Cần chú trọng cả tiếng Anh và chữ Hán

Vietsciences- Vĩnh Sính      10/07/2006
 

Những bài cùng tác giả

Tại sao lại cần chú trọng đến tiếng Anh và chữ Hán trong quá trình hội nhập quốc tế? Bạn đọc chắc không khỏi ngạc nhiên khi nghe ý kiến đó. Mà ngạc nhiên cũng đúng thôi, vì đối với đại đa số người Việt, tiếng Anh và chữ Hán thường được xem là biểu tượng của hai nền giáo dục quá ư khác nhau.

Trong diễn văn nhậm chức thủ tướng Anh vào tháng 5-1997, ông Tony Blair tuyên bố: Tôi xin hứa với quốc dân là tôi sẽ thực hiện ba cải cách: giáo dục, giáo dục và giáo dục. Tuy cách diễn đạt của các nhà lãnh đạo quốc tế khác có thể không gây ấn tượng bằng lời phát biểu của ông Blair, nhưng nói chung nước nào cũng đang chú tâm cải cách giáo dục để làm bàn đạp cho những cải cách kinh tế, văn hóa, và khoa học kỹ thuật.

Kinh nghiệm các nước cho thấy rõ rằng một khi “căn bệnh èo uột” trong giáo dục được “bắt đúng mạch” và chữa trị thành công thì các lĩnh vực khác nhân đó sẽ được hồi sinh; ngược lại nếu không “bắt đúng mạch” thì không những căn bệnh giáo dục sẽ không được chữa trị mà các lĩnh vực khác nói chung sẽ khó bề khởi sắc thật sự.

Ta thử hỏi: Làm sao có thể hình dung một nước Trung Quốc với những bước tiến nhảy vọt trên nhiều mặt hơn mười năm gần đây nếu không có những thành quả gặt hái được qua các đợt cải cách giáo dục từ đầu thập niên 1980?

Tại sao chúng tôi đề nghị là cần chú trọng đến tiếng Anh và chữ Hán trong quá trình hội nhập quốc tế? Bạn đọc chắc không khỏi ngạc nhiên khi nghe ý kiến đó. Mà ngạc nhiên cũng đúng thôi, vì đối với đại đa số người Việt, tiếng Anh và chữ Hán thường được xem là biểu tượng của hai nền giáo dục quá ư khác nhau.

Phong trào học tiếng Anh chỉ mới thịnh hành trên cả nước chưa đầy hai mươi năm trở lại đây; trong khi đó chữ Hán thường được coi như là “tàn tích” của nền học vấn cũ. Vậy tại sao chúng tôi lại đề nghị là cần chú trọng cả tiếng Anh lẫn chữ Hán trong giáo trình ngoại ngữ ngày nay?

Vai trò quan trọng của tiếng Anh trong hội nhập quốc tế

Trước hết, cần nói rõ là việc giảng dạy tiếng Anh ở nước ta trong những năm qua đã có những thành quả rất đáng khích lệ, số người nói được tiếng Anh và phát âm tiếng Anh tốt tăng gấp bội so với trước đây. Du khách thường xuyên đến Việt Nam đều cảm thấy điều đó.

Tuy nhiên, một số nhà kinh doanh nước ngoài - như ông Richard Peters, Phó tổng giám đốc Công ty PwC (PricewaterhouseCoopers) chuyên cung cấp nhân lực, có nhận xét là để tiến xa hơn trong ngành nghề, kỹ năng nói và viết tiếng Anh của sinh viên Việt Nam cần phải được cải tiến nhiều hơn nữa.

Nhằm đương đầu với những thử thách và cũng để khai thác thời cơ do hội nhập kinh tế mang lại, trước và sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp cải cách và phát triển giáo dục, trong đó vấn đề giảng dạy tiếng Anh được các nhà hữu trách về ngành giáo dục ở Trung Quốc đặc biệt chú trọng.

 Từ năm 2002, Trung Quốc áp dụng một giáo trình dạy tiếng Anh chín năm, chia thành chín cấp (level). Giáo trình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế này đặc biệt nhấn mạnh kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong đời sống hàng ngày và khuyến khích sự tìm hiểu về văn hóa nước Anh trong quá trình học tiếng Anh.

Những sách giáo khoa dạy tiếng Anh đã được soạn thảo lại cho phù hợp với giáo trình này. Trình độ tiếng Anh của sinh viên đại học (không thuộc hệ Anh ngữ) ở Trung Quốc ngày nay đã có nhiều cải tiến rõ rệt: trung bình mỗi phút sinh viên đọc được từ 70 đến 100 chữ và mỗi sinh viên biết chừng 4.200 từ vựng.

Đã có đề án là sinh viên muốn được tốt nghiệp đại học phải thi đỗ kỳ thi tiếng Anh dành cho sinh viên đại học (CET - College English Test). Một kế hoạch tương tự hiện cũng đang được áp dụng thí điểm ở Nhật: sinh viên đại học phải thi đỗ kỳ thi năng lực tiếng Anh TOEFL mới được cấp bằng tốt nghiệp.

Vai trò chữ Hán đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế

Số từ Hán Việt chiếm một tỷ lệ rất cao trong tiếng Việt - tương tự số lượng đồ sộ của những từ gốc chữ Hán trong tiếng Nhật hay tiếng Hàn Quốc (từ 40-60%). Càng đi vào các lĩnh vực chuyên môn, nhu cầu hiểu rõ và nắm vững cách sử dụng những từ Hán Việt càng trở nên cần thiết.

Mặc dù biết chữ Hán không có nghĩa là đã hiểu tiếng Việt một cách trọn vẹn, nhưng nếu không nắm vững những từ chữ Hán trong tiếng Việt thì sẽ khó bề diễn tả một cách nhuần nhuyễn những nét tế nhị và sâu sắc trong tiếng Việt.

Nền học vấn ngày xưa gắn liền chữ Hán với lối học từ chương và chế độ khoa cử lỗi thời đã để lại lắm tệ hại; nhưng sau khi Việt Nam đã chính thức sử dụng chữ quốc ngữ, việc coi thường chữ Hán cũng phản ánh một thái độ cực đoan không kém trong chính sách giáo dục của một nước có nền văn hóa lâu đời gắn liền với chữ Hán.

Thêm vào giáo trình một đôi giờ chữ Hán để học sinh và sinh viên ngày nay có thể cảm nhận một cách gần gũi và sâu sắc hơn di sản văn hóa của tiền nhân để lại là một vấn đề bức thiết. Qua biện pháp đó, người học sẽ có một số kiến thức về chữ Hán cần thiết để làm cho vốn liếng tiếng Việt ngày càng phong phú, cảm nhận và tình tự dân tộc ngày càng sâu đậm hơn.

Xin đưa ra một thí dụ gần gũi là người viết bài này đã rời Việt Nam từ hơn 40 năm nay, nhưng trong khoảng thời gian đó chưa khi nào thấy tách rời môi trường văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam một phần cũng nhờ vốn liếng chữ Hán.

Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu ngày nay. Trước tình hình đó, vấn đề không kém bức xúc đối với các nước Đông Á là làm sao có thể gìn giữ và củng cố bản sắc dân tộc khỏi bị phai nhạt trong quá trình hội nhập quốc tế. Chúng tôi đã có dịp tham gia các cuộc hội thảo ở Nhật và Hàn Quốc bàn về vấn đề bức thiết này.

Ở Việt Nam, tôi thấy việc giảng dạy chữ Hán cho học sinh và sinh viên là một trong những biện pháp rất cần thiết không chỉ nhằm củng cố mà còn làm khởi sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế ngày nay.   

Vĩnh Sính

(Giáo sư Đại học Alberta, Canada)

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

 

 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences2.free.fr   - Vĩnh Sính