởi công ty SAMTECH. Năm 1987, Thầy
Hưng thực hiện hợp đồng 1 năm với công ty SAMTECH
nhằm phát triển mô-đun Cơ Rạn Nút trong SAMCEF cho
công ty S.E.P. Đây là hợp đồng đầu tiên trong số các
hợp đồng sau này được công ty AEROSPATIALE tài trợ.
Như là kết quả tự nhiên của quá
trình phát triển quan trọng này, Thầy Hưng trở lại
L.T.A.S. năm 1991 với vị trí Giáo sư truởng bộ môn
“Cơ Rạn Nút Vật Rắn” và làm việc tại đây cho
đến lúc này. Giai đoạn cuối này của sự nghiệp đã
đánh dấu bằng các hợp đồng trong lĩnh vực cơ rạn nút
với các công ty, các viện của Châu Âu và các vùng.
Đây chính là đỉnh cao của nghiên cứu lý thuyết và số
vì được áp dụng trong việc phát triển công nghiệp và
kinh tế. Từ năm 1991 đến năm 1995, Thầy Hưng đã tham
gia vào các chương trình “Vật liệu nhiều lớp”
do vùng Wallonie tài trợ, “Phát triển và đánh giá
hiện tượng phá hoại trong vật liệu hỗn hợp”.
Tiếp theo là các dự án Châu Âu COST “Mô hình và
mô phỏng sự phát triển và phá hoại của vết nứt trong
kết cấu kim loại và hỗn hợp do mỏi với sự xuất hiện
của ứng suất dư” (1995-1999), dự án COMDY “Sự
tách lớp và sự phá hoại của tấm vật liệu hỗn hợp
nhiều lớp dưới tải trọng động” được tài trợ bởi
vùng Wallonie (2002-2006). Trong số các công trình
khoa học của Thầy Hưng đến nay, chúng tôi muốn đề
cập đến sự phát triển của chương trình BECOME dựa
trên phương pháp phần tử biên, một phương pháp rất
hiệu quả trong việc mô hình hóa các bài toán có vết
nứt. Trong chương trình này, chúng tôi nhận thấy sự
ảnh hưởng của GS Charles Massonnet, người được xem
là tiên phong trong phương pháp số, trong việc đóng
góp các công trình đầu tiên giải các phuơng trình
tích phân
Mặc dù hoạt động chính trong
ngành Cơ Rạn Nứt, Thầy Hưng vẫn tiếp tục theo đuổi
các nghiên cứu trước đây về tính toán tải shakedown
bằng các hợp đồng công nghiệp. ELSA, phiên bản đặc
biệt của ADEFEF cho ống khuỷu, được phát triển và
dùng trong khuôn khổ của hợp đồng với công ty
FRAMATOME. Các hợp đồng mới được Ủy Ban Châu Âu tài
trợ trong lĩnh vực “Khoa học và Công Nghệ Hạt Nhân”
trong việc phân tích shakedown cấu trúc ống và khuỷu
ống với sự tham gia của Đại học Báck Khoa Mons và
công ty Anh quốc NNC.
Trong thời gian làm việc tại
L.T.A.S, danh sách các học trò và người cộng tác của
Thầy Hưng ngày càng dài: Nicolas Moës, B. Borlée,
Bùi Công Thành, Kang Chi Hang, Bùi Quốc Việt, Yan Ai
Min, Đoàn Đức Bảo, M. Duflot, S. Bordas, E.
Maréchal, Jiang Yansheng, Nguyễn Đại Quý, Nguyễn
Tiến Dương, Nguyễn Văn Hiếu, P. Schils, M. Scibetta,
Vũ Đức Khôi, Đỗ Quang Khánh, Nguyễn Đình Giang, Đặng
Đình Thi, Trần Đức Hân, Châu Đình Thành, Trần Thanh
Ngọc, Đỗ Văn Trường, Phan Hồng Quang, Bùi Quốc Tính,
Nguyễn Vĩnh Phú, Nguyễn Xuân Hùng, Hoàng Văn Long…
Thầy Hưng cũng là tác giả của hơn
20 cuốn sách, bài giảng, từ điển và hơn 200 công
trình khoa học mà phần lớn số đó được xuất bản bởi
các tạo chí khoa học danh tiếng trên toàn thế giới.
Thầy Hưng đã được trao huy chương của Hiệp hội Học
thuật Khoa học, Văn học và Nghệ thuật, Vương quốc
Bỉ, danh hiệu Grand
Officer of King Leopold II 's orders
của chính phủ Bỉ năm 1999 và được đề cử trao tặng
danh hiệu Grand Officer of the Crown’s
order năm 2006. Vào tháng
7/1999, Thầy đuợc tạp chí hàng tuần của Bỉ
"Le Vif – l’Express" bình chọn là 1 trong 10 người
nước ngoài "đã làm thay đổi nước Bỉ”. Tuy
nhiên, đây là một khía cạnh khác trong tính cách
Thầy mà chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong phần
tiếp theo.
2 Phát
triển nhân lực cho Việt Nam
Có 3 làn sóng nhập cư từ Việt Nam sang Bỉ: đầu tiên
là giai đoạn thực dân Pháp tq(i Việt Nam, thứ hai là
những sinh viên đạt học bổng học ở nước ngoài trong
đó có Thầy Hưng và thứ ba là những người vượt biên
với thành phần đa dạng, ngành nghề khác nhau, đặc
biệt là nghề nhà hàng ăn uống .
Thầy Hưng đã đóng vai trò tích cực trong các hoạt
động của Hội Việt Kiều yêu nước tại Bỉ. Thầy đã tham
gia vào các cuộc biểu tình chống chiến tranh của Mỹ
tại Việt Nam ở Bruxelles và Liège với niềm khao khát
vãn hồi hòa bình ở Việt Nam. Năm 1976, sau khi đất
nước thống nhất, Thầy Hưng trở về Việt Nam theo lời
mời của Ủy Ban Khoa học và Kỹ Thuật Nhà Nước Việt
Nam, tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ, để
giảng dạy 2 tuần tại ĐH Giao Thông Vận Tải Hà Nội
cho các giảng viên hay nghiên cứu sinh đến từ các
trường Đại học hay các Viện Công nghệ khác nhau ở Hà
Nội như Bách khoa, Xây Dựng, Thủy Lợi, Cơ học …
Thầy vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và mong muốn trở về
để tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước. Tiếc
rằng tình hình Việt Nam sau chiến tranh đã không như
Thầy tưởng. Chúng ta có thể tìm thấy những trăn trở
của Thầy về những định hướng kinh tế và xã hội kiểu
cũ tại Việt Nam trong suốt 10 năm đầu sau khi thống
nhất đất nước ở bài báo nổi tiếng “Bút ký của một
nhà khoa học Việt kiều” (Đoàn Kết số 418, Paris,
11/1989)
Nhưng chính trong thời gian ngắn ngủi này, Thầy Hưng
đã nhận ra rằng: “Việt Nam có nguồn nhân lực dồi
dào và lớp trẻ sở hữu một truyền thống hiếu học. Bởi
vì các cuộc chiến tranh kéo dài, những người trẻ
tuổi Việt Nam không thể có những cơ hội để được du
học và tiếp thu nền giáo dục thế giới.” Với
nhiệt huyết sẵn lòng phát triển nhân lực Việt Nam,
Thầy Hưng hiểu rằng mục tiêu này chỉ có thể đạt được
trên nền tảng hợp tác vững chắc đuợc kết hợp trong 1
chương trình chính thức.
Tuy nhiên, phải sau năm 1989 khi chính sách “Đổi
mới” bắt đầu rõ nét tại Việt Nam Thầy mới có thể tìm
ra được cơ chế phù hợp để hiện thực hóa các dự án
mong muốn. Để đạt được các mục tiêu này, Thầy đã kết
nối các mối quan hệ để bắt đầu các dự án nhỏ từ năm
1990 với sự giúp đỡ tài chính của các tổ chức quốc
tế và quốc gia khác nhau: Đại học Liège, Ban liên
lạc Quốc của Cộng đồn,g người Bỉ nói tiếng Pháp
(C.G.R.I), Cơ quan tài trợ cộng tác Đại học của Cộng
đồng thế giới nói tiếng Pháp
(F.I.C.U.-A.U.P.E.L.F.-U.R.E.F nay là AUF).
Với uy tín và lòng kiên nhẫn của mình, Thầy Hưng đã
thuyết phục các nhà tài trợ nước ngoài và các đối
tác Âu Châu giúp đỡ tài chánh cho các chương trình.
Thầy cũng đã ra sức thuyết phục cơ quan chức năng
Việt Nam chấp thuận cho triển khai dự án. Những nỗ
lực liên tục và bền bĩ của Thầy Hưng đã đưa đến kết
quả mỹ mản trong năm 1995 khi chương trình liên đại
học “Thạc sĩ Âu Châu về Cơ học Xây dựng, EMMC”
đào tạo sau đại học ra đời. Ba năm sau, một chương
trình tương tự khác “Thạc sĩ Âu Châu về Cơ học
tính toán môi trường liên tục, MCMC” được thành
lập ở Hà Nội. Ban đầu, dự án này đuợc hỗ trợ bởi Cơ
quan Quốc gia về Hợp tác phát triển quốc tế của Bỉ.
Chương trình đào tạo sau đại học này được xây dựng
theo tiêu chuẩn Âu Châu. Trường Đại học Liège cấp
bằng cho các sinh viên hoàn tất khóa học. Một số học
bổng được cấp cho một số sinh viên xuất sắc nhất
tiếp tục học tập cao hơn, thường là chương trình
tiến sĩ, ở Châu Âu, Mỹ, Canađa, Nhật và Úc …
Cho đến nay, cả 2 trung tâm với sự tham gia giảng
dạy của các giao sư danh tiếng từ các truờng đại học
ở Bỉ và sau này là ở Châu Âu đã đào tạo được 318
thạc sĩ, 12 người trong số đã bảo vệ thành công luận
án tiến sĩ và hơng 50 người khác đang chuẩn bị bảo
vệ tại khắp các đại học tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra phần còn lại là những giảng viên ưu tú tại
các trường đại học khắp đất nước Việt Nam, những
thành viên cao cấp trong các cơ quan nhà nước, công
ty, doanh nghiệp.
Năm 2001, Liên Hiệp Châu Âu cũng đã tài trợ cho cac
dự án do Thầy Hưng đề xướng, giúp Việt Nam phát
triển công nghệ thông tin, bao gồm nâng cao chất
lượng nghiên cứu và giảng dạy. Chương trình đầu tiên
được thực hiện tại Tp. Hồ Chí Minh gồm các truờng
Đại học Bách Khoa, Đại học Montpellier II, Pháp và
Đại học TU Delft, Hà Lan. Chương trình thứ hai được
thành lập tại Hà Nội với sự tham gia của Đại học
Liège, Đại học Aix-Marseille, Pháp, Đại học TU
Luleå, Thụy Điển và 5 truờng đại học Kỹ Thuật Việt
Nam tại Hà Nội.
Năm 2003, một thỏa thuận đã được ký bởi Đại học
Liège, Bỉ và trường Đại học Xây Dựng Hà Nội về việc
đào tạo 50 tiến sĩ trong thời gian 10 năm. Đây là
chương trình hợp tác giữa các trường Kỹ thuật ở Việt
Nam và 10 trường Đại học danh tiếng ở Âu Châu. Theo
chương trình này, sinh viên sẽ có 2/3 thời gian
nghiên cứu ở nước ngoài và 1/3 thời gian ở Việt Nam.
Thầy Hưng thường phát biểu: “Dạng đào tạo này
giúp sinh viên đạt được kiến thức mức tiêu chuẩn
quốc tế trong khi đó lại tiết kiệm ngân sách”.
Hơn thế nữa, ở góc độ xã hội, nó ngăn cản sự chảy
máu chất xám sang các quốc gia phát triển. Thực tế
hơn, chương trình mang lại những ảnh hưởng hiệu quả
hơn cho việc nghiên cứu khoa học phù hợp với các vấn
đề kỹ thuật và kinh tế của Việt Nam. Không còn nghi
ngờ gì nữa, triềt lý của dự án này là một phần Thầy
Hưng đã đúc kết được từ chính kinh nghiệm hợp tác
của Bỉ trong thời gian Thầy làm phó giáo sư tại Đại
học Kinshasa, Congo
từ năm 1982 đến 1986.
Gần
đây (2004), trong 1 bài phỏng vấn, một nhà báo đã
hỏi Thầy về tương lai. Thầy trả lời: “Tôi muốn
dành phần còn lại của đời mình tiếp tục một số việc
có ích để cuộc đời ý nghĩa hơn.
Sau đó,
tôi mong mỏi sống lại thuở ấu thơ bên dòng suối nhỏ,
có nước chảy róc rách trong buổi trưa hè hay được
thường xuyên nằm nghe trước khi chợp mắt, bản đàn
bất tận phát ra từ thuở hoang sơ, tiếng rì rào của
sóng biển ngày đêm vỗ về cát trắng...”
Tất cả chúng ta đều mong hy vọng
Thầy có thể đạt đuợc những mong ước bình dị trong
thời gian nghỉ hưu thực sự của Thầy, bên cạnh gia
đình đông vui bao gồm bốn người con và tám người
cháu nội cũng như ngoại.
Người dịch : Châu Đình Thành
Bài này được trích trong cuốn “ Collection of papers
from Prof. Nguyen Dang Hung’s former students”, Đại
học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006
*
Géry de Saxcé, Giáo sư Tiến Sỹ
Trường Đại Học Lille 1, Pháp
|