Nhân đọc lại vài tác phẩm của Zola

Vietsciences- Bùi Trọng Liễu       23/06/2007
 

Những bài cùng tác giả

 Emile Zola

Tấm gương Do Thái

Tôi chú ý đến Emile Zola (1840-1902), không phải là qua việc học sách vở nhà trường, nhưng thiện cảm nẩy nở là do những điều tôi được biết về sự quan tâm của ông đến sự đời, đến xã hội. Tóm tắt tiểu sử của ông. Tuy sinh ở Paris,  ông là người gốc Ý. Đời học sinh của ông thì chẳng có gì là đặc sắc : thi tú tài không đỗ, bỏ học đi làm cho nhà xuất bản Hachette và nhập quốc tịch Pháp vào năm 22 tuổi, bắt đầu viết văn năm 24 tuổi. Năm 26 tuổi bỏ nhà xuất bản để viết báo (thời luận). Năm 1877, nổi tiếng về tác phẩm L’Assommoir ; năm 1885, víết tác phẩm Germinal. Đó là 2 tác phẩm mà, theo tôi, đáng chú ý (tôi sẽ trở lại chi tiết dưới đây). Năm 1894, xảy ra vụ án Dreyfus (bị kết tội oan) ; 1898, ông Zola viết một bức thư ngỏ gửi cho tổng thống Pháp Félix Faure, bức thư mang tên « J’accuse » (nghĩa là « tôi tố cáo »), đăng trên báo L’Aurore để bênh vực người bị oan (tôi sẽ trở lại chi tiết dưới đây). Vì thái độ này, ông bị Bộ Chiến tranh (Ministère de la Guerre) kiện, và bị kết án một năm tù và phạt tiền, ông phải trốn sang London ở ẩn. Khi đuợc phá án, ông trở về Pháp và tiếp tục viết văn. Ngày 29/9/1902, ông chết ngạt một cách bí ẩn trong đêm ngủ (tai nạn, hay bị ám sát ?). Rất đông dân chúng dự đám tang đưa ông đến tận nghiã trang Montmartre. Năm 1908, tro của ông được đưa vào táng ở Panthéon, đền/lăng của nhng danh nhân nước Pháp. (Panthéon khởi thủy là một nhà thờ lớn ở Paris khởi công xây năm 1758, mãi đến năm 1789 mới tạm xong. Sau Cách Mạng, chính quyền cộng hòa quyết định, năm 1791, biến nhà thờ này thành nơi táng di hài « những vĩ nhân của thời đại tự do ». Danh nhân chôn trong đó gồm một số nhà văn hào, nhà bác học, danh tướng, nhà chính trị, nhà thám hiểm,… Trên mặt tiền của đền này, có ghi câu « Aux Grands Hommes, la Patrie reconnaissante », dịch thoát nghĩa là « Tổ quốc ghi ơn các vĩ nhân »).       

Câu chuyện vụ án Dreyfus là như thế này. Năm 1894, phát hiện ra một vụ gián điệp : một số tài liệu quân sự, đặc biệt là về pháo binh, bị bán cho sứ quán Đức ở Paris. Đại úy Alfred Dreyfus, một sĩ quan pháo binh, gốc Do Thái, bị quy tội, mặc dù không có bằng chứng xác đáng cụ thể. Trong một bối cảnh mà sự kỳ thị chống người gốc Do Thái ở Pháp tồn tại lúc đó, và mặc dù Dreyfus kêu oan, tòa án binh họp ngày 4/12/1894 xử bị cáo tù chung thân và đày ra đảo Ile du Diable, ở xứ thuộc địa Guyane. Nhưng người anh/em ruột của Dreyfus không nản lòng ; với sự giúp đỡ của một nhà văn tên là B. Lazare, ông này quậy khắp nơi để minh oan cho Dreyfus. Dư luận thuở ấy chia ra làm hai : những người «dreyfusards » (thuận Dreyfus) – đại để là những người thuộc phải tả và những người gần với hội nhân quyền – và những người « anti-dreyfusards » – trong đó có phái cực hữu và những người kỳ thị bài người gốc Do Thái. Về phía quân đội và chính quyền, họ cố tình bưng bít để không nhận là đã có sự sai lầm. Năm 1896, tình cờ trong đám sĩ quan phụ trách điều tra, thiếu tá Picquart phát hiện ra chứng cớ là người có tội là một sĩ quan khác, thiếu tá Esterhazy. Tuy vậy phía quân đội và chính quyền vẫn « ngoan cố » : tuy buộc lòng phải đem Esterhazy ra xử (11/1/1898), nhưng viên này được trắng án. Tệ hơn nữa, thiếu tá Picquart bị bắt giam, rồi bị đổi đi xa. Ngày 13/1/1898, nhà văn Zola đăng một bức thư ngỏ gửi tổng thống Pháp, đăng trên báo L’Aurore, dưới đầu đề « J’accuse » (« Tôi tố cáo »), phơi bày vấn đề ra trước dư luận. Nhưng chính quyền phản ứng, và kiện ông Zola là vu cáo : tòa xử phạt kết án Zola một năm tù và một số tiền phạt nặng, ông phải trốn sang London ở ẩn, như đã kể trên. Ngày 13/8/1898, một người sĩ quan phát hiện ra việc trung tá Henry (trước là thiếu tá có trách nhiệm điều tra về Dreyfus) đã làm một số tài liệu giả để làm nặng hồ sơ kết án Dreyfus trước đó. Bị bắt, viên này thú nhận sự việc, và tự cắt cổ tại nơi giam. Nhờ sự kiện mới này, mà vụ án Dreyfus được đem ra xử lại. Lúc ấy ông Zola mới trở lại được Pháp. Nhưng một lần nữa, mặc dù chứng cớ hiển nhiên, tòa án binh lần này vẫn khăng khăng là Dreyfus có tội, tuy có tình tiết giảm khinh, và xử ông ta 10 năm khổ sai. Sự quá đáng này gây ra phẫn nộ ở Pháp, và cả ở nước ngoài, có nơi báo chí và dư luận lên tiếng bài Pháp. Chính quyền tìm một giải pháp xoa dịu bằng cách « ân xá » Dreyfus năm 1899. Khi mọi chuyện đã êm trong lãng quên, năm 1906, Dreyfus được phục hồi hoàn toàn, lại còn được gắn huân chương « Bắc đẩu bội tinh » (Légion d’honneur)! Lúc đó, ông Zola đã mất từ 4 năm trước rồi. Đã đành rằng việc Dreyfus được minh oan là nhờ sự cố gắng của nhiều người, trong đó có gia đình ông ta, của nhiều đoàn thể, nhà chính trị, báo chí, vv. nhưng bước ngoặt có ý nghĩa nhất vẫn được coi là bức thư « Tôi tố cáo » của ông Zola đăng trên báo năm 1898, khuấy động dư luận, làm cho sự việc không thể bưng bít được như trước nữa.

[Ở đây, tôi không muốn luận dài dòng về sự kỳ thị – theo tôi bất cứ loại kỳ thị nào, chủng tộc, màu da, tôn giáo, giai cấp, giới tính, cũng đều xấu cả – tôi chỉ muốn nói thêm về sự cần thiết phân biệt giữa mấy từ và khái niệm « bài Do-thái ». Theo tôi biết thì tiếng Pháp có mấy từ antisémitisme, anti-sionisme, anti-israélisme, anti-judaïsme,  mấy từ này khác nhau mà hình như một số người Việt Nam không phân biệt và dịch chung là « bài Do-thái ». Nếu tôi hiểu không lầm thì tiếng Pháp, từ « sémite » là để chỉ những tộc ở Cận Đông nay hoặc xưa, sử dụng ngôn ngữ sémites, như tiếng hébreu (ngôn ngữ chính thức ngày nay của nước Do-thái), tiếng A-rập, tiếng Accadien, Araméen, Phénicien, vv. Vậy nếu dùng từ « antisémitisme », thì có lẽ phải hiểu theo nghĩa là sự kỳ thị chủng tộc, như chế độ Đức quốc xã ; thêm vào đó, đặc biệt là khi người dùng từ  này là người A-rập hay đứng về phía A-rập để chống người Do-thái, thì trở thành kỳ khôi. Về từ thứ hai, « anti-sionisme », có thể hiểu như sự chống việc thành lập và tồn tại của một nước Do-thái tại vùng Palestine (Sion là tên một quả đồi ở Jérusalem, thường được đánh đồng với chính Jérusalem). Năm 1948, nước Do-thái được thành lập ở vùng này và mang tên là Israel ; đó là một quốc gia, một số công dân của nước này không theo đạo Do-thái, một số công dân cũng không có huyết thống Do-thái (thí dụ như những công dân gốc A-rập nhưng có quốc tịch Do-thái). Về từ thứ ba, « anti-israélisme », có thể hiểu là chống đường lối, chính sách của nước Do-thái hiện nay. Về từ thứ tư, « anti-judaïsme », thì phải chăng phải hiểu theo nghĩa chống những người theo đạo Do-thái, như những người theo đạo Ki-tô trước đây lên án người Do-thái trách nhiệm về cái chết của chúa Ki-tô ? Nhà xã hội học Pháp Edgar Morin có bài viết trong báo Le Monde 19/2/2004 về một số từ đề cập trên đây. Tôi không « với tới » được những tài liệu tiếng Việt ở Việt Nam về vấn đề này, nên không biết sử dụng tiếng Việt Nam như thế nào cho phù hợp. Có ý đề nghị dịch (theo thứ tự) là  « bài Do », « chống Sion »,  « chống Israel », « chống đạo Do-thái » ; chính xác hơn, nhưng không biết những người Việt Nam khác,  vốn hay « chín bỏ làm mười », có chấp nhận không. Khó quá !].

                    Bây giờ tôi xin nói tới hai tác phẩm L’Assommoir và Germinal của Zola. Thật ra, hai tác phẩm này nằm trong một chuỗi hai chục tiểu thuyết của tác giả (tên chung là Les Rougon Macquart, tiếng Pháp gọi là roman cycle, ta gọi là tiểu thuyết chu kỳ) gồm : La fortune des Rougon, La curée, Le ventre de Paris, La conquête de Plassans, La faute de l’abbé Mouret, Son Excellence Eugène Rougon, L’assommoir, Une page d’amour, Nana, Pot-Bouille, Au Bonheur des Dames, La joie de vivre, Germinal, L’œuvre, La terre, Le rêve, La bête humaine, L’argent,  La débâcle, Le docteur Pascal.

« L’Assommoir » (nghĩa là « quán rượu hạng bét ») là cuốn tiểu thuyết tả thảm cảnh của một cô gái tỉnh nhỏ tên là Gervaise theo tình nhân Lantier, thợ làm mũ, lên sống ở Paris. Cặp này đã có ba con, nhưng Lantier là kẻ lười biếng và không thủy chung, bỏ cô này để cặp kè với tình nhân khác. Gervaise phải làm thợ giặt thuê để kiếm sống, nuôi con ; và gặp Coupeau, một thợ lợp mái nhà, đôi bên làm lễ cưới, rồi đẻ được một con gái. Cặp này tần tảo làm ăn, dành dụm. Mộng ước của Gervaise là có được một hiệu giặt của riêng mình. Nhưng chẳng may, người chồng bị nạn, ngã từ nóc nhà xuống gẫy chân, mất việc. Tưởng đã tuyệt vọng, song Gervaise cũng cố gắng vay mượn để mua được một hiệu giặt, có lúc tưởng như cuộc sống sáng sủa hơn. Nhưng nguời chồng nay tàn tật, trở nên lười biếng, rượu chè be bét ở quán rượu « L’Assommoir », rồi phát điên ; người tình nhân cũ lại tìm trở về ; Gervaise vay nợ thì không trả nổi, phải bán hiệu ; con cái thì bỏ đi ; dần dần Gervaise tuyệt vọng, cũng đâm ra rượu chè, làm điếm để nuôi miệng, bị tất cả mọi người bỏ rơi, sống những ngày tàn trong xó chân một cầu thang… Tóm lại, cuốn tiểu thuyết nói lên cảnh bần cùng sa đọa của những người nghèo khổ cuối thế kỉ 19. Tiểu thuyết này được René Clément dựng thành phim năm 1956 dưới đầu đề « Gervaise », với các diễn viên Maria Schell trong vai Gervaise và François Perrier trong vai Coupeau, gây rung cảm cho khán giả.

« Germinal » là cuốn tiểu thuyết mà khung cảnh là một cuộc đấu tranh của công nhân hầm mỏ ở một địa phương phía Bắc nước Pháp. Nhân vật chính là Etienne Lantier, con trai của Gervaise, lang thang từ miền Nam lên miền Bắc nước Pháp tìm việc làm. « May mắn » gặp dịp một người thợ mỏ bị chết, anh ta đuợc tuyển mộ vào làm việc ở mỏ than. Etienne dừng chân nơi đây, một phần cũng vì cảm thấy quyến luyến với Catherine, con gái của người công nhân già Maheu. Anh ta chăm chỉ học việc nhanh chóng, và chỉ trong vòng vài tháng đã trở thành thợ đánh rạch (haveur). Trong một khung cảnh xã hội với sự đói khổ triền miên, Etienne trở thành người cầm đầu cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho công nhân lao động. Một cuộc đình công xảy ra, và kéo dài ; thợ thuyền cùng quẫn, không còn gì để ăn, phẫn nộ phá phách. Chủ mỏ nhờ chính quyền mang quân đội đến dẹp. Những người đình công bị xa thải, và Etienne phải trốn sâu trong hầm mỏ để khỏi bị bắt. Nhưng gia đình, vợ con thợ mỏ, ngăn cản không để cho việc khai thác được tiếp tục, cho đến lúc binh lính nổ súng bắn chết một số người. Cuộc đình công thất bại, thợ mỏ buộc lòng phải đi làm trở lại. Nước ngập lụt hầm mỏ, một số thợ mắc kẹt trong hầm, trong số đó có Etienne và Catherine. Mấy ngày sau, khi ê-kíp cấp cứu tới nơi, thì chỉ còn Etienne sống sót... Cuốn tiểu thuyết này nói lên sự đấu tranh giai cấp, giữa tư bản và lao động. Zola viết như lột được tình trạng thực tế, nhờ ở kinh nghiệm làm báo và sự hiểu biết của ông về xã hội thuở đó. Tiểu thuyết này được Claude Berri dựng thành phim năm 1993, với các diễn viên Renaud, G. Depardieu, Miou-Miou, Laurent Terzieff, vv. được coi là thành công.

               Zola làm tôi liên tưởng đến sự hiểu biết của một số người ở những « nước đến sau » – tôi muốn nói những nước đang kỹ nghệ hóa hay muốn kỹ nghệ hóa, chậm với tư bản phương Tây – họ tuởng như « thời gian đã ngưng lại » và tư bản phương Tây cuối thế kỉ thứ 20, đầu thế kỉ 21 vẫn còn như ở thế kỉ thứ 19 ! Đâu có phải vậy. Những cuộc đấu tranh đổ máu, cũng đã làm cho xã hội biến chuyển rất nhiều ở phương Tây. Những công đoàn được chính người lao động tổ chức, làm môi giới để bảo vệ quyền lợi của người lao động, chứ công đoàn không được lập ra, dưới một danh nghĩa lạm dụng nào đó, để bảo vệ giới chủ doanh nghiệp hay ai khác. Những đạo luật về lao động, bảo trợ người làm công, đã làm cho xã hội tiến một bước dài trên con đường hướng tới công bằng, dân chủ. Thí dụ như sự biến chuyển về số giờ lao động, kể từ 150 năm tới nay ở Pháp (nguồn : hồ sơ của báo « L’Humanité » của đảng Cộng sản Pháp) : số giờ làm việc của người lao động toàn thời gian (salariés à temps plein) thuở xưa là hơn 3000 giờ/năm, nay là 1700 giờ/năm. Vài mốc thời gian :

1841 : Số giờ lao động của trẻ em dưới 12 tuổi qui định là không quá 8 giờ/ngày.

1848 : Số giờ lao động là 84 giờ/tuần (3025 giờ/ năm) ; tối đa 12 giờ/ngày cho công nhân các xưởng công nghiệp – (« tuần » ở đây dùng theo nghĩa hiện nay nghĩa là 7 ngày, không phải là « tuần »  của ta thuở xa xưa, dùng theo nghĩa 10 ngày).

1900 : Số giờ lao động là 70 giờ/tuần ; tối đa 10 giờ/ngày trong công nghiệp.

1906 : Số giờ lao động là 60 giờ/tuần, và mỗi tuần được một ngày nghỉ.

1919 :  Số giờ lao động là 8 giờ/ngày, nghĩa là 48 giờ/tuần, và 6 ngày trên 7 mỗi tuần.

1936 : Theo đạo Luật 20/6, mỗi năm người lao động được hưởng 2 tuần nghỉ vẫn hưởng lương (congés payés), và số giờ lao động là 40 giờ/tuần.

1956 : Theo đạo Luật 27/3, mỗi năm người lao động được hưởng 3 tuần nghỉ vẫn hưởng lương.

1962 trong các xưởng xe hơi Renault , 1965 ở một số xí nghiệp, và 2/5/1962 : mỗi năm người lao động được hưởng 4 tuần nghỉ vẫn hưởng lương.

1982 :  Theo Luật, mỗi năm người lao động được hưởng 5 tuần nghỉ vẫn hưởng lương ; số giờ lao động là 39  giờ/tuần.

1998 : Theo Luật 14/5, số giờ lao động là 35 giờ/tuần.

               Ở đây, tôi không luận việc số giờ lao động quá ít có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển và cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa, và đến sức mua (pouvoir d’achat) của người lao động. Tôi chỉ nói rằng ở mấy nước Tây Âu, tư bản không còn là hoang dã như ở thế kỉ 19, điều mà – trớ trêu – lại thấy xuất hiện ở vài nơi mà thể chế đang mệnh danh là « tiến bộ ».

    Tôi muốn nói thêm vài lời về từ « Germinal », đầu đề của tác phẩm của Zola. Khởi thủy, nó là tên tháng thứ 7 trong « lịch cộng hòa » thời cách mạng Pháp, nó xấp xỉ trùng với khoảng thời gian từ 21/3 đến 19/4 của lịch grégorien, và được « định nghĩa » là tháng của « sự nảy mầm và phát triển của nhựa sống » (dịch thoát nghĩa của tháng « de la fermentation et du développement de la sève de mars en avril ») theo bản báo cáo của nhà thơ Philippe Fabre d'Églantine, nhân danh « Ban làm lịch» ( Commission chargée de la confection du calendrier ) ngày 24/10/1793 tại « Hội nghị quốc ước » (Convention nationale). Tôi có đọc đâu đó hình như Zola chọn tên tiểu thuyết này vì cái định nghĩa nói trên, và nhựa sống đây là sự đấu tranh đòi hỏi cho giới lao động quyền sống trong một xã hội sáng sủa, công bằng … (?).

Về « lịch cộng hòa » Pháp  này, nó được sử dụng trong 13 năm, từ 1793 đến 1/1/1806 thì bỏ. Ngày đầu năm là ngày « thu phân » (équinoxe d’automne) – kể ngược lên tới 22/9/1792 thì coi là ngày đầu của năm thứ nhất của nền Cộng hòa Pháp, mỗi năm chia làm 12 tháng, mỗi tháng chia làm 3 « tuần », mỗi tuần gồm 10 ngày, nghĩa mỗi tháng gồm là 30 ngày ; như vậy một năm gồm 360 ngày, bổ sung thêm bởi 5 hay 6 ngày, gọi là ngày lễ cộng hòa. Các tháng mang tên như sau : 3 tháng mùa thu là vendémiaire (xuất phát từ tiếng La-tinh vindemia nghĩa là gặt hái), brumaire (xuất phát từ tiếng Pháp brume, nghĩa là sương mù), frimaire (xuất phát từ tiếng Pháp frimas, nghĩa là sương mù dày đặc và đông lạnh khi rơi xuống) ; 3 tháng mùa đông là nivôse (xuất phát từ tiếng La-tinh nivosus, nghĩa là có tuyết), pluviôse (xuất phát từ tiếng La-tinh pluviosus, nghĩa là nhiều mưa), ventôse (xuất phát từ tiếng La-tinh ventosus, nghĩa là nhiều gió); 3 tháng mùa xuân là germinal (xuất phát từ tiếng La-tinh germen, nghĩa là mầm), floréal (xuất phát từ tiếng Pháp, nở hoa), prairial (xuất phát từ tiếng Pháp, đồng cỏ) ; 3 tháng mùa hè là messidor (xuất phát từ tiếng La-tinh messis, gặt hái, và tiếng Hy-lạp dôron, của được hưởng), thermidor (xuất phát từ tiếng Hy-lạp thermos, nóng), fructidor (xuất phát từ tiếng La-tinh fructus, quả, và tiếng Hy-lạp dôron, của được hưởng).  Mười ngày trong « tuần »  mang tên là primidi, duodi, tridi, quartidi, quintidi, sextidi, septidi, octidi, nonidi, décadi, đại khái nghĩa là ngày thứ nhất, ngày thứ hai, …, ngày thứ bảy, ngày thứ tám, ngày thứ chín, ngày thứ mười.

Có sách viết rằng Cách mạng Pháp lập lịch cộng hòa như trên (và ép phải dùng, đe ai trái lệnh thì đưa lên máy chém) để bỏ lịch grégorien dùng trong thời quân chủ, nhằm xóa bỏ tất cả dấu vết của giáo hội Thiên Chúa giáo, là quốc giáo thời còn vua.  Lịch grégorien đầy dãy những ngày lễ thánh ; lịch cộng hòa cho thay bằng mấy ngày lễ cộng hòa (5 hay 6 ngày), bổ sung cho đủ năm. Mấy ngày lễ cộng hòa này còn được gọi là « sans-culottides », bởi vì thời cách mạng phân biệt giới quí phái mặc quần bó sang trọng (culotte) và giới bình dân không có culotte (sans-culotte) phải mặc quần thường – (thời tôi còn nhỏ xíu, nghe mấy người lớn hơn học sử Pháp, tôi nhầm tưởng đó là những nguời nghèo đến nỗi không có quần, phải cởi truồng như Chử Đồng Tử nhà ta trước khi gặp công chúa Tiên Dung !).

Nhắc lại là lịch grégorien vốn là lịch julien (lịch mà Julius Caesar phổ biến năm 46 trước Công nguyên, vì vậy mới mang tên « julien ») được giáo hoàng Gregorius XIII ra lịnh sửa năm 1582 (vì vậy mới mang tên « grégorien »). Sửa như vậy để năm « lịch » phù hợp hơn với với nhịp quay của trái đất so với mặt trời 1 năm là 365,2422 ngày.

Nói chi tiết hơn một chút : Năm 532, theo nhng tính toán của Denys le Petit, một tu sĩ ở La-mã, giáo hội Công giáo tính năm kể từ năm sinh của Chúa Ki-tô. Tu sĩ này cho rằng năm sinh của Chúa Ki-tô là năm 753 sau khi La-mã được thành lập ; (nhưng ngày nay có thuyết cho rằng ông ta nhầm mất 5 năm). Tuy vậy cách đề năm này cũng phải đợi nhiều thế kỉ mới được các nước theo đạo Công giáo chấp nhận. Thí dụ như vào thế kỉ thứ IX, thi hoàng đế Charlemagne, người ta còn đề năm theo năm lên ngôi của vua, đại khái theo kiểu Tàu, kiểu ta thuở xưa. Đến cuối thời Trung cổ, một số nhà thiên văn nhận xét rằng sự chênh lệch giữa mỗi « năm lịch julien » và « năm mặt trời » là 11 phút 14 giây. (Có thuyết cho rằng kỳ thật ra, nhà thiên văn Hy-lạp Hipparque, thế kỉ thứ II trước Công nguyên, đã biết « năm mặt trời » lâu bao nhiêu, trước khi Caesar định lịch Julien). Đến thế kỉ 16 thì tổng cộng sự chênh lệch giữa « lịch julien » và « lịch mặt trời » lên đến 10 ngày, cho nên năm 1582, giáo hoàng Gregorius XIII cho sửa lại cho hợp (và do đó được gọi là lịch Grégorien) : Trước hết là quyết định rằng sau ngày thứ năm mồng 4 tháng 10 năm 1582 là ngày thứ sáu 15 tháng 10 năm 1582 (nghĩa là nhảy cóc 10 ngày). Thứ nhì là bỏ đi một số năm nhuận (năm đầu của 3 thế kỉ trên 4 thế kỉ, chỉ có 365 ngày ; vì thế nên những năm 1700, 1800, 1900 không có ngày 29 tháng 2, nhưng năm 2000 thì lại có). Với sự hiệu chỉnh như vậy, ngày nay sự chênh lệch giữa « lịch Grégorien » và nhịp quay của trái đất chỉ khoảng là 1 ngày sau 3 nghìn năm. Thoạt đầu chỉ có hai nước Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha là áp dụng ngay lịch Grégorien ; nước Pháp thì 2 tháng sau ; nước Anh theo năm 1752 ; Nhật và Trung Quốc năm 1911, Nga năm 1918, Hy-lạp năm 1923, vv. Ngày nay hầu hết các nước, có lẽ trừ các nước Hồi giáo, đều theo lịch này. Nhưng vì các nước không áp dụng lịch này cùng một lúc, cho nên cần thận trọng việc « đọc » thời điểm các sự kiện lịch sử. Thí dụ cuộc « Cách mạng tháng Mười » của Nga, lúc đó đang dùng lịch julien, xảy ra vào tháng 11. Hoặc có người lưu ý rằng hai nhà văn hào Cervantes (Miguel de Cervantes Saavedra, người Tây-ban-nha, tác giả của Don Quijote de la Mancha, ...) Shakespeare (William Shakespeare, người Anh, tác giả của « Othello », « Macbeth », « Romeo và Juliet », ...) cùng được ghi chết ngày 23 tháng 4 năm 1616, nhưng hóa ra lại chết cách nhau 11 ngày.

               Napoléon Bonaparte, thu trước là tướng, rồi Consul (có người dịch là « Tổng tài », có người dịch là « Chấp chính » như thời La-mã) thời cộng hòa, sau khi lên ngôi và trở thành hoàng đế Napoléon I, bỏ lịch cộng hòa năm 1806, và lập lại lịch grégorien. Lịch cộng hòa còn được « hồi sinh » trong thời gian ngắn ngủi thời Công xã Paris (La Commune de Paris : từ 6 đến 23/5/1871).

               Nói thêm là hai tác giả của lịch cộng hòa, nhà toán học Gilbert Romme (1750-1795) và nhà thơ Philippe Fabre, tức Fabre d’Eglantine (1750-1794) đều bị lên máy chém dưới thời cộng hòa, không phải vì « lịch cộng hòa », mà vì lý do khác. Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới đều dùng lịch grégorien, mặc dù không phải là nước theo Thiên Chúa giáo, cũng thản nhiên như một số người Việt Nam ăn lễ Giáng sinh mà cũng chẳng cần biết ngày đó (trên nguyên tắc) là sinh nhật của ai.

Đã đăng trên Diễn Đàn 20/06/2007

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Bùi Trọng Liễu