Lịch sử Thái Bình Thiên Quốc

Vietsciences-  Hồ Bạch Thảo    03/12/2013

 

Chương bốn

Nhà Thanh giành được ngoại viện,
Tăng Quốc Phiên trù hoạch chiến đấu

1. Triệu chứng nước Anh thay đổi chính sách

Sau khi Thái Bình Thiên Quốc định đô tại Nam Kinh [Nanjing, Giang Tô] ; các nước Anh, Pháp, Mỹ vẫn thừa nhận triều đình Bắc Kinh [Beijing] ; họ hy vọng giành được sự nhượng bộ từ triều đình này, nên tiếp tục duy trì. Ðối với họ, Hồng Tú Toàn luôn luôn tự coi là Thiên vương, “ chân chúa của vạn nước ”, nếu thắng cũng không dễ cư xử.

Từ năm 1856 đến 1858, giới lãnh đạo Anh, đứng đầu phe Tây phương, cho rằng chẳng bao lâu quân Thái Bình sẽ thua, nên càng gấp giành quyền lợi từ Bắc Kinh. Qua điều ước Thiên Tân [Tianjin], lòng mong muốn của các nước được thỏa mãn, kiên định mối quan hệ giữa họ với Bắc Kinh ; vấn đề từ đó trở đi, là làm sao thực thi mọi khoản trong điều ước. Sau khi chương trình thông thương được ký kết tại Thượng Hải [Shanghai, Giang Tô] vào tháng 11/1858, Công sứ Lord Elgin cấp tốc điều quân hạm ngược sông Trường giang [Changjiang], để khảo sát cảng khẩu, chiếu theo điều ước Thiên Tân dự định mở. Khi quân hạm qua Nam Kinh, An Khánh [Anqing, An Huy] ; bị quân Thái Bình pháo kích. Sau đó quân Thái Bình gửi thư có ý xin lỗi ; chiếu chỉ của Thiên vương gọi Lord Elgin là “ Tây dương phiên đệ ”, hoan nghênh đến, sẽ đãi theo lễ. Khi Lord Elgin từ Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc] xuôi dòng, chủ tướng quân Thái Bình tại An Khánh ân cần xin lỗi vì sự lầm lỡ. Thống đốc thủy quân Thái Bình trên sông Trường Giang yêu cầu nhường cho súng đạn Tây dương, nói rằng hai bên tình như anh em. Khi đến Nam Kinh, Lý Xuân Phát, Phó thủ tướng quân Thái Bình khoản đãi rượu những viên chức Anh do Lord Elgin sai đến như Thomas Wade [Uy Thỏa Mã], H.N. Lay [Lý Thái Quốc] ; và căn dặn từ nay trở về sau khi thuyền Anh đi qua, xin báo trước để mang quân hộ tống.

Lord Elgin rất ác cảm với quân Thái Bình, cho rằng chẳng bao lâu sẽ bại. H.N. Lay nói với Quế Lương tại Thượng Hải rằng “ Bọn này thực vô kỷ luật, hành động như đạo tặc. Miệng thì nói thuộc Gia Tô giáo, nhưng đem nhưng điều Gia Tô ra hỏi thì đáp không đúng.” Quân Thái Bình biểu thị thiện cảm với Anh, vì thấy quân Anh mạnh nên không thể không làm như vậy. Tháng 5/1860 quân Thái Bình đánh chiếm các đại doanh tại Giang Nam, đuổi dài sang phía đông ; Công sứ Anh, Pháp lập tức tuyên bố bảo vệ Thượng Hải. Sau khi Trung vương Lý Tú Thành chiếm cứ Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], bèn gửi thư cho sứ Anh trình bày việc tất yếu phải lấy Thượng Hải, Tùng Giang [Songjiang, Giang Tô] ; muốn đến thương lượng để giữ hòa hảo. Kế tiếp lại gửi thư khuyên đừng giúp quân Thanh, để khỏi tổn thương hòa khí ; nhưng đều không có hồi âm. Sau đó Can vương Hồng Nhân Can vốn có giao tình với người nước ngoài đến Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], cùng với Lý Tú Thành gửi thư mời Giáo sĩ Ngãi Ước Sắt đến gặp ; viên Giáo sĩ thỉnh ý viên Công sứ Frederick W. A. Bruce [Bốc Lỗ Tư] thì viên này cho biết lập trường của Anh không nghiêng về bên nào.

Vào tháng 6, Tuần phủ Giang Tô, Tiết Hoán, cùng hàng thương khuyến khích tổ chức Dương thương đội do người Mỹ tên là F. T.Ward [Hoa Nhĩ] chỉ huy. F. T. Ward, một tay mạo hiểm về quân sự ; nhân nước Trung Quốc rối ren, là nơi có nhiều cơ hội đối với y ; nhỏ thì có thể dựa vào lửa chiến tranh để cướp bóc, lớn thì tạo lập chính quyền. Y cùng các bạn đồng hương chiêu mộ được khoảng 200 quân, gồm lính ngoại quốc đào ngũ, thủy thủ, cùng những tay vong mệnh ; lương hướng do quan đặc trách thương vụ tại Thượng Hải cung cấp. Tháng 7, chiếm đoạt Tùng Giang, cướp được nhiều, lại được thưởng 3 vạn lượng bạc, danh lợi kiêm thu ; bèn tiếp tục tiến công quân Thái Bình, bị Lý Tú Thành đánh bại.

Giáo sĩ Ngãi Ước Sắt đến Tô Châu đem những lời của Công sứ Frederick chuyển cho Hồng Nhân Can và Lý Tú Thành, cả hai đều tin Anh đứng trung lập. Gặp lúc Anh, Pháp điều binh lên Thiên Tân, lưu binh tại Thượng Hải không nhiều, lại vừa đánh thắng Dương thương đội, nên tin rằng một tiếng trống cất lên có thể chiến thắng, bèn mang quân tiến thẳng. Frederick chuyển lời cảnh cáo rằng quân Anh, Pháp hiện trú đóng tại huyện thành và Thượng Hải, nếu xông vào sẽ đánh trả lại. Lý Tú Thành thanh minh cùng Công sứ Anh, Mỹ, Pháp rằng không quấy nhiễu người ngoại quốc ; vào ngày 18/8 bắt đầu đánh thành, ngày 21 bị liên quân Anh Pháp đánh bại ; sự kiện này cũng tình cờ trùng ngày với liên quân Anh, Pháp chiến thắng quân Thanh tại Ðại Cô [Dagu, Thiên Tân]. Ðây là lần đầu tiên quân Thái Bình giao tranh với Tây dương, chứng tỏ thái độ Anh, Pháp đối với quân Thái Bình đã chuyển biến một cách cụ thể.

Tháng 2/1861 Harry Parkes đến Nam Kinh. Ngày 1/3 cùng Hạm trưởng Aplin [Nhã Linh] nói với đại diện quân Thái Bình, Mông Thời Ung và Chương vương Lâm Thiệu Chương rằng nước Anh có quyền thông thương trên sông Trường Giang, nay qua lại, nếu tuân theo pháp lệnh của Thái bình thiên quốc thì không được trở nhiễu ; quân Thái Bình đánh Hán Khẩu, Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây], nếu như không xâm phạm tính mệnh tài sản của người Anh, thì quân hạm Anh đậu tại đấy cũng không gây khó khăn. Ðược Thiên vương đồng ý, xuống chiếu tuyên bố rằng phàm những ai chưa giúp “ yêu quái ” (Mãn Thanh) đều được khoan miễn, thương nhân ngoại quốc coi như huynh đệ, mọi việc do Tổng lý La Hiếu Toàn thu xếp ; lại trả về những lính đào ngũ người Anh. Tháng 5 cũng gửi cho Tư lệnh hải quân Mỹ Commodore Stribling [Tư Bách Linh] chiếu thư giống như vậy.

Ngày 22/3 khi Harry Parkes từ Hán Khẩu trở về đông, qua Hoàng Châu [Huangzhou, Hồ Bắc] cảnh cáo Anh vương Trần Ngọc Thành đừng đánh Hán Khẩu [Hankou, Hồ Bắc], Hán Dương [Hanyang, Hồ Bắc] ; lập luận này hiển nhiên trái với cam kết trước kia. Ngày 28 Ðề đốc James Hope [Hà Bá] sai Hạm trưởng Aplin báo cho quân Thái Bình rằng không được tiến binh cách Thượng Hải dưới 100 dặm, ngược lại Anh sẽ không cho quân Thanh từ Thượng Hải đánh quân Thái Bình. Harry Parkes cùng Aplin đàm phán với quân Thái Bình 5 ngày, tuyên bố nếu như phá hoại cửa khẩu, thương vụ, thì sự quan hệ hai bên không có cách gì cải thiện. Thiên vương lúc đầu cho rằng không làm tổn hại đến người nước ngoài, nhưng không dừng việc đánh Thượng Hải ; đến ngày 2/4 Harry Parkes và Aplin đích thân đến phủ Thiên vương gửi thư ; Thiên vương hứa trong vòng năm đó không đánh Thượng Hải và vùng phụ cận. Những điều yêu cầu của bọn Harry Parkes không phải là chủ trương của Luân Ðôn, Ngoại trưởng John Russell [La Tố] từng ra chỉ thị không can thiệp vào nội chiến Trung Quốc, chỉ lo giữ an toàn nhân sự và thương nghiệp. Tuy nhiên những báo cáo của các viên chức ngoại giao, quân sự tại chỗ, cũng ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách.

Tháng 5/1861 James Hope bắt F. T.Ward về tội dụ dỗ lính Anh đào ngũ rồi trả cho Lãnh sự Mỹ ; nhưng Mỹ lấy cớ F. T. Ward đã nhập quốc tịch Hoa nên thả ra. F. T. Ward hứa không tiếp tục thu lính Anh đảo ngũ ; được James Hope giúp đỡ để chiêu tập đạo quân người Hoa, cùng được các sĩ quan Âu, Mỹ cấp cho trang bị. Nhờ vậy Dương thương đội của F.T. Ward quân số tăng lên trên 2.000 ; James Hope đích thân đến duyệt binh ; đây là hành động tích cực chuẩn bị chống quân Thái Bình. Ðạo quân của F.T. Ward trên đầu chít khăn xanh, nên được gọi quen là Lục đầu dõng, quân Thái Bình miệt thị là “ Giả Dương quỷ tử ”.

Lý Tú Thành nói người Tây dương đưa lời uy hiếp, đề nghị hợp tác rồi chia đôi, chúng nói “ Thiên vương các ngươi tuy đông nhưng không bằng 1 vạn quân của chúng ta… Ta có mấy vạn và binh thuyền, một tiếng trống dấy lên, có thể bình định. Quân ta hơn 1 vạn người đánh vào Bắc Kinh, khiến phải xin hòa. Các người không hợp tác, thì hãy xem ta hành động.” Hồng Tú Toàn không dao động, bảo rằng “Ta tranh giành Trung Quốc, muốn tự lo lấy ; nếu hợp tác với Dương quỷ, việc thành chia đôi, thì thiên hạ sẽ chê cười ; nếu không thành thì mang tội đưa quỷ vào nước. Lý Tú Thành cũng nói “ Ðể một ngàn quân Tây dương, chèn ép hàng vạn quân ta ; vậy ai mà phục ! ”. Những lời trên, chứng tỏ Hồng Tú Toàn, Lý Tú Thành kiên định lập trường quốc gia ; tuy họ từng dùng người và vũ khí Tây phương, nhưng làm chủ được mình.

 

2. Tranh đoạt thành An Khánh
 

Sau khi Tương quân chiếm được Vũ Hán [Wuhan, Hồ Bắc], Cửu Giang [Jiujiang, Giang Tây] ; An Khánh trở thành chiến trường tại thượng du sông Trường Giang. An Khánh không chỉ là bình phong cho Thiên Kinh, nó còn giữ vị trí bảo hộ Sào Hồ [Chaohu, An Huy], vùng cung cấp lương thực cho Thiên Kinh. Từ tháng 12/1859 Tăng Quốc Phiên, Hồ Lâm Dực mưu đoạt An Khánh ; giao tranh nhiều lần với Anh vương Trần Ngọc Thành. Năm 1860 các đại doanh tại Giang Nam thất thủ, triều đình nhà Thanh mấy lần mệnh Tăng dời quân về phía đông ; Tăng có chủ kiến cho rằng đạo quân đánh dẹp An Khánh rất quan trọng, với những lý do sau đây : Thứ nhất từ xưa tới nay sách lược bình Giang Nam, nhờ thế thượng du từ trên đánh xuống mới mong thành công. Thứ hai, Tương quân đến gần tới chân thành ; nay rút đi thì thế địch tăng thêm, còn khí thế quân ta tiêu trầm. Thứ ba, thủy sư nếu chiếm được thành này “thì dựa vào đó làm thế căn bản, để ngăn nguồn lương cung cấp cho bọn giặc tại Kim Lăng (Nam Kinh) ; phá thế ỷ dốc từ Giang, Hoài.” Họ Tăng đo lường toàn cuộc, thâm tư viễn lự, có tầm nhìn chiến lược xác đáng. Nhưng triều đình vẫn muốn Tăng thu phục Tô Châu [Suzhou, Giang Tô], Thường Châu [Changzhou, Giang Tô] ; để bảo hộ cho Thượng Hải, Hàng Châu [Hangzhou]. Bất đắc dĩ Tăng tự cầm 8.000 quân đến Kỳ Môn [Qimen, An Huy] ; lưu Tăng Quốc Thuyên với 1 vạn 5.000 quân tiếp tục vây An Khánh. Ngoài ra còn có sự yểm trợ của các đạo lục quân Ða Long A, Lý Tục Nghi, Hồ Lâm Dực, cùng thủy quân của Dương Tái Phúc ; cộng ước 4 vạn quân.

Về phía đối phương, Thái Bình Thiên Quốc cũng đánh giá cao vị trí quan trọng của An Khánh. Hồng Nhân Can nói “ Từ xưa đến nay giành giang sơn, trước hết lấy tây bắc rồi xuống đông nam ; do từ trên xuống dưới, thế đã thuận mà dễ… Sông Trường Giang giống như con rắn dài, đầu là Hồ Bắc, An Khánh là lưng, Giang Nam là đuôi ; nếu để mất An Khánh, như lưng rắn bị cắt, thì cái đuôi tuy ngoe ngoảy cũng không được bao lâu.” Lúc bấy giờ Lý Tú Thành đánh Thượng Hải bất lợi, quay sang mở mang vùng Chiết Giang ; Thiên vương ra lệnh ngược sông Trường Giang, giải vây cho An Khánh ; rồi thừa lúc liên quân Anh Pháp đánh Bắc Kinh thì tiến lên phía bắc chiếm trung nguyên. Sau khi Lý Tú Thành và Trần Ngọc Thành hội bàn tại Giang Tô, phân công Trần hoạt động tại phía bắc tỉnh An Huy [Anquing] phụ trách bờ phía bắc sông Trường Giang ; Lý theo hướng Thiên Kinh [Nam Kinh] đương đầu phía nam tỉnh An Huy, tức bờ phía nam sông Trường Giang. Lại còn có Phụ vương Dương Phụ Thanh tiến đánh quân Tăng Quốc Phiên tại Kỳ Môn, Thị vương Lý Thế Hiền tiến vào phía đông tỉnh Giang Tây, đánh phía sau lưng Kỳ Môn [Qimen, An Huy] ; như vậy thì tự nhiên An Khánh sẽ được giải vây.

Ðạo quân của Trần Tú Thành di chuyển nhanh, lúc đầu đánh vào quân Ða Long A, hạ không được ; tiếp tục tiến đến Hồ Bắc [Hubei] với thế chẻ tre, trong 5 ngày đánh chiếm Hoàng Châu [Huangzhou, Hồ Bắc]. Qua lời cảnh cáo của Harry Parkes, nhắm tránh đối địch với quân Anh, bèn mang quân đánh các thành phía bắc tỉnh An Huy. Cuối cùng sai hẹn với Lý Tú Thành, hai đạo quân không liên hệ được với nhau, bèn dẫn quân về phía đông, tình hình An Khánh lại trở nên nguy cấp. Về các đạo quân Thái bình tại phía nam, từ tháng 12/1860 lại bức bách Kỳ Môn, Tăng Quốc Phiên cơ hồ không trụ nổi ; may nhờ đạo quân của Tả Tông Ðường từ phía đông tỉnh Giang Tây [Jiangxi] đánh chặn nguồn tiếp tế của Lý Thế Hiền, mới bắt đầu chuyển nguy thành yên. Lần tây chinh của Lý Tú Thành kỳ này, không được tích cực lại quá cẩn trọng, vào tháng 2/1961 vào Giang Tây, đánh vòng từ nam sang tây, đến tháng 6 vào tỉnh Hồ Bắc, gần thành Vũ Xương [Wugang, Hồ Bắc], biết được Trần Ngọc Thành, Lý Thế Hiền đã quay về phía đông, Bảo Siêu thuộc Tương quân tiến vào Giang Tây, Lý sợ đường về cản trở, Lãnh sự Anh tại Hán Khẩu cũng có lời khuyên ngăn ; bèn theo hướng phía nam Hồ Bắc quay trở về Chiết Giang.

Quân Thái bình tây chinh không lập được công, từ tháng 4 đến tháng 8/1861 Trần Ngọc Thành thu thập các đạo quân tại các miền bắc nam An Huy, cùng Thiên kinh gồm trên 3 vạn ; bốn lần đến cứu viện An Khánh. Tương quân ra sức chống cự ; đại doanh của Tăng Quốc Thuyên từ Kỳ Môn chuyển đến phía đối bờ với thành An Khánh, quân Hồ Lâm Dực từ Hồ Bắc xuống tương trợ, chiến đấu rất kịch liệt. Tương quân chỉ huy thống nhất, thủy bộ giữ thế ỷ dốc, lương thảo sung túc ; quân Thái bình chí không đồng, đội ngũ không chỉnh, bổ sung khó khăn. Tăng Quốc Thuyên mệnh các doanh lung lạc các tư thương không bán lương thực, Harry Parks cũng cấm thuyền Anh, An Khánh không được cung cấp gạo ; ngày 5/9/1861 lương hết, thành phá, toàn bộ quân Thái Bình hơn 1 vạn 6.000 người chiến tử ; An Khánh vào tay Tương quân, đây là chìa khóa mất còn của quân Thái Bình. Hồng Nhân Can nói rằng “ Tổn thất tối lớn của quân ta là khi An Khánh vào tay quân Thanh. Thành này là chìa khóa cửa của Thiên kinh, bảo vệ sự an toàn tại đông nam, một khi rơi vào tay bọn yêu, chúng có thể đánh vào cơ sở ta.”

An Khánh thất thủ, Trần Ngọc Thành chuyển sang Lô Châu [Luzhou, Hợp Phì, An Huy], bị cách chức. Mùa xuân năm 1862, quân Thanh vây Lô Châu, Trần Ngọc Thành chạy lên Thọ Châu [Shouzhou, Hợp Phì, An Huy], rồi bị đồng đảng giết lúc 26 tuổi. Trần chết, lực lượng quân Thái Bình tại phía bắc An Huy tan rã.

Khi Lý Tú Thành từ Hồ Bắc rút về phía đông, đã biết An Khánh khó giữ, nên vẫn theo kế hoạch trước khi tây chinh, nhắm đoạt lấy Hàng Châu, củng cố làm đất căn bản. Cuối năm 1861, quân Lý lấy được Hàng Châu, Thiệu Hưng [Shaoxing, Chiết Giang], Ninh Ba [Ningpo, Chiết Giang]. Tăng Quốc Phiên cảm thấy tình thế nghiêm trọng, báo động rằng “ Hiện nay vùng đất màu mỡ tại hai tỉnh Chiết Giang, Giang Tô đều vào trong tay giặc, sào huyệt đã thành, gốc rễ kiên cố… Binh lính tại tỉnh Chiết toàn nhờ vào lương thực tại Ninh, Thiệu ; nay bị giặc chiếm, cả tỉnh tiêu điều, không có cách trù hoạch ”. Nếu xét về phương diện kinh tế, quân Thái Bình chiếm được Hàng Châu, Chiết Giang ; so với việc mất An Khánh và miền bắc An Huy thì tương đương ; nhưng đứng về phương diện quân sự thì Hàng Châu, Chiết Giang không thể so sánh với An Khánh và phía bắc An Huy được. Thực vậy, đây là thắng lợi cuối cùng của quân Thái Bình, sau đó không còn có sự phát triển nào khác.

 

3. Ðánh giữ tại các cửa khẩu thông thương

Chiến lược của Lý Tú Thành là chiếm trọn Giang Nam, Chiết Giang ; thời gian tây chinh tuy chưa lấy được Thượng Hải, nhưng vùng Chiết Giang thì vẫn không buông tay. Tháng 4/1861, sau khi rút từ miền tây, quân Thái Bình chiếm Sạ Phố [Zhapazhen, Chiết Giang], nếu như vượt Hàng Châu loan có thể chiếm Ninh Ba [Ninhbo, Chiết Giang]. Tháng 5 James Hope phái Hạm trưởng Roderick Dew [Lạc Ðức Khắc] đến Ninh Ba, cảnh cáo quân Thái Bình không được tiến binh xâm phạm, lại giúp quân Thanh bố phòng, Thái Bình đáp rằng nguyện cùng quân Anh hòa hảo thông thương. Tháng 6, Frederick W. A. Bruce thông tư cho James Hope rằng bảo vệ cảng khẩu tức bảo vệ lợi ích buôn bán của người Anh, nhà Thanh đã đồng ý nước Anh thay giữ Ninh Ba, cùng bàn luận sách lược đánh chiếm Nam Kinh. Frederick cũng báo cáo với Ngoại trưởng John Russell rằng nếu quân Thái Bình chiếm cửa khẩu thì thương vụ bị phá hoại, quan thuế giảm, tiền bồi thường của nhà Thanh không được giao phó. Riêng James Hope không đồng ý đánh Nam Kinh, sợ việc buôn bán từ Thượng Hải vào nội địa bị đình chỉ. Ngoại trưởng John Russell không đồng ý chủ động, chỉ muốn các cửa khẩu giữ trung lập ; riêng kế hoạch sai Roderick Dew giúp bảo vệ Ninh Ba thì được chấp nhận.

Qua 80 ngày vây khốn, ngày 31/12/1861 quân Lý Tú Thành hạ được Hàng Châu, lực lượng trú phòng từ Tuần phủ Chiết Giang trở xuống, hơn 10.000 tử trận. Mười hai ngày trước đó, bộ hạ Thị vương Lý Thế Hiền đánh chiếm Ninh Ba, đây là cửa khẩu duy nhất quân Thái Bình chiếm giữ. Thái Bình quân kỷ luật nghiêm chỉnh, thương vụ vẫn hoạt động bình thường, được miễn thuế 3 tháng, người ngoại quốc tương đối yên ổn. Ðầu năm sau [1862] James Hope cùng Công sứ Mỹ Anson Burlingame [Bồ An Thần] đến Ninh Ba, cùng Lãnh sự Anh, Pháp hoạch định người ngoại quốc trú tại bờ phía bắc sông, không được quấy nhiễu. Sau đó đưa lời rằng pháo đài tại Ninh Ba bắn quấy nhiễu, yêu cầu dẹp bỏ, nhưng bị bác. Tháng 5/1862 chiến hạm Anh, Pháp giúp quân Thanh chiếm lại Ninh Ba.

Người Anh rất quan tâm đến Thượng Hải và các cửa khẩu trên sông Trường Giang ; Thiên vương chỉ hứa trong năm 1861 quân Thái Bình không xâm nhập Thượng Hải và vùng phụ cận. Khi Hàng Châu bị vây, James Hope dự liệu rằng nếu như thành này mất thì tất nhiên Thượng Hải bị uy hiếp. Vào ngày 27/12/1861 Harry Parkes lại đến Nam Kinh, sai Hạm trưởng Henry M. Bingham [Bình An] tiếp xúc, đề xuất 4 điều yêu cầu với Thái Bình Thiên Quốc : Thứ nhất, bồi thường cho người Anh bị cướp hoặc tổn thất tại khu vực quân Thái Bình. Thứ hai, quân Anh được tự do hàng hành trong khu vực nội hà quân Thái Bình chiếm. Thứ ba, nghiêm cấm quân Thái Bình xâm nhập khu vực Thượng hải và chung quanh 100 dặm. Thứ tư, không được tiến binh trong vòng 100 dặm tại các cửa khẩu Hán Khẩu, Cửu Giang và quấy nhiễu lãnh sự quán tại Trấn Giang. Kết quả bị bác, Thái Bình tuyên bố rằng sẽ tuỳ cơ thi thố.

Nước Anh quan tâm đến Thượng Hải, nhưng Lý Tú Thành cũng muốn lấy bằng được nơi này. Sau khi chiếm Hàng Châu bảy ngày, bèn mang quân lên phía bắc, hiểu dụ thương nhân ngoại quốc rằng “ Mỗi bên yên tâm, không quấy nhiễu lẫn nhau… Nếu trợ nghịch làm điều ác, đối địch với quân ta, thì tự rước lấy diệt vong ! . Vào tháng 1/1862 quân Thái Bình tiến chiếm các huyện chung quanh Thượng Hải, nắm giữ các vùng đất màu mỡ tại các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô ; riêng tỉnh Chiết Giang quân triều đình nhà Thanh chỉ còn giữ được hai thành Hồ Châu [Huzhou], Hải Ninh [Haining] và Cù Châu [Quzhou]. Tăng Quốc Phiên bèn tiến cử Lý Hồng Chương làm quyền Tuần phủ Giang Tô, lập riêng cánh quân từ Thượng Hải mưu khống chế tỉnh Giang Tô. Riêng giao việc vây đánh Nam Kinh cho Tăng Quốc Thuyên ; dùng Tả Tông Đường làm Tuần phủ Chiết Giang ; nhờ vậy thế lực quân Thái bình tại miền đông nam yếu dần. Tháng 2 bị liên quân Anh, Pháp và Dương thương đội của F.T.Ward đánh bại tại Phố Ðông [Pudong,Thượng Hải]. Tháng 3, F.T. Ward được hạm đội Anh yểm trợ, lại hoạch thắng tại tây nam Thượng Hải ; Dương thương đội bèn đổi tên là Thường thắng quân. Tháng 4, Mạc vương Ðàm Thiệu Quang giao tranh với quân Anh Pháp và Thường thắng quân tại Tùng Giang bất lợi nên rút lui ; trên đây là giai đoạn một của chiến tranh tại Thượng Hải.

Quân Anh, Pháp muốn tảo thanh xung quanh Thượng Hải 100 dặm, bèn chuyển sang thế công, chiếm được thành trì giao cho Thường thắng quân giữ, tài vật chia đôi. Tháng 5, chiếm Gia Ðịnh [Jiading, Thượng Hải], Thanh Phố [Quingpu, Thượng Hải]. Lý Tú Thành phản công, thắng lớn tại Thái Thương [Taicang, Thượng Hải], lấy lại Gia Ðịnh, Ðề đốc Anh C. W. Staveley [Ðịch Phật Lập] đốt thành bỏ chạy ; Ðề đốc Pháp A. Protet [La Ðức] tử trận tại cầu Hiền Nam [Phố Ðông, Thượng Hải]. Tháng 6, Ðàm Thiệu Quang lấy lại Thanh Phố, bức bách huyện thành Thượng Hải ; quân Anh, Pháp mấy lần bại, không dám ra đánh. Lúc này Lý Hồng Chương mang quân Tương Hoài 1 đến, đánh trong ba ngày, quân Thái Bình mới rút. Tháng 8, Lý Tú Thành nhận cấp báo từ Thiên kinh, mang quân về phia tây, để Ðàm Thiệu Quang chủ trì tuyến phía đông. Tháng 11 quân Thái Bình lại bức bách Thượng Hải, bị quân Tương Hoài và Thường thắng quân đánh lui.

Lúc Thượng Hải sắp chiến tranh, các quan địa phương cùng với Anh, Pháp thành lập Trung ngoại hội phòng cục. James Hope, Frederick W. A. Bruce, và Lãnh sự Thượng Hài Walter H. Medhurst Jr. [Mạch Hoa Ðà] đều là những người Anh cực lực chủ trương tham chiến. Walter báo cáo bộ ngoại giao rằng quân Thanh không đủ sức bảo vệ Thượng Hải ; Frederick nhấn mạnh nếu không muốn buông bỏ lợi ích tại Trung Quốc thì phải duy trì triều Thanh, Công sứ Mỹ Anson Burlingame cũng cho rằng nhà Thanh là chính quyền hợp pháp, theo lẽ phải đáng yểm trợ. Lúc này Cung thân vương có quyền tại Bắc Kinh, cùng Frederick liên hợp tác chiến ; thực hiện các công việc cụ thể như nhà Thanh mướn thuyền máy giữ Ninh Ba ; quân Anh, Pháp bảo vệ Thượng Hải, Thường thắng quân phát triển đến 4.500 quân.

Khi Lý Tú Thành đánh Thượng Hải, Hồng Nhân Can không cho là đúng ; gừi thư bàn về việc An Khánh thất thủ Thiên kinh sẽ gặp nguy, cần phải ưu tiên cho miền tây bắc, sau đó mới đến đông nam. Lý Tú Thành cho rằng lấy được đông nam, có thể yên gối không lo, thế Tương quân chưa bại được, cần chờ cơ hội để mưu đồ. Sau đó Hồng Nhân Can nhận định rằng nguyên nhân mối họa của Thái Bình Thiên Quốc là “ Dương nhân trợ yêu  2.Nhận định này cũng nói lên một phần thực trạng, vì miền hạ du quân Anh, Pháp công khai chi trì Thanh triều, thượng du thì Tương quân đánh xuống, quân Thái Bình ở thế bị giáp công, đầu đuôi không khắc phục được.

 

4. Tương quân chia đường tiến, cùng sự trợ giúp của quân ngoại quốc

Năm 1860 Tăng Quốc Phiên đã có kế hoạch đánh chiếm Nam Kinh và Tô Châu, Thường Châu ; quân chia làm 2 đạo, nam và bắc ; nam quân từ Chiết Giang đánh vào, bắc quân từ hai bên bờ sông Trường Giang đánh xuống. Tại Túc Tùng [Susong, An Huy], tỉnh An Huy, Tăng cùng Hồ Lâm Dực, Tả Tông Ðường bàn định, cử Tả Tông Ðường kinh dinh vùng Chiết Giang. Tả Tông Ðường [1812-1885] người cùng tỉnh Hồ Nam với Tăng, Cử nhân xuất thân, có nhiều tài lược. Từ năm 1852 làm tham mưu cho Tuần phủ Hồ Nam Lạc Bỉnh Chương, Hồ Nam là hậu phương của Tương quân ; về quân lương, quân viện, chiến lược đều do Tả trù tính, uy quyền một thời. Vì danh vọng lớn, nên bị nhiều đố kỵ, khiến bị tội ; nhờ bọn Hồ Lâm Dực bảo lãnh mới được vô sự. Rồi qua sự tiến cử của Tăng Quốc Phiên, được chỉ huy một đạo quân đóng tại phía đông tỉnh Giang Tây, giữ mặt sau cho đại doanh Kỳ Môn. Sau khi Hàng Châu thất thủ, do lời tâu của Tăng, Tả Tông Ðường lãnh chức Tuần phủ Chiết Giang, đảm nhiệm chủ soái đạo quân phía nam. Năm 1862 tiến vào phía tây tỉnh Chiết Giang, trong vòng 8 tháng tương trì với quân của Lý Thế Hiền. Ðợi đến lúc Lý phải tăng viện Thiên kinh tại phía bắc, lực lượng của Tả bắt đầu tiến triển ; năm 1863 hạ được mấy thành, chiếm Phú Dương [Fuyang, Chiết Giang] gần Hàng Châu, được thăng chức Tổng đốc Mân Chiết.

Tại phía đông Chiết Giang có quân hỗn hợp người Hoa và ngoại quốc do Anh, Pháp tổ chức, hợp tác với quân Tả Tông Ðường. Trước tiên Lãnh sự Anh tại Ninh Ba mộ 300 quân, gọi là Lục đầu dõng. Sau khi chiếm được Ninh Ba, Hạm trưởng Roderick Dew [Lạc Ðức Khắc] bắt chước Thường thắng quân tại Thượng Hải, khuếch đại Lục đầu dõng lên 1.000, và chia thành Thường an quân và Ðịnh thắng quân. Người Pháp tên là Prosper Giquel [Nhật Ý Cách] thuộc ty quan thuế tại Chiết Giang, cùng với Tham tướng A. E. Le Brethon de Caligny [Lặc Bá Lặc Ðông] mộ 1.500 người gọi là Thường tiệp quân, cùng với quân Anh hoành hành. Năm 1862, Roderick Dew hội các quân Thường an, Ðịnh thắng, Thường tiệp, cùng Thường thắng quân tại Thượng Hải xuống, đánh chiếm được 4 huyện xung quanh Ninh Ba ; trong chiến dịch này chỉ huy Thường thắng quân, F.T. Ward, bị thương chết. Năm sau Thường an, Ðịnh thắng, Thường tiệp đánh Thiệu Hưng, mấy lần bị quân Thái Bình đánh thua. Các chỉ huy Thường tiệp quân hai lần tử trận, sau đó Paul D’Aiguebelle [Ðức Khắc Bi] tiếp tục chỉ huy, lấy được Thiệu Hưng [Shaoxing, Chiết Giang], quân số khuyếch trương lên đến 3.500 người. Riêng Thường an quân, và Ðịnh thắng quân, do Roderick Dew trở về nước, nên bị giải tán.

Loạn lớn tại Chiết Giang, Giang Tô ; các đại gia phú hộ đều tụ tập tại Thượng Hải, dân số từ 30 vạn lên đến 1 triệu. “ Buôn bán thịnh vượng, thuế má ngày một tăng, hơn một năm trưng binh đến 5 vạn 5 ngàn người ; nhưng phần lớn là bọn vô lại thành thị và bọn cướp ; nên giặc dòm ngó càng nhiều ”. Lúc này Tương quân chiếm được An Khánh, các thân sĩ Thượng Hải, Giang Tô muốn cầu viện Tăng Quốc Phiên, Tuần phủ Tiết Hoán cũng phụ họa theo. Tháng 11/1861 Hàng Châu bị vây, Thượng Hải bị đe dọa, bèn cử thân sĩ Tiền Ðỉnh Minh đến An Huy xin quân. Tăng Quốc Phiên nêu lên sự khó khăn về lương hướng không biết lấy ra từ đâu. Tiền Ðình Minh nói Thượng Hải là nơi hàng hóa ngoại quốc tụ tập, mỗi tháng thu được 60 vạn lượng, nay hứa cấp 10 vạn lượng ; Tăng Quốc Phiên rất mừng, định cử em là Tăng Quốc Thuyên đến chốn màu mỡ này.

Nhưng Tăng Quốc Thuyên ôm chí đánh chiếm Nam Kinh, nên không đến Giang Tô, Tăng Quốc Phiên bèn giao nhiệm vụ cho học trò là Lý Hồng Chương (1823-1901). Lý quê tại Hợp Phì [Hefei], An Huy, xuất thân Tiến sĩ ; từng giữ chức Hàn Lâm, phụ trách về đoàn luyện trong 5 năm, bị gò bó không toại chí bèn theo Tăng Quốc Phiên. Qua bốn năm rèn luyện, Tăng rất ưng ý, cho rằng “ tài lớn, sâu sắc ”, có thể độc lập đương đầu một mặt. Lý chiêu mộ đoàn luyện tại phía nam sông Hoài, Tăng cho biên chế thành doanh, lại đem bộ hạ Tương quân giao cho tiết chế. Năm 1862 tổ chức thành quân, gọi là Hoài dõng, lại được giao chức Tuần phủ Giang Tô. Tăng định sai Lý trú quân tại Trấn Giang. Lý cho rằng “ Thượng Hải là trục giao thông buôn bán, cần bố trí tại đó, nhiên hậu sau đó ra Trấn Giang, để ứng chiến với miền thượng du ”. Quyết định này không những quan hệ đến tiền đồ của Lý Hồng Chương, mà còn cải biến cả kế hoạch kinh lược Giang Nam của Tăng Quốc Phiên. Chiết Giang tơi tả, Hàng Châu thất thủ ; Tả Tông Ðường không rảnh để dòm ngó đến Tô Châu, Thường Châu ; Lý Hồng Chương chuyển quân đến, trở thành lực lượng chủ lực nơi này.

Ðối với quân Thanh, việc Anh, Pháp bố phòng Thượng Hải ; không những bảo toàn được nguồn lương hướng từ việc đánh thuế thông thương, mà còn là cơ sở giúp phản công Giang Nam. Vào tháng 3/1862, Thượng Hải Trung ngoại hội phòng cục mướn 7 chiếc thuyền máy của Anh, chở quân Lý Hồng Chương tới Thượng Hải ; James Hope phái quân hạm hộ tống. Ðầu tháng 4, Lý Hồng Chương mang quân Tương Hoài gồm 6.500, đáp thuyền máy xuôi dòng Trường Giang, xuyên qua vùng đất quân Thái Bình đóng “ gõ mạn thuyền hướng về phía đông, xuyên qua đất giặc hơn 1000 dặm ; vì thuyền đi nhanh, lại sợ người Tây dương, nên giặc chỉ đứng xa mà nhìn, không dám đến gần chặn hỏi.

Sự nghiệp cuộc đời của Lý, phần lớn liên quan đến Tây phương ; lúc mới phát tích đã được ngoại nhân giúp đỡ. Ðến Thượng Hải khoảng một tháng, nhận chức Tuần phủ Giang Tô, thăng chức nhanh, giống như Tả Tông Ðường. Lúc bây giờ chiến tranh lớn mạnh, đến nơi quân Tương Hoài lập tức tham gia. Lý Hồng Chương biết ngoại quốc đánh giá cao sự hiện diện của đoàn quân, nên tăng gia liên lạc, “ muốn dùng Di biến đổi Hạ 3. Lý chú ý đến cách tác chiến Tây phương, nên bàn luận với James Hope giao 3000 quân nhờ sĩ quan Anh huấn luyện dùm ; nhân “ việc phòng thủ tại Thượng Hải phải tự cường, không thể chuyên dựa vào Tây dương ”, nhưng thời thế trước mắt không thể không nhờ sức lực họ. Ðến tháng 11 thì việc huấn luyện và trang bị vũ khí Tây phương hoàn tất. Lại cho rằng Thường thắng quân của “ F. T. Ward trang bị vũ khí tốt, nên tìm cách liên lạc, đoàn kết nhân tâm, liên kết với phần tử tốt các nước ”. F.T. Ward giúp tìm công nhân ngoại quốc chế đạn dược, cùng mua dùm súng ống ; nhờ vậy thực lực càng lớn mạnh.

Sau khi F. T. Ward mất, Lý Hồng Chương theo lời yêu cầu của Ðề đốc Anh, cho một người Mỹ khác là H.A. Burgevine [Bạch Tề Văn] chỉ huy Thường thắng quân. Tháng 10/1862, Tương Hoài quân, Thường thắng quân, cùng quân Anh, Pháp tái chiếm Gia Ðịnh. Quân Thái bình của Ðàm Thiệu Quang đem toàn lực phản công, bị đánh thua ; vùng phụ cận Thượng Hải được tảo thanh. Ðây là chiến thắng lớn của đạo quân Tương Hoài. Lúc bấy giờ Lý Tú Thành vây đánh Tương quân ngoài thành Nam Kinh, Lý Hồng Chương sai Thường thắng quân tiếp viện, H.A. Burgevine lấy cớ thiếu lương nên lần lữa không chịu đi. Lại ẩu đả với Ðạo viên Dương Phường, đoạt 4 vạn nguyên, nên bị Lý Hồng Chương cách chức. Sau đó Thường thắng quân được chính thức giao cho người Anh quản lý, do Thiếu tá Charles George Gordon [Qua Ðăng] chỉ huy.

Tăng Quốc Phiên cho rằng “ quân Thái Bình kết oán với Tây dương đã sâu, khiến người Tây dương phẫn giận, đây là cơ hội hiếm có của Trung Quốc…Thừa lúc Tây dương cử đại binh, quân ta các đạo cùng tiến ; quân giặc giao chiến không nhàn, tám phương mê loạn, đây là cơ hội trời diệt bọn phản nghịch Quảng Tây 4 ”. Ðầu năm 1862, Tăng phái 3 lộ đại quân : Thứ nhất, quân Tả Tông Ðường tiến đánh Chiết Giang, thứ hai, quân Lý Hồng Chương tăng viện Thượng Hải, Lộ thứ ba, đạo quân Tăng Quốc Thuyên đánh thẳng vào Nam Kinh ; kết quả Tăng lập đại công khắc phục thủ đô Thái Bình Thiên Quốc.

Tăng Quốc Thuyên bắt đầu cầm quân từ năm 1856, đánh thắng tại Cát An [Jian, Giang Tây] vào năm 1858 nên nổi tiếng ; sau khi khắc phục An Khánh, danh vọng càng cao. Tháng 3/1862 cùng người em út là Tăng Trinh Can từ An Khánh theo hai bờ sông Trường Giang đánh xuống phía đông. Quốc Thuyên theo bờ bắc, Trinh Can theo bờ nam ; ở giữa Bành Ngọc Lân dùng thủy quân sách ứng ; lại có Ða Long A đánh phía bắc An Huy, Bảo Siêu phía nam An Huy để bảo vệ cạnh sườn cho các đạo quân của hai Tăng. Từ tháng 4 đến tháng 5, quân phía bắc sông khắc phục được huyện Sào [Chaohu, An Huy], Hòa Châu [Hexian, An Huy] ; quân phía nam sông và thủy quân khắc phục được Vu Hồ [Wuhu, An Huy], Ðường Dư [Dangtu, Nam Kinh] đến gần Vũ Hoa đài tại phía nam thành Nam Kinh. Từ tuyến xuất phát An Khánh, đến nơi chỉ mất 60 ngày, hai Tăng hành quân tương đối nhanh vì những lý do sau đây : Thứ nhất, Trần Ngọc Thành sau khi thất bại tại An Khánh, thực lực suy sụp, lại bị kiềm chế bởi Ða Long A. Thứ hai, quân của các Vương tại phía nam An Huy như Ðổ vương Hoàng Văn Kim, Phụ vương Dương Phụ Thanh mấy lần bại bởi Tương quân dưới quyền Bảo Siêu, nên hai Tăng không bị quấy nhiễu đằng sau. Thứ ba, lực lượng của Thị vương Lý Thế Hiền bị Tả Tông Ðường khiên chế ; riêng Trung vương Lý Tú Thành phải giao tranh với quân Anh, Pháp và Thường thắng quân tại vùng chung quanh Thượng Hải, nên nhất thời không chuyển sang phía tây kịp. Lúc này Thiên Kinh ba lần bị vây, Tương quân ở ngoài thành có thủy sư liên lạc, nên không bị lâm vào cảnh quân cô thâm nhập.

Lý Tú Thành từng tiên liệu việc Tương quân vây khốn Thiên Kinh, nên chủ trương trữ lương ; nhưng Thiên vương không nghe, anh em họ Hồng lại thao túng vơ vét tiền bạc, đến lúc vùng Sào Hồ bị Tương quân chiếm, nguồn lương đứt đoạn. Trong vòng 2 năm Thiên Kinh không có bóng quân địch, đến lúc Tương quân đột ngột đến, Thiên vương trong ngày ba lần gọi Lý Tú Thành về tiếp viện, Lý đành phải bỏ dở thế công tại Thượng Hải. Lý nhận định rằng “ Tương quân từ trên đánh xuống, thủy quân có lợi thế, ta mệt họ an dật, ta khó tranh được thủy đạo, quân họ thường thắng, thế càng thêm hùng ; vậy không nên đánh ngay. Cần chuyền lương về kinh thật nhiều, đợi 24 tháng sau sẽ giao chiến, quân họ đóng lâu, tất không có lòng chiến đấu ”. Thiên vương lại gửi nghiêm mệnh đến, bảo rằng “ Nếu không tuân chiếu, phép nước khó dung ”. Lý đành phải miễn cưỡng tuân mệnh. Tháng 10, quân Lý Tú Thành đến phía nam thành Nam Kinh, đánh Vũ Hoa đài suốt đêm “ súng pháo Tây dương, đạn bay như đom đóm ”. Lý Thế Hiền cũng mang quân từ Chiết Giang đến, khai quật địa đạo tác chiến.

Lúc bấy giờ mùa thu, dịch phát lớn ; Tương quân bị bệnh quá nửa, Tăng Quốc Thuyên giữ vững lương thực, liều chết không rút. Qua 4 tháng trời chiến đấu, quân Thái Bình lương thực không tiếp tế đủ, áo mùa đông không có, số quân có nhiệm vụ chặn nguồn lương của Tương quân bị thủy quân đánh bại. Chiến dịch này kể từ khi khắc phục An Khánh, là một cuộc đại chiến mang tính quyết định ; Tăng Quốc Phiên ngũ tạng như đốt “ sức đã dùng hết, mật như muốn phá ” lo cho công việc, trải qua mấy năm gian khổ chiến đấu, khỏi bị thình lình sụp đổ ; kết cục chuyển nguy thành an. Hồng Tú Toàn động viên toàn lực cũng không lay động nổi Tương quân ; số mệnh của Thiên Kinh nằm trong vòng quyết định sẵn.

Hồ Bạch Thảo

1 Tương Hoài quân : đạo quân đoàn luyện do Lý Hồng Chương thành lập tại Hợp Phì [bắc An Huy], vùng lưu vực sông Hoài. Sau đó gia nhập vào Tương quân của Tăng Quốc Phiên, rồi được phát triển thêm, nên gọi là Tương Hoài quân hay Hoài quân.

2 Dương nhân trợ yêu : ý nói người Tây phương trợ giúp yêu quái, tức Mãn Thanh.

3 Dùng Di biến đổi Hạ : người Trung Quốc lúc bấy giờ vẫn tự cao, cho người Tây phương là Dương Di, tự xưng là Hoa Hạ.

4 Thái Bình Thiên Quốc phát xuất từ Quảng Tây, nên gọi là giặc Quảng Tây.

 

 http://www.diendan.org/ 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences2.free.fr   Hồ Bạch Thảo