Einstein bông đùa như thế nào?

Bích Hạnh
 

Một Einstein đời thường.

Trong những năm tháng cuối đời, Albert Einstein đã cố gắng làm khuây khỏa con vẹt rầu rĩ của mình bằng cách nói với nó những câu hài hước tục tĩu và giả vờ ốm để tránh mặt khách đến thăm. Một cuốn nhật ký mới được tìm thấy của một người phụ nữ tiết lộ điều đó.

Người phụ nữ này là bạn gái cuối cùng của Einstein. Ngoài những lời tự bạch về sự khổ nhọc trong những công trình vật lý, hầu hết cuốn nhật ký của Johanna Fantova hồi tưởng những quan điểm của Einstein về chính trị thế giới và đời sống riêng tư của ông.

Tài liệu này là "một phác họa chân thực về những nỗ lực đấu tranh dũng cảm của Einstein trước đủ loại phiền hà của bệnh tật và tuổi tác", Freeman Dyson, một nhà toán học tại Viện nghiên cứu khoa học tiên tiến ở Princeton, bang New Jersey (Mỹ), nhận định.

Cuốn nhật ký 62 trang, ra đời ở Đức, được khám phá vào tháng 2 vừa qua trong hồ sơ của Fantova tại Thư viện Firestone, Đại học Princeton, nơi bà từng làm việc với tư cách người phụ trách. "Điều ngạc nhiên là vật lý được đề cập quá ít trong cuốn nhật ký", Donald Skemer, người quản lý bản thảo tại Thư viện Firestone, cho biết.

Fantova viết rằng bà ghi lại thời gian ở bên nhà vật lý lừng danh để "làm sáng tỏ vài điều chưa biết của chúng ta về Einstein, không phải như một người đàn ông vĩ đại trở thành huyền thoại trong thời đại mình, cũng không phải như một nhà bác học danh tiếng mà là một Einstein đời thường".

Fantova trẻ hơn Einstein 22 tuổi. Và mặc dù hai người dành thời gian đáng kể cho nhau bắt đầu từ những năm 1940, nhật ký của bà chỉ ghi lại mối quan hệ của họ từ tháng 10/1953 cho đến khi ông mất vào tháng 4/1955, ở tuổi 76. Bà mất vào năm 1981, khi 80 tuổi.

Cuốn nhật ký thuật lại quan điểm của Einstein về chính trị thời kỳ đó, mô tả ông chỉ trích những lời nói của Adlai Stevenson, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và cuộc tấn công chống cộng do Thượng nghị sĩ Joshep McCarthy thực hiện với nhà khoa học J. Robert Oppenheimer.

"Sự đàn áp chính trị đối người bạn đồng liêu của ông là một nguyên nhân khiến ông vỡ mộng", Fantova viết. Ngoài chính trị, Fantova còn viết về sự cởi mở của Einstein và nỗ lực của ông để trả lời thư những người lạ mặt, một số trong đó cố gắng biến ông thành người theo đạo Cơ Đốc. Ông nói: "Tất cả những người điên trên thế giới đều viết thư cho tôi".

Cuốn nhận ký cũng ghi lại vào lần sinh nhật thứ 75 của mình, Einstein nhận được một quà tặng là một con vẹt. Sau khi nhận thấy nó trở nên u sầu, nhà bác học đã cố gắng thay đổi tâm trạng của nó bằng những câu đùa tục tĩu. Vào thời gian này, Einstein thường giả bộ ốm nặng để tránh khách tới thăm và muốn chụp ảnh ông, và tự tìm cách giải trí ngay cả khi ốm đau thật.

"Sức khỏe của Einstein bắt đầu sa sút nhưng ông vẫn tiếp tục tự buông thả theo những sở thích của mình như đi thuyền. Hiếm khi tôi thấy ông vui vẻ và rạng rỡ như trên con thuyền bé nhỏ cổ xưa kỳ lạ ấy", Fantova viết. Einstein còn gửi thư cho Fantova, mà một số trong đó được bà ghi lại vào nhật ký. Thư viện Princeton hiện cũng giữ một bộ sưu tầm các bài thơ, thư tay và ảnh mà Einstein gửi cho Fantova.

Einstein và người vợ thứ hai Elsa, đến Princeton năm 1933, khi Viện Nghiên cứu khoa học tiên tiến mới được thành lập. Elsa qua đời 3 năm sau đó. Fantova gặp nhà bác học vào năm 1929 ở Berlin. Bà đến Mỹ một mình năm 1939 và với sự thúc giục của Einstein, đã xin vào làm ở thư viện Đại học Bắc Carolina.

(theo AP)