Theo thông lệ hàng năm, ngày 8
tháng 10 vừa qua, Hàn lâm viện Thụy Điển vừa công bố
tên các nhà khoa học được trao giải Nobel về sinh lí
học hay y học (physiology or medicine). Năm nay, hai
người Úc được tuyển chọn để trao giải thưởng cao quí
này: Bác sĩ chuyên gia về hệ thống tiêu hóa Barry J.
Marshall (54 tuổi) và bác
sĩ chuyên gia bệnh lí học J. Robin Warren (68 tuổi,
đã nghỉ hưu). Thế giới y khoa có vẻ ngạc nhiên về
giải Nobel năm 2005, bởi vì trong mấy thập niên gần
đây giải này thường được trao cho các nhà khoa học
Mĩ và Âu châu, và cũng tập trung vào các công trình
nghiên cứu cơ bản. Nhưng lần này giải thưởng được
trao cho hai nhà khoa học người Úc và một công trình
nghiên cứu tương đối đơn giản.
Cả hai bác sĩ Marshall và
Warren đều làm việc tại một viện nghiên cứu có thể
nói là “vô danh” thuộc Trường Đại học Tây Úc
(University of Western Australia) tại thành phố
Perth, Úc châu. Cả hai cũng chẳng phải là những nhà
khoa học thuộc vào loại hàng đầu của Úc hay trên
trường quốc tế.
Tuy nhiên, công trình nghiên cứu của
họ có tầm vóc lớn và quan trọng cho thế giới: họ
phát hiện vi khuẩn
Helicobacter pylori (viết tắt là H. Pylori)
là thành tố gây bệnh loét tiêu hóa (peptic ulcer)
hay viêm dạ dày và một số ung thư. Đánh giá tầm quan
trọng của phát hiện này, hội đồng khoa học Hàn lâm
viện Thụy Điển viết: “Khám phá vi khuẩn là nguyên
nhân gây ra bệnh loét tiêu hóa, một trong những bệnh
phổ biến nhất của con người, đã mở ra một định hướng
nghiên cứu mới nhằm tìm ra những vi khuẩn khác có
thể là nguyên nhân gây ra các bệnh viêm mãn tính.”
Hành trình khám phá
 |
 |
Barry J. Marshall |
J. Robin Warren |
Thật ra, khám phá của
Marshall và Warren đã
viết lại sách giáo khoa y học, và hành trình đi đến
đỉnh cao của vinh quang là những chua cay và gay go.
Qua hàng trăm năm nay, một trong
những “giáo lí” của y khoa là không có cái gì mọc
lên từ dạ dày cả. Sách giáo khoa y khoa cho
đến nay vẫn cho rằng loét dạ dày hay loét đường ruột
(một bệnh rất đau đớn cho bệnh nhân) là bệnh phát
sinh từ cách ăn uống, như ăn quá nhiều thức ăn gia
vị cay, chứa nhiều acid, hay ở trong tình huống tâm
trạng căng thẳng. Thật vậy, mở hầu như bất cứ từ
điển y khoa nào, chúng ta có thể thấy vài hàng giải
thích về bệnh loét tiêu hóa như sau: là một chỗ
thủng ở màng lót (niêm mạc) đường tiêu hóa do niêm
mạc bị pepsin và acid tiêu hóa; điều này có thể xảy
ra khi pepsin và acid nồng độ cao bất thường hay khi
có vài cơ chế khác làm giảm đi các cơ chế bình
thường bảo vệ niêm mạc; có thể có vai trò của muối
mật đặc biệt trong loét bao tử.
Nhưng vào đầu thập niên 1980s,
bác sĩ Warren để ý thấy sự có mặt của
vi khuẩn ở niêm mạc của
dạ dày của khoảng phân nửa bệnh nhân có sinh thiết.
Sau đó, bác sĩ Marshall, lúc đó là một y sĩ trẻ thực
tập tại phòng thí nghiệm của Warren, tham gia vào
công trình nghiên cứu, và thành công trong việc cấy
trồng được một vi khuẩn mà ông đặt tên là
Campylobacter pyloridis vì ông nghĩ là nó thuộc
họ vi khuẩn Campylobacter. Nhưng sau này,
vi khuẩn này được biết là
thuộc họ Helibacter, cho nên nó có tên mới là vi
khuẩn H. pylori. Thế nhưng, dạo đó chẳng có
ai trong giới y khoa tin vào thuyết
vi khuẩn là nguyên nhân
của bệnh loét dạ dày! Khi bác sĩ Warren và Marshall
nộp báo cáo trong một hội nghị y khoa tại Úc, vị chủ
tịch hội nghị không cho công bố, vì ông tin rằng cái
thuyết “ngược đời” đó là một sai lầm!

Đến năm
1982, để thuyết phục đồng nghiệp, bác sĩ Marshall
(lúc đó mới 32 tuổi) quyết định làm thí nghiệm trên
chính cơ thể của ông. Ông nuốt ống soi dạ dày
(gastroscope) vào bụng để bác sĩ đồng nghiệp Warren
có thể nhìn thấy dạ dày ông mà làm sinh thiết để
chứng minh rằng ông không bị nhiễm
vi khuẩn H. pylori.
(Xin nhắc lại các bạn đọc không
quen với y khoa, sinh thiết (Biopsie) là một phẫu thuật nhỏ
nhằm cắt một phần nhỏ trong một cơ phận nào đó, như
dạ dày, gan, cổ tử cung... chẳng hạn. Sinh thiết nói
chung là an toàn nhưng
cũng có trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tính
mạng của bệnh nhân). Bác sĩ Marshall phải đợi đến 10
ngày sau, khi các chỗ dạ dày (được lấy sinh thiết)
lành lặn, ông uống vi
khuẩn H. pylori vào bụng. Ba ngày sau, ông
ngã bệnh, nôn ói liên tục, lúc nào cũng cảm thấy no
nê, và hơi thở thì hôi thối không chịu được! Mười
ngày sau, ông lại nuốt ống soi dạ dày để bác sĩ
Warren lại làm sinh thiết, và chứng minh rằng chính
vi khuẩn H. pylori
là thủ phạm gây bệnh loét dạ dày.
Sau khi được điều trị bằng thuốc
kháng sinh, ông hết bệnh. Thí nghiệm độc đáo
này thuyết phục Marshall và Warren rằng loét dạ dày
là do vi khuẩn gây ra, chứ không phải do acid hay do
tâm trạng căng thẳng mà ra như sách giáo khoa viết.

Đến nay, qua hàng ngàn nghiên
cứu, giới y khoa biết rằng quả thật vi khuẩn H.
pylori là thủ phạm của khoảng 80% đến 90% các
trường hợp loét dạ dày, và các trường hợp này đã có
thể điều trị một cách nhanh chóng và dễ dàng bằng
thuốc kháng sinh. (Tuy nhiên, rất nhiều người -- có
thể 50% -- trong chúng ta là “chủ nhà” của vi khuẩn
H. pylori, nhưng chỉ 10% đến 15% trong số này bị
bệnh loét). Nhờ vào khám phá của Marshall
và Warren mà bệnh loét dạ
dày, loét đường ruột không còn là bệnh mãn tính nữa.
Vai trò của viêm
Khám phá của Marshall
và Warren không chỉ có ý
nghĩa và tiềm năng trong việc điều trị bệnh loét dạ
dày, loét ruột, mà còn làm cho chúng ta phải suy
nghĩ nhiều hơn về vai trò của viêm đối với các bệnh
mãn tính khác như ung thư dạ dày và bệnh tim. Thật
vậy, có một yếu tố có triển vọng giải thích một số
trường hợp bệnh tim,
nhưng không có bao nhiêu người tin vào, nếu không
muốn nói là có nhiều người phản đối: đó là viêm. Thử
đưa ra một giả thuyết: điểm khởi đầu của quá trình
phát sinh bệnh tim là
viêm động mạch do nhiễm trùng.
Đã từ lâu, giới khoa học ghi
nhận rằng viêm động mạch là bước đầu tiên trong quá
trình phát bệnh vữa xơ động mạch, nhưng họ tin rằng
sự tổn hại này là do cholesterol gây nên. Nhưng có
thể viêm động mạch xảy ra trước, rồi mới đến
cholesterol tích tụ sau. Có vài bằng chứng có vẻ
nhất quán với quan điểm này. Trong thỏ, người ta
phát hiện là một khi vành động mạch bị vỡ, không có
mảng (plaque), dù chúng có độ cholesterol rất cao.
Dĩ nhiên, viêm động mạch có thể phát sinh bằng nhiều
cách, chẳng hạn như qua hóa chất từ thuốc lá (khói
thuốc là một chất kích thích trong máu). Các nhà
khoa học Pháp từng chứng minh rằng trong chuột, khi
được đặt vào môi trường không khí ô nhiễm, hệ thống
tuần hoàn bị hư hại. Sự “hư hại” này xuất hiện dưới
hình thức những mảng rất giống với vữa xơ động mạch.
Ngoài ra, còn có yếu tố di truyền: các mảng thường
xảy ra trong chuột không có protein IL-10. Chuột
không có khả năng sản xuất IL-10 có động mạch bị
nghẽn cao gấp 30 lần (và nguy cơ vành động mạch bị
vỡ cao gấp 4 lần) so với chuột có IL-10. Khoảng 10%
con người thiếu IL-10 và có thể những người này rất
dễ bị nhiễm vi khuẩn.
Một vi khuẩn được chú ý nhiều
nhất là Chlamydia pneumoniae, thường được gọi
là TWAR. Vi khuẩn này tấn công và lưu truyền trong
con người qua ho, và hắt hơi. Trong những người ở độ
tuổi 20, xác suất mang vi khuẩn này khoảng 50%. Từ
phổi, vi khuẩn này có thể “quá giang” tiểu thực bào
để vào động mạch. Trong thập niên 1990s, giới khoa
học ghi nhận rằng những người bị bệnh tim mạch
thường có độ kháng thể TWAR rất cao, tức là họ đã
từng bị nhiễm vi khuẩn nhiều lần trước khi bị bệnh.
Ngoài ra, DNA và protein của vi khuẩn này thường
xuất hiện trong các mảng đóng phía ngoài của vành
động mạch, thậm chí có trường hợp vi khuẩn sống cũng
được tìm thấy trong đó. Trong một nghiên cứu ở Hòa
Lan, dấu hiệu vi khuẩn được tìm thấy trong khoảng
60% đến 79% trường hợp động mạch bị nghẽn, và ít khi
nào tìm thấy trong các động mạch bình thường. Nhưng,
một vài nghiên cứu khác không tìm thấy dấu hiệu của
vi khuẩn này trong những động mạch bị nghẽn!

http://www.surrey.ac.uk/SBMS/MicrobialSciences/images/atherosclerosis-1.jpg
Xu hướng gia tăng bệnh tim
trong đầu thế kỉ 20 và suy giảm trong thời gian gần
đây được ví von như là một bệnh dịch, bởi vì quá
trình phát triển bệnh này có vẻ đi theo một quá
trình thường tìm thấy trong bệnh dịch, nhưng với một
thời gian lâu dài hơn bệnh dịch. Có thể bệnh tim
thực sự là một bệnh dịch theo cách hiểu thông
thường, hơn là một cách nói ví von. Nhiễm vi khuẩn
có thể giải thích tại sao tỉ suất tử vong vì bệnh
tim giảm một cách nhanh chóng, và sự suy giảm đó
không nằm trong kì vọng của chúng ta. Những loại
thuốc trụ sinh loại kiềm khuẩn như tetracyline được
đưa vào y tế công cộng cùng thời với tỉ suất tử vong
bắt đầu suy giảm.
Tương tự, vi khuẩn H. pylori
cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chữa
trị ung thư dạ dày. Thật ra, H. pylori đã
từng được xem là một thành tố gây bệnh ung thư dạ
dày có tên là MALT (mucosa-associated lymphoid
tissue). Loại ung thư này thường được kiềm chế bằng
cách dùng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn H.
pylori trong dạ dày. Bệnh này rất phổ biến vào
đầu thế kỉ 20, thế nhưng đến sau thập niên 1950s thì
bệnh này không còn phổ biến như trước nữa, dù không
ai biết nguyên nhân tại sao. Có lẽ việc sử dụng
thuốc kháng sinh là một yếu tố làm giảm tỉ lệ bệnh
ung thư dạ dày chăng? Có thể lắm!
Hành trình về bệnh viêm
Có thể nói giải Nobel y sinh
học năm nay là một thể hiện của hành trình về nguồn,
quay về với thuyết viêm (inflammation). Trong vòng
200 năm qua, bệnh tật được phân loại thành 3 nhóm:
bệnh truyền nhiễm, bệnh do di truyền mà ra, và bệnh
do môi trường gây ra. Đầu thế kỉ 19, phát triển y
học xoay quanh việc chinh phục những bệnh truyền
nhiễm. Trong thời gian đầu thế kỉ 20 đến giữa thể kỉ
20, khi các nghiên cứu về các tác nhân truyền nhiễm
chuyển từ nghiên cứu về vi khuẩn sang nghiên cứu
virus, khái niệm về di truyền bệnh tật đã bắt đầu
nhen nhúm. Cho đến khi khám phá cấu trúc DNA và sau
đó, nghiên cứu về di truyền học đã trở thành một cái
mốt thời thượng trong y học. Theo sau di truyền học
là những phát triển phi thường về sinh học phân tử
(molecular genetics) và tế bào học dẫn đến những
nghiên cứu tinh vi về cơ chế gây bệnh xuất phát từ
đột biến DNA và tương tác giữa DNA với môi trường.
Giải
Nobel y sinh học được trao từ năm 1901, tính đến nay
đã hơn 100 năm. Nhìn qua các công trình khoa học
được trao giải này cũng có thể cho ra một một khái
niệm về quá trình tiến bộ của y học theo khuynh
hướng mà tôi vừa nêu trên. Từ những nghiên cứu có
tính lâm sàng tương đối “sơ sài” (so với trình độ kĩ
thuật ngày nay), nghiên cứu y khoa đã tiến sâu vào
lĩnh vực cơ bản nhất của con người như di truyền
phân tử học và sinh học phân tử. Năm 1901, ông
Emil Adolf von Behring (người Đức) đoạt giải này
vì đã các công trình nghiên cứu và chữa trị bệnh
bạch hầu. Hàn lâm viện Thụy Điển đánh giá công trình
này rất cao, họ viết: “[qua nghiên cứu này], ông
đã mở ra một hướng đi mới trong lĩnh vực y khoa, và
bằng cách đó, đã cho các y sĩ một vũ khí hữu hiệu để
chinh phục bệnh tật và sự tử vong.” Năm 1902,
giải thưởng được trao cho một nhà khoa học người
Anh, ông Ronald Ross vì công trình nghiên cứu liên
quan tới bệnh sốt rét. Những năm sau đó, các khoa
học được tặng giải thưởng nhờ vào nghiên cứu liên
quan tới bệnh lao (1905; Robert Koch, người Đức),
sốt ban (typhus) (1928; Charles Nicolle, người
Pháp); phân loại máu (1930; Karl Landsteiner, người
Mĩ), bệnh truyền nhiễm (1945; Alexender Fleming, Mĩ;
Ernst Boris Chain, Anh; Howard Walter Florey, Úc),
sốt vàng (1951; Max Theiler, người Mĩ), chữa trị
bệnh lao bằng thuốc streptomycin (1952; Salman
Abraham Waksman, Mĩ).
 |
 |
Robert Koch |
Alexender Fleming |
 |
 |
 |
Charles Nicolle |
Karl Landsteiner |
Salman Abraham Waksman |
 |
 |
 |
Ernst Boris Chain |
Howard Walter Florey |
Max Theiler |
Bắt đầu từ năm 1958, nghiên cứu
về di truyền học đã được sự chú ý của Hàn lâm viện
Thụy Điển qua việc trao giải thưởng cho ba nhà khoa
học người Mĩ, George Wells Beadle, Edward Lawrie
Tatum, và Joshua Lederberg, vì đã có công khám phá
ra một qui luật quan trọng trong di truyền học vi
khuẩn (genetic recombinant).
 |
 |
 |
George Wells Beadle |
Edward Lawrie Tatum |
Joshua Lederberg |
Năm 1961, ba nhà khoa học Francis Harry Compton
Crick (Anh), James Dewey Watson (Mĩ) và Maurice Hugh
Frederick Wilkins (Anh) chiếm giải Nobel do khám phá
nổi tiếng về cấu trúc DNA, làm tiền đề cho hàng
triệu nghiên cứu và tiến bộ về sinh học y khoa sau
này.
 |
 |
 |
Francis Crick |
James Watson |
Maurice Wilkins |
Kể từ đó, giải thưởng nghiên về
các công trình mang bản chất sinh học phân tử và di
truyền.
Năm 1978, Hàn lâm viện Thụy
Điển trao giải thưởng cho ba nhà khoa học Werner
Arber (Thụy sĩ), Daniel Nathans (Mĩ) và Hamilton O.
Smith (Mĩ) do đã có công khám phá ra các enzymes và
những ứng dụng vào nghiên cứu di truyền học.
 |
 |
 |
Werner Arber |
Daniel Nathans
|
Hamilton O. Smith
|
Sự tiến bộ trong sinh học phân
tử và di truyền học những năm gần đây phần lớn nhờ
vào các kĩ thuật PCR (polymerase chain reaction) do
hai nhà khoa học Mĩ (Kary Mullis) và Canada (Michael
Smith) khám phá, và đã được trao giải thưởng Nobel
về hóa học vào năm 1993.
Kể từ năm 1999 cho đến nay thì
giải này vẫn được trao tặng cho một công trình mang
nặng tính chất sinh học phân tử, nhất là các công
trình liên quan đến tế bào học. Nói tóm lại tính từ
1950s đến nay, giải Nobel y sinh học chỉ trao cho
các công trình nghiên cứu cơ bản, chứ chưa có công
trình nghiên cứu lâm sàng nào.
Rồi đến năm 2005, Hàn lâm viện
Thụy Điển làm cho giới khoa học ngạc nhiên bằng cách
trao giải thưởng cao quí này cho một công trình
nghiên cứu liên quan đến bệnh viêm, một công trình
mang tính nghiên cứu lâm sàng. Đây quả là một thể
hiện “về nguồn”, về nguồn bệnh viêm. Qua giải thưởng
lần này, có lẽ những giáo sư trong Hàn lâm viện Thụy
Điển muốn nhắc nhở thế giới rằng bệnh truyền nhiễm
vẫn còn đe dọa chúng ta mở mức độ toàn cầu. Những
đợt dịch cúm SARS và cúm gia cầm gần đây là một cảnh
báo rằng những bệnh truyền nhiễm vẫn còn tồn tại
(chứ chưa được xóa bỏ như một giới chức y tế Mĩ từng
tuyên bố đầy tự tin rằng "Bây giờ chúng ta có thể
nói rằng bệnh truyền nhiễm đã được khống chế hoàn
toàn. Đã đến lúc chúng ta đóng sổ căn bệnh này.")
Mấy năm gần đây, một số nhà
khoa học chất vấn tính thiết thực của giải Nobel y
sinh học, vì họ cho rằng giải thưởng này chỉ ghi
nhận những công trình nghiên cứu cơ bản, và càng
ngày càng xa rời thực tế của khoa học lâm sàng. Có
người thậm chí đề nghị một giải thưởng y sinh học
khác thiết thực hơn! Năm nay, giải thưởng Nobel y
sinh học đã ghi nhận một công trình khoa học lâm
sàng thiết thực, và đã không phụ lòng ông Nobel khi
ông viết trong di chúc rằng giải thưởng nên dành cho
“những ai có cống hiến đem lại phúc lợi lớn cho con
người.”
Hình từ http://nobelprize.org