Các loại thông minh

Phạm Văn Tuấn

 


1/ Định nghĩa thông minh.

Trong cuộc sống hàng ngày, có vài người hiểu rất dễ dàng các máy móc vận chuyển ra sao. Một số người khác có thể giải các bài toán đố một cách nhanh chóng. Lại có người học ngoại ngữ dễ dàng, mau nhớ các từ mới. Các khả năng kể trên được coi là các yếu tố của trí thông minh. Tuy nhiên, nếu một người có vài khả năng đặc biệt nào thì lại kém về các khả năng khác. Một người có tài nhớ tên và nhớ ngày tháng nhưng lại không thể tính nhẩm, nhân chia nhiều con số. Một số nhạc sĩ hay nghệ sĩ rất có tài về âm nhạc hay nghệ thuật nhưng lại yếu kém về các khả năng liên quan tới loại trí tuệ khác, trong khi một số người với trí thông minh trên trung bình gặp khó khăn khi phải giải quyết các vấn đề mới lạ.

Các nhà tâm lý học cho rằng óc sáng tạo (creativity) và trí thông minh (intelligence) có liên hệ với nhau và thường khi, trí thông minh được coi là sự phối hợp của các đặc tính dẫn tới sự thành công ở trường học.

Vào đầu thế kỷ 20, các nhà thẩm quyền về giáo dục tại thành phố Paris đã yêu cầu nhà tâm lý học Alfred Binet nghĩ ra một cách chọn lựa các trẻ em nào không thể theo học như bình thường. Ông Binet sau đó đã làm phát triển một phương pháp cho phép đo lường trí thông minh của các em học sinh rồi xếp loại chúng thành 3 hạng: chậm hiểu (dull), trung bình và sáng trí (bright). Ông Binet cho rằng khả năng của một em học sinh có thể giải đáp các bài toán chính là dấu hiệu cho biết về trí thông minh và ông đã tìm ra các bài toán phức tạp đặc biệt liên quan tới cách suy nghĩ trưù tượng (abstract thinking) để phân loại các trẻ em.

Khả năng giải đáp các bài toán đã gia tăng theo tuổi trưởng thành và vì lý do này, ông Binet đã làm ra một thứ thước đo trí thông minh. Ông đã chọn các bài toán nào mà phần lớn các trẻ em ở một lứa tuổi có thể tìm ra được đáp số trong khi đó các em trẻ tuổi hơn lại không làm được.

Năm 1905, Alfred Binet và Théodore Simon đã phổ biến một thang đo trí thông minh cho các em tuổi từ 3 tới 13. Tại Hoa Kỳ, các bài trắc nghiệmä của ông Binet đã được Henry H. Goddard dùng tại trường huấn luyện ở Vineland, N.J., từ năm 1908 tới 1911, rồi kể từ đó, nhiều phiên bản trắc nghiệm của Binet được sửa chữa, làm thích nghi và dùng tại Hoa Kỳ cũng như tại các quốc gia khác.


2/ Thương số thông minh I.Q.

Các điểm số được tính trong thang điểm Binet và trong các bài trắc nghiệm tương tự đều dùng tới tuổi trí tuệ (MA= mental age). Em Nam có tuổi trí tuệ là 8 khi em có thể giải đáp các bài toán mà phần lớn các em 8 tuổi khác đều làm được. Điều này có nghĩa đối với thầy cô giáo và cha mẹ em, là em Nam có thể học hành theo kịp với các em khác 8 tuổi, mặc dù em Nam có thể là 7 tuổi hay 9 tuổi thực.

Năm 1914, nhà tâm lý học người Đức William Stern cho biết rằng do so sánh tuổi trí tuệ (MA) với tuổi thực, người ta biết được sự phát triển của trẻ em. Một em nhỏ 7 tuổi thực, nhưng có tuổi trí tuệ là 9, sẽ học hành nhanh hơn các em học sinh trung bình khác và một em 7 tuổi thực mà tuổi trí tuệ là 5, sẽ học hỏi chậm hơn. Ông Stern cho rằng dùng tuổi trí tuệ (MA) chia cho tuổi thực là cách để đo lường tốc độ học hành và để tránh các số lẻ, kết quả được nhân với 100, và ông William Stern đã gọi đó là “thương số tuổi trí tuệ” (mental age quotient).

Năm 1916, nhà tâm lý học người Mỹ thuộc trường Đại Học Stanford là ông Lewis Terman (1877-1956) đã sửa đổi các bài trắc nghiệmï của Alfred Binet thành bài trắc nghiệm Stanford-Binet và đưa ra ý niệm về “thương số thông minh“ (I.Q. = Intelligence Quotient).

Để đo lường thương số thông minh của em Nam 7 tuổi, có tuổi trí tuệ là 9, cách tính được làm như sau:

(9 năm 0 tháng x 100)  (7 năm 0 tháng) = (108 tháng x 100)  (84 tháng) = 128.58  129.

Như vậy, thương số thông minh của em Nam là 129. Nếu một em khác tên Việt, lên 12 tuổi nhưng có tuổi trí tuệ là 9 thì thương số thông minh I.Q. của em Việt theo cách tính trên là 75.

Để xác định tuổi trí tuệ (MA), các nhà giáo dục và tâm lý học đã dùng tới các bài trắc nghiệm để đo lường khả năng trí tuệ của các em học sinh. Các câu hỏi được xếp đặt từ dễ đến khó và liên quan tới trí nhớ (memory), cách lý luận (reasoning), các định nghĩa (definitions), khả năng tính các con số (numerical ability) và khả năng nhớ lại các dữ kiện (recalling facts). Như vậy, trong các bài trắc nghiệm, một em nhỏ được yêu cầu định nghĩa vài từ (words), cho biết liên lạc giữa các từ này với các ý tưởng, giải vài bài toán đơn giản và nhớ lại một số dữ kiện. Khi em Nam có thể làm xong các bài trắc nghiệm của lứa 7 tuổi nhưng không thể làm nổi các bài của lứa 8 tuổi, sẽ được coi có tuổi trí tuệ là 7.

Theo cách tính về thương số thông minh kể trên, điểm trung bình là 100 và cách xếp hạng được căn cứ theo bảng liệt kê dưới đây:

Bảng xếp hạng về trí thông minh:

Điểm trắc nghiệm: Xếp hạng

từ 132 trở lên cực kỳ thông minh

121 - 131 rất thông minh

111 - 120 khá thông minh

89 - 110 thông minh trung bình

79 - 88 kém thông minh

68 - 78 học chậm (slow learner)

67 hay dưới trì độn (mentally retarded)


Một em học sinh có thương số thông minh cao hơn 100, sẽ trưởng thành về trí tuệ nhanh hơn trung bình, còn em học sinh có thương số thông minh là 75 sẽ trưởng thành với tốc độ bằng ba phần tư nhịp độ trung bình. Như vậy, thương số thông minh là một phương tiện để xếp nhóm các học sinh có các khả năng tương tự như nhau, và nhiều nhà thẩm quyền giáo dục đã dùng thương số thông minh để cho phép một số học sinh theo đuổi các khóa học hay các chương trình đặc biệt.

Khi viết ra các bài trắc nghiệm trí thông minh, các nhà tâm lý học đã cố gắng dùng các câu hỏi để mọi người đều được xét đoán công bằng nhưng diều này không thể thực hiện được một cách hoàn toàn bởi vì cách trắc nghiệm thông minh cũng đo lường một phần nào kinh nghiệm. Một em học sinh đọc nhiều sách và đi du lịch nhiều sẽ có điểm cao hơn một em học sinh khác thiếu các kinh nghiệm này, và khi bài thi được viết bằng tiếng Anh sẽ khiến cho em học sinh nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ dễ đạt điểm cao hơn em học sinh nói tiếng Việt rồi về sau mới chuyển sang học tiếng Anh. Các bài trắc nghiệm trí thông minh được viết ra tại Hoa Kỳ có chủ đích dùng cho các học sinh da trắng thuộc giới trung lưu, vì vậy các bài đó bị coi là không công bằng và không có giá trị với các trẻ em gốc thiểu số và có quá trình văn hóa khác. Các học sinh sống trong các khu nhà ổ chuột, thiếu dinh dưỡng vào tuổi niên thiếu cũng sẽ có các thương số thông minh thấp, vì các khả năng tự nhiên của các trẻ em loại này đã không được phát triển trong quá khứ, đồng thời các tài năng trí tuệ cũng bị kìm hãm tại các trẻ em bị kỳ thị vì chủng tộc, vì bị hành hạ hay có các dị tật cơ thể.

Như vậy, thương số thông minh tùy thuộc vào di truyền và môi trường sống. Điểm số của các bài trắc nghiệm thông minh của các em học sinh còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe khi dự thi. Một em hoc sinh được nghỉ ngơi đầy đủ, cảm thấy mạnh khỏe và tự tin sẽ có điểm số cao hơn một em học sinh khác mới bị bệnh hay mệt mỏi.

Trong việc soạn ra các bài thi trắc nghiệm thông minh, các nhà tâm lý đã cố gắng đạt sự công bằng về văn hóa bằng cách dùng các hình ảnh hay biểu đồ mà mọi học sinh thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau đều có thể hiểu rõ, nhưng bài thi trắc nghiệm còn thiếu phần đo lường kỹ năng cơ khí và không nhấn mạnh vào tính độc đáo (originality) của trí tuệ.

Sự tăng trưởng trí tuệ của trẻ em giảm dần vào tuổi 13 rồi tới 15 hay 16 tuổi, các thiếu niên chuyển sang thu lượm kiến thức, cải tiên các kỹ năng, trưởng thành về cách xét đoán (judgment) và sự khôn ngoan. Như vậy, khả năng học hỏi căn bản đã không gia tăng và cách đo lường tâm lý của ông Binet không thể áp dụng với các em học sinh lớn tuổi hơn, hay với người trưởng thành. Một vị cao niên xuất sắc thuộc tuổi 60, nếu có tuổi trí tuệ chia cho 60, sẽ bị xếp hạng trì độn, vì vậy ông William Terman đã dùng tuổi trí tuệ chia cho 15 để tính ra thương số thông minh I.Q. của mọi người từ 16 tuổi trở lên. Các bài thi trắc nghiệm trí thông minh đã được nhiều nhà tâm lý tìm cách sửa chữa và cải tiến, chẳng hạn như các bài trắc nghiệm của Terman và Maude Merrill năm 1937 và 1959.

Năm 1949, nhà tâm lý học David Wechsler cho phổ biến “thước đo thông minh Wechsler” (the Wechsler Intelligence Scale) dùng cho các thiếu niên từ 5 tới 15 tuổi, rồi thước đo trí thông minh dùng cho người trưởng thành (the Wechsler Adult Intelligence Scale) trình bày năm 1955 dùng để trắc nghiệm mọi người từ 16 tới 64 tuổi, với phần tiêu chuẩn đặc biệt dùng cho các vị cao niên từ 60 tới 75 tuổi. Ngày nay tại Hoa Kỳ, các bài thi trắc nghiệm thông minh thường thuộc về loại Stanford-Binet hay loại Wechsler.

Vào lúc đầu, việc trắc nghiệm thông minh thường được hỏi miệng với từng cá nhân trong khoảng thời gian từ 30 tới 90 phút. Khi Hoa Kỳ tham gia Thế Chiến Thứ Nhất, giới chức Lục Quân đã yêu cầu các nhà tâm lý lập ra các bài trắc nghiệm dùng cho các nhóm đông người và từ đó có 2 thang điểm đo lường: thang Alpha dùng cho lính tân tuyển có khả năng đọc và viết tiếng Anh, còn thang Beta gồm các hình ảnh và biểu đồ, dùng cho loại lính mù chữ hay các người nước ngoài. Mức độ thông minh trong loại trắc nghiệm này được xếp hạng từ A xuống D.

Sự thành công của loại trắc nghiệm nhóm đông người kể trên đã khiến cho các nhà tâm lý học lại nghĩ ra các bài khảo sát nhóm về trí thông minh, dùng cho các trường học, kỹ nghệ và cơ quan chính phủ. Ngoài ra còn có các bộ bài trắc nghiệm dùng cho trẻ ấu thơ và trẻ mẫu giáo.


3/ Lý thuyết về trí thông minh.

Các nhà tâm lý học thường không đồng ý với nhau về bản chất của trí thông minh của con người. Trí thông minh đã được định nghĩa khác nhau. Binet và Simon tin rằng yếu tố quan trọng nhất của một người là khả năng suy xét chính xác (sound judgment). Nhà tâm lý học người Mỹ Lewis Terman lại nhấn mạnh vào khả năng suy nghĩ một cách trừu tượng trong khi đó nhà tâm lý học người Mỹ khác là Edward L. Thorndike đặt nặng vào viêc học hỏi và trả lời thích đáng. Thorndike đã chia trí thông minh ra làm 3 loại: trừu tượng, cơ khí (mechanical) và xã hội (social). Các nhà tâm lý khác lại cho rằng trí thông minh dùng để hiểu mau và thích nghi (adaptation) với các môi trường. Việc thích nghi này đòi hỏi tới sự tự thay đổi để đối phó với các vấn đề một cách hữu hiệu hơn, hay làm thay đổi môi trường chung quanh. Việc thích nghi hữu hiệu cũng cần tới các tiến trình nhận thức (cognitive processes) như nhận biết, học hỏi, trí nhớ, lý luận và giải quyết vấn đề và đây là một cách phối hợp có chọn lựa.

Trí thông minh như thế không phải là một khả năng đơn thuần mà cần tới nhiều khả năng khác nhau. Bản chất và các khả năng của con người đã là đề tài tranh luận của các nhà tâm lý học liên quan tới trí thông minh. Năm 1904, trong một bài viết về trí thông minh, nhà tâm lý học người Anh Charles E. Spearman đề cập tới các lý thuyết về đo lường tâm lý (psychometric theories) và đã nghĩ ra một kỹ thuật phân tích theo thống kê gọi là “phân tích thừa số” (factor analysis). Spearman gọi khả năng trí tuệ tổng quát là “g“, là thứ thiết yếu đối với mọi cách hành xử hữu hiệu (effective behavior). Rồi mỗi người còn có các khả năng đặc biệt và thừa số “c“ liên quan tới sự mau lẹ trong các tiến trình tư tưởng. Khả năng “w“ theo Spearman, liên quan tới năng lực, sự tự kiểm soát và khả năng chịu đựng các khó khăn.

Một nhà tâm lý học người Mỹ khác là L.L. Thurstone lại cho rằng trí thông minh gồm nhiều yếu tố căn bản hay các khả năng trí tuệ chính (primary mental abilities) : không gian, nhận thức, số liệt (numerical), ngôn từ, trí nhớ, từ vựng, lý luận, suy diễn và quy nạp. J.P.Guilford cũng là một nhà tâm lý học người Mỹ, cho rằng con người có 120 thứ khả năng và các thiên tài (gifted) là những người giỏi về các tư tưởng mới hay về sáng tạo, giỏi về cách tìm ra các liên hệ mới giữa các tư tưởng xuất phát từ các người khác, hoặc giỏi vềø cách tổ chức các tin tức. Việc áp dụng các mẫu điện toán (computer models) vào nhận thức của con ngườiø còn được các nhà tâm lý học khảo sát, như Allen Newell, Herbert A. Simon, David E. Rumelhart, Jay L. McClelland…

Tóm lại, thương số thông minh I.Q. của một học sinh tùy thuộc vào bộ bài thi trắc nghiệm xử dụng, và các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả là : cảm xúc, sức khỏe, giác quan và văn hóa của người học sinh. Các kết quả trắc nghiệm này có thể dễ dàng giúp người học sinh nhận ra các phạm vi học vấn nào không thành công và nghề nghiệp nào có thể hoàn thành. Điểm số của bài trắc nghiệm trí thông minh cũng giúp cho việc tiên đoán thành quả về tập đọc và lý luận trừu tượng của người học sinh. Các khả năng khác phải do các bộ bài trắc nghiệm khác đo lường, chẳng hạn về cá tính (personality) hay về thành tích học vấn.


4/ Các loại thông minh.

Tại trường học, các nhà giáo dục thường dùng nhiều bài trắc nghiệm để đo lường và xác định “thương số thông minh” (IQ) của học sinh. Không dùng cách đo lường này, làm sao nhà trường có thể xếp các học sinh vào những loại lớp học khác nhau, chẳng hạn như lớp đặc biệt dành cho các em chậm hiểu, lớp thần đồng (gifted) là nơi các em thông minh được học hành theo độ khó cao hơn, làm sao một học sinh được cố vấn sau này nên theo đuổi nền đại học tổng quát hay nên vào một trường chuyên nghiệp.

Người học sinh như vậy được phân loại do các bài trắc nghiệm tiêu chuẩn, rồi được chấm điểm bằng máy móc. Cách đo lường này, theo Giáo Sư Howard Gardner là một nhà khảo cứu thuộc Đại Học Harvard, chỉ có một mục đích mà thôi, đó là tiên đoán sự thành công của em học sinh “tại trường học”. Theo Giáo Sư Howard Gardner và nhóm khảo cứu, các bài trắc nghiệm dùng cho các em học sinh lớp 6 có thể cho ra một hình ảnh về sự thành công của các em này trong vài năm về sau mà không nói lên được các ước vọng của các em học sinh đó trong tương lai. Các bài trắc nghiệm về trí thông minh chỉ giới hạn phạm vi đo lường vào các khả năng lý luận toán học và ngôn ngữ, mà hầu như đã bỏ quên những năng khiếu khác mà người học sinh có thể xuất sắc, chẳng hạn như sự khéo tay trong ngành thủ công, cách xuất sắc về vận chuyển cơ thể trong bộ môn thể thao, khả năng giao tiếp với các người khác, đầu óc sáng tạo trong âm nhạc và nghệ thuật... Các bài trắc nghiệm thường bỏ qua những yếu tố như sự cố gắng và thúc động (motivation) và đây là vài động lực quan trọng đưa người học sinh tới chỗ thành công ngoài xã hội.

Giáo Sư Howard Gardner cũng cho rằng nhà trường khi dùng các bài trắc nghiệm trí thông minh (IQ tests) đã bỏ quên hay không xét tới các tài năng và khuynh hướng thường không được xếp vào loại “giáo khoa” (academic), đã không khám phá và đo lường vài loại tài năng của người học sinh, chẳng hạn như tài thuyết phục, tài thương lượng (negotiating) trong khi các khả năng này cũng giúp ích nhiều cho xã hội.

Tìm hiểu bản chất của trí thông minh và làm sao đo lường được phạm vi trí tuệ này là một mục tiêu của nhiều nhà giáo dục. Ngày nay tại nhiều trường học, các nhà giáo dục đã thay thế các bài trắc nghiệm cũ (standardized tests) bằng các cách lượng định chính quy (authentic assessments) trong đó dùng tới cách xem xét các bộ sưu tập công trình thực sự (portfolios) để xác định thành quả và tiến bộ của người học sinh. Nhà trường đã nhận ra tầm xa của các loại thông minh (a full range of intelligences) rồi sau đó làm thay đổi các cách thực thi giáo dục nhờ đó người học sinh có thể phát huy toàn diện.

Giáo Sư Howard Gardner và nhóm cộng sự đã đặt ra lý thuyết về “đa thông minh” (the theory of multiple intelligences) theo đó một em học sinh bình thường (ngoại trừ trẻ em bị khuyết tật) đều thông minh tới một mức độ nào đó tại một hay nhiều miền sau đây: lý luận toán học, ngôn ngữ, âm nhạc, không gian, vận chuyển thân thể, thiên nhiên, giao tế giữa cá nhân (interpersonal) và hiểu rõ nội tâm cá nhân (intrapersonal).


1) Lý luận Toán Học (Logical-mathematical): thuộc về loại này là các em ưa thích làm việc với các con số, đặt câu hỏi rồi giải đáp, dễ nhận ra các kiểu mẫu xếp theo trình tự (patterns), ưa phân tích và phân loại sự vật, đặt câu hỏi rồi giải đáp, có khả năng lý luận dài dòng và trong cách làm việc theo trừu tượng. Các học sinh giỏi toán và lý luận này, về sau trở nên các nhà toán học, các nhà khoa học... Vài nhân vật đại diện cho loại này là Albert Einstein, John Dewey, Suzanne Langer. . .


2) Ngôn ngữ - khẩu ngữ (Verbal-linguistic): người học sinh thuộc về loại này giỏi về đọc, viết, kể chuyện, nhớ rõ ngày tháng, ưa thích giải các bài ô chữ (puzzles), nhậy cảm với các ý nghĩa của các từ ngữ, biết rõ chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Các học sinh này cần được luyện tập về nghe, nói, đọc chữ, thảo luận và viết ra các bài văn. Điển hình loại này Abraham Lincoln, T.S. Eliot, Virginia Woolf, Maya Angelou. . .


3) Không gian (Spatial): loại này gồm các học sinh giỏi vẽ, lập ra họa đồ, có đầu óc dự kiến (visualization), ưa thích mơ mộng và tạo ra các kiểu mẫu, có năng khiếu về không gian và về các biến đổi theo nhận thức đa chiều. Loại học sinh này nên được khuyến khích làm việc với các hình ảnh và màu sắc, dự kiến và dùng con mắt của tâm hồn (mind’s eye). Tương lai của họ là các nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà hàng hải (navigator). Các thí dụ của loại người này gồm Pablo Picasso, Frank Lloyd Wright, Georgia O’Keeffe, Bobby Fischer. . .


4) Âm Nhạc (Musical): về sau trở thành các nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, loại học sinh này có khả năng nhận thức, ghi nhớ, lượng giá và sáng tạo nhịp điệu, âm thanh, tiết điệu, ưa thích đánh đàn, nghe nhạc và ca hát, biết thưởng thức cách diễn tấu... Đại diện cho lớp người này là Wolfgang A. Mozart, Leonard Bernstein, Ella Fitzerald. . .


5) Vận chuyển thân thể (Bodily-kinesthetic): học sinh thuộc loại này sẽ trở nên các nhà thể thao, các vũ công (dancer), họ có khả năng diễn tả qua các động tác cơ thể, ưa nhẩy múa, đóng kịch, xử dụng các dụng cụ (using tools). Vài nhân vật thuộc lớp người này là Charlie Chaplin, Martina Navratilova, Magic Johnson. . .


6) Thiên nhiên (Naturalist): tương lai của lớp học sinh này là các nhà thiên nhiên học, sinh học, bảo trợ môi trường... Loại học sinh này hiểu biết và yêu mến thiên nhiên, biết phân biệt và nhận ra các chủng loại, ưa thích tìm hiểu về cây cỏ, sinh vật, các hiện tượng thiên nhiên... Các danh nhân thuộc loại này gồm Charles Darwin, Luther Burbank, John Muir. . .


7) Tương giao cá nhân (Interpersonal): khi thành công, loại học sinh này trở nên các bác sĩ chữa bệnh tâm lý (therapist), các người bán hàng (salesperson). . . Lớp học sinh này hiểu rõ về bản chất con người, có đầu óc tổ chức, truyền thông và giải quyết các bất đồng, họ cũng ưa thích nhiều bạn bè, tham gia vào các nhóm, cộng tác với nhiều người khác. Đại diện loại người này là Mohandas Gandhi, Mẹ Theresa, Cựu Tổng Thống Ronald Reagan. . .


8) Nội tâm cá nhân (Intrapersonal): học sinh thuộc loại này ưa thích suy tư, làm việc đơn độc, theo đuổi các công trình một cách thầm lặng, hiểu rõ chính mình, nhận ra các ưu khuyết điểm của các hành vi cá nhân và biết đặt ra các mục tiêu thích hợp với nguyện vọng và trí thông minh của từng người. Vài thí dụ về lớp người này là Sigmund Freud, Thomas Merton, bà Eleanor Roosevelt. . .


Lý thuyết về “đa thông minh” của Giáo Sư Howard Gardner đã đặt ra nhiều chiến thuật mới về cách giảng dạy và học tập, người học sinh nhờ đó gặp nhiều cơ hội khám phá ra các tầm cỡ khác nhau về thông minh, được giúp đỡ để phát triển không những các phạm vi mạnh mà cả những năng khiếu còn tiềm ẩn. Theo Giáo Sư Howard Gardner, trường học nên giúp đỡ học sinh tham gia học hỏi, phát triển nhiều loại thông minh, cộng tác vào nhiều loại sinh hoạt học đường và xã hội, khiến cho học sinh có khả năng nhiều mặt để sau này phục vụ xã hội theo nhiều chiều hướng xây dựng.