TƯỞNG NIỆM NHÀ VĂN - NHÀ GIÁO VÕ HỒNG

Vietsciences-  Ngô Văn Ban    01/11/2013

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

 

Những bài báo theo thứ tự :

31/03/2013 - O1/04/2013 02/04/2013 - O3/04/2013  O3/04/2013 trở về sau

***
 

Nhớ nhà văn Võ Hồng: Người của thời "Tiểu thuyết thứ Bảy"

Thứ Ba, 02/04/2013 07:39

 

  • (Thethaovanhoa.vn) -

    Như TT&VH đã đưa tin, nhà văn Võ Hồng - tác giả cuối cùng của thởi Tiểu thuyết thứ Bảy - đã qua đời ở tuổi 92 tại TP Nha Trang. Ông ra đi nhưng văn chương của ông đã để lại trong lòng người đọc nhiều thế hệ những dư vị về một thời tưởng đã lãng quên.

    Từ năm 35 tuổi (1956) đến cuối đời Võ Hồng sống tại Nha Trang, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất  Phú Yên và có lẽ cũng vì thế mà văn chương ông luôn đau đáu về vùng đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

    18 tuổi - “hoa” nở trong “văn”
     

    Đã có nhiều nhận định và nghiên cứu về văn chương của nhà văn Võ Hồng. Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Thu Trang khi làm nghiên cứu sinh thạc sĩ đã chọn đề tài “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” do GS Hoàng Như Mai hướng dẫn. PGS-TS Huỳnh Như Phương (phản biện), chia sẻ: Mong thấy đề tài được in thành sách để bạn đọc hiểu thêm về nhà văn Võ Hồng.

    “Năm 1939 khi đang học lớp Đệ Tam trường College Quy Nhơn, trong giờ Việt văn, thầy Trần Cảnh Hảo phê vào bài văn của Võ Hồng: “Tôi nhận thấy có vài đóa hoa trong bài của anh”. Anh học trò thấy vui vì lời khen của thầy hơn là phát hiện ra mình có khả năng văn chương” (Nguyễn Thị Thu Trang - Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm).

    Thời gian này, ông cùng bạn bè viết báo tường và ông chọn một trong số những truyện đó gửi cho Tiểu thuyết thứ Bảy (tờ báo có nhiều độc giả nhất lúc đó tại Hà Nội). Hơn tháng sau truyện được đăng báo, có tên Mùa gặt ký tên Ngân Sơn (Ngân Sơn là tên làng của ông, phía sau tên Ngân Sơn, tòa soạn chú thích hai chữ: Trung Việt). Niềm vui của cậu học trò Võ Hồng với sự thành công khá bất ngờ. Ông kể lại cảm xúc của mình hồi đó: “Tối đó, tôi thích quá cứ lang thang hết đường Gia Long, rẽ qua Jules Ferry, xuôi Khải Định, rồi đi tuốt xuống biển ngồi… một mình” (Võ Hồng, trả lời phỏng vấn báo Tuổi xanh lơ số 1/1973

    Ông theo học Tú Tài ở Hà Nội, chưa tròn năm thì chiến tranh nổ ra, ông lên tàu về quê (1943) bỏ lại bao nhiêu mơ ước chưa hoàn thành. Có lần, trên căn gác vắng 53 đường Hồng Bàng (Nha Trang), chúng tôi hỏi ông về tác phẩm Mùa gặt, Võ Hồng cho biết: “Chừng năm ấy loạn lạc, tản cư, gồng gánh chạy giặc… sách vở cứ rớt dần dọc đường. Tờ Tiểu thuyết thứ Bảy cũng rớt mất… dĩ nhiên truyện thì còn in đậm trong đầu tôi. Nội dung tôi mô tả lại làng quê của mình, có con trâu, con bò, củ khoai củ sắn, cô chú bác trong làng, đám bạn nhỏ và sau đó là cảnh mùa gặt lúa ở nơi làng quê nghèo khó của mình. Truyện không có nhân vật, chỉ có cảnh con người tất bật với việc đồng áng. Chỉ có vậy…”.

    Sau đó ông lặng lẽ dạy học, mãi đến năm 1959 ông mới in tập truyện ngắn đầu tay

    Tác phẩm Võ Hồng để lại trong lòng người đọc nhiều dư vị. Có những độc giả, sau khi đọc truyện ông bỗng nhớ đến da diết về chốn quê hương cỏ lá. Có người vào thư viện đọc xong rồi xé vài trang truyện ông mô tả một làng quê với viên cốm đầu năm mới, mang về để thấy quê hương thật gần gũi bên mình, để tận hưởng hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc như thể mình đang sống trên mảnh đất còn đầy khốn khó này.

    Một cuộc đời sống động

    Từ năm 2006, nhà văn Võ Hồng bị bệnh nằm một chỗ, phải trông nhờ vào sự chăm sóc của một người học trò cũ và nay trở thành bạn vong niên. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn luôn sống trong cảnh cô đơn như thế. Năm 1957, vợ ông qua đời để lại cho ông 3 người con, lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi. Từ ngày vợ mất, ông sống cảnh “gà trống nuôi con”, dù Võ Hồng được nhiều “fan nữ” hâm mộ. Lý do đơn giản là ông sợ đi bước nữa sẽ làm khổ các con.

    Sau này, các con đều lớn, ông vẫn sống vò võ một mình trong ngôi nhà im lặng ở số 53 đường Hồng Bàng, Nha Trang, một địa chỉ quen thuộc với bất kỳ độc giả nào mến mộ ông. Niềm vui của ông ngoài sách báo là những người yêu mến ông thường xuyên ghé thăm.

    Năm 2009, Tủ sách Hoa hướng dương của nhà sách CADASA và NXB Văn học đã tái bản cùng lúc 6 tác phẩm, trong đó tác phẩm Một bông hồng cho cha nhận được sự ngưỡng mộ của đông đảo độc giả.

    Một bông hồng cho cha là một tạp bút mỏng, viết về người ông, cha, mẹ và thầy. Trong đó có hai tạp bút viết về người cha, bằng một giọng văn chân chất giản dị đến từng câu, từng hình ảnh, gây xúc động, dẫu chỉ đọc một lần! Chỉ với vài trang, ông đã dẫn dắt độc giả tiếp cận hình ảnh người cha thay thế vai trò mẹ khi bên nôi con, đến hình ảnh người cha nghiêm khắc mong con khôn lớn, rồi bước qua tuổi trung niên, lần đến tuổi già:

     Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Ðể tỏ lòng thương nghĩ đến cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng, nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo”. Phải chăng, Một bông hồng cho cha xúc động người đọc vì Võ Hồng đã viết về chính thân phận của ông trong cảnh vừa đóng “vai cha” vừa làm “vai mẹ”?!

    Đến trước khi mất, Võ Hồng đã in 30 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: truyện dài, truyện ngắn, đoản văn, tùy bút, thơ…

    Tác phẩm Tiếng chuông chiêu mộ in năm 2005 được xem như cuốn sách cuối cùng của Võ Hồng.

      

    Trường Lương Văn Chánh thành lập năm 1946 trong chiến khu thời kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, trường không hoạt động nữa. Mãi cuối những năm 1980, trường Lương Văn Chánh mới được phục hồi và trở thành trường chuyên của tỉnh Phú Yên.
     

    Nhà văn Võ Hồng là một trong ba vị hiệu trưởng trường Lương Văn Chánh thời kỳ ở chiến khu kháng Pháp cùng với thầy Trần Suyền thầy Bùi Xuân Các. Thầy Bùi Xuân Các viết chữ đẹp nổi tiếng và vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “ông nghè bút thiếp”.
     

    Nét chữ của thầy Võ Hồng cũng đẹp “một chín một mười” với “ông nghè bút thiếp” Bùi Xuân Các. Hình như, thế hệ thầy Hồng, thầy Các ai viết chữ cũng đẹp.

     Đoàn Việt Hùng - Thanh Kiều

    Thể thao & Văn hóa

  • ***

     

    http://www.lieuquanhue.vn (TT VĂN HÓA PHẬT GIÁO LIỄU QUÁN HUẾ)

    Ngày 02/04/2013

    Tiếng chuông triêu mộ" vĩnh biệt nhà văn Võ Hồng

     THÍCH THANH THẮNG

     

    (LQ) Sau 7 năm lâm bịnh, nhà văn, nhà giáo, cư sĩ Phật tử Võ Hồng đã qua đời vào lúc 14 giờ ngày 31-03-2013 (nhằm ngày 20-02-Quý Tỵ) tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi.

    Linh cửu được quàng tại tư gia số 51 đường Hồng Bàng, phường Tân Lập, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

    Lễ di quan tiễn biệt cư sĩ Võ Hồng sẽ tổ chức vào lúc 15 giờ ngày 04-04-2013, an táng tại Nghĩa Trang Suối Đá, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)

    Cư sĩ Võ Hồng sinh ngày 05-5- 1921 tại làng Ngân Sơn, xã  An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cả cuộc đời làm nghề giáo và viết văn, đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

    Để truy niệm Cư sĩ Võ Hồng, BBT trang nhà Liễu Quán Huế trân trọng giới thiệu bài viết "Tiếng chuông triêu mộ" của ĐĐ. Thích Thanh Thắng như góp một tiếng chuông tiễn biệt Cư sĩ Võ Hồng về đất Phật.


    “TIẾNG CHUÔNG TRIÊU MỘ”

    Truyện ngắn của Võ Hồng khi nào cũng mang phong cách như thế, vẫn là cảnh làng quê và những con người bình dị chân chất, những chuyện tình yêu nhẹ nhàng pha lẫn nhiều hụt hẫng, nuối tiếc, đôi khi là mất mát, xót thương. Những nhân vật đi vào truyện của ông đều mang trong mình một số phận có khi là bi kịch, có khi là nghiệp báo, có khi là hư vô… Song tất cả điều đó chỉ muốn nói rằng, truyện của ông thấm cái thực, và người ta nhìn vào cái thực ấy để kinh nghiệm về cuộc sống. Đằng sau những nhân vật của ông lung linh giá trị nhân bản về tình người, tình đời. Những mảnh đời: hạnh phúc, buồn đau, ẩn nhẫn, lặng lẽ và vô thường, nhưng vang vọng nhịp đập chân thành của cuộc sống. Và không hoang phí mọi nỗ lực, truyện của ông đánh thức người ta phải suy nghiệm, cũng như hối hận, trắc ẩn để học cách sống, học cách yêu thương và học cách làm người.

    Với tập truyện ngắn “Tiếng chuông triêu mộ”, sẽ chẳng có những điều to tát, những triết lý cao siêu trong câu chữ, còn cốt truyện, tình tiết có vẻ như đơn điệu, chắp vá, nhưng Võ Hồng vẫn rất kỹ, rất tinh ở cả văn đối thoại lẫn độc thoại, bởi đơn giản nó mang hơi thở của cuộc sống. Cũng không có nhiều những tình tiết mang tính bi kịch, cao trào hay mâu thuẫn gay gắt, nhưng mỗi nhân vật tồn tại đều có một cái cớ rất riêng. Cái cớ ấy có người thích có người không, nhưng lối dẫn chuyện tự nhiên của ông cho dù đôi chỗ dễ dãi nhưng mục đích vẫn không ngoài cách viết “giản dị thiệt thà, ngắn gọn không hoa hoè” (Một cách báo hiếu).

    Tính “nôm na” có vẻ như quê mùa, dễ dãi ấy trong truyện của ông là phong cách riêng của ông... Và ở Võ Hồng, chúng ta thấy toát lên sự cảm thương người phụ nữ - những người đã làm mẹ hay chưa một lần làm mẹ… Có thể nói, truyện Võ Hồng là những tâm sự khác nhau về số phận của người phụ nữ: cô Trâm hiền lành trong “Hoa khế lưng đồi”, lúc nào cũng nhớ ngoại, nhớ quê nhưng tai nạn giao thông bất ngờ ập đến; cô Phấn trong “Nói với hư vô”, chưa một lần được hạnh phúc mỉm cười mà phải vĩnh viễn ra đi trong sự chung tình mặc cho lòng người hờ hững… Còn “Dấu chân sa mạc” là tiếng nói đầy cảm thương về số phận người phụ nữ, ở đó, nhân vật cô Ba phải trải qua cảnh sống từ giàu sang đến nghèo túng, vật lộn giữa lòng tin người và thói ác độc, khao khát sự thành thực, thèm muốn sự nương tựa, ghét sự giả dối nhưng phải đối mặt với tai tiếng, bệnh tật và cái chết. Sẽ có những tình tiết gây thắc mắc, nhưng rồi cũng chẳng có lời giải nào cụ thể ngoài những cái chết: chết nát nhừ, bầm tím, chết trong hoang vắng se lạnh, chết ngồi… - kinh nghiệm cuối cùng của một kiếp sống:

    “Chặng đường đi đến nấm mồ dễ dàng thoải mái hơn nhiều so với những chặng đường nhọc nhằn cam go… trong cái xã hội quá nhiều ác tâm, lường gạt” (Dấu chân sa mạc).

    Những xót thương, day dứt còn để lại khi lần lượt từng mảnh đời bất hạnh được lặng lẽ vùi sâu dưới lòng đất, nhưng chẳng có người chết nào cô đơn cả. Võ Hồng không muốn họ cô đơn, nên những nhân vật đáng thương, “bi kịch” của ông vẫn còn có người đứng quan sát họ, hiểu họ, tâm tình với họ và hơn hết là dành cho họ một vị trí trân trọng trong trái tim mình.

    Có lẽ, khám phá nhiều nhất trong truyện ngắn Võ Hồng là dấu ấn của sự vô thường, luân chuyển: hợp rồi tan, xôn xao rồi vắng lặng, giàu sang bỗng chốc nghèo túng… nhưng tất cả mạch chuyển trong sự đổi thay ấy vẫn đau đáu những ước mơ và khát vọng. Sự giàu sang dễ đổi thay, dễ mâu thuẫn với tình người, dễ làm người ta xa nhau… Nhưng những cặp song hành, giàu nghèo, sang hèn, khôn dại, trí ngu… trong truyện của ông không thể hiện nặng nề bằng sự căm tức, đố kị mà toát lên những giá trị nhân văn, tự nhiên, là duyên là nghiệp…

     

    Cái phong cách “chỉ là người quan sát” của Võ Hồng khiến chúng ta nhớ đến những lời văn chiêu hồn tha thiết của Nguyễn Du, chẳng thế mà, có lúc vì không muốn cuộc sống có thêm phiền não, Võ Hồng xúc động thương đời đến mức muốn rơi nước mắt khi nghe câu “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn” (Tiếng chuông triêu mộ).

    Nói thế cũng không thể bỏ qua hồn quê, chất quê trong truyện của ông. Có lúc tính cách quê ấy cần mẫn, lầm lũi, dễ thương nhưng có lúc khắc nghiệt: “Nghèo nàn là một sợi dây thân ái ràng buộc mọi người. Khi có đồng tiền dính dự vào thì đồng tiền gây ra mầm chia rẽ…” (Mái chùa xưa), hay: “Chuyện nào hay thì được coi là thật. Nghe chuyện người là một lối tiêu khiển…” (Dấu chân sa mạc). Khắc nghiệt là thế nhưng ở đó tuổi thơ và cảnh vật loang loáng qua đi và in dấu khó phai trong miền ký ức.

    Võ Hồng quan sát rất kỹ “triết lý quê” để có thể giải phóng những toan tính đang tràn vào cõi tâm linh, xâm lấn sự yên bình, bởi thế giới tâm linh trong mắt ông bao giờ cũng đẹp, và lý do ông tôn vinh cái đẹp ấy, giản dị chỉ là để yêu người, tin người. Võ Hồng thấm tình quê, cử chỉ quê, tính cách quê nên các nhân vật của ông hầu hết đều có tuổi thơ và bước vào cuộc đời bằng những nhân duyên khác nhau nhưng không khi nào quá đà buông thả mà nhiều khát khao yêu và sống.

    Có thể nói, truyện của ông như một miền ký ức đầy “tổn thương” nhưng tế nhị, bao dung. Đọc truyện của ông người ở xa quê hương có cảm tưởng như được trở về quê hương, và làng quê, mái chùa, tiếng chuông sớm chiều hiện về trực tiếp hơn, sinh động hơn… Cái mạch quê, nếp quê có khi bị xáo trộn, hay được miêu tả giống như cảnh sống “nhàn nhã mà uể oải” nhưng nó có sự vận động thôi thúc lòng người, sự “vận động tĩnh” để giữ hồn, giữ nếp, để đưa ra một kết luận sống: “Mọi nguyên do đều vô ích khi không sửa chữa được thực tại” (Đi con đường khác). Cõi người chúng ta có nhiều đổ vỡ, và cũng có nhiều phương cách để vãn hồi nhưng sự lạnh nhạt, hờ hững, vô tình của xã hội hiện đại làm cho mỗi ngày một ít đi những người biết day dứt, trắc ẩn trước một số phận.

    Cuộc đời ai cũng có những bí ẩn, những chốn riêng, những tâm tình sâu kín,… nhưng nhân vật của Võ Hồng cứ tràn ra những duyên phận, có khi là tiếng vang của tuổi trẻ, có khi là giọt nước mắt hối hận, có khi quyết liệt dứt bỏ để đi tìm sự thanh cao, có khi là sự đa sầu, đa cảm để chiêm nghiệm một cái gì đó đã lùi xa và nối kết với hiện tại. Tuy nhiên, đậm nét ở ông là dấu vết của sự cô đơn, trống vắng và sự mất mát, tất cả đều được dồn tụ thành những cảm hoài xao xuyến thấm đượm tình người.

    (Vĩnh biệt Nhà văn Võ Hồng)

     

     ***

    Báo KHÁNH HÒA

    Ngày 2.4.2013

    Nhà văn Võ Hồng:

    Người gieo suối nguồn yêu thương

    XUÂN THÀNH

     

    Nhớ đến nhà văn Võ Hồng, người đọc nhớ đến những trang văn đầy chất thơ, thấm đẫm tình người, tình yêu quê hương… Văn của ông nhẹ nhàng, không có những ngôn từ đao to búa lớn nhưng lại có sức sống lâu bền. Tình yêu con người bàng bạc trong từng câu từng chữ, khi gấp sách rồi lòng vẫn còn xao động.

    Tuy đã biết nhà văn Võ Hồng bệnh nặng từ lâu, nhưng khi nghe tin ông ra đi vào chiều 31-3, tôi không khỏi xúc động. Giây phút nghe tin “Người về đầu non”, tôi lại nhớ đến lần may mắn theo họa sĩ Thanh Hồ gặp ông tại nhà riêng vào tháng 9-2006.

    Thời điểm ấy, nhà văn vẫn lặng lẽ sống một mình trong căn nhà nhỏ nép mình bên con phố Hồng Bàng (TP. Nha Trang). Mỗi khi có ai đó muốn gặp ông, chỉ cần rung cái chuông làm bằng lon sữa bò phát ra tiếng kêu leng keng là ông có mặt để đón khách. Hôm chúng tôi đến, cái “chuông sữa bò” ấy đã không còn, nhà văn cũng không ra mở cửa mà thay vào đó là người học trò, người nữ thư ký riêng của ông. Sau một lần bạo bệnh cách đó vài tháng, nhà văn Võ Hồng gần như không bước chân ra ngoài. Sợi dây nối ông với thế giới sinh động bên ngoài là vài cuốn tạp chí, báo mà người nhà mua cho ông. Căn phòng nhỏ trên gác của ông thường xuyên khép hờ để tránh gió, ở đó là một thế giới riêng của ông với tủ sách ố vàng, những tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian. Ảnh của bà Diệu Báu, người vợ đã sớm lìa xa ông và ba người con còn ở tuổi ấu thơ mà ông thường nhắc đến trong câu chuyện về đời mình được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Có cảm tưởng như hàng ngày, ông vẫn thường xuyên trò chuyện, chia sẻ vui buồn cùng với bà ấy.

    Nghe người nhà báo có người quen đến thăm, nhà văn Võ Hồng liền ra tiếp khách dù bước chân vẫn còn yếu. Hôm ấy, ông mặc một chiếc áo sơ mi tay dài, đầu đội mũ len che kín 2 tai để tránh gió. Nghe họa sĩ Thanh Hồ nhắc lại chuyện cũ, ông lặng im chìm vào hồi tưởng. Nhắc đến chuyện viết văn, nhà văn Võ Hồng cho biết: “Trí nhớ của tôi đã bị loãng rồi nên hầu như không viết nữa, thỉnh thoảng đọc sách cho đỡ buồn, nhưng vẫn hay quên lắm”. Tôi nhận ra trong giọng nói của ông có sự khát khao được viết của một người cầm bút, dù suốt một đời theo nghiệp văn chương, ông đã cần mẫn như con tằm nhả đến những sợi tơ cuối cùng “dệt” nên những trang văn làm rung động lòng người. Nhà văn Võ Hồng nói một cách nhỏ nhẹ: “Tôi mong ước sẽ có một nhà xuất bản nào đó tập hợp 3 tác phẩm Một bông hồng cho cha, Nghĩ về mẹ, Nửa chữ cũng là thầy thành một cuốn sách mỏng để làm quà tặng cho học sinh trong những ngày tựu trường để gieo vào lòng các em những suối nguồn yêu thương”. Cuộc trò chuyện không dài, nhưng ấn tượng về một nhà văn lớn, rất khiêm nhường với cái chắp tay xá chào lúc từ biệt khiến tôi nhớ mãi.

    Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn Võ Hồng đã làm trọn thiên chức của một nhà văn với 8 tiểu thuyết và truyện dài, hơn 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký. Nhắc đến văn của ông, độc giả không quên những tác phẩm như: Hoài cố nhân, Con suối mùa xuân, Hoa bươm bướm, Người về đầu non, Trầm mặc cây rừng, Vết hằn năm tháng, Nhánh rong phiêu bạt, Một bông hồng cho cha... Văn xuôi của Võ Hồng không có những câu chuyện lắt léo, thay vào đó là những chuyện rất bình thường xảy ra trong đời sống hàng ngày, nhưng vẫn rất thu hút bởi giọng văn luôn nhỏ nhẹ nhưng không kém phần sâu sắc. Văn của ông luôn thấm đẫm tình người, những vùng quê nghèo khó, những con người lam lũ luôn được nói đến với giọng văn trìu mến, bao dung. Cảm tưởng như tất cả những gì hiện ra dưới ngòi bút của ông, trước khi thành mực chảy thấm vào trang sách đã chảy qua trái tim nhân hậu, hết mực yêu thương con người và quê hương đất nước của ông.

    Đọc văn của Võ Hồng, có cảm giác như ông đang đi gieo những suối nguồn yêu thương. Các nhân vật của ông dù là “phản diện” cũng được miêu tả rất độ lượng và thường quay về làm người tốt. Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong viết: “Tâm hồn Võ Hồng như được đúc bằng khối thủy tinh trong suốt tình thương, không chịu nổi những va chạm mạnh nên đôi khi lên án cái ác cũng ngọt ngào”. Sự nhân từ ấy có thể dẫn đến những hạn chế về mặt văn chương, nhưng phản ánh đúng tính cách của một nhà giáo - nhà văn, luôn muốn mọi người hướng thiện. Giữa cuộc sống xô bồ, nhiều người tìm về những trang văn của ông để tìm thấy một sự thảnh thơi. Nhiều người nhận xét, đọc những trang văn của Võ Hồng luôn cảm thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng len lỏi vào tâm hồn nhưng kỳ diệu thay, sau nỗi buồn ấy là sự thanh thản, bình tĩnh tiếp nhận chứ không phải bi lụy. Bởi đó là những trang văn được viết ra từ sự trải nghiệm của cả một đời người, của một tâm hồn yêu cuộc sống.

    Giờ đây, nhà văn Võ Hồng - người viết những trang văn thấm đẫm tình người ấy đã về với cõi vĩnh hằng. Người nhà cho biết, khi ra đi, gương mặt ông rất thanh thản như đi vào giấc ngủ, bởi cuộc đời ông không có gì phải tiếc nuối. Nhà văn Võ Hồng đã “về đầu non” nhưng bạn đọc vẫn luôn nhớ đến ông. Nhiều người vẫn tìm “gặp” nhà văn mỗi ngày bằng việc vào trang web www.vohong.de  để đọc tác phẩm của ông.

     

    ***

     

    http://lamhongs.wordpress.com

    Ngày 2/4/2013

    LAM HỒNG

     

    Vọng Võ Hồng

     

    “Nhánh rong phiêu bạt” giang hồ
    Mặc cho ” gió cuốn “ sóng vồ hề chi
    “Hoài cố nhân “ lòng khắc ghi
    Cánh ” hoa bươm bướm “ xuân thì mộng hoa
    ” Ông ngoại của bạn tôi” già
    Mênh mông ” khoảng trống “ sau  là còn ai…!?
    “Như cánh chim bay” mãi hoài
    “Ngày xuân êm đềm ” mộng quay quắt đời
    “Vết hằn năm tháng “ không nguôi
    Với “tình yêu đất” yêu trời thiết tha
    “Người về đầu non “ với ta
    “Bên đập đồng cháy “ hiểu ra ít nhiều
    “Dấu chân sa mạc “ hắt hiu
    Biết ” thế giới của năm nhiều “ gian nan
    Mong rằng ” lá vẫn xanh “ non
    “Tiếng chuông chiêu mộ” gọi hồn vang vang
    “Một bông hồng cho cha “ an
    “Vùng trời thơ ấu ” bàng hoàng gió mưa
    Ai còn “Thương mái trường xưa”
    “Chúng tôi có mặt” tiễn đưa bùi ngùi
    “Mùa gặt” mong hái niềm vui
    Sao đành “(tay) vẫy tay ngậm ngùi “ tiếc thương
    Người đi ” qua bên kia đường “
    Còn ” những giọt đắng “ vô thường cho ai
    “Khoảng mát” đêm lặng sầu cay
    “Trong vùng rêu im lặng” lay lắt đời
    “Trầm mặt cây rừng” mãi thôi
    Đâu “con suối mùa xuân “ trôi nhiệm màu
    Vườn xưa “thơm ngát hương cau”
    Nhìn “tia nắng rớt” sáng màu huyền quang

    ( Những từ trong ” ” là tác phẩm của Võ Hồng )

     

     

    ***

    http://nguyenhuuduyen.blogspot.com

    Ngày 2/4/2013

    TIN BUỒN: NHÀ VĂN VÕ HỒNG ĐÃ QUA ĐỜI

     

    >Chúng tôi vô cùng thương tiếc hay tin:

    >NHÀ VĂN

    >VÕ HỒNG

    >Sinh ngày 05-05-1921 tại Ngân Sơn, Tuy An, Phú Yên

    >Vừa tạ thế lúc 14 giờ ngày 31-03-2013

    >(nhằm ngày 20-02- Quý Tỵ)

    >Hưởng thọ 93 tuổi

    >Nhập quan lúc 08g00 ngày 01-04-2013

    Di quan lúc 15g00 ngày 04-04-2013

    An táng tại nghĩa trang Suối Đá, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa

    Thành tâm kính chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc hương hồn 

    Nhà Văn VÕ HỒNG sớm được tiêu diêu nơi đất Phật

     

    Nhóm thân hữu:

    Khuất Đẩu, Đỗ Nghê, Nguyên Minh, Trần Hoài Thư, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Phạm Cao Hoàng, Lữ Kiều, Lê Ký Thương, Sâm Thương, Ban Mai, Nguyệt Mai, Chu Trầm Nguyên Minh, Nguyễn Tùng Vân, Trương Văn Dân, Elena Pucillo Trương, Cao Quảng Văn, Đoàn Văn Khánh, Huỳnh Như Phương, Mang Viên Long, Khánh Linh, Trần Huiền Ân, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Ước, Đặng Châu Long, Hải Phương, Thanh Nhung, Từ Sâm, Tâm Tấn

     

     

    Báo điện tử Nhà Văn THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

    Ngày 2/4/2013

       Đăng lại bài VÕ HỒNG ĐÃ VỀ ĐẦU NON của Trần Huiền Ân

     

    ***

    http://www.nguoi-viet.com

    Ngày 2/4/2013

     

    ***

    http://sangtao.org

    Ngày 2/4/2013

    Ra đi để phục sinh

    ĐẶNG CHÂU LONG

    Kính viếng thày Võ Hồng, nhà văn nhân bản


    Hỡi thân phận, giấc mơ trăm năm
    Bãi bể nương dâu, rút ruột tơ tằm
    Sao không ngàn năm, vạn năm, vĩnh viễn
    không gian bất tận, thời gian vô cùng

    (Võ Hồng, Phù Thế)

    Nhẹ nhàng như cánh gió, Thày đã bước vào miền hư vô như định mệnh đã an bài. Dùng bữa trưa, ngủ một giấc trăm năm thanh thản. 14 giờ ngày 31- 03-2013, nhà văn cổ thụ miền sông Ba  Võ Hồng đã vĩnh viễn ra đi.

    Chính xác và trang nghiêm của một nhà giáo, Thày Võ Hồng không chọn ngày Poisson d’Avril 01-04 bông phèng như Trịnh Công Sơn, mà phải ra đi đúng vào ngày PhụcSinh Chúa nhật 31-03-2013. Ra đi để sống lại.

    Người đứng thẫn thờ, buồn hay vui đây ?

    Thương kẻ khuất mặt ? Ai thương dùm mi ?

    Ảo hóa. Ảo hóa. Thân phù du nhỏ

    Vinh nhục sướng khổ nặng đôi vai gầy

    (Võ Hồng, Phù Thế)

    Nhìn lại khoảng dài cuộc sống của Thày, từ khi sinh ra ngày 05-05-1921 được mấy ngày như ý ? Cáng đáng 3 con thơ dại sau khi vợ thày ra đi năm 1957 để rồi sau 1975 đàn con như những cánh chim bằng bay xa dựng nghiệp. Ngày Thày mất cũng chỉ là chị Nguyễn thị Đạm, người học trò, người đồng nghiệp cùng trường và cũng là người trân trọng, ghi chép, giữ gìn văn nghiệp của Thày, có mặt trong phút cuối. Bên nhà chị thường trực có camera theo dõi bệnh trạng của thày từ xa và nhà chị chỉ cách nhà thày vài trăm mét. Quyết định ở lại quê nhà của thày như quyết định của người qua một con đường dài mõi cánh, chỉ muốn thu đời mình vào khung ký ức đơn độc cho khoảng đời còn lại.

    Cho đến một ngày kia … tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ

    Hạnh phúc yêu thương … Băng giá mây mù …

    Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó

    Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.

    (Võ Hồng, Di ngôn, 1989)

    Sau 1975, Thày quyết định giới hạn sinh hoạt văn học của mình trong lãnh vực giáo dục và tuổi thơ. Năm 1977 thày nhận quyết định làm nhà văn dự bị của hội nhà văn như một nỗi ngậm ngùi sau 38 năm cầm bút. Truyện của thày, quyển Ông Cháu đã phải xuất bản nước ngoài với bút danh Võ Tri Thủy (tên con gái thày). Ngay cả truyện Thiên Đường ở trên cao (1988) cũng chỉ được thày sáng tác trước năm 1975.

    Tuy vậy, nhưng khi đưa ra một nhận xét xã hội nào, thày đều rất cẩn trọng và có trách nhiệm:

    Năm 1985, tạp chí Văn nghệ Phú Khánh đặt câu hỏi: “Xin cho những nhận xét về tình hình văn nghệ ở địa phương ta sau 10 năm”. Tôi ghi những suy nghĩ rồi trao cho anh Tổng biên tập, vừa nói: “Tôi có thể viện cớ là bệnh, là bận để khỏi trả lời. Nhưng lòng tự trọng không cho phép tôi nói dối. Nhưng đưa anh đọc rồi xin anh cho lại. Ðừng đăng. Bởi nếu đăng thì tôi bị khó khăn”. Sau đây là sao y tờ giấy tôi trả lời:

    “… Có một nhược điểm thường gặp nơi văn chương địa phương cấp nhỏ, cấp thấp… đó là đọc xong thấy tất cả đều tốt, mọi việc đều hay, tiến bộ khả quan, mọi người vừa lòng. Văn chương tròn trịa lý tưởng! Không dám có những suy nghĩ gai góc, không cho có những cảm xúc mới lạ, độc đáo… Mà chỉ được cảm xúc thông thường, bình thường, tầm thường, bằng phẳng, công thức, gần như đã vạch sẵn. Văn chương được bào chế như những món ăn quá lành mạnh, bởi đã được sát trùng quá kỹ lưỡng. Như kho cá, rim thịt đúng theo sách dạy gia chánh.

    Mà đúng ra xã hội đòi hỏi người cầm bút phải nhìn thấy những vấn đề, phát biểu những ý nghĩ, nêu lên những băn khoăn… để được người đọc cùng cảm xúc, cùng suy nghĩ. Có vậy xã hội mới tiến lên được. Chớ nếu tròn trịa như bánh xe thì xã hội cứ như thế mà lăn tới an toàn, hà tất còn cần đến văn chương làm gì ?”.


    (Võ Hồng, trả lời phỏng vấn tạp chí Cánh Én Nha trang năm 1988).

    Một người thày, một nhà văn giản dị và cô đơn nhưng không cô độc trong đời sống. Phạm Công Thiện từng viết cho thày:

    Anh V.H ạ, anh có cần gì phải thuyết giảng philo ? Tất cả những trang văn anh, những trang văn rất từ tốn khiêm nhượng kia đều tiềm tàng những tư tưởng triết học rất sống. Nó cao hơn philo nữa, bởi nó là sagesse của quả tim.

    Và một Triệu trang giấy Triết Học Cũng Không Ðáng Giá Bằng Một tiếng Ðập Của Con Tim. Anh có nghe rõ chưa ? Tôi muốn hét to lên như vậy.

    Anh có nghe tim con người đập trong những trang Xuất hành năm mới, trong Trận đòn hòa giải? Xuất hành năm mới còn cảm động muôn vạn lần hơn những chuyện mà người ta cho rằng buồn nhất. Những đứa nhỏ Hằng, Hào và Thủy trong Xuất hành năm mới và Trận đòn hòa giải là những hình ảnh đau thương nhất trên đời, là những hình ảnh tượng trưng cho tất cả những đứa trẻ ở trần gian này.
    (Phạm Công Thiện, trích thư gởi Võ Hồng)

    Từ ngày về thăm thày 12-12-2012 đến nay chưa đầy 4 tháng, những cảm thức về nỗi đời chưa nguôi trong tôi. Nay nghe tin thày đã vẫy tay ngậm ngùi bước qua bên kia đường, khoảng mát của thày sẽ còn đọng mãi cho mai hậu những nụ tình người.

    Xin thày hãy bình an phục sinh, tất cả phức tạp, đa sắc ngày thường giờ không níu được nỗi cô đơn của thày. Năm mươi lăm năm xa cách cô, giờ thày đã có thể thỏng tay tương phùng rồi đó. Sẽ không còn những cảnh đơn điệu để thày phải ghi lại những giòng thơ vần trắc này:

    Năm giờ sáng mở mắt

    Nhìn quanh: chỉ ghế bàn

    Thèm thấy một khuôn mặt

    Thèm nghe tiếng dịu dàng

    Mười giờ đêm thâm u

    Bóng tối như cõi chết

    Tình yêu, tìm nơi đâu

    Hạnh phúc, chào vĩnh biệt 

    Vậy đó, ngày bắt đầu

    Vậy đó, ngày kết thúc

    Những ngày nặng buồn đau

    Một chuỗi ngày tù ngục

    (Võ Hồng, Quạnh hiu)

    Xin kính tiễn một người thày, một nhà văn và một con người vô cùng chân chính

    31-03-2013

     

     

    ***

    http://tuhoaitan.blogspot.com    http://phovanblog.blogspot.com  

    Ngày 2/4/2013                               Ngày 9/4/2013

    Không còn dây chuông để gọi Võ Hồng

    Lữ Quỳnh
    Những ghi chép như một nén hương tưởng niệm nhà văn Võ Hồng




                Ngôi nhà của nhà văn Võ Hồng trước đây mang số 53 Hồng Bàng Nha Trang. Cái địa chỉ này quen thuộc tưởng như gắn liền với tên tuổi anh. Lần nào ghé Nha Trang tôi cũng đến thăm anh. Đứng ngoài đường, vói tay vào phía sau cánh cổng sắt, nắm sợi dây chuông giựt vài cái, tiếng leng keng vang lên, và từ trên lầu anh nhóai người ra nhìn xuống, anh hỏi nhưng không đợi khách trả lời, chân đã bước xuống cầu thang.

                Đó là những ngày giữa năm 1995, anh còn khỏe mạnh. Thường thì khi gặp, anh mừng rỡ ồ lên thành tiếng rồi kéo nhau lên gác, vừa đi vừa hỏi chuyện. Chúng tôi ngồi ở chiếc bàn kê sẳn ở khoảng sân hẹp trước phòng ngủ của anh. Anh nói chuyện vui vẻ, kể về những tác phẩm tái bản, cả một cuốn mới, đang hỏi nhà xuất bản để in. Anh đưa tôi vào phòng, chỉ cho xem kệ sách nhỏ, nhiều tờ báo cũ có những bài viết về anh. Căn phòng ngổn ngang chăn màn, radio, chén ly, sách  báo. Lộn xộn chẳng khác nào của một chàng thanh niên độc thân lười biếng!


    Qua năm 2005, khoảng sau tết âm lịch tôi từ Mỹ về, khi ra Nha Trang ghé lại thăm anh.  Lần này anh tiếp tôi trong phòng. Vẫn căn phòng trên gác ấy, với bề bộn sách báo, tưởng như không thay đổi dù nhiều năm tháng đã qua. Anh hỏi thăm tôi về vài bạn văn cùng quê ở hải ngoai.

    Anh hỏi nhiều chuyện không đâu, và điều này làm tôi rất ái ngại nhìn anh lo lắng. Anh nghe tôi trả lời và cẩn thận ghi vào sổ tay, từng chi tiết. Tôi buồn vì biết anh bắt đầu lẫn! Anh chỉ cho tôi cái sân nhỏ trước phòng được anh căng dây thép treo khoảng mười mấy cái bìa lịch màu đỏ chói. Anh có vẻ thích trò chơi này. Anh nói ngày tết treo lên màu đỏ thế này cho vui mắt  Tôi xin anh chụp vài tấm hình . Anh kéo tôi ra sân, đứng trước những tấm bìa lịch. Rồi sực nhớ ra cần phải thay chiếc mũ đang đội, anh nói toa đợi moa một chút rồi bước vội vào phòng loay hoay tìm chiếc mũ quen thuộc mà anh thường đội, nhưng không thấy. Tôi thầm nghĩ, anh Võ Hồng điệu quá. Thôi anh ạ, chiếc mũ đang đội cũng đẹp chán rồi. Anh cười hồn nhiên. (**) Dịp này anh ký tặng tôi cuốn “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” của Nguyễn thị Thu Trang. Tôi cũng xin anh cuốn “Một bông hồng cho cha”, bản  copy đang nằm lẫn giữa đám sách báo trên giường.

    Từ giả anh lần ấy không ngờ là lần cuối cùng từ giả một Võ Hồng còn tỉnh táo, nói cười.

    Bởi ba năm sau khi tôi ghé lại thì anh đã nằm liệt giường trong căn phòng nhà dưới, không còn nhận ra những người đến thăm mình là ai nữa ./.

    San Jose, 1-4-2013

     

    Báo NGƯỜI LAO ĐỘNG

    Ngày 2/4/2013

     

    Võ Hồng trong trí nhớ

    HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

     

    Có lẽ ít ai biết rằng nhà văn có những đóng góp quan trọng cho văn học hiện đại như Võ Hồng, sau ngày hòa bình, được “kết nạp” lại vào Hội Nhà văn Việt Nam...

    Mặc dù có dịp liên lạc qua thư từ với thầy Võ Hồng nhiều năm trước, mãi đến mùa hè năm 1994, tôi mới có cơ duyên gặp ông lần đầu tiên. Lần đó, tôi hẹn đến thăm ông cùng với các anh chị học viên trong lớp cao học do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Lần đầu gặp ông mà tôi cảm thấy như mình đã quen từ lâu cái dáng người cao ráo mảnh mai, đôi mắt tinh anh giấu sau cặp kiếng lão, nụ cười hóm hỉnh và giọng nói Phú Yên thuần chất đó. Đúng như trong hình dung của tôi khi đọc văn ông và xem tấm ảnh ông đăng trên bìa Tạp chí Văn, ông là một nhà giáo thuần thành và một nhà văn đôn hậu.

    Hai năm sau, lớp học ấy hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp ngay tại Nha Trang. Các thầy giáo từ TPHCM ra chấm thi đến thăm và mời ông dự lễ. Đó cũng là dịp đài truyền hình làm cuốn phim về nhà văn, nhà giáo Võ Hồng. Ông cười vui: “Lâu lắm rồi qua mới ăn mặc trịnh trọng đi dự lễ như thế này. Sáng nay, anh đạo diễn còn bắt qua đi dạo ngoài bờ biển để quay phim. Ui chao, từ năm 75 đến  giờ qua mới lại ra biển!”.

    Trước đó khá lâu, khoảng năm 1985, tôi chọn giúp cho Nhà Xuất bản Cửu Long một tập sách gồm 15 truyện ngắn của các nhà văn miền Nam. Sau nhiều lần đắn đo, giữa hàng chục truyện ngắn của Võ Hồng, tôi quyết định chọn Bên đập Đồng Cháy. Nhưng văn bản mà tôi có từ một tờ báo cũ bị kiểm duyệt cắt mất mấy câu, thế là tôi mạo muội viết thư xin ông bản thảo gốc truyện ấy để đăng nguyên vẹn tác phẩm. Chỉ 10 ngày sau, tôi nhận được thư trả lời: ông bảo Nhẹ hơn cơn gió thoảng mới là truyện ngắn ông thích hơn cả. Nhưng ông vẫn gửi kèm theo bản đánh máy rõ ràng toàn văn truyện Bên đập Đồng Cháy với nhan đề ghi bằng bút chì màu.

    Những lần gặp gỡ ngắn ngủi, tôi luôn học được ở ông tính cẩn trọng và chu đáo của nghề viết. Có lần ông hỏi tôi, “em hay viết báo, có bao giờ em giở ra đọc lại những bài báo của mình đăng 10 năm trước không, có bao giờ đọc rồi thấy đỏ mặt không?” Tôi thú thật với ông là có. Thi thoảng, ông nhờ tôi chuyển bản thảo cho một tờ báo hay một nhà xuất bản nào đó. Ngoài những truyện ngắn về tuổi thơ, ông còn viết một loạt bài về chuyện học văn ở nhà trường mà ông bảo tôi đề nghị Báo Yêu trẻ đăng liên tục nhiều kỳ...

    Ở miền Nam trước đây, ít có nhà văn nào viết về cuộc kháng chiến chống Pháp vừa chân thực vừa khẳng khái như Võ Hồng. Những kỷ niệm kháng chiến của ông được lưu giữ và thăng hoa trong Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay… Với Võ Hồng, cuộc kháng chiến đó là một vận hội của sự đoàn kết dân tộc lẽ ra không nên bỏ lỡ. Những nhà văn, nhà phê bình ở miền Nam thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau khi nói về tác phẩm của Võ Hồng đều tỏ ra trân trọng suy nghĩ đó của ông.

    Có lẽ ít ai biết rằng nhà văn có những đóng góp quan trọng cho văn học hiện đại, nổi tiếng từ những năm 1960, mà sau ngày hòa bình đã được “kết nạp” lại vào Hội Nhà văn Việt Nam. Trong một phụ san của Báo Văn nghệ in danh sách các nhà văn hội viên, Võ Hồng cùng với Sơn Nam nằm trong số những “hội viên dự bị”. Được xếp vào khuynh hướng văn học “yêu nước và tiến bộ” mà sau ngày thống nhất hơn 10 năm, ông mới chính thức “tái xuất giang hồ” với tiểu thuyết Thiên đường ở trên cao.

    Võ Phiến có lần trách móc một cách tế nhị: “Võ Hồng quả được an thân. Sống từ chế độ này qua chế độ kia, thế cuộc bao phen đổi thay, ông vẫn an, vẫn nhàn, vẫn khỏe. Vẫn viết lách để răn đời. Răn toàn điều lành…”. Trước Tết Quý Tỵ, tôi đến chơi với một người bạn thân ở Trạm Hành, Cầu Đất, cách Đà Lạt 25 cây số trên Quốc lộ 20 dẫn về Phan Rang.

     

    Đứng trên triền dốc nhìn xuống bạt ngàn đồi chè và cà phê xanh mượt, tôi nhớ đến truyện ngắn Trạm Hành của Võ Hồng đăng trên Giữ thơm quê mẹ hơn 40 năm trước. Câu chuyện về một người thanh niên đi tản cư đến chốn này, mong có cơ hội làm việc gì có ích cho kháng chiến và khi cơ hội ấy đến thì lại quyến luyến trước khi xa lìa cảnh vật và con người nơi đây. Không biết trong ấy có bao nhiêu yếu tố tự truyện nhưng chắc chắn Võ Hồng đã thông thuộc miền đất này mới miêu tả được như vậy. Nhưng từ ấy đến nay, người không thiết gì ra đến biển dù chỉ cách mấy con phố, chắc cũng không có dịp nào trở về núi đồi chốn cũ.

    Nghe tin Võ Hồng tạ thế, Đặng Tiến bảo rằng cần phải có thời gian để giải mã văn chương Võ Hồng. Có lẽ cũng cần phải có thời gian để hiểu con người Võ Hồng, xem đằng sau cuộc đời lặng lẽ, trầm mặc đó có thật là sự an thân, an nhàn hay không; hiểu được tại sao ông chấp nhận dừng chân một chỗ, trụ lại trong tín ngưỡng nghệ thuật của mình, giam mình trong thế giới đó để “hoài cố nhân”.

     

     

    ****

     

    ***

     

     www.tin247.com

    Theo Báo Phú Yên| Thứ ba, 02/04/2013

     

    Người thầy ở trong tôi

    HUỲNH THẠCH THẢO

    Trước lúc tôi chưa gặp ông, chỉ nghe cô và cha hay kể về một người thầy thuở còn dạy hai người ở ngôi trường quê tận ngoài Tuy An. Nhưng các tác phẩm của Võ Hồng (ông vừa là nhà văn, vừa là nhà giáo) tôi đã đọc hầu hết khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa kể một số tác phẩm mà cha tôi có được trong tủ sách gia đình: Như cánh chim bay, Người về đầu non, Hoa bươm bướm, Nhánh rong phiêu bạt, Bên đập Đồng Cháy, Thiên đường ở trên cao...

     Tôi say mê từng cuốn vì nó thu gọn hình ảnh quê hương, con người của xứ Nẫu - Phú Yên. Và khi tôi vào nghiệp viết, thường trò chuyện cùng cha, ông lại kể thầy Võ Hồng vừa nghiêm khắc vừa nhân hậu, vừa gần gũi mọi người vừa thủy chung với người vợ mất sớm. Thầy gắn bó với đám học trò quê lặn lội đến trường Lương Văn Chánh, ngôi trường duy nhất của tỉnh đặt tận miền núi vì lúc này, Phú Yên đang là vùng giặc Pháp hay càn, bắn phá. Lúc ấy, tôi rất muốn gặp ông nhưng chần chừ không dám…

     

    Một lần vào cuối năm 1998, tôi vào Khánh Hòa gặp anh chị văn nghệ sĩ. Nhà văn Cao Duy Thảo đưa tôi đến gặp một người đồng hương là ông, nhà văn Võ Hồng. Ông đang ngồi yên lặng phía cuối dãy bàn trong bộ kaki đen, cặp kính trắng, mũ bêrê đen, dáng người cao gầy mảnh khảnh. Khi biết tôi từ Phú Yên vào, ông mừng rỡ đứng vội dậy, choàng vai: Huỳnh Thạch Thảo đây hả, trẻ quá. Qua đọc của em nhiều, thích lắm, nhưng đôi chỗ còn sơ sót. Và hài hước "Mà này, trưa lên nhà qua, ở đây không tiện trao đổi vì ai cũng lo nói!". Thầy ở cách khá xa trung tâm thành phố trong ngôi nhà số 51, phố Hồng Bàng, TP Nha Trang. Một ngôi nhà nhỏ yên ắng, chuông gọi cửa là sợi dây dài cột chùm lon rỗng phía sau, bụi trúc nhà bên cho nhánh râm mát. Thầy dẫn tôi lên gác, nơi ở và viết với căn phòng ngủ cùng khoảng sân rộng trồng nhiều hoa bươm bướm và những chậu gấm gạc nai. Bất chợt, tôi nhớ các tác phẩm của thầy, trong đó là ngôi trường trồng hoa bươm bướm, nhiều bụi chà rang vì gần núi, những dãy trâm bầu trảy ngọn làm tường rào với tiếng cười trong trẻo của các trò nhỏ. Gặp lần đầu, thầy ngồi kể những năm tháng tuổi thơ mình ở Lò Gốm, về dòng sông Ngân mùa nước cạn, soi mướp hoa vàng mùa nước dâng, về ngôi trường ẩn mình trong hốc núi nhiều lần di dời, nơi ấy có thầy Bùi Xuân Các với chữ viết chân phương để tất cả học trò nhà quê tập viết chữ đẹp (sau này thầy Các tập kết ra Bắc, được gọi là Ông Nghè bút thiếp). Thầy nói nhỏ: "Vùng đất quê mình có rất nhiều chuyện để viết, qua viết mãi vẫn không hết mà không cần đi đâu xa cả, có chăng là tấm lòng yêu quê hương mình đến đâu để mà viết…". Chia tay thầy khi đã bóng xế, thầy đưa ra tận cửa với nụ cười rộng mở. "Thảo ơi, sao không đội mũ… Thôi, cho qua gửi lời thăm ngoài ấy. Mà em cũng nhớ gửi tác phẩm vào cho qua". Thầy đứng, tay che mắt tránh nắng nhìn mãi theo tôi.

     

    Từ đó, mỗi lần vào Nha Trang, việc đầu tiên là tôi đến thăm thầy. Con phố Hồng Bàng nay đã mở rộng, căn nhà lúc trước giờ bớtxanh rêu vì đã nhộn nhịp xe cộ. Bụi trúc nhà bên cũng đã cao, ngả sang cho bóng mát bên cạnh lối đi lên căn gác nhỏ và chuông điện đã thay chuông dây có treo chùm lon rỗng. Thầy vẫn bộ đồ đen hoặc trắng với mũ bêrê đen cùng đôi kính lão đón tôi trước cổng cho dù nắng có chói gắt xuyên thẳng vào con người tóc vương nhiều sợi bạc. "Vào thăm qua đó hả người bạn nhỏ? À, tiếng Pháp với tên bạn là gì ta? Phải rồi, nó còn mang tựa bài thơ của Pháp có tên Hoa Thạch Thảo mà ông Phạm Duy từng phổ nhạc". Thầy giở từng tác phẩm tôi gửi vào và bảo tôi ngồi bên. Thầy đọc kỹ trước nên đoạn hay đã gạch bút đỏ, đoạn lệch từ hoặc sai âm ngữ thầy ghi với nét chữ nghiêng nghiêng "chỉnh lại cho đúng từ địa phương nếu muốn viết về quê mình". Mỗi lần vào, thầy thường nói "Đã viết cho xứ Nẫu nên dùng phương ngữ phù hợp. Nè Thảo, những đàn bò gối sừng qua sông của em rất hình tượng, quê mình là cầu ván đóng đinh, mương nước róc rách, bụi chuối sau hè, cành tre xào xạc chứ không la đà vì vùng gió mà… Ở đó, không giống những gì em thấy ở các làng quê khác. Đã thương quê thì ở lại quê, qua nhớ lắm nhưng đành chịu…". Tôi cũng hiểu rằng, những câu chữ của thầy thật giản dị chân chất, có mùi bùn non, thơm hoa vạn thọ, ấm nồng khói rạ và đặc trưng nhất là tiếng Nẫu được xài một cách dễ hiểu. Trước năm 1975, trong 20 gương mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ do NXB Lá Bối ấn hành, đã xem nhà văn Võ Hồng tiêu biểu cho cách viết làng quê vùng Nam Trung Bộ. Và hôm nay, đôi mắt thầy như một cánh chim cô đơn đã rời xa tổ ấm đầy khắc khoải vọng về năm tháng của hoài niệm quê nhà. "Chừng nào em dìa lại Tuy Hòa, để qua nhắn rằng, đền ơn quê hương là những tháng năm dài cho qua nhẫn nại cầm bút".

     

    Nghe thầy bệnh, tôi vào. Vẫn phố Hồng Bàng ấy có căn gác nhỏ chứa nhiều sách trên kệ, góc bàn, trên ghế, trên sàn nhà và cả trên chiếc giường cũ như ngày nào, nhưng thầy đã lẫn lúc nhớ lúc quên và gầy đi thấy rõ. Thầy không ra đứng bậc cầu thang đón người bạn nhỏ từ quê nhà, không còn đưa tôi xem những bức thư hay dòng tin nhắn cũng như đã lâu, thầy không thể viết những dòng ngắn gọn gửi cho tôi, hỏi tôi còn ở quê hay rời đi xứ khác như bao người viết trẻ. Tôi thưa với thầy là vẫn ở quê vùng gió cát, oằn mình theo vùng đất như chiếc đòn gánh mà gánh hai mùa mưa nắng, bão lũ và vẫn viết đều đặn bằng phương ngữ giản dị của quê mình, của sự thương yêu chỉ bảo của thầy mà mắt rướm lệ khi thầy mệt mỏi ngước mắt nhìn tôi. Thâu rầu, chim kêu về núi, tấu rầu… em phải về lại Tuy Hòa và như thoảng nghe trong gió biển Nha Trang vào chiều "Cho qua gửi lời thăm ngoài ấy".

     

    Sau cơn bạo bệnh thầy yếu nhiều. Năm trước càng yếu hơn và nghe tin lại trở bệnh. Đã lâu không còn mỗi buổi sáng ra ban công ngồi trên chiếc ghế mây đón nắng, ban chiều tưới từng gáo nước cho cụm hoa bươm bướm nở vàng. Đã 92 tuổi (thầy sinh ngày 5/5/1921) thì xưa nay hiếm và chắc chắn rằng không thể trở lại quê nhà như có lần thầy bảo tôi khi nào thầy khỏe thì sẽ về, sẽ thăm lại quê mình, thăm trường Lương Văn Chánh ở phố Tuy Hòa. Dòng Ngân Sơn thì xa, phía quê An Thạch - Tuy An lắm đèo dốc cách trở. Cánh chim phiêu bạt đã mỏi chỉ vọng về một Hoài cố nhânVẫy tay ngậm ngùi để nhớ Ngày xưa có một Nhánh rong phiêu bạt; nơi ấy, Bên đập đồng Cháy đang nở vàng một sắc Hoa bươm bướm mà đợi Người về đầu non… Dù gì, tôi cũng luôn mong thầy nhiều sức khỏe, mong một cái tên của loài hoa yêu thương ngập tràn hạnh phúc cho bao học trò ngày cũ và cả cho tôi, người bạn nhỏ viết văn của thầy, luôn được gặp khi trở lại phố ấy, nhà ấy, cảnh ấy có người thầy giản dị, mực thước cùng nụ cười hiền đang đứng chờ nơi bậc cầu thang hẹp cho dù Thiên đường ở trên cao luôn sẵn đón một con người.

     

    Thầy đã ra đi (lúc 14g ngày 31/3/2013). Cánh chim đã mỏi vọng về đầu non. Xin vĩnh biệt một người thầy, một nhà văn xứ Nẫu da diết nhớ về quê hương… Và nơi ngàn năm mây trắng bay kia, thầy sẽ được nhìn về quê nhà với nụ cười hạnh phúc.

     

    ***

     

     

    Thứ tư, 03/04/2013, 09:54

    Nhân cách văn học Võ Hồng

    Giống như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc của Sài Gòn và Nam bộ, Võ Hồng (ảnh) là cây bút tiêu biểu của Phú Yên và Nam Trung bộ nửa sau thế kỷ XX.

     
     

     

     

    Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông còn có các bút danh Ngân Sơn, Võ An Thạch, Võ Tri Thủy... Sự nghiệp sáng tác của ông gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, đó là chưa kể những tập bút ký, tùy bút và các bài phê bình, khảo cứu... Võ Hồng là hình ảnh đặc trưng của một nhà văn xuất thân từ nhà giáo. Tính cách mô phạm, chỉn chu của nghề giáo đã hiện hữu trên mỗi trang văn. Ông kể rằng cha của ông tuy là một nông dân quê mùa nhưng ưa đọc sách báo, nhất là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi có người quen đi Sài Gòn thì ông nhờ mua sách truyện Tây du, Bao Công kỳ án, Tam quốc chí... Nhờ đó, từ nhỏ Võ Hồng đã mê đọc sách báo.

    Thời gian học tú tài ở Hà Nội, Võ Hồng làm quen với văn chương và được gặp những bậc tài danh làng văn bấy giờ như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau kể từ khi truyện ngắn đầu tiên Mùa gặt được đăng, Võ Hồng mới trình làng tập truyện đầu tay Hoài cố nhân vào năm 1959 do Nhà xuất bản Ban Mai ấn hành.

    Thời kỳ chống Pháp gian khổ và hào hùng ở quê hương Phú Yên chính là cái vốn phong phú và sinh động cho nhà văn dệt nên những tác phẩm khá thành công về sau. Trong công trình Văn học yêu nước và cách mạng ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đã nhận định về Võ Hồng: “Có thể nói ông là nhà văn của lòng nhân ái, những tình cảm nhân bản cao quý - tình cha con, tình mẹ con, tình anh em, tình thầy trò qua hàng loạt tác phẩm như: Vết hằn năm tháng, Áo em cài hoa trắng, Lá vẫn xanh, Mái chùa xưa, Con suối mùa xuân... nhưng đáng chú ý và có thể nói là dũng cảm là những truyện ngắn in trong hai tập Hoài cố nhân, Trầm mặc cây rừng và hai cuốn tiểu thuyết liên hoàn: Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay - những tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta”. Thật vậy, sống giữa chính thể “Việt Nam cộng hòa” trước năm 1975 mà viết về kháng chiến thì đúng là dũng cảm!

    Nhà văn Võ Hồng từng tâm sự rằng: “Ước muốn của tôi là ghi lại chơn thiệt những gì đã xảy ra, không khen chê, không định kiến, giống như người thợ bấm máy chụp hình không sắp đặt dàn dựng. Tôi thương các thế hệ tổ tiên cơ cực, nhọc nhằn. Tôi thương đồng bào thế hệ tôi cũng nhọc nhằn cực khổ. Tôi muốn các thế hệ con cháu biết được cách sống của ông cha, mà cụ thể ở đây là người miền Trung”.

    Ông là người viết chậm, kỹ lưỡng từng câu văn, từng cách tạo dựng cấu trúc truyện và hình tượng nhân vật. “Khi xây dựng một cốt truyện là phải tạo ra những nhân vật, những tình tiết để câu chuyện diễn biến hợp lý, đồng thời còn phải tạo ra một cái gút và nghĩ cách mở gút sao cho tự nhiên. Nhiều truyện tôi viết gần xong nhưng bỏ đó vì chưa tìm ra một cách mở gút như ý. Tôi viết chậm vì tính ưa quan sát, nhìn kỹ, nhìn lâu, lắng nghe và chọn cho được từ ngữ chính xác nhất để mô tả. Nhân vật của tôi đa số đều có thật ngoài đời. Chẳng hạn trong Hoa bươm bướm và Như cánh chim bay, tôi miêu tả cảnh kháng chiến chống Pháp của người dân quê mình, chỉ tả những cảnh có thật chớ không hư cấu tình tiết ly kỳ”.

    Bên cạnh đề tài về đời sống kháng chiến, những đạo lý tình nghĩa truyền thống của dân tộc ở vùng đất Phú Yên và Nam Trung bộ thì đọc các tác phẩm của Võ Hồng, độc giả còn bắt gặp những tình yêu lứa đôi vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng. Tuy nhiên cái chất mô phạm nhà giáo góp phần “quy định” nhà văn trong ông nên truyện tình của ông thường thiếu những chi tiết hiện sinh bay bổng…

    Đặc biệt, trong các tác phẩm của ông, hình ảnh người phụ nữ bao giờ cũng hiện lên hết sức đẹp đẽ, hết sức trân trọng. Họ là những người bà, người mẹ, người chị... mà ngoài đời không phải bao giờ cũng dễ gặp. Ông thường lấy nguyên mẫu cho các nhân vật nữ ấy từ những người ông gặp gỡ, thấu hiểu, mà trước hết là người bạn đời quá cố của mình. Ông thổ lộ: “Hình ảnh vợ tôi hóa thân nhân vật Quỳ trong Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay và trong nhiều truyện ngắn khác. Vợ tôi bản chất nhân ái, dịu dàng. Cô ấy học ở Đà Lạt, giỏi ngoại ngữ, rất có năng khiếu piano... nhưng về với tôi ở vùng quê kháng chiến Phú Yên cô sống hòa hợp với người xung quanh như một cô gái nhà quê chính hiệu”.

    Không chỉ là một nhà giáo giàu tâm huyết, một nhà văn tài năng, Võ Hồng còn là tấm gương về một nhân cách sống mà học trò và người yêu văn học nhiều thế hệ kính trọng. Mấy mươi năm nay, nhà văn Võ Hồng dạy học và sáng tác ở thành phố biển Nha Trang, cách quê hương Phú Yên hơn 100 cây số về hướng Nam. Vì vậy, mỗi khi có dịp gặp người Phú Yên như chúng tôi, kỷ niệm trong ông lại tuôn trào. Những dịp quý như thế bây giờ không còn nữa khi ông đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 14 giờ chiều 31-3-2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, tại Nha Trang, thọ 92 tuổi.

    http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2013/4/315030/

     

     

    ***

     

    áo điện tử XỨ NẪU xunau.org   và   http://newvietart.com

    Ngày 3/4/2013

    Sau Khi Nhà Văn Võ Hồng Mất

    TRẦN VẤN LỆ

     

    Qua Ngoạn Mục, tới Trạm Hành (*)

    Chiếc xe dừng lại.  Rừng xanh bạt ngàn

     Cây không một chiếc lá vàng

    Gió se se lạnh mơ màng khói sương…

    Coi như xe đỗ giữa đường

    Năm mười phút đủ mình thương nhớ người

    Xưa người từng ở đây thôi

    Nay người đâu nữa, chỉ trời đất xanh!

    .

    Sương chiều nắng rọi long lanh

    Xe dừng rồi bỏ Trạm Hành, xe đi

    Với người xưa không biệt ly

    Mà ai trăm tuổi không về hư vô?

    .

    Đồi xưa nắng chiếu mơ hồ

    Rừng thông lá biếc sương mờ mờ sa…

    Bác Võ Hồng ơi Bác Võ Hồng à

    Ai mà không nhỉ tuổi già, Thiên Thu!

    .

    Qua Trạm Hành tới Dốc Đu

    Qua luôn Cầu Đất, qua cầu Xuân Hương…

    Xe qua không biết bao đường

    Lạ thay hình bóng ai dường đứng kia…

     .

    Tay đưa không có tay lìa

    Đà Lạt lạnh buốt, tôi về cô đơn…

     (*) Nhà văn Võ Hồng, quê Phú Yên, có một thời, đời công chức, ở Trạm Hành, cao nguyên Lâm Viên, giữa đường Phan Rang – Đà Lạt.  Nhiều năm cuối đời ông về Nha Trang, dạy học, viết văn, ông mất tại Nha Trang ngày 31 – 3 – 2013, 93 tuổi.  Khi còn sống, gặp người quen, nói chuyện đất nước, ông hay nhắc Trạm Hành, nơi trùng điệp rừng thông, đêm đêm chỉ đốt đèn dầu mà ấm lòng ấm dạ…

     

     

    ***

    Báo SÀIGÒN GIẢI PHÓNG ONLINE

    Ngày 3/4/2013

     

    Nhân cách văn học Võ Hồng

    PHAN HOÀNG

    Giống như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc của Sài Gòn và Nam bộ, Võ Hồng (ảnh) là cây bút tiêu biểu của Phú Yên và Nam Trung bộ nửa sau thế kỷ XX.

    Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông còn có các bút danh Ngân Sơn, Võ An Thạch, Võ Tri Thủy... Sự nghiệp sáng tác của ông gồm 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, đó là chưa kể những tập bút ký, tùy bút và các bài phê bình, khảo cứu... Võ Hồng là hình ảnh đặc trưng của một nhà văn xuất thân từ nhà giáo. Tính cách mô phạm, chỉn chu của nghề giáo đã hiện hữu trên mỗi trang văn. Ông kể rằng cha của ông tuy là một nông dân quê mùa nhưng ưa đọc sách báo, nhất là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi có người quen đi Sài Gòn thì ông nhờ mua sách truyện Tây du, Bao Công kỳ án, Tam quốc chí... Nhờ đó, từ nhỏ Võ Hồng đã mê đọc sách báo.

    Thời gian học tú tài ở Hà Nội, Võ Hồng làm quen với văn chương và được gặp những bậc tài danh làng văn bấy giờ như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau kể từ khi truyện ngắn đầu tiên Mùa gặt được đăng, Võ Hồng mới trình làng tập truyện đầu tay Hoài cố nhân vào năm 1959 do Nhà xuất bản Ban Mai ấn hành.

    Thời kỳ chống Pháp gian khổ và hào hùng ở quê hương Phú Yên chính là cái vốn phong phú và sinh động cho nhà văn dệt nên những tác phẩm khá thành công về sau. Trong công trình Văn học yêu nước và cách mạng ở Sài Gòn và các thành thị miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 đã nhận định về Võ Hồng: “Có thể nói ông là nhà văn của lòng nhân ái, những tình cảm nhân bản cao quý - tình cha con, tình mẹ con, tình anh em, tình thầy trò qua hàng loạt tác phẩm như: Vết hằn năm tháng, Áo em cài hoa trắng, Lá vẫn xanh, Mái chùa xưa, Con suối mùa xuân... nhưng đáng chú ý và có thể nói là dũng cảm là những truyện ngắn in trong hai tập Hoài cố nhân, Trầm mặc cây rừng và hai cuốn tiểu thuyết liên hoàn: Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay - những tác phẩm viết về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta”. Thật vậy, sống giữa chính thể “Việt Nam cộng hòa” trước năm 1975 mà viết về kháng chiến thì đúng là dũng cảm!

    Nhà văn Võ Hồng từng tâm sự rằng: “Ước muốn của tôi là ghi lại chơn thiệt những gì đã xảy ra, không khen chê, không định kiến, giống như người thợ bấm máy chụp hình không sắp đặt dàn dựng. Tôi thương các thế hệ tổ tiên cơ cực, nhọc nhằn. Tôi thương đồng bào thế hệ tôi cũng nhọc nhằn cực khổ. Tôi muốn các thế hệ con cháu biết được cách sống của ông cha, mà cụ thể ở đây là người miền Trung”.

    Ông là người viết chậm, kỹ lưỡng từng câu văn, từng cách tạo dựng cấu trúc truyện và hình tượng nhân vật. “Khi xây dựng một cốt truyện là phải tạo ra những nhân vật, những tình tiết để câu chuyện diễn biến hợp lý, đồng thời còn phải tạo ra một cái gút và nghĩ cách mở gút sao cho tự nhiên. Nhiều truyện tôi viết gần xong nhưng bỏ đó vì chưa tìm ra một cách mở gút như ý. Tôi viết chậm vì tính ưa quan sát, nhìn kỹ, nhìn lâu, lắng nghe và chọn cho được từ ngữ chính xác nhất để mô tả. Nhân vật của tôi đa số đều có thật ngoài đời. Chẳng hạn trong Hoa bươm bướmNhư cánh chim bay, tôi miêu tả cảnh kháng chiến chống Pháp của người dân quê mình, chỉ tả những cảnh có thật chớ không hư cấu tình tiết ly kỳ”.

    Bên cạnh đề tài về đời sống kháng chiến, những đạo lý tình nghĩa truyền thống của dân tộc ở vùng đất Phú Yên và Nam Trung bộ thì đọc các tác phẩm của Võ Hồng, độc giả còn bắt gặp những tình yêu lứa đôi vừa nhẹ nhàng vừa sâu lắng. Tuy nhiên cái chất mô phạm nhà giáo góp phần “quy định” nhà văn trong ông nên truyện tình của ông thường thiếu những chi tiết hiện sinh bay bổng…

    Đặc biệt, trong các tác phẩm của ông, hình ảnh người phụ nữ bao giờ cũng hiện lên hết sức đẹp đẽ, hết sức trân trọng. Họ là những người bà, người mẹ, người chị... mà ngoài đời không phải bao giờ cũng dễ gặp. Ông thường lấy nguyên mẫu cho các nhân vật nữ ấy từ những người ông gặp gỡ, thấu hiểu, mà trước hết là người bạn đời quá cố của mình. Ông thổ lộ: “Hình ảnh vợ tôi hóa thân nhân vật Quỳ trong Hoa bươm bướm, Như cánh chim bay và trong nhiều truyện ngắn khác. Vợ tôi bản chất nhân ái, dịu dàng. Cô ấy học ở Đà Lạt, giỏi ngoại ngữ, rất có năng khiếu piano... nhưng về với tôi ở vùng quê kháng chiến Phú Yên cô sống hòa hợp với người xung quanh như một cô gái nhà quê chính hiệu”.

    Không chỉ là một nhà giáo giàu tâm huyết, một nhà văn tài năng, Võ Hồng còn là tấm gương về một nhân cách sống mà học trò và người yêu văn học nhiều thế hệ kính trọng. Mấy mươi năm nay, nhà văn Võ Hồng dạy học và sáng tác ở thành phố biển Nha Trang, cách quê hương Phú Yên hơn 100 cây số về hướng Nam. Vì vậy, mỗi khi có dịp gặp người Phú Yên như chúng tôi, kỷ niệm trong ông lại tuôn trào. Những dịp quý như thế bây giờ không còn nữa khi ông đã vĩnh viễn ra đi vào lúc 14 giờ chiều 31-3-2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, tại Nha Trang, thọ 92 tuổi.

     

    ***

    http://chuyenbangquo.wordpress.com - Blog Chuyện Bâng Quơ

    Ngày 3/4/2013

     

    Tưởng niệm nhà văn Võ Hồng

    (1921 – 2013)

    BÀ TÁM

    Tôi nhận được e-mail của nhà văn NLU báo tin nhà văn Võ Hồng qua đời rất sớm. Có thể nói nhà văn Võ Hồng là một trong số rất hiếm nhà văn được yêu chuộng bởi nhiều độc giả trước và sau năm 1975. Tôi biết là sẽ được đọc tin này trên hầu hết các báo mạng và blog Việt ngữ nên không nghĩ đến chuyện viết vài lời tưởng niệm. Tôi không có cơ duyên quen biết ông hay gia đình ông, tuy nhiên một bạn văn khác lại bảo, bà đã đọc Võ Hồng, nên viết theo cảm nhận của người đọc. Để tưởng niệm ông.

    Thú thật tôi không phải là người đọc có đẳng cấp. Tôi yêu văn học nhưng không là nhà văn, tôi không kiếm sống bằng nghề văn, vì thế cái đọc của tôi cũng chỉ lõm bõm bạ đâu đọc đấy, cái gì vớ được thì đọc. Hôm trước chị Gió O rủ viết về chủ đề Võ Phiến nên tôi được dịp đọc nhiều tác phẩm của Võ Phiến. Tuy nhiên trước khi tôi được biết về nhà văn Võ Phiến tôi đã biết tiếng nhà văn Võ Hồng. Ở đây tôi xin thanh minh là tôi không dám so sánh về sự nổi tiếng của hai nhà văn lớn, tôi biết tiếng nhà văn Võ Hồng có lẽ là nhờ sự đa dạng của chủ đề ông chọn để khai thác trong đó có tình gia đình. Tôi cũng không có cơ hội đọc nhiều tác phẩm của ông. Hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn của Võ Hồng được đăng tải trên trang mạng http://www.vohong.de/. Tôi tự bảo là sẽ vào trang này, đọc cho bằng hết những tác phẩm này để học viết văn, nhưng tôi vì cuộc sống đòi hỏi, và cũng vì mới bước vào làng văn chương nhìn đâu cũng thấy toàn hoa thơm cỏ lạ nên la cà mãi vẫn chưa đọc được mấy tác phẩm của ông. Truyện đầu tiên của Võ Hồng tôi đọc và nhớ mãi đến giờ là Trận Đòn Hòa Giải. Quyển này tôi nhớ được in theo lối khổ nhỏ khoảng một phần hai trang giấy 8×11, giấy mỏng, trông giống như một tập thơ.

    Lần đầu tiên tôi đọc Trận Đòn Hòa Giải, tôi khóc. Mấy mươi năm sau, đầu hai thứ tóc đọc lại tôi vẫn khóc. Tôi không nhớ tôi đọc quyển này mấy lần, có thể nói ít nhất là ba lần. Lần nào cũng cảm động, mỗi lần đọc lại nhận ra một cái gì đó trong lòng mình.

    Nhân vật kể chuyện (narrator) trong Trận Đòn Hòa Giải là một thiếu nữ tên Hằng. Cô có hai đứa em. Em trai kế tên Hào. Em gái út tên Thủy. Cả ba đều còn đang tuổi đi học. Cô chị là học sinh Trung học. Cô em út là học sinh Tiểu học. Mẹ mất sớm, bố gà trống nuôi con.

    Những lần đọc đầu tiên tôi cám cảnh những đứa trẻ mồ côi. Tôi hình dung cô bé út nhõng nhẽo đáng yêu. Rồi tôi thấy xót xa cho ông thầy giáo mồ côi vợ. Sau đó tôi tưởng tượng đến nỗi bơ vơ của cô gái lớn đến tuổi trưởng thành không có mẹ để tâm sự hay trao đổi những thắc mắc trong sự thay đổi của thể xác. Bây giờ đọc lại tôi thấy truyện bắt người đọc nhìn lại lòng mình, nhìn lại cách cư xử của mình với người chung quanh. Có những suy nghĩ hành động của mình lúc ấy mình thấy là mình đúng mình phải nhưng về sau càng nghĩ thì càng thấy vướng víu. Không hẳn là sai nhưng mà có cái gì đó không hay, không đúng, không rộng lượng hay cao thượng. Thấy cái ghen tị, thấy cái nghĩ xấu của mình dành cho người thân, thấy cái mình bắt trẻ con phải hiểu và hành động như người lớn. Và trời ạ, cái đánh đòn, cứ nghĩ mình đánh con là mình dạy con là muốn cho con nên người. Thật ra, có phải mình dùng đòn để đạt kết quả mình muốn cho nhanh chóng, trong giây phút, để con không quấy rầy mình, để cuộc sống của mình được dễ dàng trong tạm bợ.

    Tôi không được cái diễm phúc làm học trò của nhà văn. Nhưng truyện của ông, chỉ một truyện tôi đọc trong rất nhiều truyện ông viết, là một bài học cho tôi. Mấy mươi năm sau đọc lại tôi vẫn chảy nước mắt, có khi vì hối lỗi với con mình.

    Văn của ông bao giờ cũng có vẻ nhân hậu. Đọc ông tôi luôn nhìn thấy sự phải trái của cuộc đời. Cám ơn ông. Ông yên nghĩ nhé.

     

    ***

     

     

    http://pgvn.vn  Trang Web của PHẬT GIÁO VIỆT NAM

    Ngày 3/4/2013

    Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN

     Viếng tang cố nhà văn Võ Hồng

     

    (LQ) Chiều ngày 2-4 tạt thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa phái đoàn chư tôn đức Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN đã đến phúng điếu viếng tang cố nhà văn Võ Hồng.

     

    Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng Ban Văn hóa TƯ GHPGVN làm trưởng đoàn cùng Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Ban Thường trực Ban Văn hóa TƯ GHPGVN; HT. Thích Quang Nhuận, Phó Ban Văn hóa TƯ GHPGVN; TT. Thích Phước Đạt, Chánh Thư ký Ban Văn hóa TƯ GHPGVN cùng chư Tăng, Ni, quý vị cư sĩ thành viên Ban Văn hóa đã đến phúng viếng, niêm hương cầu nguyện hương linh nhà văn siêu thoát.

     

    Sau 7 năm lâm bịnh, nhà văn, nhà giáo, cư sĩ Phật tử Võ Hồng đã qua đời vào lúc 14 giờ ngày 31-03-2013 (nhằm ngày 20-02-Quý Tỵ) tại nhà riêng, hưởng thọ 93 tuổi.

    Cư sĩ Võ Hồng sinh ngày 05-5- 1921 tại làng Ngân Sơn, xã  An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Cả cuộc đời làm nghề giáo và viết văn, đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi, hơn 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình…

    Tại buổi phúng viếng, chư tôn Hòa thượng cũng đã có lời chia buồn và động viên người thân cố nhà văn Võ Hồng thực hành đúng chánh pháp, tinh tấn tụng niệm và chay tịnh để góp phần cầu nguyện hương linh nhà văn siêu sanh Tịnh Độ.

    N.V.T

     

    ***

     

     

     

     

                    http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org