"... Chúng ta từ một nước trong
chiến tranh, chưa có những cái kinh nghiệm trong quản lý, và ở nước
người ta đó thì muốn tiêu cực, muốn tham nhũng cũng khó, vì hệ thống
luật pháp nó chặt chẽ. Còn ở Việt nam của mình, thì có khi không
muốn tham cũng động lòng tham, cái người thủ quĩ cứ giữ tiền khư
khư, ở quĩ lúc nào cũng có số dư, cho nên lúc bí quá thì em mượn một
chút, mượn không thấy ai đòi hết… thì em mượn thêm. Chứ không phải
người Việt nam tham nhũng nhứt thế giới, không phải vậy! Cho nên tui
đề nghị quí vị ở nước ngoài khi nghe những thông tin này, rồi nhìn
về Việt nam cũng đừng có hốt hoảng, cứ nghĩ rằng trong nước mình
tiêu cực quá... Mấy hồi sao hồi xưa mấy ổng đánh giặc sao giỏi thế?
Mà bây giờ ổng tiêu cực thế...đây là quy luật muôn đời…
Phát biểu của Chủ Tịch Nguyễn
Minh Triết tại hội nghị VK ngày 21/11/2009 tại Hà Nội
Xem
Video
Ở Nhật Bản, tháng 12 được gọi là “tháng chạp”, vào tháng cuối năm ai
nấy thường phải “chạy” tất tả ngược xuôi (Shiwasu--師走) để thanh lý
những việc còn tồn đọng, nhất là những khoản nợ nần dây dưa…trước
khi đón năm mới với nhiều hi vọng, cầu trời sang năm sẽ làm ăn sẽ
khấm khá hơn. Vì vậy, các sân ga tàu điện, siêu thị, chợ trời… nhộn
nhịp, quầy hàng bán sold xuất hiện khắp nơi, đua nhau đưa hàng tồn
kho tháo khoán bằng những đợt khuyến mãi “đại hạ giá” liên tục.
Chiêu thức “chạy” nầy hiện rõ trong hoạt động thương mãi, lợi dụng
lễ tết gần kề để thu hồi vốn, phải dứt nợ với nhà cung cấp, ngân
hàng… trước khi khóa sổ.
Nhưng ở nước ta thì “chạy” hàm một ý nghĩa rộng hơn , sâu hơn mang
tính tập thể, kéo dài từ năm nầy qua tháng khác…có khi suốt cả đời,
lúc nào cũng phải vắt chân ngang cổ “chạy đôn chạy đáo” tứ tung.
Nầy nhé, lúc nằm trong bụng mẹ đã phải nghe người trong gia đình
“chạy” bệnh viện, tìm bác sĩ mát tay đỡ đẻ, tiếp đến khi vừa oa oa
cất tiếng chào đời thì bà mẹ phải “chạy” giường, lo cho y tá để có
tấm drap sạch sẽ cho con thơ, không phải nằm chung với ai
(1)….Bước
chân vào nhà trẻ sau khi bố mẹ “chạy” được nơi tươm tất thì bắt đầu
một quá trình “chạy” mới, nào là tiền ăn, tiền ngủ, tiền nước…và cả
tiền lót tay để cô bảo mẫu chăm sóc con mình kỹ hơn. Quá trình
“chạy” từ đây tập trung vào nhà trường, đối với thầy cô…phải biết
điều, “học thêm” các lớp bồi dưỡng của giáo viên chủ nhiệm để khỏi
bị thầy cô “đì”, chuẩn bị cho năm tới và ngày nhà giáo 20 tháng 11
chớ quên lo “quà cáp” biếu xén cho hiệu trưởng để khi chuyển lớp
được chọn ưu tiên
(2). Cứ
thế, “chạy” trường, “chạy” lớp ,”chạy” thầy diễn ra suốt mười hai
năm cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ khi sinh ra cho
đến khi trưởng thành, các em học sinh xứ Việt phải trải qua không
biết bao lần hồi hộp vì phải “chạy”. Lên đại học hay cao đẳng lại
bắt đầu một cuộc thử sức mới, “chạy” điểm, “chạy” bằng và khi lên
học vị cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ thì phải “chạy” giáo sư hướng
dẫn đề tài, cho đến ngày “chạy” giáo sư phản biện luận án tốt
nghiệp…Tất tất đều phải thông qua thủ tục “đầu tiên”(Tiền đâu), một
tệ nạn đã trở thành thông lệ không văn tự nhưng phải nắm vững. Chưa
hết, ra trường thì tiếp tục “chạy” việc, có khi phải tốn hàng chục
nghìn đô la nếu là nơi béo bở như Tiếp Viên hàng không, cơ quan
thuế, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, du lịch…nghĩa là những nơi
nào lương bổng khấm khá thì kim ngạch “chạy” việc lại càng cao, tệ
như nhân viên bán hàng cho cơ sở thương mại quốc doanh, siêu thị nhà
nước thì ít nhất cũng phải trà nước chục triệu là chuyện nhỏ. Ở
Thành phố HCM, bác sĩ mới ra trường cũng phải “chạy” để được ở bệnh
viện nội thành phục vụ không ăn lương trong ba năm là ít nhất trước
khi trở thành bác sĩ được làm việc thực thụ
(3),
chưa kể “quà cáp” (bằng tiền, rượu tây là chủ yếu) biếu xén đều đều
mua lòng cấp trên.
Chức càng cao trong bộ máy thì phải có đủ “đồ nghề” cần thiết như
bằng nầy, cấp nọ, phải là “con ông nầy, cháu ông kia”, là đảng viên
hay đoàn viên hay không chưa đủ mà còn phải được một quan to giới
thiệu, nếu không thì “bao bì”…một khoản hậu hĩ để “cảm ơn” người bố
trí hay “chạy” giúp mới được nhận vào làm việc ở cơ quan nhà nước.
Vậy mà từ trước tới nay, người ta vẫn phủ nhận không hề có việc “mua
quan bán chức” mới là lạ ! Mãi đến gần đây, ngày 18/11/2009, trong
khi trả lời chất vấn tại Quốc Hội, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn
mới chịu thừa nhận "chạy chức, chạy quyền còn tồn tại có lẽ vì còn
kẽ hở pháp luật"(4).
Vào được rồi, yên ắng trong thời gian đầu để tạo ấn tượng với cấp
trên, đồng nghiệp và từ từ đi vào cơ chế tham nhũng một cách đương
nhiên, “ai cũng ăn, mình không ăn thì sẽ bị cô lập ngay, khó làm
việc nếu không biết cách tìm nguồn để chia chát” và bản thân còn
phải thu hồi vốn đầu tư “chạy” việc trước đây nữa chứ, tất cả là
những khoản nợ phải thanh lý đồng thời gom góp tích lũy cho bõ !
Trong một xã hội mà thử thách của việc “chạy” đã bắt đầu như vậy thì
hỏi sao lớp trẻ lớn lên không tinh quái, xem việc tham nhũng, ăn hối
lộ là “chuyện thường ngày của huyện”. Hơn thế nữa, những người chung
quanh chúng, xã hội ở cấp nào cũng cần “bôi trơn” thì tâm sinh lý
của trẻ thơ khi trưởng thành sẽ như thế nào… đem việc học chống tham
nhũng vào nhà trường như sáng kiến đột phá của PTT kiêm bộ trưởng
Giáo dục và đào tạo liệu sẽ có hiệu quả ? Câu chuyện ăn của đút lót
tại nhà quan chức từ nhỏ đến to thường xuyên xảy ra trong gia đình,
trên bàn cơm, tách trà trong câu chuyện của người thân hàng ngày thì
vấn nạn nầy--- đâu còn là câu hỏi vu vơ, lên án là nội xâm hay tiêu
cực---đập vào mắt con trẻ , sự giả dối giữa lời nói và việc làm ấy
của những người lớn biến thế hệ trẻ thành nạn nhân vô ý thức hay vô
cảm trước mọi tệ nạn “xấu xa” của xã hội…
Có người nói tham nhũng đã trở thành hệ thống chứ không dám thừa
nhận rằng “hệ thống” là môi trường cho những con virus tham nhũng
đục khoét, ẩn núp an toàn ? Lỗi là do lòng tham ư, tiền lương không
đủ sống là cách lối biện hộ đã lỗi thời...Có thể là như vậy ở một số
trường hợp đặc thù, còn hầu hết là không như thế, chẳng vì thiếu ăn,
thiếu mặc, cứ nhìn vào những quan chức béo ụ, nhà cao cửa rộng, con
cái du học bên Mỹ, bên tây thì hẳn rõ. Đám người nầy không những
theo tâm lí bầy đàn do thói “ăn quen” mà còn bị kích thích bởi một
tư duy hưởng thụ, làm giàu bất cứ phương tiện, quyền lực có sẵn
trong tay, được tập thể “bao che” kín kẽ vì là đây là ăn cắp, tham
nhũng tập thể, một đặc thù của cơ chế hành chính công ở nước ta.
"Đám
cưới chuột" - bức tranh dân gian phê phán nạn tham nhũng xưa
(Ảnh: phapluan.net)
Người Nhật phân tích khi thấy đèn đỏ ở ngã tư đường, một mình thì
chẳng ai dám, vượt theo hai người cùng lúc thì cảm giác phạm tội còn
½ nhưng nếu đi ba người, cùng phạm lỗi thì chẳng còn ai bị lương
tâm cắn rứt. Nhìn vào những sự kiện tham nhũng bị tố giác gần đây,
chúng ta có thể hiểu Huỳnh Ngọc Sĩ đâu thể “ăn” 2.43 triệu đô la một
mình, Lê Đức Minh
(5)
(con trai thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy) không thể
nhận 12 triệu Úc kim mà không chia chác cho ai , cho nên sợ “bứt dây
động rừng”, tìm cách xử nhẹ nhàng bằng một tội danh khác để đánh
tráo là điều dễ hiểu. Đã có biết bao nhiêu vụ án “đầu voi đuôi
chuột” như vậy !(6)
Mặc cho lãnh đạo Đảng và Nhà Nước gào thét chống tham nhũng, xây
dựng luật lệ, bộ máy chống tham nhũng do thủ tướng chính phủ đứng
đầu trong mấy năm qua…vụ việc tham nhũng vẫn tràn lan, chỉ có 2%
người được hỏi ý kiến cho rằng Tòa án “đã xử đúng người đúng tội” và
tới 73% cho là “xử lý chưa hết và không kiên quyết ! Trong những vụ
án được xét xử thì có đến 37 % tội phạm được hưởng khoan hồng,
lãnh án treo hay giảm án vì nhân thân, thành tích ! Theo PGS-TS Đặng
Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng, có
tới 86% ý kiến cho rằng tham nhũng thường xảy ra trong lĩnh vực quản
lý đất đai, 85% là trong lĩnh vực dự án, công trình xây dựng, 39%
trong điều tra, xét xử thi hành án; kế đến là cấp phép, thuế, lệ
phí, quỹ... (7)
Tại sao các nhà lãnh đạo Đảng, Chính Phủ, Quốc Hội đều phát biểu bày
tỏ quyết tâm chống tham nhũng, hà lạm của công nhưng khuynh hướng
tham nhũng ngày càng tinh vi phát triển đến mức táo tợn ?.
Tham nhũng làm giàu bằng quyền lực và chức vụ không phải là điều lạ
lùng gì, hầu như nước nào cũng có nhưng cái nổi bật của tham nhũng
trong xã hội VN ngày nay là tính tập thể, cả “cộng đồng” cùng phạm
pháp , nói khác đi là ngày nào cơ chế nuôi dưỡng tham nhũng trong
chế độ chưa được ngăn chận thì tệ nạn tham nhũng mỗi lúc một nặng
nề, là nổi khổ mà người dân phải gánh khi gõ cửa
Người
vi phạm giao thông móc bóp lấy tiền bỏ vào thùng xe của CSGT
bệnh viện, trường học và nhất là cửa quan, cố tình bày ra nhiều thủ
tục nhiêu khê, thay đổi liên miên để tham nhũng ! Thậm chí hiện
tượng “chạy” bằng khen, huân huy chương, “chạy” án
(8),
“chạy” giấy phép hạn ngạch xuất nhập khẩu
(9),
miễn trừ thuế
(10) .là những chuyện quá bình thường, sá gì học hàm
GS, PGS hay học vị như đã nói
(11),
hoặc giấy chứng nhận “di tích”, “làng văn hóa”….cũng được “bán” để
địa phương quảng bá, triển khai dự án kêu gọi đầu tư, du lịch. Còn
“chạy” mánh, “chạy” dự án, “chạy” và hà lạm vốn vay ODA của nước
ngoài, “chạy” giấy phép lập trường(12)
lập bệnh viện…tốn tỉ tỉ là chuyện râm ran khắp đó đây.
Thế mà các quan lớn nhà ta vẫn ngây thơ tra vặn “bằng chứng đâu” để
tránh oan sai cho cán bộ(đảng viên), rằng “phải xử đúng người đúng
tội”(12).
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng ngày
19/11/2009 - Ảnh: TTXVN
Ngày nào mà tuổi thơ không còn chứng kiến cảnh cha mẹ “chạy” bệnh
viện, “chạy” trường, “chạy” lớp và “chạy” thầy cô, không còn thấy
người thân nhận phong bì của ai đó đến cống nộp cửa sau ngay tại nhà
thì may ra…nạn “chạy” nầy sẽ trở thành câu chuyện ngày xửa ngày xửa
thời quan huyện phong kiến cai quản xã hội…Nhận thức về tệ nạn tham
nhũng qua phát biểu của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tại Hội Nghị
Việt Kiều vừa qua cho thấy một khoảng cách khá xa về nhận thức nếu
so với thực tế mà người dân phải chịu đựng ! Có phải “vì số dư”
trong ngân quĩ nên động làm tham mà thôi ?*
Nếu hiểu “tham nhũng” chỉ như thế thì….hời hợt biết bao !
(14)
Làm sao diệt được đây hở trời ? Trong khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng dõng dạc tuyên bố tại Hội nghị các nhà tài trợ vào ngày
3/12/2009 rằng “Các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam xử lý
nghiêm minh, đúng người đúng tội, có tính giáo dục răn đe cao” ! mặc
dù nhiều vụ án tày trời như PCI, tiền Polymer, PMU 18…vẫn còn đó. Sự
băng hoại về đạo đức đã phát sinh khắp nơi từ gia đình, nhà trường…
(15)
và cả xã hội, mọi người buộc phải “biết điều” qua nhiều hình
thức lót tay, hối lộ đáp ứng những vòi vĩnh, ức hiếp và tham nhũng
của hàng ngũ cán bộ quan chức quản lý nhà nước địa phương cũng như
trung ương (16)
liệu đã có thuốc chữa?
Thật đáng buồn khi hình ảnh một nhà nước cách mạng “do dân, vì dân,
của dân” còn quá xa vời với những gì đang diễn ra trên thực tế …(17)
Mọi
người còn phải “chạy” cho đến khi nào ? Khi phải “chạy” thì
niềm tin sẽ rơi rụng và trở thành oán hận mỗi lúc rơi vào cảnh “tiền
mất tật mang” vì không phải cuộc “chạy” nào cũng thành công…do ở
giữa đường vẫn còn nhiều “cò ma” bu quanh săn đón và lừa gạt !
Hồng Lê Thọ
tháng 12/2009
*trường hợp nầy gọi là “thụt két” hay “hà lạm” chứ không gọi là
“tham nhũng”
Chú thích:
(1)”Không thể chần chừ trước những tiêu cực ở bệnh viện”
http://vietbao.vn/Xa-hoi/Khong-the-chan-chu-truoc-nhung-tieu-cuc-o-benh-vien/30192875/126/
“Tiêu cực tại bệnh viện K: Bệnh nhân phải “chạy” để được điều trị”
http://www.tinmoi.vn/Tieu-cuc-tai-benh-vien-K-Benh-nhan-phai-ldquochayrdquo-de-duoc-dieu-tri-0740890.html
(2)”Chuyện phong bì ngày 20/11”
”Ngày 20/11, dường như đã thành một thói quen "văn hóa", nhiều
phụ huynh ở Hà Nội lại chọn chiếc phong bì "nhẹ nhàng mà hiệu
quả" để tri ân thầy cô. Tuy nhiên, vẫn có không ít nhà giáo dị ứng
với món quà "tôn sư trọng đạo này"...
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=178071&ChannelID=73
(3)Bác sĩ trẻ: Làm không công chờ biên chế
http://www.tienphong.vn/tianyon/Index.aspx?ChannelID=4 và
http://www.trt.vn/tabid/58/itemid/614/categoryId/0/type/1/Default.aspx
(4)Bộ trưởng Nội vụ:”Khó chấm dứt chạy chức quyền vì người chạy
có báo đâu'
http://vietnamnet.vn/chinhtri/200911/Kho-cham-dut-chay-chuc-quyen-vi-nguoi-chay-co-bao-dau-879528/
(5)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090523_securency_allegations.shtml
và
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090526_polymer_new_revelations.shtml
http://vietnamnet.vn/chinhtri/200912/To-bang-con-voi-xu-ly-bang-con-kien-882528/
(8)"Quan tòa chạy án"
định chia tiền hối lộ cho Công an
http://baiviet.phanvien.com/2008/6/28/quan-toa-chay-an-dinh-chia-tien-hoi-lo-cho-cong-an.html
Bắt quả tang một phó chánh án đưa hối lộ chạy án
http://dantri.com.vn/c20/s20-336701/bat-qua-tang-mot-pho-chanh-an-dua-hoi-lo-chay-an.htm
(9)Thứ trưởng thương mại Mai Văn Dâu: Cả nhà cùng tham nhũng
http://www.maiyeuem.net/vtopic127924.html
http://www.laodong.com.vn/EventList.aspx?EventID=113
(10)”Cán bộ thuế đòi 'lót tay' 100 triệu đồng”
http://ngoisao.net/news/hinh-su/2009/09/3b9cbbed/ và
Hải
quan đã được bồi dưỡng, vẫn vòi tiền "lót tay"
http://vietbao.vn/Kinh-te/Hai-quan-da-duoc-boi-duong-van-voi-tien-lot-tay/10727687/87/
Doanh nghiệp bị "móc túi" ở cửa khẩu
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=162388&ChannelID=3
Mua hóa đơn đỏ cũng phải “lót” tay?
http://www.sggp.org.vn/nhipcaubandoc/ykien/2008/6/154225/
(11)Luận án tiến sĩ: 'Lễ bảo vệ' hay 'lễ thông qua'? ngày 25/12/2006
http://www1.vietnamnet.vn/giaoduc/2006/12/647550/
xem thêm
”Ngộ nhận hay cố ý về “Tiến Sĩ”
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/ngonhanhaycoy.htm
Cải cách hành chính & Rừng Tiến Sĩ
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/caicachhanhchinh-rungtiensi.htm
http://vietnamnet.vn/giaoduc/200910/Mo-truong-dai-hoc-phai-lot-tay-2-ty-874127/
và
“Lót tay mới được vay vốn”
http://www.tinmoi.vn/Lot-tay-moi-duoc-vay-von-1075828.html
http://tag.tinmoi.vn/l%C3%B3t-tay
(13)"Vụ PCI phải
xử đúng người, không bỏ sót tội"(19/11/2009)
http://www.baomoi.com/Home/ThoiSu/tuoitre.com.vn/Vu-PCI-phai-xu-dung-nguoi-khong-bo-sot-toi/3516845.epi
(14)Báo Singapore: Mọi chuyện ở Việt Nam đều xong xuôi nếu được trả
đúng giá
http://www.vietnetcenter.com/content/view/14043/57/
(15)Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện để báo chí chống tham nhũng
http://vietnamnet.vn/chinhtri/200912/Thu-tuong-Tao-moi-dieu-kien-de-bao-chi-chong-tham-nhung-882300
(16)”Đồng ý cho ông Nguyễn Văn Lâm thôi chức phó chủ nhiệm VP
Chính phủ”
http://www.tin247.com/dong_y_cho_ong_nguyen_van_lam_thoi_chuc_pho_chu_nhiem_vp_chinh_phu-1-21333880.html
và
“Cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối mặt tội tham ô” & tin
liên quan http://www.tin247.com/cuu_pho_chu_nhiem_van_phong_chinh_phu_doi_mat_toi_tham_o-6-21372148.html
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Gio-Thu-25/Nguyen-Pho-Chu-Nhiem-Van-Phong-Chinh-Phu-Sap-Hau-Toa.html
http://www1.thanhnien.com.vn/Xahoi/2007/9/18/209173.tno
(17)MÃI LỘ Ở CỬA NGÕ TPHCM “Tiền tươi” qua trạm”
http://www.nld.com.vn/20091208125151613P0C1002/tien-tuoi-qua-tram.htm
CSGT
dùng tay phải kẹp tiền vào sổ biên bản tay trái đưa lại sổ lưu hành
cho tài xế |