Lịch sử Ngày Lễ Cha

Vietsciences- Võ Thị Diệu Hằng     17/06/2007
 
 

Từ "cha" và nguồn gốc tín ngưỡng:
Nguồn gốc Ngày Lễ Cha:
Biểu tượng của ngày Lễ Cha:
Kỷ lục mừng ngày Lễ Cha xưa nhất:
Ngày Lễ Cha của một số nước trên thế giới:
Những nước tổ chức ngày chúa nht thứ 3 của tháng 6 :
Giáo hoàng Léon III

 

Từ "cha" và nguồn gốc tín ngưỡng:

Đấng tạo hóa được đặt tên là Chúa Cha. Abraham, thế kỷ 19 trước công nguyên, là Cha của đạo hữu. Người dân La Mã kêu hoàng đế của họ là Cha của tổ quốc, thí dụ hoàng đế Auguste (Caius Julius Caesar Octavianus Augustus). Đạo Thiên chúa, các giáo sĩ được gọi là "cha" , Giáo hoàng  được gọi là "Thánh cha".  Ngoài ra, "cha" theo từ la tinh là "pater", có nghĩa là tạo hóa, khi thì nói lên tình cha dịu dàng thắm thiết lẫn độc đoán, che chở.
 

Nguồn gốc Ngày Lễ Cha:

Năm 1909, bà Sonora Smart Dodd (Mrs. John B. Dodd), 27 tuỏi, sau khi nghe diễn thuyết về ngày Lễ Mẹ tại đền Spokane, bà muốn có một ngày đặc biệt để tôn vinh  Cha của  bà là William Smart. Mẹ bà chết ngay sau khi sinh đứa con thứ sáu và để  lại cho cha bà năm đứa con thơ cùng với đứa con sơ sinh. Ông  William Smart nuôi con  một mình trong một nông trại miền đông của tiểu bang Washington.  Bà Dodd muốn nêu lên  lòng  can đảm, hy sinh và tình thương con của cha bà  khi đơn độc nuôi con. Để tỏ lòng biết ơn cha, bà lấy tháng 6, tháng cha bà sinh ra, để làm ngày lễ. Ngày Lễ Cha đẩu tiên được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 1910 tại Washington  nhưng phải tới năm 1966 mới chính thức.

Năm 1924, tổng thống Hoa Kỳ Calvin Coolidge ủng hộ ý kiến này, xem ngày Lễ Cha là ngày lễ quốc gia. Cuối cùng, năm 1966, tổng thống Lyndon Johnson, người thay thế cố tổng thống  John F. Kennedy, quy định chính thức là ngày chúa nhật thứ ba của tháng Sáu. Từ năm 1972, tổng thống Richard Nixon đặt Lễ Cha là lễ quốc gia và tổ chức  vào ngày chúa nhất thứ 3 của tháng 6

Ngày Lễ Cha không những  là ngày để vinh danh cha của bạn mà còn vinh danh tất cả những người mang chức  cha, như cha vợ hay cha chồng, chú bác dượng cậu và tất cả những người đàn ông.

Biểu tượng của ngày Lễ Cha

Hoa hồng là hoa của ngày Lễ Cha. Người nào còn cha thì cài hoa hồng đỏ, ai mất cha thì cài hoa hồng trắng.

Kỷ lục  mừng ngày Lễ Cha xưa nhất:

Ngày Lễ Cha xưa nhất được tìm thấy trong đống tàn tích của Babylone. Một chú bé tên là Elmesu khắc trên tấm đá vôi cách đây trên 4000 năm, lời chúc mừng cha cậu nhiều sức khoẻ và sống lâu.

Ngày Lễ Cha của một số nước trên thế giới: 

Nước Đức:

Tại Đức, ngày Lễ Cha Vatertag được tổ chức cùng với ngày Lễ Thăng Thiên (Ascension). Lễ Thăng Thiên là  ngày Jésus lên trời, nhằm thứ Năm (thứ Năm Thăng thiên) và là ngày thứ 40 sau lễ Pâques.  Thứ Sáu Thánh: Jésus bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúa nhật Phục Sinh: Chúa Jésus sống dậy (ngày thứ 3).
Người Đức có ý niệm lạ lùng là ngày Lễ Cha, họ có quyền bỏ bê gia đình, tụ họp nhau để vui chơi.

Họ đẩy xe chở những thùng bia ra miền quê, vừa dạo chơi vừa uống cho hết. Tại thành phố, họ tới các quán Kneipe bistrot thù tạc chén anh chén tôi, say sưa. Do đó ngày lễ Thăng thiên là ngày hội lớn của các chủ quán Kneipenbesitzer.

Truyền thống ngày lễ này là họ đi bộ hay đi ngựa ra miền quê. Những sử gia tranh cãi để tìm ra nguyên nhân. Có thể  do phong tục cổ của Đức là ngày xưa, các chủ đất , mỗi năm một lần, đi một vòng qua hết các vùng đất sở hữu của họ để kiểm tra. Hay có thể đó là một nghi thức lập lại cuộc diễn hành của 11 tông đồ trên đồi Ô liêu (Mont des Oliviers) trong ngày Lễ Thăng Thiên của Chúa Jésus? Hay cũng có thể họ làm sống  lại những đám rước xuyên qua cánh đồng do giáo hoàng Léon III [1] tổ chức vào thế kỷ thứ 9 để cầu xin cho đất mầu mỡ.


Thụy Điển (Suède, Sweden)

Tại Thụy Điển, người ta bắt đầu làm Lễ Cha năm 1930. Lễ này được  phổ biến rộng rãi vì nhà trường  lẫn nhà thờ đều ủng hộ ý kiến này. Lễ Cha ở Thụy Điển Na Uy, Phần Lan đều được tổ chức  vào chúa nhật thứ 2 của tháng 11.

Nước Ý: 

Ngày Lễ Cha Festa del papa rơi nhằm ngày Thánh Joseph, ngày 19 tháng 3. Ngày này học sinh vần đi học, gia đình không  làm gì đặc biệt nhưng các con thì mua bánh, kẹo ăn với nhau và mua những  món quà nhỏ tặng cha, như cà vạt, ví đựng tiền, xâu đựng chìa khóa... Họ thường ăn Bánh  zeppole, làm bằng bột chiên rải đường  lên, giống bánh thèo lèo của nước ta.

Nước Pháp:

Ngày Lễ Mẹ được chính bắt đầu năm 1950 thì hai năm sau đó người ta tổ chức Lễ Cha. Theo truyền thống người Mỹ, ngày Fête des pères rơi nhằm ngày chúa nhật thứ 3 của tháng  6.

Áo Quốc bắt đầu năm 1956, tổ chức ngày chúa nhật thứ hai tháng 6. Ngày này các con gởi thiệp và quà cho  Papis của mình.

Brésil ngày Chúa nhật thứ hai của tháng 8

Úc Châu tổ chức  vào ngày chúa nhật đầu tiên của tháng 9

Bỉ: tổ chức  cùng ngày với Lễ Thăng Thiên, 19 tháng 3 và ngày chúa nhật thứ 2 của tháng 6.

Thụy Sĩ không có ngày Lễ Cha chính thức cho Papa . Vatertag  tùy từng vùng

Nước cộng hòa Dominique: Chúa nhất cuối cùng tháng 7
Estonia: chúa nhật thứ 2 tháng 11
Finland:  chúa nhật thứ 2 tháng 11
Đan Mạch: Fars Dag : ngày 5 tháng 6
Lithuania: chúa nhật đầu tiên  tháng 6
Tân Tây Lan: chúa nhật đầu tiên tháng 9
Nicaragua: 23 tháng 6
Norway: chúa nhật thứ 2 tháng 11
Poland: 23 tháng 6
Portugal: 19 tháng 3
Nga: 23 tháng 2
Nam Hàn: 8 tháng 5 (Ngày lễ Cha Mẹ)
Tây Ban Nha: 19 tháng 3
Thái Lan: 5 tháng 12 (ngày sinh vua  Bhumibol Adulyadej)
Taiwan: 8 tháng 8
 

Những nước tổ chức  ngày chúa nhật thứ 3 của tháng 6 :


Nam Phi
Argentine

Canada
Bulgarie

Chili
Cuba
Hoa Kỳ
France
Hong Kong
Ấn Độ
Irlande
Nhật
Mã Lai
Malte
Mễ Tây Cơ
Hoà Lan
Pérou
Phi Luật Tân
Vương quốc Anh
Singapour
Slovaquie
Thổ Nhĩ Kỳ
Venezuela


Còn Việt Nam?

[1] Giáo hoàng Léon III (Rome 750- Rome 816) : Sinh ra trong gia đình khiêm tốn, được bầu làm giáo hoàng ngày 26/12/795, đúng ngày mai táng của giáo hoàng Adrien đệ nhất.  Những người thân thích của giáo hoàng cũ tức giận Léon III nên  cho quân phục  kích và ngày 25/4/799 ông bị tấn công  và đánh gần chết, phải trốn trong  một tu viện và sau đó  đến bên vua Charlemagne. Ngày 25 tháng 12 năm 800, tại thánh đường Saint-Pierre, vua Charlemagne được giáo hoàng Léon III phong hoàng đế. Năm 801 Léon III có ý muốn  thống nhất lại đế quốc  La mã  bằng hôn nhân giữa hoàng đế Charlemagne và nữ hoàng Irène, nhưng giới quí tộc đế quốc Byzantin (là đế quốc La mã phía Đông) không muốn nên làm một cuộc đảo chánh. Bà bị truất phế và bị giam, mất năm 803.

Giáo hoàng Léon III đã cải tổ một số luật.  Ông  mất năm 816 và được  mai táng  tại nhà thờ Saint-Pierre, bên cạnh Léon I và Léon II.

Năm 1673, Léon III được  giáo hoàng Clément X phong thánh.

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày 25 tháng 12 năm 800, tại thánh đường Saint-Pierre, vua Charlemagne được Giáo hoàng Léon III phong Hoàng đế.

Viết xong ngày 12/6/2005, bổ sung  lần 1 ngày 18/06/2006, bổ sung lần 2 ngày 17/06/2007

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr - Võ Thị Diệu Hằng