Florence Nightingale

Vietsciences-Nguyễn Hiến Lê        07/07/2006    
 

Xem phần 1

Florence Nightingale (1820-1910) người mở đường cho sự thành lập Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế

Cam chịu! Tôi chưa bao giờ hiểu tiếng đó hết!

Jeanne d'Arc

Ở Anh, lúc đó cô đã thành như một vị thánh sống. Dân chúng, nhất là những kẻ nghèo khổ, gia đình sĩ tốt coi cô như Vị Jeanne d'Arc của Anh. Đi tới đâu, người ta cũng nghe những bài hát ca tụng cô. Bài lưu truyền nhất là bài:

God bless Miss Nightingale

May she be free from strife

These are the prayers

Of the poor soldier's wife

 

(Xin Trời phù hộ cho cô Nightingale

Khỏi gặp những sự xung đột

Đó là lời cầu nguyện

Của vợ người lính nghèo)

Ta mừng cho cô là sắp được đền công xứng đáng. Sau một năm rưỡi cực  khổ ở Scutari cô sẽ được nhận sự tiếp đón niềm nở, lòng biết ơn chân thành của đồng bào. Cô sẽ đứng trên bao lơn, nhìn xuống đám quần chúng xô đẩy nhau dể chiêm ngưỡng dung  nhan cô, và say sưa nghe những bài hát ca tụng cô từ hàng  muôn miệng thốt ra! Chính dân chúng Anh muốn như vậy lắm, nguời ta điều tra xem cô sẽ bước chân lên tổ quốc  ở nơi nào để lập khải hoàn môn tại đó mà tiếp rước  cô y như tiếp rước  Nữ hoàng.

Nhưng cô không  muốn vậy! Cô bùi ngùi từ biệt bán đảo Crimée, than thở rằng: "Tội nghiệp các con ! Tôi là người mẹ tệ quá, để các con nằm tại nghĩa địa mà về xứ một mình ! Bảy mươi ba phần trăm ra trận chết vì bệnh ! Các con đã bị giết chết mà tôi thì đứng ở trên bàn thờ của các con !". Cho nên cô nhất định cải danh, vị hành về nước. Và một đêm nọ, cô lủi thùi trên con đường về nhà. Chị ở ngồi chơi gần cửa, nhận được ra cô, ôm choàng lấy, khóc.

Cô đóng cửa không tiếp khách lạ, không tiếp các nhà báo lại phỏng vấn, từ chối hết thảy mọi sự tỏ lòng biết ơn của dân chúng: và những người đuợc hưởng thay cô mọi danh dự là song thân cô và chị cô, những người trước  kia coi cô như quân hủi, bêu rếu gia đình !

Dân chúng chỉ mới thấy hình cô, muốn gặp mặt cô mà không được, đòi tiếp xúc với bà Fanny và cô Parthe, viết thư cho hai người đó để hỏi thăm về cô. Có lần một số người gặp ở ngoài đường một thiếu phụ giống cô, bu lại xin rờ vạt áo. Người ta lấy tên Florence để đặt cho con, có kẻ đặt tên tàu là Florence Nightingale, người ngoại quốc  lại Embley xin vô thăm. Cô nhất thiết nhũn nhặn từ chối, dửng dưng với những cái mà cô cho là phù phiếm đó. Vì cô tự cho là nhiệm vụ chưa xong, còn những việc  khác muốn làm một cuộc cải cách lớn lao kia.

Cô nghĩ sự tận tâm của cô và các nữ điều dương  ở Crimée sẽ không ích lợi gì nếu sau đó ngưòi ta  lại trở về với chính sách cũ, và như vậy, nếu có một chiến tranh nữa thì "lính sẽ ra trận và chết ở trong trại". Cần phải sửa đổi lại luật pháp, thay đổi tinh thần của nhà cầm quyền. Mà nếu không làm ngay lúc  này, trong  khi quốc dân còn nhớ vụ Crimée thì không bao giờ làm được cả. Cho nên mặc dầu mọi người khuyên cô hãy nghỉ ngơi để dưỡng sức, cô cũng  không nghe, thu thập tất cả tài liệu: giấy tờ, hình ảnh, con số để lập một chương trình hành động. Cô biết rằng công việc sẽ khó: lẽ thứ nhất cô là đàn bà; lẽ thứ nhì danh cô quá lớn, nhiều người ghen ghét cô, sẽ phá công việc của cô; nhưng  nhất định phải làm để cứu dân.

Vừa may gặp Nữ hoàng Victoria mời cô lại Balmoral để kể cho bà nghe riêng  với chồng bà tất cả những  kinh nghiệm của cô ở Crimée. Cô mang theo tài liệu đã thu thập được, trình với Nữ hoàng lập một Ủy ban để nghiên cứu những điều kiện vệ sinh và cách tổ chức, quản lý các trại lính và dưỡng đường trong quân đội.

Nữ hoàng đồng ý nhưng vì theo hiến pháp Anh, những việc quan trọng như vậy, Nữ hoàng không có quyền quyết định, phải hỏi ý kiến các vị thượng thư. Ít bữa sau, Nữ hoàng đáp lễ cô và cho hay vấn đề đã đưa cho nội các xem xét.

Từ đây bắt đầu một cuộc chiến đấu non ba chục  năm và trong cuộc chiến đấu đó cô và một số bạn thân phải đương đầu với cả một triều đình, cả một mớ thủ tục đã có cả mấy trăm năm.

Các cụ thượng thời nào và nước  nào cũng vậy, đa số sợ trách nhiệm, sợ công việc. Nhờ Trời, chiến tranh đã qua, ngồi không mà hưởng ngôi cao bổng hậu trong cảnh an lạc, thái bình chẳng sướng ư, bầy việc ra làm gì? Nhưng kết quả của cô Florence rực rỡ quá, danh của cô lớn quá, lòng ngưỡng mộ của dân chúng sâu quá, họ không dám bác bỏ đề nghị của cô, nhất là khi đề nghị đó hợp lý được Nữ hoàng đồng ý, mà Nữ hoàng Victoria tì ai cũng biết là một người cương quyết.

Vậy họ bắt buộc phải họp một ủy ban gồm có những đại thần bên văn và bên võ để xem xét. Ủy ban thảo luận xong, kết luận rằng chỉ cần cải thiện chế độ cũ, không cần cải tổ lại, sẽ tốn công, tốn thì giờ lắm.

Cô gởi cho Ủy ban một cuốn nhan đề là: Những  lời ghi chép về những vấn đề liên quan tới sức  khoẻ, sự hiệu năng và Cách quản lý dưỡng đường trong quân đội Anh (Notes on matters affecting the Health, efficiency and Hospital administration of the British Army). Cuốn đó soạn rất công phu, cô thu thập tấc cả các sự kiện, kiểm soát, xếp đặt lại, so sánh dưỡng đường Anh với dưỡng đường Pháp, viết hàng trăm các bức thư hỏi ý kiến các bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư rồi thảo một kế hoạch cải tổ.

Sáng kiến đáng khen nhất của cô là , lần đầu tiên , một phụ nữ không có bằng cấp, không có sức học chuyên môn mà có tinh thần rất khoa học, biết dùng  môn thống  kế trước cả mọi người. Cô chỉ ra rằng tại giáo khu Pancras, số người chết (1) chỉ là 2,2%o , mà tại trại lính, cũng nơi đó, số đó đã lên tới 10,4%o  tại trại lính Kensington, con số còn cao hơn nữa: 17,5%o.  Mà lính thì bao giờ cũng  mạnh khoẻ hơn dân thường, sự dinh dưỡng bề gì cũng  không đến nỗi thiếu thốn như số đông dân nghèo. Thế thì tại sao họ lại chết gấp 5, gấ 8 dân thường? Rồi cô kết luận rằng  mỗi năm, chỉ vì sự dống chung đụng nhau và thiếu vệ sinh nên có hàng  ngàn lính chết oan, ngay trong thời bình. "Họ nhập ngũ để chết trong trại" Câu đó cô lặp đi lặp lại với một giọng chua xót.  Trong tập Tử vong suất trong quân đội Anh (Mortality in the British Army).

Cuốn Những lời ghi chép... cô bỏ tiền ra  in 2000 bản, rồi gởi cho Ủy ban, cho các nhà cầm quyền, và phát cho dân chúng. Ủy ban đọc nhưng chỉ bàn cãi lấy kệ, rút cục chẳng đua ra một quyết định nào quan trọng cả. Họ sợ nếu theo kế hoạch của cô thì tốn công, tốn tiền, thay đổi ngay cả cách tổ chức của nhiều cơ quan, hủy bó cả những tổ chức  thân căn cố đế.

Rút cục  một năm sau, công việc  vẫn chưa tiến hành được bao nhiêu, thì có một cuộc loạn ở Ấn Độ, triều đính Anh phải gửi thêm quân qua bên đó. Lần này cô cũng đòi theo quân lính để săn sóc họ, nhưng  bạn thân cản, bảo là cô cứ ở Luân Đôn mà chỉ huy có lợi hơn. Co bằng  lòng vì một người bạn thân , rất trung thành với lý tưởng của cô là Sydney Herbert được cử làm chủ tịch Ủy ban vệ sinh trong quân đội Ấn Độ.

Lúc này, cô tưởng công việc sẽ tiến hành kha khá vì viên Thượng thơ bộ binh, cũng  là bạn thân, đã ký nghị định lập trường dạy môn vệ sinh và đào tạo cán bộ. Giải phẫu trong quân đội. Nhưng chỉ có danh mà vô thực. Trường  mở đã ba năm mà chưa làm được gì vì ngân sách thiếu thốn. Cô nghĩ phải cải tổ ngay cái Bộ binh đó mới được, chứ vô phương  làm việc với một bộ máy như vậy. Nhưng làm sao cải tổ nó được? Gladstone, thượng thư bô Tàoi chánh, chủ trương chính sách tiết kiệm, chống chiến tranhm ngăn cản mọi việc của cô.

Đau nặng -suốt ngày nằm trên giường, mà cô vẫn viết rất nhiều thư gởi đi khắp nơi, rất nhiều báo cáo , lại soạn thêm một tập nữa nhan đề là  Những  lời ghi chép về  Dưỡng đường, tả tình trạng trong  các dưỡng đường  dân sự. cô chứng tỏ bằng những con số rằng số tử vong trong các dưỡng đường cao gấp năm, gấp mười  ở ngoài, rằng đau mà ở nhà tự chữa thì còn hy vọng khỏi, chứ vô dưỡng đường thì  mười phần, chắ`c  chết tới chín, rằng ở dưỡng đường có một thứ bệnh lạ, ở ngoài không có, tức  là "bệnh nhà thương". Vậy là chưa tổ chức xong bệnh xá quân sự, cô đã tính đến việc cải tổ lại dưỡng đưởng  dân sự nữa.

Ít lâu cô soạn thêm một tập nữa: Những  lời ghi chép về cách khán hộ (Notes on nusing), in 15.000 bản, bán rất rẻ, chỉ trong  một tháng  là hết.

Cô làm việc ghê gớm, không kể gì đến sức  khoẻ của mình , gần như tàn nhẫn đến bản thân và cả với người thân, vì cô bắt họ cũng phải làm việc như cô, không cho họ nghỉ, đến nỗi Sydne Herbert chịu không nổi, mất năm 1860 vì lao lực. Là vì chính cô cũng  không nghỉ, nhất định chết thì chết, cứ làm việc, càng thấy sức  suy, tưởng như sống  không được bao lâu nữa, cô lại càng hấp tấp làm cho xong  nhiệm vụ cứu người của cô.

Chúng ta thử tưởng tượng ngoài những công việc kể trên, cô còn phải đáp những bức thư  khắ`p nơi gởi về hỏi ý kiến về cách cất dưỡng đường, kể cả cách làm thống kế nữa... Con người không có một mảnh bằng cấp nào đó đã thành một nhà chuyên môn nổi danh khắp châu Âu. Các nhà cầm quyến Đức, Hòa Lan, Bồ Đào Nha  đều nhờ cô chỉ bảo trong công việc cải thiện đời sống của binh sĩ. Thậm chí đến một việc nhỏ mọn là việc có nên dời một dưỡng đường lại nơi khác để làm đường xe lửa không, mà chính quyền Anh cũng  không quyết định nổi, phải hỏi ý kiến của cô; tới khi định số tiền bồi thường cho dưỡng đường, cũng  lại nhờ cô giải quyết giùm.

Sidney Herbert mất rồi, cô tiếc  mất một người cộng sự đắc lực. Cô viết bài ca tụng công  lao với quân đội. Kẻ lên thay Herbert phá hoại công việc xây dựng của ông. Cô lại phải chiến đấu mạnh hơn nữa để giành lại  từng tấc đất một, buộc chính quyền cất một dưỡng đường  lớn cho quân đội. ở Woolwich, đả đảo thủ tục giấy tờ, chính sách quan liêu. Cô như người leo dốc, leo được  ít thước  lại thụt xuống, thụt xuống lại cố bám lấy mà leo lên. Suốt gần ba chục  năm, hễ đảng  Bảo thủ (Tory) lên cầm quyền thì cô thụt lùi nhưng  không  mất hẳn đất đứng, rồi đảng cấp tiến (Whig) lên thay thì cô lại tiến. Độc giả chắc đã dư biết, ở Anh, từ xưa tới nay hai đảng đó cứ thay nhau cầm quyền, không  khi nào được  lâu cả.

Cô chẳng những  làm việc cho quốc dân mà còn giúp cho ngoại quốc. Trong cuộc Nam Bắc phân tranh (1861-1865), chính quyền phương Bắc nhờ cô chỉ cách tổ chức  bệnh xá trong quân đội. Cô tận tân giúp, mặc dù đau nặng.

Đồng thời cô dùng quỹ Nightingale để đào tạo các cô đỡ. Nhân dịp đó, cô lại nghiên cứu tử vong suất của thiếu nhi. "Thế này thì quá lắm! Săn soc thương binh thì còn được đi, lại xâm nhập cả vào khu vực  hộ sinh nữa à?". Các  y sĩ bất bình, không chịu cho cô coi sổ sách các nhà hộ sinh. Họ sợ là phải. Cô sẽ tìm thấy những sơ sót của họ, sự thiếu lương tâm, thiếu tổ chức của họ. Nhưng rồi cô cũng coi được, và chứng  minh bằng con số, bằng thống  kê rằng sản phụ và thiếu nhi bị chết oan rất nhiều, chỉ vì cái cảnh phải chen chúc  nhau trong phòng, chung chạ nhau giường và nệm. Ta  nên nhớ hồi đó người ta  chưa tìm ra vi trùng, và khắp châu Âu, số sản phụ chếttrong các dưỡng đường vì bệnh "sốt sản hậu" lên tới 80%, có khi hơn nữa.

Năm 1864, một người chủ ngân hàng  ở Thụy Sĩ tên là Jean Henri Dunant thành lập hội Hồng Thập Tự. Các  nước  gia nhập đều ký Hiệp ước Genève cam đoan coi sĩ tót bên địch một khi đã bị thương thì không phải là kẻ thù nữa mà  như người của một nước  trung  lập. Anh gia nhập hội đó. Và bốn năm sau, chiến tranh Pháp, Phổ bùng  lên, cô Florence, vừa chẵn ngũ tuần, đòi qua chiến trường để giúp thương binh. Cô nói:"Viết, viết, viết hoài mà làm gì? Phải cho tôi ra  mặt trận". Mới đầu cô có cảm tình với Đức, vì cô vốn phục  nhạc sĩ, thi sĩ và triết gia Đức, mà chê Napoléon III là độc tài. Nhưng sau đó cô mới thấy rằng dân Đức đã bị một nhóm Phổ điều khiển mà nhà cầm quyền Phổ là một bọn tàn ác, khát máu. Mặc dầu vậy, cô quyên được 50.000 Anh kim, giúp cả hai bên, và sau chiến tranh, cả hai nước đều mang ơn cô. Lần đó là lần dầu tiên hiệp ước Genève được đem thi hành và cô đã có công đầu viớ Hội Hồng Thập Tự.

Năm  1872, Jean Henri Dunant qua Anh lại thăm cô, và tuyên bố rằng:

- Mặc dầu tôi lập ra Hội Hồng Thập Tự, nhưng cái công đó phải trả lại cô Florence Nightingale . Chính công việc  nhân đạo của cô ở bán đảo Crimée đã thúc đẩy tôi lại Ý xem cảnh thương tâm của quân lính trong trận Solferino (1) năm 1859, rồi về Thụy Sĩ tôi mới nảy ra ý lập Hội đó.

Lúc này Florence Nightingale đã về già. Đã mấy lần đảng Bảo thủ lên rồi lại xuống, đảng Cấp tiến xuống rồi lại lên. Bà vẫn ốm đau thường, nhưng  vẫn hoạt động, công việc  vẫn tiến hành, tuy chậm mà vững. Ngoài việc  nước, bà còn  lo việc  nhà vì song thân tuổi quá cao, không trông nom nổi nữa.

Từ năm 1883, bà lại có ảnh hưởng tới chính giới. Uy tín  lớn lắm: ác  nữ hoàng, vua chúa, tổng thống, châu Âu được  lấy làm vinh dự là bạn thân của bà, hễ lại thăm, đều phải đợi ở phòng khách, có lần Nữ Hoàng  Hòa Lan phải về không vì bà đau không tiếp được.

Bà được cái vui là nhìn thấy công việccủa mình có kết quả: hai chục dưỡng đường  kiểu mới lập thêm ở trong nước; khắp các tinh có những  lớp đào tạo  nữ điều dưỡng và cô đỡ. Một số nữ điều dưỡng được gởi đi khắp nơi: Ấn Độ, Đức, Mỹ, Nga, Thụy Điển.. . làm cố vấn.

Năm 1837, chính phủ tổ chức  một cuộc triển lãm sự nghiệp của bà, xin những tào liệu riêng  và hình của bà, để bày. Bà từ chối, cho là "làm trò". Nhưng rồi người ta cũng kiếm được  một bức tượng của bà để cho dân chúng chiêm ngưỡng.

Năm 1909, vua Edouard VII tặng bà một bội tinh cao quý nhất. Thơ, bài hát, hoa, lời chúc tụng của đủ hạng người khắp nơi gởi về: từ ông thị trưởng tỉnh Florence- tỉnh được  cái vinh dự mang tên bà- đến chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Nhật Bổn, Nữ hoàng Alexandra, Hoàng đế Đức... Tại Mỹ lập ra một hội từ thiện đặt tên là Florence Nightingale. Khắp thế giới nhận bà là "người mở đường cho sự thành lập Hội Hồng Thập Tự quốc  tế".

Bà an nhàn hưởng sự ngưỡng  mộ của nhân loại. Năm 1901 mắt bà không còn thấy đường nên không hoạt động gì nữa, chỉ thích nghe đọc báo và đọc tiểu sử danh nhân.

Ngày 13/08/1910 bà mất. Trong di chúc, bà tỏ ý muốn hiến xác cho khoa y học. Chính phủ Anh không dám nhận, nhưng trọng tinh thần khiêm tốn bình dị của bà, không  làm lễ quốc  táng, không chôn bà ở điện Wesminster cùng với các danh nhân của dân tộc, và trên nấm mộ ở nghĩa địa, gia đình bà chỉ khắc chữ:

F - N

Sanh năm 1820 - mất năm 1910

Bà đã để lại cho chúng ta bài học này:

Làm được  một việc thiện không  phải là dễ. Muốn cải cách một chế độ, phải kiên nhẫn chiến đấu, có khi tới nửa thế kỷ mới thành công

Xem phần 1

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.orghttp://vietsciences.net Nguyễn Hiến Lê