Làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam?

Vietsciences- Trần Văn Khê    09/02/2007

 

Những bài cùng tác giả

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Âm nhạc dân tộc Việt Nam đang bị đẩy vào bóng tối để nhừơng chỗ cho các loại nhạc trẻ hiện đại mang âm hưởng Tây phương. Vì sao dòng nhạc truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và chất chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc, nay lại bị rơi vào quên lãng? Và làm cách nào khơi dậy nền âm nhạc dân tộc Việt Nam trong lòng thế hệ trẻ?

Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu trong loạt bài phỏng vấn với giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, một chuyên gia có rất nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc truyền thống Việt Nam. Ông cũng là thành viên danh dự của Hội đồng Âm nhạc Quốc tế thuộc UNESCO.
Buổi nói chuyện hôm nay sẽ bàn về những giá trị độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Trước tiên, giáo sư Trần Văn Khê cho biết đánh giá của mình về nền âm nhạc cổ truyền:

GS Trần Văn Khê: Âm nhạc dân tộc Việt Nam đối với tôi có một giá trị thật lớn về chủ quan và khách quan. Bởi vì âm nhạc Việt Nam có những cá tính mà có thể không tìm ra đưọc ở những nền âm nhạc khác.

Mặc dù ở trong Á Châu, cạnh các nước Đông Á và Đông Nam Á, nhưng âm nhạc dân tộc Việt Nam không thể bị lầm lẫn với âm nhạc của Trung Quốc hay của Triều Tiên, Nhật Bản, hay Thái Lan, mà nó có 1 cá tính. Vì thế đối với tôi âm nhạc dân tộc Việt Nam có giá trị về khoa học-nghệ thuật rất cao....

Trà Mi: Những nét cá tính mà giáo sư vừa đề cập là gì thưa giáo sư?

GS Trần Văn Khê: Thứ nhất là những nhạc cụ nhạc khí dùng tuy phần lớn là từ bên Trung Quốc mang sang, nhưng đã từ 6-7 trăm năm nay đã được thích nghi theo thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam. Cho nên đã biến thành nhạc cụ nhạc khí Việt Nam với các thủ pháp riêng biệt của Việt Nam.......

Trà Mi: Thưa, xin phép hỏi giáo sư âm nhạc dân tộc Việt Nam mình có những nhạc cụ nào được coi là độc đáo, đặc biệt đối với thế giới, và vì sao được đánh giá là đặc biệt. Xin giáo sư giới thiệu thêm.

GS Trần Văn Khê: Nước Việt Nam có rất nhiều nhạc cụ đặc biệt mà trên thế giới không bao giờ có được, điển hình như Trống Đồng....

Ngoài ra có những cái đàn rất độc đáo như đàn bầu, mà đặc biệt nhất có lẽ là cây đàn đáy chuyên phụ hoạ cho ca trù...

Những nét đặc biệt của âm nhạc dân tộc không chỉ trong nhạc cụ, nhạc khí mà còn cả trong những thủ pháp dùng để đánh những nhạc khí đó....

Trà Mi: Vâng, thưa giáo sư nói rõ hơn về những nét đặc biệt trong thủ pháp như thế nào?

GS Trần Văn Khê: Chẳng hạn cách đánh phách của ca trù là trên thế giới không bao giờ có ai có : một tiếng cao tiếng thấp, tiếng trong tiếng đục, tiếng tròn tiếng dẹp, tiếng dương tiếng âm.....

Trà Mi: Bàn về thang âm điệu thức thì âm nhạc Việt Nam có những bản sắc gì riêng biệt thưa giáo sư?

GS Trần Văn Khê: Những chữ nhạc không phải tĩnh và đóng như phương Tây, mà nó động mà mở.....

Tôi cho đó là ưu điểm trong tiếng nhạc của Việt Nam nghĩa là tiếng nhạc nó biến chuyển, nó hạp với nguyên tắc về triết học tức nguyên tắc dịch lý....

Trà Mi: Rất cảm ơn giáo sư đã cho biết những kiến thức khái quát về âm nhạc dân tộc và những nét đặc sắc trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Tình hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc trong nứơc hiện nay

Trà Mi: Thưa giáo sư, giáo sư có nhận xét gì về tình hình sinh hoạt âm nhạc dân tộc Việt Nam hiện nay tại quê nhà?

Giáo sư Trần Văn Khê: Âm nhạc Việt Nam truyền thống bây giờ đang bị trạng thái nguy hiểm, vì tất cả những chuyện toàn cầu hoá và mở rộng kinh tế thị trường đã tạo điều kiện cho các loại nhạc bên ngoài ồ ạt du nhập vào trong nứơc. Những loại nhạc này có cái mới, cái lạ, cái tiết tấu, cái sức sống thu hút được giới trẻ. Thành ra, giới trẻ bây giờ chỉ mở rộng tay mà đón các loại nhạc đó mà quên nhạc Việt Nam, mà nhạc Việt Nam đã trải qua nhiều khó khăn.

Tôi đã có viết một bài về căn bệnh mãn tính của âm nhạc dân tộc Việt Nam, bởi tôi thấy rất lo ngại vì âm nhạc dân tộc Việt Nam một mặt được chính quyền để ý, khuyên giải cho nó trở lại về nguồn, muốn làm sao cho âm nhạc tiên tiến mà có được bản sắc dân tộc. Thế nhưng, đường lối đưa ra thì rất đúng mà áp dụng đường lối thì chưa thật đúng.

Cho nên, chúng ta gặp một nguy cơ mà không riêng gì nứơc Việt Nam mà các nứơc chậm tiến về mặt kinh tế thừơng bị những luồng nhạc Tây Âu xâm nhập, với những phương tiện truyền thông mãnh liệt, làm cho giới trẻ hướng về điệu nhạc phương Tây mà quên cả âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Trà Mi: Vâng, nhưng âm nhạc dân tộc Việt Nam vốn được đánh giá là có giá trị nghệ thuật rất cao. Thế thì tại sao lại dễ dàng bị quên lãng như vậy thưa giáo sư?

Giáo sư Trần Văn Khê: Không phải dễ dàng bị quên lãng mà âm nhạc Việt Nam đã trải qua bao nhiêu khó khăn. Từ lúc bị thuộc địa thì đương nhiên bị văn hoá của dân tộc thống trị đẩy lùi văn hoá Việt Nam vào trong bóng tối.

Dân tộc Việt Nam đã bị mấy chục năm chiến tranh, trong lúc chiến tranh không thể nào nói chuyện tới âm nhạc, thành ra bị quên lãng. Có một cuộc thay đổi về nếp sống thì cái nếp sống ấy đã đẩy lùi âm nhạc dân tộc lần lần đi vào trong bóng tối.

Cho nên, đã có một giai đoạn rất dài, rất lâu, người thanh niên không được tiếp cận với âm nhạc dân tộc, và âm nhạc truyền thống không được người ta giảng dạy, không được người ta giải thích, không được người ta nói rõ ra nó hay ở chỗ nào. Thành ra có khi có cái hay mà không biết cái hay. Thừơng người ta ở trong rừng không bao giờ thấy rừng đẹp.

Có lẽ chúng tôi là người đã đi ra xa cái rừng, rồi thấy cái rừng ấy đẹp, và chúng tôi may mắn có dịp nghiên cứu, phân tích ra mới thấy trong đó có những cái hay, mà chưa có dịp nói hết cho những người thanh niên Việt Nam nghe để họ luôn có tự tin vào cái tiềm tàng của dân tộc Việt Nam.

Điều đó là điều đáng tiếc. Tại hoàn cảnh về lịch sử đưa ra tới hoàn cảnh về tâm lý, tức là ngừơi bị trị luôn coi người thống trị là trên hết, thấy những cái hào nhoáng bên ngoài mà quên cái thâm thuý bên tron . Chẳng hạn như thấy cây đàn piano mấy chục dây thì hoan nghênh nó mà quên rằng cái đàn bầu 1 dây nhưng nói được biết bao nhiêu chuyện đến nỗi nhà thơ Văn Tiến Lê còn nói rằng "Một dây nũng nịu đủ lời, nửa bầu chứa cả một trời âm thanh".

Như vậy mà không thương nó, không coi nó là trọng mà coi là tầm thường ,quên rằng nó có 1 tính chất nghệ thuật rất cao. Thì tại mình không hiểu nó mà mình không thương nó, chứ không phải nó không có đủ sức kháng cự, giống như ngừơi bệnh mà không được miễn dịch.

Tiếng hát ru cũng đã tắt trên môi các bà mẹ rồi.
Thứ nhì mất tiếng đồng dao của trẻ em.
Thứ ba là làm việc đồng áng không còn câu hò điệu lý, không còn đối ca nam nữ... mà thanh niên gặp nhau muốn ôm nhau nhảy theo điệu tango và bu-lê-rô, đi nghe thì không nghe hát chèo, hát bội, hay hát cải lương mà muốn đi coi nhạc trẻ, nghe nhạc kích động.

Cái nếp sống bây giờ thay đổi. Do hoàn cảnh bên ngoài xã hội và kinh tế: người nào đi học nhạc dân tộc thì không được trả thù lao hậu, mà nhạc mới thì trả thù lao hậu. Thành ra, điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế, điều kiện tâm lý đã khiến âm nhạc truyền thống Việt Nam bị quên lãng. Thanh niên không được hiểu biết tới nên mới hướng về cả bên phương Tây.

Đề xuất nhằm khơi dậy và cứu vãn nền âm nhạc truyền thống

 

Trà Mi: Trong buổi nói chuyện lần trứơc, giáo sư có nói đến chiều hứơng mai một của nền âm nhạc dân tộc trong nứơc. Trứơc thực trạng đau lòng này, từ cái nhìn của một nhà chuyên môn, giáo sư có đề xuất gì nhằm khơi dậy và cứu vãn nền âm nhạc truyền thống đang ngày một vắng bóng, thưa giáo sư?

Gs Trần Văn Khê: Đó là căn bệnh mãn tính mà nguyên nhân rất nhiều. Trong bài viết "Căn bệnh mãn tính của âm nhạc dân tộc Việt Nam", chúng tôi có đề nghị nhiều phương pháp. Mỗi phương pháp là một phương thuốc để trị. Các phương thuốc này cần phải được áp dụng đồng bộ: phải làm sao dẫn dắt cho dân tộc Việt Nam biết được giá trị của bản sắc dân tộc mình như thế nào, giải làm sao cho mất được cái tự ti, mặc cảm. Và cần phải có sự quan tâm không phải của dân tộc không, mà cả chính quyền cũng phải ủng hộ âm nhạc dân tộc.

Đồng thời, mỗi người trong xã hội phải nhận thấy rằng đó là của cải quý báu của cha ông, mà mất đi rồi thì ngàn vàng không mua lại được, thì sẽ thiết tha tham gia vào việc tìm lại, đưa âm nhạc dân tộc vào trong trí nhớ, vào trong sự hiểu biết, nhận thức và thưởng thức của những ngừơi trẻ. Có như vậy, thì hoạ chăng trong vài chục năm nữa, mới có thể bắt đầu được thấy chân trời âm nhạc dân tộc Việt Nam sáng lạng hơn bây giờ.

Trà Mi: Một trong những phương pháp phổ biến kiến thức rộng rãi nhất là đưa vào trường học. Giáo sư nghĩ sao về việc đưa giảng dạy âm nhạc dân tộc vào học đường ? Điều này có khả thi không, thưa giáo sư?

Gs Trần Văn Khê: Chuyện đó tôi đã thí nghiệm rồi. Từ tháng 5-6 năm ngoái, tôi đã thể nghiệm chương trình do UNESCO đề xướng và ủng hộ về mặt tinh thần và một ít về mặt tài chính. Tôi đã lập ra 1 lớp tập huấn để chứng minh cho các thầy - cô giáo thấy.

Tôi đã dạy trẻ em từ 8-12 tuổi. Tôi đã đưa ra những phương pháp và nguyên tắc rất mới. Chẳng hạn như nguyên tắc đầu tiên là "học mà chơi, chơi mà học". Không phải dạy bằng cách tập cho con mắt trẻ đọc tín hiệu ghi âm, mà tập cho chúng nghe chính xác, và ghi nhớ, rồi sau đó mới đi tới tín hiệu . Đó là điều tôi làm ngựơc lại.

Thứ nhì, theo truyền thống là dạy nét nhạc trứơc khi dạy tiết tấu, nhưng tôi dạy tiết tấu trứơc , bởi vì tiết tấu , nhịp điệu đi liền với con người. Từ lúc còn là bào thai, 2 tháng trẻ đã nghe tiếng tim mẹ nhảy, 7 tháng nghe tiếng tim mình nhảy. Khi ra đời, tiếng võng kẽo kẹt của bà mẹ, hay ngày và đêm v..v.. tất cả đều là tiết tấu, thì phải dạy tiết tấu trứơc. Các em sau khi học tiết tấu, nắm được tiết tấu rồi, từ đó đi tới những nét nhạc rất dễ dàng. Chuyện đó tôi đã thể nghiệm tại trừong tiểu học Trần Hưng Đạo, TPHCM.

Kết quả rất tốt. Hiện UNESCO đang xem xét kết quả đó. Tôi đã làm 1 báo cáo bằng tiếng Pháp, và bài báo cáo bằng tiếng Việt sẽ được dịch sang tiếng Anh và Tây Ban Nha để gửi đi các nơi. Có lẽ trong vòng tháng 5-6, ở Lisbone sẽ có 1 hội nghị với chủ đề đem âm nhạc dân tộc vào trong cấp tiểu học, bởi "dạy con dạy thuở còn thơ", chứ không phải đợi lớn mới dạy.

Đem âm nhạc dân tộc vào trường học là một trong những phương pháp rất hữu hiệu, giúp âm nhạc truyền thống trở lại vị trí của nó.

Trà Mi: Những thể nghiệm do giáo sư đề nghị có được phía nhà nứơc Việt Nam ủng hộ và họ có phương hướng áp dụng không ạ?

Gs Trần Văn Khê: Trừơng Cao đẳng văn hoá - nghệ thuật TPHCM, sở Văn hoá thông tin Thành phố, cũng như Sở giáo dục-đào tạo đều hoan nghênh. Thế nhưng đưa ra đề xuất đó không phải một ngày một bữa mà được, mà nó đòi hỏi rất nhiều công phu. Và phải có can đảm xoá bỏ những gì hư hỏng, nhưng muốn thay đổi 1 việc gì không phải là đơn giản.

Tôi là người đã gieo hạt giống. Hạt giống đó, nếu gặp được mãnh đất phì nhiêu, có người chăm sóc, vun tưới, thì sẽ nở ra hoa tươi trái ngọt; nhưng nếu mãnh đất cằn cỗi, không ai chăm bón thì hạt giống sẽ chết. Khi đó, lỗi không phải tại tôi không đi gieo giống, không đề xứơng ra, mà tại cái điều kiện bên ngoài nó chưa thuận tiện.

Tôi tin rằng nó sẽ thuận tiện. Tôi chưa có dịp nói cho nhiều người nghe, chứ khi tôi nói, kể cả cấp lãnh đạo cũng đều thấy là có lý lắm. Nhưng từ chỗ thấy có lý đến chỗ làm thế nào để áp dụng vào thực tế thì đụng phải không biết bao nhiêu là sợi dây chằng chịt, đụng cái óc bảo thủ, đụng chuyện mà người ta sợ đổi mới... thì điều đó cũng phải hiểu là không phải một ngày một buổi mà được.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn giáo sư về thời gian dành cho cuộc trao đổi hôm nay!

 

 

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  NTrần Văn Khê