Người tàng hình của Herbert George Wells

                   
 
 

 

Trong cuốn tiểu thuyết “Người tàng hình” của nhà văn Anh Herbert George Wells, (1866-1946) nhân vật chính - một nhà vật lý học thiên tài - đã khám phá ra một phương pháp có thể biến thân thể người ta thành vô hình.

       

 Dưới đây là những điều mà ông ta trình bày với một bác sĩ về phát minh mới của mình...

“Sở dĩ chúng ta nhìn thấy một vật là do vật đó có thể tác dụng được với ánh sáng. Chắc bác biết rằng vật thể hoặc hấp thụ ánh sáng, hoặc phản xạ hay khúc xạ ánh sáng. Nếu như vật thể không hấp thụ mà cũng không phản xạ hoặc khúc xạ ánh sáng, thì nó không thể tự làm cho ta nhìn thấy được. Thí dụ, bác sở dĩ nhìn thấy cái hòm màu đỏ không trong suốt kia là do lớp sơn màu đỏ hấp thụ một phần ánh sáng và phản xạ (khuếch tán) những tia sáng còn lại. Nếu như chiếc hòm không hấp thụ một phần ánh sáng nào cả, mà phản xạ toàn bộ, thì qua con mắt của chúng ta, nó sẽ là một cái hòm trắng chói loà, tựa như làm bằng bạc vậy. Hòm thủy tinh ít sáng hơn, qua con mắt của chúng ta, nó không rõ ràng như cái hòm sáng bóng, bởi vì sự phản xạ và khúc xạ ở thuỷ tinh tương đối ít. Nếu đặt tấm thuỷ tinh trắng thông thường vào trong nước, hơn nữa, nếu đặt nó vào trong một chất lỏng nào đó có khối lượng riêng lớn hơn khối lượng riêng của nước thì nó hầu như hoàn toàn mất hẳn, bởi vì ánh sáng xuyên qua nước rọi vào thuỷ tinh bị khúc xạ và phản xạ rất yếu. Thủy tinh đã trở thành không nhìn thấy được, giống như một dòng khí carbonic hoặc hydro trong không khí vậy.

- Đúng - Kemper, người thầy thuốc, nói - Những điều đó đều đơn giản. Ngày nay, các học sinh đều hiểu rất rõ.

- Đây còn một sự thực nữa mà mỗi học sinh cũng đều biết. Nếu nghiền nát một miếng thủy tinh thành bột, trong không khí, nó trở thành rất dễ nhìn thấy - nó trở thành những bột trắng không trong suốt. Sở dĩ như thế là vì, nghiền nhỏ thủy tinh tức là làm tăng những mặt gây ra phản xạ và khúc xạ của thủy tinh. Tấm thủy tinh chỉ có hai mặt, nhưng mỗi hạt thủy tinh thì đều có thể phản xạ tia sáng đi qua nó, cho nên tia sáng có thể xuyên qua nó rất ít. Nhưng nếu thả thủy tinh trắng đã nghiền nhỏ vào trong nước, thì nó lập tức biến mất. Thủy tinh đã nghiền nhỏ vào nước gần giống như có cùng chiết suất, do đó làm cho ánh sáng phản xạ và khúc xạ rất ít lúc đi từ nước vào thủy tinh hoặc ngược lại.

Đặt thủy tinh vào trong bất kỳ một chất lỏng nào đó có cùng chiết suất với nó, anh sẽ không nhìn thấy được nó: tất cả những vật trong suốt đều trở nên không nhìn thấy được, nếu ta đặt nó vào trong một môi trường có cùng chiết suất với nó. Hiểu được điểm đó, anh chỉ cần suy nghĩ một chút là có thể tin chắc rằng chúng ta cũng có thể làm cho thủy tinh trở thành không nhìn thấy ở ngay trong không khí: nghĩ cách làm cho chiết suất của thủy tinh bằng chiết suất của không khí. Bởi vì, lúc ấy, ánh sáng đi từ thủy tinh vào không khí sẽ không bị phản xạ và càng không bị khúc xạ.

- Đúng, đúng - Kemper nói - nhưng nên nhớ rằng con người không phải là thủy tinh.

- Không phải, con người còn trong suốt hơn thủy tinh

- Nói tầm bậy!

- Các nhà khoa học tự nhiên cũng nói thế đấy! Lẽ nào mới chỉ có mươi năm mà bác đã quên hết vật lý học rồi ư? Như giấy chẳng hạn là do những sợi trong suốt tạo nên, nguyên nhân làm cho nó trắng và không để ánh sáng lọt qua cũng giống như ở trong trường hợp bột thủy tinh trắng và không cho ánh sáng lọt qua vậy. Nhưng nếu bôi dầu lên trên giấy trắng, để cho dầu tràn đầy vào các khoảng trống giữa các sợi, làm cho tờ giấy chỉ có thể phản xạ và khúc xạ ánh sáng bằng các mặt ngoài của nó thì tờ giấy đó sẽ trở thành trong suốt như thủy tinh. Không riêng gì giấy, mà ngay sợi vải, sợi len, sợi gỗ, xương thịt, tóc, móng tay và thần kinh của chúng ta đều như thế cả! Nói tóm lại, trừ huyết tố đỏ trong máu và sắc tố đen trong tóc ra, hết thảy những thành phần của con người đều do những tổ chức trong suốt, không màu, tạo nên. Do đó, muốn làm cho chúng ta không nhìn thấy nhau cũng không phải là khó lắm!”.

Có thể lấy sự kiện sau đây làm căn cứ cho ý kiến đó: những động vật trên mình không có lông, mắc bệnh bạch tạng (trong các tổ chức của nó thiếu sắc tố) thì khá trong suốt. Mùa hè năm 1934, một nhà động vật học đã tìm được ở thôn Nhi đồng (Trung Quốc) một con ếch bạch tạng và đã mô tả nó như sau: “Da rất mỏng, các cơ trong suốt, có thể nhìn thấy rất rõ các cơ quan bên trong và xương… Qua thành bụng có thể nhìn thấy rất rõ tim và ruột của con ếch thiếu sắc tố đó đập và co bóp như thế nào”.

Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của Wells đã phát minh được một phương pháp có thể làm cho tất cả các tổ chức trong cơ thể người đều trở nên trong suốt. Và anh ta đã ứng dụng phát minh đó vào ngay chính bản thân mình. Thí nghiệm đã thu được thành tích huy hoàng - bản thân nhà phát minh biến thành một người vô hình.

Uy lực thực sự của người tàng hình

Tác giả cuốn “Người tàng hình” đã chứng minh một cách rất thông minh và chặt chẽ rằng một người sau khi đã trở thành trong suốt không thể nhìn thấy được thì người ấy sẽ có được một uy lực cơ hồ như vô hạn. Anh ta đi được vào bất cứ gian phòng nào và có thể tự do lấy đi bất cứ đồ vật gì... Nhưng, sự thực không phải thế!

Người ta không thể nhìn thấy người tàng hình nên không thể bắt hắn… Trong tiểu thuyết, mới đầu, người vô hình thắng lợi. Nhưng về sau, những cư dân bị uy hiếp đã lật đổ được ách thống trị của kẻ địch vô hình có mộng làm hoàng đế ấy.

Hết thảy những điều trình bày trong cuốn tiểu thuyết đã được tác giả suy xét rất kỹ lưỡng, đến nỗi bạn đọc có thể tin tưởng chắc chắn vào những sự thực mà tác giả đã mô tả, và nghĩ rằng người tàng hình quả thực là có uy lực nhất trong loài người.

Nhưng, sự thực không phải thế!

Thì ra, tác giả thông minh của cuốn tiểu thuyết “Người tàng hình” đã xem nhẹ một trường hợp rất nhỏ. Đó là vấn đề: Liệu người tàng hình có nhìn thấy người khác không?

Nếu như Wells, trước khi hạ bút, tự đề ra cho mình câu hỏi như trên thì thiên tuyệt tác “Người vô hình” chưa chắc đã thành công. Thật vậy, điểm này đã phá tan cái ảo tưởng về uy lực mãnh liệt của người vô hình. Anh ta phải là một người mù!

Khi vô hình, hết thảy các bộ phận trong cơ thể của nhân vật này - trong đó có cả mắt - đều trở thành trong suốt, do đó chiết suất của chúng đều bằng chiết suất của không khí.

Chúng ta hãy nhớ lại tác dụng của mắt: thuỷ tinh dịch, thuỷ tinh thể và các bộ phận khác trong mắt đều khúc xạ ánh sáng sao cho ảnh của vật có thể xuất hiện trên võng mạc. Nhưng nếu chiết suất của mắt và của không khí giống nhau thì hiện tượng khúc xạ không xảy ra. Đó là vì ánh sáng, khi đi từ một môi trường tới một môi trường khác có cùng chiết suất, thì không đổi hướng, do đó không thể hội tụ ở một điểm được. Ánh sáng đi vào mắt người vô hình hoàn toàn không gặp điều gì trở ngại, nên không khúc xạ, mà cũng không lưu lại ở trong mắt, do trong mắt anh ta không có sắc tố, vì thế chúng không thể gây ra một ảnh nào trong ý thức của người vô hình cả.

Như vậy, người vô hình chẳng nhìn thấy gì hết. Những ưu điểm của hắn rõ ràng chẳng có lợi gì cho hắn cả. Con người đáng sợ với mộng làm hoàng đế ấy chỉ có thể lang thang ở đầu đường xó chợ, ngửa tay xin ăn mà thôi. Nhưng mọi người cũng chẳng có cách nào giúp hắn, vì chẳng ai nhìn thấy con người tội nghiệp ấy cả.

Vật lý vui