Bài 2: Bài toán giảm thiểu tổn thương đến văn hóa, môi trường và lợi ích của người dân

   VOV News      13/12/2008
 
 
 
 
(VOV) - Dù chưa có dự án bô-xít, hàng năm Đắc Nông cũng vẫn mất trên dưới 300 ha rừng. Cùng với việc mất rừng, văn hoá M'Nông đã bị mai một nhanh chóng.

Bài 1: Lợi ích kinh tế và hậu quả môi trường

Theo tính toán của tỉnh Đắc Nông, kế hoạch khai thác bô-xít ở tỉnh này sẽ tác động trực tiếp đến hơn 150.000 người dân. Ngoài cam kết ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động địa phương, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam chưa tính hết những tác động tiêu cực đối với đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của các cư dân bản địa. Các nhà nghiên cứu bức xúc, người dân lo lắng: không chỉ huỷ hoại môi trường, đại dự án bô-xít còn xoá sổ một nền văn hoá cao nguyên M'Nông huyền thoại, đẩy người dân vào cảnh không có đất sản xuất.

Vậy đâu là giải pháp để việc khai thác nguồn tài nguyên này vừa phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế, hài hoà lợi ích của đồng bào, vừa giảm thiểu tối đa những tổn thương mà dự án này có thể gây ra cho môi trường và văn hoá Tây Nguyên. 

Tổn thương cả một nền văn hoá bản địa

Đắc Nông, tỉnh phía nam Tây Nguyên, là địa bàn cư trú lâu đời của dân tộc M'Nông, quê hương anh hùng Nơ Trang Lơng, người tù trưởng đã lãnh đạo các dân tộc Tây Nguyên chống thực dân Pháp xâm lược những năm đầu thế kỷ 19. Văn hoá M'Nông là một phần không thể thiếu làm nên nền văn hoá Tây Nguyên huyền thoại, với những bộ sử thi đồ sộ, với không gian cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Cũng như văn hoá Tây Nguyên, văn hoá Mơ-nông gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, là văn hoá của làng, của rừng. Trước những dự án khai thác bô-xít đang triển khai tại Đắc Nông, các nhà nghiên cứu văn hoá lo ngại rằng, một cao nguyên M'Nông huyền thoại sẽ chỉ còn trong tiềm thức.

Làng và rừng của làng là không gian xã hội, không gian sinh tồn của con người nơi đây; khi không gian ấy bị xâm phạm, bị biến dạng, bị mất đi, thì làng tan, văn hoá tan, con người trở nên lạc lõng, tha hoá. Thử đặt câu hỏi: nếu trên 2/3 diện tích tỉnh Đắc Nông sẽ bị “cạo sạch”  rồi đào lên để lấy bô-xít, vốn có bao nhiêu rừng và đất của bao nhiêu làng, sự tan vỡ của các làng sẽ đưa lại hậu quả gì? Và rồi những người bị thu hồi đất sẽ đi đâu, tái định cư như thế nào, làm gì trên vùng đất mới của họ; và họ đứng đâu, làm gì trong các nhà máy hiện đại?”- Nhà văn Nguyên Ngọc bức xúc.

Những lo ngại của nhà văn Nguyên Ngọc chính là sự thật đã được kiểm chứng qua bài học về việc di dân, phát triển các nông lâm trường ở Tây Nguyên trong suốt 30 năm qua. Hiện nay, các bon làng đều ở xa rừng, hoặc buộc phải di dời ra khỏi rừng để có nhiều điều kiện nâng cao đời sống cho bà con. Dù chưa có dự án bô-xít, hàng năm, tỉnh Đắc Nông cũng vẫn mất trên dưới 300 ha rừng vì nạn đốt nương làm rẫy, chưa kể đến hàng chục ngàn héc-ta giao cho doanh nghiệp thực hiện các dự án nông lâm nghiệp. Cùng với việc mất rừng, văn hoá M'Nông đã bị mai một nhanh chóng.

 

Những nét văn hóa bản sắc đang dần bị mai một


Ông Điểu Trơh, Trưởng bon Bu Dấp, xã Nhân Cơ, huyện Đắc R'Lấp, cho biết: Những năm gần đây, các lễ hội truyền thống của người M'Nông chỉ được tổ chức khi có sự đầu tư tiền của Nhà nước, mang tính chất phục dựng hoặc cổ động cho một sự kiện của địa phương hay của quốc gia. Sự suy giảm văn hoá Mơ-nông cũng là điều mà các nhà khoa học trường Đại học Tây Nguyên khẳng định qua nghiên cứu thực tế tại huyện Đắc R'Lấp. Tiến sỹ Tuyết Nhung Buôn Krông, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: ngày nay, chúng ta khó nhận biết các bon làng của người bản địa, và chỉ nhận ra họ qua màu da, tiếng nói, chứ không phải qua văn hoá vật thể như trang phục, đồ trang sức. “Thời gian gần đây, dân số tăng nhanh gấp 2,5 lần so với năm 1997, đã làm thay đổi toàn cục về kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường, xuất hiện nhiều thành phần dân tộc, thì văn hoá M'Nông đang bị pha tạp, mai một và trước nguy cơ hoàn toàn biến mất”  

Như vậy, việc triển khai các dự án bô-xít ở Đắc Nông chỉ làm đẩy nhanh quá trình tác động đến nền văn hoá M'Nông, vốn đang bị xáo trộn và suy giảm nhanh chóng.  

Nỗi lo sinh kế của người dân

Theo ông Lâm Trí Hy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhân Cơ, người dân tộc thiểu số tại chỗ thường sống tách biệt thành một cộng đồng. Do vậy nếu sắp xếp quy hoạch rõ ràng thì việc khai thác bô-xít không tác động nhiều đến nếp sinh hoạt của bà con. Điều lo nhất là đời sống kinh tế, vì đồng bào chưa biết cách sử dụng số tiền đền bù cho hợp lý.“Vừa qua, khi giải toả mặt bằng khu vực nhà máy, xã cũng tập trung các ban ngành đoàn thể vận động bà con sau khi được đền bù có tiền thì nên đầu tư sản xuất, không nên lãng phí. Nhưng nhiều người không tính toán đầu tư kinh tế, họ lấy tiền về sửa chữa nhà cửa, mua xe cộ, sắm sửa cho khang trang hơn” - Ông Lâm Trí Hy cho biết.

Để có mặt bằng cho dự án alumin, xã Nhân Cơ có hơn 200 hộ bị giải toả. Người được đền bù nhiều nhất tới 1 tỷ 700 triệu, người ít cũng có vài ba chục triệu đồng. Với người Kinh, đây là số tiền không nhỏ để đầu tư chăm sóc cây trồng. Với bà con các dân tộc tại chỗ, đa số các hộ nhận tiền đền bù đều đã mang xây dựng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong gia đình.

Giống như các dự án tái định cư ở Việt Nam từ trước đến nay, trong dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa tính đến sinh kế của người dân, nhất là của người dân tộc thiểu số tại chỗ. Bên cạnh cam kết giải quyết việc làm cho một số lao động địa phương, nhà đầu tư này đã đưa 80 em sang Trung Quốc đào tạo cao đẳng, đại học về luyện kim, và tổ chức đào tạo trung cấp nghề cho gần 700 con em 2 tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng. Trong số này, con em người dân tộc thiểu số ở Đắc Nông chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì mặt bằng dân trí thấp, rất ít người đáp ứng được yêu cầu tốt nghiệp lớp 9 trở lên.

Suy nghĩ về đời sống của người dân trong vùng dự án bô-xít, Tiến sỹ Đào Trọng Hưng, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam, nói: “Sinh kế không chỉ là cái tạo ra việc làm trước mắt, cho một vài nghìn người đi học vào làm công nhân, mà lâu dài là các thế hệ sau sống như thế nào. Cả vùng Đắc Nông này mà bóc đi rồi hoàn thổ, cao su cà phê đang tốt như thế này, chặt hết đi thì sau đó chuyển đổi đất như thế nào? Tôi cho rằng cần phổ biến thông tin rộng rãi, rõ ràng, công khai, minh bạch và thảo luận với cộng đồng, với người dân”.

Là đơn vị quản lý đất đai tại địa phương, ông Trương Văn Hiển, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đắc Nông, nêu ra 3 phương án trong việc hoàn thổ, sử dụng đất nông nghiệp sau khai thác bô-xít.

Phương án 1 nghiêng về phía người dân: là cho doanh nghiệp thuê đất khai thác quặng trong thời gian ngắn, hoàn thổ xong lại trả đất cho dân theo đúng diện tích, vị trí ban đầu. Phương án 3 là muốn đẩy nhanh quá trình tích tụ đất đai: thu hồi vĩnh viễn đất của chủ sử dụng cũ và đền bù toàn bộ thiệt hại cũng như hỗ trợ họ chuyển đổi ngành nghề; đất sau khai thác bô-xít sẽ quy hoạch lập các dự án nông lâm nghiệp, thu hút người dân vào làm công nhân. Phương án thứ 2 là thu hồi đất có thời hạn, chúng ta bồi thường cho dân, sau đó lại giao đất cho họ, nhưng không phải nguyên trạng, mà có sự điều chỉnh. Thứ nhất là sẽ quy hoạch, ví dụ như vùng này là trồng rừng, hay vùng này là cao su, cà phê…trên cơ sở đất - nước - khí hậu -  cây trồng có lợi nhất. Thứ hai là điều chỉnh ưu tiên, ví dụ là những gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất, hoặc là người nhiều đất san cho người ít. Những người nhiều đất bị thu hồi, sau lấy ít thì được bồi thường chênh lệch bằng tiền, những hộ ít đất sau điều chỉnh được nhận nhiều thì phải bù thêm tiền”- Ông Trương Văn Hiển đề xuất. 

Hoàn thổ, đánh giá tác động môi trường và ... cân nhắc

Ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ, cho rằng, với cách khai thác cuốn chiếu, việc hoàn thổ, trả lại đất cho dân sẽ rất nhanh chóng. Dự kiến bắt đầu khai thác bô-xít từ năm 2011, với công suất 300 ngàn tấn alumin, mỗi năm, tổ hợp này sẽ sử dụng từ 60 đến 80 héc-ta đất.

“Chúng tôi tính toán mùa mưa mà mưa quá thì sẽ không khai thác, như vậy là làm 8 tháng, mỗi tháng sử dụng khoảng 10ha, nếu gia đình nào có vài ha thì có thể từ tuần trước đến tuần sau là chúng tôi trả lại đất. Việc hoàn thổ không phải là cái gì quá khó khăn: lớp đất phủ trên mặt dầy lắm chỉ hơn 1m, chỉ cần dùng máy móc xúc ủi ra bên cạnh, lấy quặng xong là xúc trả lại. Một năm làm 80ha, mà cả vùng quy hoạch là 400 ngàn ha, dự án thực hiện rất lâu, nên không phải cùng một lúc mà bới hết cả lên, ảnh hưởng đến tất cả dân. Thực tế qua khoanh vùng thăm dò thời gian qua, những diện tích mà tỉnh yêu cầu TKV không làm rất nhiều: rừng cấm, rừng đầu nguồn, di tích lịch sử, khu vực quân sự…

Bây giờ chúng ta chỉ làm ở những khu vực được phép, còn đồng bào vẫn ở đó. Mà theo đề án của Sở Tài nguyên- Môi trường, nếu tính toán tốt, thì đó là cuộc cải cách về cơ cấu cây trồng: lấy đất đi làm lại, quy hoạch tốt, chọn cây trồng thích hợp hơn, thì tôi nghĩ sẽ tạo sức mạnh mới về nông nghiệp”- Ông Bùi Quang Tiến lập luận.

Như vậy, với quy mô vừa phải, được thực hiện một cách thận trọng, bài bản, việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên có thể đảm bảo được lợi ích kinh tế và hạn chế những tác động tiêu cực đến người dân trong vùng. Thay vì triển khai một loạt các dự án lớn trên diện rộng, làm xáo trộn đời sống kinh tế, văn hoá xã hội, gây nguy cơ huỷ hoại môi trường, TKV nên tính toán bố trí các dự án cho phù hợp với điều kiện địa hình và dân cư ở các vùng bô-xít, cân đối đầu nguồn (khai thác quặng) và đầu cuối (điện phân nhôm).

 

Người dân sẽ hưởng lợi hay gánh chịu hậu quả?


Điều cần thiết là, TKV phải thực hiện ngay việc lập các dự án đánh giá môi trường chiến lược, tính toán những tác động của việc khai thác bô-xít đến môi trường, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của người dân. TKV cũng phải đưa ra lộ trình cụ thể trong việc khai thác bô-xít, hoàn thổ tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án. 

Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng ta luôn luôn phải giải bài toán về sự đánh đổi, nói cách khác là làm sao hy sinh những lợi ích nhỏ nhất để đạt được những lợi ích lớn nhất. Trong đó, nhất thiết lợi ích của quốc gia, khu vực và của nhân dân phải được coi trọng. Không thể vì muốn giảm suất đầu tư khai thác bô-xít, mà khi xây dựng một loạt các dự án lớn, đơn vị khai thác lại bất chấp các nguy cơ rõ ràng về môi trường, kinh tế, văn hoá xã hội. Cách làm hiện nay của TKV không chỉ làm các nhà khoa học bức xúc, mà khó có thể nhận được sự đồng thuận của người dân, dù họ đang sống nghèo trên vùng mỏ bô-xít./.

Nhóm phóng viên VOV

 

http://vovnews.vn/Home/Bai-2-Bai-toan-giam-thieu-ton-thuong-den-van-hoa-moi-truong-va-loi-ich-cua-nguoi-dan/200812/100876.vov