Không cần sáng tạo, chỉ cần làm theo

Vietsciences- Hồng Lê Thọ                     20/09/2009

 

Những bài cùng tác giả

Mao Trạch Đông: “Trí thức là cục phân”

Viện nghiên cứu tư nhân IDS (Nghiên cứu phát triển) đã tuyên bố tự giải thể ngày 14/9/2009, trước một ngày Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg(kí ngày 24/7/2009) có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/9/2009) là điều không làm ngạc nhiên đối với những ai theo dõi động thái “khép kín” nầy bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh giữa năm 2008(1).

Nhóm gồm 16 vị trí thức(2) nầy cho biết đã đi đến quyết định trên để phản đối việc hạn chế hoạt động nghiên cứu và phản biện của trí thức trước những chính sách, biện pháp…của chính phủ, rằng một tổ chức nghiên cứu chỉ được hoạt động theo những hạng mục mà nhà nước qui định, không được phép nghiên cứu những gì mà luật pháp không cấm là vi phạm hiến pháp đồng thời cho rằng các Viện như IDS chỉ được công bố kết quả hay ý kiến cho cơ quan nhà nước liên quan, hạn chế đưa ra công luận để bàn bạc là hoàn toàn sai trái, “bó tay các nhà khoa học, những người nghiên cứu độc lập, hạn chế sự đóng góp của họ vào việc xây dựng chính sách đổi mới và phát triển đất nước” và là “trái với đường lối của Đảng và vi phạm pháp luật của Nhà nước”(3).

 

Box Quyết định số 97

Điều 2. Trách nhiệm của cá nhân thành lập tổ chức khoa học và công nghệ:

1. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.

2. Chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này.

 

xem Quyết định 97/2009/QĐ-TTg 24/07/2009 và Nghị quyết số 27 - NQ/T.Ư          09/10/2008 về Vấn Đề Trí Thức ở Vietsciences.free.fr

Với Quyết định nầy , mặc dù đối tượng là “cá nhân tổ chức nghiên cứu khoa học…” nhưng vô hình trung nhà nước đã khóa tay và bóp miệng những ai làm công tác nghiên cứu học thuật, đưa chủ trương với một hàm ý là trí thức chỉ nên “làm theo” hay theo đơn đặt hàng từ những nơi công quyền, trở thành “một loại công cụ của người cầm quyền”(TS Vũ Quang Việt)(4) không hơn kém. Đúng sai thế nào thì đã có nhiều ý kiến được đưa ra trong mấy ngày gần đây, vấn đề người viết lo ngại là hoạt động nghiên cứu, học thuật ở các cơ quan, đại học(công cũng như tư) ở nước ta vốn đã èo uột lại càng teo tóp hơn, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm, ít nhiều đụng chạm đến chính sách vĩ mô hay đường lối của người đương quyền,.

Không ai có thể phủ nhận rằng một trong hai chức năng của  giáo dục trên Đại Học là đào tạo ra các nhà khoa học và nghiên cứu học thuật. Dù là nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng cũng phải được tự chủ độc lập mới có thể đạt được trình độ “quốc tế” mà chúng ta hằng mong mỏi nhưng với cơ chế “cài then khóa chốt”, nhất là lĩnh vực nghiên cứu những ngành khoa học xã hội hoặc nhân văn, như hiện nay thì liệu cái tiêu chí mà bộ GDDT mới đưa ra gần đây là vào năm 2020-2025 sẽ có 5 Đại học có trình độ lọt vào cửa 400 đại học hàng đầu trên thế giới(xem lộ trình— 5) tại cuộc hội thảo “xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế tại VN – Cơ hội và thách thức” (do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức) vào ngày 12/9 tại Đà Nẵng có đạt được hay không, có phải là một chỉ tiêu “thành tích” hay là cái cớ để xin tiền hoặc chấp thuận để đi vay nợ được chính phủ đảm bảo (6).Trong khi đó, cái gọi là “trình độ quốc tế” của Đại học là gì thì hình như các quan chức ngành giáo dục chỉ hiểu loáng thoáng, thông qua số bài báo đăng trên tạp chí học thuật quốc tế (trước mắt là một bài với luận văn tiến sĩ ) hay sao ? Cách suy nghĩ nầy vô tình thừa nhận sự nghèo nàn của hoạt động nghiên cứu học thuật ở đại học nước ta nói riêng và của các Viện, Trung tâm nghiên cứu trên cả nước nói chung , biểu lộ nhận thức yếu kém về cuộc chạy đua vào ‘trình độ quốc tế”, chỉ “theo ngọn bỏ gốc” như nhiều người từng phê phán (7). Hơn thế nữa, việc công nhận bằng cấp cao ở đại học vẫn còn là vấn đề phải được mổ xẻ, trình độ nghiên cứu có tương xứng với học vị hay là một sự ban phát, chạy theo thành tích ảo huyền (8) mà việc “nâng”(có người còn gọi là “lên đời”) người có học vị Phó tiến sĩ thành Tiến Sĩ là thí dụ cụ thể, điều buồn cười nhưng lại được các nhà trí thức khát khao “học vị” thỏa mãn ! Con số nầy là 8,000 người chứ ít ỏi gì và điều đáng nói hơn là trên 70% người có học vị Tiến sĩ hiện nay là quan chức nhà nước chứ không phải là nhà nghiên cứu như nội hàm của học vị nầy (9). Phần 30% còn lại là làm công tác giảng dạy năm nầy qua năm nọ để từ học hàm “trơn” dần dà thâm niên đạt chức danh PGS và GS, chứ số người trong 30% còn lại nầy tiếp tục nghiên cứu học thuật, chuyên môn của mình là bao nhiêu nữa thì e rằng…sẽ thấp vô cùng vì nhiều lý do khác nhau, cho nên không có gì phải ngạc nhiên hay thất vọng khi đọc báo cáo của Vallely và Wilkinson về giáo dục đại học Việt Nam (Harvard)(10). Một cách đánh giá bi quan hơn, trái với các phát biểu của Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân (11), cho rằng "Thời gian biểu hiện thực hơn cho mục tiêu có trường ĐH top 200 của Việt Nam có lẽ sẽ là 2060 hoặc muộn hơn". GS.TS Simon Marginson (Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH ĐH Melbourne, Australia) cho biết như trên khi trao đổi với VietNamNet bên lề hội thảo "Xếp hạng các trường ĐH: xu thế toàn cầu và các quan điểm" tổ chức ngày 13/11/2008. Có thể nói một bên là “giấc mơ hoa” còn phía phản biện là nhìn từ ‘thực tế phủ phàng”.

 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị tại Đà Nẳng(12/9/2009)

 

Đã như thế mà chính phủ lại tung ra quyết định 97 để ngăn ngừa và hạn chế sự “phản biện” của trí thức thì cho đến bao giờ nền giáo dục và trình độ nghiên cứu về học thuật của nước nhà mới có thể sánh vai với được bầu bạn trên thế giới. Dù là cơ quan học thuật, viện nghiên cứu công hay tư, đều phải dược bình đẳng về mặt chính sách đối xử, kể cả việc hổ trợ về tài chính để khuyến khích, cần được tự do phát biểu hoạt động học thuật để nâng cao trình độ và giao lưu trong nước cũng như quốc tế. Nếu qui chụp kiểu địch ta, diễn tiến hòa bình, phá hoại lật đổ..vv…thì liệu có bao nhiêu người dám xông vào lửa, chịu răn đe trong hoạt động chuyên môn (trừ việc nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên hay công nghệ). Thí dụ gần đây nhất là khi vấn đề chủ quyền biển đảo trở nên nóng bỏng trên công luận trong cũng như ngoài nước thì phía chúng ta đã có được bao nhiêu bài báo về vấn đề nầy trên diễn đàn ? Nhà nghiên cứu về Trung quốc, biển đảo, công pháp quốc tế, lịch sử…đi đâu mất hết. Lui tới cũng chỉ vài vị, trong đó chủ yếu là cựu quan chức trong Ban Biên giới của Bộ ngoại giao được cho phép lên tiếng. Chủ quyền hai quần đảo Hoàng sa-Trường Sa vốn là một vấn đề tế nhị,  lại bị quan hệ Việt-trung nhạy cảm phủ lên vì vậy mấy ai bỏ thì giờ (và tiền bạc, vì chính phủ không khuyến khích, cảnh giác hơn là hổ trợ…) để làm một việc có thể mang vạ vào thân.

Tương  tự như vậy, vấn đề nghiên cứu lịch sử hiện đại của nước nhà, từ nhà Nguyễn đến ngày nay phần lớn đều là những trước tác của nhà nghiên cứu Việt nam Học ở nước ngoài, còn lực lượng nghiên cứu ở trong nước ư ? Cứ nhìn vào báo cáo (kỷ yếu) của Hội nghị Việt nam học lần thứ 3 vừa được tổ chức vào ngày 2-5/12/2008 tại Hà Nội  với 700 trang tóm tắt thì sẽ thấy những chuyên đề của người nước ngoài cập nhật và nổi bật với nhiều phát hiện thông thoáng hơn. Điều nầy cho thấy ngay trên lĩnh vực ở sân nhà là lịch sử của dân tộc, nhà nghiên cứu trong nước lại bắt buộc phải sao chép, trích dẫn từ nguồn tư liệu, bài viết của học giả nước ngoài mà lẽ ra phải ngược lại ! Đó là lúc chưa có nghị quyết 97 mà đã vậy, đến khi nghị quyết nầy lan tỏa đến các viện nghiên cứu,  chương trình nghiên cứu học thuật vốn đã bị hạn chế nhiều mặt của đại học công và tư…thì hệ lụy sẽ còn đến đâu ? Có lẽ lúc ấy, các nhà nghiên cứu nên ngoan ngoãn “làm theo” may ra còn có cơ hội thăng tiến chứ “chủ động sáng tạo” thì chỉ có mệt, đối phó suốt ngày với cơ chế bao trùm nầy .

Hơn thế nữa, ngày 14/9/2009 Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ra một chỉ thị xác định vai trò của cơ quan thông tấn nhà nước  với “nhiệm vụ quan trọng của Thông tấn xã Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới…Thông tấn xã Việt Nam phải tiếp tục phấn đấu nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện tốt chức năng của cơ quan thông tấn Nhà nước, phát huy vai trò chủ lực trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần định hướng dư luận xã hội về các vấn đề trong nước và quốc tế theo quan điểm của Đảng và Nhà nước, phấn đấu trở thành một hãng thông tấn có uy tín trong khu vực và quốc tế, phù hợp với sự phát triển chung của báo chí thế giới…là công cụ sắc bén trên mặt trận đấu tranh thông tin, chỉnh hướng những thông tin sai lệch, phản bác luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước”, “được phép ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc về các vấn đề thời sự, những thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, cải chính những thông tin sai lệch với những quan điểm chính thống của Ðảng và Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam để triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”(12). Như vậy có thể hiểu là vấn đề  thông tin phải lấy từ một nguồn chính thống—TTXVN—để đảm bảo tính chiến đấu thì các nhà nghiên cứu của chúng ta phải vất vả , lục lọi các con số thống kê để “phản biện” hay “góp ý” còn có giá trị gì không ? có nguy cơ bị kết tội là có “dấu hiệu làm lộ bí mật quốc gia” hay phát tán “luận điệu xuyên tạc, sai trái…”. Với các gọng kìm vừa hạn chế hoạt động tri thức vừa khép chặt quyền thông tin và được thông tin của người dân, thêm vào đấy là những nguy cơ , bóp méo rình rập thì bao nhiều nhuệ khí, ước mong đóng góp chất xám để xây dựng xã hội…sẽ tiêu tan, xếp xó.

Nhìn vào những cảnh bắt bớ rộn rịp các blogger trong những ngày gần đây, đọc lá thư “Thay cho lời kết” của Blogger Mẹ Nấm( nhà báo Như Quỳnh)(13) chúng ta thông cảm sự khó khăn, trăn trở của lớp thành niên trong nước ngày nay, khi những hành động của họ được hiểu (hay phê phán) là nông nổi, sai lầm. Một sự bơ vơ và tâm trạng cô độc của trí thức tưởng như chưa bao giờ lại trở về, ‘thân phận” lạc loài nầy sẽ còn kéo dài đến bao lâu, kiếp tằm không được nhả tơ thì có sống được không ?

 

 

               

15 năm tới, em bé này (hiện đang học ở trường mầm non song ngữ theo chương trình quốc tế ở Hà Nội) có lựa chọn trường ĐH của Việt Nam để theo học? Ảnh: Lê Anh Dũng


GS Simon Marginson (Australia) kết luận ” đổi mới từ gốc đến ngọn văn hoá quản lý chất lượng, đặc biệt là sự tự do học thuật. Người ta sẽ không thể sáng tạo được nếu chính sách rập khuôn”(14) là điều cần được suy ngẫm đối với các vị lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách khoa giáo ở nước ta.


Hồng Lê Thọ

9/2009
 ========================================================
 

Chú thích:

(1)Tháng 12 năm 2007, có một trung tâm nghiên cứu ra mắt trước Trung tâm IDS này, đó là trung tâm nghiên cứu trong SaigonTimes. Trung tâm này có 44 trí thức ‘gộc’ trong và ngoài nước; thế mà vài tháng sau thì trong nước bắt phải giải tán nhưng mà lúc đó thì trung tâm đó chưa được phép trở thành trung tâm nghiên cứu thật sự nên bắt buộc phải giải tán; mặc dù trung tâm đó được ông Võ Văn Kiệt và rất nhiều người khác ủng hộ. Đây không phải là lần đầu nhưng vì ông Nguyễn Quang A ‘cứng đầu’ nên vài năm sau họ mới dẹp được nhóm này(Phát biểu của GS Ngô Vĩnh Long). 

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reaction-from-overseas-intellectuals-about-vietnam-

(2)

1. Hoàng Tuỵ, Chủ tịch Hội đồng Viện IDS
2. Nguyễn Quang A, Viện trưởng
3. Phạm Chi Lan, Viện phó
4. Lê Đăng Doanh
5. Chu Hảo
6. Phạm Duy Hiển
7. Vũ Quốc Huy
8. Tương Lai
9. Phan Huy Lê
10. Nguyên Ngọc
11. Trần Đức Nguyên
12. Trần Việt Phương
13. Nguyễn Trung
14. Phan Đình Diệu
15. Vũ Kim Hạnh
16. Huỳnh Sơn Phước

(3)Tuyên bố của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS

http://www.diendan.org/viet-nam/tuyen-bo-ids-giai-the/

(4) Vũ Quang Việt”Quyết định 97 và ý đồ biến giới trí thức thành công cụ của người cầm quyền”

http://www.diendan.org/viet-nam/quyet-111inh-97/

(5)Dự kiến lộ trình xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN

Giai đoạn 2009 – 2020:

- Xây dựng 5 trường ĐH quốc tế với sự tham gia của 5 quốc gia và 100 ĐH thành viên

- Xây dựng 20 trường ĐH mạnh, đạt trình độ trung bình so với quốc tế(20 trường này là ĐH nghiên cứu)

- 180 trường ĐH còn lại yếu so với quốc tế; 250 trường cao đẳng trung bình và yếu so với quốc tế

Sau năm 2025:

5 trường ĐH đạt đẳng cấp quốc tế (có thứ hạng từ 200 – 400 thế giới)

20 trường ĐH mạnh và khá so với quốc tế

200 trường ĐH khác trung bình so với quốc tế

300 trường cao đẳng trung bình so với quốc tế

(Theo báo cáo chính thức của Bộ GD-ĐT tại hội thảo)

(6) Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế (ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ với vốn vay khoảng 400 triệu USD từ ADB và WB). Thông tin từ hội thảo cho hay, đây là chi phí trong giai đoạn đầu tiên. Giai đoạn tiếp theo sẽ phải đầu tư nhiều hơn nữa, có thể lên tới 500 triệu đến 1 tỷ USD cho mỗi đại học

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/09/805433/

(7)Ngành giáo dục chăm ngọn, bỏ gốc?  

    http://www.vneconomy.vn/2008111307597132P0C11/nganh-giao-duc-cham-ngon-bo-goc.htm

                                                                              Gõ mã CK cần thêm vào danh sách

(8)Việt Nam cần đào tạo 100.000 tiến sĩ?

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/01/824036/

(9)Văn Như Cương “Lại nói về luận văn tiến sĩ”

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=65&News=1549&CategoryID=6

Theo kế hoạch của Bộ giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới chúng ta phải có 2 vạn Tiến sĩ mới! Hóa ra là chúng ta đang thiếu nhiều Tiến sĩ, chứ không phải như có người nói là chúng ta đang có quá nhiều Tiến sĩ... Tuy nhiên cũng có nhiều người băn khoăn về con số 2 vạn. Để đạt được con số đó có lẽ cần phát động phong trào “người người làm Tiến sĩ, trường trường làm Tiến sĩ, ta nhất định tiến, địch nhất định qụy...”!... Trong báo cáo của HĐ Chức danh Giáo sư có đưa ra một con số đáng ngạc nhiên: 70% luận văn Tiến sĩ là của các nhà quản lí, 30% còn lại là của các nhà nghiên cứu khoa học

(10) http://www.hks.harvard.edu/innovations/asia/Documents/HigherEducationOverview112008.pdf

bản dịch của Hồng Lĩnh ở đây

 http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/09/nguyen-nhan-khung-hoang-giao-duc-bac-ai.html

(11)Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chính phủ VN chọn phương án: các trường ĐH xuất sắc tham gia xây dựng một trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở VN phải đến từ một quốc gia có trình độ cao về khoa học công nghệ, kinh tế và giáo dục ĐH.Với cách này, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, VN có thể triển khai xây dựng đồng thời một vài trường ĐH đẳng cấp quốc tế trong khoảng 15-20 năm.

trong ”2025, Việt Nam sẽ có 5 trường ĐH đẳng cấp quốc tế” vietnamnet.vn/giaoduc/2009/09/868263/

(12)http://www.vietnamplus.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=17182

(13)http://www.diendan.org/thay-tren-mang/thay-cho-loi-ket/

(14) ĐH trong top 200 thế giới: Nhiệm vụ bất khả thi

GS.TS Simon Margion tập trung nghiên cứu chính sách của chính phủ và nền kinh tế tri thức, giáo dục ĐH và toàn cầu hóa. Luận án tiến sĩ "các thị trường trong giáo dục ĐH" năm 1996 được ĐH Melbourne và Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục Australia đánh giá là luận án tiến sĩ tốt nhất trong năm. Ông đã viết 6 cuốn sách về giáo dục, trong đó cuốn "Doanh nghiệp ĐH" viết cùng Mark Considine giành giải thưởng xuất bản của Hiệp hội nghiên cứu giáo dục Hoa Kỳ 2001.

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2008/11/813501/

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ