|
1. THÀNH LẬP NƯỚC
DO THÁI
Buổi trưa ngày 14 tháng 5 năm 1948, trên toàn dẻo đất nằm tại phía
đông của Địa Trung Hải, trải dài từ thành phố Safad ở phía bắc xuống
tận sa mạc Negev hoang vắng ở phía nam, từ thành phố cổ Jerusalem ở
phía đông tới thành phố mới Tel Avis nằm sát biển ở phía tây,
650,000 người Do Thái yên lặng, hồi hộp chờ đợi bên các máy phát
thanh. Rồi đúng 4 giờ chiều, vang lên tiếng nói của một nhân vật
lãnh đạo quen thuộc: ông David Ben-Gurion. Vị chiến sĩ tiền phong
này cất cao giọng nói đầy cảm động: “ødo quyền lợi quốc gia và lịch
sử của Dân Tộc Do Thái và do Nghị Quyết của Liên Hiệp Quốc, tôi công
bố ở đây việc thành lập một quốc gia mới tại Palestine, được gọi là
nước Do Thái”.
Từ nay, những người Do Thái đã có một Quốc Gia mới. Họ bàng hoàng,
vui mừng, đứng lên chào bản nhạc “Hatikva”, bài ca hy vọng. Nhưng
chính vào giờ phút lịch sử này, các nhà lãnh đạo Ả Rập của 40 triệu
dân sống chung quanh, đã thề nguyền sẽ đẩy người Do Thái xuống biển,
chôn vùi lá cờ mang ngôi sao David. Quốc gia non trẻ Do Thái đang
đứng trước cuộc tấn công của năm nước Ả Rập với phi cơ, chiến xa,
súng đại bác và súng máy đủ loại, tất cả đang sẵn sàng băng qua biên
giới, tiến vào nước Do Thái mới.
1/ Nước Do Thái cổ.
Lịch sử của dân tộc Do Thái cổ được mô tả trong Thánh Kinh Do Thái
Torah rất quen thuộc với các người Thiên Chúa giáo và được gọi là
Kinh Cựu Ước (the Old Testament). Bộ kinh Torah này gồm 5 cuốn sách
là Sách Sáng Thế (Genesis), Sách Xuất Hành (Exodus), Sách Lê-vi
(Leviticus), Sách Dân Số (Numbers) và Sách Phục Truyền
(Deuteronomy). Năm cuốn sách này còn được gọi là Ngũ Kinh
(Pentatech) hay Bộ Luật của Moses (The Law of Moses). Kinh Cựu Ước
đã mô tả sự tạo dựng ra Trời Đất, các cám dỗ và tội lỗi của con
người đầu tiên cùng với sự loại con người ra khỏi Vườn Địa Đàng.
Tại miền Trung Đông, Canaan là một dải đất hẹp khoảng 130 cây số,
phía tây là Địa Trung Hải, phía đông có sa mạc Ả Rập, xứ Ai Cập án
ngữ tại phía nam còn mạn bắc là miền Mesopotamia với dòng sông
Euphrates. Do là một miền đất nằm giữa hai nền văn hóa Ai Cập và
Mesopotamia, Canaan đã dần dần trở thành một trung tâm thương mại
của các đoàn thương nhân dùng lạc đà, từ thung lũng sông Nile đi lên
và từ lưu vực sông Euphrates đi xuống và cũng vì thế tại miền đất
này đã xẩy ra các trận chiến, các bất ổn.
Vào phần tư cuối của thiên niên kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, đế quốc
Hittie ở phương bắc sụp đổ, đồng thời xứ Ai Cập ở phía nam cũng suy
tàn trong khi thế lực Assyrian chưa xuất hiện, những người Do Thái
hay Hebrews đã từ miền Mesopotamia di cư qua, tới miền Canaan gần
Địa Trung Hải. Danh từ Hebrew có lẽ từ chữ “habiru” hay “hapiru” hay
“apiru”. Đây là từ ngữ chỉ một loại người sống lang thang, bán du
mục, tách biệt với các xã hội định cư khác. Một trong các vị lãnh tụ
của nhóm habiru di dân này là ông Abraham. Ông được mô tả là người
giàu có, có nhiều cừu, dê, bò và một số người phục tùng đủ tạo nên
một đội quân nhỏ.
Các tù trưởng miền đất Canaan đã khuyên ông Abraham tới định cư với
họ và khi ông Abraham và bà Sarah cần chọn vợ cho người con trai là
Isaac, họ đã kén một người họ hàng sống tại Haran, gần Urfa thuộc xứ
Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Isaac có con trai là Jacob và ông này đã đổi
tên thành Israel. Sống với hai người vợ là Leah và Rachel, cùng hai
người hầu gái là Bilhal và Zilpah, Israel đã có 12 người con, mở đầu
cho 12 bộ lạc và danh từ “Jew = người Do Thái” bắt nguồn từ chữ
Judah là tên của một bộ lạc Do Thái mạnh nhất và đông dân nhất.
Các câu chuyện về Thánh Kinh, về ông Abraham à đã dẫn tới một ý niệm
mới, đó là quan niệm nhất thần (monotheism). Cũng theo Thánh Kinh,
Thượng Đế (God) với tên gọi là Wahweh, đã hứa bảo vệ ông Abraham và
các con cháu của ông trên miền đất Canaan dù có phải gây ra chiến
tranh đi nữa, và các người Do Thái tự nhận mình là “con cháu của
Abraham” đều bị ràng buộc theo cá nhân và theo tập thể vào các giới
luật và lễ nghi của Thượng Đế.
Vào khoảng thế kỷ 16 hay đầu thế kỷ 15 trước Tây Lịch, gia đình của
Jacob vào khoảng 150 người, đã di cư tới Ai Cập để tránh một trận
hạn hán và nạn đói tại miền đất Canaan. Sự phì nhiêu của thung lũng
sông Nile đã lôi kéo các sắc dân khác tới đây làm công như kẻ nô lệ.
Nhưng sự áp chế của người Ai Cập đã khiến cho người Do Thái nổi dậy,
có lẽ dưới thời Vua Ramses II (1304-1273 trước TL). Rồi cuộc Xuất
Hành (the Exodus) của người Do Thái được cho là đã xẩy ra vào thế kỷ
13 trước Tây Lịch và chấm dứt vào năm 1225 trước Tây Lịch.
Sách Xuất Hành đã mô tả tình trạng nô lệ của người Do Thái tại Ai
Cập cùng với sự vùng lên thành công của họ. Sự tạm lưu trên bán đảo
Sinai đã cho người Do Thái ý thức về một số mệnh chung và họ tin
rằng Thượng Đế Yahweh đã can thiệp, giúp đỡ nhiều thế hệ Do Thái, và
như vậy Luật của Moses, bao gồm cả 10 Điều Răn (The Ten
Commandments) đã là những khuôn mẫu để hướng dẫn dân tộc này qua các
thời đại lịch sử. Kinh Torah hay Kinh Cựu Ước đã chủ trương một
Thượng Đế và vì con người được tạo dựng nên theo hình ảnh của Thượng
Đế nên mọi người được bình đẳng.
Qua nhiều thập niên, dưới quyền lãnh đạo của Joshua, dân tộc Do Thái
đã chinh phục dần được một phần đất của miền Canaan nhưng rồi các bộ
lạc Do Thái bị giống người Philistine xuất hiện từ miền bờ biển phía
tây, đẩy họ lùi về phía đông. Philistine là giống dân hiếu chiến, đã
biết dùng võ khí bằng sắt và biết tổ chức kỷ luật theo một chế độ
phong kiến quân sự quý tộc. Trước đe dọa của người Philistine vào
khoảng năm 1050 trước Tây Lịch, nhà tiên tri Samuel đã phong cho vị
Tướng Saul làm vua đầu tiên của xứ Israel. Nhưng một năm sau, người
Philistine đã đánh tan đạo quân mới của Do Thái tại núi Gilboa, gần
Bet Shean, giết chết Vua Saul và người con trai là Jonathan. Trước
sự xâm lăng này, quyền lãnh đạo xứ Do Thái được trao về cho David là
một người chăn cừu, trước kia đã được người Philistine huấn luyện và
David cũng đã từng ở dưới quyền của Vua Saul.
Vua David là một thiên tài về quân sự và chính trị, đã đánh bại được
quân Philistine, mở mang bờ cõi, chinh phục được Ammon, Moab, Edom,
Zobath và cả Damascus, và quan trọng hơn hết, Vua David đã thắng
được người Jebusites và làm chủ được thành phố Jerusalem, một địa
điểm kiểm soát con đường vận chuyển chính bắc nam nằm trong đất
liền. Mặc dù cai trị một phần đất rộng lớn, Vua David đã không duy
trì một chế độ quân chủ tuyệt đối mà cho rằng quyền tối thượng thuộc
về Thượng Đế. Trong 33 năm trị vì, Vua David đã không ra lệnh xây
dựng các đền thờ nguy nga hay các đài kỷ niệm to lớn. Người con kế
vị của Vua David là Vua Solomon lại ít mộ đạo Do Thái hơn. Vua
Solomon đã bắt dân chúng thuộc các miền đất phía bắc và miền Canaan
phải làm tạp dịch và chịu thuế, ra lệnh xây dựng đền thờ tại
Jerusalem, tạo ra một giới tu sĩ, làm cho cả nước có niềm tin và
thực hành tôn giáo Do Thái.
Vương quốc của Vua Solomon có kinh đô là Jerusalem và hai miền
Samaria và Judea. Samaria là phần đất phía bắc, bị người Assyrian
chinh phục vào năm 721 trước Tây Lịch, rồi vì lý do dân tộc Do Thái
bị đô hộ và lưu đầy, nhà tiên trị Isaiah đã tuyên bố rằng sự giàu
sang và quyền hành sẽ không thể được coi trọng hơn công bằng xã hội
và lòng tin tưởng vào ý muốn của Thượng Đế, là những điều mà người
Do Thái phải chú tâm. Các người Do Thái sống tại phần đất phía nam
Judea cũng bị các đạo quân Babylon dưới thời Vua Nebuchadnezzar xâm
lăng. Thành phố Jerusalem bị bao vây, vua Do Thái bị bắt. Người Do
Thái tại miền này cũng phải bỏ xứ ra đi và trong hoàn cảnh này, nhà
tiên tri Jeremiah đã xác nhận rằng người Do Thái không cần có một
quốc gia mới có thể làm theo lời của Thượng Đế, và có cùng tư tưởng
này là nhà tiên tri Ezekiel.
Kể từ khi Ngôi Đền thứ nhất bị tàn phá vào năm 586 trước Tây Lịch,
đa số người Do Thái đã sống bên ngoài phần Đất Thánh của họ. Họ
thiếu đi một quê hương, họ bị phân tán giữa các dân tộc khác thuộc
vùng Trung Đông. Người Do Thái phải tìm cách duy trì nguồn gốc của
họ. Họ đã quay về với niềm tin tôn giáo, với các lề luật, các nghi
thức và đây là những yếu tố đoàn kết họ lại thành một cộng đồng. Vì
thế đã sinh ra các ngày lễ Sabbath, các luật lệ về ăn kiêng và giữ
vệ sinh, tục lệ cắt da quy đầu, các lễ hội tôn giáo.
Vào giữa thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch, Hoàng Đế Ba Tư là Đại Đế Cyrus
đã đánh bại được người Baylon và cho phép người Do Thái trở về quê
hương để “xây dựng nên căn nhà của Thượng Đế”. Rồi cũng tại
Jerusalem, người Do Thái đã xây dựng nên Ngôi Đền thứ hai vào khoảng
năm 520-515 trước Tây Lịch. Tuy thế đa số người Do Thái vẫn ưa thích
sống ở các xứ sở bên ngoài, và danh từ “Diaspora” dùng để chỉ các
sắc dân Do Thái sống trong các cộng đồng rải rác ở bên ngoài Erets
Yisrael tức là phần đất Israel.
Năm 332 trước Tây Lịch, Đại Đế Alexander của miền Macedonia đã tàn
phá đế quốc Ba Tư nhưng cũng đã bỏ quên xứ Judah. Khi vị Đại Đế này
qua đời, các tướng lãnh dưới quyền đã tranh giành địa vị. Đất nước
Do Thái ở dưới quyền của Tướng Ptolemy I vào năm 301 trước Tây Lịch
rồi Ngôi Đền thứ hai bị cướp phá bởi Tướng La Mã Antiochus IV vào
năm 175 trước Tây Lịch.
Dưới ách đô hộ của các kẻ ngoại xâm, người Do Thái đã nổi dậy dưới
quyền lãnh đạo của Simon Maccabaeus vào năm 140 trước TL. Ông Simon
vào thời kỳ này vừa là một giáo sĩ cao cấp, vừa là một nhà cai trị
và thống lĩnh quân đội. Mặc dù vài năm sau, ông Simon bị ám sát
chết, triều đại Hasmonean của ông đã phát triển ngang với triều đại
của Vua David và cũng vào thời kỳ này, người Do Thái đã bị ảnh hưởng
rất nhiều bởi nền Văn Minh Hy Lạp và các giáo sĩ cao cấp cũng có tên
Hy Lạp, chẳng hạn như Menalaus hay Jason.
Từ năm 64 trước TL, đội quân La Mã đã tiến sang phía đông. Herod
được Thượng Viện La Mã chấp thuận làm Vua xứ Judah vào năm 37 trước
TL và đã cai trị xứ Do Thái cho đến năm 04 trước TL. Xứ Do Thái đã
sống dưới ách cai trị của nhiều kẻ ngoại quốc rồi tới năm 70 sau TL,
người La Mã đã tàn phá Ngôi Đền thứ hai và lại phân tán giống dân Do
Thái đi các nơi. Cứ điểm cuối cùng của dân Do Thái chống lại đạo
quân La Mã là pháo đài Massada ở bên sườn đồi, cách thành phố
Jerusalem 56 km về phía tây nam, cũng bị thất thủ. Cũng vì thế người
Do Thái sau này thường dùng câu tuyên truyền “Massada sẽ không bao
giờ thất thủ một lần nữa” để biểu lộ ý chí sẽ chiến đấu tới chết khi
phải bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Sau khi Ngôi Đền thứ hai bị phá hủy và giới tu sĩ bị phân tán, các
ngôi đền Do Thái nhỏ được xây dựng tại nhiều nơi và các giáo sư tôn
giáo hay “rabbis” đã có những lời nhận xét về luật tôn giáo và tuyển
tập các lời nhận xét này được xếp đặt thành bộ luật “Mishna”. Về sau
vào khoảng năm 500 sau TL, các kinh điển và luật tôn giáo Mishna
được biên tập thành Bộ Kinh Talmud.
Qua thời gian, giống dân Do Thái đã phải sống dưới quyền cai trị của
người Hồi giáo và người Thiên Chúa giáo nhưng các nhà tư tưởng Do
Thái và các giáo sư tôn giáo vẫn tiếp tục khảo cứu các tập tục và
phát biểu về Thánh Kinh. Vào thời Trung Cổ, có Moses Ben Mainon, hay
còn được gọi là Maimonides (1135-1204) là người Do Thái sống tại Tây
Ban Nha, di cư qua Ai Cập và đã làm đến chức thầy thuốc tại triều
đình này. Maimonides là một học giả uyên thâm về Do Thái giáo, đã
hiệu đính các lề luật Talmud bằng cuốn Minesh Torah và đã đề cập tới
613 điều răn rút từ Kinh Torah và những điều răn này đã là căn bản
của đức tin và luật Do Thái giáo.
Các cải tiến về các quan niệm thần học và triết học đã khiến cho các
người Do Thái sống tại Tây Ban Nha và các quốc gia phía đông của
châu Âu, kể cả những người ở dưới sự thống trị của người Hồi, được
gọi là “Sephardim”, còn danh từ “Ashkenazim” dùng để chỉ những người
Do Thái thuộc miền tây của châu Âu. Trong hai thế kỷ 18 và 19, các
phong tục và nghi thức tôn giáo Do Thái đã được thay đổi khiến cho
Do Thái giáo thích nghi được với thế giới mới và Phong Trào Phục
Quốc Do Thái, hay Zionism, cũng như nền văn hóa Do Thái Yeddish bắt
đầu xuất hiện.
Ngày nay, các cộng đồng lớn của dân Do Thái hiện đang phát triển tại
Hoa Kỳ, tại nước Nga và nước Do Thái. Mặc dù đạo Do Thái đã được
phân chia thành các loại chính thống, bảo thủ hay cải cách, các tin
đồ sùng đạo vẫn làm lễ tại nhà, tại giáo đường, ăn kiêng và giữ
luật, cũng như đi hành hương tới Jerusalem và Núi Zion.
2/ Xứ Palestine.
Palestine là một vùng đất trải dài từ Địa Trung Hải ở phía tây tới
sa mạc Ả Rập ở phía đông, từ dòng sông Litani ở phía bắc xuống thung
lũng Gaza tại phía nam. Miền đất này được gọi theo tên của người
Philistine là giống người đã chiếm cứ phần bờ biển phía nam trong
thế kỷ 12 trước Tây Lịch.
Vào năm 330 sau Tây Lịch, Hoàng Đế Constantine (280-337) đã di
chuyển kinh đô từ Rome tới Constantinople và công nhận đạo Thiên
Chúa là tôn giáo chính thức. Do việc chuyển sang đạo Thiên Chúa của
Hoàng Đế này, xứ Palestine đã hấp dẫn những người hành hương và trở
nên thịnh vượng. Sau khi Đế Quốc La Mã bị phân hai vào năm 395, xứ
Palestine ở dưới quyền kiểm soát thuộc phía đông, chịu sự cai trị
Byzantine và chịu ảnh hưởng Thiên Chúa giáo cho đến khi người Ả Rập
tới chinh phục vào năm 638 và truyền bá đạo Hồi.
Đạo Hồi là một tôn giáo khác với đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa,
không những do các quan niệm về Thượng Đế, về các nhà tiên tri mà
còn cả về sự kết hợp chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội với tôn
giáo, khiến cho đạo Hồi có những nét đặc thù, rất thích hợp với các
xứ Ả Rập. Tín đồ đạo Hồi tin tưởng rằng chỉ có 6 nhà tiên tri là
Adam, Noah, Abraham, Moses, Jesus và Mohammed, vị tiên tri cuối
cùng. Các vị sứ đồ này đã mang đến cho con người Lời của Thượng Đế
và các lời dạy của Mohammed sẽ dẫn dắt con người tới Ngày Phán Xét
sau này.
Nhà tiên tri Mohammed chào đời vào khoảng năm 570 sau Tây Lịch, và
theo nhà tiểu sử học đầu tiên viết về Mohammed là Ibn Ishaq, thì vào
năm 610 khi ở tuổi 40 và tỉnh giấc sau một giấc ngủ trên Núi Hira,
ông Mohammed đã nghe thấy tiếng nói từ trên Trời cao của một thiên
thần có hình dạng người, bảo như sau: “Ô, Mohammed, nhà ngươi là
tông đồ của Thượng Đế và ta là Gabriel”. Từ năm 613, nhà tiên tri
Mohammed bắt đầu đi giảng đạo tại Mecca và các lời rao giảng của
Mohammed được chép thành cuốn Kinh Koran. Ngoài Mecca, Medina là
thành phố thứ hai được coi là linh thiêng của đạo Hồi.
Khi ông Umar lên làm giáo chủ đạo Hồi, Jerusalem được chỉ định là
nơi linh thiêng thứ ba của đạo Hồi, chỉ sau Mecca và Medina. Vào
thời kỳ Umayyads với kinh đô Damascus, Tòa Nhà Mái Tròn “The Dome of
Rock” được xây dựng năm 691 trên nền của Đền Thờ Solomon, để kỷ niệm
nơi nghỉ đêm của nhà Tiên Tri Mohammed nhân dịp lên Trời diện kiến
Allah. Đây là một kỷ niệm Hồi giáo lâu đời nhất đến nay vẫn còn tồn
tại. Gần đó và ở về phía nam là ngôi đền Hồi Giáo Al Aqsa. Cũng vì
vậy mà thành phố Jerusalem trở thành một nơi tranh chấp giữa hai
khối Ả Rập và Do Thái.
Dưới thời giáo chủ đạo Hồi Umar II (717-720), các giới hạn đối với
cư dân trong vùng không theo đạo Hồi đã khiến cho số dân cải sang
đạo Hồi gia tăng. Dân số cũng tăng cao do các bộ lạc từ sa mạc tới
định cư, vì thế tại xứ Palestine, tôn giáo có đông tín đồ nhất là
đạo Thiên Chúa đã chuyển thành đạo Hồi.
Tới đầu thế kỷ 11, thành phố Jerusalem đã là nơi chiến trường của
nhiều sắc dân. Các đoàn quân Thập Tự Chinh đã thiết lập tại
Jerusalem thứ Kinh Đô La Tinh cho đến khi đoàn quân này bị Danh
Tướng Hồi Giáo Salah-ad-Din (Saladin) đánh bại trong trận đánh quyết
định Hattin diễn ra vào năm 1187. Thực ra đoàn quân Thập Tự Chinh
chỉ hoàn toàn rút khỏi Palestine vào năm 1291 và xứ này ở trong một
thời kỳ đen tối kéo dài suốt hai thế kỷ 14 và 15, với nền cai trị
của thời đại Mameluke, với các bệnh dịch tàn phá cư dân.
Năm 1516, Vua Hồi Giáo Selim I đã đánh thắng được chế độ cai trị
Mameluke và trong bốn thế kỷ, xứ Palestine chịu sự đô hộ của Đế Quốc
Ottoman có kinh đô đặt tại Damascus. Chế độ cai trị Ottoman đã kéo
dài trong bốn thế kỷ (1516-1918). Trong thời gian này, xứ Palestine
đã bị phân thành nhiều quận gọi là “sanjak” rồi vài quận lại tập hợp
thành tỉnh gọi là “vilayet”. Phần lớn đất đai của xứ Palestine ở
dưới quyền của quan cai trị người Thổ Nhĩ Kỳ “pasha” ngụ tại
Damascus. Do xứ Palestine là nơi không có các tài nguyên, không có
các đặc điểm chiến lược, các biên giới không được phân định rõ ràng
nên chính quyền Ottoman tại Constantinople đã không quan tâm tới xứ
sở này. Do không bị kiểm soát và kiềm chế, xứ Palestine trở nên một
nơi bất an, vô trật tự, một nơi tham nhũng, hà khắc và bị bỏ quên,
vì thế canh nông và thương mại của xứ sở này suy sụp đi, dân chúng
nghèo nàn và bị áp bức. Vua Hồi giáo chỉ có một giàng buộc là bảo vệ
Jerusalem, nơi linh thiêng của đạo Hồi, đạo Thiên Chúa và đạo Do
Thái.
Vào đầu thế kỷ 19, dân số Do Thái tại Syria vào khoảng 25,000 người.
Phần lớn họ thuộc lớp người “Sephardim” tức là con cháu của các
người Do Thái gốc Tây Ban Nha và gốc địa phương, lớp người còn lại
là “Do Thái Ashkenazim” có nguồn gốc châu Âu, đã tới miền Đất Thánh
này qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn giữ quốc tịch cũ. Một nửa số người Do
Thái sống tại các thành phố có tính linh thiêng đối với họ là
Jerusalem, Hebron, Safed và Tiberias, nửa kia cư ngụ tại Aleppo,
Damascus, Beirut và Tripoli là các thành phố thuộc xứ Syria.
Dưới thời đại Hồi giáo Ottoman, chính quyền được tổ chức theo lối tự
quản (millets) và các cộng đồng Do Thái được hưởng một số độc lập và
tự trị về thờ phượng tôn giáo, giáo dục và một số phạm vi khác nhưng
trong một xã hội Hồi giáo ưu thế, người Do Thái giáo và người Thiên
Chúa giáo không được coi là các tín đồ, nên thuộc loại công dân hạng
thứ hai (dhimmis), phải đóng thuế thân để có được sự bảo vệ của
chính quyền và đây cũng là dấu hiệu của giai cấp thấp hèn. Người Do
Thái còn bị kỳ thị trong nhiều lãnh vực. Lời thề của họ trước Tòa Án
bị coi không có giá trị, họ không được phép làm các chức vụ công,
không được phép mang vũ khí, thường bị bạo hành bởi chính quyền và
bởi dân chúng Hồi giáo địa phương.
Tới giữa thế kỷ 19, eo đất Suez là nơi tranh chấp giữa hai thế lực
Anh và Pháp nên xứ Palestine mới được Constantinople chú ý. Chính
quyền Ottoman tăng cường kiểm soát Syria và Palestine. Quận (sanjak)
Jerusalem được kiểm soát trực tiếp bởi đế quốc Ottoman nhờ thế các
vụ đánh cướp của dân Bedouin giảm đi, sự an toàn gia tăng, nền kinh
tế địa phương và các điều kiện sinh sống của người dân được cải
tiến. Khi vua Hồi giáo Abdul-Hamid II cai trị Đế Quốc Ottoman từ năm
1876 tới năm 1909, việc canh tân về giao thông, giáo dục, quân sự
được tiến hành, các công ty của châu Âu đã lắp đặt các đường sắt nối
liền Jerusalem với Jaffa vào năm 1892 và một tuyến đường sắt khác
nối hải cảng Deraa, Transjordan, được làm xong vào năm 1905. Vào
thời kỳ này, các vua Hồi giáo muốn đề phòng sự xâm nhập ảnh hưởng
của Anh-Pháp nên đã tăng cường việc kiểm soát từ trung ương nhưng
mặt khác, chính quyền Hồi giáo lại dùng các viên kỹ sư và các nhà
đầu tư người châu Âu, việc này đã làm cho các quốc gia của châu Âu
càng có cơ hội xâm lấn vào vùng Palestine cũng như Trung Đông.
Vào năm 1914, dân số của xứ Palestine vào khoảng 650,000 người. Đây
là một đám dân hỗn tạp, chia rẽ giữa các loại người thành thị, nông
thôn và du mục, giữa giai cấp sang trọng và giai cấp bần cùng gọi là
“fellahin”. Cũng có sự chia rẽ về tôn giáo giữa các giáo phái đạo
Hồi như Sunni, Shiite và Druze, giữa người Ả Rập Hồi giáo và người Ả
Rập Thiên Chúa giáo, những người này chiếm vào khoảng 16 phần trăm
dân số và phần lớn thuộc Chính Thống Giáo Hy Lạp (Greek Orthodox),
họ văn minh hơn nhờ phát triển về Văn Hóa do tiếp xúc với các người
Thiên Chúa giáo của châu Âu.
Tại xứ Palestine, phong trào Quốc Gia Ả Rập (Arab nationalism) đang
tiến triển vào cuối thế kỷ 19, rồi Cuộc Cách Mạng Thổ Nhĩ Kỳ xẩy ra
vào năm 1908 bởi những nhân vật Thổ muốn duy trì Đế Quốc Ottoman
bằng các chính sách quỷ quyệt để thực hiện việc trung ương tập quyền
và Hồi giáo hóa (Islamization) các dân tộc trong vùng. Trong hoàn
cảnh lịch sử này, các người Do Thái sống tại Palestine bị coi là các
công dân hạng hai. Họ phải gánh chịu thuế đất và thuế thân rất nặng
nề, đôi khi bị tàn sát và thường bị áp lực cải sang đạo Hồi. Người
Do Thái tại xứ Palestine vào thời kỳ này cũng chịu ảnh hưởng của các
lớp người Do Thái khác đang sống tại châu Âu là nơi đang phát triển
các ý thức hệ mới, các phong trào quốc gia (nationalism).
3/ Dân Do Thái tại châu Âu.
Vào năm 70 sau Tây Lịch, Ngôi Đền thứ hai của đạo Do Thái bị phá
hủy, một số lớn người Do Thái đã bỏ xứ ra đi, họ sống bên ngoài xứ
Palestine. Trong thời đại La Mã, giống dân Do Thái đã trở thành lớp
thương nhân sống quanh vùng Địa Trung Hải. Họ đã đóng một vai trò
quan trọng đối với nền kinh tế vì họ là các nhà buôn, thợ kim hoàn,
thợ thủ công, các nhà tài chính và trong cuộc sống chung với các sắc
dân khác, người Do Thái vẫn cố giữ bản chất sắc tộc và sự cách biệt
của họ.
Tới thời Trung Cổ, các người Do Thái tại châu Âu và tại nước Anh
thường là các kẻ cho vay tiền kiếm lời, họ được sự che chở của các
nhà cầm quyền địa phương. Đến khi người Ý và một số dân tộc khác bắt
đầu biết nắm giữ các công việc kinh tế thì người Do Thái bị trục
xuất tại nước Ý vào năm 1290. Vào cuối thế kỷ 14, người Do Thái bị
đuổi khỏi nước Pháp rồi nước Tây Ban Nha cũng tìm cách loại người Do
Thái ra khỏi xứ vào năm 1492. Tại châu Âu, người Do Thái bị chỉ định
cư trú trong những khu nhà ổ chuột (ghettos) và các khu này bắt đầu
xuất hiện tại miền bắc nước Ý vào thế kỷ 16. Mặt khác, do tài năng
về thương mại, sắc dân Do Thái lại được đón mời tại miền đông của
châu Âu vì thế nhiều người Do Thái đã bỏ các xứ khác, di cư qua Đế
Quốc Ottoman, qua nước Nga, Ba Lan, Lithuania và cộng đồng Do Thái
tại Ba Lan đã phát triển lớn mạnh nhất, cả về cơ sở chính trị lẫn
văn hóa.
Tại châu Âu, nền kỹ nghệ tư bản đã làm thay đổi vai trò kinh tế của
người Do Thái. Những người này đã dần dần hội nhập vào cuộc sống
kinh tế để trở nên các nhà chuyên môn. Thời kỳ Khai Sáng
(Enlightenment) của thế kỷ 18 đã làm lợi cho người Do Thái, rồi sau
Cuộc Cách Mạng Pháp, đã tăng lên số người Do Thái hội nhập vào các
phần đất thuộc miền tây của châu Âu. Trong khi đó tại phần đất phía
đông, người Do Thái còn bị kỳ thị vì nhịp độ kỹ nghệ hóa còn chậm
chạp, vì các điều kiện chính trị và tôn giáo xung khắc. Kể từ năm
1791, các người Do Thái tại Đế Quốc Nga đã bị dồn vào các vùng đất
nằm giữa Hắc Hải (the Black Sea) và Biển Baltic, được gọi là “Biên
giới định cư” (the Pale of Settlement). Ba phần tư triệu người Do
Thái sống tại nơi này thuộc gốc Ba Lan, họ đã bị loại khỏi các xứ
Nga, họ phải sống nghèo nàn trong các thị trấn gọi là “shtetls”. Các
lý tưởng của Cuộc Cách Mạng Pháp đã trở nên những điều cấm kỵ tại
Vương Quốc của Sa Hoàng, vì thế sắc dân Do Thái sinh sống tại nước
Nga thường trở nên một thứ "dê tế thần" của dân tộc Nga và nhà thờ
Chính Thống Giáo. Trên dải đất Nga, người Do Thái bị giới hạn về
công việc làm ăn, họ còn bị ngược đãi và tàn sát (pogroms). Vào năm
1850, tại xứ Nga có vào khoảng 2.3 triệu người Do Thái. Ngoài các
ngược đãi, hành hạ thông thường, người Do Thái còn bị đưa vào quân
đội. Để tránh các tàn sát tại phần đất Đông Âu, rất nhiều người Do
Thái đã di cư qua Hoa Kỳ và một số nhỏ qua xứ Palestine.
Sự nghi ngờ và thù ghét sắc dân Do Thái lại càng tăng thêm khi một
tác giả ẩn danh làm việc cho Mật Vụ của Sa Hoàng đã cho xuất bản một
cuốn sách nhan đề là “Các nghi thức của các vị cao niên học thức
thuộc Xứ Zion” (Protocols of the Learned Elders of Zion). Cuốn sách
này có ác ý mô tả một hội nghị của các lãnh tụ Do Thái đang tìm cách
thống trị thế giới. Vì được dịch sang nhiều ngôn ngữ, cuốn sách
“Nghi Thức” đã làm tăng thêm sự thù ghét sắc dân Do Thái tại châu
Âu, thuộc cả phía đông lẫn phía tây.
Vào năm 1881, Sa Hoàng Alexander II bị ám sát. Một trong các kẻ âm
mưu là một người Do Thái trẻ. Sự việc này đã làm gia tăng các tàn
sát, hành hạ, hạn chế sắc dân Do Thái của chính quyền Nga và trong
khoảng từ 1880 tới 1900, đã có một triệu người Do Thái di cư từ nước
Nga qua Hoa Kỳ và con số này lên tới 2.6 triệu người vào năm 1914.
Cũng có một số nhỏ người Do Thái khác tìm cách tham gia vào thành
phần trí thức của Cuộc Cách Mạng Nga. Lớp người Do Thái thứ ba đi
tìm một lối thoát khác, đó là một phong trào giải phóng có mục đích
thành lập một Quốc Gia Tự Trị dành riêng cho người Do Thái. Ý tưởng
này đã được Leo Pinsker phổ biến qua tác phẩm “Tự Giải Phóng”
(Auto-Emancipation) viết ra vào năm 1882. Đường hướng này về sau
được chuyển thành Phong Trào Phục Quốc Do Thái (Zionism) với các
động lực phát triển trong thập niên 1890 tại nước Pháp.
4/ Phong trào Phục Quốc Do Thái.
Châu Âu là miền đất tiến bộ, văn minh, được “khai sáng” trước các
miền đất khác nhưng cũng tại châu Âu, một số người theo Học Thuyết
Darwin với chủ trương kỳ thị sắc dân Do Thái đã cho rằng giống dân
Aryan vượt trội hơn giống dân Do Thái thấp hèn. Trước các kỳ thị có
tính chủng tộc này, người Do Thái nhận thấy họ không thể tranh đấu
thành công giành sự bình đẳng. Giải pháp của họ là phải lập nên một
quốc gia tự trị.
Lý thuyết gia đầu tiên về Phong Trào Phục Quốc Do Thái là ông Moses
Hess, một người dân Đức gốc Do Thái, đã từng liên lạc với Karl Marx
và Friedrich Engels. Ông Hess đã viết hai tác phẩm, phác họa sự trở
về Palestine của dân Do Thái là cuốn “Rome và Jerusalem” xuất bản
năm 1862 và cuốn “Chương trình thuộc địa hóa miền Đất Thánh” (Plan
for the Colonization of the Holy Land) xuất bản năm 1867. Dù các
sách của ông Hess biện hộ việc định cư tại Palestine của người Do
Thái là một giải pháp, các người Do Thái tại Tây Âu đã không quan
tâm tới đề nghị này vì họ đã quen với việc cư ngụ tại châu Âu hàng
trăm năm rồi, và khi đó các vụ tàn sát người Do Thái tại miền Đông
Âu chưa xẩy ra, khiến cho lớp người Do Thái tại khu vực phía đông
cũng lơ là với vấn đề nêu ra.
Vấn đề “Quê hương quốc gia” (national home) hay Quốc gia Do Thái tại
Palestine tới cuối thế kỷ 19 vẫn còn mơ hồ, dù rằng danh từ “Phong
Trào Phục Quốc Do Thái” (Zionism) có lẽ đã được Nathan Birnbaum đề
cập lần đầu tiên trong một bài báo phổ biến vào năm 1886.
Một người tiền phong khác của Phong Trào Phục Quốc Do Thái là ông
Theodor Herzl (1860-1904). Các ý tưởng về một quốc gia Do Thái của
ông Herzl không phải là mới mẻ, ông ta lại không có các hậu thuẫn
tài chính hay yểm trợ chính trị. Đường lối của ông Herzl là bảo thủ,
phản ánh quan niệm từ gia đình trung lưu của ông. Nhưng công lao của
ông Herzl là đã khiến cho Thế Giới chú ý đến số phận của sắc dân Do
Thái và nhờ ông mà việc lập quốc Do Thái trở thành một vấn đề chính
của thời sự quốc tế.
Ông Theodor Herzl sinh tại Budapest, cha là một thương gia giàu có.
Gia đình ông sau đó đã di chuyển qua Vienna và tại đây, ông Herzl đã
theo học Luật Khoa, đỗ ra và trở nên một nhà báo, viết báo cho tờ
Neue Freie Presse (Nhật Báo Tự Do Mới). Năm 1891, ông Herzl đã tới
Paris và rất quan tâm tới phong trào chống Do Thái và về số phận bị
ngược đãi của sắc dân Do Thái tại châu Âu mà điển hình là vụ án
Dreyfus.
Alfred Dreyfus là một sĩ quan gốc Do Thái trong Bộ Tổng Tham Mưu
Pháp, bị kết tội phản bội và bị tù chung thân tại đảo Devil. Ông
Herzl cùng nhiều người khác đã tin tưởng rằng Dreyfus bị tù do một
âm mưu và vụ xử án bất công. Về sau, do lời thú tội của một sĩ quan
Pháp khác vào năm 1899, vụ án được xét xử lại.
Vụ án Dreyfus là điển hình của phong trào chống Do Thái tại nước
Pháp là quốc gia vẫn thường chủ trương Tự Do, Bình Đẳng và Huynh Đệ
(Liberty, Equality & Fraternity). Theodor Herzl thấy rằng chỉ còn
một giải pháp cho người Do Thái là thiết lập nên một quốc gia mới và
đề nghị này được đề cập trong cuốn sách của ông nhan đề là “Quốc Gia
của sắc dân Do Thái” (der Jundenstaat = the Jews ' State) xuất bản
vào năm 1896.
Trong các nhà tiền phong của Phong Trào Phục Quốc Do Thái, còn có
một nhân vật khác tên là Asher Ginsberg, một nhà trí thức Nga gốc Do
Thái, thường viết báo dưới bút hiệu Achad Ha-Am. Ông Ginsberg đã đề
cập tới hai phương diện trong việc phục quốc là việc định cư và các
hoạt động văn hóa, vì chính văn hóa sẽ làm cho người Do Thái tăng
thêm tình cảm lệ thuộc dân tộc. Ông Ginsberg cũng cảnh cáo các nhà
lãnh đạo Do Thái không nên bỏ quên các vấn đề Ả Rập tại xứ
Palestine.
Lịch sử của Phong Trào Phục Quốc Do Thái cũng đi tới một khúc rẽ
quan trọng khi Hội Nghị Phục Quốc Do Thái đầu tiên hội họp tại
Basel, Thụy Sĩ, vào ngày 29-8-1897 với 204 đại biểu từ khắp nơi trên
thế giới. Hội nghị này đã xác định mục tiêu của phong trào là “tạo
dựng nên một nơi cư ngụ cho sắc dân Do Thái tại Palestine, được xác
nhận bởi Công Pháp”. Để đạt được mục tiêu này, hội nghị đã đồng
thanh làm phát triển việc định cư các nhà nông nghiệp, các thợ thủ
công gốc Do Thái, tổ chức và làm kiện toàn mối quan tâm về quốc gia
và tìm kiếm các chấp thuận của bất cứ chính phủ nào để tiến tới mục
tiêu phục quốc.
Tuy các mục tiêu kể trên còn mơ hồ, các nhà lãnh đạo Phong Trào Phục
Quốc Do Thái (Zionism) cũng đã cứu xét đề nghị của chính phủ Anh năm
1902 dùng miền el-Arish thuộc bán đảo Sinai, hay đề nghị lập quốc
tại xứ Kenya với chương trình gọi là Kế Hoạch Uganda (Uganda Plan ),
dù cho các người Do Thái tại Nga đã không vừa ý với cả hai đề nghị
kể trên. Năm 1899, đảo Cyprus cũng là một địa điểm được đề nghị cứu
xét nhưng vào thời bấy giờ, vị trí của nước Do Thái Mới còn tùy
thuộc vào các cường quốc của châu Âu.
Ý tưởng của ông Herzl tuy mơ hồ về địa điểm nhưng lại rõ ràng về
cách thi hành với một công ty Do Thái phải được tổ chức để mua đất
đai và xếp đặt các người định cư. Năm 1901, Ngân Quỹ Quốc Gia Do
Thái (the Jewish National Fund) được thành lập để mua đất và vào năm
1908, Công Ty Phát Triển Miền Đất Palestine (the Palestine Land
Development Company) được kết hợp với Ngân Quỹ kể trên, để giúp sức
vào việc định cư. Ông Theodor Herzl đã cố gắng vận động sự yểm trợ
quốc tế nhưng đã thất bại khi thương lượng với Vua nước Đức, với Vua
Hồi giáo Abdul-Hamid và cả với vị Bộ Trưởng Thuộc Địa của nước Anh
là ông Joseph Chamberlain, vào tháng 10 năm 1902.
Vì muốn duy trì các tập quán, phong tục, văn hóa Do Thái cũng như Do
Thái Giáo, với hai mục tiêu vừa thế tục, vừa tôn giáo, các nhóm nhỏ
gồm những người Do Thái trẻ đã hội họp tại nước Nga và tại phần đất
phía đông của châu Âu, để bàn việc định cư đầu tiên trên xứ Erets
Yisrael hay “Đất Nước Do Thái”. Ngày 7 tháng 7 năm 1882, một nhóm
nhỏ gồm 14 người trong đó có một phụ nữ, đã đổ bộ lên thị trấn
Jaffa, xứ Palestine. Họ thuộc một phong trào có tên là Hibbat Zion
(các người yêu Zion). Nhóm người này được coi là đợt sóng đầu tiên
của các người Do Thái di cư về Palestine và phong trào di cư đã kéo
dài từ năm 1881 tới năm 1903.
Vào năm 1903, đã có vào khoảng 20 làng nông nghiệp mới được thành
lập trên 90,000 mẫu đất (acres) với số dân định cư là 10,000 người.
Tiếng Do Thái Hebrew được dùng và giảng dạy tại các trường học,
người dân Do Thái mới được hướng dẫn về canh tác nông nghiệp, nhưng
các người định cư mới này phần lớn chưa quen với các công việc đồng
áng, họ lại không đủ vốn, tất cả các chương trình định cư đang đi
dần tới chỗ bế tắc thì được sự hỗ trợ của Bá Tước Edmond de
Rothschild.
Nhà Mạnh Thường Quân người Pháp Bá Tước De Rothschild không phải là
một người Do Thái, nhưng ông ta đã bảo trợ công cuộc định cư tại xứ
Palestine vì việc này vừa là một hành động từ thiện, vừa là một công
cuộc đầu tư. Ông De Rothschild đã bỏ tiền mua đất đai của các chủ
đất Ả Rập (effendi), đôi khi cũng phải dùng tới cách hối lộ, và tìm
cách đẩy lớp dân bần cùng (fellahin) địa phương đi chỗ khác, giành
đất cho các người định cư Do Thái. Vào năm 1900, Bá Tước De
Rothschild đã giúp ổn định được một dân số vào khoảng 5,000 người
trên phần đất rộng 68,000 mẫu (acres). Sau đó, phần đất này được
chuyển nhượng cũng vào năm 1900 cho Hiệp Hội Thuộc Địa Do Thái (the
Jewish Colonization Association) đứng đầu bởi Bá Tước Maurice de
Hirsch. Nhà tư bản người nước Bỉ khai thác về đường xe lửa này đã là
một người cộng tác với ông De Rothschild và cũng đã bỏ ra hàng triệu
quan tiền vào các chương trình định cư của người Do Thái. Ngoài ra
còn một nhân vật thứ ba, cũng được Vua Hồi giáo Ottoman cho phép mua
đất đai, đó là Sir Moses Montefiore, một người Anh gốc Do Thái.
Đợt sóng di cư thứ hai bắt đầu vào năm 1904, gồm nhiều người tiền
phong trẻ gốc Nga, tới các phần đất được mua bởi Ngân Quỹ Quốc Gia
Do Thái. Những người di cư này phần lớn có các tư tưởng xã hội với
nhiều người thuộc Đảng Poalei-Zion tức đảng Phục Quốc Xã Hội (Labor
Zionist) được thành lập trong khoảng các năm 1903 và 1906. Trong số
các nhân vật lãnh đạo của nhóm, có David Ben-Gurion và Izhak
Ben-Zvi. Cũng do các tư tưởng xã hội, các nông trường tập thể
Kibbitzim và các làng hợp tác xã Moshavim bắt đầu được thành lập từ
năm 1909.
5/ Việc di cư của người Do Thái.
Vào cuối thế kỷ 19, nước Anh đã quan tâm tới số phận của người Do
Thái tại Palestine cùng ảnh hưởng của nước Anh tại vùng Trung Đông,
đồng thời chính phủ Nga cũng giúp đỡ sắc dân này trong việc di cư
bằng cách cho phép các người Nga và Ba Lan gốc Do Thái di chuyển rẻ
tiền trên các con tầu biển của Nga từ hải cảng Odessa tới Palestine,
nhờ thế số dân Do Thái tại Palestine đã gia tăng. Trong khi đó cũng
có sự chống đối việc di cư từ các người Ả Rập nhưng phần lớn từ nhà
thờ Chính Thống Giáo Hy Lạp (Greek Orthodox) với hai tờ báo địa
phương là tờ al-Karmal (ra đời năm 1908) và tờ Filastin (1911).
Trước khi xẩy ra Thế Chiến Thứ Nhất, cộng đồng Do Thái đã có khoảng
90,000 người chiếm từ 12 tới 14 phần trăm dân số Palestine và riêng
tại thành phố Jerusalem, số dân Do Thái là 45,000 trên tổng số
80,000 dân. Sắc dân Do Thái lúc này là các cộng đồng nhỏ, địa
phương, chia rẽ, rất khó đoàn kết vì sự khác biệt giữa các người
định cư cũ và mới, giữa những người bảo thủ và cải cách, giữa các
người sống đạm bạc xưa nay với những kẻ có trợ giúp từ các nước
ngoài.
Trong trận Thế Chiến Thứ Nhất, đế quốc Ottoman đã tham gia với nước
Đức chống lại các nước Nga, Pháp và Anh. Nước Anh lúc này nhận ra
rằng sẽ có lợi nếu đạt được sự ủng hộ của cả người Ả Rập lẫn người
Do Thái tại miền Trung Đông. Rồi khi trận chiến còn đang diễn tiến,
nước Anh lại trù liệu chia cắt đế quốc Ottoman với các nước Pháp,
Nga và Ý. Việc phân chia ảnh hưởng và quyền lợi tại miền Trung Đông
và đặc biệt tại xứ Palestine, đã gặp nhiều rắc rối do các hiệp ước
và các xác nhận, đáng kể nhất là các thư liên lạc Hussein-McMahon
năm 1915-16, Hiệp Ước Sykes-Picot năm 1916 và Bản Tuyên Bố Balfour.
Công bố vào ngày 2-11-1917 là một bức thư của ông Bộ Trưởng Ngoại
Giao Anh, Arthur J. Balfour, gửi cho Lord Rothschild, người đứng đầu
Tổ Chức Phong Trào Phục Quốc Do Thái Anh. Bản Tuyên Bố xác nhận rằng
chính phủ Anh coi là thuận lợi việc thành lập tại xứ Palestine một
quê hương dành cho người Do Thái, đồng thời lại ấn định không được
kỳ thị các quyền lợi dân sự và tôn giáo của các cộng đồng không Do
Thái tại Palestine.
Bản Tuyên Bố Balfour là kết quả của các vận động từ những nhà lãnh
đạo Phong Trào Phục Quốc Do Thái trong đó phải kể tới ông Chaim
Weizman, một nhà hóa học danh tiếng gốc Do Thái, sinh tại nước Nga
nhưng làm việc tại Đại Học Manchester. Ông Weizman đã tới London để
tìm ra một phương pháp tổng hợp acétone, một hóa chất rất cần thiết
trong việc sản xuất thuốc nổ không khói cordite. Là một nhà phục
quốc Do Thái nhiệt tâm, ông Weizman đã trở nên chủ tịch của Tổ Chức
Phục Quốc Do Thái Thế Giới (the World Zionist Organization) và đã
liên lạc thân thiện được với các nhân vật quan trọng khác như các
ông David Lloyd George, Thủ Tướng Anh năm 1916; Winston Churchill,
Bộ Trưởng Thuộc Địa; C.P. Scott, chủ bút tờ báo Manchester Guardian;
Henry Wickham Steed, chủ bút tờ báo London Time; Mark Sykes, Bộ
Trưởng Chiến Tranh và Đại Tá Richard Meinertzhagen lo phần vụ Trung
Đông.
Vào năm 1922, Hội Quốc Liên đã xác nhận tạm thời ủy quyền cho nước
Anh thi hành các nguyên tắc của Bản Tuyên Bố Balfour. Đối với nước
Anh, vấn đề Palestine chỉ là một trách nhiệm nhỏ. Trong thời gian
Thế Chiến Thứ Nhất, người Anh đã giành được sự ủng hộ của người Ả
Rập chống lại người Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời hứa hẹn rằng nước Anh sẽ bảo
trợ một nước Ả Rập rộng lớn, bao gồm phần lớn báo đảo Ả Rập. Nhưng
khi chiến tranh kết thúc, hai nước Anh và Pháp đã chia nhau miền
Trung Đông và làm ngơ trước các phản đối của người Ả Rập: nước Anh
kiểm soát Ai Cập, Iraq, miền Transjordan ở phía đông dòng sông
Jordan, miền Palestine và các bờ biển phía đông và phía nam của bán
đảo Ả Rập. Nước Pháp chiếm Syria và Lebanon. Các nhà lãnh đạo Ả Rập
do phẫn nộ và do không thể làm gì được hai cường quốc là Anh và
Pháp, nên đã gây ra nhiều vụ quấy phá công cuộc định cư của người Do
Thái tại Palestine.
Đã xẩy ra các cuộc bạo loạn chống Do Thái tại miền đất Palestine do
dân số Do Thái gia tăng và cũng do chính sách về Trung Đông của nước
Anh đối với người Ả Rập. Năm 1920, người Ả Rập đã tấn công Tel Chai
và các khu định cư khác của người Do Thái trong vùng đất Galilée.
Bạo loạn cũng xẩy ra tại Jerusalem, Jaffa, Petach, Tikvah, Hadera
trong khi đó quân đội Anh cố duy trì nền trật tự. Vào năm 1922, sống
giữa 650,000 người Ả Rập tại xứ Palestine là vào khoảng 85,000 người
Do Thái trong đó có cả những người mới di cư đến do sự bảo trợ của
phong trào Phục Quốc.
Sau khi đế quốc Ottoman tan rã, các cơ quan Phục Quốc Do Thái cũng
như Ngân Quỹ Quốc Gia Do Thái đã tìm cách mua đất đai cư ngụ và các
mảnh đất lớn được chuyển thành các hợp tác xã tập thể hay các nông
trường tập thể (moshavim và kibbutzim).
Từ năm 1919 tới năm 1923, đợt sóng thứ ba của người Do Thái di cư
tới Palestine gồm 35,000 người trẻ, phần lớn từ nước Nga và miền
Đông Âu và là những người được huấn luyện về nông nghiệp. Đợt sóng
thứ tư (1924-1928) lại gồm các chủ tiệm thuộc giới trung lưu và các
thợ thủ công bỏ chạy vì kinh tế suy thoái và vì các phong trào chống
Do Thái tại Ba Lan. Các người di cư có trình độ giáo dục cao từ nước
Đức là đợt sóng thứ năm, họ tới đất Palestine với tài sản, với kiến
thức kỹ thuật và xây dựng.
Vào thập niên 1930, các biến cố chính trị tại châu Âu đã ảnh hưởng
tới tình trạng của xứ Palestine. Các chính sách chống Do Thái của
một số chính phủ đã làm gia tăng làn sóng di cư Do Thái từ Ba Lan,
Hungari và Romania. Rồi khi Hitler lên nắm chính quyền, do các đạo
luật chủng tộc Nuremberg và do việc bắt người Do Thái phải đăng ký
và đeo phù hiệu ngôi sao 6 cánh, tất cả đã khiến cho từ năm 1933 tới
năm 1936, vào khoảng 65,000 người Do Thái đã di cư tới xứ Palestine
và dân số của miền đất này lên gần tới 400,000 người hay 30 phần
trăm của tổng số dân.
Các xung đột giữa hai sắc dân Do Thái và Ả Rập vẫn tiếp tục xẩy ra
khiến cho đã có đề nghị phân chia xứ Palestine thành hai khu vực
nhưng đề nghị này đã bị chính quyền Anh bác bỏ. Đầu năm 1939, trước
khi Thế Chiến Thứ Hai xẩy ra, nước Anh vì muốn giành lấy sự ủng hộ
của khối Ả Rập để chống nhau với người Đức, nên đã ra một Bạch Thư,
thay đổi chính sách đối với Palestine và giới hạn số người Do Thái
di cư tới miền này là 75,000 trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên Bạch
Thư 1939 đã bị cả người Ả Rập lẫn người Do Thái bác bỏ. Tới khi Thế
Chiến Thứ Hai diễn ra, các người trong phong trào Phục Quốc Do Thái
đã ủng hộ Đồng Minh chống lại Đức Quốc Xã trong khi một số lãnh tụ Ả
Rập và vị lãnh đạo khối Ả Rập Palestine có ảnh hưởng nhất là ông
Hajj Amin al-Husseini lại về phe với người Đức.
Vào thời gian đầu của cuộc chiến, có tất cả vào khoảng 18.5 triệu
người Do Thái trên toàn thế giới. Tới cuối cuộc chiến, 6 triệu người
Do Thái đã bị giết. Đầu năm 1942, chủ trương tận diệt người Do Thái
là ưu tiên hàng đầu của các hoạt động Đức Quốc Xã. Hitler đã dùng
“giải pháp cuối cùng” để đáp ứng các quan điểm Tân-Darwin theo đó
giống người Aryans có ưu điểm hơn các giống người Do Thái, Slav và
Gypsy và các sắc dân sau này chỉ làm bẩn nền văn minh và văn hóa, vì
thế cần phải tiêu diệt. Hitler lại còn tin tưởng rằng các người Do
Thái đã thuộc về các tổ chức âm mưu, dù là Cộng Sản hay không, khiến
cho nước Đức bị thất trận trong Thế Chiến Thứ Nhất.
Việc tàn sát tập thể người Do Thái của chính quyền Đức Quốc Xã đã đi
từng bước. Trước hết họ định nghĩa về người Do Thái theo chủng tộc.
Đạo luật Nuremberg năm 1935 đã cấm đoán hôn nhân và các liên hệ tình
dục giữa giống dân Aryan và giống dân Do Thái với mục đích nhận diện
và tách riêng các người Do Thái. Sau đó tới các quy luật áp chế
khác, người Do Thái bị bắt buộc phải đăng ký với địa phương và phải
đeo một phù hiệu lớn gồm một ngôi sao vàng 6 cánh tại phía lưng và
phía trước ngực.
Sau biến cố Kristallnacht xẩy ra vào tháng 11 năm 1938, các nhóm
băng đảng Đức Quốc Xã đã tới đập phá nhà ở và đền thờ Do Thái, và
người Do Thái được khuyến khích bỏ lại tài sản, rời khỏi nước Đức.
Nhưng đa số sắc dân này vào thời kỳ đó đã không bỏ chạy bởi vì cho
rằng họ đã hội nhập vào xã hội Đức, họ mong chờ tại nạn rồi cũng qua
đi. Và lại, họ không biết phải đi đâu trong một thời kỳ suy thoái
kinh tế toàn cầu, trong khi các quốc gia tại châu Âu cũng như Hoa
Kỳ, Úc, Nam Phi và các quốc gia Nam Mỹ lại có các luật lệ giới hạn
về di dân.
Tháng 7 năm 1938, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đã triệu tập một
hội nghị quốc tế tại Evian, bên bờ hồ Geneva, để thảo luận về việc
cấp cứu các người tị nạn Do Thái từ nước Đức, nhưng đã gặp thất bại.
Phần lớn các quốc gia chỉ muốn nhận rất ít người Do Thái trong khi
đó các nhà lãnh đạo Phong Trào Phục Quốc lại muốn người Do Thái được
gửi tới xứ Palestine và cũng vào lúc này, chính sách của nước Anh
không muốn làm tăng dân số Do Thái tới Palestine mà đang đi tìm các
địa điểm thay thế khác, chẳng hạn như nước Úc hay xứ Guyana.
Vào năm 1939, dân Do Thái sống tại nước Ba Lan đã bị quân đội Đức
Quốc Xã tập trung lại trong các khu nhà ổ chuột (ghettos) rồi tới
khi quân Đức xâm lăng Liên Xô vào năm 1941, các nhà lãnh đạo Quốc Xã
đã quyết định dùng “giải pháp cuối cùng” (final solution) để giải
quyết vấn đề Do Thái của châu Âu. Đầu tiên, các toán quân SS sát
nhân (Einsatzgruppen) đã gom các người Do Thái lại, bắt họ đào hố
rồi bắn chết tất cả và chôn các nạn nhân trong các nấm mồ tập thể.
Hitler còn giao cho Adolf Eichman các quyền lực không giới hạn để
thanh toán hết các người Do Thái tại nước Đức và tại các nước bị
quân Đức chiếm đóng ở châu Âu. Từ tháng 12 năm 1941, đội quân SS còn
dùng nhiều toa xe lửa bịt kín, nhốt đầy người Do Thái rồi bơm hơi
ngạt vào trong. Ngoài ra trên lãnh thổ Đức còn có các trại tập trung
đặc biệt, các trung tâm tận diệt được tạo nên với mục tiêu giết
người Do Thái hàng loạt, và không thể nào mô tả hết được bản chất
tàn bạo, ghê sợ của các trung tâm sát nhân này của Đức Quốc Xã.
Trước các cuộc tàn sát người Do Thái của Hitler, các nhà Phục Quốc
Do Thái đã cố gắng cấp cứu thật nhiều nạn nhân. Tại các hải cảng của
miền nam châu Âu nào còn mở, chưa bị quân đội Quốc Xã chiếm giữ, các
con tầu cũ kỹ đã được dùng đến để chở lậu người tị nạn tới xứ
Palestine. Nhưng người Anh do lo sợ mất lòng người Ả Rập, đã dùng
các đội tuần duyên ngăn cản các tầu thuyền tị nạn đó, vào lúc ban
đầu phải quay đầu trở về nơi xuất phát rồi về sau, hướng dẫn người
tị nạn đến phần đất tại miền Trung Phi Châu do người Anh kiểm soát.
Sự xung đột giữa quyết định của chính quyền Anh và các cố gắng của
các người Do Thái Phục Quốc đã lên cao điểm khi hai tầu biển chở
người tị nạn bị đánh chìm. Tháng 11 năm 1940, do chở 1,700 dân tị
nạn “bất hợp pháp” bị chính quyền Anh trục xuất đi Mauritius, con
tầu Patria đã bị tổ chức Haganah đặt chất nổ và chìm trong vịnh
Haifa, làm chết oan 100 nhân mạng. Tháng 2 năm 1942, 770 người tị
nạn Do Thái bị chết khi một con tầu khác tên là Shuma bị chìm trong
Hắc Hải (the Black Sea) sau khi bị chính quyền Anh làm áp lực với
Thổ Nhĩ Kỳ không cho tới Palestine. Haganah là tổ chức quân sự bí
mật của Cơ Quan Do Thái (the Jewish Agency).
Vào lúc này, Cơ quan Do Thái, tổ chức Haganah và ông Chaim Weizman
cố gắng lấy lòng chính quyền Anh bằng cách thành lập một đơn vị quân
đội Do Thái, cấp trung đoàn, gồm các người Do Thái trẻ để chiến đấu
chống Đức Quốc Xã bên cạnh quân đội Anh và dưới lá cờ Phục Quốc Do
Thái. Một trong các mục đích của việc làm này là để tổ chức Haganah
có cơ hội luyện tập, thu lượm kinh nghiệm, mua sắm võ khí. Kế hoạch
về một đoàn quân Do Thái được Winston Churchill chấp thuận và trung
đoàn bộ binh Do Thái này được gửi qua nước Ý để chiến đấu vào năm
1944, mặc dù trong nhiều năm qua, đã từng có nhiều người Do Thái
tham gia trong quân đội Anh.
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt vào năm 1945, nước Anh đã tuyên
bố chính sách của họ về vấn đề Palestine vẫn không thay đổi. Trong 6
năm qua, sự hậu thuẫn của khối Ả Rập đã làm lệch đi các chính sách
của nước Anh thì ngày nay, người Anh lại e sợ thế lực Xô Viết lan
tới vùng Trung Đông nhiều dầu mỏ. Tới lúc này, người Do Thái tại
Palestine đành phải đứng lên cầm võ khí, không những để chống lại
các băng nhóm phá hoại của người Ả Rập mà còn để đánh phá những kẻ
mà họ coi là áp chế. Trong hai năm 1946 và 1957, quân đội Anh gồm
100,000 người cùng các căn cứ quân sự đã là mục tiêu quấy phá của
người Do Thái trong khi hai tổ chức khủng bố Do Thái là Irgun Zvai
Leuni và nhóm Stern đã phá hoại các khu vực Ả Rập. Các nhà phục quốc
Do Thái diều hâu như Ben-Gurion và Golda Meir thì lo việc mua lậu võ
khí cũng như đưa dân tị nạn về xứ Palestine đồng thời cổ võ Thế Giới
chống lại các chính sách của người Anh.
Trước các đòi hỏi của người Ả Rập, của người Do Thái và các rối
loạn, Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman là người ủng hộ phong trào
Phục Quốc Do Thái, đã đề nghị chuyển vấn đề xứ Palestine cho Liên
Hiệp Quốc.
6/ Người Do Thái bảo vệ lãnh thổ.
Sau nhiều tuần lễ tranh luận gắt gao, vào ngày 29-11-1947, Đại Hội
Đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ thăm, với 33 phiếu thuận trên 13 phiếu
chống và 10 phiếu vắng mặt, chấp thuận phân chia xứ Palestine thành
hai quốc gia độc lập, một dành cho 1.1 triệu người Ả Rập, phần kia
là của 650,000 người Do Thái. Dù cho miền đất ấn định nhỏ hơn so với
diện tích đề nghị bởi Cơ Quan Do Thái (the Jewish Agency) nhưng
quyết định của Liên Hiệp Quốc đã là bước đầu công nhận một quốc gia
mới, một nơi trú ngụ dành cho các nạn nhân sống sót từ các trại tử
thần của Hitler. Còn đối với người Ả Rập, đây là một xúc phạm lớn,
một việc cắt xén đất đai thuộc chủ quyền của họ từ lâu đời. Tại
thành phố Jerusalem, các toán du kích Ả Rập đã đặt chất nổ nơi chợ
búa, cắt các đường dây liên lạc, bao vây các khu định cư. Vào tháng
12 năm 1947, xứ Palestine đang đứng trước cảnh nội chiến trong khi
lực lượng Anh không tìm cách can thiệp vì họ đang chờ thời hạn rút
lui.
Trước các tấn công phá hoại của người Ả Rập, người Do Thái đã chống
trả với các loại súng trường, họ đã không bị mất một tấc đất nhỏ vì
hai lý do: đoàn kết và biết tổ chức. Các nước Ả Rập bao quanh xứ
Palestine Do Thái tuy lớn hơn, đông người hơn và cùng có một lòng
thù ghét dân Do Thái, nhưng họ đã gặp thất bại vì thiếu một lãnh tụ
cứng rắn và cũng do họ đã đánh giá quá thấp quốc gia Do Thái nhỏ bé
và non trẻ.
Vào mùa xuân năm 1948, tổ chức Haganah đã kiểm soát được tất cả các
thành phố nằm trong phạm vi đề nghị bởi Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả
hải cảng quan trọng Haifa, thành phố gồm toàn người Ả Rập Jaffa,
thành phố Safad gần biên giới Syria và Thành Phố Mới Jerusalem. Khi
những toán quân Do Thái tiến đến, hàng trăm ngàn người Ả Rập đã bỏ
cháy tán loạn bằng mọi phương tiện có được. Những người tị nạn này
đã hoảng sợ khi các nhóm khủng bố Do Thái có tên là Irgun và Stern
đã tàn sát 254 thường dân Ả Rập tại làng Deir Yassin vào ngày
10-4-1948. Vào năm 1949, nửa triệu người Ả Rập hay ba phần tư dân số
ban đầu, đã bỏ xứ Palestine chạy qua các quốc gia láng giềng.
Ngăn chặn người Ả Rập là một mặt, mặt khác đối với người Do Thái tại
Palestine là phải kiếm ra tiền để mua võ khí. Đầu năm 1948, Cơ Quan
Do Thái đã cử bà Golda Meir qua Hoa Kỳ trong một tháng và trong
chuyến đi này, bà Golda Meir đã quyên được 50 triệu mỹ kim từ các
người Mỹ gốc Do Thái. Sau đó võ khí đã mua được của nửa tá các nước
ở châu Âu, gồm súng trường, súng liên thánh, bazookas, máy bay và cả
oanh tạc cơ của Đức Quốc Xã trên đó huy hiệu chữ Vạn được sơn đi và
thay bằng ngôi sao David.
Buổi trưa ngày 14-5-1948, ngay trước khi ông David Ben-Gurion tuyên
bố Độc Lập cho xứ Palestine Do Thái, thì tại hải cảng Haifa cách
thành phố Tel Avis 50 dặm về phía bắc, vị Cao Ủy người Anh cuối cùng
quản trị miền Đất Thánh là Sir Alan Cunningham, đã chào lá cờ Anh
lần cuối cùng rồi bước lên thuyền máy để ra một tuần dương hạm đang
chờ đợi ngoài khơi. Buổi lễ đơn giản này đã chấm dứt quyền cai trị
của người Anh tại xứ Palestine sau 31 năm, khi vào tháng 12 năm
1917, quân đội Anh đã tiến vào thành phố Jerusalem, giành quyền kiểm
soát từ tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng ngay sau Lễ Tuyên Bố Độc Lập của nước Do Thái, các đoàn quân Ả
Rập theo mọi hướng, đang tiến vào miền Đất Thánh. Tại phía nam, hai
đoàn quân Ai Cập, mỗi đoàn gồm 5,000 lính chiến, chia làm hai hướng
tấn công Tel Avis và Jerusalem. Tại phía đông, đoàn quân Ả Rập
Transjordan gồm 10,000 quân sẵn sàng vượt qua sông Jordan để chiếm
miền trung tâm Palestine, vây Thành Phố Mới Jerusalem, còn từ mạn
bắc là các đạo quân của Lebanon, Syria và Iraq sắp càn quét xứ
Galilée, phá tan hải cảng Haifa để hướng về Tel Avis. Như vậy trong
một tuần lễ, quốc gia non trẻ Do Thái sẽ bị dẹp tan trong một tàn
sát kiểu "Mông Cổ". Các nhà lãnh đạo Ả Rập vào lúc này gồm cả Vua Ai
Cập Farouk và Vua Abdullah của xứ Transjordan đã an tâm trước 21,500
quân đang dàn trên các trận tuyến, trong khi quân đội Do Thái chỉ có
10,000 súng trường, mỗi khẩu chỉ được trang bị 50 viên đạn, 3,600
súng máy và 4 đội pháo binh cổ lỗ.
Đêm hôm 14 rạng ngày 15 tháng 5, đoàn quân Ai Cập vượt qua biên giới
vào sa mạc Negev, tiến đánh một khu định cư Do Thái nhỏ có tên là
Nirim. Tại nơi này, hỏa lực chống cự chỉ có 17 súng trường, 1 tiểu
liên và 4 súng máy. Quân đội Ai Cập đã bắn đạn pháo binh, dùng xe
bọc sắt tấn công sát hàng rào kẽm gai nhưng bên trong, các người
định cư Do Thái chỉ khai hỏa khi thấy địch quân đã nằm trong tầm
đạn. Sau nhiều lần tấn công không thành, đoàn quân Ai Cập đành bỏ
qua làng Nirim, để tiến về thành phố Tel Avis và Jerusalem.
Cách chống cự tại Nirim đã là kiểu mẫu cho các mặt trận ở cả phía
nam lẫn phía bắc vì sự gan dạ của dân quân Do Thái đã làm cho các sĩ
quan nhút nhát người Ai Cập không thể chiến thắng. Hơn nữa, đoàn
quân này cũng như các đoàn quân Ả Rập khác đã thiếu tinh thần chiến
đấu vì các nhà lãnh đạo của họ đã bỏ túi các món tiền dùng để mua võ
khí, quân trang và thực phẩm cho quân đội.
Tại mặt trận Jerusalem, đoàn quân thiện chiến Transjordan đã tiến
tới Thành Phố Mới vào ngày 19-5 và chiếm Thành Phố Cổ ngày 28-5.
100,000 người Do Thái sống trong thành phố Jerusalem mới đang bị bao
vây và đang đứng trước cảnh hết thực phẩm. Nhưng sáng ngày
11-6-1948, các đoàn quân xa Do Thái đã lập được các đường lộ mới,
tiến vào thành phố, Jerusalem được giải tỏa.
Cuộc chiến tại xứ Palestine đã gây ra các tranh luận tại Hội Đồng
Liên Hiệp Quốc và sau khi Jerusalem thoát hiểm, các nước Ả Rập đều
đồng ý về đề nghị ngưng bắn một tháng của Bá Tước Folke Bernadotte,
người Thụy Điển, trong khi đó các võ khí mới đã được nhập cảng vào
xứ Do Thái và các đạo quân Do Thái mới cũng được thành lập từ những
người tị nạn mới bước lên bờ.
Sau cuộc ngưng chiến vào ngày 8-7-1948, các đội quân Ả Rập đã thấy
rằng họ đang đứng trước kẻ thù mỗi ngày một cải tiến. Lực lượng quân
sự Do Thái đã đánh thắng các đạo quân của Syria, Lebanon và Iraq,
rồi tại phía nam quân Ai Cập cũng đã bỏ chạy.
Nước Do Thái đã sống còn sau Ngày Tuyên Bố Độc Lập, nhưng giá phải
trả cho Lễ Độc Lập này là 6,000 người Do Thái hay một phần trăm dân
số đã bị thiệt mạng. Số tử vong của phía Ả Rập còn cao hơn nhiều.
Nền Độc Lập của Quốc Gia Do Thái còn bị đe dọa cho tới khi quân đội
Do Thái đánh thắng ba trận chiến lớn sau này. Các người Do Thái
không quê hương kể từ năm 1948, đã trở về sống trên mảnh đất mà tổ
tiên của họ đã phải rời đi sau nhiều thế kỷ.
|
|