Hiện tượng “người lơ lửng”

.  
 

 

“Quá trưa, Subbayah Pullivar ra chào chúng tôi và cho biết đã thực hành yoga từ gần 20 năm. Nghi lễ lơ lửng bắt đầu. Nhà yoga Ấn Độ này đi vào một cái lều. Vài phút sau, vách lều được nâng lên, cho thấy ông đang lơ lửng giữa vòng tròn nước”. Đó là lời kể của P.Y.Plunkett, một người tận mắt chứng kiến màn biểu diễn ngày 6/6/1936.

Nhiều khán giả đến gần để kiểm tra xem có sự gian dối không. Subbayah Pullivar như trong trạng thái lên đồng, bị treo trên không, cách mặt đất khoảng 1 mét. Ông dựa vào một cây gậy, hẳn là chỉ để giữ thăng bằng. Plunkett và bạn bè đến kiểm tra chung quanh nhà yoga: chẳng có dây hay trò ma mãnh nào cả.

Sau đó, cái lều được phủ xuống và Pullivar hạ xuống đất. Plunkett chứng kiến sự hạ xuống này qua một cái khe trên vách lều mỏng. “Sau một phút, nhà yoga có vẻ lắc lư. Ông bắt đầu hạ xuống từ từ, vẫn trong tư thế nằm ngang như lúc đầu. Phải mất 5 phút để xuống đến đất. Lúc ấy, các đệ tử mang ông ra giữa khán giả, yêu cầu mọi người thử bẻ tay bẻ chân ông. Nhưng dù có nhiều người, chúng tôi vẫn không thể làm được. Subbayay Pullivar được xoa bóp bằng nước lạnh trong hơn 5 phút trước khi ra khỏi trạng thái lên đồng và cử động tay chân bình thường”.

Trong nhiều trường hợp lơ lửng khác, khán giả chú ý đến chuyển động lắc lư và tư thế nằm ngang. Cảnh tượng diễn ra tại Thuỵ Sĩ, ở trường của nhà yoga Maharishi Mahesh. Một học viên môn thiền siêu việt học kể lại: “Chúng tôi lắc lư, lúc đầu chậm, sau nhanh dần. Kế đó, chúng tôi bắt đầu nhấc mình lên khỏi mặt đất. Phải thực hành bài tập trong tư thế ngồi xếp bằng. Người ta sẽ bị đau đớn nếu để hai chân buông thõng. Cú hạ xuống là một cú sốc. Vì thế cần phải ngồi trên nệm. Sau đó chúng tôi biết cách kiểm soát và bài tập trở nên thật thích thú”.

Liệu một ngày nào đó tất cả mọi người có thể biết cách lơ lửng không? Theo những người học thiền siêu việt, điều đó là có thể, với điều kiện phải rèn luyện tinh thần rất tích cực.

Trạng thái bán trọng lực

Cũng có một cách lơ lửng đang được bàn cãi, là đặt một người trong trạng thái bán trọng lực. Người ấy ngồi trên ghế, chung quanh là 4 thí nghiệm viên. Bốn người này xếp hai bàn tay trên đầu người kia (nhưng không chạm nhau), rồi tập trung tư tưởng trong 15 giây. Sau đó, họ nhanh chóng đặt ngón trỏ lên khuỷu tay và đầu gối của người ngồi trên ghế. Thế là người ấy được nâng khỏi mặt đất. Làm sao giải thích hiện tượng đó? Sự tập trung tư tưởng của 4 người có dự tính chính xác liệu có thể giải phóng một sức mạnh bí ẩn của nghị lực, giúp thoát khỏi các định luật của trọng trường không? Nhiều câu hỏi chưa có lời giải rõ rệt.

Bennett là nhà sư. Ông nhẹ đến mức có thể tự mình nâng lên như một chiếc lá, tựa như đã thoát khỏi trọng lực. Tuy nhiên, hiện tượng lơ lửng dường nhưng chẳng có lợi bao nhiêu: đối tượng thường chỉ lên được 1-2 m là tối đa. Nhưng biết đâu các dân tộc thời cổ đại đã có “chìa khoá” cho một khả năng bay bổng mạnh hơn. Như thế, họ có thể thực hiện những công trình vĩ đại, chẳng hạn như các hình vẽ trong sa mạc Nazca ở Peru mà người ta chỉ có thể thấy rõ từ trên cao. Nhiều truyền thuyết của người Celte cũng kể về các pháp sư có khả năng bay được. Phải chăng đó là sự hoá thân của linh hồn, hay là sự lơ lửng thật sự của cơ thể.

Trong nhiều ngoại lệ hiếm hoi, sự lơ lửng dường như có liên quan đến một trạng thái đặc biệt, tiếp thu được sau một quá trình luyện tập lâu dài. Lúc ấy, cơ thể bất chấp các định luật hấp dẫn thông thường nhờ một sức mạnh bí ẩn. Năm 1657, một thiếu niên Anh 12 tuổi, Henry Jones, đã đột ngột bay lên đến trần nhà, đặt hai bàn tay lên trần. Hiện tượng này chỉ kéo dài trong 1 năm, và sau, cậu ta mất khả năng đó.

Thế Giới Mới (theo Riddles & Mysteries)