Trăm năm dạy ứng xử nghề nghiệp ở đại học Y Hà Nội (2)

Vietsciences- Nguyễn Ngọc Lanh            16/09/2011
 
Phần 1 Phần 2

Phần 2. Dạy quan điểm, đường lối trong ứng xử nghề nghiệp

 

Ban đầu, vẫn theo nếp cũ

Trong 13 giáo sư đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà - công bố tháng 1 và tháng 10-1955 - có 11 vị thuộc ngành Y (1 ở ngành Dược và 1 ở ngành Toán). Điều này không khó hiểu, nếu biết rằng năm 1935 trường này đã làm lễ tốt nghiệp cho khoá tiến sĩ đầu tiên, trong khi các trường khác chỉ đào tạo cử nhân. Các vị này cùng tất cả các vị lão thành khác của ngành Y (tốt nghiệp trước 1945) đều hấp thu đạo đức y học “phi giai cấp” dưới thời thuộc Pháp.

Khi theo cụ Hồ đi kháng chiến (1946), họ hành xử nghề nghiệp và đào tạo sinh viên cũng theo tinh thần ấy, kết hợp thêm tinh thần yêu nước. Trong kháng chiến chống Pháp, sinh viên y năm thứ 3, 4 và 5 đã mặc áo lính, phụ trách quân y cấp tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn. Mỗi năm họ chỉ được về trường ít tháng để học, do vậy họ rất biết cần học gì. Ứng xử nghề nghiệp không thể dạy thành bài riêng, mà được lồng vào các bài giảng chuyên môn kèm những ví dụ thực tế - trong đó bản thân các thầy và các vị đàn anh là những tấm gương sống động.

 

1952: Bắt đầu giáo dục quan điểm Công-Nông

 Mục đích, để sinh viên y khoa thấy rõ, từ nay người chủ đất nước là Công, Nông. Trường này là của công nông, dành cho công nông. Đó là nơi Công Nông được “trí-thức-hoá”, đặng lãnh đạo cách mạng. Thành phần tuyển sinh sẽ thay đổi cơ bản. Còn trí thức, trước đây phục vụ giai cấp thống trị, nay vẫn được đảng sử dụng. Họ phải tự thấy vinh dự được phục vụ công nông và qua đó mà tự cải tạo lập trường, quan điểm.  Với mục đích này, từ nay các thầy chuyên môn mất hẳn vai trò dạy ứng xử nghề nghiệp, nhường vị trí này cho các thầy dạy Chính Trị.

- Quan điểm mới được quán triệt từ năm 1953, khi trường tham gia cải cách ruộng đất - trước đó là một đợt chỉnh huấn, chuẩn bị tư tưởng. Mỗi người, cả thầy lẫn trò, đều tự kiểm điểm và nêu quyết tâm gột bỏ mọi tư tưởng sai trái. Lớp trẻ nhiệt huyết với lý tưởng Cộng Sản đã tự đề ra quyết tâm: Trí thức phải “công-nông hoá” triệt để.

- Tiếp đó, là liên tục các đợt chỉnh huấn khác: dịp tiếp quản Hà Nội (để đề phòng tiêm nhiễm tư tưởng tư sản), dịp đấu tranh chống Nhân Văn – Giai Phẩm (chống tự do kiểu tư sản), hoặc dịp xác định trường đại học Y là một pháo đài XHCN…

- Dẫu vậy, ngày 27-2-1955 cụ Hồ gửi thư cho ngành y tế (lạ một điều), Cụ không nhắc tý gì tới quan điểm giai cấp, mà chỉ nhấn 2 điều: Đoàn kết hơn nữa; và phải “biết đau cái nỗi đau của người bệnh”. Khẩu hiệu Cụ nêu: Thầy thuốc giỏi phải như mẹ hiền. Như vậy, hai vế mà một bậc danh y Trung quốc đề ra (nói về Tài và Đức thầy thuốc: Lương y như luơng tướng Lương y như từ mẫu) cụ Hồ chỉ dùng vế thứ hai. May thay, chính nhờ vậy, sinh viên y (thuộc giai cấp tiểu tư sản) tuy một mặt phải phấn đấu về quan điểm, lập trường để được coi là con em Công Nông, nhưng mặt khác vẫn được phép tu dưỡng y đức để trở thành mẹ hiền của bệnh nhân, trước hết là bệnh nhân công-nông.

 

Tăng cường học Chính Trị 

- Lập trường vững vàng sẽ đương nhiên sinh ra cách ứng xử phù hợp với bệnh nhân – đa số là công-nông.   

Chương trình mới (năm 1958) đã dành tới 1/6 thời gian để sinh viên rèn Chính Trị. Trên thực tế, cách gì cũng không thực hiện nổi cái chương trình đó - kể cả mỗi năm dành ra 1- 2 tháng đưa sinh viên về nông thôn và vùng mỏ để “học tập công nông”. Trong khi đó, các môn y học bị cắt giàm tối đa. Kế hoạch đào tạo bác sĩ chỉ cần 4 năm mới thực hiện một năm đã phá sản. Rốt cuộc, từ 1962 lại quay về quy định của bộ Đại Học: môn Chính Trị được sử dụng 12% thời gian khoá học 6 năm.

- Thi tốt nghiệp: Từ 1959, sinh viên không cần luận án tốt nghiệp, mà thi 2 môn: Chuyên môn và Chính Trị (hồng), trong đó “hồng” quan trọng hơn “chuyên”. 

 

Phương châm y tế

Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đề ra 5 phương châm y tế, được quán triệt rất kỹ trong toàn ngành. Câu chữ theo thời gian có thể thay đổi, nhưng nội dung cơ bản vẫn vậy (y tế phục vụ công-nông-binh, phục vụ sản xuất và chiến đấu; đi đường lối quần chúng; phòng bệnh hơn chữa bệnh; kết hợp Đông-Tây y…). Trường Y Hà Nội vận dụng bằng cách: lập ra bộ môn Đông Y, tăng thêm giờ cho môn Vệ Sinh, hàng năm cho sinh viên đi lao động ở nông thôn kết hợp tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh…

 

Sơ kết. Dù quan điểm có được nâng cao, nhưng việc vận dụng chúng vào cách ứng xử cụ thể khi hành nghề… lại hoàn toàn không dễ dàng. Các thầy chính trị không bao giờ đi theo sinh viên tới bệnh viện để hướng dẫn cách ứng xử “đúng” (ngay c với bệnh nhân là Công-Nông) và uốn nắn những ứng xử “sai”.

Điều may mắn là cái khẩu hiệu phi giai cấp Thầy thuốc như mẹ hiền vẫn còn được đề cao, các thầy chuyên môn đã dựa vào đó để dạy sinh viên về thái độ ứng xử nhân đạo với mọi người bệnh (bệnh nhân có địa vị cao trong xã hội mới có bệnh viện riêng, sinh viên không bao giờ tới đó thực tập).

Cũng chính nhờ cái khẩu hiệu phi giai cấp đó mà về sau Bộ Y Tế dựa vào để có thể ban hành bản Quy Định ứng xử cho nhân viên y tế toàn ngành. Đó là các tiêu chuẩn để nhân viên y tế trở thành “mẹ hiền”, bất kể trước mặt mình người bệnh bao nhiêu tuổi.

 

Quả thật, Đổi Mới là quá trình gian khổ

- Cuốn sơ thảo Lịch Sử 70 năm của trường, do các thầy bộ môn Mác-Lê viết ra (1972) đã thoá mạ “không tiếc lời” quá khứ 43 năm dưới thời thuộc Pháp. Nhưng khi kỷ niệm 80 năm thành lập, thì cái “quá khứ đẹp” này bắt đầu được thừa nhận. Tới khi kỷ niệm 90 năm, tổng bí thư tới dự lễ phát huân chương Độc Lập.  

- Từ thập niên 80, dưới sức ép của các thầy lão thành, trường dạy lại Đạo Đức Hành Nghề. Tuy vậy, các bậc lão thành chưa được đứng trên bục, mà vị trí này vẫn dành cho các thầy Chính Trị. Họ viết ra giáo trình Đạo Đức Học, theo đúng quan điểm Mác-Lênin, tuy rất hay, nhưng cũng rất khó vận dụng vào ứng xử nghề nghiệp. Gần hai chục năm, sinh viên đã học và thi theo giáo trình này.

- Lời Thề tốt nghiệp cũng được phục hồi, nhưng chưa thể gọi đó là lời thể nghề nghiệp (ví dụ, thề trung thành với CNXH; thậm chí “thề” giữ gìn kỷ luật)…

- Năm 1992 đề thi Chính Trị của sinh viên năm cuối vẫn hỏi về lý tưởng và chức năng “người thầy thuốc XHCN”. Nếu trả lời là “để kiếm sống”, qua đó phục vụ xã hội, thì chưa đạt. Phải trả lời là “cống hiến quên mình” mới được điểm cao. Trường chưa điều tra coi thử bao nhiêu % bác sĩ năm đó thực hiện được bao nhiêu % những điều mà chính họ viết ra trong bài thi.

 

Hãy thôi thuyết trình đạo đức. Mà dạy thái độ để tạo kỹ năng ứng xử.

Phương pháp sư phạm hiện đại cho thấy, trong giáo dục có 3 (và chỉ cần 3) mục tiêu: Kiến thức, Thực hành và Thái Độ.  

Phương pháp này vận dụng vào y học không những cho phép “tích cực hoá người học”, mà dạy mục tiêu Thái Độ chính là nhằm giúp người học ứng xử đúng khi giao tiếp với đối tượng nghề nghiệp (bệnh nhân, người nhà họ, đồng nghiệp và dân cư trong cộng đồng). Nói khác, điều cần đạt là sự hình thành kỹ năng giao tiếp cho người học. Ví dụ, họ phải có kỹ năng giải thích, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng an ủi…v.v. Tóm lại, đó là dạy kỹ năng chung sống nói chung và phải dạy ngay từ bậc tiểu học. Lên bậc đại học, chính là môn học dạy ứng xử nghề nghiệp. Hoá ra, từ thời thuộc Pháp trường Y đã có môn này.

Nhớ rằng 4 trụ cột vững chắc của ngôi nhà Giáo Dục (được UNESCO đề ra cho thế kỷ XXI) là: Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để tồn tại.   

 

 

Người viết: Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên GS đại học Y Hà Nội; NGND

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Ngọc Lanh