Cách kháng thuốc của virus HIV

Mỹ Linh
 
1) Khả năng kháng thuốc của virus HIV tăng nhanh

Một nghiên cứu trên toàn châu Âu cho thấy, cứ 10 người nhiễm HIV chưa qua điều trị thuốc chống virus hoạt động trở lại, thì có 1 trường hợp xuất hiện dấu hiệu kháng thuốc. Nguy cơ lan rộng những dòng virus HIV kháng thuốc đang de dọa thu hẹp phạm vi điều trị bệnh bằng dược phẩm.

Công trình do một nhóm nhà khoa học quốc tế tiến hành, dựa trên 1.600 bệnh nhân HIV mới mắc bệnh ở châu Âu. Theo nhóm nghiên cứu, số bệnh nhân HIV kháng thuốc sẽ tăng lên rất nhanh, nếu ngay bây giờ không có biện pháp phát hiện và kiểm soát những trường hợp nhiễm các dòng virus có khả năng vô hiệu hóa dược phẩm.

Một phát hiện khác của nghiên cứu cũng gây chú ý là tỷ lệ bệnh nhân kháng thuốc phụ thuộc vào loại virus HIV mà họ nhiễm phải. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những người nhiễm virus HIV phụ nhóm B - dòng virus rất phổ biến ở châu Âu và Bắc Mỹ - có 11,3% trường hợp kháng thuốc. Trong khi đó, ở những người nhiễm virus HIV không thuộc nhóm B, số người kháng thuốc chỉ chiếm 3,3%. Dòng virus không thuộc nhóm B này đang hoành hành ở châu Á và châu Phi. Theo lý giải ban đầu, sự chênh lệch trên là do virus HIV “châu Âu” đã được tiếp xúc với các loại thuốc lâu hơn những dòng virus khác, vì thế chúng có đủ thời gian để phát triển khả năng kháng thuốc.

2) Phát hiện con đường kháng thuốc của virus HIV

Hầu hết các loại dược phẩm trị HIV hiện nay đều không có tác dụng triệt để, do vẫn còn một số virus gây bệnh có khả năng né tránh ảnh hưởng của thuốc. Chúng tích tụ ở một góc nào đó trong cơ thể và chờ cơ hội nhất loạt tấn công. Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra cách kháng thuốc của những virus này.

Thông thường, virus HIV chỉ tấn công các tế bào T (tế bào bạch cầu lympho), khi những tế bào này đã được kích hoạt để làm nhiệm vụ vây bắt và tiêu diệt “kẻ xâm nhập”.

 Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Trường Y Massachusetts, Mỹ, lại phát hiện ra rằng virus HIV còn tấn công cả những tế bào T chưa được kích hoạt, bằng một con đường vòng.

Chu kỳ của virus HIV

Đầu tiên, virus kích thích một đại thực bào, khiến cho đại thực bào này tiết ra một chất làm thay đổi hành vi của các tế bào có tên là tế bào B. Khi các tế bào B tiếp xúc với tế bào T chưa được kích hoạt, thì thay vì hỗ trợ, chúng lại làm tổn thương tế bào T và tạo điều kiện cho virus tấn công. Như vậy, đại thực bào và tế bào B là những "quân cờ" trung gian trong kế hoạch tấn công của virus HIV. Còn các tế bào T chưa "thức tỉnh" lại trở thành tấm lá chắn hữu hiệu, giúp nó ẩn mình và né tránh sự tấn công của dược phẩm. Trong thời gian người bệnh dùng thuốc, virus HIV sẽ tích tụ lại và nằm chờ cơ hội trỗi dậy.

Phát hiện trên đã làm thức tỉnh giới chuyên môn, giúp họ nhận ra rằng, chỉ bằng cách phá tan "chiến lược" này của virus HIV mới có thể hy vọng chữa bệnh triệt để. Nếu không, người bệnh buộc phải dùng những loại thuốc đắt tiền cho đến phút cuối đời, mà vẫn còn thấp thỏm lo âu đến lúc nào đó thuốc sẽ bị vô hiệu hóa.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature và được đánh giá là một phát hiện quan trọng.