Chuyến bay ra Vũ trụ đầu tiên của Mỹ

Vietsciences-Võ Quang Yến        27/11/2005
 

Những bài cùng tác giả

Những bài liên quan:

  1. Sơ lược tiểu sử Alan Shepard

  2. Trước giờ khởi hành

  3. Chương trình chuyến  bay

  4. Vài chi tiết kỹ thuật

  5. Tương  lai cuộc  khảo sát không gian của Mỹ

 

 

 

Sau Youri Gagarin với chiếc "Đông Phương", đến lượt Alan Shepard với chiếc "Tự Do 7" ngày 5/5/60 đã vượt ra khỏi Trái đất, thắng sức hấp dẫn của trọng lực và trong chốc lát đã trở nên nhà du hành vũ trụ. Như Gagarin, Shepard đã trở nên vị anh hùng của lịch sử nhân loại vì đã may mắn và vinh hạnh được dự vào những chuyến bay ra Vũ trụ đầu tiên.

 

Youri Gagarin, phi hành gia đầu tiên ra ngoài không gian

1/ Sơ lược tiểu sử Alan Shepard, phi hành gia Mỹ đầu tiên

Xin bấm vào để đọc toàn bộ tiểu sử của Alan Shepard

Sinh ngày 18/04/1923 tại East Derry (New Hamshire), Trung tá Hải quân Shepard là một lực sĩ đầy đủ, cao 1,8, nặng 74 ký . Con nhà binh (chông thân là một Trung tướng hưu trí) ông theo học tại trường Thủy quân Annapolis. Trong trận Đại chiến vừa qua, ông được bổ nhiệm rèn khu vực hạm Gogswell hành binh trong Thái bình dương. Hết giặc, ông được sung dụng ở trường không quân Corpus Chritis (Texas) rồi qua trường Không quân Pensacola (Floride). Tại đây, tháng 3/1947 ông đậu bằng phi công thử máy bay. Từ đấy ông chuyên môn khảo cứu về vấn đề hàng không và phụ giúp hoàn thành kỹ thuật tiếp tế trên không và hạ máy bay trên các hàng không mẫu hạm. Người ta bảo ông rất thông  minh và thông hiểu khoa học khá nhiều, nhất là về môn thiên văn học, vật lý thiên văn, khí tượng học, địa dư và thuật hàng không giữa các thiên thể. Các nhiên  liệu cũng như các máy móc điều khiển từ xa đối với ông  không còn gì là bí mật. Mấy năm sau đó ông được bay thử ở cao độ để khảo sát cách truyền bá của ánh sáng và cách di chuyển khí trời trên lục địa Mỹ châu. Cho tới lần ra khỏi Vũ trụ đầu tiên này, Alan đã bay tới 3700 giờ, trong số đó có 1800 giờ với phi cơ phản lực. Ông  là một trong bảy phi công tình nguyện bay ra Vũ trụ. Cả bảy người đều ăn  lương như thường ngày, chỉ có được thêm phụ cấp những giờ bay với phi cơ phản lực. Tuy nhiên, tờ tuần báo Life chịu trả một số tiền 70.000 đô la Mỹ cho tất cả bảy người để dành độc quyền đăng tải bài tường thuật của nhà du hành vũ trụ đầu tiên....

2/ Trước giờ khởi hành

Tối hôm 4/5/61, sau khi xem vô tuyến truyền hình với hai bạn phi công đồng đội, Shepard phải vào giường lúc 22 giờ rưỡi. Sáng hôm sau, bác sĩ Douglas lại đánh thức  ông dậy lúc 1 giờ 5 giờ địa phương. Tắm rửa và cạo râu xong, ông ăn điểm tâm rất đầy đủ, với thịt, trứng, bánh, mứt, nước  cam (không có trà và cà phê) chứ không  phải chỉ ăn sơ sài như người ta thường tưởng. Bác sĩ khám một lần cuối cùng vào khoảng 2 giờ 25. Ông vẫn bình tĩnh như thường ngày, thảnh thơi và rất lạc quan.

2 giờ 50, người ta bắt đầu mắc vào mình phi công những máy móc có thể theo dõi tình hình sức  khoẻ trong  lúc bay. Xong, ông  mặc bộ áo quần bằng chất dẻo sơn bạc  nặng 9 ký.

3 giờ 59, ông rời phòng, lên một xe sơn trắng đặc biệt để ra hỏa tiễn ở Cap Caraveral. Xe này trang bị như một nhà thương nhỏ, ngoài cửa đóng  kín mít , ở trong có đủ máy móc để cứu sống phi công. Hai bác sĩ luôn ngồi cạnh Shepard để xem xét sức khoẻ.

Xe lại cạnh hỏa tiễn vào lúc  4 giờ 24, trước có xe của cảnh sát dọn đường, sau có thêm mươi xe khác nữa. Hỏa tiễn Redstone như một cây bút khổng lồ được dựng đứng giữa một cái giàn có đèn chiếu sáng trưng. Trên hỏa tiễn, 125 nhân viên phần lớn là chuyên viên kỹ thuật, mặc áo quần trắng, đội mũ đủ màu sắc tùy theo chuyên môn, chạy đi chạy lại. Thấy Shepard trèo lên hỏa tiễn, mọi người đều vỗ tay hoan hô. Nghiêm nghị, ông tiến thẳng, chỉ giơ tay nhẹ chào. Người ta đưa ông vào capsule, là phòng  phi công sẽ rời hỏa tiễn lên Vũ trụ, đặt nằm lên một chiếc ghế có bọc cao su rất êm để có thể chịu đựng các lực gia tốc và phản gia tốc lúc khởi hành và lúc trở về.

Cửa capsule đóng lúc 6 giờ 10. Từ lúc đó, Shepard chỉ còn liên lạc được với bên ngoài với một trong ba máy vô tuyến điện đã đặt trong capsule. Đèn tắt dần. Và mặt trời cũng  bắt đầu mọc. Trời trong sáng, đây đó chỉ có vài đám mây thưa. Kỳ này chắc không có trở ngại như mấy lần trước.

6 giờ 10, hỏa tiễn được chính thức mang tên Freedom7. Freedom là Tự do, 7 là biểu hiệu số phi công được chọn lọc đi bay.

7 giờ 19, còn 10 phút nữa là hỏa tiễn được phóng đi, nhưng  loa báo còn phải xét lại khí tượng  lại một lần nữa, nghĩa là giờ bay phải chậm lại ít nhiều. Tuy nhiên tháp bắn cũng bắt đầu chuyển vận, rời hỏa tiễn, xê dịch qua một bên. Đồng thời có một hộp đỏ mắc vào đầu một máy cổ hạc được đưa lại gần capsule. Đây là một phương tiện cứu nạn để phi công có thể trốn thoát nếu có gì bất trắc trước lúc khởi hành. Các nhà chuyên môn gọi nó là "giỏ hái anh đào" (cherry picker).

7 giờ 47, lại có tin phải thay thế một máy biến thế điện, nghĩa là giờ khởi hành  lại phải chậm lại nữa. Mọi người lo sợ , không biết kỳ này hỏa tiễn có lên đường được không.

Đến 8 giờ 35, tất cả đều xong xuôi. Còn một nửa giờ nữa và loa bắt đầu đếm thụt lùi. Cứ hai phútmột loa của hội hàng  không các thiên thể NASA cho nghe số đếm. Còn 15 phút, kiểm tra lại một lần nữa những bộ phận cần yếu nếu có chuyện bất trắc, đồng thời hệ thống trắc viễn capsule cũng được xem xét lại.

Còn  6 phút, các nhân viên phụ trách đều phải có mặt ở cơ quan mình.

Còn 3 phút, bác sĩ tuyên bố phi công sẵn sàng.

Còn 1 phút "giỏ hái anh đào" rời khỏi hỏa tiễn. Không còn một ai trên hỏa tiễn nữa, trừ Shepard một mình ngự trị trên một tháp cao, cách mặt đất 20 thước. Người ta đếm thụt lùi từng giạy một. Mọi người hồi hop-(p chờ đợi. Lo lắng hơn là cac nhà đương sự, các  nhà bác học như Werner Von Braun và các nghị viên "bí mật" theo dõi cuộc khởi hành trong tòa kiểm tra, sau cửa kính.

Còn 25 giậy, người phụ trách cuộc bắn hỏa tiễn nhận trên một cái nút đỏ truyền lệnh cho máy tự động điều khiển cuộc khởi hành.

3/ Chương trình chuyến  bay

9 giờ 34 hỏa tiễn Redstone thong thả rời mặt đất, phun lại đằng sau một tia lửa dữ dội bị lấp gần hẳn trong đám khói mịt mù trắng cam lẫn lộn.  Trong  luôn  hai phút, máy của hỏa tiễn rầm rộ chạy mạnh và đẩy chiếc capsule  Mercury lên tới tốc độ 7500 cây số/giờ. Capsule bắt đầu chạy thẳng đứng lên trời rồi nghiên dần làm thành góc 40 độ với mặt đất.

9  giờ 18, Shepard nói về: "Cảnh trông đẹp quá!" (What a beautiful view!") và sau đó bảo thông thấy rõ bờ biển Hoa kỳ

9 giờ 40, capsule lên tới điểm tối cao: 184 cây số. Shepard tiếp tục báo tin về, các chi tiết chuyên  môn chen lẫn với giọng nói Ok! Ok! nghe rất rõ. Ông lại cho biết hỏa tiễn hồi tố thứ nhất bắt đầu vận chuyển để hãm dần tốc độ capsule. Trong khoảng hai phút sau, hai hỏa tiễn hồi tố khác cũng  lần lượt được cho chạy.

9 giờ 43, máy điều khiển tự động thay thế phi công. Ở mặt đất, các đài thu thanh cho biết máy móc trên capsule đều chạy tốt.

9 giờ 45, capsule  hạ dần xuống 6.000 thước. Hai phút sau, chiếc dủ thứ nhất tung ra trong gió. Ở chiếc  hàng  không  mẫu hạm Lake Champlain người ta bắt đầu thấy.

9 giờ 48 ; chiếc dù thứ nhì đường kính 20 thước, sọc đỏ và trắng; lại hãm dần capsule. Capsule lúc ấy chỉ cách mặt nước có 2.000 thước. Một phút sau, capsule rơi vào biển; cách chiếc  hàng  không  mẫu hạm 4 cây số.

9 giờ 53, người ta vớt capsule ra khỏi nước và không đầy bốn phút sau, Shepard đã ra khỏi capsule lên trực thăng về chiếc USS Lake Champlain (CVA 39)

Shepard đã bay đúng 15 phút như đã định trước. từ điểm bắn là Cocoa Beech tới chỗ rơi đo được 483 cây số, cách xa độ dài tính trước cũng  không  bao lăm.

4/ Vài chi tiết kỹ thuật:

Chuyến bay của shepard tuy ngắn nhưng  rất hoàn hảo. Trong lúc  mọi người ở mặt đất lo sợ cho người phi công của chuyến bay phi thường, Shepard đã hết sức bình tĩnh làm tròn nhiệm vụ của mình. Cứ nghe ông ta nói chuyện từ capsule với bạn đồng đội ở đài kiểm tra, người ta nghe như hai người kỹ sư đang  bàn bạc cùng nhau về một thí nghiệm đang thử mà không dè một trong hai người đang bay với một tốc độ vô cùng  lớn. Kiến trúc capsule là một sáng kiến hay ho. Capsule hình giống một cái phễu, lúc khởi hành, miệng phễu dính vào hỏa tiễn. Phi công nằm dựa vào miệng phễu, mặt ngó về đằng trước. Các  nhà chuyên  môn tính với cách ngồi như vậy thì phi công dễ chịu đựng nhất lực gia tốc có thể lớn gấp 6 lần trọng  lực. Nhưng rời hỏa tiễn xong thì capsule quay một vòng và phếu quay ra phía trước, phi công xây mặt lại đằng sau. Capsule vẫn nằm ở vị trí này lúc các  hỏa tiễn hồi tố vận dụng, thành thử khi đi cũng như trên đường về, miệng phễu luôn xây về phía mặt đất.

Trong lúc bay, một đàng bị trọng  lực kéo về mặt đất, một đằng bị lực ly tâm đẩy ra ngoài nên phi công nằm ở một điểm thăng bằng, như mình hết còn nặng. Thành thử trong khoảng vài phút Shepard đã là người vũ trụ. Nằm trên ghế dựa, tuy mặt xây về đằng sau, nhờ có máy tiềm vọng, ông đã ngắm được rõ ràng  mặt đất

Trên đường về, sau khi các hỏa tiễn hồi tố đã được đốt, Shepard bỏ mặc tay lái cho máy tự động vì các lực phản gia tốc còn mạnh hơn cả lực gia tốc. Thời gian này cũng như thời gian khởi hành đối với các nhà bác học là rất quan trọng nên  một máy quay phim tự động ghi chụp tất cả các cử động của phi công. Cũng  may mắn mấy cái dù đã mau hãm capsule lại, đồng thời một cánh cửa sổ được mở ra để khí trời mặc sức tuôn vào capsule. Rơi xuống nước, capsule rải ra mặt biển một chất thuốc  màu để mau dễ tìm ra

Được vớt ra, đưa về chiếc hàng  không  mẫu hạm, Shepard còn được giữ 48 giờ ở bệnh viện để các nhà bác học khảo sát tuy ông vẫn rất khoẻ mạnh.

5/ Tương  lai cuộc  khảo sát không gian của Mỹ

Alan Shepard rnhận giải thưởng đặc biệt của NASA (NASA Distinguished Service Award) do Tổng thống Kennedy trao tặng vào tháng 5, 1961 sau chuyến bay thành công  Mercury-Redstone 3. Vợ và mẹ của Shepard đứng bên trái và một phi hành gia khác đứng đằng sau

Tổng thống  Kennedy thân hành điện thoại ban khen trung tá Shepard "Toàn quốc Hoa kỳ đều thỏa thích với công trạng của ông". Sau đó, trong một cuộc nói chuyện báo chí, ông  nhấn  mạnh Hoa kỳ còn phải cố gắng thêm nhiều trong cuộc khảo sát không gian. Tuy nhiên, ông  tuyên bố các tài liệu khoa học đã thu mượm được, sẽ đem công bố cho tất cả các giới khoa học khắp hoàn cầu. Hoa kỳ, cũng theo lời Tổng thống  Kennedy, không  bao giờ có ý định giữ kín các thí nghiệm không gian mặc dù tất cả nguy hiểm của một cuộc tuyên truyền nếu thí nghiệm bị hỏng.  Ông tiếp thêm, trong  một xã hội tự do, các thành công cũng như các thất bại cần phải được kiểm tra và công bố.

Bên cạnh các  lời tuyên bố của Tổng thống  Kennedy, những  lời của nhà  bác  học  Von Braun cho ta thấy sơ lược chương trình không  gian của Mỹ. Ông bảo công tác vừa qua chỉ là một cuộc bắt đấu tầm thường trên đường vũ trụ. Giai đoạn sắp đến sẽ bắn một con người vệ tinh với hỏa tiễn Atlas-Mercury. Còn  hỏa tiễn Saturne cò thể đẩy được 1.500 tấn (nghĩa là mạnh gấp đôi hỏa tiễn đã bắn vệ tinh Vostok của Gagarin) sẽ hoàn thành vào cuối 1964 đầu 1965 . Hỏa tiễn này sẽ bắn một vệ tinh có thể đem theo một toán nhiều nhà du hành vũ trụ.

7 Phi hành gia đầu tiên của  Mercury Freedom 7, NASA  (Hàng sau từ trái sang  phải) Alan Shepard, Gus Grissom, Grodon Cooper; (Hàng đầu) Waltedr Schirra, Deke Slayton, John Glenn, Scott Carpenter

 

M. Scott Carpenter (1925-)


L. Gordon Cooper, Jr. (1927-2004)


John H. Glenn. Jr. (1921-)
(Người Mỹ đầu tiên tới quỹ đạo Trái đất)


Virgil I. "Gus" Grissom (1926-1967)


Walter M. Schirra, Jr. (1923-)


Alan B. Shepard, Jr. (1923-1998)
(Người Mỹ đầu tiên ra không gian)


Donald K. "Deke" Slayton (1924-1993)

 

 

 

 

 

 

 

Đã đăng trong  tạp chí Bách Khoa số 106 ra ngày 01/06/1961

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Võ Quang Yến