Những bài cùng tác giả
Tác giả xin lấy loạt bài này làm nén nhang để
tưởng nhớ đến người bạn đã khuất: Anh Nguyễn Văn Chuyển vừa qua đời tại
Nhật ngày 16/06/2008. Những cuốn sách về Thực Phẩm Chức Năng Anh tặng
ngày nào vẫn còn nguyên trên bàn.
Phát hiện độc đáo của GS Sumi Hiroyuki
Natto đã trở thành một đề tài nóng hổi khi TS Sumi Hiroyuki tung ra
những kết qủa bất ngờ về hiệu quả của natto trong việc làm tan các huyết
khối trong động mạch--một trong những nguyên nhân suy tim và tử vong của
bệnh nhân bị các chứng xơ vữa động mạch vành hay đột quị vì nghẽn hay
xuất huyết não—vào năm 1980. Trong bữa cơm trưa tại nhà ăn của đại học Y
khoa Chicago, Sumi lấy một mẫu Natto—món ăn quen thuộc của ông--đặt vào
khay thủy tinh có cục máu đông thì 18 giờ sau cục máu đông nầy tan rã dễ
dàng, điều đó gợi ý rằng trong Natto có thể có một (hay nhiều ?)hoạt
chất (fibrinolytic enzyme) có thể phẩn hủy huyết khối nhờ thủy phân sợi
Fibrin-- là một enzym nội sinh hình sợi-- có khả năng làm đông máu (tụ
máu) để ngăn chứng xuất huyết nội. Sumi bắt đầu lưu ý tới vai trò của
“nattokinase” và Vitamin K2 có trong Natto để chứng minh nó là hoạt chất
giúp cho người Nhật bản sống lâu, làm tăng khả năng tạo ra Plasmin nội
sinh giúp cho cơ thể tránh được tai biến hay đột quị bởi huyết khối hay
các chứng xơ vữa đông mạch, suy tim biến chứng gây nên.Theo kết quả
nghiên cứu của 3 cơ quan y tế--đại học bang Oklahoma (Mỹ), JCR
Pharmaceuticals (NB) và Trường Y khoa Miyazaki-- phối hợp thử nghiệm
trên cơ thể người (in vivo) bằng cách cho ăn Natto 200 gr/ngày và đã
kiểm chứng được những hiệu ứng kể trên, đặc biệt phát hiện lượng Plasmin
nội sinh giảm sụt ở người cao tuổi không đủ để làm tan huyết khối, vón
cục trong động mạch thì hiệu quả càng rõ rệt. Các Bác sĩ ở Mỹ thường sử
dụng các loại thuốc chứa hoạt chất làm tan sợi fibrin như Urokinase (từ
nước tiểu con người), TPA ( tisue plasminogen activators) từ tế bào ung
thư gọi là Melanoma (sản sinh enzym plasmin) còn Bác sĩ ở Châu âu lại
dùng Streptokinase là loại protein đi từ vi khuẩn để chữa trị bệnh huyết
khối trong thời kỳ bệnh mới phát... nhưng hiệu ứng của các loại thuốc
nầy rất ngắn, chỉ kéo dài trong vòng 20 phút không thể kéo dài khi bệnh
nhân lên cơn đột quỵ hay tai biến cấp. Đó là chưa kể những phản ứng phụ
gây, xuất huyết, dị ứng, nôn mữa, loạn nhịp tim khi dùng TPA.

TS Sumi Hiroyuki sinh tại tỉnh Nara (bên cạnh Kyoto) vào năm 1945. Tốt
nghiệp Vi khuẩn học ở Đại học Tokushima, nghiên cứu ở Viện Micheal Rees
ở Chicago vào năm 1980 với tư cách là chuyên gia của Bộ GD-KH Nhật bản.
Sau khi làm phó GS ở ĐH Y Miyazaki về bệnh lý học đã trở thành GS Bệnh
lý học ở ĐH Kurashiki và là giám đốc cơ quan nghiên cứu xuyên quốc gia
về vi sinh học. Ông còn được gọi là “Tiến sĩ Natto” (Dr Natto) của Nhật
bản. |
Năm 1986,
TS Sumi Hiroyuki công bố toàn bộ kết quả nghiên cứu về tác dụng của
Nattokinase sau khi thử nghiệm gần 200 loại thực phẩm khác nhau để so
sánh, xác định Nattokinase là một loại enzym mang khả năng phân hủy
huyết khối một cách hữu hiệu và mạnh nhất trong các loại enzym, gấp 4
lần Plasmin—enzym nội sinh làm tan máu đông--đồng thời tuyệt đối an toàn
cho cơ thể khi hấp thụ qua đường ăn uống. Vốn là một nhà nghiên cứu vi
sinh học, Sumi đã bước sang lĩnh vực y khoa để nghiên cứu về Enzymes vì
đây là một lĩnh vực phát triển nổi trội của Nhật bản. Có nhiều loại đậu
(đậu đen, đậu xanh, hạt hướng dương…) có thể chế biến thành Natto thay
cho đậu nành nhưng chỉ có Bacillus Natto là hiệu quả hơn cả tuy nhiên
enzym nầy chỉ xuất hiện khi có rơm rạ là điều đáng lưu ý. Người ta đã
trồng đậu nành từ 150 năm trước tại Hoa kỳ nhưng không phát hiện ra vi
khuẩn lên men tương tự vì không có loại vi khuẩn Bacillus Natto tồn tại
. Mặt khác, từ nghìn xưa người ta cho rằng Natto rất hữu hiệu trong việc
phòng chống bệnh cảm cúm, ngộ độc thức ăn (kiết lỵ, tiêu chảy cấp…), làm
chắc xương., tiêu diệt vi trùng gây bệnh cũng như giúp cho phụ nữ mang
thai sinh con khỏe khoắn. Dựa trên những bài thuốc cổ truyền nầy Sumi đã
tìm cách chứng minh bằng khoa học cho biết Natto có chứa Di-Picolinic
Acid có thể khống chế vi khuẩn O-157 nhờ hiệu ứng diệt khuẩn, hạn chế sự
sinh sôi của các vi khuẩn độc hại đồng thời thúc đây loại vi khuẩn có
lợi cho sức khỏe tăng trưởng như vi khuẩn Lactobacillus có trong Natto
hay một enzym nổi tiếng làm tan vón máu đông trong mạch máu như
Nattokinase đã đề cập ở trên. Kết quả cho thấy chứng máu đông (huyết
khối) trong tim và não gây tai biến như nhồi máu cơ tim hay đột quị cao
hơn cả các chứng ung thư vì vậy Natto được xem là thực phẩm chức năng
tích cực có tác dụng lâu dài vào cơ thể con người nhằm ngăn ngừa các
chứng tim mạch tích cực và rẽ tiền nhất, thông qua đời sống hàng ngày
hơn là tiêm chích các loại thuốc trị liệu trực tiếp có nhiều tác dụng
phụ không mong muốn. Ngoài ra với hàm lượng vitamin K2 trong Natto ( có
hàm lượng rất cao 870 micro gr/100 gr ) giúp cho xương của phụ nữ mãn
kinh chắc hơn, không bị xốp do loãng xương (Osteoporosis) mà 60% phụ nữ
ở tuổi nầy đều vướng phải. Hiện nay người ta còn khám phá ra tác dụng
của Vitamin K2 (Menaquinone 7) giúp cho việc sản sinh ra một loại
protein có tên Osteocalcin hoạt động như một chất keo kết hợp với Calci
trong xương trong khi hàm lượng Vitamin K2 của cơ thể ngày càng giảm
theo lão hóa. Bộ Y tế NB đã công nhận tác dụng (dược lý) chống loãng
xương của Vitamin K2 và xem Natto là nguồn cung cấp bổ sung Vitamin nầy
cho cơ thể từ Nattokinase. Theo phân tích trong 100 g Natto có chứa
1,000 Micro gram Menaquinone 7, người bình thường tiêu thụ 1 micro
gram/1kg trọng lượng cơ thể. Có nghĩa là người nặng 60 kgs cần 60
micro-gram vitamin K2 hay 10 g Natto là đủ cho 1 ngày. Hơn thế nữa,
trong Natto còn có Isoflavone là một hợp chất có khả năng chống oxy-hóa
tương tự estrogen nữ giới và FDA Hoa kỳ khuyến cáo người dân nên dùng
tối thiểu 50 mg /ngày để ngăn ngừa ung thư, nghĩa là một gói Natto ăn
trong ngày là vừa đủ. Bệnh ung thư tiền liệt tuyến ở Mỹ cao gấp 15 lần ở
Nhật cho thấy đời sống ăn nhiều Natto vẫn có lợi cho các chứng ung thư
Vú (phụ nữ) hay Tiền liệt tuyến (nam) hữu hiệu.Về hiệu quả của hoạt động
chống oxy-hóa thì đậu nành lên men có sức mạnh gấp 4 lần đậu nành bình
thường nhờ enzym bacillus có trong Natto, tuy nhiên cơ chế phản ứng nầy
chưa được khẳng định. Trong 1 gr Natto có khoảng 1 triệu-1 tỷ vi khuẩn
Bacillus và thức ăn nầy đã được bộ y tế Nhật bản xem là thực phẩm có tác
dụng chữa bệnh tiêu hóa từ nhiều năm trước. Hiện nay thức ăn đi từ Natto
đã phổ cập khá rộng rãi trên nhiều nước tây phương, đặc biệt là ở Hoa
Kỳ, họ cho rằng đây là một trong những nguyên nhân giúp cho người Nhật
có tuổi thọ bình quân cao nhât trên thế giới. Tuy nhiên nhược điểm của
Nattokinase là bị phân hủy trong môi trường 70°C vì vậy việc chế biến
bằng cách nấu chín Natto là điều nên tránh, tốt nhất là ăn sống bằng
cách pha trộn vào cơm thêm xì dầu như người Nhật bản thường dùng. Độ
ngọt có trong Natto là những Acid Glutamic thiên nhiên trong chất nhờn
khi lên men vì vậy không những giúp cho cơ thể hấp thu một lượng đường
thiên nhiên mà còn giúp cho ruột tiếp nhận calci dễ dàng. Trong 100 gr
Natto còn có 7 gr chất sợi vì vậy đây là yếu tố nhuận trường tốt, giúp
cho tiêu hóa không bị sình hơi (trướng), tức bụng như khi ăn các sản
phẩm đậu nành khác. Ngoài ra enzym Protease có trong Natto sẽ giúp phẩn
giải các protein thành các loại acid amin như Amilase biến các chất tinh
bột thành đường, Lipase phân giải chất béo trung tính thành Glycerin và
acid béo…giúp cho cơ thể hấp thụ các dưỡng chất cần thiết ngoài hiệu quả
khác như giúp cho phụ nữ có làn da đẹp, giảm cân và các chứng bệnh do
tuổi cao như đã nói ở trên nhờ Lecithin.
Ngăn ngừa chứng tim mạch bằng Natto: an toàn và rẻ nhất
Giá 1 liều Urokinase, thuốc làm tan vón máu rất đắt tiền, khoảng 1,500
USD/liều và chỉ hữu hiệu trong vòng 30 phút hay sử dụng thuốc t-PA có
hiệu quả trong 3-6 giờ và có giá lên đến 2,200 USD/liều , rẻ nhất cũng
là 200USD/liều nếu dùng Streptokinase hiệu quả trong vòng 12 tiếng trong
khi 100 gr Natto chỉ là 1 USD có cùng hiệu quả tương đương kéo dài 8-12
tiếng đồng hồ và an toàn vì Natto ít có phản ứng phụ như Urokinase. Con
số thống kê mới nhất cho biết lượng Natto tiêu thụ trên đầu người ở NB
ngày nay là 2 kgs/năm và cho tới nay chưa có phát hiện nào cảnh báo tác
dụng phụ cũng như Natto là nguồn gây dị ứng. Sở dĩ như vậy là vì Vitamin
K có trong Natto còn có chức năng làm đông máu trong khi Pyrazine và
Nattokinase có tác dụng ngược lại, phá tan máu vón cục vì vậy cơ thể
chúng ta có thể chọn lựa sử dụng các chất nầy tương hổ để cân bằng lưu
thông máu huyết mà không gây ra một tác dụng phụ nào và giải thích được
lý do tại sao Natto không gây ra sự chảy máu (xuất huyết nội) không kiểm
soát được như trường hợp Aspirin. Nhiều bác sĩ tim mạch ở Nhật bản đã
cho bệnh nhân sử dụng Natto, ăn 2 lần/tuần thay vì Wafarin trong khi
ngăn chận xuất huyết ở võng mạc và kết quả rất khả quan. GS Sumi
Hiroyuki khuyến cáo là bệnh nhân tim mạch nên ăn Natto vào bữa cơm tối
chủ nhật để ngăn ngừa một cách hiệu quả nhất các bệnh xuất huyết não hay
rối loạn nhịp tim thường có khuynh hướng xảy ra vào sáng thứ hai. Với
Lecithin và Linoleic acid có trong đậu nành—hay sản phẩm của nó là
Natto—thì động mạch được co dãn (flexible), máu được làm sạch giúp cho
cơ thể ngăn được chứng xơ vữa động mạch vành hay xuất huyết não khi HA
lên cao thay cho việc sử dụng các loại thuốc như Aspirin (dễ gây xuất
huyết ở bao tử) hay Plavix. Những thành quả của TS Sumi Hiroyuki cũng đã
được hai vị chuyên gia ở hai khu vực khác nhau phối hợp nghiên cứu, đó
là BS Martin Milner ở Trung tâm Y khoa tự nhiên Portland, bang Oregon
(Hoa kỳ) và TS Kouhei Makise thuộc bệnh viện Makise ở Kyoto, cùng công
bố kết quả qua bài viết trên tạp chí chuyên môn kết luận rằng”là chuyên
gia lâu năm về tim mạch và hô hấp chúng tôi nhất trí khẳng định rằng
Nattokinase là một phát hiện đầy phấn chấn trong việc ngăn ngừa và điều
trị các chứng bệnh liên quan đến tim mạch”, và “chúng tôi xác định
Nattokinase là một hoạt chất thiên nhiên có thể làm tan các huyết khối
hữu hiệu, không gây dị ứng và có độ an toàn cao” hơn cả tỏi, nhân sâm
Triều tiên hay Bromelain (từ quả dứa) thiên nhiên thúc đẩy sản sinh ra
Plasmin trong quá trình thủy phân sợi Fibrin .

Bảng 2. Hiệu ứng của Nattokinase lên Fibrin
Nguồn: “Natto and Its active Ingredient Nattokinase” (Martin Milner and
Kouhei Makise)
Thay lời kết
Theo thống kê, thành phố HCM mỗi năm có khoảng 17,500 bị đột quị do tai
biến mạch máu não) trong đó 9,000 người bị tử vong, đa số còn lại là
sống kiểu thực vật hay mất khả năng lao động gây biết bao đau khổ cho
thân quyến. Nước ta lại là một nước có truyền thống sử dụng đậu nành
trong ăn uống từ lâu đời, đã sản xuất các loại nước tương và nước chấm
từ đậu nành nổi tiếng như Tương làng bần ở Hưng Yên:
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương…”
Và hẳn còn nhiều người vẫn chưa quên Tương Cự Đà ở Hà Đông, xem “tương
cà là gia bản” như những nông dân ở đất xứ Đông ở bắc bộ. Ngày xưa tương
truyền tương bần được dùng để tiến Vua vì nổi tiếng là ngon, hương thơm
dịu ngọt và nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến ra nhiều loại nước
chấm ăn kèm.
Vào những năm 1930-40 làng bần có cụ Thân thị Lựu khéo tay làm tương lấy
thương hiệu “Cự Lẫm” mở màn cho tương làng Bần rộn rịp, hội nhập thị
trường cả nước, cạnh tranh với tương Cự Đà (ở Hà đông). Đặc biệt khác
với Natto của Nhật bản là tương làng bần lên men từ xôi (nếp gạo ngon
nấu chín) ủ trong hai ngày với đậu nành đã rang, nghiền thành bột rồi
ngâm bằng nước mưa và “Cha thiu (xôi) mẹ thối (nước ngâm đậu) “ thì làm
tương mới ngon. Bên cạnh đó, nhiều loại nước chấm như xì dầu hay tương
chấm trong các món thịt nướng, thịt xào trộn với các loại rau…phong phú
và cân bằng bổ dưỡng thật tuyệt diệu. Ngoài tương bần, còn có tương Dục
Mỹ (Lâm thao-Việt Trì), tương Nam Đàn (Nghệ An) là một loại nước chấm
khá độc đáo, dùng hạt Ngô (bắp) hay nếp đã làm mốc được sử dụng phổ biến
ở các địa phương phía bắc như các loại mắm ở miền nam. Tuy nhiên đáng
tiếc là những làng nghề truyền thông chế biến Tương hay nước tương dần
dà bị mai một vì lối làm ăn chụp giựt, tranh dành lẫn nhau, không gìn
giữ tính chất ngon độc đáo đã hình thành từ trăm năm nay và làn sóng
“thực phẩm chế biến ăn liền” như mì, bún và các món súp khô chiếm ưu thế
trên thị trường trong nếp sống ngày càng “đô thị hóa” lấn át. Hơn thế
nữa việc nghiên cứu những yếu tố tích cực cho sức khỏe từ những thực
phẩm truyền thống đi từ đậu nành hiện nay vẫn còn bỏ trống, chưa thấy có
nghiên cứu khoa học nào về mặt Hóa sinh và bệnh lý nói về hiệu quả tích
cực của các loại tương ở nước ta, vì vậy người tiêu dùng hay nhân dân
nói chung vẫn còn mù mờ, hiểu qua lời đồn hay quảng cáo một cách định
tính. Hơn thế nữa, các chứng bệnh hiện đại như các bệnh như béo phì,
tiểu đường, tiêu hóa, đường ruột, ung thư các loại… ngày càng tăng cao,
người tiêu dùng ngày càng hướng về nguồn thực phẩm thiên nhiên, trong đó
đậu nành đã được xem là nguồn đạm và chất béo thực vật tốt nhất như đã
đề cập ở trên. Mong rằng các nhà nghiên cứu thực phẩm, dinh dưỡng…của
nước ta sẽ tìm tòi và khám phá từ những món ăn truyền thống nầy với
những lời giải thích thỏa đáng và khoa học để giúp người dân cải thiện
chất lượng cuộc sống một cách hiệu quả, góp phần tích cực không những
vào việc lành mạnh hóa xã hội mà còn đóng góp vào đời sống dinh dưỡng an
toàn từ đặc sản từ nguồn thực vật, thủy hải sản… của Việt nam. Chắc hẳn
nhiều người đang chờ đợi các nhà khoa học ở nước ta khai phá, với những
những thành quả nghiên cứu độc đáo tương tự như GS Sumi Hiroyuki đã thực
hiện 20 năm trước đây, người đã biến Natto thành một nguồn thực phẩm
chức năng có giá trị kinh tế và sức khỏe cao và rẽ tiền mặc dù hình thù
và hương vị của Natto không hấp dẫn như tương bần của Hưng Yên . Hàng
loạt sản phẩm Nattokinase dưới dạng viên, con nhộng, bột hay phụ gia
trong thức ăn…được đưa vào sản xuất và rao bán khắp nơi, mở ra một thị
trường rộng lớn trên thế giới có hàng triệu triệu người đang đứng trước
những chứng bệnh nan y và hiểm nghèo với chi phí chữa bệnh, chăm sóc
ngày càng lên cao khủng khiếp.
Không lẽ tương bần của Việt nam chỉ âm thầm nằm trong xó góc ở tỉnh lẻ,
còn lại trong những hồi ký văn học, là “hoài niệm” (nostalgy) của những
người Việt xa xứ ?
Tháng 6/2008
Tư liệu đã sử dụng cho loạt bài nầy & tài liệu tham khảo chủ yếu:
(1) Journal of Agricultural and Food chemistry Vol. 55, No. 26.
(2) ”History of Soybeans and Soyfoods: 1100 B.C to the 1980s”—Williams
Shurtleff and Akiko Aoyagi—Soyinfo LaFayette, California
(3) TS Nguyễn văn Tuấn: “Phytoestrogen và sức khỏe con người” (Y dược
ngày nay)
“Cholesterol và bệnh tim” (Y dược ngày nay)
“Đậu nành và Sức khỏe: đâu là thực và đâu là giả”
http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/ykhoa/soja-phytoestrogen.htm
)
(4) BS Nguyễn thượng Chánh: “Đậu nành, Tofu, Phytoestrogen” (Y dược ngày
nay)
(5) BS Nguyễn ý Đức: “Đậu nành Giá trị dinh dưỡng, trị liệu” (Y dược
ngày nay)
(6) “Tìm hiểu & phòng trị bệnh Mạch máu não”—BS Vũ Hải Long/Nguyễn kim
Dân (NXB Phụ nữ)
(7) Special Report ”Nattokinase & Cardiovascular Health” Ralph E.
Holworth, Jr., D.O (www.needs.com/Catalog/Cardio1.pdf)
(8) “Soy, Isoflavones and Breast Cancer risk in Japan”—Yamamoto et al.
Japan Cancer Institute 2003,95 (12)906-13
(9) Khoa học và đời sống 28/4/2008
(10) “The World is paying attention to “Natto”, which contributes to
Japanese longevity”
The department of Physiological Chemistry, Kurashiki University
(Japan)—Dr Hiroyuki Sumi
(11) ” Nattokinase”—Ron Kenedy M.D (California)
(12) Journal of Agricultural and Food chemistry Vol 55, No. 26.
(13) ”Tai biến mạch máu não”—PGS.TS Nguyễn văn Đăng (NXB Y Học)
(14) ”Bệnh tim mạch”—BS Micheal Petch (Hoàng Minh Hùng dịch, GS.BS Trần
Phương Hạnh hiệu đính (NXB TPHCM)
(15) Bảo tàng Natto và nhà máy chế biến có thể tham quan: Takano Foods
Factory Tour and Museum in Japan
1542 Aza Noda, Onuma-Gashira, Ogawa (phone:0299-58-5101)
website: http://www.takanofooods.co.jp/
(Có thể tham quan miễn phí)
(16) ”Nghề làm tương ở làng Bần”—Nguyễn hữu Thức—Văn hóa Nghệ thuật
(17) ”Ăn chay không thể thiếu đậu nành”
“Ăn chay sẽ diệt dục” Tin tức online
(18) ”Examining the efects of Natto consumption on Lifestyle-related
diseases—Establishing Natto’s Effectiveness in Lifestyle-related disease
prevention”
National Cardiovascular Center (Suita, Osaka, Japan) et al.
(19) ”Natto and Its active ingredient Nattokinase”—A potent and Safe
Thrombolytic Agent—Martin Milner, N.D and Kouhei Makise, M.D.
Center for Natural Medecine, Portland Oregon (Hoa Kỳ) và Kyoto Imadegawa
Makise (Kyoto)
(20) Báo Sức Khỏe & Đời sống (nhiều bài liên quan đến tim mạch)
(21) Loạt bài “Thực phẩm chức năng—Cũ mà mới” (ba bài) của Hồng lê Thọ
trên trang web “Vietsciences” hay “Hóa Học Việt Nam” hoặc báo “Sức khỏe
& Đời sống” năm 2007 (Bộ Y tế Việt Nam)
Ảnh kèm theo bài:

1) Nattokinase enzym

2) Natto

3) Sợi Fibrin

4) Samurai Minomoto Yoshiie
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Hồng lê Thọ
|