Các văn hào Mỹ được giải thưởng Nobel thế kỷ XX

Phạm Văn Tuấn
 
Trong thế kỷ 20, có tất cả 11 Văn Hào người Mỹ đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương.

1- 1930 Sinclair Lewis Tiểu Thuyết

2- 1936 Eugene O'Neill Kịch

3- 1938 Pearl Buck Tiểu Thuyết, Tiểu Sử

4- 1949 William Faulkner Tiểu Thuyết

5- 1954 Ernest Hemingway Tiểu Thuyết

6- 1962 John Steinbeck Tiểu Thuyết

7- 1976 Saul Bellow Tiểu Thuyết

8- 1978 Isaac Bashevis Singer Tiểu Thuyết, Truyện Ngắn

9- 1980 Czeslaw Milosz Thơ

10- 1987 Joseph Brodsky Thơ

11- 1993 Toni Morrisson Tiểu Thuyết, Bình Luận.


1/ Sinclair Lewis (1885 - 1951).

Sinclair Lewis là tiểu thuyết gia đầu tiên đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1930. Ông Lewis tốt nghiệp Đại Học Yale vào năm 1907, là phóng viên và nhà biên tập cho nhiều nhà xuất bản. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông có tên là "Ông Wrenn của chúng ta" (Our Mr. Wrenn, 1914) chỉ hấp dẫn được một số độc giả nhưng khi cuốn "Đại Lộ Chính" (Main Street, 1920) được xuất bản, danh tiếng của ông Lewis bắt đầu tăng lên. Cuốn tiểu thuyết này châm biếm tính buồn tẻ, thiếu văn hóa của một loại cư dân của một thị xã nhỏ có đầu óc hẹp hòi và tự mãn. Sau đó Sinclair Lewis thành công với các cuốn tiểu thuyết "Babbitt" (1922), "Arrowsmith" (1925), "Elmer Gantry " (1927) và "Dodsworth" (1929).

Các sáng tác về sau của Sinclair Lewis không bằng các cuốn trước, chẳng hạn như cuốn "Sự việc đó không thể xẩy ra tại đây" (It Can't Happen Here, 1935) qua đó tác giả bi quan việc giả dụ một nhà độc tài phát xít chiếm quyền tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này được chuyển thành kịch trình diễn vào năm 1936. Một cuốn khác nói về sự liên lạc chủng tộc có tên là "Kingsblood Royal" (1947). Văn Hào Sinclair Lewis qua đời trong cô đơn tại nước Ý vào ngày 10-1-1951.


2/ Eugene O'Neill (1888 - 1953).

Là một trong các nhà viết kịch bậc nhất của Hoa Kỳ, ông Eugene O'Neill đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương vào năm 1936. Các vở kịch của Eugene O'Neill hàm chứa đặc tính triết lý và tôn giáo, mang tính chất tự suy xét và qua tác phẩm, tác giả đã áp dụng các kỹ thuật kịch của châu Aạu.

O'Neill theo học Đại Học Princeton một năm (1906-07) sau đó sống một cuộc đời phóng đãng tại xứ Honduras, châu Phi và vùng Nam Mỹ. Cuộc sống buông thả đó khiến cho O'Neill mắc bệnh lao phổi. Trong thời gian đau bệnh, Eugene O'Neill đã đọc nhiều tác phẩm của Henrik Ibsen và August Strindberg và học cách viết kịch với George Pierce Baker của Đại Học Harvard trong các năm 1914-15. Vở kịch đầu tiên của Eugene O'Neill có tên là "Hướng về Cadiff ở phía Đông" (Bound East for Cadiff, 1916), sau đó là các vở "Trong Vùng" (In the Zone), "Cuộc Hành Trình Dài về Nhà" (The Long Voyage Home), "Vầng Trăng của Miền Caribbean" (The Moon of the Caribbees), tất cả nói về các kinh nghiệm biển khơi của tác giả.

Vào năm 1920, vở kịch dài "Bên ngoài Chân Trời" (Beyond the Horizon) được trình diễn trên sân khấu Broadway và đoạt Giải Thưởng Pulitzer. Các vở kịch "Anna Christie" (1922) và "Strange Interlude" (1928) cũng đoạt Giải Thưởng Pulitzer. Eugene O'Neill bắt đầu viết vở kịch "Mourning Becomes Electra" (1931) khi sống tại thành phố Paris. Nhiều vở kịch xuất sắc khác như "Ah, Wilderness!" (1933), "The Iceman Cometh" (1946)à Vở kịch đoạt Giải Thưởng Pulitzer thứ tư năm 1956 có tên là "Hành Trình Dài Ngày vào trong Đêm" (Long Day's Journey into Night) viết trong các năm 1939-41. Văn Hào Eugene O'Neill qua đời tại thành phố Boston vào ngày 27-11-1953.


3/ Pearl S. Buck (1892 - 1973).

Nữ Văn Hào này tên thật là Pearl S. Sydenstricker, bút hiệu là Pearl Buck và John Sedges, là tác giả danh tiếng về các tiểu thuyết viết về nước Trung Hoa, đoạt Giải Thưởng Nobel Văn Chương của năm 1938.

Pearl Buck trải qua thời thơ ấu tại nước Trung Hoa do cha mẹ là các nhà truyền giáo Presbyterian. Bà theo học tại thành phố Thượng Hải và tốt nghiệp Đại Học Randolph Macom Woman's tại Lynchburg, Va. vào năm 1914, rồi sau đó trở lại Trung Hoa và giảng dạy Văn Chương Anh tại Đại Học Nam Kinh.

Tác phẩm danh tiếng nhất của bà Pearl Buck là cuốn tiểu thuyết "Đất Lành" (The Good Earth, 1931), mô tả cuộc tranh đấu của một nông dân Trung Hoa cùng với vợ, sau đó là cuốn "Các Người Con Trai" (Sons, 1932) và "Gia Đình Chia Rẽ" (A House Divided, 1935), ba cuốn tiểu thuyết này họp thành bộ truyện "Căn Nhà Đất" (The House of Earth, 1935).

Bà Pearl Buck cũng viết tiểu sử của người mẹ qua tác phẩm "Người Tha Hương" (The Exile, 1936) và cuộc đời phấn đấu của người cha, ông Absalom Sydenstricker, bằng cuốn "Thiên Thần Tranh Đấu" (The Fighting Angel, 1936). Các tác phẩm của Nữ Văn Hào Pearl Buck gồm 65 cuốn, trong đó đáng kể là các cuốn "Người Vợ Cả và các truyện khác" (The First Wife and Other Stories, 1933), "Các Người Con của Long Vương" (Dragon Seed, 1942), "Xa và Gần" (Far and Near, 1947), "Cung Phi" (Imperial Woman, 1956), "Hành Động Tốt" (The Good Deed, 1969).


4/ William Faulkner (1897-1962).

Các tiểu thuyết của William Faulkner được xếp vào hạng các sách quan trọng bậc nhất của Thế Kỷ 20. William Faulkner là nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn, đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1947, đoạt các Giải Thưởng Pulitzer vào các năm 1955 vì tác phẩm "A Fable" và năm 1963 vì cuốn "Reivers".

William Faulkner viết về mọi loại người, giàu và nghèo, xấu và tốt, nô lệ hay tự do, tất cả được tác giả thu hình rõ ràng bằng các bài văn, đặc biệt nhất tác giả mô tả miền quê hư cấu có tên là "Yoknapatawpha" nằm trong tỉnh Jefferson. Đây chính là thị xã quê nhà Oxford của tác giả, trong Hạt Lafayette thuộc tiểu bang Mississippi.

William Faulkner chào đời ngày 25-9-1897 tại New Albany, Miss., sau đó gia đình dọn nhà qua thị xã Oxford. Faulkner theo học bậc trung học nhưng bỏ dở rồi sau Thế Chiến Thứ Nhất, đã theo học vài khóa tại đại học. Sáng tác đầu tiên của William Faulkner là tập thơ "The Marble Faun" (1924), sau đó là cuốn tiểu thuyết thứ nhất "Soldier's Pay" (1926). Tác phẩm danh tiếng đầu tiên của William Faulkner là cuốn tiểu thuyết "Âm Thanh và Cơn Thịnh Nộ" (The Sound and The Fury, 1929). Trong khoảng các năm từ 1929 tới 1932, William Faulkner đã viết ra các tác phẩm rất hay, gồm "Sartoris" (1929), "Khi tôi nằm chết" (As I Lay Daying, 1930), "Nơi Trú Ẩn" (Sanctuary, 1930), "Ánh Sáng Tháng 8" (Light in August, 1932).

Các tác phẩm của William Faulkner có đặc tính về kỹ thuật, chủ đề và giọng văn (tone). Tác giả đã dùng các hoàn cảnh phức tạp, nhiều loại nhân vật để bi thảm hóa sự rắc rối của đời sống và việc khó khăn tìm thấy sự thật. Chủ đề ưa thích của William Faulkner cũng là các tập quán và lịch sử của Miền Nam Hoa Kỳ và Văn Hào này đã cứu xét sự liên hệ giữa người da đen và người da trắng, quan tâm tới những người có chủng tộc pha trộn.

Các tiểu thuyết của William Faulkner mang giọng văn nghiêm trang, đôi khi bi thương (tragic), nhấn mạnh tới cảnh bạo hành (violence) và bất bình thường (abnormality) và mục đích của tác giả là vạch ra các khuyết điểm của xã hội bởi vì theo Văn Hào này, nhiệm vụ của nhà văn là nhắc nhở độc giả về các giá trị như tình yêu, danh dự, niềm kiêu hãnh, niềm trắc ẩn và lòng hy sinhà


5/ Ernest Hemingway (1899-1961).

Ernest Hemingway là nhà văn viết tiểu thuyết và truyện ngắn, đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương năm 1954. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1917, Hemingway làm nghề phóng viên cho tờ báo Kansas City Star rồi làm tài xế lái xe Hồng Thập Tự, bị thương tại mặt trận Áo -Ý. Năm 1921, Ernest Hemingway sống tại thành phố Paris, nước Pháp, tham gia vào nhóm các nhà viết văn trẻ được gọi là "Thế hệ lạc lõng" (the lost generation).

Hai tiểu thuyết danh tiếng nhất của Ernest Hemingway trong thời kỳ ban đầu là cuốn "Mặt Trời Vẫn Còn Mọc" (The Sun Also Rises, 1926) và cuốn "Giã Từ Vũ Khí" (A Farewell to Arms, 1929). Trở về Hoa Kỳ năm 1927, Ernest Hemingway viết các truyện ngắn trong thập niên 1930 với các tác phẩm xuất sắc như "Một nơi sạch sẽ và quang đãng" (A Clean, Well-Lighted Place), "Cuộc đời ngắn ngủi và hạnh phúc của Francis Macomber" (The Short Happy Life of Francis Macomber) và "Tuyết trên Đỉnh Núi Kilimanjaro" (The Snows of Kilimanjaro).

Năm 1930, Hemingway sang xứ Tây Ban Nha làm phóng viên chiến trường để viết các bài về cuộc Nội Chiến. Cảnh chiến tranh được tác giả dựng nên trong truyện "Vì Ai Hồi Chuông Báo Tử" (To Whom the Bell Tolls, 1940) và đây là một trong các tiểu thuyết xuất sắc nhất của Hemingway.

Ngoài một số tác phẩm khác như cuốn "Qua Sông và vào trong Rừng" (Acros the River and Into the Trees, 1950), Ernest Hemingway đã làm sống lại chủ đề về một người can đảm, chấp nhận số phận qua cuốn truyện "Ngư Ông và Biển Cả" (The Old Man and the Sea, 1952) và tác phẩm này đã mang lại cho ông Giải Thưởng Nobel về Văn Chương. Ernest Hemingway tự sát vào năm 1961 sau nhiều năm chịu đựng bệnh tật trong thập niên 1950.

Văn Hào Ernest Hemingway đã làm phát triển một thể văn bình dị, mạnh mẽ với các câu văn đơn giản, dùng ít tính từ và trạng từ, với cách đối thoại ngắn, chính xác, mô tả rõ ràng nơi chốn và đồ vật. Trong các tác phẩm của ông là loại nhân vật nam can đảm, đối đầu với bạo hành và tàn phá, với cách hành sử không bị cảm xúc ngay cả trong các hoàn cảnh nguy hiểm và đây là loại anh hùng Hemingway.


6/ John Steinbeck (1902-68).

John Steinbeck là Văn Hào đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1962, được nhiều độc giả nhớ tới nhất do cuốn tiểu thuyết "Chùm Nho Uất Hận" (The Grapes of Wrath, 1939).

John Steinbeck chào đời ngày 27-2-1902 tại Salinas, Ca., đã theo học Đại Học Stanford trong các năm từ 1920 tới 1926 nhưng không có bằng cấp. Ông Steinbeck trải qua nhiều năm tại Hạt Monterey, Ca., làm nghề lao động để kiếm sống trong khi cầm viết và nhờ các kinh nghiệm thực sự, ông đã mô tả các cuộc đời của những công nhân.

Ba cuốn tiểu thuyết đầu tiên không thành công của John Steinbeck là "Ly Vàng" (Cup of Gold, 1929), "Mục Trường của Thiên Đàng" (The Pastures of Heaven, 1932) và "Về một Thượng Đế không biết" (To A God Unknown, 1933). Tới khi cuốn truyện kể về các người Mỹ gốc Mễ "Tortilla Flat" (1935) xuất hiện, John Steinbeck mới được độc giả và các nhà phê bình khen ngợi. Sau đó nhà văn Steinbeck thành công với tác phẩm "Trong Trận Chiến không được thua" (In Dubious Battle, 1936) và "Về Chuột và Người" (Of Mice and Men, 1937). John Steinbeck đoạt Giải Thưởng Pulitzer và Phần Thưởng Sách Quốc Gia (a National Book Award) do cuốn "Chùm Nho Uất Hận" (1939). Hai cuốn truyện "Về Chuột và Người" và "Chùm Nho Uất Hận" được quay thành phim.

Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, John Steinbeck qua Bắc Phi và nước Ý làm phóng viên chiến trường. Các tác phẩm sau này của ông gồm có "Cannery Row" (1945), "Ngọc Trai" (The Pearl, 1947), "Phía Đông của Eden" (East of Eden, 1952), "Mùa Đông Bất Mãn" (The Winter of Our Discontent, 1961). Văn Hào John Steinbeck cũng viết nhiều truyện phim, đặc biệt là hai tác phẩm "Ngôi Làng bị quên lãng" (Forgotten Village, 1941) và "Viva Zapata" (1952).


7/ Saul Bellow (1915 - )

Nhà văn Saul Bellow đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1976, một lần nhận Giải Thưởng Pulitzer và ba lần lãnh Giải Thưởng Sách Quốc Gia (the National Book Awards), là đại diện cho các nhà văn Hoa Kỳ gốc Do Thái, với các tác phẩm được xếp vào hàng trung tâm của nền Văn Chương Mỹ sau Thế Chiến Thứ Hai.

Cha mẹ của Saul Bellow di cư từ nước Nga qua thành phố Montreal, Canada, vào năm 1913 và nhà văn Saul chào đời vào ngày 10-6-1915 tại Lachine, gần Montreal, trải qua thời thơ ấu trong vùng cư dân Do Thái nghèo khó. Vào năm 1924, cha của Saul Bellow dọn nhà qua thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, và nhà văn Saul coi thành phố này là quê hương gốc. Saul Bellow theo học Đại Học Northwestern và tốt nghiệp Cử Nhân (B.S.) vào năm 1937.

Trong thập niên 1940, Saul Bellow viết ra các tiểu thuyết đầu tiên "Người đàn ông theo đuổi" (Dangling Man, 1944) và "Nạn Nhân" (The Victim, 1947). Tiểu thuyết đầu tiên của ông được độc giả và giới phê bình ca ngợi là cuốn "Các cuộc phiêu lưu của Augie March" (The Adventures of Augie March, 1953) qua đó tác giả dùng thể văn lỏng lẻo, nhẹ nhàng, đi ngược với cách quan tâm toàn hảo về hình thức (perfection of form) của các nhà văn đương thời. Các nhân vật phản diện (antiheroes) trong các cuốn tiểu thuyết về sau của Saul Bellow là các nhà trí thức Do Thái có các độc thoại nội tâm thay đổi từ tuyệt vời (sublime) đến phi lý.

Văn Hào Saul Bellow đã viết ra nhiều tiểu thuyết như "Herzog" (1964), "Mr. Sammler's Planet" (1970), "Humboldt's Gift" (1975),"The Dean's December" (1982), "More Die of Heartbreak" (1987), "A Theft" (1989), "The Bellarosa Connection" (1989)à Ngoài việc sáng tác, Văn Hào Saul Bellow còn giảng dạy Văn Chương tại nhiều trường như Đại Học Chicago và Đại Học Princeton.


8/ Isaac Bashevis Singer (1904-1991).

Đây là nhà văn người Mỹ đoạt Giải Thưởng Nobel của năm 1978, sinh ngày 14-7-1904 tại Radzymin, nước Ba Lan, chuyên viết các tiểu thuyết, truyện ngắn và bài bình luận bằng tiếng Do Thái qua đó phản ánh nền giáo dục Do Thái và quá trình sinh sống trong xứ Ba Lan. Các cuốn truyện của Văn Hào Singer mang tính lãng mạn hay truyền thuyết hơn là hiện thực, và trong cốt truyện có pha trộn sự châm biếm, khôn ngoan và huyền bí.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Isaac Singer trước khi di cư qua Hoa Kỳ năm 1935 có tên là "Satan in Goray". Qua miền đất mới, Singer làm nhà báo, viết các bài dưới bút hiệu Varshavski đăng trên tờ báo Jewish Daily Forward xuất bản tại thành phố New York. Vào năm 1943, ông Singer nhập quốc tịch Hoa Kỳ.

Văn Hào Isaac Singer trưởng thành trong một khu vực nghèo khó của thành phố Warsaw, đã mô tả cuộc đời của mình trong tác phẩm "Một Ngày Vui : các câu chuyện của một cậu con trai lớn lên tại thành phố Warsaw" (A Day of Pleasure : Stories of a Boy Growing Up in Warsaw, 1969). Các truyện ngắn danh tiếng của Isaac Singer là các cuốn : "Gimpel the Fool" (1957), "The Spinoza of Market Street" (1961), "Short Friday" (1964), "A Friend of Kafka" (1970), "A Crown of Feathers" (1973), "Old Love" (1979), "Stories for Children" (1984), "The Image" (1985), và "The Death of Methuselah" (1988). Danh sách các tiểu thuyết quan trọng gồm có "Gia Đình Moskat" (The Family Moskat, 1950), "Nhà Quỷ Thuật của Lublin" (The Magician of Lublin, 1960), "Người Nô Lệ" (The Slave, 1962), "Các Kẻ Thù : Một Câu Chuyện Tình" (Enemies : A Love Story, 1972), "Shosha" (1978), "Vua của các Cánh Đồng" (The King of the Fields, 1988) và "Scum" (1991).

Các nhân vật trong các tác phẩm của Isaac Singer thường bị ám ảnh bởi các vấn đề lòng tin và tội lỗi, nhiều cốt truyện với tính chất bí ẩn, ma thuật à đề cập đến sự liên quan giữa con người và Thượng Đế.


9/ Czeslaw Milosz (1911 - )

Lời biểu dương của Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1980 trao tặng Văn Hào Czeslaw Milosz có ghi rõ "ông Milosz đã mô tả trong các bài văn, bài thơ và bài bình luận một thế giới trong đó con người sinh sống sau khi bị loại ra khỏi thiên đàng".

Czeslaw Milosz là nhà văn lẩn trốn khi Đức Quốc Xã chiếm đóng nước Ba Lan và ông cũng là người lưu vong chạy trốn chế độ Cộng Sản. Milosz chào đời ngày 30-8-1911 tại Sateiniai, trong xứ Lithuania thuộc Nga rồi sau thuộc nước Ba Lan. Năm 21 tuổi, ông đã cho xuất bản tập thơ "Thơ của Thời Kỳ Đóng Băng" (Poem of Frozen Time). Ông Milosz là đầu đàn của nhóm nhà thơ "Thiên Tai" (the Catastrophist group) do bởi những thi nhân này thường đề cập tới các tai họa toàn cầu.

Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, Czeslaw Milosz tham gia phong trào kháng chiến chống Đức, viết ra các tác phẩm phổ biến lén lút. "Cứu Vớt" (Rescue, 1945) là tập thơ đầu tiên của ông xuất bản trong nước Ba Lan Cộng Sản sau Thế Chiến Thứ Hai. Ông Milosz được chính quyền mới này bổ nhiệm làm tùy viên văn hóa tại Thủ Đô D.C., Hoa Kỳ, rồi tại Paris nhưng tới năm 1951, ông đã xin tị nạn chính trị tại nước Pháp vì không thể chấp nhận đường lối "hiện thực xã hội chủ nghĩa" (social realism). Nhà thơ Milosz di chuyển qua Hoa Kỳ vào năm 1960, giảng dạy tại Đại Học Berkeley, California. Ông Milosz nhập tịch Hoa Kỳ năm 1970.

Văn Hào Czeslaw Milosz đã viết ra tuyển tập các bài bình luận "The Captive Mind" (1953), cuốn tiểu thuyết "Chiếm Quyền" (the Seizure of Power, 1955), "Thung Lũng Issa" (Issa Valley, 1955)à, cuốn tự thuật "Native Realm" (1959), Tuyển Tập Thơ 1931-78 và tập thơ 1987-91 với tên là "Các Tỉnh" (Provinces, 1993).




10/ Joseph Brodsky (1940 - 1996).

Nhà thơ Brodsky với các bài thơ trữ tình, bi ai (elegiac), đoạt Giải Thưởng Nobel về Văn Chương của năm 1987. Brodsky rời khỏi trường học năm 15 tuổi, bắt đầu làm thơ rất sớm và đã nổi danh trong giới văn học của thành phố Leningrad nhưng bản chất ưa thích độc lập và các công việc làm ăn không đều, đã khiến cho nhà thơ trẻ này bị chính quyền Cộng Sản lên án năm 1964 là "ăn bám xã hội" (social parasitism), phải chịu 5 năm lao động cải tạo. Sau khi giới Văn Học Xô Viết phản đối việc kết án bất công này, Joseph Brodsky được giảm án vào năm 1965 rồi bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1972. Nhà thơ Brodsky qua Hoa Kỳ rồi nhập quốc tịch Mỹ vào năm 1977. Ông Brodsky giảng dạy thơ phú tại nhiều đại học và được coi là thi bá (poet laureate) của Hoa Kỳ trong năm 1991-92.

Các bài thơ của Văn Hào Joseph Brodsky thường liên quan tới các dề tài cuộc sống, cõi chết và ý nghĩa của đời người. Các tác phẩm ban đầu viết bằng tiếng Nga của ông, gồm có "Verses and Poems" (1965), "A Halt in the Wasteland" (1970). Các tác phẩm khác do George L. Kline dịch, là tập thơ "Selected Poems" (1973), "A Part of Speech" (1980), "Lịch Sử của Thế Kỷ 20" (History of the Twentieth Century, 1986), "To Urania" (1988) và tập bài bình luận "Less Than One" (1986).


11/ Toni Morrison (1931 - ).

Toni Morrison là nhà văn nữ da đen Hoa Kỳ, tên thật là Chloe Anthony Wofford, chào đời ngày 18-2-1931, lớn lên trong miền Trung Tây Hoa Kỳ, theo học Đại Học Howard trong Thủ Đô D.C. và Đại Học Cornell tại Ithaca, New York. Sau các năm giảng dạy tại các Đại Học Texas Southern và Howard, bà Morrison làm nhà biên tập cho nhà xuất bản Random House.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà Morrison có tên là "Mắt Xanh Nhất" (The Bluest Eye, 1970). Vào năm 1973, bà cho xuất bản cuốn thứ hai "Sula" qua đó mô tả các giới hạn của phụ nữ da đen. Tác phẩm này khiến cho tác giả lãnh Giải Thưởng Sách Quốc Gia và bà Morrison được công nhận là một tài năng văn học. Kế tiếp là tác phẩm "Bài Ca của Solomon" (Song of Solomon, 1977) tập trung vào các người nô lệ da đen, trở thành cuốn truyện bán chạy nhất (a best-seller), đã đoạt Giải Thưởng Sách Quốc Gia và Giải Thưởng của Hàn Lâm Viện và Viện Nghệ Thuật & Mỹ Tự Hoa Kỳ. Tác phẩm thứ tư là cuốn "Tar Baby" (1981) cũng trở nên cuốn truyện bán chạy nhất và Nữ Văn Hào Toni Morrison được ca ngợi là "nhà văn da đen hàng đầu của Hoa Kỳ".

Tới năm 1987, cuốn tiểu thuyết "Người Thương" (Beloved) được nhiều người coi là tác phẩm thành công nhất, được tặng Giải Thưởng Pulitzer. Các sáng tác kế tiếp của bà Morrison gồm hai cuốn "Jazz" (1992), "Thiên Đường" (Paradise, 1998) và cuốn sách gồm các bài bình luận có tên là "Chơi trong bóng tối : Bạch Hóa và Trí Tưởng Tượng trong Văn Chương" (Playing in the Dark : Whiteness and the Literary Imagination, 1992). Tất cả các công trình văn học kể trên đã khiến Nữ Văn Hào Toni Morrison đoạt Giải Thưởng Nobel của năm 1993.