Nước và huớng phát triển của kỹ thuật xử lý -Từ cách nhìn của một nhà sản xuất Nhật Bản

Vietsciences-Hồng Lê Thọ      24/03/2008

 

Những bài cùng tác giả

Bài 1 : Nước và sắc đẹp
Bài 2 :
Nước trong cơ thể sống
Bài 3 :
Những phương pháp lọc nước phổ biến
Bài 4 :
Vai trò của nước trong mỹ phẩm
Bài 5 :
Nước và cơ thể - Một mối quan hệ kỳ diệu
Bài 6 :
Nước và huớng phát triển của kỹ thuật xử lý -Từ cách nhìn của một nhà sản xuất Nhật Bản


Trao đổi với ông Ito Mikio, Chủ tịch Tập đoàn lọc nước và trang thiết bị siêu lọc Roki Nhật Bản, chiếm 70% thị phần ở Nhật Bản. Ông Ito Mikio sinh năm 1942 tại tỉnh Toyama, đã sang khảo sát Việt Nam trong nhiều năm qua, đang chuẩn bị đầu tư ở nước ta công nghệ lọc nước và vật liệu cho ngành này.
 

NỖI LO SỢ CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN: CHLORINE VÀ TRIHALOMÉTHANE TRONG NƯỚC UỐNG

HLT- Xin ông cho biết vấn đề nào trong công nghệ xử lý nước đang được giới công nghiệp Nhật Bản quan tâm ?

ITO- Hiện nay, một trong những vấn đề mà nhân dân Nhật Bản sợ nhất trong nước uống là Trihalométhane (THM) -một chất độc phát sinh trong các ống dẫn nước có thể gây ra các chứng ung thư. Đó cũng là một đề tài mà giới sản xuất các máy lọc nước và ống lọc Nhật Bản tìm cách giải quyết, mặc dù Bộ Y tế Nhật Bản chưa đặt thành vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Nhiều gia đình Nhật Bản bắt đầu đặt máy lọc trong nhà cũng nhằm mục đích ngăn chặn bớt Trihalométhane trong nước máy. Tôi nghĩ rằng khi đặt vấn đề nước và công nghệ xử lý tại Việt Nam sắp đến thì rõ ràng là phải áp dụng công nghệ không gây ra những chất độc như Trihalométhane. Đây là một vấn đề mang tầm quốc gia, cần phải rút ra từ những kinh nghiệm của thế giới (và Nhật Bản) để có phương án giải quyết ngay từ đầu một cách cơ bản vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn dân mặc dù hiện nay vấn đề nước cho học đường đang được đặt ra nhưng theo tôi thì điều đó chỉ nhằm giải quyết yêu cầu trước mắt một cách tạm bợ.

HLT- Theo chúng ta biết thì THM phát sinh từ Chlorine còn đọng lại trong nước máy cho nên điểm mấu chốt là làm thế nào để trừ khử được phần Chlorine còn sót lại này chứ từ hàng chục năm nay hầu hết các nhà máy xử lý nước ở các thành phố ở Nhật Bản đều dùng Chlorine hay chất dẫn xuất từ Chlorine vì giá rẻ và thuận tiện.

ITO- Điều mấu chốt là phải hiểu tại sao THM phát sinh. Khi nhiệt độ của nước càng cao thì THM càng dễ phát sinh, và nồng độ THM còn tùy thuộc vào độ pH, độ bẩn của nước, những vi sinh và từ sắt, và Mangan trong ống dẫn. Không phải cứ cho Chlorine vào nước là sẽ phát sinh ra THM mà là vì trong nước đã có sẵn những tạp chất hữu cơ, khi cho Chlorine vào thì sẽ phản ứng tạo ra THM ở một độ pH và nhiệt độ nhất định. Nồng độ của THM ban đầu ở Mỹ (và sau đó là ở Nhật Bản ) được qui định không được quá 100ppb (phần tỷ) nhưng ngày càng hạ xuống thấp, hiện nay EPA(1) qui định chỉ được dưới mức 20 ppb. Người Nhật Bản ngày nay đã hiểu được mức độ hiểm nghèo của THM và chính vì thế mà họ phải mua máy lọc nước để tự mình bảo vệ sức khỏe.

HLT- Điều đó bắt đầu từ khi nào ?

ITO- Khoảng 20 năm trước khi giới khoa học đặt lại vấn đề chất lượng của nước uống và bệnh ung thư cho THM gây ra (2).

HLT- Vậy thì đây cũng là một vấn đề mới vì khoảng 7- 8 năm nay thì vấn đề THM mới trở nên “đáng ngại” cho sức khỏe chứ trước đây nó chỉ là một vấn đề của những nhà khoa học...Làm thế nào để có thể khử được THM ?

ITO- Đúng vậy, bởi vì các chứng bệnh từ nguồn nước có THM ngày càng nhiều và THM là một tên gọi chung, chất Chloroform chẳng hạn là một loại THM vô cùng nguy hiểm, cho nên trong vấn đề nước uống, trước khi nói đến nước ngon, dở phải nghĩ đến nước uống có an toàn không đã. Người Nhật Bản trong khi cố đi tìm một loại nước uống “ngon” lại phát hiện ra vấn đề THM trong nước mới cách đây 10 năm mà thôi. Nước Việt Nam của các bạn mới bắt đầu xây dựng thì theo tôi phải lưu ý đến vấn đề này ngay từ bây giờ, đừng để quá muộn. Vậy thì làm sao để khử được THM như bạn hỏi thì theo tôi vấn đề là ngăn chặn việc phát sinh chất cặn bùn hay tạp chất hữu cơ trong đường ống. Ở Nhật Bản , có rất nhìều kỹ thuật được áp dụng để xử lý nước. Nói chung thì nếu chia ra 2 vùng Đông và Tây, thì phía Đông nước Nhật, tức từ Tokyo trở lên phía trên có khuynh hướng áp dụng phương pháp lọc chậm, còn từ Tokyo về phía Tây thì dùng phương pháp lọc nhanh. Nói lọc chậm tức là một hệ thống hồ, bể tạo lắng từng bước một cách từ từ, không dùng đến chất ngưng tụ, tạo dòng nước chảy thật chậm để bùn, tạp chất lắng lại và cuối cùng là cho Chlorine vào để tiệt trùng. Đây là một phương pháp xử lý khá lý tưởng. Còn phía Tây Nhật Bản thì cho vào bể chứa nước phèn Aluminium hay chất tạo ngưng tụ nhanh để làm lắng các tạp chất, sau đó dùng cát để lọc và cuối cùng là dùng Chlorine để khử vi khuẩn, vi sinh. Có nơi cho Chlorine ngay từ đầu cùng với chất phèn Aluminium để đẩy nhanh quá trình lọc nước. Chlorine là một hóa chất “làm cháy”, xâm thực rất mạnh, hay nói một cách khác là Chlorine gây phản ứng và thiêu hủy các chất khác rất nhanh, nhờ vậy mà khi dùng Chlorine ngay từ đầu trong bể lắng thì tốc độ lắng của tạp chất sẽ nhanh chóng và hiệu quả, nhưng ngược lại, vì thế mà lượng Chlorine sử dụng sẽ chiếm tỷ lệ và nồng độ càng lớn khi nước càng bẩn. Khi cho thêm Chlorine vào bể lọc cát thì tốc độ lọc cũng sẽ nhanh hơn. Vì lý do đó mà ở Nhật Bản có xu hướng áp dụng phương pháp lọc nhanh bằng Chlorine rất phổ biến và đây cũng là nguyên nhân phát sinh ra nhiều THM ngay từ khâu xử lý thô trong nước. Chính vì phương pháp lọc nhanh bằng Chlorine tiện lợi, không chiếm nhiều mặt bằng như phương pháp lọc chậm cho nên vấn đề THM đã trở thành một vấn đề nguy hại lâu dài cho người Nhật Bản là như vậy.
Hơn thế, người Nhật Bản vốn rất sợ các bệnh truyền nhiễm cho nên nước Nhật hay Bộ Y tế Nhật Bản thường đặt nặng vấn đề ngăn ngừa nguồn bệnh truyền nhiễm trong nước uống.
Nói khác đi là quan điểm cơ bản của Nhật Bản trong qui định về nước uống là ngăn chặn bệnh truyền nhiễm chứ không phải ngăn ngừa chứng ung thư do nguồn nước uống gây ra. Chính vì sự chỉ đạo này mà Bộ Y tế Nhật Bản qui định nồng độ của Chlorine là trên 0.1ppm, nghĩa là ở vòi nước máy, nồng độ của Chlorine phải trên 0.1ppm trong khi ở Mỹ lại sử dụng Chlorine ở mức 0.05ppm - 0.1ppm tại nơi xử lý nguồn, cho nên từ nguồn đến đầu vòi, Chlorine giảm hẵn (hàm lượng gần như bằng không). Ở Nhật Bản có nơi phải cho Chlorine vào nước thô bình thường là 4.5ppm và có nơi lên đến 10ppm. Ngay ở Tokyo, nhà máy nước Kanamachi nổi tiếng là sử dụng Chlorine nhiều nhất, từ 10 - 20ppm để xử lý cho nên nước ở đầu vòi thông thường là 0.4ppm, và phổ biến từ 0.4-1.2ppm và đó là mức “cho phép” vì Bộ Y tế Nhật Bản chỉ qui định chung chung là phải trên 0.1ppm mà thôi. Như tôi đã trình bày ở trên Chlorine có tính oxyd hóa rất mạnh cho nên nước càng bẩn thì phải càng dùng nhiều Chlorine để xử lý và đó là nguyên nhân gây ra THM trong nước của Nhật Bản .

HLT- Nếu như vậy thì cho dù ở bể nước thô có dùng 4ppm hay 10ppm Chlorine để xử lý đi nữa thì cuối cùng ở vòi uống, hàm lượng phải điều chỉnh thế nào để Chlorine còn lại khoảng 0.1- 0.4ppm theo qui định ?

ITO- Không có qui chế nào cả, chỉ miễn là trên 0.1ppm là được. Chính vì thế mà nước máy mà Nhật Bản có hàm lượng Chlorine cao là vậy.

HLT- Dưới 0.1ppm cũng được sao ?

ITO- Ngược lại, dưới mức này là không được. Nếu mà nước từ đầu vòi dưới 0.1ppm, thì phải điều chỉnh lượng Chlorine xử lý ở bể lọc thô (từ nhà máy lọc nước). Lượng Chlorine được dùng để xử lý hiện nay cao gấp 5 lần hàm lượng Chlorine dùng 20 năm trước, bình quân gấp 2 lần của mức sử dụng 10 năm trước, nghĩa là lượng Chlorine để xử lý nước ngày càng nhiều, tăng rất nhanh. Đó là lý do giải thích tại sao càng ngày người ta càng dùng nhiều máy lọc nước gia đình.
Tuy nhiên nên lưu ý là để trừ khử THM thì phải dùng loại máy lọc có than hoạt tính chứ không phải máy lọc nào cũng được. Các nhà sản xuất thường nói là dùng than hoạt để khử mùi hôi của Chlorine trong nước, làm cho nước bớt tanh, dễ uống nhưng thật ra là để loại trừ THM. Nói rõ hơn thì không phải bất cứ than hoạt tính vào cũng loại trừ được, chỉ 5-6 năm nay, các nhà sản xuất mới tìm ra được loại than hoạt khá tốt, có khả năng khử THM hiệu quả.

HLT- Họ dùng loại nguyên liệu gì để làm than hoạt tính ?

ITO- Cơ bản là loại than gáo dừa, với một bí quyết gia công, chế biến thế nào đó để loại trừ được THM, chúng tôi cũng chưa rõ. Than gáo dừa được hoạt hóa để đủ sức hấp thụ các tạp chất hữu cơ, nhưng thời gian sử dụng tùy thuộc vào lưu lượng và chất lượng nước được xử lý, vì vậy các nhà sản xuất ống lọc sử dụng than hoạt tính đều ghi rõ các chỉ tiêu và lưu lượng. Không nên cho rằng than hoạt tính có khả năng xử lý vô thời hạn như một số người thường quảng cáo.


KINH NGHIỆM ĐAU ĐỚN CỦA NHẬT BẢN

HLT- Liệu những loại máy lọc đang được sử dụng tại Nhật Bản có thể áp dụng được ở Việt Nam ?

ITO- Theo tôi, máy lọc nước cho Việt Nam là loại để diệt vi trùng, vi khuẩn, trong khi máy lọc nước ở Nhật Bản là nhằm mục đích khử các hóa chất gây ung thư và mùi hôi cho nên cơ bản rất khác nhau nhưng nếu Việt Nam không để ý đến vấn đề mà Nhật Bản đang gặp thì sau này cũng sẽ vấp phải những vấn đề tương tự như chúng tôi ngày nay. Nước nguồn của Nhật Bản đang bị ô nhiễm rất nặng và đó là lý do máy lọc nước gia đình trở nên phổ cập. Nguyên nhân chính là ở vấn đề công nghiệp hóa, khi mà văn minh vật chất lên quá cao. Đó là nước thải từ sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Hai nguồn nước ô nhiễm này từ từ thẩm thấu vào lòng đất cho nên nguồn nước ngầm ngày nay cũng rất nguy hiểm, khi xử lý cũng phải sử dụng rất nhiều Chlorine, không kém nước bề mặt. Trong quá trình xử lý nước ở nhà máy trung tâm, phần lắng đọng lại do Chlorine và phèn Aluminium tạo ra sẽ được thải ra sông và ngày càng làm nguồn nước ô nhiễm nặng hơn. Đồng thời những nhà máy công nghiệp liên tục thải thêm chất bẩn, tạp chất hoá học, gây ô nhiễm môi trường trong hàng chục năm và cũng đã có những nơi hủy diệt các loài sinh vật trong nước, gây ra nguồn bệnh mà người Nhật Bản thường gọi là Côgai (công hại = hại do công nghiệp). Ở Việt Nam, theo tôi thì mức ô nhiễm từ các chất tẩy rửa, so với Nhật Bản thì chưa đáng kể. Đó là lý do tại sao ở Nhật Bản hệ sinh thái mất cân đối, thiên nhiên không tự cải tạo lại được và ngày càng xấu đi. Như chúng ta đều biết, trước đây, con người có thải chất bẩn ra sông đi nữa thì cũng bị phân hủy nhờ các vi khuẩn có sẵn trong nước. Nhờ hoạt động tự cải tạo này của thiên nhiên mà nước ở cuối sông bao giờ cũng sạch, nhưng khi công nghiệp ngày càng phát triển, thải ra nhiều chất độc hại hủy diệt môi trường, thiên nhiên mất cân đối thì tự nó không còn khả năng tái tạo. Nhật Bản ngày nay đang lâm vào tình trạng này, ngày càng nghiêm trọng hơn nhưng vẫn phải lấy những nguồn nước bị ô nhiễm để xử lý phục vụ cho ăn uống nên lại phải dùng Chlorine ngày càng nhiều và cao nhất thế giới là vì thế.

Chúng tôi mong nguồn nước của Việt Nam sẽ không bị hủy hoại như ở Nhật Bản. Việt Nam phải tính toán đến việc xử lý nguồn nước thải ngay từ bước đầu của việc công nghiệp hóa chứ để đến khi đã phát triển rồi mới nghĩ đến thì sẽ quá muộn. Nếu nước thải của công nghiệp và sinh hoạt cứ đổ dồn ra sông thì đến khi lấy nó để xử lý làm nguồn nước uống thì e rằng sẽ tốn kém và vất vả vô cùng. Tôi nghĩ Nhà nước Việt Nam nên có những qui định về nước thải một cách nghiêm khắc trước khi cho phép xây dựng các nhà máy để tránh được hậu họa của THM trong nước uống như Nhật Bản ngày nay đang gặp phải.

HLT- Lần đầu tiên khi đến Tokyo vào năm 1967, chúng tôi uống nước từ vòi và cảm thấy rất ngon nhưng hiện nay thì nước máy cuả Nhật Bản khó uống vì hôi mùi Chlorine. Chỉ trong vòng 26 -27 năm mà nước máy của Nhật Bản đã thay đổi từ sạch sang bẩn, có phải lý do chính là do sự ô nhiễm mà ông đã nói ở trên ?

ITO- Năm 1967 cũng là năm tôi bước vào ngành công nghiệp về xử lý nước nên tôi rất hiểu điều ông nói. Từ đó đến nay đã có 3 lần bùng lên phong trào sản xuất máy xử lý nước cho gia đình. Lần đầu là người ta chỉ dùng than hoạt tính, nghĩa là chỉ để khử mùi. Nói về mùi thì có 4 yếu tố cơ bản, đó là độ pH, SS, BOD, COD (3) và thêm vào đó là lượng Oxygen trong nước D.O.. Năm chỉ số này là độ đo biểu kiến về mức sạch và trong của nước. Trong đó chỉ số COD theo tiêu chuẩn của Nhật là 3ppm, nếu vượt mức 5ppm thì nước sẽ có mùi khó chịu. Thông thường COD trong nước máy ở Nhật Bản là khoảng 5ppm. Ngoài mùi tanh khó chịu, còn có những mùi do Chlorine phản ứng với tạp chất gây ra, điều đó cho biết là nguồn nước máy bị nhiễm bẩn bởi vì nếu pha Chlorine trong nguồn nước sạch hoàn toàn thì nước không có mùi hôi tanh.

HLT- Như vậy thì liệu nước máy ngày nay của Nhật Bản có còn là loại nước an toàn ?

ITO- Mùi tanh trong nước có thể khử được và như thế nước vẫn “ngon” nhưng đó chưa phải là loại nước an toàn cho sức khỏe.

HLT- Như vậy thì phải cho qua máy lọc lại ?

ITO- Người Nhật Bản bắt đầu uống nước khoáng tinh khiết hay gắn máy lọc cho gia đình nhiều là mới 3 năm trở lại đây.

HLT- Thị trường máy lọc nước tại Nhật Bản khoảng 50 tỷ Yen (500 triệu US đô la) có phải không ?

ITO- Đúng vậy, là vì máy lọc nước gia đình tăng lên nhanh chóng. Người ta không thể uống một loại nước nguy hiểm mặc dù Bộ Y tế vẫn chưa lên tiếng chính thức về điều đó nhưng nhân dân đã ý thức được cho nên máy lọc nước bán khá chạy.

HLT- Hiện nay nước khoáng Evian của Pháp bán khá đắt tại Nhật Bản và chiếm gần 80% thị phần nước khoáng nhập khẩu của Nhật Bản. Tại sao người Nhật lại chuộng nước khoáng của Pháp, hay Evian là một loại nước ngon thật ? Cách đây hơn 10 năm, người Nhật rất thích dùng nước rửa mặt Evian, có phải vì thế mà có sẵn một ấn tượng tốt ? Nước khoáng của Pháp có độ cứng cao hơn nước khoáng của Nhật Bản, hàm lượng Calcium và Magnésium khá cao. So với nước khoáng của Nhật Bản thì về mặt hóa lý, nó khó uống hơn chứ ? Theo ông thì điều này được hiểu như thế nào ?

ITO- Tôi cho rằng không ai nghĩ là nước Evian ngon cả. Đúng là hàm lượng Calcium của Evian rất cao so với nước khoáng của Nhật Bản mà người Nhật chúng tôi không mấy thích nước có Calcium cao. Do thói quen, người Nhật thường uống trà nóng và khi dùng Evian để pha trà thì màu trà bị nhạt đi cho nên cũng chẳng mấy ai mua Evian để pha trà, nhưng vì từ lâu Evian đã gây được tiếng vang ở Nhật Bản qua các loại mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ và có phần nào mang tính thời thượng (mode), nhất là giới trẻ. Nước khoáng của Nhật Bản vẫn chiếm thị phần lớn hơn, gấp gần 20 lần Evian, cho nên chúng tôi không có gì ngại cả. Ngon dở thì trước hết là nước phải không có mùi tanh, kế đến là nhiệt độ. Khi uống nước ở một nhiệt độ thích hợp thì người ta cảm thấy ngon, tất nhiên là còn tùy vào hàm lượng khoáng trong nước, thời tiết. Cuối cùng là thói quen.

HLT- Người Nhật uống trà nhiều hay uống nước tinh khiết trong chai nhiều ?

ITO- Trước đây khi chưa chú ý đến vấn đề THM thì người Nhật uống nước lã nhiều hơn cho nên bây giờ nước khoáng trong chai bán chạy là vậy. Vì đâu phải bất cứ nhà nào cũng có gắn máy lọc nước. Giá máy lọc loại tốt vào khoảng 100.000 - 150.000 Yen (1000 - 1500 USD). Hai ba năm trở lại đây đã có xuất hiện loại máy lọc nước có ion hay có tính kiềm nhẹ (ion Alkalin), nay khoảng 20 - 30% số người sử dụng loại máy lọc này, 2/3 dân Nhật vẫn còn uống nước do các nhà máy nước xử lý.

HLT- Ở Nhật Bản đâu đâu cũng thấy có máy bán các loại nước giải khát như trà lạnh, Coca Cola, nước trái cây... Có phải vì thế mà nước giải khát lon, chai hay hộp vẫn bán chạy hơn loại nước tinh khiết. Theo tìm hiểu của tôi thì 3 năm trước, sản lượng nước tinh khiết ít hơn các loại nước giải khát, chiếm 1,4 - 2% thị phần mà thôi.

ITO- Bình thường người Nhật cần 2,5 lít nước /ngày nhưng thường uống cà phê hay các loại trà, ngoài ra còn nhiều loại nước khác như bia, trái cây và cả nước trong thức ăn cho nên lượng nước tinh khiết vẫn còn thấp là thế.
 

NƯỚC UỐNG TẠI VIÊT NAM: VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

HLT- Ở Việt Nam hiện nay, một trong những vấn đề được quan tâm là nước sạch cho học sinh. Gần đây đã rộ lên một vài loại máy lọc nước nhập từ các nước, trong đó vấn đề kỹ thuật xử lý nước đang còn có nhiều tranh cãi. Theo ông, vấn đề mấu chốt của kỹ thuật lọc nước cho những nguồn nước nhiệt đới là gì ?

ITO- Như đã nói, theo tôi vấn đề xử lý nước cần quan tâm hiện nay ở Việt Nam là việc diệt khuẩn, vi sinh hay nói chung là loạt trừ các mầm mống gây bệnh dịch nhất là bệnh đường ruột. Sau đó là các chỉ tiêu hóa lý cơ bản của một loại nước sạch, uống được. Ít ra cũng phải theo tiêu chuẩn của WHO. Tôi thấy trên thực tế là nguồn nước của Việt Nam cụ thể là nơi tôi đã đến như TpHCM và một số tỉnh lân cận thì chưa bị ô nhiễm nặng, vấn đề phèn, sinh vật phù du hay tạp chất hữu cơ cần được giải quyết trong quá trình sơ lọc, mà điều này rất đơn giản so với việc xử lý THM do ô nhiễm công nghiệp gây ra. Phương pháp sát trùng thì có nhiều như ông biết, tùy theo qui mô lớn nhỏ và điều kiện quản lý mà có thiết kế thích hợp, nhưng ở các loại máy lọc nước gia đình thì không cần dùng Chlorine hay Iode vì rất khó định mức thường xuyên, có khi quá ít không đủ diệt khuẩn, có khi lại quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Hàm lượng cần thiết không phải lúc nào cũng giống nhau và việc theo dõi vô cùng phức tạp. Trang thiết bị càng hiện đại bao nhiêu thì càng phải theo dõi kỷ và có trình độ quản lý tương ứng, nếu không thì chẳng có tác dụng.

HLT- Hiện nay vấn đề sử dụng hạt nhựa tẩm Iode đang được bàn tán khá nhiều. Ở Nhật Bản người ta có dùng Iode để xử lý nước trong công nghiệp hay trong các máy lọc nước gia đình không ?

ITO- Hoàn toàn không sử dụng. Iode là một chất sát khuẩn rất mạnh và nó còn là một chất phóng xạ nhân tạo (đặc biệt từ các nguồn nước thải của các nhà máy phát điện bằng nguyên tử), trong thiên nhiên không có Iode phóng xạ. Ngay WHO cũng chẳng dám đưa ra con số chỉ tiêu an toàn, còn USEPA của Mỹ chỉ cho phép nồng độ phóng xạ của Iode là phải dưới 0,1 Bg/lít (4) hay chỉ được hấp thụ 4 millirem /năm. Muốn xác chuẩn nồng độ Iode phóng xạ trong nước thì đâu phải ai cũng có máy để đo mà phải đến trung tâm phóng xạ, trang thiết bị này rất phức tạp và đắt tiền. Ở các nước Châu Âu thì xem Iode là một chất không thích hợp (undesirable) cho nước uống. Vì vậy, nhà sản xuất chất nhựa tẩm Iode phải chứng minh rằng hàm lượng Iode sử dụng và tan trong nước là bao nhiêu, với loại nước nào, độ bẩn và nhiệt độ nước ở thời điểm chảy qua là bao nhiêu, mới dám nói là tốt hay xấu, và còn phải có trang thiết bị để ổn định được hàm lượng Iode thật sự cần thiết cho việc tiệt trùng ở mỗi thời điểm chảy qua của nước. Theo tôi biết thì ngay ở Mỹ, họ cũng chưa chấp nhận loại máy này, có thể là một loại rất đặc biệt chưa được phổ cập. Điều này cũng giải thích tại sao ở Nhật Bản nói riêng hay trên thế giới nói chung không hề có tài liệu hay sản phẩm ứng dụng công nghệ này vì nếu chỉ để sát khuẩn, diệt trùng thì còn biết bao phương pháp khác an toàn hơn. Hẵng phải có một lý do nào đó, tôi cũng không rõ tại sao. Về việc này thì khi làm việc ở Tp Hồ Chí Minh tôi cũng đã bị “phỏng vấn” khá nhiều, chỉ trả lời được là chúng tôi chỉ áp dụng phương pháp khác là Nitrate bạc trong lọc sứ vì bản thân vấn đề tuy dễ hiễu nhưng khá tế nhị.

HLT- Vậy ngoài vấn đề tiệt trùng, theo ông có nên áp dụng than hoạt tính để khử THM ngay trong các thiết bị lọc nước gia đình hiện nay ?

ITO- Việt Nam là một nước có vật liệu để hoạt hóa than, đó là gáo dừa. Đây là một loại nguyên liệu cực kỳ quí, vấn đề là kỹ thuật để hoạt hóa bằng chân không như thế nào để than hoạt tính có thể hấp thụ được các hoạt chất hữu cơ và độc hại. Chỉ với một ống than hoạt tính cỡ 10 inch (25mm) là chúng ta có được 2.000 m2 diện tích bề mặt để lọc nước vì hạt than hoạt tính cực kỳ bé. Cho nên nếu than hoạt được sản xuất ở Việt Nam mà có giá rẻ thì nên dùng ngay từ bây giờ, trước sau thì cũng phải cần đến nó. Mặc dù THM chưa có nhiều trong nguồn nước uống ở Việt Nam, nhưng tôi nghĩ than hoạt tính còn hấp thụ được các tạp chất hữu cơ như đã nói ở trên.
Vì vậy chúng tôi đang nghiên cứu để sản xuất loại ống lọc phèn trong đó có cả than hoạt tính phức hợp với yêu cầu xử lý nước ở đây. Hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ có dịp giới thiệu với các bạn.

HLT- Chính phủ chúng tôi vừa cho phép một công ty nước ngoài liên doanh với tỉnh Bến Tre để sản xuất than hoạt tính, và hy vọng là sẽ có trong nay mai. Hiện nay, theo tôi biết thì vẫn phải nhập sản phẩm này của Malaysia, Nhật Bản cho công nghệ xử lý đường, nước...Ông đã qua Việt Nam tất cả 3 lần, ông có ấn tượng gì về đất nước chúng tôi ?

ITO- Trước hết ấn tượng ban đầu khá mạnh vào tôi trong lần đầu tiên đến đất nước này là một nước có nhiều tiềm năng. Tiềm năng ở đây là tiềm năng về công nghiệp hóa. Cũng có khi tôi nghĩ không biết Việt Nam sẽ tiến hành những bước công nghiệp hóa như thế nào, nhưng trong quá trình ấy Việt Nam liệu sẽ còn là một nước đại nông nghiệp nữa hay không. Nếu xem tài sản thiên nhiên là quan trọng thì người Nhật Bản chúng tôi vẫn mong Việt Nam sẽ không đánh mất những tài sản quí giá ấy, tất nhiên là khi công nghiệp hóa thành công thì có nghĩa là sẽ đem lại sự giàu có cho đất nước.
Khi nhìn về tương lai của các nước Châu Á, khu vực Châu Á- Thái Bình Dương thì nước nào cũng muốn đẩy nhanh việc công nghiệp hóa, lúc ấy vấn đề lương thực, thực phẩm cho hàng tỉ con người ở đây ai sẽ lo. Thực phẩm cũng là những mặt hàng có giá trị cao cho nên hi vọng của tôi ở Việt Nam là đừng quên vai trò của một nước sẽ cung cấp lương thực cho cả khu vực sau này. Điều ấy không có nghĩa là Việt Nam đừng nên công nghiệp hóa mà tôi chỉ lo ngại rằng Việt Nam sẽ chấp nhận một cách vô điều kiện nhiều loại đầu tư kỹ thuật của bất cứ ai như Nhật, Mỹ, Châu Âu và các nước Asean mà không có một sự chọn lựa và cân đối trong phát triển về lâu về dài, trong đó tính toán cho việc bảo vệ môi trường môi sinh, không bị ô nhiễm công nghiệp hủy hoại là vấn đề đáng được quan tâm ngay từ bây giờ.
Hiện nay Việt Nam là một trong những nước đang được chú ý nhất về khả năng đầu tư, phát triển nhờ chủ trương đổi mới và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới. Hẵn vấn đề ô nhiễm công nghiệp phải được tính đến một cách thận trọng trong quá trình công nghiệp hóa, nhất định Việt Nam phải có một cách làm thông minh hơn vi đi sau những nước đã phát triển khác.
Trước hết là đừng trở lại với kinh nghiệm đau đớn và ham hố như Nhật Bản để rồi rước lấy một sự hủy hoại môi trường không lấy gì chuộc lại được. Việt Nam nên qui định và hạn chế việc các nhà máy thải chất độc hại vô tội vạ ra sông, ra biển ngay từ buổi ban đầu của quá trình công nghiệp hóa, nếu xây dựng nhà máy lung tung không có qui chế thì sông cũng sẽ chết mà biển cũng sẽ tàn như Nhật Bản ngày nay.

HLT- Điều này cũng đã được chứng minh tại một số nước như Indonesia, Malaysia. Ở Malaysia đã xảy ra những cuộc biểu tình chống đối và đòi bồi thường ô nhiễm do các nhà máy sản xuất phân bón của Nhật Bản mang sang.

ITO- Đúng là báo chí ở những nước ấy đã đề cập khá nhiều vấn đề “xuất khẩu ô nhiễm của Nhật Bản“ sang các nước Đông Nam Á. Phải thận trọng xem xét nếu không thì vô tình du nhập các loại thiết bị lỗi thời gây ô nhiễm và sau này phải trả với giá rất đắt. Trước đây vì muốn xuất khẩu để có ngoại tệ, bằng bất cứ hình thức nào cho nên Nhật Bản đã xem thường vấn đề ô nhiễm và bây giờ không bao giờ tìm lại được một đất nước Nhật sạch sẽ, thoáng mát và xanh tươi vốn có từ nghìn xưa.

 

TUỔI THỌ VÀ NƯỚC UỐNG

HLT- Nói vậy có phải là ông có quá bi quan ? Rõ ràng, theo thống kê của thế giới thì Nhật Bản là nước có tuổi thọ cao nhất, người ta cho rằng người Nhật sống lâu là vì ăn uống lành hơn nơi khác. Mọi người nhìn nước Nhật như là một tấm gương trong khi đó thì bản thân người Nhật lại cho rằng mình “bất hạnh”, lúc nào cũng còn nhiều vấn đề phải giải quyết... Có phải đó là một cách nói khiêm nhường ?

ITO- Tại sao người Nhật Bản lại sống lâu thì đọc báo ông cũng biết. Số người “thọ” nhất là ở tỉnh Kagoshima, Okinawa đấy.

HLT- Có nghĩa là vùng phía Nam ?

ITO- Đúng là người phía Nam sống lâu hơn người phương Bắc. Nói chung lại là không có dân tộc nào ăn nhiều loại thực phẩm như người Nhật Bản. Nhìn vào tủ lạnh của một gia đình người Mỹ thì cũng có khoảng 30 loại thức ăn trong khi tủ lạnh của người Nhật có 300 loại, trong đó có cả những món ăn đã làm sẵn.

HLT- Theo tôi thì người Nhật ăn rất “tinh” và sạch sẽ, hơn thế lại ít nấu nướng, nghĩa là ăn đồ tươi sống, không gia nhiệt tiêu hủy các loại Vitamin hay chất bổ trong thức ăn, lại không ăn đồ xào nhiều mỡ. Là người đã sống khá dài ở Nhật Bản , mỗi khi trở lại, đầu tiên là tôi tìm đến những món ăn tươi sống như Sushi (cá sống). Có thể đó là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tốt đến sức khỏe chăng ?

ITO- Người Nhật ăn đồ biển, đồ rừng một cách lung tung, mà lại còn “ăn tươi nuốt sống”, cái gì cũng có thể ăn được, nhất là cá thì vô kể. Hàng năm không biết người Nhật ăn bao nhiêu cá của thế giới và không chừng đó là nguyên nhân làm người Nhật sống lâu. Ở Okinawa hay Kagoshima là nơi có tuổi thọ cao nhất, người dân ăn nhiều cá vì là vùng biển trong khi vùng phía Bắc nhiều núi thì tuổi thọ lại thấp hơn, nhưng nước uống ở vùng phía Bắc lại ngon hơn vùng phía Nam.

HLT- Ông có thể nói thêm về mối liên quan giữa nước và tuổi thọ được không? Hiện nay chưa có ai nghiên cứu kỹ về vấn đề này...

ITO- Tôi cũng chưa thấy. Nhưng điều ai cũng rõ là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ chung có vấn đề của căn bệnh truyền nhiễm từ nguồn nước và thức ăn. Nước uống của người Nhật là một loại nước khá an toàn nên hầu như không có bệnh truyền nhiễm từ nước. Tất nhiên cũng có người đã chết vì bệnh ung thư do THM như đã nói. Nhìn ra nhiều nước trên thế giới thì bệnh truyền nhiễm đã làm giảm tuổi thọ bình quân vì vậy tận diệt các căn bệnh truyền nhiễm vẫn là một vấn đề cơ bản. Một yếu tố khác giúp cho sống lâu là lượng hấp thu của cơ thể trong một ngày. Người ta thường nói con người (Nhật Bản) ngày nay đi lại, hoạt động nhiều hơn ngày xưa, cho nên để duy trì sự sống và kéo dài tuổi thọ, cần phải ăn uống lành mạnh và vận động thích hợp. Nếu xem xét yếu tố của nước uống thì ngày xưa không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng với chất lượng nước như hiện nay thì chưa chắc người Nhật trong tương lai sẽ sống đến 70-80 tuổi như bây giờ (5).

 

VẬT LIÊU TRONG CÔNG NGHÊ MỚI VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT

ITO- Khi nước bị xấu đi thì thức ăn cũng sẽ bị tác hại. Con người có 60% lượng nước trong cơ thể và các loại rau quả có đến 80-90% là nước cho nên khi nguồn nước nhiễm độc thì chắc chắn tuổi thọ của con người và cỏ cây cũng sẽ giảm đi rõ rệt. Cho nên để giữ cho rau quả không bị nhiễm độc do các loại phân bón hữu cơ gây ra, hiện nay vấn đề ứng dụng công nghệ sứ để phân giải (chất độc) đang là một đề tài khoa học lý thú. Đơn giản là theo nguyên lý đưa Oxygen vào trong rau quả bằng các hạt sứ hay ống sứ. Khi rau quả hấp thụ nước thì phần nhiều chất độc được lớp sứ chặn lại hay phân giải và phần tinh khiết được rể cây hấp thụ nhanh hơn.
Hiện nay đang có nhiều sản phẩm ứng dụng nguyên liệu này. Nguồn nguyên liệu tốt nhất để làm sứ theo chúng tôi biết là đá Tourmalin ở Brazil ngày càng được nhập nhiều vào Nhật Bản. Hiện nay thị trường tiêu thụ đá của Brazil lên khoảng 30 tỷ Yen (300 triệu USD) và 3 năm sau có thể lên đến 500 tỷ Yen (5000 triệu USD). Nguyên liệu này sẽ còn được dùng vào công nghệ xử lý nước ngoài việc dùng để giữ độ tươi cho rau quả, thức ăn tươi sống như đã nói.

HLT- Ngày xưa sứ được dùng làm các loại dụng cụ để đựng thức ăn hay trang trí, ngày nay nó là một trong những vật liệu xây dựng công nghiệp, vật liệu cách điện và mặc dù đang được dùng làm các loại ống lọc nước cao cấp nhưng người ta vẫn có quan niệm đồ sứ công nghiệp là đồ rẻ tiền ?

ITO- Sứ là một hỗn hợp vô cơ có nhiều chủng loại và tính năng khác nhau. Có loại chỉ dùng để làm gạch men, chén bát, dụng cụ cách điện nhưng có loại có thể cho nhiều Ion âm hay có hiệu quả hấp thụ một loại tia hồng ngoại có độ dài sóng mầu đỏ mang tính công nghệ rất cao. Thí dụ loại Tourmaline của Brazil là loại có độ mịn của hạt đến 0,3mm và sự dao động điện trên một hạt lên đến 10.000 volt cho nên sứ này còn gọi là “đá sinh điện”. Nhờ sự dao động điện (trữ điện) này mà khi cho Tourmaline vào trong ống lọc nước bằng sợi hay vật liệu lọc thì cây cỏ sẽ tăng trưởng rất nhanh. Những Ion âm sẽ được tung ra để hút tất cả các hoạt chất hữu cơ (chất bên trong nước) cực kỳ nhanh. Theo tôi Việt Nam cũng là một nước có nhiều nguyên liệu làm sứ cho nên cần nghiên cứu tìm nguồn sứ phù hợp cho công nghiệp này. Ngày nay ở Brazil hầu hết các ngọn núi có đá làm sứ đều xuất khẩu sang Nhật Bản và Đại Hàn để xử lý nước. Hiện nay một nhóm đang nghiên cứu một hệ thống lọc nước bằng đá Tourmaline và sứ (ceramic), Việt Nam có thể hợp tác để khai thác nguồn nguyên liệu này, vì theo tôi biết Việt Nam có rất nhiều loại đá, sứ dùng rất tốt cho lọc nước.

HLT- Cũng đã có công ty Nhật mua than không khói (Anthracite) của Việt Nam để làm nguyên liệu lọc cho các nhà máy xử lý nước ở Nhật Bản, còn ông Fukai thì cùng ở trong nhóm nghiên cứu với chúng tôi. Hiện nay ông đã thành công việc lọc ra một loại nước có tính hoạt bề mặt rất cao. Chúng tôi đang nghiệm thu công trình này về mặt hóa - lý, cũng như chờ đợi một số kết quả lâm sàng trong Y tế...

ITO- Ngành thủy cục Nhật Bản đang sử dụng hầu hết loại than này vì tỷ trọng của than không khói nhẹ hơn cát cho nên khi rửa ngược tạp chất chỉ cần dùng rất ít nước rất thuận tiện.

HLT- Nếu nguồn nguyên liệu làm sứ được khai thác thì sản phẩm có thể đưa sang Nhật Bản tiêu thụ dễ dàng ?

ITO- Chúng tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Sứ có sức hấp thụ các loại hóa chất độc hại trong nước cho nên trong tương lai có thể dùng để thay cho than hoạt tính. Hiện nay do nền công nghiệp của Việt Nam phát triển chưa cao, yêu cầu về than hoạt tính cho công nghiệp chưa đủ lớn nhưng trong một tương lai gần vấn đề xây dựng một vài nhà máy xử lý than hoạt cho công nghệ là một đề tài hấp dẫn vì không những dùng vào công nghiệp sản xuất mà còn để xử lý nguồn nước bị ô nhiễm ngày càng cao. Không thể loại trừ ô nhiễm trong nước bằng các phương pháp lọc bình thường mà phải cần đến than hoạt tính hay một loại hạt sứ có sức hấp thụ các độc tố. Nếu không thì phải áp dụng phương pháp thẩm thấu ngược để phân tách mà kỹ thuật này lại cần các loại bơm có áp suất cực mạnh, không có hiệu quả kinh tế. Trước hết là than hoạt tính và sau đó là đưa kỹ thuật sản xuất bột sứ vào công nghệ lọc nước và dùng nó để xử lý ô nhiểm, theo tôi, tuần tự là như vậy, anh nghĩ sao ?

HLT- Đây là những gợi ý vô cùng quí báu và hy vọng là còn gặp lại ông trong những công trình sắp tới. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn ông đã dành hơn 2 tiếng đồng hồ để trao đổi trong những ngày tháng chạp bận rộn nhất trước khi đón Tết...

----------------------------------------------

(1) EPA = Environmental Protection Agency. Tổng cục Bảo vệ Môi trường Liên bang (Hoa Kỳ)

(2) Năm 1974, Tiến sĩ Robert Harris của USEDF (Quỹ Bảo vệ môi trường Liên bang) đã đưa ra bản báo cáo đầu tiên về các di chứng ung thư do THM trong nước gây ra và năm1981, Uy ban qui định về môi trường của Tổng thống Hoa Kỳ công bố kết quả điều tra về việc uống nước dùng Chlorine tiệt trùng làm tăng 13 - 93% bệnh ung thư hệ tiết niệu.

(3) BOD = Biochemical Oxygen Demand (Nhu cầu Oxygen sinh hóa)

COD = Chemical Oxygen Demand (Nhu cầu Oxygen hóa học)

DO = Dissolved Oxygen (Nồng độ Oxygen trong nước)

SS = Suspended Solid (Chất lơ lững trong nước)


(4) Bg = Baquerel, đơn vị đo nồng độ bức xạ.


(5) Theo báo cáo của Bộ Y tế Nhật Bản thì tuổi thọ hiện nay của nam giới là 77,7 và nữ giới là 83,2.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ