Quay quanh giải thưởng Nobel Văn chương

Đc báo:   e-van.com   10/10/2007

 

Nobel Văn chương và những lời đàm tiếu
Nobel Văn chương 2007 sẽ là ai?
Những nhà văn lớn không đoạt giải Nobel
Cormac McCarthy đoạt giải Pulitzer
Elfriede Jelinek và những trang viết táo bạo trong 'Greed'
Kundera, Milan
Marcel Proust - tiểu thuyết gia vĩ đại thế kỷ 20
Nhà văn David Grossman Israel kêu gọi ngừng bắn
Nhà văn Grossman lên án chính phủ Israel
Chinua Achebe nhận giải Man Booker quốc tế

 

 Nobel Văn chương và những lời đàm tiếu

Jeanne RudbeckMai Quỳnh dịch  

Giới trí thức Thụy Điển đang xì xầm rỉ tai nhau về những ứng viên của giải Nobel Văn chương 2007. Năm này qua năm khác, cứ đến dịp này, người ta lại cảm thấy không thể tha thứ cho Viện Hàn lâm vì đã phớt lờ Leo Tolstoy, James Joyce, P.G. Wodehouse cùng những quyết định sai lầm khác.

Mỗi năm một lần, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển - nơi trao giải Nobel Văn chương - lại khiến không biết bao nhiều người bực dọc vì quyết định của mình.

Đỉnh điểm của những lời đàm tiếu bùng nổ vào khoảng cuối tháng 9, khi cái tên của những ứng viên cuối cùng được truyền từ tai này sang tai khác trong giới nhà văn Thụy Điển. Bây giờ “Sweden model” [1] đã ốm yếu, còi cọc và Ingmar Bergman thì đã chết, nên giải Nobel được coi là thứ văn hóa cao cấp trong một đất nước vốn dành rất nhiều sự quan tâm cho Britney Spears và chương trình Allsång på Skansen [2].

Tuy nhiên, hậu trường của giải thưởng danh giá nhất, trị giá tới 1,5 triệu USD (hơn 24 tỷ đồng) này, tồn tại cả một lịch sử làm việc lộn xộn, cẩu thả.

 

Tolstoy - người khổng lồ không được Ủy ban Nobel để mắt đến.

Các giải thưởng Nobel bị bao vây bởi sự bất đồng ngay từ khi mới bắt đầu. Thụy Điển từng “thất kinh” khi giải thưởng Hòa bình được quyết định là do Nauy định đoạt. Trong khi sự mâu thuẫn hiếm khi gieo tiếng xấu cho các giải thưởng về Y học và Hóa học thì giải Hòa bình và Văn chương dường như lại tạo lập thanh thế, tiếng tăm nhờ vào sự tranh cãi hơn là những lựa chọn hoàn hảo.

Tiểu thuyết gia người Anh Anthony Burgess, nhà văn chưa từng đoạt giải cho rằng, Viện Hàn lâm Thụy Điển ít nhất cũng rất nhất quán trong việc đưa ra các quyết định sai lầm từ năm này qua năm khác.

Chứng cớ rành rành, không thể chối cãi là việc họ bỏ qua James Joyce and P.G. Wodehouse. Sự thừa mứa và hài hước là điều không thể chấp nhận được trong những căn phòng trang trọng, nằm trên tòa nhà trước đây là Thị trường chứng khoán Thụy Điển - nơi các viện sĩ Hàn lâm cân nhắc, thảo luận về người đoạt giải Nobel trước khi cùng tụ tập vào một phòng ăn riêng tư ở nhà hàng Old Town. Liệu điều này có thể lý giải cho những điều không thể giải thích như việc trao giải cho Pearl Buck là một quyết định chỉ có thể được đưa ra sau một bữa đánh chén quá thừa thãi súp đậu (pea soup), bánh ngọt pancakes và rượu punch [3].

Thế họ đã nghĩ gì khi lờ đi Tolstoy và Proust - tác giả Đi tìm thời gian đã mất - cuốn sách mà người ta không thể hình dung nổi thế kỷ 20 sẽ ra sao nếu thiếu nó, trong khi lại trao giải cho những tên tuổi như Rudolf Eucken, Carl Spitteler và Grazia Deledda? Một sự bất đồng đặc biệt khó chịu khác cũng nảy sinh trong nội bộ Viện Hàn lâm khi giải thưởng được trao cho William Golding – “một hiện tượng Anh nhỏ và không mấy được quan tâm”. Đấy là thông tin do một thành viên của Viện Hàn lâm vì tức giận trước quyết định này nên đã quyết định phá vỡ lời thề im lặng mà tiết lộ.

Tranh cãi là chuyện bình thường và hiện tượng bất đồng ý kiến thường chuyển dần thành thái độ hằn học, đầy ác ý. Có lúc, những cuộc tranh luận mang tính chất bè phái đã khiến cho Norman Mailer, Jorge Luis Borges và Graham Greene đáng lẽ gia nhập được vào hội những giải thưởng Nobel nổi tiếng lại trở thành những cái tên bị gạt ra ngoài.

Không ai trên văn đàn đứng ra công khai chỉ trích Viện Hàn lâm. Một phần vì đây là tổ chức phát lương cho các nhà văn Thụy Điển. Nhiều ý kiến khác cho rằng, các giải thưởng Nobel phụ thuộc quá nhiều vào các ý thức hệ. Họ nói, Viện Hàn lâm tuân thủ theo các định hướng chính trị đến nỗi các thành viên chẳng buồn đọc tác phẩm khi xét giải.

Nhưng Magnus Eriksson, nhà phê bình văn học của tờ Svenska Dagbladet, quyết liệt phản đối: “Viện Hàn lâm là một tổ chức hoàn toàn phi chính trị. Các quyết định của họ là đáng tin cậy và chỉ căn cứ vào giá trị văn chương. Nếu chính trị gây ảnh hưởng tới họ thì V.S. Naipaul sẽ không bao giờ được giải”. Ông cũng giải thích thêm về trường hợp một số nhà văn trượt Nobel: “Joseph Conrad không bao giờ được trao giải vì Viện Hàn lâm đã cẩn trọng tuân theo di chúc của Nobel, rằng, các tác phẩm được tôn vinh nên có thiên hướng lạc quan, tích cực. Conrad, cũng như là Thomas Hardy, có cái nhìn quá tăm tối, bi quan”.

Alfred Nobel, người chế ra thuốc nổ dynamite cho rằng, bản thân ông là người theo chủ nghĩa hoà bình. Trong di chúc, ông dặn dò, giải thưởng nên trao cho những người có tư tưởng lạc quan, mơ mộng: “Tôi muốn giúp đỡ những người biết mơ mộng khi họ cảm thấy cuộc đời này quá khắc nghiệt”.

Giống như đất nước có sứ mệnh trao giải thưởng này, ở đây, không có chỗ cho sự vui nhộn kiểu Burgess, cũng không có chỗ cho những bi quan đỉnh điểm như Joseph Conrad. Nó là con đường trung lập.

Magnus Eriksson cho rằng, Cormac McCarthy có thể là một ứng viên của Nobel Văn chương năm nay. Peter Lutherson, giám đốc nhà xuất bản Atlantis nghĩ Don DeLillo mới xứng đáng. Carl Otto Werkelid, biên tập viên Svenska Dagbladet chọn Amos Oz nhưng chú thích thêm rằng việc dự đoán là không hề dễ dàng gì. Nobel của năm nay đang được giữ tuyệt mật.

Nhưng cũng có thể, Nobel Văn chương 2007 sẽ về tay một tên tuổi mà phần lớn chúng ta chưa từng nghe đến. Và nếu thế, nhà thơ Syria Adonis và nhà thơ Hàn Quốc là hai cái tên có nhiều cơ hội.

Mai Quỳnh dịch

(Nguồn: thelocal)

[1] “Mô hình Thụy Điển”: khái niệm chỉ mô hình nhà nước của phúc lợi xã hội toàn dân được các nhà Dân chủ Xã hội khởi xướng từ những năm 1930 nhưng đến thập kỷ 90 thì các chế độ phúc lợi xã hội bị cắt giảm ít nhiều do tác động của khủng hoảng kinh thế.
[2] Lễ hội âm nhạc lớn, diễn ra hàng năm vào mùa hè tại Skansen, Stockholm, Thụy Điển.
[3] Một cách diễn đạt mang tính chất chơi chữ đồng âm của người viết.
 

 

Nobel Văn chương 2007 sẽ là ai?

  Marlon James   Thanh Huyền dịch

 

Viện Hàn lâm Thụy Điển chưa tiết lộ ngày giờ công bố giải Nobel Văn chương 2007, dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 10. Nhưng giới cá cược đã xôn xao tranh cãi về tỷ lệ cược và dự đoán người chiến thắng. Dưới đây là nhận định của nhà văn Marlon James [1]về những ứng viên sáng giá của năm nay.

Tôi không biết nhiều về thể thao nhưng tôi luôn có khả năng kỳ lạ trong việc chọn ra đội thắng cuộc. Khi tôi đoán chính xác giây phút mà đội Pháp ghi bàn hồi World Cup 1998, những người xung quanh tôi thấy kinh hoàng hơn là ấn tượng. Tài tiên tri của tôi càng được củng cố khi năm ngoái, tôi đoán chính xác Orhan Pamuk sẽ là chủ nhân của Nobel 2006.

Pamuk nhận giải Nobel năm 2006.
Pamuk nhận giải Nobel năm 2006.

Vậy năm nay sẽ đến lượt ai đây? Tôi cá, người đó sẽ là một trong những trường hợp sau:

1. Một nhà thơ Đông Âu hoặc một tiểu thuyết gia lạ hoắc

Khi gặp lúng túng trong việc tìm ra một gương mặt mới, ủy ban Nobel thường quay về với mảnh đất quen thuộc. Trong 10 năm qua, có tới 7 Nobel Văn chương là người châu Âu.

2. Margaret Atwood (Sinh năm 1039 tại Ottawa, Canada, Atwood đến với văn chương từ năm 19 tuổi với tuyển tập thơ Double Persephone. Bà nổi tiếng với những tác phẩm như The Edible WomanThe Handmaid's Tale. Gần đây nhất, Margared Atwood được Liên hoan văn học quốc tế Blue Metropolis tại Montreal trao tặng giải thưởng Thành tựu trọn đời)

Robertson Davies đã chết. Michael Ondaatje chỉ mới lấp ló đặt chân đến khu vực dành cho các ứng viên Nobel. Thế nên, còn lại Margaret Atwood là nhà văn Canada nổi bật nhất. Lần gần nhất Ủy ban Nobel vinh danh một nữ nhà văn là khi họ trao giải cho Elfriede Jenilek. Quyết định này là một thảm họa mà đến nay Ủy ban Nobel vẫn chưa phục hồi thanh danh được. Nên các thành viên Nobel chắc sẽ rất lo lắng để đưa ra một quyết định đúng. Atwood viết khỏe, tích cực và đầy kích thích, là một tên tuổi được nhiều người thực sự tìm đọc. Bà thậm chí còn sáng tác thơ nữa.

Nhưng Atwood không bao giờ công khai bày tỏ quan điểm chính trị gì. Đây có thể là yếu tố tạo nên sự khác nhau giữa người chiến thắng và ứng cử viên.

3. Philip Roth (Sinh năm 1933 tại Newark, New Jersey, Mỹ, ông là bậc thày truyện ngắn đương đại với những tác phẩm nổi tiếng như Good Bye, Columbus, Portnoy's Complaint, Zuckerman Unbound, The ghost writer...)

Roth có lẽ là nhà văn Mỹ tài năng nhất hiện nay. Nhưng Roth cũng không phải là một nhà văn có tiếng nói chính trị đặc biệt, điều này có thể phương hại đến cơ hội của ông.

4. Cormac McCarthy (Sinh năm 1933 tại Rhode Island, Mỹ. Ông nổi tiếng với các tác phẩm: Child of God, No country for old men... Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông - The Road - vừa đoạt giải Pulitzer và giải James Tait Black Memorial 2007)

Chưa từng viết một cuốn sách tồi. Có lẽ Cormac McCarthy là “nhà văn của các nhà văn” duy nhất còn sống. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông - The Road - có lẽ là tác phẩm kiệt xuất của nhà văn.

5. Chinua Achebe (Nhà văn sinh năm 1930 tại Ogidi, Nigeria và được coi là "cha đẻ của nền văn học châu Phi". Ngoài sáng tác, ông còn là một nhà hoạt động xã hội tích cực vì sự tiến bộ của lục địa đen. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm và tiểu luận mang tính chất tiên phong và gây ấn tượng mạnh như Things Fall Apart, A Man of the People, Arrow of God. Mới đây nhất, Chinua Achebe được trao giải Man Booker 2007).

2008 là dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra đời của Things Fall Apart - ngòi nổ đầu tiên của dòng tiểu thuyết hậu thuộc địa trên thế giới. Ông có lẽ là nhà văn đương thời vĩ đại nhất chưa đoạt giải Nobel. Việc những học trò nhỏ của ông từ Toni Morrison đến JM Coetzee được vinh danh còn ông thì không là một thực tế tai tiếng về sự thiếu sủng ái.

Sau Pamuk, ai sẽ tiếp tục được vinh danh?
Sau Pamuk, ai sẽ tiếp tục được vinh danh?

6. Haruki Murakami (Nhà văn Nhật, sinh năm 1949 tại Kyoto, hiện định cư tại Mỹ. Ông nổi tiếng với những tác phẩm được đón đọc nồng nhiệt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Lắng nghe gió hát, Kafka trên bờ biển...)

Kể từ sau Cao Hành Kiện, chưa có nhà văn châu Á nào đoạt giải Nobel. Nhưng khác với Cao Hành Kiện, độc giả thực sự đón đọc Murakami. Ngoài ra, việc Murakami là dịch giả của những Nobel lớn như Camus khiến ông trở thành một đối sánh mà khi được so sánh với ông, các thành viên của Ủy ban Nobel chỉ là những chú ngỗng non.

7. Adunis (Tên thật là Ali Ahmad Said Asbar, sinh năm 1930 tại Al Qassabin, Syria. Ông là nhà thơ, nhà hoạt động chính trị tích cực. Tác phẩm của ông gồm một số tuyển tập như If Only the Sea Could Sleep,The Pages of Day and Night. Ông đặc biệt nổi tiếng ở nước Mỹ với bài thơ The Funeral of New York với những câu như: New York là một mụ đàn bà/ một tay, theo lịch sử/ nắm giữ mớ giẻ rách được gọi là tự do/ Tay kia, bóp nghẹt trái đất...)

Nhà thơ Syria này từ lâu đã được đồn đại là một trong những ứng viên lọt vào tầm ngắm của Ủy ban Nobel. Adunis còn có lợi thế hơn vì kể từ năm 1996, chưa từng có thêm một nhà thơ nào đoạt giải.

Hơn nữa, Adunis lại là một nhà thơ đến từ vùng giao tranh Trung đông, Trao giải cho ông, Ủy ban Nobel sẽ hướng dư luận đến một giọng điệu còn khá lặng lẽ và chĩa thẳng đến chính quyền Bush.

8. David Grossman (Sinh năm 1954 tại đất Thánh Jerusalem. Ông nổi tiếng với The Smile of the LambSomeone to Run With... Grossman cũng là nhà hoạt động tích cực vì hòa bình giữa Israel và Palestine).

Nếu Grossman không tồn tại, người ta sẽ phải "sáng chế" ra ông. David Grossman rõ ràng là một tiểu thuyết gia xuất sắc và lão luyện. Ông còn là một biểu tượng. Một người đàn ông xứng đáng cả giải Nobel Văn chương lẫn Nobel Hòa bình. Ông là nhà văn Israel thiết tha kêu gọi hòa bình và từng mất đứa con trai trong cuộc chiến vì hòa bình ấy. Tài năng, hoạt động xã hội tích cực và có cuộc đời bi kịch - đấy chính là khẩu vị của Nobel.

9. Nurrudin Farah (Tiểu thuyết gia Somali sinh năm 1954. Ông nổi tiếng với A Naked Needle, bộ ba tác phẩm Variations on the Theme of an African Dictatorship và bộ đôi Blood in the Sun)

Farah từng đoạt giải Neustadt quốc tế - một dấu hiệu rất lạc quan cho sự phát triển xa hơn, đặc biệt là với những nhà văn chưa nổi tiếng ở Mỹ.

10. Không một ai trong số những người kể trên

Thế thì giải thưởng có thể được trao cho Milan Kundera. Tôi có cảm giác, lý do duy nhất khiến ông chưa được giải vì người ta luôn chắc chắn rằng ông sẽ đoạt giải.

Dưới đây là tỷ lệ cược của nhà cái Ladbrokes, Anh:

STT Nhà văn Tỷ lệ cược
1 Claudio Magris 5/1
2 Les Murray 6/1
3 Philip Roth 7/1
4 Thomas Transtromer 7/1
5 Adonis 8/1
6 Amos Oz 10/1
7 Haruki Murakami 10/1
8 Hugo Claus 10/1
9 Joyce Carol Oates 10/1
10 Ko Un 10/1
11 Antoni Tabucchi 20/1
12 Cees Nooteboom 20/1
13 Margaret Atwood 20/1
14 Milan Kundera 20/1
15 Thomas Pynchon 20/1

(Nguồn: cr)

[1] Nhà văn sinh năm 1970 tại Kingston, Jamaica. Anh là tác giả cuốn tiểu thuyết đầu tay "John Crow's Devil" từng lọt vào chung khảo giải thưởng văn học của khối Thịnh vượng chung
 

 

Những nhà văn lớn không đoạt giải Nobel

Thanh Huyền

 

Nobel Văn học đã được trao cho nhiều nhà văn nổi tiếng, nhưng cũng có không ít những tác giả vĩ đại đã bị Viện hàn lâm Thuỵ Điển bỏ qua. 2 trong số đó là nhà văn Argentina - Jorge Luis Borges và nhà văn Anh Graham Greene.

Borges, tác giả của những trang viết khám phá dòng chảy của thời gian, chiều kích của không gian và sự vô tận của vũ trụ, là nhà văn giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bình chọn ứng viên xứng đáng đoạt giải Nobel năm 1970 do nhật báo Italy Corriere della Serra khảo sát trên toàn thế giới. Năm đó, Nobel Văn học thuộc về Alexander Solzhenitsyn. Năm 1982, khi giải thưởng thuộc về Gabriel Garcia Marquez - một nhà văn Mỹ Latin khác, Borges đã thốt lên: “Tôi vẫn không hiểu nổi tại sao người ta lại trao giải cho ông ấy”. Nhà văn không có duyên với giải Nobel này qua đời năm 1986.

Jorge Luis Borges - đợi chờ Nobel một cách tuyệt vọng.
Jorge Luis Borges đợi chờ Nobel một cách tuyệt vọng.

Nhà văn Anh Graham Greene luôn nằm trong danh sách ứng viên Nobel Văn học suốt nhiều năm nhưng chưa từng một lần lọt vào mắt xanh của Viện hàn lâm Thuỵ Điển. Ông là tác giả của những trang viết sâu sắc, uyên thâm về chính trị và tôn giáo lấy bối cảnh ở những vùng đất xa xôi, nhỏ bé như Haiti (The Comedians), Tây Phi (The Heart of the Matter A Burnt-Out Case), Việt Nam (The Quiet American)...

R.K. Narayan, Robertson Davies, Giorgio Bassani, Robert Musil, Simone de Beauvoir, James Joyce, Evelyn Waugh và Anthony Powell... cũng là những nhà văn lớn bị Viện hàn lâm Thuỵ Điển làm ngơ.

(Nguồn: AFP)

Marcel Proust - tiểu thuyết gia vĩ đại thế kỷ 20

Hà Linh

Một khảo sát được thực hiện gần đây cho thấy, nhà văn được bầu chọn là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20 và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế kỷ 21 chính là Marcel Proust. Hình ảnh chiếc bánh madeleine nhúng trà nóng trong kiệt tác “Đi tìm thời gian đã mất” của ông đã trở thành một biểu tượng nổi tiếng trong nền văn học Pháp.

Chính tầm vóc to lớn này mà người ta cho rằng, các nhà văn trẻ nếu tiếp xúc sớm với tác phẩm của Proust sẽ có thể gặp phải những tác động tiêu cực theo hai hướng: Hoặc bị chi phối mạnh mẽ bởi lối viết của Proust; hoặc dễ rơi vào trạng thái bi quan vì cảm thấy Proust dường như đã khai thác hết mọi tiềm năng và giá trị của thể loại tiểu thuyết. Ngay cả Walter Benjamin, dịch giả tiếng Đức các tác phẩm của Proust, từng viết thư cho nhà triết học Theodor Adorno tâm sự rằng, ông không muốn đọc thêm một chút nào nữa những tác phẩm của nhà văn ngoài những gì cần phải chuyển ngữ. Bởi càng đọc nhiều, ông càng trở thành một con nghiện - và điều này sẽ là một trở ngại cho quá trình sáng tác của Benjamin.

Nhà văn Graham Greene nhận định: “Proust là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20, giống như là Tolstoy của thế kỷ 19… Những nhà văn sinh ra cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 hầu như không ai tránh được hai nguồn ảnh hưởng lớn: Proust và Freud”. Danh tiếng và uy thế của Proust hoàn toàn có thể làm lu mờ tên tuổi của những James Joyce và Samuel Beckett, của Virginia Woolf và William Faulkner, của Ernest Hemingway và Scott Fitzgerald, của André Gide, Paul Valery và Jean Genet, của Thomas Mann và Bertolt Brecht.

Beckett từng viết bài phê bình tác phẩm của Proust, còn Woolf thì choáng ngợp trước tài năng của nhà văn. Gide từng cay đắng ân hận vì khi còn làm giám đốc một nhà xuất bản khá uy tín, ông đã thắng tay từ chối bản thảo Bên phía nhà Swann (phần 1 bộ Đi tìm thời gian đã mất) chỉ vì nghĩ rằng Proust là kẻ nông cạn, hợm mình, một ký giả của tầng lớp thượng lưu. Genet thì viết cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất phát từ những cảm hứng khi đọc tác phẩm của Proust. Trong thời gian ở tù, Genet được tiếp xúc với tác phẩm Within a Budding Grove của Proust. Sau khi đọc trang mở đầu cuốn tiểu thuyết của nhà văn, Genet đã lập tức gập cuốn sách lại… để dành. Ông tự thì thầm với bản thân: “Bây giờ, mình cần một nơi tĩnh lặng, từ từ nhấm nháp từng trang sách để được đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”. Chính cuốn sách đã gợi hứng cho Genet viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Our lady of the Flowers. Genet không che giấu tham vọng trở thành một Proust của những con người ở tầng lớp dưới.

Nhà văn Marcel Proust.Tuy nhiên, không phải lúc nào Proust cũng nhận được những lời tán tụng như vậy. Ngay cả những người tưởng như là bạn bè thân thiết, luôn đứng về phía ông, cũng từng đưa ra những lời nhận xét ác ý. Gide thì thường xuyên tức tối vì Proust không bao giờ thừa nhận mình là một kẻ đồng tính trong các trang viết. Lucien Daudet, một nhà văn trẻ từng là bạn tình của Proust (Proust thích những chàng trai trẻ có râu quai nón và mắt đen như mình) từng dè bỉu với Jean Cocteau rằng, Proust là “một thứ sâu bọ tàn ác”. Còn bố của Lucien, Alphonse Daudet, một nhà văn lớp trước, từng kêu lên: "Marcel Proust là một con quỷ”. Tâm trạng này ở Daudet không có gì là khó hiểu khi mà 7 tập sách Đi tìm thời gian đã mất của Proust ra đời đã làm lu mờ mọi thành tựu mà tiểu thuyết hai thập kỷ trước đã đạt được.

Chưa hết, những lời sỉ nhục chưa dừng lại ở đó. Người ta còn chĩa lời bình luận cay độc vào những vấn đề về giới tính của nhà văn. Paul Claudel, nhà viết kịch, nhà thơ gọi Marcel là “một mụ già Do thái thích điểm trang”. Ở New York, vào những năm 1970 thịnh hành một loại áo sơ mi có in dòng chữ “Proust is a Yenta” (Proust là một Yenta). Trong đó, Yenta là một từ tiếng Đức cổ, chỉ người đàn bà ưa buôn chuyện.

Nhưng tất cả những lời lẽ xúc phạm này đã phần nào được lắng xuống khi La Nouvelle Revue Francaise - một tạp chí văn học uy tín lúc bấy giờ - ấn hành một số đặc biệt (năm 1923) dành cho Proust, kỷ niệm một năm ngày mất của nhà văn. La Nouvelle Revue Francaise đăng hình ảnh của nhà văn, trích dẫn những tác phẩm chưa xuất bản của ông cùng những lời tán tụng của các nhà phê bình. Rất nhiều người đã thương khóc tác giả Đi tìm thời gian đã mất bằng những ký ức sống động của chính mình.

Kịch tác gia Jean Cocteau nhớ lại giọng nói của Proust “như là chất giọng cất lên từ lồng ngực của một người nói giọng bụng. Tiếng nói của Proust như mang theo cả linh hồn của ông”. Nhà văn Leon-Paul Fargue nhớ lại lần gặp gỡ Proust vào những ngày cuối đời: “Ông hoàn toàn nhợt nhạt với mái tóc rủ xuống quá lông mày, chòm râu quai nón như muốn nuốt lấy khuôn mặt”. Fargue còn chú ý đến ống tay áo dài trùm kín đôi bàn tay lạnh ngắt và đôi mắt hình quả hạnh. "Ông giống như người đã lâu ngày không ra ngoài trời, như một ẩn sĩ trú ngụ quá lâu sau bóng cây sồi với những đường nét đớn đau hiện hình trên khuôn mặt”.

Còn một tiểu thư thuộc dòng dõi quý tộc đã quá hoảng sợ đến gần như ngất đi khi được giới thiệu với nhà văn nhưng được ông đáp trả bằng cái nhìn chòng chọc, dữ dội đến lạ kỳ.

Reynaldo Hahn - nhà soạn nhạc - một trong những bạn tình của Proust kể, một lần, khi hai người đang sánh vai đi dạo trong vườn thì Proust đột nhiên dừng lại trước một khóm hoa hồng rồi bảo Hahn tiếp tục đi dạo một mình đi. Khi Hahn kết thúc một vòng quanh lâu đài, ông nhận thấy: “Proust vẫn đứng nguyên ở chỗ cũ, đăm đăm nhìn vào khóm hồng, đầu hơi ngả về phía trước, sắc mặt xem ra rất nghiêm trọng, mắt ông hơi nhấp nháy, lông mày nhíu lại, diễn tả sự quan sát đầy đam mê. Không biết bao nhiêu lần tôi được chứng kiến những khoảng khắc kỳ dị của Proust khi ông hoàn toàn chìm đắm trong những cuộc trò chuyện với thiên nhiên…”.

Còn tiểu thuyết gia Sidonie-Cabrielle Colette thì kể lại, năm 1917, sau khi xuất bản những tập đầu bộ tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, Proust trở nên vô cùng ốm yếu, ông chắc không nặng được đến 45 kg, hầu như không ra ngoài, chỉ đóng cửa phòng, viết và viết như một kẻ tử vì đạo.

Marcel Proust sinh năm 1871 trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Bố ông là bác sĩ còn mẹ ông là một phụ nữ thông minh, xinh đẹp người Do Thái. Tuy yêu quý mẹ nhưng Proust không bao giờ chịu thừa nhận gốc Do Thái của mình, thậm chí ông còn tỏ ra rất tức giận khi bị báo chí liệt vào danh sách các nhà văn Do Thái.

Nhân vật mẹ của người kể chuyện trong kiệt tác Đi tìm thời gian đã mất chính là hình bóng người mẹ của nhà văn. Cậu con trai giống bà ở tình yêu dành cho âm nhạc và văn chương. Bà có thể nói và đọc tiếng Đức thành thạo như tiếng Anh. Bà sở hữu một trí nhớ tuyệt vời để chứa đựng cả một kho những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Thậm chí, những lời trăng trối của bà cũng là một lời văn trích ra từ tác phẩm của La Fontaine: “Nếu con không phải là một người La Mã thì ít nhất cũng phải hành động như một người La Mã”. Marcel thừa hưởng được từ mẹ những câu thơ câu văn châu ngọc của những tác giả như Victor Hugo, Racine, Baudelaire…

Mẹ của Proust mang thai ông vào thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh Pháp - Phổ. Những khó khăn và thiếu thốn trong quá trình mang thai đã khiến Proust được sinh ra một cách yếu ớt, tưởng chừng như không thể sống nổi. Lên chín tuổi, ông mắc chứng hen suyễn và căn bệnh này hành hạ nhà văn trong suốt phần đời kéo dài hơn 40 năm còn lại.

Ông qua đời ngày 18/11/1922 sau một cơn đau nặng khi Đi tìm thời gian đã mất chưa được xuất bản hết.

 

Cormac McCarthy đoạt giải Pulitzer

Hà Linh

Hôm qua, giải Pulitzer 2007 đã công bố. “The Road” mang về cho nhà văn 73 tuổi Cormac McCarthy giải thưởng đầu tiên ở thể loại tiểu thuyết. Là tác giả của “All the Pretty Horses", "Blood Meridian”, Mc Carthy được coi là một học trò xuất sắc của William Faulkner.

Nhà văn
Nhà văn Cormac McCarthy.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, McCarthy từng đoạt Giải Sách Mỹ và Giải thưởng của Hiệp hội phê bình Mỹ. The Road là tác phẩm thành công nhất của nhà văn. Cuốn sách được giới phê bình đánh giá cao và được chọn giới thiệu trong chương trình sách của Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey. Sau khi lên sóng, The Road đã tiêu thụ được hơn 1 triệu bản.

Giành chiến thắng ở thể loại ký là cuốn sách ăn khách của Lawrence Wright - The Looming Tower – một tác phẩm đề cập đến cuộc tấn công 11/9 tại Mỹ. Wright là phóng viên của tờ The New Yorker.

Các giải thưởng khác

- Tiểu sử: The Most Famous Man in America: The Biography of Henry Ward Beecher - DebbyApplegate.
- Lịch sử: The Race Beat: The Press, the Civil Rights Struggle, and the Awakening of a Nation - Gene Roberts và Hank Klibanoff.
- Thơ ca: Native Guard - Natasha Trethewey.
- Kịch: Rabbit Hole - David Lindsay-Abaire.
- Âm nhạc: Sound Grammar - Ornette Coleman.

(Nguồn: AP)

 

Elfriede Jelinek và những trang viết táo bạo trong 'Greed'

H.T.

Philip Roth từng khẳng định, tiểu thuyết đã chết nhưng chính xác hơn thì phải nói: độc giả tiểu thuyết đã chết. Nói như thế là còn rất nhẹ nhàng. Tiểu thuyết bị giết chết bởi độc giả ngày càng phụ thuộc vào thứ văn học dễ dãi, vào những cuốn sách người thật việc thật, thiếu đi yếu tố tưởng tượng hư cấu.

 

Bản tiếng Anh cuốn Greed.
Bản tiếng Anh cuốn Greed.

Với những người thích thưởng thức những trang viết táo bạo nhưng hấp dẫn thì giải Nobel dành cho Elfriede Jelinek năm 2004 là sự tôn vinh xứng đáng. Nhưng phần lớn độc giả Anh hầu như không biết gì nhiều về nhà văn dù bà đã có đến 4 cuốn tiểu thuyết được xuất bản tại nước này: Lust, Wonderful, Wonderful Times, Women as LoversThe Piano Teacher. Tất cả đều được viết bằng giọng điệu mỉa mai, nhạo báng, diễn tả sự điên cuồng không giới hạn của thế giới loài người. Những trang viết đầy biến hóa của bà mang đến cho người đọc cảm giác về sự tồn tại nhọc nhằn của một nền văn minh trước sự xâm lấn của những điều thô bỉ, kỳ quặc.

 

Ngoài bốn tác phẩm kể trên, Greed cũng là một cuốn tiểu thuyết đáng chú ý. Cuốn sách xuất bản bằng tiếng Đức năm 2004, góp phần làm nên giải Nobel danh giá cho nhà văn. Nội dung câu chuyện khá đơn giản. Kurt Janisch là một cảnh sát, rất khinh ghét nhưng lại luôn tìm cách lợi dụng phụ nữ. Trên hành trình chinh phục của mình, anh ta đã gặp Gerti - một phụ nữ trung niên khao khát tình yêu. Gerti muốn Kurt nhưng Kurt chỉ muốn cái nhà của Gerti. Anh ta thỏa mãn nhục dục trên thân xác Gerti, đánh đập cô và phản bội cô bằng cách lăng nhăng với một cô gái trẻ tên là Gabi. Về sau, Gabi bị chính Kurt giết hại, Gerti đau khổ và bất hạnh cũng tìm đến cái chết. Hiện thực tác phẩm đưa ra khá rõ ràng: phụ nữ cần tình yêu, hôn nhân và cả sự hành hạ, từ bất cứ người đàn ông nào cũng được nhưng thứ duy nhất họ có được là sự hành hạ. Nhân vật người trần thuật trong tác phẩm buông lời nhận xét: “Phụ nữ - những con bò cái ngu ngốc, đặc biệt là những kẻ có học”. Đó là đề tài đã cũ, có thể “khai quật” được từ rất nhiều những trang viết của nhà văn. Tất nhiên, lối văn kể chuyện của bà không hoàn toàn đơn giản như vậy.

Nhà văn

Nhà văn Elfriede Jelinek.

Nếu đã đọc cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Elfriede Jelinek, The Piano Teacher, độc giả sẽ biết cần phải chờ đợi gì ở Greed. Trước hết, đó là những nhân vật ngược đời, bạo liệt. Thứ hai, là một khối lượng lớn những trang văn bạo lực, bạo dâm và dục tính. Tóm lại, đó là một cách nhìn kinh hoàng về con người và cuộc sống. Cuốn sách có những trang viết ghê tởm, tuyệt vọng nhưng hấp dẫn không cưỡng lại được, không chỉ vì nó đề cập nhiều đến sex. Văn của Jelinek đầy rẫy những điều khác thường, kỳ quặc nhưng chỉ có bà mới tạo nên những dòng chữ như thế. Bà viết những câu kỳ cục nhưng cũng có những câu bình thường không tưởng tượng nối. Văn chương Jelinek.còn rất hài hước - một thứ hài hước kín đáo và đầy chất trí tuệ.

Greed dí dỏm hơn The Piano Teacher, và ở khía cạnh này, nó lột tả một Jelinek vĩ đại hơn. Nhưng tác phẩm cũng có nhiều đoạn mờ mịt, tối nghĩa. Câu chuyện trong The Piano Teacher đầy điên cuồng nhưng rõ ràng: mối quan hệ ngang ngạnh giữa ba con người: một bà mẹ khắc nghiệt, cô con gái mang nhiều tổn thương và một sinh viên còn trẻ măng. Còn trong Greed, sự rõ ràng biến mất, chỉ còn lại sự điên cuồng.

Trong bản in bằng tiếng Đức, cuốn tiểu thuyết còn có một phụ đề: Ein Unterhaltungsroman, nghĩa là cuốn tiểu thuyết đọc cho vui. Đấy cũng là một dấu hiệu xuất phát từ giọng điệu chế nhạo của nhà văn. Greed có rất nhiều giọng: của những người phụ nữ, của Janisch và những người khác nữa trong thế giới mà họ sống nhưng tất cả đều thống nhất trong cái giọng mỉa mai, hài hước của nhà văn.

Bằng những tác phẩm như Greed, Jelinek thế hiện cái nhìn khá nghiêm khắc về phụ nữ và lòng hăm hở yêu thương của họ. Tình dục được miêu tả một cách lén lút, vụng trộm và sai trái. Và tình yêu chỉ đơn thuần là điểm yếu của phụ nữ, là thứ khiến họ dễ dàng đánh mất mình. Jelinek gợi ra cho chúng ta một cách nhìn về “sinh vật” được gọi là phụ nữ, đồng thời góp phần trả lời câu hỏi Freud nêu ra: “Phụ nữ muốn gì?”.

(Nguồn: Tổng hợp)

Kundera, Milan

Sinh năm 1929.

Nhà văn Czech, hiện sống tại Pháp. Khá quen thuộc với nhiều bạn đọc Việt Nam.

Tác phẩm chính:

Truyện ngắn:
- Những mối tình nực cười (Laughable Loves, 1963-1969).

Tiểu thuyết:
- Cuộc sống không ở đây (Life is Elsewhere, 1969-70), đã dịch ra tiếng Việt.
- Điệu valse vĩnh biệt (The Farewell Waltz, 1970-71)
- Sách cười và lãng quên (The Book of Laughters and Forgetting, 1978)
- Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being, 1982), đã dịch ra tiếng Việt.
- Sự bất tử (Immortality, 1988), đã dịch ra tiếng Việt.
- Chậm rãi (Slowness, 1994), đã dịch ra tiếng Việt.
- Bản nguyên (Identity, 1996), đã dịch ra tiếng Việt.
Sự ngu xuẩn (tạm dịch, Ignorance, 2000)

Tiểu luận:
- Nghệ thuật tiểu thuyết (The Art of the Novel, 1985), đã dịch ra tiếng Việt.
- Những di chúc bị phản bội (Testaments Betrayed, 1992), đã dịch ra tiếng Việt  

 

Nhà văn Israel kêu gọi ngừng bắn

Thanh Huyền

Amos Oz, David Grossman và AB Yehoshua là ba trong số 11 nhà văn đã ký tên vào đơn kiến nghị kêu gọi chính phủ Israel thương thuyết để đạt được thỏa thuận ngừng bắn với nhóm chiến binh Hamas ở dải Gaza.

Bản kiến nghị của họ được công bố trên tờ trên tờ Ha'aretz. Các nhà văn cho rằng, động thái này sẽ chấm dứt những đau khổ mà người dân Israel và Palestine phải chịu đựng.

Nhà văn Amos Oz.
Nhà văn Amos Oz.

Nhưng chính phủ bác bỏ lời kêu gọi này và coi đó là một việc làm “vô tác dụng”. Israel coi Hamas là một nhóm khủng bố không chịu thừa nhận sự tồn tại của nhà nước Israel. Tuy nhiên, các nhà văn cho rằng, trong quá khứ, Israel từng thương lượng với “những kẻ thù tồi tệ nhất của mình” vì vậy, bây giờ, họ cũng có thể ngồi vào bàn đàm phán để tránh thiệt hại cho cả hai bên.

Amos Oz, người được coi là “lương tâm của người Israel”, là một trong những tác giả có ảnh hưởng lớn về cả tiểu thuyết lẫn các bài tiểu luận. Ông thường được coi là ứng viên sáng giá cho giải Nobel hàng năm.

Đồng nghiệp của ông, David Grossman cũng là một nhà văn, nhà hoạt động hòa bình nổi tiếng.

(Nguồn: The Guardian)

 

Nhà văn Grossman lên án chính phủ Israel

Thanh Huyền

3 tháng sau cái chết của con trai, nhà văn David Grossman đã xuất hiện trước công chúng và công khai chỉ trích chính phủ Israel vì chính sách lãnh đạo sai lầm cũng như những thất bại trong các cuộc thương lượng với người Palestine.

Là nhà văn được ngưỡng mộ tại Israel, bài phát biểu của Grossman đã thu hút đám đông gần 100.000 người tụ tập tại Tel Aviv (Israel) hôm 4/11, nhân kỷ niệm 11 năm ngày thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát.

Tháng 8 vừa qua, Uri, con trai nhà văn - một sĩ quan quân đội Israel - đã thiệt mạng trong một cuộc chiến với người Libăng.

Nhà văn và cậu con trai vừa qua đời.
Nhà văn và cậu con trai vừa qua đời.

Trước đông đảo cử toạ, Grossman nói: "Cái chết của những con người trẻ tuổi là sự lãng phí khủng khiếp. Nhưng đau lòng hơn, hàng năm trời qua, chính phủ Israel đã lãng phí không chỉ tính mạng con dân của mình mà còn bỏ qua nhiều cơ hội trở thành một quốc gia dân chủ và tiến bộ”.

Cuộc khủng hoảng tại Israel, theo nhà văn “còn sâu sắc hơn những gì mà chúng ta lo lắng, và nó diễn ra ở hầu khắp mọi phương diện”.

Grossman cho rằng, chính phủ đã vội vã lao vào cuộc chiến với người Libăng, nhưng lại chần chừ trong việc nắm bắt những cơ hội đàm phán nhằm tìm kiếm một giải pháp khả quan cho những cuộc xung đột với người Palestine.

"Bất cứ ai biết tư duy ở Israel hay Palestine ngày nay đều có thể tìm ra những con đường hoà giải cho hai dân tộc. Hãy nói chuyện với người Palestine, bày tỏ cảm thông với nỗi đau, những vết thương lòng và nỗi thống khổ mà họ đang tiếp tục phải gánh chịu. Làm như thế không hề giảm đi vị thế của bạn hay của đất nước Israel”, nhà văn nói.

 

Chinua Achebe nhận giải Man Booker quốc tế

Chi Mai

"Cha đẻ của nền văn học châu Phi", nhà văn Chinua Achebe, đã vượt qua nhiều tên tuổi trong danh sách những nhà văn nổi tiếng như Carlos Fuentes, Doris Lessing... để được trao giải thưởng Man Booker quốc tế trị giá 60.000 bảng Anh (gần 2 tỷ đồng Việt Nam).

Giải này là một dấu mốc quan trọng công nhận thành tựu trọn đời của nhà văn người Nam Phi 76 tuổi. Điều này cũng làm thỏa lòng người hâm mộ khi không ít người cho rằng thật thiếu công bằng khi Chinua Achebe đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh chống lại những khuôn mẫu phương Tây áp đặt lên châu Phi qua nhiều tác phẩm giá trị, nhưng lại chưa từng được trao giải Nobel văn học. Tiểu thuyết Things Fall Apart (1958) của ông đã được dịch sang 50 ngôn ngữ trên thế giới và bán ra 10 triệu bản.

Chân dung nhà văn Chinua Achebe. Ảnh:It.stlawu.edu

Ứng cử viên theo sát nút ông trong giải thưởng này là nhà văn 78 tuổi Carlos Fuentes, người Mehico.

Có lần, khi được hỏi nếu phải kể tên những tác giả xuất sắc nào từng kể những câu chuyện về châu Phi, Achebe trả lời: "Hàng trăm người. Rất nhiều trong số đó không được biết đến hay được công nhận trong lĩnh vực văn học. Vì đó là nền văn học truyền miệng. Người nghệ sĩ dân gian đã kể những câu chuyện về quê hương từ rất lâu, trước khi kẻ xâm lược mang đến cho họ bút và giấy".

Achebe sẽ nhận giải và tiền thưởng tại lễ trao giải trang trọng tổ chức tại Oxford vào ngày 28/6.

Giải thưởng Man Booker quốc tế (chu kỳ 2 năm) trao lần đầu tiên vào năm 2005 cho nhà văn Ismail Kadare, người Albania.

(Nguồn: Guardian)

 

        http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org