Tại sao Hồng Y Francis Spellman  Muốn Dội Bom Nguyên Tử Xuống Việt Nam?

Vietsciences-Cécilia Trần Thị Vĩnh-Tường            12/11/2010

 

Những bài cùng tác giả

Xin mời đọc:

o0o

1/ “Can thiệp quân sự” đầu tiên của người Mỹ năm 1845
2/ Một Nơi Cho Lính Chiến                                             
3/ Cuộc Chiến Tranh Dối Trá "Spellman's War"
4/ Tại sao Pius XII và Spellman muốn dội bom nguyên tử xuống VN năm 1954?
5/ Tại sao Hoa Kỳ mưốn dội bom nguyên tử xuống Việt Nam?
6/ Trái bom nguyên tử nào dành cho VN?
7/ Tại sao nước Mỹ thua?
8/ Giáo Hoàng Paul VI xung trận “Jamais plus la guerre”
9/ Nụ hôn ly biệt Spellman-Judas
10/ HY Spellman không nói thay cho Giáo Hoàng
11/ Câu hỏi của Đại sứ Giovanni D’Orlandi


 
Bài viết này nhân dịp nước Nhật kỷ niệm 65 năm hai quả bom nguyên tử nổ ở Hiroshima và Nagasaki năm 1945, khiến nhắc tới một biến cố quan trọng và kinh hãi cách đây 56 năm: bom nguyên tử đã “suýt”dội xuống Việt Nam năm 1954. Tuy còn rất mới, biến cố này dường như đã rơi vào lỗ đen (black hole), khoảng không gian đen ngòm trong sách sử và trong trí nhớ người cùng thời. Vì đã có nhiều triệu người Việt nằm xuống, vì còn liên quan đến vận mệnh cuả đất nước hàng trăm năm nữa, vì không phải chuyện cổ tích hay khoa học giả tưởng, cần mở lại vài đoạn sử còn rất khuất. Biết đâu một biến cố khác tương tự như bom nguyên tử đang dập dình trên bầu trời Việt?
 
Những chi tiết dưới đây, do những tác giả nước ngoài về một miền đất xa lạ bên kia bờ biển Thái Bình Dương đã ảnh hưởng đến số phận chính họ, gia đình và đất nuớc họ. Những điều cực kỳ “nhậy cảm” này có thể lần đầu tiên tiếp cận với độc giả người Việt. Dẫu sự xúc động tùy theo vị trí - người Việt trong nước/ngoài nước, người Việt không cộng sản/cộng sản, người trí thức/trí ngủ, tín đồ Phật giáo/Ki-tô giáo/không tôn giáo/thờ cúng ông bà, quả phụ tử sĩ/tiểu thơ thành phố, em bé đánh giày/sinh viên du học… người viết tin rằng sự thật cần được chia sẻ, bởi vì đã cùng nhân loại có với nhau một mẫu số chung: bấp bênh giữa sinh tồn/huỷ diệt, khi một bàn tay sẵn sàng bấm nút cho bom nguyên tử trút xuống một miền đất rực trời bom đạn. Miền đất ấy có tên Việt Nam.
Là một Ki-tô hữu, người viết dùng “Ki-tô giáo” thay cho công giáo vốn không chính danh về số lượng/ý nghĩa. Việt Nam chưa bao giờ nhận Ki-tô giáo là “quốc giáo”, chỉ có dưới 10% tín đồ;  “công giáo” là danh từ chung, lạc lõng trong hệ thống “Christian/Cristiano/Christianus/Cristão…”.


1/ “Can thiệp quân sự” đầu tiên của người Mỹ năm 1845
 

“tình cảm quảng đại”của người Mỹ dành cho người Pháp…

 

  

Biến cố bom nguyên tử 1954 không phải một ngày mà có. Đó là bản sao một vở kịch hàng trăm năm trước: biến cố 1845. Cả  hai biến cố đều có bóng dáng đại diện Chúa.

Quân sử  Hoa Kỳ (1a) ghi năm: 1845, chiến hạm Hoa Kỳ đầu tiên U.S.S Constitution trong chuyến hải hành nổi tiếng “Vòng Quanh Thế Giới 1844-1846” do thuyền trưởng “Mad” Jack Percival tức Jack Điên chỉ huy, ghé Đà Nẵng xin một chỗ chôn cất cho một nhạc sĩ tên Paul Cook với giá hai đô la. Họ được tiếp đón tử tế, mọi việc tốt đẹp cho đến khi Jack Điên nhận được thư cầu cứu (do một dân làng đưa lén) của giám mục Pháp Dominique Lefevre bị triều đình Huế giam giữ vì cùng với nhà truyền giáo khác âm mưu lật đổ vua Thiệu Trị (1b).  Không buồn tìm hiểu tại sao ngườì Pháp không lo cho giám mục của họ, Percival bắn chìm ba thuyền buồm VN rồi lên bờ bắn tưới vào dân làng khiến 17 đàn ông đàn bà trẻ con tử thương (có tài liệu ghi 36); còng tay bắt  giữ quan quân VN làm con tin, “đe doạ hành quyết nếu vị LM công giáo không được giao cho ông ta”.  Điều lạ lùng, trong khi cuộc giết chóc, cầm tù diễn ra, nước ngọt vẫn được cung cấp đầy đủ và đón tiếp thân tình. Lạ hơn nữa, sau 12 ngày dằng dai Percival vô tư bỏ đi cũng không màng cứu Lefevre.  Percival báo cáo lên bộ trưởng hải quân Hoa Kỳ, lý do tấn công vì “sự trợ giúp của nước Pháp dành cho Hoa Kỳ trong buổi lập quốc” và vì “tình cảm quảng đại đã là một đặc tính nổi bật của Chính Phủ (Hoa Kỳ) chúng ta…một tín hữu Thiên Chúa Giáo có tính mạng bị lâm nguy là đủ rồi” (2)

Sau đó tổng thống Mỹ Zachary Taylor đã gửi thư xin lỗi vua Thiệu Trị có kèm theo lời…đe doạ, “nếu các thiện chí của Tổng Thống không được chấp nhận…Hoa Kỳ  sẽ bị bắt buộc phái các chiến thuyền đến để đòi hỏi các sự giải thích thỏa đáng.” Không rõ TT Taylor đòi vua Thiệu Trị giải thích điều gì? Nhà báo Peter Kneisel cách đây vài năm có đến làng Thọ Quang, bãi biển Tiên Sa tìm lại ngôi mộ Cook, người đồng hương lạc loài, ngạc nhiên thấy cũng được nhang khói như những ngôi mộ gần đó (3).  Hiện nay khu vực ngôi mộ đã bị san bằng cho nhu cầu du lịch, thay vì lập bia ghi chép biến cố/tên tuổi cho đời sau tỏ tường.

U.S.S Constitution đã về hưu, hiện neo tại cảng Boston. Bia mộ của Percival ở Massachussets/Hoa Kỳ, khắc cẩn thận “52.279 miles Vòng Quanh Thế Giới”. Không thấy khắc tên những nạn nhân cuả Percival.

Việt Nam Sử Luợc của Trần Trọng Kim ghi chép biến cố quan trọng này trong 65 chữ khác hẳn  ghi chép của Hoa Kỳ:

Qua năm ất tị (1845) là năm Thiệu Trị thứ năm có một giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Bấy giờ có người quản tàu Mỹ Lợi Kiên ở Đà Nẵng xin mãi không được, mới báo tin cho hải quân thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết. Thiếu tướng sai quân đem chiếc tàu Alemène vào Đà Nẵng lĩnh giám mục ra.”  

Còn bao nhiêu ghi chép “khác biệt” như vậy trong dòng chính sử Việt Nam? Ai sẽ mang sự thật ra ánh sáng? Sử gia? Học giả? Nhà “Huế học”?  Tại sao các sử gia VN nhất loạt lên án các vua triều Nguyễn tàn ác “cấm đạo”, tuyệt đối không hề nói tới việc tu sĩ ngoại quốc muốn lật đổ nhà vua? Chắc phải chờ giải đáp của các nhà “Huế học”, sử gia, học giả và Nguyễn Phước tộc.

Qua biến cố này, nổi bật khía cạnh tâm linh rất Việt: một trong mười điều răn Ki-tô “chôn xác kẻ chết”, đã ở trong tâm thức người Việt, hơn thế nữa, “ghi nhớ người đã khuất” dù đó là ai. Khi Ki-tô giáo vào VN, cấm tín đồ không được thờ phụng ông bà tổ tiên, mà họ cho là ma quỉ.  

2/ Một Nơi Cho Lính Chiến

tấm can trường bạn bỏ rụng bên đường

 

Người Mỹ tốn không biết bao nhiêu giấy mực về chiến tranh Việt Nam. Đó là cuộc chiến dai dẳng nhất trong lịch sử chiến tranh Mỹ, một trận ác chiến của thế kỷ 20, và là một tổn thất chưa từng có trong lịch sử 200 năm nước Mỹ: 58.135 tử trận, 2.500 mất tích, 303.616 bị thương, 33.000 tê liệt, 60.000 tự tử, 35.000 dân sự chết, 15.500.000 tấn bom/đạn duợc, 18.000.000 gallons chất độc hóa học, tổng cộng chiến phí 168 tỷ đô la… Cuộc chiến đầu độc cả một thế hệ, để lại những vết sẹo không lành, và vô phương giải thích với mai sau về sự tan biến hào quang của quân sử Hoa Kỳ
 

Cuộc chiến nhiều khuất lấp đến nỗi giải thích nào cũng là ảo, chỉ mỗi cái chết là thật.  Ngay khi đang chiến đấu, họ đã biết có điều gì đó rất sai lầm. Ngày 1-1-1970, thiếu tá phi công Michael D O'Donnell, đóng quân ở Dak To, cao nguyên VN, làm thơ "Save Them a Place/Một Nơi Cho Lính Chiến". Xin tạm dịch: “…xin trân quí bài học vì sao họ chết. Khi bạn tỉnh ra và dám nói cuộc chiến này là chuyện điên rồ, hãy nhớ tới những tấm can trường bạn bỏ rụng bên đường” (4). Như một lời trối, ba tháng sau, máy bay O'Donnell gẫy cánh ở chiến trường Campuchia.

Trong chiến tranh vĩnh viễn không có thắng/thua, chỉ có người mất/người còn. Điểm chung của quân nhân Nam Việt Nam/Hoa Kỳ giống nhau: lãnh đạo đẩy họ ra chiến trường với hai tay bị trói quặt ra sau, cuối cùng lãnh đaọ phán “họ đã thua trận”. Bộ đội miền Bắc chết cũng không đếm được. Có làng trắng xóa chỉ thấy tuyền một màu tang.

Nhân mùa Vu Lan, người viết xin gửi vào thinh không lòng tưởng nhớ đến những tấm can trường, “người đi bộ đội/người đi quân đội/người da trắng mắt xanh”…đã một lần “đi vào chốn tử sinh, chiến trường quên thân mình”, cả những mảnh bị “bỏ rụng bên đường”.

Hồng y Francis Spellman

 

3/ Cuộc Chiến Tranh dối trá "Spellman's War"

….VN thuần Ki-tô giáo? …

Hiến pháp Hoa Kỳ không cho lãnh đạo nói dối. Chính phủ Hoa Kỳ riêng thời Hồng y Spellman (linh mục dòng Tên) đã dối cử tri những gì để dựng nên chiến tranh VN? 

1. 1954: Thuyết Domino ở Á Châu: giáo hoàng Pius XII/hồng y Spellman/tổng thống Eisenhower cho rằng phải ngăn chặn cộng sản ở VN, nếu không các nước khác sẽ đổ. Lý do thật sự là

* Vị trí địa lý của VN

* Tài nguyên thiên nhiên ở Đông Nam Á (nhất là cao su, thiếc và các kim loại hiếm quí)

*Quyền lợi cuả Vatican.

 

2. Dân Hoa Kỳ không hề biết chỉ 5-10% dân VN là Ki-tô giáo. Họ tưởng VN đã là thuộc địa của Vatican. Đây là một trong những điều dối trá nhất của Spellman: ngài hoá phép thương xót khiến từ chính trị gia đến dân chúng đều tin rằng phải cứu Việt Nam, một nước thuần Ki-tô giáo như Phi Luật Tân hay mấy nước Trung Mỹ.  Theo website chuacuuthe (5) điều tra dân số 01/04/2009, có gần 6 triệu là Ki-tô giáo trong tổng số 86.024.600 người, chiếm 7,06% dân số. Năm 1950-1960 số tín đồ khó vượt hơn 5%.  Chính sách "Holy Wars for the Preservation of the Church/Thánh Chiến Gìữ Gìn Giáo Hội” không chỉ được Vatican và Hoa Kỳ áp dụng ở VN, mà lần lượt El Salvador, Grenada, và Lebanon đều hân hạnh sắm vai “Lính Của Chúa/Soldiers of Christ”.

3. 1964: biến cố Gulf of Tonkin/Vịnh Bắc Việt: in hệt vụ “Võ Khí Tàn Sát Hàng Loạt” khi tổng thống Bush kiếm cớ xâm chiếm Irak năm 2001. Ngày 4/8/1964 TT Johnson dựng lên việc chiến hạm Maddox của Mỹ bị hải quân Bắc Việt tấn công trong một trận đánh ma. Quốc hội Mỹ tưởng thật, trong vòng 2 ngày, nhất loạt thông qua The Tonkin Gulf  Resolution, tỷ số 88-2, cho phép TT Johnson khởi động chiến tranh không cần tuyên chiến. Nghị Sĩ Wayne Morse /tiểu bang Oregon và Nghị Sĩ Ernest Gruening/tiểu bang Alaska phản đối cho rằng "Ðây là một bản tuyên chiến được ký sẵn”. Johnson gửi ngay 200.000 lính Mỹ qua VN, dù ông có nói… đùa với báo chí “Tôi biết Hải Quân của chúng ta chỉ bắn mấy con cá mập/For all I know, our Navy was shooting at whales out there” (6).

Sinh mạng vua-quan-dân người Việt không bằng mạng một linh mục Pháp. Định mệnh của cả một quốc gia rẻ hơn một câu nói đùa của tổng thống Hoa Kỳ

Tham vọng của vài người đã dẫn đến những hậu quả như sau: Vũ khí hoá học phun lên 3.500.000 mẫu đất, có tác dụng trong 100 năm. Toàn Đông Dương: người  chết 2.221.000 (Việt: 1.921.000, Campuchia: 200.000; Lào: 100.000). Tổng số bị thương 3.2 triệu. Dân phải rời bỏ nhà cửa: 14.305.000.

Ngay sau khi kế vị GH Pius XII năm 1958, GH John XXIII từ chối không tiếp Spellman, còn cấm tuyệt đối không cho Spellman vào bất cứ phòng họp nào của Vatican: GH không chấp nhận vai trò Spellman chỉ đạo Chiến Tranh Lạnh ở VN.  Sự cấm đoán này là tiếng chuông báo hiệu liên minh Vatican-Washington tan rã, thay thế bằng Vatican-Moscow.

4/ Tại sao GH Pius XII và HY Spellman muốn dội bom nguyên tử xuống VN?

…cứu Vatican hay cứu Hiệp Sĩ Malta…

Ngày 5-12-1931 Đại Giáo Đường Đấng Cứu Thế/Cathedral of Christ the Saviour ở Moscow - xây dựng trong 40 năm, dùng tới  422 kg vàng ròng dát vòm, biểu tượng tôn giáo/lịch sử/văn hóa/văn minh dân tộc Nga Sô, kiểu “Mái chùa che chở hồn dân tộc” của nguời Việt - bị Stalin cho phá hủy tan tành trong 45 phút.  Cộng sản Liên Sô còn phá hủy hàng ngàn nhà thờ, thánh đường, tu viện. Vì vậy khi cộng sản Liên Sô chiếm thêm một phần ba Âu Châu, Vatican bẩy vía còn ba rưỡi. Giáo Hoàng Pius và HY Spellman liền yểm trợ thế lực mạnh nhất lúc đó là Mussolini, phát xít Ý để chặn cộng sản tàn phá Vatican.

1949 là năm giáo hoàng Pius XII và Franny như ngồi trên lửa:

*Liên Sô thử trái bom nguyên tử đầu tiên 22 kilotons ngày 29-8-1949

* Trung Hoa bị cộng sản nhuộm đỏ. Khi Trung Cộng bắt đầu tuôn vũ khí qua biên gìới giúp Việt Minh, nỗi lo sợ của Vatican lên tới tuyệt đỉnh. Phải chận Trung Cộng lại! Phải chận Trung Cộng lại!

*Tháng 7/1953: chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, có nghĩa đám “Knights of Malta” hội viên giáo hoàng sắc phong trọn đời, cần thị trường mới. Cỡ như VN thật…vừa vặn, xa xa nên khuất mắt trông coi, cái đám da nâu VN không nhiều bạn bè. Đánh nhau ở chiến trường lớn, có thể xảy ra Thế Chiến Ba, không chột cũng què.

Theo Avro Manhattan, “Vietnam…Why Did We Go?/Vì Sao Chúng Ta Đã Đi Việt Nam” (7) Ki-tô giáo đã không thành công ở Nhật, Trung Hoa, Thái Lan. Nếu cộng sản chiếm VN, Vatican sợ sẽ mất toi 4 thế kỷ truyền đạo ở Việt Nam, cánh cửa truyền đạo vào Đông Dưong. Kinh nghiệm truyền giáo cuả dòng Jesuit từ thời Alexandre de Rhodes cho thấy người Việt đa số theo Phật giáo hoặc thờ cúng tổ tiên, không dễ “cải đạo” họ theo Ki-tô: họ không cần tới Roma. Pháp “bảo trợ” cho Ki-tô giáo ở VN suốt 80 năm. Nay Pháp đi, Vatican cần cái dù mới. Vì vậy Vatican thoả hiệp với Hoa Kỳ, nước duy nhất có lực lượng quân sự hùng manh có thể đối trọng với Liên Sô để giữ “thị trường con chiên” VN. 

[Nam tước Avro Manhattan (1914-1990) sinh tại Ý, ký giả/triết gia/hiệp sĩ/đìệp viên liên quốc gia.  Ông được giáo hoàng phong Hiệp sĩ Malta vì hành động anh hùng chống Phát Xít Ý trong thế chiến II.  Tác giả hơn 60 cuốn đuợc dịch sang 40 thứ tiếng, có 10 cuốn đứng đầu bảng “Sách Bị Vatican Cấm”. Cuốn “Vatican in World Politics”/1949 tái bản 57 lần (hiện không còn trên Amazon.com, internet chỉ có 4 chapters) lúc đó là cuốn sách gối đầu giường cho lãnh đạo/quốc gia nào “giữa ba lằn đạn” Liên Sô/Vatican/Hoa Kỳ. Lưu vong tại nước Anh cho đến lúc chết bí mật tháng 11/1990 khi vừa hoàn tất cuốn Murder in Vatican. Tới 76 tuổi mới bị thanh toán, Manhattan phải có gốc rất lớn nhờ bạn bè vớí hồng y và là hiệp sĩ tới bốn dòng]

5/Tại sao Mỹ muốn dội bom nguyên tử xuống Việt Nam?

Tại VN là nơi dơ dáy để chết...

Kennedy, Spellman và Nixon năm 1960

Dean Rusk, bộ trưởng bộ ngoại giao thời Kennedy và Johnson, nói “Nếu nước Mỹ chặn đuợc Bắc VN bây giờ, mai mốt khỏi phải oánh ở mặt trận lớn hơn”.  W. Baldwin, một ngườì ủng hộ thuyết Domino, nói “VN là nơi dơ dáy để đánh nhau. Nhưng không có nơi nào “tử tế” để chết cả. Thà đánh nhau ở VN, ngưỡng cửa vào Trung Hoa, hơn là phải đánh nhau ở Hawaii, sân nhà của chúng ta”.  Nghe kém ngoại giao và không tử tế, nhưng ít ra không giả dối.

Sau thế chiến II, nước Anh/Pháp đều không muốn mất thuộc địa. Nước Anh vẫn muốn Burma, Malaysia, và India. Pháp không chịu nhả Đông Dương, “nơi cung cấp vô tận gaọ, cao su, than và sắt, dân tình dễ trị, khí hậu ấm áp”. TT Franklin Roosevelt muốn chấm dứt nạn thuộc địa này, ông viết: Có 1.1 tỷ người nâu phải sống dướí sự thống trị của một nhóm trắng. Có 1.1 tỷ địch thủ là đìều nguy hiểm, nước Mỹ phải giúp họ độc lập. Roosevelt mất ngày 12-4-1945 khi chưa hết nhiệm kỳ (có giả thuyết cho rằng ông bị ám sát). Harry Truman, tổng thống được dòng Jesuits dựng lên kế vị Roosevelt, thế giới bắt đầu ngửi mùi bom NAPALM.

Có bốn lý do Mỹ muốn dội bom nguyên tử ở VN năm 1954.

1. Vì còn… dư bom, quả thứ tư đáng lẽ bỏ ở mặt trận Trìều Tiên.

2. Mặt trận Âu Châu: sau Thế Chiến II, Đức/Ý/Nhật thua, Mỹ mưốn quân sự hóa Tây Đức. Pháp sợ xanh lè cả mắt không muốn có láng giềng là một đạo quân tinh nhuệ/kỷ luật, sở hữu một kho đạn dược của “Hoa Kỳ-Người Ruồi Gieo Máu Lửa”, cho đến khi Mỹ đồng ý sẽ giúp Pháp duy trì thuộc địa ở Đông Dương. Do đó, trong thời gian đánh nhau với 100.000 quân Phát Xít Nhật ở mặt trận Đông Dương, OSS Mỹ cộng tác/yểm trợ các nhóm kháng chiến chống Pháp. Khi Mỹ thắng phe Phát Xít Ý-Đức-Nhật, Truman quay ra giúp Pháp tàn sát các nhóm kháng chiến này.

3. Mặt trận Á Châu: Harry Truman muốn có căn cứ không quân/hải quân ở châu Á. Knights of Malta/anh em cột chèo với Vatican, sở hữu những đại công ty sản xuất máy bay, dụng cụ quốc phòng khổng lồ - Lockheed, Boeing, McDonnell-Douglas, Grumman, Ford - cần chỗ thử vũ khí mới, thanh toán vũ khí cũ. Từ 1944, Truman và Eisenhower cung cấp cho Pháp tổng cộng 3 tỷ đô la (80% chiến phí), gồm vũ khí cũ còn lại từ đệ nhị thế chiến (máy bay Hellcats, Bearcats, Corsairs, xe tăng M-24 Chaffee).  Từ 1949, Liên Sô và Mỹ đua nhau cung cấp vũ khí tối tân hơn cho mặt trận Đông Dương. Từ 1950 đến 1954, cơ quan MAAG có 350 cố vấn Mỹ có mặt ở Saigon yểm trợ thực dân Pháp đàn áp kháng chiến VN. Trong đám này có thiếu tá Edward Landsdale và Lucien Conein, hai tên tuổi gắn liền với sinh mệnh ông Ngô Đình Diệm.

·       4. White Supremacy/Siêu Da Trắng: da trắng là nhất nên không thể thử bất cứ vũ khí (nói chi tới bom nguyên tử) ở Moscow, Washington, Berlin, Rome, London, Paris…nơi cư dân toàn da trắng. Hơn thế, trong số 10,000 Kights/Dame of Malta, phân nửa là quí tộc châu Âu dây mơ rễ má từ Nga Hoàng qua các hoàng tộc châu Âu. Trang web “A Century of  US Militay Interventions” cho thấy trong 130 cuộc “can thiệp quân sự” của Hoa Kỳ từ 1890 đến 1999, chỉ trên dưới 10 địa đìểm là châu Âu và Hoa Kỳ, còn tất cả ở Châu Mỹ Latin, Á Châu, Trung Đông…(8)

Percival đến một xứ sở xa lạ thản nhiên tàn sát dân làng vô tội chỉ vì muốn trả ơn nước Pháp đã giúp nước Mỹ dành độc lập. Truman nuốt ngay lời hứa trả độc lập cho VN.  Giáo hoàng Paul VI và Spellman quay ngoắt với anh em ông NĐThục/NĐDiệm. Người Mỹ trả cho người Pháp, chủ đồn điền cao su Michelin 600 đô la cho mỗi cây cao su bị bắn hạ, trả 120 đô la bồi thường cho mạng một đứa trẻ VN. Tất cả phản ảnh tính Siêu Da Trắng. Những mỹ từ như thánh ý, bác ái, văn minh, hoà bình, bình đẳng, độc lập các dân tộc… là cà rem bằng bọt xà bông. 

6/ Trái bom nguyên tử nào dành cho VN?

…Trái thứ tư! Các nhà thần học bảo rằng Hoa Kỳ mang sứ mệnh…

Đệ Nhị Thế Chiến, cuối tháng 4-1945: Mussolini bị hành quyết, Hitler tự tử khiến Vatican mất tiêu hai cái dù. Hoa Kỳ và Liên Sô chạy đua từng ngày chế tạo bom nguyên tử. Ngày 15-7-1945, Truman được báo là BỐN trái bom nguyên tử đã hoàn thành, chỉ chờ lệnh tổng thống.

Ngay lập tức, qua hôm sau, 16-7-1945, trái Gadget, 20 kilotons, đươc thử ở New Mexico/Mỹ, gần nơi quần cư của đám thổ dân/Native Indian. Đó là “Chiến Dịch Trinity (Trinity: Chúa ba ngôi: Cha/Con/Thánh Thần). Quái lạ là loài người, toàn lấy tên Chúa để giết người. Còn nhớ những năm 1960 ở Saigon, tuần báo Kịch Ảnh có loan tin Marlon Brando từ chối giải Oscar phản đối việc tàn sát dân Native Indian.

Ngày 6 và 9 tháng 8-1945, Truman nói dối dân Mỹ Hiroshima là một căn cứ quân sự. Truman đơn phương quyết định dội trái Little Boy/9,700 pounds uranium xuống Hiroshima và trái  Fat Man/9,000 pounds plutonium xuống Nagasaki. 160.000 ngườì chết ngay lập tức. Robert Oppenheimer, giám đốc Manhattan Project chế tạo bom nguyên tử (phí tổn tổng cộng 2 tỷ đô la) sau này nói với Truman “Tổng thống, trong tay tôi có máu”.  Điều cần ghi nhận: tất cả các tướng lãnh Mỹ đứng đầu Hải Lục Không Quân Hoa Kỳ đều thỉnh cầu Truman đừng dùng bom nguyên tử ở Nhật, kể cả tướng Mac Arthur, vì  không cần thiết. Có lẽ không có ai trong họ là Hiệp Sĩ Malta hay có phần hùn trong mấy đại công ty sản xuất võ khí.  Nagasaki là cửa ngõ đầu tiên đón nhận đạo Ki-tô nên có rất nhiều nhà thờ cổ với số tín đồ đông nhất nước Nhật. Tất cả đều bị thiêu ra tro, biến thành than bốc hơi trong nháy mắt, đường phố biến thành “con sông lửa”.  Truman không thiết gì dân Nagasaki Ki-tô hay không Ki-tô. Người Nhật đã bị thí trong cuộc chạy đua bom nguyên tử giữa Hoa Kỳ và Liên Sô. Không thấy Chúa làm phép lạ! Trách Chúa cũng oan. Chúa bị ngườì La Mã đóng đinh và người La Mã không gỡ cho Chúa xuống, dù vẫn kêu tên Chúa thiết tha!

Trái  thứ tư, TOAN DÙNG tại VN. Có thể một cái tên VN rất oai hùng thần thánh nào đó đã dành sẵn. Từ 1946 đến 1980, Hoa Kỳ đã 15 lần mang bom nguyên tử dọa đối phương như một võ khí tâm lý (8).

McGeorge Bundy (1919-1996), bạn John Kennedy từ hồi 8 tuổi, cố vấn an ninh quốc gia cho cả hai đời tổng thống John Kennedy và Lyndon Johnson, thường được ca tụng như một thiên tài chính trị.  Trong cuốn “Lessons in Disaster: McGeorge Bundy and the Path to War in Vietnam,” (9) ngoài việc thú nhận “Chúng ta đã lầm” Bundy còn nhắc tới một điều hết sức kinh sợ: Năm 1954, khi Paris yêu cầu Mỹ can thiệp, bộ trưởng ngoại giao Mỹ John F. Dulles sốt sắng đề nghị với bộ trưởng ngoại giao Pháp Georges Bidault giúp…hai quả bom nguyên tử, “Two Nuclear Bombs to Use as They Saw Fit”, nghe êm như “Giúp Em Đôi Chiếu Em Nằm”. Điều này đã không xảy ra vì:

1. Tổng thống Eisenhower không được sự chuẩn thuận của quốc hội Mỹ và sự hậu thuẫn cuả nước Anh. Ngày 24-4-1954, ngoại trưởng Anthony Eden trả lời nước Anh không muốn dính dáng tới chiến tranh Đông Dương;

2. Georges Bidault cũng từ chối hai quả bom này, lý do: nếu dội lên Điện Biên Phủ, không chỉ giết lực lượng kháng chiến VN, mà còn giết luôn cả lính Pháp (10).

Biến cố này có ghi trong Pentagon Papers  (11) và hồi ký cuả tổng thống Eisenhower. Kể từ chiến tranh VN cho đến khi mất năm 1996, McBundy cố hết sức vận động giải giới bom nguyên tử để sửa lỗi lầm của mình. Đó là một nét văn hóa rất Mỹ: công khai nhận lỗi, tìm cách sửa chữa, không đổ hô cho trời cho chúa hay duyên kiếp bẽ bàng hay càm ràm đầu thai lầm thế kỷ. Phải chi có trường ốc nào dạy môn “nhận lỗi” này, tất cả người VN chúng ta nên đi học để khỏi đẩy những người trẻ đầy nhiệt huyết như Lê Thị Công Nhân vào tay “thánh ý” xa xôi. Ở Hoa Kỳ, câu châm ngôn “Love Them or Lose Them/Yêu Họ hay Mất Họ” đuợc dạy dỗ cẩn thận nơi các lớp đào tạo lãnh đạo cho tương lai.

Vietnam…Why Did We Go? chương 4, Avro Manhattan viết “Năm 1948, cuộc chạy đua hạt nhân kinh hoàng giữa Mỹ và Nga bắt đầu. Năm 1949, để tăng cường mặt trận chống Nga, Pius XII phạt vạ tuyệt thông với bất kỳ cử tri nào ủng hộ Cộng Sản. Và ngay sau đó những nhà thần học Mỹ bảo rằng Hoa Kỳ mang sứ mệnh khi sử dụng bom nguyên tử.”

Chương 9, “Dưới thời Eisenhower, khi anh em nhà Dulles, Spellman và Pius XII giúp hình thành những sách lược của Hoa Kỳ, quân đội Mỹ định thả từ một đến sáu quả bom 31-kiloton lên những lực lượng Việt nam. Những quả bom này có sức mạnh ba lần hơn quả bom ném xuống Hiroshima.  Âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Việt nam được bạch hóa trong cuốn đầu tiên của loạt 17 cuốn lịch sử chính thức về Chiến tranh Việt nam được xuất bản vào 1984 bởi Phòng Quân sử Lục Quân Hoa Kỳ”. Tính rợ theo Avro Manhattan, sẽ có ít nhất 1.200.000 người Việt chết cháy ngay lập tức.  

7/ Tại sao Nước Mỹ thua?

…Vì có TV…

Lần đầu tiên chiến tranh VN được chiếu trên TV. Cảnh ở VN, mái lá cháy rụi, bom dội trên giếng nước, trâu bò cắm đầu chạy máu mê ròng ròng, chất hóa học bỏ dọc theo sông, hài nhi vỡ toang đầu phun óc, cố vấn Mỹ mặt non tựa lá nho mùa xuân, méo sệch dưới lằn đạn Trung Cộng/Hoa Kỳ/Liên Sô vèo vèo trên đầu. Cảnh ở Hoa Kỳ, thương binh rũ nguời trên đôi nạng, Mom/Dad đón quan tài con  giữa hai hàng lính u buồn…Sau đệ nhị thế chìến, người Mỹ đã cố quên chiến tranh. Phải chứng kiến lại cảnh bom đạn họ rất khiếp, nhất là khi họ hiểu ra tiền thuế và máu xương của con họ xả ra cho Vatican cố giết một nước nhỏ xíu nghèo nàn còn Spellman ngồi nhà rẩy nước thánh, họ không cho định mệnh mỉm cười với Spellman nữa.

Lần đầu tiên người Mỹ tự thiêu để phản đối chiến tranh VN.

Ngày 16-3-1965, Alice Herz, 82 tuổi, người Do Thái sống sót từ Holocaust, theo đạo Quaker, tự thiêu ở Detroit. Ngày 2-11-1965, Norman Morrison, 31 tuổi, theo đạo Quaker, tự thiêu ngay trước văn phòng McNamara ở Pentagon/Ngũ Giác Đài. Quaker là một nhánh cuả Tin Lành quan niệm đơn sơ: anh là người Ki Tô không có cắt bao qui đầu, thì tôi là người Ki-Tô không có rửa tội (12).  Ngày 9-11-1965, Roger LaPorte, 22 tuổi, “Catholic Worker”, tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc/New York. Tất cả để lại thơ “Đây là hành vi tôn giáo…Chết cho ngươì khác sống… Hãy ngưng dội bom”. Cả nước Mỹ bàng hoàng, nhợt nhạt chờ đón lời nguyền từ cõi chết.

Từ trên lầu ba Pentagon, tướng McNamara đứng chôn chân nhìn đống lửa vàng hực lem lém nuốt sinh mạng Morrison. Về sau, trong hồi ký “In Retrospect: the Tragedy and Lessons of Vietnam/Thảm Kịch và Bài Học Từ VN”, ông ghi “Cái chết cuả Morrison là thảm kịch, cho ông, cho tôi và cả nước Mỹ. Đó là tiếng gào thét phản đối cuộc tàn sát cướp đi sinh mạng của biết bao thanh niên Việt-Mỹ”. Ông thú nhận“We are wrong, We are terribly wrong/Chúng ta đã lầm, đã vô cùng lầm lỡ”. Bà quả phụ Morrison viết thư cảm ơn McNamara đã công nhận chiến tranh VN là một thảm kịch, một lỗi lầm. Ông gọi cho bà ngay, cảm tạ đã mở lòng, nhậm lời ông xin lỗi. Không kể giới lãnh đạo là vua nói dối, một đức tính của “Ki-tô Hoa Kỳ” là dựa vào lòng tin cậy nhau, Ki-tô tiếng Việt có một từ tương đương rất đẹp, “lòng lân mẫn”. Bà Morrisson tin McNamara thành thật xin lỗi, bà viết thư cảm ơn như cách tự thoát khỏi nỗi gian nan về cái chết thê thảm của chồng. Một nét văn hoá Mỹ: khi nói lên sự thật, sẽ được đáp trả bằng khoan dung và hào hiệp.

“An American Requiem, God, My Father, and the War that Came Between Us/Kinh Cầu Hồn cho Nước Mỹ- Thượng Đế, Cha Tôi và Chiến Tranh Giữa Cha-Con” (13), chủng sinh James Carroll tu dòng Paule, đường hoạn lộ sáng hơn đèn xe lửa, đang chờ cha linh hướng Spellman phong linh mục. Điều này không ngăn cản Carroll viết “The Vietnam War began as Spellman’s/Chiến tranh VN bắt đầu như là của  Spellman”. Carroll biết cha mình, trung tá tình báo đặc trách dội bom VN, cũng đứng đâu đó trên lầu Pentagon, nhìn ngọn lửa thiêu đốt Morrisson. Cũng từ đó gia đình Carroll không bao giờ đuợc như xưa nữa: hai thế hệ tan tành như ngói. Carroll từ chối ơn kêu gọi: trả lại áo linh mục. Cuộc chiến VN xa xôi phủ màu tang trong gia đình Mỹ: anh em ly tán, mẹ ôm niềm ân hận, bố con không nhìn mặt nhau. Cuốn sách đoạt giải National Book Award for Non-Fiction (1996), giải thưởng cao quí nhất cuả văn học Mỹ.

Ghi chú: Ngày 11-5-1970, George Winne Jr, sinh viên 23 tuổi, bố đại uý hải quân, tự thiêu ở khuôn viên University of California/San Diego, lưu lại bút tích “In the Name of God, Stop the War/Vì Danh Chúa, Ngưng Chiến Tranh”. Miếng gạch nơi Winne tự thiêu, được đặt làm đài tưởng niệm phía đông thư viện, nơi linh hồn em yên nghỉ.

8/ Giáo Hoàng Paul VI xung trận “Jamais plus la guerre”

     không là anh em nếu không có lòng trắc ẩn…

Gìữa một nước Mỹ tang tóc, đại ngươn soái “Ba thước gươm, một cỗ nhung yên” thúc ngựa xông vào vòng lửa đạn chính là giáo hoàng Paul VI. Vừa nhậm chức GH tháng 6/1963, Paul VI chớp mắt thấy tiêu tùng hai tổng thống Ki-tô Vatican mất công gầy dựng: tháng 11-1963, TT Ngô Đình Diệm và Kennedy chết thảm trong vũng máu bởi chính tay người Mỹ. Từ đó, bên tai tiếng bom rền vang hơn tiếng thánh ca. Giáo Hoàng Paul VI lo lắng về việc Spellman thủ hai vai một lúc: hồng y New York và tổng tuyên úy quân đội, khiến thế giới suýt mấy lần đối diện với thế chiến ba.  GH đã cố nói chuyện với Spellman nhiều lần, nhưng chỉ nói với hai cái tai điếc đặc.

Ngày 4-10-1965, lần đầu tiên một giáo hoàng Vatican viếng nước Mỹ vốn là đất của giáo hội Tin Lành. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant và các viên chức cao cấp trong chính phủ ra đón GH ở máy bay. Ngoại giao Roma cực kỳ tinh vi qua mắt được cả thượng đế trên trời lẫn loài nguời dưới thế: hai đại diện Chúa: Paul VI và Spellman tươi cười cho cả thế giới chụp hình.

Chỉ FBI vất vả: 18.000 nhân viên chìm nổi gài kín vì có mật tin không lành. Người New York đợi 12 tiếng đồng hồ chỉ để ngó GH từ xa. Giáo hoàng và hồng y ngồi chiếc limousine thứ hai. Cảnh sát trưởng New York Vincent Broderick ngồi chiếc thứ ba. Broderick hết hồn vía khi xe giáo hoàng chậm lại như mưốn ngưng trước cửa Foundling Hospital của Spellman. Rất nhanh, ông nghĩ ngay tới vụ ám sát John Kennedy: xe chở tổng thống thình lình chậm lại vừa đủ  thì giờ cho sát thủ. Broderick điên cuồng hét vào máy ra lệnh xe không được ngừng.  Ông bấm nút, 18 ngàn nhân viên lông tóc dựng đứng lấy hết gân cốt chạy về hướng Paul VI. Trong tích tắc, Broderick định lao đầu chạy tới xe giáo hoàng. Nếu GH bị ám sát tại Mỹ, nước Mỹ mang mặt bột mì xuống địa ngục ráo. Về sau, khi bị nạo sát ván, tài xế FBI mếu máo cho biết Spellman còn ra lệnh ngưng vài phút để Giáo Hoàng thấy hết vẻ hoành tráng cuả cơ ngơi ngài. Broderick không bị Spellman mắng nhanh nhẩu đoảng là may. Ngài ngồi trên cả những âm mưu ám sát nên tỉnh bơ làm sái lộ trình. Ngài hầm hơi GH qua thăm Liên Hiệp Quốc, không phải vinh danh ngài nên vớt vát cho dân chúng thấy Spellman ngồi cạnh giáo hoàng.

Spelllman đón Giáo hoàng vô cùng trọng thể ở phòng bầu dục St. Patrick. Thiên thần vén mây rót ánh sáng từ những chóa đèn pha lê toả trên trần cao vút, giá mỗi cái 100.000 đô la.  Thánh ca réo như thác Niagara. Chén đĩa toàn vàng bạc. Phụ nữ rón rén mặc toàn đen choàng khăn ren kín đáo như bà phước. Cả một rừng thượng lưu Ki-tô nước Mỹ tốn bao nhiêu tiền mới được một chỗ ngồi xa xa, nơi áo choàng giáo hoàng không chạm tới. So với St. Patrick phòng làm việc cuả GH ở Vatican cũ kỹ như cái trạn bát. Khi chào từ giã đi gặp riêng tổng thống Johnson tại khách sạn Waldorf-Astoria, GH nhã nhặn từ chối Spellman đi theo làm thông dịch khiến mặt Spellman tím rịm như trái sim. Người khách danh dự phải đến trụ sở Liên Hiệp Quốc trước GH 30 phút là bà quả phụ Jackie Kennedy. Bài diễn văn lịch sử dài 3354-chữ, GH Paul VI dùng tiếng Pháp. Mảnh dẻ như cây sậy Pascal trong cơn gió cuồng bay, Paul VI dứt khoát:     

Jamais plus la guerre!  Jamais plus la guerre!

Chiến tranh!! Không!! Không bao giờ nữa!!..Chỉ hoà bình mới soi sáng định mệnh nhân loại …Nếu muốn là anh em, hãy bỏ khí giới xuống…Yêu người sao được khi lăm lăm vũ khí trong tay! sẽ không là anh em nếu không có lòng trắc ẩn…”

Lời tuyên bố bung ra như bom 30 kilotons. Người thông dịch toát mồ hôi, cà lăm không tin ở tai mình. 116 đại biểu các quốc gia nồng nhiệt đứng dậy hoan hô, trừ đại biểu Albanie tẩy chay. Buổi tối tại Yankee Stadium trước 90.000 người, diễn văn 1460-chữ  bằng tiếng Anh, Paul VI nhắc “Peace/hòa bình” tới 28 lần, như những thông điệp sau này của Đức DaLai LaMa. Đức Lê Lợi, xong chiến tranh chống quân Minh, cũng trả kiếm cho rùa thần.  Không cần chữ nghĩa dài dòng, bài học để lại đời sau vẫn đúng như ngàn năm trước: mài gươm cho sắc đánh giặc ngoài, xong việc binh đao, phải coi dân là trọng.

“Hỡi anh em! Ta có ba điều gửi lục địa trẻ trung rạng rỡ này:  Hãy yêu hoà bình! Hãy phục vụ hòa bình! Ta mang tặng hồng y Spellman phiến đá cậy từ đền thờ Saint Peter’s Basilica ở Roma, hồng y hãy vì danh Chúa xây dựng một giáo hội cho tương lai, trong Đức Tin và Đức Mến”

Một trăm triệu người khắp thế giới nghe thông điệp của vị chủ chăn Vatican qua TV.  Người Mỹ vỡ toang đón niềm vui. Cả nước Mỹ mềm môi say thánh ý như say rượu nho.  Mừng nhất là các bà mẹ héo hon sửa soạn cho con đăng lính đi VN hay qua Canada trốn lính, trong đó có mẹ của James Carroll. Chỉ vài ngày sau, 100.000 người khắp nước Mỹ nhảy múa mở đầu “Phong Trào Hoà Bình.” Thu xếp lại bản đồ thế giới, thông điệp cuả giáo hoàng rất rõ: Vatican muốn chiến tranh VN chấm dứt,  nếu không, không “đi” với Hoa Kỳ nữa.  

Các quốc gia đang lâm chiến nhẩy tango trên than hồng. KGB, CIA, MI6 vồ lấy hai bài diễn văn, kính hiển vi xét từng dấu phẩy dấu chấm. Washington bí mật cho loan tin “Giáo hoàng không biết ngài nói gì”. Sự thật thế nào? 1. GH biết/không biết trận chiến toàn cầu đều là con cờ cuả đế quốc vô hình Knights of Malta: bao giờ đạt chỉ tiêu sản xuất bom đạn mới ngưng chiến được 2. GH đã có mật ước với một trong hai (hoặc cả hai) siêu cường Liên Sô/Hoa Kỳ?  3. GH Paul VI vẫn được coi là có khuynh hướng cộng sản. Khi còn là bộ trưởng ngoại giao Vatican, ông đã từ chối chiếc mũ hồng y GH Pius XII ban, thà nhận một nhỉệm sở xa xôi với chức giám mục khiêm nhường, để phản đối chính sách thân Phát Xít của GH Pius XII. Giáo hoàng Paul VI mang niềm bí ẩn ấy về cõi thiên đàng và chỉ nói riêng với Chúa, vị hôn phu 2000 tuổi. 

 

Giáo hoàng và hồng y trước nhà thờ St. Patrick

9/ Nụ hôn ly biệt Spellman-Judas

chưa bao giờ bẽ bàng thế...

Nguyên soái Paul VI xuất chiêu xong lập tức tra gươm cuốn nhung y trở về Roma làm giáo hoàng tiếp 13 năm ôi thôi là sóng gió. Nhưng Giáo Hoàng Tươi Cười/Smiling Pope, tức John Paul I lên kế vị, chỉ ở ngôi đúng 33 ngày (26-8-1978 đến 28-9-1978), bị ám sát chết ngay trên giuờng ngủ trong điện Vatican, trên tay còn cầm bài diễn văn sẽ đọc ngày mai, cất chức Giáo Hoàng Đen. Vatican từ chối không cho giải phẫu tử thi theo đúng luật của nước Ý. Mới chỉ 3 tuần lễ trước, ngày 5-9-1978,  giám mục Nikodim của giáo hội Chính Thống Liên-sô, sang Vatican dự lễ Giáo Hoàng Tươi Cười nhậm chức, ngã quị dưới chân giáo hoàng. Thi thể của hai vị có những dấu hiệu hệt nhau. Dư luận cho rằng Nikodim đã cầm nhầm ly cà phê dọn lên cho Giáo Hoàng Tươi Cười (Murder in Vatican, chapter 23)

Chúa ôi! Làm giáo hoàng có sung sướng gì đâu. Bà quản bắt ne bắt nẹt. Ăn phải có người nếm. Bếp của giáo hoàng như một pháo đài. Buồn miệng muốn ăn cái kẹo cũng không được. Lính gác lởn vởn xung quanh. Đi xe gắn kiếng-chống-đạn. Ngủ nướng thêm 15 phút là có báo động om sòm “GH bị ám sát”. Mang trong tim màu nhiệm đức tin. Mang trên đầu niềm hãnh diện của giống da trắng. Mang trên vai gánh nặng tội lỗi ngàn năm cuả giáo hội. Đối diện với cả trăm vụ kiện thưa, từ cướp vàng dấu tiền nạn nhân chiến tranh đòì bồi thường đến sờ mó trẻ em. Giáo dân tưởng ngài rảnh rỗi, òn ỷ mách cáo đòi thánh ý phân xử trăm điều. Chỉ một mình ngài biết sau ánh hào quang nơi bàn thờ cung thánh là bão tố địa ngục trần gian. Chỉ ngày mai thức dậy mới biết chưa bị KGB, CIA, Giáo Hoàng Đen ám sát. Cây thánh giá Chúa trao quá nặng! Theo chân Chúa trên đồi Golgotha còn có Mẹ Maria và cô Magdalena. Giáo hoàng đơn độc một mình.

Spellman có cúi đầu nhận lãnh “Chín tầng gươm báu trao tay”? Dỡn chơi! Lên xe tiễn nhau đi, chưa bao giờ bẽ bàng thế. Giữa hai hàng lính danh dự nhung phục sáng choang, Spellman quì hôn lên nhẫn GH nụ hôn ly biệt đắng như pha nọc rắn.  Khung cảnh như trong phim: dáng cao như tài tử Anthony Perkins, áo choàng bay trong gió; đôi giầy da mầu đỏ ngừng trên bực thang chót; Giáo Hoàng Trắng quay lại dang tay đầy kịch tính chúc phúc nước Mỹ lần cuối. Cả nước Mỹ thổn thức cứ như một bầy trinh nữ ngây thơ. Một bà cụ nhất định quì cầu nguyện cho đến khi vị giáo hoàng 68 tuổi về Roma bình yên. Lúc đó chưa có hàng giáo phẩm VN tỵ nạn ở Mỹ, nếu không thì tiếng kinh cầu vang rền khắp 9 ngàn tầng trời chứ không bỡn. Giáo hoàng nhìn Spellman tạm biệt. Lửa trong đáy mắt tung tóe như hai mảnh thiên thạch cắt nhau trên không gian. Hồng y 76 tuổi,  khuỵu chân chào kính giáo hoàng lần nữa, sầu như chưa sầu thế bao gìò. Ngài lảo đảo như sắp ngã, thiếu điều muốn nấc nhìn theo máy bay khuất trong mây. Cận vệ phải đưa tay cho ngài vịn. Vừa về tới St. Patrick, Spellman hầm hầm trẹo quai hàm vứt ngay Đức Tin Đức Mến lẫn phiến đá Roma vào thùng rác, dù bằng bạc cũng vẫn là thùng rác. Với Franny, chỉ GH Pius XII biết dùng quyền lực, các GH khác bán chuối bán pizza cũng không nên thân. Ôm mối hận bị sỉ nhục trước công chúng cho đến cuối đời, Spellman cắt đứt liên hệ với GH Paul VI, tiếp tục ra lệnh cho Johnson dội bom, thí quân vào một trận chiến vô đạo.

Sau chuyến đi cuả GH Paul VI, màu sắc ngoại giao Roma rõ nét: liên lạc trực tiếp với Hà Nội và Trung Quốc. Hồng y Igino Eugenio liên lạc với đại diện VN ở Âu châu. Hồng y Paolo Bertoli qua trung gian người Pháp làm việc với Saigon và Hà Nội. Đại diện Vatican ở Cambodia tiếp xúc với Việt-Cộng. Học giả, luật gia, sử gia, hàng giáo phẩm, nhân viên ngoại giao… đổ xô về Roma.  GH và ông Hồ Chí Minh trực tiếp trao đổi thư từ. Thời gian này ở miền Nam VN, chính phủ quân sự/dân sự thi nhau đổ. Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (6-1965 đến1967), hai nhân vật chính là ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, không rõ VNCH vẫn duy trì liên lạc ngoại giao với Roma không. Đoạn sử này của cả hai miền Nam-Bắc VN hình như còn chìm trong bóng tối. Spelllman phản ứng ra sao trước những “điệp vụ”này? Thiệp giáng sinh 1965 gửi Vatican, ảnh chụp Spellman đứng trước máy bay chiến đấu với hai quân nhân. Dư luận miền Nam VN ghét oan cái đám phản chiến tốt đen Jane Fonda, John Kerry, trong khi GH Paul VI, McNamara, McBundy là phản chiến thượng hạng. Người Việt vỗ tay nhạo báng trên xác chết người Việt mấy chục năm nay mà không biết (hay không dám) chỉ đích danh kẻ mang chiến tranh choàng lên cổ người Việt là HY Spellman. Có đọc một nhận xét từ người ngoại quốc “Nguời Việt khi không đánh ngoại xâm thì chúng nó đánh nhau”. Chúng nó đánh nhau! Một tâm thức chắc chắn được tình báo các nước đối tác nghiên cứu/khai thác, khi cần áp dụng với giá rẻ mạt hay hứa hẹn tầm phào là tạo ngay đuơc chia rẽ, hỗn loạn. Lời thề kinh hãi cuả dòng Jesuits/dòng Tên gặp đất tốt, khỏi bón phân phiếc chi hết… “Con đã được đào tạo để lẳng lặng gieo mầm mống tị hiềm và thù ghét giữa cộng đồng, địa phương, quốc gia đang hòa bình, và khích bác chúng gây đổ máu, lôi kéo chúng giao chiến với nhau, và gây ra khởi loạn hay nội chiến ở các quốc gia…”(14)

 

10/ Hồng Y Spellman không nói thay cho Giáo Hoàng

Điều gì đó dường như tan vỡ nơi đức hồng y…

Ngày 23-12-1966, dự lễ Giáng Sinh với lính Mỹ ở VN, Spellman tuyên bố “Lính Mỹ chiến đấu để tự vệ, bảo vệ, và cứu rỗi, không chỉ nước Mỹ, mà cả nền văn minh nữa./…defense, protection, and salvation not only for our country, but…of civilization itself”.  Hôm sau Vatican lên tiếng tức thì “Đó không phải quan điểm của tòa thánh, HY Spellman không nói thay cho giáo hoàng”. Tờ New York Times, tờ The Nation, tờ công giáo Commonweal nhất loạt lên tiếng gay gắt công kích Spellman.  

Năm 1967, một số cựu quân nhân tuần hành khắp nước Mỹ, ngồi xe lăn hay đi nạng, vứt bỏ huy chương. Một số lên tiếng xin lỗi người Việt, hy vọng ngày nào họ sẽ trở lại xây dựng nơi họ đã phá tan nát. Nhóm này ngày càng lớn và lập nên Vietnam Veterans Against the War ngay tại New York.

Không giống những vị chủ chăn khác phải cân nhắc hoặc ít ra phải giả bộ cân nhắc hay Điêu Thuyền khóc mếu chút đỉnh, Spellman không hề nao núng khi bị chỉ trích là sát nhân. Ngài cũng chẳng xem TV. Chủ nhật 22/1/1967, trước nhà thờ St. Patrick, 25.000 người phẫn nộ “Bắt Spellman Đi Lính, Liệng Ổng Ra  Mặt Trận, Ngưng Ngay Cuộc Chiến Spellman” khiến ngài phải ngưng ngang xương thánh lễ.  Ngài bắt đầu xuống tinh thần và uống khá nhiều ruợu.  Không điều gì làm con tim vui trở lại.  Mớ bạn học cũ ở Fordham University lọm khọm đến hát cho ngài nghe mấy bài thời chủng sinh, ngài cũng gắt om lên.  “Something seemed to have broken in the Cardinal/Điều gì đó dường như tan vỡ nơi đức hồng y”, John Cooney trong “The American Pope” trang 399 ghi như thế. Ngồi mãi trên ngai, đũng quần cũng phải mòn chứ.

Khi tổng thống Johnson bắt McNamara phải từ nhiệm ngày 29-11-1967 - vì tội dám hỏi “chiến tranh VN có đạo lý không và phải ngưng dội bom”-  Spellman thật sự chới với. Nhưng hai ngày sau, ngài vẫn hùng dũng tuyên bố cuối tháng sẽ đi VN ăn tết giáng sinh với lính Mỹ. Lần này Chúa có vẻ hơi hoảng, qua hôm sau Chúa lật đật cất ngài đi đoàn tụ gia đình với GH Pius XII ngày 2-12-1967 bằng chuyến bay Air Thiên Đàng, non-stop, thuyền-ra-cửa-biển luôn. Ngài đi, không mang theo thảm Ba-Tư và chén dĩa vàng, cũng không kịp thưởng thức tấm poster Edward Sorel vẽ, có tên "Pass the Lord, and Praise the Ammunition”, đại diện Chúa mặt phụng phịu quạu cọ, “rao giảng” Tin Mừng bằng súng gắn lưỡi lê. Poster đến tay báo chí, vừa vặn Spellman “băng hà” sau nhiều trận tai biến mạch máu não. Ngài hưởng 78 mùa xuân, mùa nào cũng đánh nhau mệt nghỉ.

Đám ma ngài xứng đáng là “đám táng cá voi”. Sau khi ngài mất, Vatican cũng như báo chí Hoa Kỳ cố quên như không hề có một hồng y Spellman trên cõi đời, dù ngài để lại nhiều trường ốc đồ sộ. Vatican dập dình phong thánh cho GH Pius XII cho đỡ mất mặt, nhưng không bao giờ nhắc tới tên Francis Joseph Cardinal Spellman, SJ.

Hồi thanh niên ngài có mần thơ. Giờ đây trên lối thiên đàng, giá ngài dừng tay ngắt vài nhánh oải hương cho lòng dịu dàng và viết hồi ký “Tâm Tư Hồng Y Giáo Chủ Spellman” thế nào cũng thâu thêm một mớ tiền âm phủ uống cà phê, nếu ngài bán giá nơi nới một chút cho lính, lúc nào cũng nghèo. Ít ra họ cũng xứng đáng được biết họ chết vì ai. 

11/ Câu hỏi của Đại sứ Giovanni D’Orlandi

….Hoa ngày mai đều nằm trong hạt ngày hôm nay

Đại sứ Giovanni D’Orlandi/Italy tại Saigon từ 1962-1968, bồi hồi ghi trong nhật ký (15):

     “Trong 20 năm, số bom trải ở VN là bẩy triệu tấn, nhiều hơn cả bom thả trong đệ nhị Thế Chiến, trên một mảnh đất lớn hơn xứ Italy chút xíu, sáu mươi ngàn lính Mỹ và sáu trăm ngàn lính Việt Nam tử trận, ba triệu người chết…”

     “Nếu phí tổn chiến tranh tính theo đầu người được chia đều, mỗi gia đình VN đều có một căn nhà có vườn, một tủ lạnh và một TV”

     “Khi 200,000 người Ki-tô di cư từ Bắc vào Nam, mỗi người đuợc vài nắm gạo và vài cái chăn. Số lớn tiền viện trợ chạy trở lại nước Mỹ, qua Switzerland hay Hongkong”

Không phê bình luận tội ai hết, chỉ cần vài con số, đại sứ  D’Orlandi ném vào lịch sử Việt Nam và lương tâm Việt Nam một câu hỏi bỏ ngỏ “Gây nên chiến tranh quốc gia/cộng sản tại VN, ai là người hưởng lợi”??

Ở đâu đó, thiên đàng/địa ngục, hai chiến binh vĩ đại Pius XII và Spellman - người duy nhất thắng trận - đội vòng nguyệt quế kết bằng đầu lâu, có thể đang bầy một trò chơi mới cho trăm năm tới, lại cần thêm dăm cái lưng cong.

Đọc trên tienve.org một câu hay tuyệt “Không Phải Đêm Dài Nào Cũng Chấm Dứt Bằng Ánh Bình Minh”. Chừng nào còn thiếu vắng những trả lời minh bạch. Amen! Xin Được Như Nguyền

Cécilia Trần Thị Vĩnh-Tường (Mùa Vu Lan 2010)

-----------------------------------------------------

Chú thích 

(1)  http://www.vvaw.org/about/warhistory.php

       http://timelinesdb.com/listevents.php?subjid=72&title=Vietnam  

(2)  http://www.gio-o.com/NgoBacJBalestier.html

(3  http://www.tinmoi.vn/Da-Nang-canh-cua-bien-Dong-04144027.html

(4  http://www.rileystjames.com/MGWED.HTM

(5)  http://www.chuacuuthe.com/?p=8427

(6)  http://www.awesomestories.com/history/pentagon-papers/the-truth-about-tonkin

       http://my.opera.com/PANWENFANGHUI/blog/bi-n-c-v-nh-b-c-vi-t-8-1964-ph-n-v

(7)  http://www.reformation.org/vietnam.html

       http://sachhiem.net/LICHSU/AVRO/AVRO_01.php  - dịch giả Trần Thanh Lưu

(8)  http://www.officeoftheamericas.org/images/pdf/usmilitaryinterventions.pdf

(9)  http://www.nybooks.com/articles/archives/2010/jun/10/mac-bundy-said-he-was-all-wrong/

(10) http://findarticles.com/p/articles/mi_m1141/is_29_43/ai_n19360865/?tag=content;col1

(11) http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent6.htm

(12) Nguyễn Đức Hiệp, “Khoa Học và Tôn giáo”   

http://www.anviettoancau.net/anviettc/index.php?option=com_content&task=view&id=1310&Itemid=31 

(13) Carroll, James - “An American Requiem, God, My Father, and the War that Came Between Us”, (Houghton Mifflin Co, Boston-New York. 1996), trang 164.   

(14) http://sachhiem.net/SACHNGOAI/HoangKhoi.php

(15) http://www.30giorni.it/us/articolo.asp?id=9049

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Trần Thị Vĩnh-Tường